Thursday, April 1, 2021

Phố, Đêm, Mưa - Phạm Việt Hùng

 

Phố, Đêm, Mưa




 

1.

Những ngày này, bởi ảnh hưởng của liên tục những cơn bão ngoài Trung, Sài Gòn mưa liên lỉ, hết cơn lớn, ào ạt trút nước lại đến cơn nhỏ lâm râm kéo dài. Tôi đành bó gối ngồi nhà, bởi ngại mưa gió nên cả những công việc cần thiết phải đi – trong đó có đi bộ ở công viên, cần cho việc trị tiểu đường- cũng đành bỏ qua hay gác lại, nói gì đến chuyện đi chơi, ra quán quen gặp bạn già tán gẩu… Càng nên ít ra đường, đến nơi công cộng còn vì  ‘giãn cách xã hội’ có mức độ vẫn còn cần thiết bởi Covid19 chỉ lắng xuống, chưa hề kết liễu. Đành xa cách, vắng mặt đối với phố phường thân quen.

Vâng, trước mùa bão tháng 10, nghĩa là chỉ mới nửa tháng trước, khi ‘giãn cách’ bởi dịch bệnh được nới lỏng, mọi người dù có nghiêm chỉnh mang khẩu trang hay không vẫn có thể ít nhiều thong dong ra phố, từ ngoại ô vào nội thành và ngược lại, hay từ Sài Gòn đi các tỉnh… Giờ đây, đến lượt thời tiết mưa gió lì lợm kéo dài cũng gây ‘giãn cách’ chẳng vui vẻ gì hơn dù chỉ bó buộc, hạn chế về không gian giữa con người với nơi chốn con người muốn lui tới hơn là ‘giãn cách’ xã hội, tức giữa người với người để phòng dịch lây lan trong cộng đồng.

Đêm nằm thao thức, nghe tiếng mưa rơi ngoài trời khi thì vang rền khi thì khẽ khàng buồn thiu. Lại chạnh nghĩ đến bão lũ tàn khốc vửa qua đã gây nhiều tang thương, mất mát cho bà con các tỉnh miền trung Trung bộ.

Trời đã khuya, văng vẳng tiếng hát karaôkê bên nhà hàng xóm:“Ðêm khuya mưa rơi rơi trên đường vắng/ Ðôi chân lang thang tâm tư trầm lắng…” . Mặc cho cái giọng nam trung thô thiển rớt nhịp hoài của anh hàng xóm, tôi vẫn bàng hoàng bởi từ thời trẻ trai đã thích dòng rumba/boléro đơn sơ, không cầu kỳ mà thật dễ mến của Văn Phụng. Và lúc này, đang đêm mưa buồn lại tình cờ được nghe bài ‘Giã từ đêm mưa’ với nhạc điệu khoan thai mà đầy níu kéo của ông nữa thì thật hạnh phúc.

2.

Xưa nay trong văn học nghệ thuật, từ một mẫu minh họa cho tập thơ, cuốn truyện cho đến khuôn hình trang trí bìa một bản nhạc, thường hay có hình ảnh phố đêm – những con đường, những góc phố vắng lặng không bóng người. Và, như các tác giả thường đươc gợi cảm hứng hay chọn làm nguyên mẫu, đó thường là thành phố Sài Gòn thân quen.

Bởi được thể hiện trong văn chương nghệ thuật nên những “văn ảnh” phố phường này luôn có cách điệu. Trước hết là có mưa – mưa nhẹ nhàng, lướt thướt thôi cho thêm phần buồn bã cảnh đường phố ban đêm. Kế đó, trong văn ảnh thường là những con đường nhỏ, hẹp hay ngõ hẻm lụp xụp, nhà cửa cũ kỹ, mộc mạc thôi chứ không cần thiết là đại lộ nguy nga, cao ốc hào nhoáng. Đôi khi, như trong ca từ bản ‘Phố đêm’ (Phạm Đình Chương), lãng đãng có “ánh đèn vàng hắt hiu” – ánh sáng vàng vọt, yếu ớt, thê lương mới phù hợp chủ đề về phố mưa buồn, phù hợp với chính hình ảnh rất quen nơi các tờ nhạc in ngày trước: chàng nhạc sĩ nghèo, cây guitar cũ mang trên vai, lầm lũi bước đi dưới ánh đèn đường. Chứ phải nói là xa lạ, lạc điệu là loại ánh sáng ngày (day light) trắng toát của đèn néon cao áp chiếu sáng các đại lộ, cầu bắt qua sông, giao lộ hay vài đoạn xa lộ đi qua khu phố, thị trấn.

3.

Nhớ thời trẻ trai, tôi vẫn lo học hành đàng hoàng nhưng do có phần bắt chước ‘nghệ sĩ tính’ từ các đàn anh ban C, nhiều bận tôi đã cùng nhóm bạn thân rong chơi phố phường, luôn cả vào giờ giấc rất khuya muộn. Cả bọn thích lang thang ở những con phố đêm vắng lặng không bóng người. Có lúc gặp phải lịnh giới nghiêm, cả bọn vẫn lì lợm, lang thang đến sát giờ còi hụ mới chịu quay về. Hay nếu có mưa nhẹ, lất phất trên đầu thì càng thú vị, đến nổi đứa nào có đem theo áo mưa cũng không lấy ra mặc vào khi mưa đã rớt hột. Có khi đang chạy honda ngoài đường, trời đang tạnh ráo bỗng mưa kéo đến, gió nổi lên rào rạt cùng sấm chớp ì ầm, cả bọn lại thích chí cười vang, kể cả các cô bạn ngồi yên sau cũng vui hẳn lên. Nỗi phấn chấn, hứng khởi kỳ cục khi nhận được những giọt mưa đầu tiên rơi xuồng mặt!

Đến thời tốt nghiệp, ra trường, đi dạy học, đi làm báo, lãnh lương thì bù khú chút đỉnh với anh em. Nhớ có lần tình cờ gặp lại bạn thân ngoài phố là dẹp hết mọi bận tâm hay kế hoạch trong ngày, kéo nhau ‘tấp’ đại vô một quán nhậu, sạp nhậu xập xệ lạ hoắc thấy trên vỉa hè ngay lúc đó. Quán chỉ có rượu đế, rượu thuốc cùng cóc ổi, đậu phộng…, cũng chẳng hề kén chọn, cứ mãi miết vừa ‘xây tua’ vửa hỏi thăm nhau tin tức bạn gần bạn xa, đứa này đứa khác. Rồi cơn mưa chợt đến, tấm bạt che mưa cũ rách chẳng ra trò trống gì, mưa dột mưa hắt làm ướt đẫm cả tóc, cả lưng mấy gã bợm ké né ngồi đó. “Tữu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, anh em bạn bè vẫn tỉnh bơ nâng ly, chén tạc chén thù. Có điều cũng lạ, cũng ngộ là ai nấy dù uống nhiều, uống liên tục như thế nhưng chưa lần nào có ai say gục đến phải nằm lại tại chỗ. Nhậu đã đã mà trời còn mưa thì cả bọn kéo hết vào một quán cà phê.

Cứ như mưa trời chẳng những không có vẻ gì gây khó dễ băng nhậu tri kỷ này, ngược lại còn góp vui, góp phẩn giúp bữa nhậu ‘tao ngộ chiến’ càng tăng thêm phần hào hứng, thú vị. Lúc này nếu tình cờ hay ho là mượn được cây guitar, chắc chắn sẽ có bạn đòi tên nào đó hát cho nghe hay tự hát luôn những ca khúc  rumba/boléro, những nhạc phẩm cùng nhạc sĩ theo ‘gu’ riêng của bọn tôi, cũng đẫm nước mưa hay đẫm… rượu đế, như:  Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (Phạm Đình Chương phổ thơ Hoàng Anh Tuấn), Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ), Trăng tàn trên hè phố (Phạm Thế Mỹ), Giã từ đêm mưa (Văn Phụng), Phố đêm (Phạm Đình Chương), Những bước chân âm thầm (Y Vân), Mưa đêm ngoại ô (Đỗ Kim Bảng)… Và chắc chắn cả bọn sẽ không bỏ qua nhạc Trịnh Công Sơn, trong đó có bài tuy không phải rumba/ boléro nhưng ‘trứ danh’ là ngay ở câu đầu đã nhắc luôn tới mưa: “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ” (Diễm xưa), hay “Em đứng lên gọi mưa vào hạ” (Gọi tên bốn mùa).

Phố. Đêm. Mưa. Ba yếu tố ngoại cảnh thân quen đã góp phần làm nên bao kỷ niệm sâu sắc cho thời học sinh lớp tú tài cùng thời sinh viên thư-sinh-mặt trắng chúng tôi. Cái thời bọn trẻ tóc còn xanh nhưng đã không khỏi già háp bởi những trăn trở, thao thức về thân phận trong cuộc chiến kéo dài, nhưng vẫn có lúc mơ mộng, có lúc hát ca, có lúc là những đêm mưa dịu dàng, bạn bè cả đám đã cùng lang thang, chạy xe chầm chậm, vô định qua những con đường im vắng của Sài Gòn…

 

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)

(Tháng 10 bão lũ)

304Đen – llttm - tvvn

No comments: