Thursday, April 1, 2021

Sầu Đi Buồn Ở Lại - Thuyên Huy

 

Sầu Đi Buồn Ở Lại

Viết từ một phần của một câu chuyện thật, thay đổi bối cảnh và tên người





      Xong bữa ăn trưa, từ trong cái hẻm nhỏ bên cạnh rạp Casino vừa ra đầu ngõ, nhìn xuôi nhìn ngược, dợm bước đi, mưa bất chợt đổ xuống ào ào, cơn mưa đầu Thu, không lớn, làm một cái rào rồi ngưng, mới nắng rực vàng “hừng đông le lói” đó lúc sáng sớm rồi mưa hồi nào không hay, Sài Gòn vẫn vậy, vẫn là Sài Gòn của nắng mưa bất chợt. Còn nấn ná chưa đi thì chị thư ký, chắc cũng đi ăn đâu đó về, tay cầm hờ tờ báo che đầu, mưa còn chút xíu lất phất nhẹ như bụi, vừa vẫy tay gọi vừa băng qua đường, Hiển gật đầu chờ, cùng nhau trở lại văn phòng. Xế giữa trưa nắng lại rựng sáng lên, gió đẩy gió đưa từng lớp lá me Thu vàng úa nhỏ nhoi mảnh khảnh, đong đưa đuổi nhau, lửng lơ bay ngập trời, suốt con đường hẹp Lê Thánh Tôn chật nức người, tiếng cười tiếng gọi.

    Chưa kịp đọc hết tin tức trang đầu tờ Chính Luận, tiếng chị thư ký nói nhỏ ngoài cửa có khách, sáng nay ông luật sư thầy đở đầu tập sự cho Hiển, bận ngoài tòa án, chuyện còn lại nhất là những vụ nhỏ nhặt, gần hơn một năm tập sự, thường thường như hàng ngày, ông đều giao cho anh lo, có gì khó thì nhận rồi ông giải quyết sau. Đứng lên, sửa lại quần áo cho có chút ngay ngắn, thong thả tới mở cửa, nép chờ một bên, người con gái nhìn lên, thảng thốt buột miệng “anh Hiển”, vẫn còn đứng ở cửa chết trân, Hiển lặng người ra, rồi làm dấu cho cô nàng đi vào trước, theo sau bổng dưng thấy đau nhói buồn buồn, nhẹ giọng “đã lâu rồi không gặp”.

*

    Nhà Hiển nghèo, quê tận dưới An Tịnh Trãng Bàng, mẹ mất sớm, từ ngày Hiển học lớp Nhì tiểu học, ba ở vậy một mình, ông có tật chân phải, đi đứng hơi khập khiểng, không khó khăn lắm nhưng chậm, nuôi con bằng tiền lương đủ sống của công việc sắp bao bố, gom góp gạo rớt rơi rớt rải, quét dọn, lau chùi máy móc tại cái nhà máy xay lúa lớn trong chợ quận, cuộc sống không khá nhưng cũng vừa đủ ngày hai bữa cơm, chút rau miếng cá.

    Hiển thi đậu, lên học Đệ Thất trường tỉnh, nhờ một người dì bà con xa ở miệt Thạnh Phước giới thiệu, ba gởi Hiển lên ở trọ tại nhà một ông cựu trưởng ty của tỉnh, đã hưu trí từ lâu, nằm ở ngã tư, trên dốc đường xuống trường trung học, chỗ này có hai anh lớn và người cháu của bà dì đang ở, học trên lớp Hiển mấy lớp, trong nhà cũng có hai người con của ông học cùng trường, Phong, người em cùng lớp Đệ Thất với Hiển, người anh học chung lớp với cháu bà dì ở Thạnh Phước. Có hai cha con, ngày nào còn hủ hỉ ra vô với nhau, tối lửa tắtđèn, giờ thì mỗi người một nơi, ba thì thương lo cho con, tội nghiệp thân nhỏ nhoi quá, lo ngày lo đêm, lo trời trở gió lo mưa lạnh giữa đêm, con thì xa nhà, nhớ nhà, nhớ ba, đêm nằm khóc thúc thít, mớ gọi ba hởi ba ơi cả mấy ngày đầu, nhờ có Phong, chơi qua chơi lại, ở trường ở nhà, ra sân ra vườn, bắn bi đánh đáo nên dần riết rồi quen lần, bớt buồn nhưng vẫn nhớ nhà, dù cái nhà của Hiển lớn hơn cái nhà để xe hơi của ông trưởng ty không bao nhiêu.

    Sau nhà ông trưởng ty, vườn cây vú sửa rậm lá, bên cạnh nhà để xe có một khoảng sân xi măng rộng và cái giếng nước, chiều chiều cả đám, lớn nhỏ ngồi tán dốc chuyện trời trăng mây nước, ngồi ngó qua phía bên cái nhà đâu lưng, cũng có khu vườn sau rộng, hai ba cây Phượng già bao quanh giàn hoa Giấy đỏ, cách ngăn bởi dãy hàng rào kẽm gai cao khỏi đầu người, ngó quanh ngó quẩn mong nhìn thấy đứa con gái học cùng lớp với hai thằng nhóc Hiển và Phong, hái hoa bắt bướm đâu đó sau vườn. Căn nhà đó, mặt tiền ngó ra đường khác, của một gia đình có tiệm buôn xe gắn máy Honda, Suzuki... lớn trong chợ Long Hoa, khá giả, bên đó có hai anh em, cũng học trường tỉnh, cô em gái tên Ngọc Diệp cùng Đệ Thất với Hiển và Phong, khá xinh khá đẹp, nhất là nốt ruồi son làm duyên trên mi mắt trái, mà hai thằng thường lẻo đẻo theo sau trên đường, sáng tới trường hay chiều về tan học.

   Hai thằng đi theo sau, riết rồi cũng làm quen được, quen rồi chơi thân từ cuối năm Đệ Thất, nhiều lần theo Phong qua bên nhà Ngọc Diệp, ba mẹ cô hiền lành, tử tế, ông anh cũng hiền khô, cười vui dễ mến, có vẻ chịu Hiển, “cứ một thằng Hiển hai thằng Hiển” này kia. Ngọc Diệp, ngày chưa quen xem ra “chân son gót tía” làm bộ làm dáng nhưng ngày qua ngày lại, giờ thì nói cười luôn miệng “bình dân thiên hạ”.

    Cứ như vậy, ngày tháng tuổi học trò, sân trường, lớp học, Phượng hè đỏ Thu lá vàng, bốn mùa xuân đông thu hạ, đường đi về có nhau, không còn người sau người trước, hai cậu một cô cứ thế mà mỗi một năm học qua là mỗi một năm kỷ niệm thêm nhiều hơn trước dù chỉ là vụn vặt, mớ kỷ niệm đó lớn dần theo tuổi biết buồn, tuổi biết mình ngấp nghé sắp làm người lớn, và cũng từ đó, mến thương, nhớ nhung, vấn vương bất chợt làm Hiển thấy lòng mình nao nao, xôn xao gì đó khi nhớ tới Ngọc Diệp, nhớ đến nổi có nhiều đêm trằn trọc, trở mình mong sao cho trời mau sáng. Lòng mình thì vậy, không biết Phong thì sao, có nhiều lần Hiển thấy trong giờ ra chơi, Phong thường xem ra thẩn thờ đứng nhìn qua bên dãy lầu lớp con gái. Dạo đó, đôi lúc vui miệng, buổi chiều ngồi nhìn qua bên kia vườn, hai người cười cười, ngó mong ngó ngóng chờ thấy cho được bóng dáng Ngọc Diệp đâu đó vẫy tay chào, rồi đẩy đưa qua lại “cho mầy cho tao”.

    Giữa năm Đệ Tam, mấy anh lớn, có người cháu của bà dì ở Thạnh Phước, rời trường, người vào lính người xuống Sài Gòn học lên, không còn ai ở đó nữa, Hiển cũng dọn tới ở chung với mấy người bạn cùng quê, tại xóm nhà thiếc, bên này đường ngó qua ngôi nhà ngói cũ, có cây xoài già um tùm ở một góc cái sân rộng lớn, chỗ ông thầy dạy Đại Số lớp Hiển và hai ba thầy khác từ Sài Gòn lên ở, cách ngã tư nhà Phong, Ngọc Diệp con đường quen. Rồi cũng vẫn nói cười bên nhau, tuy Phong không còn chung lớp, vì anh ta chọn theo ban A, Hiển bên lớp ban B, vẫn cứ tụm ba tụm bốn đi về, nhưng lối rẽ chia tay sớm, Hiển ngược hướng nhà mình trọ, thấy buồn thấy lo, lo gì sao khó nói, hai người kia cũng là lối cũ, ngõ xưa.

    Hè cuối năm dài hơn mấy năm trước và cứ muốn trở lại trường sớm, Hiển sợ sẽ vuột mất cái gì đó, cái gì đó là anh đã yêu Ngọc Diệp thật rồi, nhưng biết làm sao nói ra. Vào học trở lại không lâu, sau nhiều đêm ngày đắn đo, anh viết lá thư ướm lời tạm đủ trang giấy, nhờ Phong đưa lại giùm, buổi chiều chia tay chỗ xế ngã tư, Hiển ngại ngùng, hồi hộp đứng nhìn lại từ xa, Phong nói gì đó với Ngọc Diệp, cô nàng cười, tiếp tục đi, anh quay nhìn Hiển, đưa tay làm dấu “được rồi” nhưng không thấy cầm lá thư, Hiển đứng chờ hai người đi khuất sau hàng cây Sao cao, nhìn mông lung, lửng thửng về. Mấy ngày sau đó cũng chờ nhau tới trường, cũng chuyện xưa tích cũ, Ngọc Diệp cười nói như thường ngày, không biết có đọc thư chưa, Phong không nhắc gì tới lá thư và Hiển cũng không hỏi lại, thôi cứ để “sông trôi đời sông suối trôi đời suối”.

*

    Đậu Tú tài Một, Ngọc Diệp không học tiếp mà xuống Sài Gòn vào Quốc Gia Sư Phạm. Năm sau cả hai đậu Tú tài Hai, Phong vào trường Dược, Hiển ráng trường này trường kia nhưng không khá, cuối cùng chui vào cả Văn khoa, Luật khoa kiểu “bắt cá hai tay”, mất cái này còn cái kia, năm đầu qua được cả hai nhưng rồi bỏ Văn, chí thú “một mất một còn” với Luật với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”. Năm đầu ở Sài Gòn, tuy không tụm hai tụm ba như những ngày còn học trung học, đi về có nhau, nhưng cả ba cũng gặp nhau dù không thường lắm, cũng ngồi quán nhạc cũng dạo phố chiều, người xuôi kẻ ngược. Suốt năm này Hiển vẫn nhớ lá thư gởi cho Ngọc Diệp, nhưng không lần nào hỏi lại, Phong cũng không có lần nhắc tới.

    Ngọc Diệp tốt nghiệp, chắc là học khá, đậu cao nên may mắn chọn về dạy tại trường tiểu học tỉnh nhà, và từ những ngày sau đó, Hiển ít khi về tới Tây Ninh, vã lại trên đó đâu còn ai, đám bạn cũ có thằng tự bỏ đi, có thằng buộc phải đi vì phần số “học tài thi phận”, cũng vài lần cuối tuần không chịu nổi, nhớ mà nén lòng không nén được nên vội vã đón xe đò sớm lên tỉnh rồi vội vã về, ghé qua gặp Ngọc Diệp, gọi là hỏi qua hỏi lại chuyện bây giờ, nhắc vài chuyện cũ rồi thôi, cô nàng cũng vậy, có cho biết thường gặp Phong hơn mỗi lần về tỉnh, vậy rồi thôi, từ giã ra về, hẹn gặp lại, Hiển cũng chưa nói ra được nổi lòng, thân phận nhưng anh hy vọng những gì trong lá thư xưa có lẽ cũng đủ rồi.

    Một chiều nắng đầu hè, sau những ngày thi năm thứ ba, nắng không nắng lắm nhưng trời nóng, oi bức, trên gác trọ loay quay sắp vài thứ lặt vặt cho sáng mai về Trãng Bàng vài hôm, thì Hoàng đến tìm, anh bạn chơi thân cùng lớp cả Hiển và Phong, quê ở Trâm Vàng, thi đậu, Hoàng vào lính Võ Bị Đà Lạt, ra trường chọn binh chủng Dù, đóng quân đâu đó ngoài vùng 2, được phép về thăm nhà mấy ngày, trên đường chờ trở lại đơn vị ngày mai, ghé thăm vì cũng khá lâu không gặp, hai người kéo nhau ra cái quán cơm bình dân đầu đường Trần Bình Trọng ăn cơm chiều, ngồi nhắc chuyện mầy chuyện tao, chuyện giảng đường sách vở chuyện áo trận giày sô, anh cho biết cũng có tới thăm Phong bên cư xá Nguyễn Văn Thoại, và Phong báo tin anh ta và Ngọc Diệp sẽ cưới nhau sau Tết năm nay, mời Hoàng về dự cho vui. Hiển ngớ người ra, bổng dưng tim đau nhói, có lúc tưởng như ngừng đập, không nói được gì hơn hai tiếng “vậy sao”, mắt cay xé, trời bổng dưng lạnh buốt dù ngoài kia, ngoài kia vẫn còn gay gắt những tia nắng vàng muộn trên đường.

    Trước ngày nghĩ Tết, Phong tới, buổi sáng, báo tin, đưa cho Hiển cái thiệp cưới màu hồng tươi, dặn dò một hai anh phải có mặt, trước khi về Tây Ninh, Hiển cười chúc mừng nhưng cười trong xót xa, quặn thắt, chuyện qua chuyện lại nhưng lần đầu Hiển nói toàn chuyện không đầu không đuôi, trong đầu ẩn hiện lá thư năm nào, Phong thản nhiên “mầy tao” như ngày xưa và có lẽ không màn biết làm gì, cái thiệp cưới không nhiều chữ nhưng tên Phong, Ngọc Diệp là câu trả lời cho những chữ yêu trong lá thư mà Hiển đã một lần nắn nót hy vọng một ngày, như vậy đủ cho anh quên và phải quên từ đây, Phong về rồi, Hiển để thiệp cưới trên bàn học, nghèn nghẹn khóc một mình. Hiển không về dự đám cưới như đã hứa, nhờ mấy thằng bạn cùng đám nhắn vì một lý do không có thật là ba anh bị bệnh nặng, phải lo săn sóc ông ở bệnh viện quận, Hoàng thì đã nằm xuống ở chiến trường cao nguyên khi tuổi đời vừa quá hai mươi. Qua Tết, vào học lại, hai người không thường gặp nhau nhiều, thứ bảy chủ nhật Phong không còn nấn ná ở Sài Gòn mà về tỉnh với vợ, hình như chuẩn bị mở tiệm thuốc Tây, Hiển cũng chưa có lần lên đó và cũng từ đó Hiển chỉ về tới Trãng Bàng.

*

     Xếp hồ sơ lại, giấy tờ ly dị, hẹn tuần tới, cầm trên tay, Hiển đưa Ngọc Diệp ra cửa, hơn một tiếng đồng hồ cả hai không nhắc gì chuyện cũ, ngoài vài câu hỏi qua hỏi lại “vô thưởng vô phạt” của ngày tháng hiện giờ, Ngọc Diệp ra đường, chần chừ xem ra muốn nói gì đó nhưng thôi, rồi bỏ đi, tới góc phố, cô nàng đứng trước cửa tiệm Giao bán dụng cụ thể dục thể thao, nhìn lại, Hiển cũng còn đứng trước văn phòng nhìn theo, một lần nữa vẫy tay chào rồi khép cửa, Ngọc Diệp vẫn còn đó, nắng xuống, gió từ bến Bạch Đằng lãng đãng lùa về, như ngàn cánh bướm be bé, từng chiếc lá me chờ nhau đong đưa bay theo trên đường, trời về chiều.

     Hiển trở vô phòng, kéo màn che nắng cửa sổ trên lầu, nhìn xuống ngã tư, nơi Ngọc Diệp đứng lúc nãy, cô không còn đó, nắng úa vàng từng vạt mỏng, lắc lư xuyên màn bụi thấp thoáng nhẹ bay trên vĩa hè. Ngồi đọc lại hồ sơ, hai vợ chồng, xin ly dị, mà cả hai người Phong, Ngọc Diệp tương thuận đồng ý, lỗi ở Phong ngoại tình và sống lén lút với người con gái khác, tài sản chia đôi, chưa có con, không tranh chấp nên không cần phải ra tòa, đứng lên nhìn xuống đường lần nữa, mọi thứ, của những ngày tháng cũ tưởng đã “chôn dưới mộ sâu”, chưa chịu mất, bổng dưng bừng dậy một lúc, cố xua đẩy nó xa nhưng càng cố bao nhiêu thì nó cứ như cơn lũ dữ ùa về gần, Hiển lắc đầu thở dài “chỉ là giấc mơ”.

    Hôm tới văn phòng nhận giấy tờ kết thúc hồ sơ ly dị, chờ chị thư ký tính toán lệ phí, ngồi trong phòng làm việc, Ngọc Diệp nói rất nhiều về đời mình sau ngày thành hôn với Phong, buồn nhiều hơn vui, chuyện ngày còn chung trường chung đường đi về, chuyện phố phường vụn vặt từ những ngày mới quen cuối năm Đệ Thất, Hiển chợt nghĩ một lần rồi thôi, bèn nhắc chuyện lá thư của hơn năm năm trước, Ngọc Diệp ngạc nhiên, dường như thật lòng, cho biết “cô đâu có nhận cái thư nào”, Hiển thở ra, lắc đầu cười “thì ra vậy, chỉ là mấy chữ từ giã thôi”, không nhắc tên Phong, ra về, có phần vui hơn lần gặp trước, Ngọc Diệp tay mân mê cái bao thư lớn đựng giấy tờ, nhìn xa xa ra đường nói nhỏ “anh Hiển viết gì trong thư đó vậy”, Hiển cười không trả lời, hai người hẹn sẽ gặp lại nhưng không ai nói khi nào và ở đâu.

*

      Trưa thứ bảy, ngồi một mình nhìn xuống khu chợ Hòa Bình trong quán cà phê Tùng, vừa tàn Hạ mà trời Đà Lạt đã trở lạnh sớm, nói thì nói chứ hình như ngày nào ở đây cũng lạnh, không ít thì nhiều, sương cứ mờ mờ nhạt nhòa “sương khói mờ nhân ảnh”, che mất nắng, dưới đó, xa xa ngoài hồ Xuân Hương, đường phố áo len đủ màu lên xuống lại qua, bỏ Sài Gòn, nơi đã sống một phần đời, buồn vui lẩn lộn, ra đây lo cho chi nhánh văn phòng của ông thầy, sau ngày chính thức trở thành luật sư cũng gần hai ba tháng, chọn nơi này, nơi Hiển bằng lòng nhận cho mình một chỗ đi tìm lãng quên ngày tháng cũ, thôi thì trả lại cho định mệnh để còn chút vui. Uống cạn chút cà phê cuối cùng còn lại trong ly, Hiển ra khỏi quán, khói thuốc như hơi sương man mác ra theo, trong máy hát tiếng người ca sĩ quen cũng vừa bắt đầu bài hát gì đó, Hiển đứng lại ở một góc đường dốc, nhặt cành thông nhỏ lẻ loi khô, ướt hơi sương, nằm một mình buồn thiu bên lề, vẽ hai chữ “vĩnh biệt” trong màn sương đục trước mặt, cành thông ngơ ngác vụng về gãy.




    *

     Ngọc Diệp ra khỏi cửa văn phòng, mắt cay xé, gói quà trên tay run rẫy, Hiển không còn đó, và cô thư ký mới cũng không biết anh hiện làm việc ở đâu, đứng rụng rời, thờ thẩn dưới mái hiên tiệm vải kế bên, trời chợt như tối sầm trước mặt dù đang giữa buổi sáng của một ngày lưng chừng Hạ, chiếc xe xich lô đạp ngừng vội bên lề, người đạp xe già ngó vào hỏi, Ngọc Diệp lắc đầu, ôm gói quà lên ngực, lủi thủi đi, đường vắng không có lá me bay, bật khóc.

Thuyên Huy  

Tháng giữa Hạ xứ xa 2021

No comments: