Thursday, April 15, 2021

Chuyến Đò Tốc Hành - Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Chuyến Ðò Tốc Hành

 (Chuyện xảy ra trước đây hơn mười năm. Tên những quán rượu và tên nhân vật do hư cấu, nếu trùng hợp, hoàn toàn ngoài dụng ý của tác giả.)

 


Tôi ngồi bó gối trong khoang đò tốc hành Sông Đốc – Cà Mau, nhìn đám người lố nhố bán buôn trên bến và những hành khách lần lượt xuống đò. Yến với Hằng đứng trước mũi, vai mang túi hành trang, đảo mắt ngó quanh quất tìm chỗ ngồi. Chợt thấy tôi, hai đứa cố chen lấn đám hành khách đi vô khoảng giữa để ngồi kế tôi cho bằng được. Cả ba lần gặp Yến và Hằng hoàn toàn do sự ngẫu nhiên, vậy mà hai đứa xem tôi như người quen thân từ lâu lắm. Đò chật nứt, chen mông ngồi chưa đụng sạp, Hằng mở miệng định hỏi gì đó nhưng Yến đã nhanh miệng hớt lời:

‘Chú đi đâu vậy?’

‘Mỹ Tho.’

‘Chừng nào chú dìa bển?’

‘Tuần tới.’

Bây giờ Hằng mới được chen vào, hỏi:

‘Rồi bao lâu chú mới dìa nữa?’

‘Có lẽ vài ba năm.’

‘Chừng nào dìa chú ghé nhà con chơi.’

Tôi ừ hữ cho qua chuyện, nào ngờ hai đứa cắm cúi ghi địa chỉ đưa cho tôi còn căn đi dặn lại biểu tôi đừng quên. Khi đò tách bến ra giữa dòng, gã thanh niên ngồi bên cạnh day qua, hỏi:

‘Tụi mày chừng nào trở xuống nữa?’

Thấy cả hai đứa không trả lời, gã bèn bồi thêm một câu:

‘Tụi mày mà bỏ đi thì ‘Hoa Biển’ sẽ ế!’

Gã thanh niên bận áo sơ mi trắng, hở cổ khoe sợi dây chuyền vàng mặt mỏ neo, quần màu xám tro, tay ôm cặp táp. Có lẽ anh ta là cán bộ huyện hoặc cán bộ xã gì đây. Thấy tôi nhìn, gã ta nở nụ cười đểu đưa ra ba bốn cái răng vàng như thầm nói với tôi: “Đừng tưởng hai con nhỏ đó hiền mà lầm!”. Yến và Hằng vòng tay bó chưn, càm kê lên đầu gối giống như hai con trút cuốn tròn, mắt long lanh muốn khóc!

Sự yên lặng của hai đứa làm tôi áy ngáy, tôi lơ đãng ngó mặt ra dòng sông. Ðò lướt nước ào ào, qua mặt những chiếc xuồng chèo dọc theo hai bên mé nước. Những thiếu nữ áo bà ba đủ màu sắc, quần đen mượt, đầu đội nón lá, hai tay ghì chặt cán chèo đưa đẩy, xuồng nhẹ lướt nước theo nhịp đẩy của mái chèo. Hình ảnh anh trai làng đứng chèo chở cô thôn nữ trên chiếc xuồng ba lá trông giống như một bức tranh ngày mùa.

À, đây là cảnh quê hương mà tôi đã ước mơ trong những năm dài nơi xứ lạ quê người, tôi ước ao một quê hương yên bình, tôi sẽ trở về sống đời sống bình thường với quê hương và quên đi những ngày lưu lạc. Nhưng khi nhìn qua Yến và Hằng tôi nhớ lại trong những ngày về bên dòng sông cũ. Và một ý nghĩ mới lạ len lỏi vào tâm tư. Phải rồi, cái ý nghĩa của sự thanh bình đâu chỉ đơn giản trên một giòng sông! *

Đúng ra lần nầy tôi trở về Sông Đốc cũng được, hổng về cũng chẳng sao. Vì những việc còn lại sau đám ma của má tôi, anh Bảy và chị Năm tôi ở nhà lo cũng được. Nhưng hôm chị Sáu sửa soạn về Úc, chỉ có dặn tôi:

‘Chị có nhờ anh Hai ở Mỹ Tho đặt trên thành phố làm tấm bia, em chịu khó lên trển lấy, gắn xong cho má rồi hả dìa bển.’

Ngày trước vì hoàn cảnh chiến tranh, ba má tôi phiêu bạt xuống miệt này. Mãi đến ngày ba tôi giải ngũ, ông bà mới dắt nhau về xứ sở. Ông bà nội, ngoại tôi đã qua đời. Mang ân hận ở trong lòng, nên mỗi khi nhớ tới, hai người tủi thân sụt sùi rơi nước mắt, nói: “Giàu đặng trung đặng hiếu, nghèo mất thảo mất ngay”. Và cũng vì nghèo quá ba má tôi phải thêm một lần nữa dắt bầy con tha phương cầu thực.

Còn tôi không phải nghèo mạc rệp đến đỗi không có tiền mua vé xe đò về xứ như ba má tôi. Ai đi xa về thì phải rủng rỉnh tiển túi, nhứt là đi nước ngoài, khi trờ về phải sang thiệt là sang, sang giống như… Việt Kiều mới được. Còn tôi chỉ là một tên giang hồ vặt vảnh, không nhà cửa, không gia đình, tài sản chỉ có vài bộ quần áo lưng lửng trong một chiếc vali. Nếu không hay tin má tôi qua đời thì tôi cũng chẳng về đây để làm gì. Cũng vì lẽ đó mà anh chị em trong gia đình xem tôi như người con bất hiếu. Sợ tôi mang mặc cảm tội lỗi, hễ có dịp tỏ lòng hiếu thảo thì anh chị em ‘nhường’ cho tôi làm. Theo tôi, chuyện hiếu thảo là chuyện của tấm lòng, màu mè bên ngoài chỉ là hình thức không đáng kể. Tuy nhiên tôi đồng ý đi hàng trăm cây số lấy tấm bia, là vì tôi nhận thấy việc làm này có ẩn chứa một ý nghĩa thiêng liêng nào đó.

Cũng như những tấm bia mộ khác, khắc tên họ, ngày tháng năm sanh và ngày tháng năm từ trần. Cuối cùng có hàng chữ ‘các con lập mộ’. Đại khái vậy thôi, nhưng ở suối vàng, má tôi biết được chắc bà sẽ vui lòng vì khi bà mất, các con tản lạc tứ xứ đã tụ hết về đây cùng góp phần xây mộ cho bà. Thấy chân dung cẩn trên tấm bia hơi mờ, tôi thắc mắc hỏi vì sao? Anh Hai, người anh bạn dì của tôi ở Mỹ Tho giải thích: “Tuy hình cẩn vô bia không được rõ ràng, nhưng mưa gió, thời gian sẽ không làm phai nhạt”. Ảnh nói sao tôi nghe vậy, chớ thiệt ra tôi thấy bên Âu Châu những thợ cẩn kiểu nầy đứng ngoài đường phố, chụp ảnh khách hàng rồi cẩn liền tại chỗ vô tách, ly, dĩa… bằng sành, để người ta đem về nhà chưng trong tủ kiếng. Hình ảnh màu sắc rõ ràng, chớ đâu mờ câm như chiếc bóng, mà còn phải đặt tuốt trên Sài Gòn mới làm được.

Tuy vậy tôi cũng cẩn thận gói tấm bia lại bỏ vô bao. Đêm hôm đó tôi ngủ lại nhà anh Hai ở Mỹ Tho, rạng sáng hôm sau tôi ra bến xe liên tỉnh đi thẳng một lèo về bến xe Cà Mau. Sau đó tôi đón xe lôi xuống bến đò.

Không quen cách sinh hoạt nơi đây, khi đổi tiền, tôi nhét đầy túi quần túi áo, cho nên chen chúc giữa đám đông, tôi sanh nghi những người chung quanh ai ai cũng là dân chôm chĩa, cứ chốc lát tôi rờ túi thăm chừng. Thật ra chỉ vì ở Âu Châu không khi nào tôi bỏ tiền nhiều trong túi nên bị ấn tượng đó thôi chớ xứ sở này chắc đâu đến đỗi tệ dữ vậy.

Xe lôi vừa đổ tôi xuống bến đò, tức thì cả đạo quân phu đò vây quanh mời la chói lói. Người này hỏi: “Anh dìa Khánh Hưng, Đá Bạc hả? Xuống đây chạy liền”, kẻ nọ hỏi: “Anh dìa Bà Kẹo, Cái Đôi hả? Xuống đây chạy liền”. Tôi nói: “Tui dìa Sông Đốc vàm”. Tức thì một anh chồm tới hô lớn:

‘Sông Đốc hả? Sông Đốc vàm, xuống đây, xuống đây chạy liền!’

Anh ta vừa nói vừa giơ tay chỉ xuống chiếc vỏ lải đậu dưới bến. Những ngày đầu tôi rất khó chịu khi nhìn cảnh giành giựt khách của mấy anh lơ xe, phu đò và sự bán buôn mời mọc, nhưng dần dà tôi cảm thấy vui vui. Để khỏi lôi thôi mất thời giờ, tôi nói với anh ta:

‘Được rồi, tui sẽ đi đò anh, nhưng tui chưa xuống bây giờ, tui ngồi ở quán cơm bên kia đường, chừng nào đò anh ‘chạy liền’ anh qua đó kêu tui thì tui xuống liền!’

Anh lái đò thấy tôi dí dỏm cũng có duyên, anh ta cười một cái rồi ân cần bước theo tiễn tôi tới cửa quán cơm. Có một chiếc xe lôi mới đổ người xuống, cũng những giọng ban nãy: “Khánh Hưng, Đá Bạc chạy liền”, “Bà Kẹo, Cái Đôi chạy liền” và có cả tiếng anh phu đò của tôi: “Sông Đốc, Sông Đốc vàm chạy liền”…

Hôm mới về tôi thấy một cô gái duyên dáng ngồi bán cơm trong quán, nhưng bây giờ lại là một bà già và một bé gái trạc tuổi mười ba, mười bốn chạy bàn. Thấy tôi bước vô em lăng xăng, miệng tía lia:

‘Chú chú, mời chú vô trong kia ngồi.’

Tôi theo em đi vô trong góc quán ngồi xuống cái ghế nơi có chiếc bàn trống.

‘Chú ăn gì?’

Chưa đợi tôi mở miệng thì cô bé đã kể vanh vách:

‘Ở đây có cơm sườn, thịt nướng và cháo lòng; nước uống có cà phê đá, nước đá me, nước chanh…’

Cô gái còn muốn kể thêm nhưng tôi chận:

‘Ở đây có rượu hông?’

‘Dạ, dạ có, chú uống rượu đế hả chú?’

‘Ừ cho chú một xị và một dĩa sườn nướng.’

‘Dạ, chú ăn cơm hông chú?’

‘Hông cưng.’

Cô bé đi vô trong tự tay gắp thịt bỏ lên lò nướng. Sẵn than đương đỏ, mỡ sườn nhiểu xuống, lửa phựt xèo xèo, mùi gia vị bốc lên thơm lừng.

Tiếng la ó như ong vỡ tổ bên ngoài làm tôi giựt mình ngó ra. Một chiếc tàu đò vừa cặp bến. Người lên kẻ xuống lao xao, mấy anh khuân vác chuyền nhau những bao bố nặng trịch. Tôi đoán chừng, đó là những bao cá khô đồng được chở ra từ miệt U Minh.

Cô bé khệ nệ bưng mâm rượu và thức ăn ra để trên bàn, sắp ngay ngắn, rồi nói:

‘Mời chú.’

Tôi cám ơn rồi rót rượu ra nhâm nhi và nhấm nháp thức ăn. Những người bán buôn theo bến xe, bến đò lúc nào cũng hấp tấp, vội vàng. Những phần ăn dành cho khách đường xa thì thiếu vệ sinh. Rượu pha nước nhiều quá nên lạt nhách lạt nhẽo, sườn nướng bủng xì bủng xịt, nước mắm chế biến làm sao mà hương vị như nước muối pha dấm đường. Vậy mà những người ngồi bên kia bàn hì hục vừa ăn vừa húp trông ngon đáo để. Mấy em nhỏ bận áo quần như tấm lưới rách, đi tới đi lui chờ thực khách ăn xong, chúng bưng thức ăn thừa đổ vô chiếc thau nhôm móp méo, đóng ten, có đứa cúi xuống húp cặn tô nước lèo. Tôi rót rượu uống liền liền, nhưng rượu lạt quá chưa đủ độ ngăn chận nỗi buồn dâng lên cùng khắp.

‘Anh ơi anh! Xuống đò, tới giờ chạy rồi!’

Tôi ngó ra, thấy anh phu đò hồi nãy giơ tay ngoắc ngoắc, miệng hối lia hối lịa. Tôi hớp vội hớp rượu cuối cùng, xếp lại đồ đạc, kêu cô gái tính tiền và thưởng cho cô phần tiền dư. Tôi nhìn xuống đồng hồ tay, hơn ba giờ rưỡi. Tính ra từ lúc anh phu đò mời tôi đến khi đò ‘chạy liền’ mất gần hai tiếng đồng hồ.

Tôi là người xuống cuối cùng, nên khi chen ngồi ngay ngắn xuống khoang, thì đò đã de ra khỏi bến. Máy xe hơi được tân trang gắn đuôi tôm, đặt xuống chiếc vỏ lải chạy xé nước ào ào, đúng là đò tốc hành thứ thiệt. Tôi thích thú ngồi ngó lên dãy nhà hai bên bờ sông giựt lùi. Chẳng bao lâu đò đã ra khỏi ngã ba Tắc Thủ và rẽ ra sông Ông Đốc.

Đây dòng sông rộng, hai bên ruộng lúa, chen lẫn vài tán rừng, xa xa vài vườn dừa cao đọt in dưới nền trời xanh xanh và mây trắng gợn. Sóng chập chờn tạt nước vô khoang. Chủ đò liền buông rèm xuống. Ngắm cảnh không được nữa, tôi mới day người lại dựa vô be đò. Hành khách trong khoang không đông lắm, nên ngồi rất thoải mái. Những người dân quê lên tỉnh trở về trông người nào cũng mệt lả, có vài người lim dim ngủ gà ngủ vịt, một bà mẹ ngồi vạch vú cho con bú rất tự nhiên. Ngồi cạnh bên tôi có hai cô gái trạc mười sáu mười bảy tuổi. Cô bận áo màu xanh lá cây, cổ tròn, quần đen đọc chầm chậm: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Cô bận bộ đồ bông ngồi cắm cúi ghi ghi chép chép bài hát xuống quyển sổ học trò kê trên bắp đùi. Nhìn hai cô gái hồn nhiên với bài hát của tuổi yêu đương, tôi cũng vui lây.

Đợi cô bận áo xanh đọc hết câu, tôi hỏi:

‘Cô tên gì dậy?’

Cô bé lễ phép trả lời:

‘Dạ con tên Yến chú.’

‘Còn cô kia?’

Nghe tôi hỏi cô bận bộ đồ bông đương đọc rà lại bài hát ngưng ngang, ngước lên trả lời:

‘Dạ, con tên Hằng.’

‘Hai cô ở Sông Đốc vàm hả?’

Yến đáp:

‘Dạ hổng phải chú, tụi con quê ở Long An, xuống thăm bà chị ở Sông Đốc.’

Bắt được chuyện tôi bèn hỏi tiếp:

‘Chị cô mần gì ở dưới?’

‘Dạ, bán quán cà phê.’

‘Quán nằm khu nào?’

‘Dạ, tụi con mới xuống đây lần đầu nên cũng hổng biết nữa, nhưng bà chị có dặn khi tới Sông Đốc vàm hỏi quán Hoa Biển thì nhiều người biết.’

‘Hoa Biển… tên nghe hay quá hén.’

Hằng chen vô, hỏi:

‘Mà chú biết hôn chú?’

‘Rất tiếc, chú đi mần ăn xa, lâu lắm rồi chú mới dìa nên chú hổng biết.’

Chuyện vãn trời trăng mây nước một hồi, đò đã tới bến huyện. Chúng tôi mua bánh mì thịt, nước đá chanh chia nhau ăn uống. Nhờ trên đò có bạn đồng hành, tôi cảm thấy đường sông rút ngắn lại. Chẳng bao lâu đò đã đến Sông Đốc vàm, tôi từ giã suông hai đứa, bước lên bến và không nghĩ sẽ gặp lại dầu bất cứ ở nơi nào.

Xong chuyện mồ mả, tính ra tôi còn lưu lại Sông Đốc được hơn hai tuần lễ. Trong thời gian này tôi có thể thăm bạn bè và viếng cảnh quê hương. Nhưng sau những ngày tang chế, đi tới đi lui mệt mỏi, trước tiên tôi cần nghỉ ngơi cho khoẻ cái đã. Chiều hôm đó tắm rửa, cơm nước xong tôi lên giường đánh một giấc thẳng cẳng…

Đương mê man trong giấc ngủ chợt nghe như có tiếng sấm sét nổ vang. Phản ứng tự nhiên, tôi ngồi bật dậy bước nhanh xuống giường. Cùng lúc tôi nhận ra, cái quán cà phê cạnh bên nhà mở máy hát gì mà nghe như tiếng pháo kích. Dòm đồng hồ tay mới có năm giờ sáng, có lẽ người trong nhà đã quen với cảnh nầy nên còn ngon giấc. Tôi nằm xuống định ngủ lại, nhưng máy cứ hát hết liên khúc này tới liên khúc khác, làm tôi không sao chợp mắt.

Trời vừa sáng, thằng Hiếu với thằng Chiến vô nhà rủ tôi ra phố uống cà phê. Uống chưa hết tách cà phê thì thằng Hân tới, như đã hẹn trước, tụi nó đứng dậy trả tiền cà phê, rồi kéo tôi xuống bến sông kêu đò đi qua vàm xẻo Quau.

Tôi thắc mắc, hỏi:

‘Mởi tảng sáng mà tụi mày qua xẻo mần gì? Bộ muốn bắt ba khía hả?’

Thằng Hân giọng có vẻ hãnh diện, nói:

‘Xẻo Quau bây giờ hổng có rừng rú như hồi trước nữa đâu nghe mậy.’

‘Có gì ở bển?’

‘Thì qua bển đi rồi sẽ biết.’

Xẻo Quau ngày trước là một thẻo đất với rừng cây dà, cây dá, cây mắm, cây dẹt, mọc tạp nhạp và có một vườn cò trong khu rừng chà là. Hai bên rạch xẻo ô rô, cóc kèn, dây choại đan chằng chịt với nhau. Nhờ rừng rú âm u rất thuận tiện cho cá tôm sanh sôi nẩy nở, nâng đỡ rất nhiều dân nghèo còn chưn ướt, chưn ráo tới đây lập nghiệp. Gia đình tôi cũng có một thời gian sống nhờ tài nguyên của con xẻo nầy.

Bây giờ thì khác hơn xưa nhiều lắm, nhà cửa mọc lên như nấm. Dọc theo bờ sông nhà sàn dựng lên lổm chổm. Đò cặp vô một căn nhà sàn rộng, lúc chưa bước lên tôi ngỡ đây là một vựa cá tôm khô gì đó. Nhưng sao không nghe mùi khăn khẳn quen thuộc? Sự thắc mắc nầy chưa được hỏi, thì sự ngạc nhiên kia liền tràn tới. Vừa bước lên bến cầu, một chị phấn son lòe loẹt từ trong buồng đi ra vồn vã chào mời:

‘Lâu rồi mới thấy mấy anh qua chơi.’

Đoạn chị ta day qua tôi, nói:

‘Mấy anh nầy thì quen quá rồi, còn anh tui ngờ ngợ đã gặp ở đâu rồi.’

Cái kiểu nói dóc một cách ‘lịch sự’ trơn tru như vầy tôi không mấy gì ngạc nhiên. Tôi gượng cười và nói:

‘Ờ, gặp nhau hồi mười mấy năm trước ở đâu đó.’

Chị ta cười một cái:

‘Mấy anh chờ chút.’

Có lẽ mấy thằng bạn của tôi đã quen sinh hoạt với quán. Tụi nó tự động rinh bàn ghế trong góc nhà sắp ra một khoảng trống. Cạnh bên có một căn buồng che bốn phía bằng những tấm màn bông, tôi đoán chừng có một nhóm người đương ăn nhậu ở trỏng vì có tiếng cười nói lào xào. Như thể xác định sự thắc mắc của tôi, một người đàn ông đứng tuổi, bận quân phục, vai mang quân hàm đỏ tươi, từ trong vẹt màn đi ra. Mặt ông ta đanh cứng, đỏ ngầu, không ngó ai, ông đi thẳng ra sàn cầu, đứng vạch quần đái lỏn tỏn xuống sông.

Sau khi sắp xong bàn ghế, các bạn kêu tôi cùng ngồi. Cái chị hồi nãy, tôi đoán là chủ quán, từ trong đi ra, chị ta kéo rẹt rẹt bốn tấm màn bông treo bốn bên lại. Trong nháy mắt chúng tôi ngồi trọn lỏn trong căn buồng dã chiến. Tôi hơi sửng sốt, không ngờ ở nơi mà lòng tôi luôn nghĩ là khỉ ho cò gáy lại có chuyện lạ như vầy. Liền đó Yến cùng với ba cô gái khác ăn bận hở hang, lòe loẹt, mặt trét phấn, môi thoa son như sắp sửa ra tuồng, mỗi cô cầm một chai bia khui sẵn và một cái ly. Cái chị hồi nãy bưng ra một dĩa đậu phộng để lên bàn, rồi phân chia mỗi cô ngồi cạnh một chàng. Tôi từ xa mới về được các bạn nhường cho cô trẻ nhứt là Yến. Chị chủ coi như xong nhiệm vụ, chị ta lịch sự rút lui ra ngoài, nhưng không quên chúc chúng tôi ăn chơi vui vẻ.

Mọi chuyện diễn biến quá nhanh làm tôi cứng mình không kịp phản ứng gì hết. Bạn bè đặt đâu tôi ngồi đó, rủ uống tôi uống, mời ăn tôi ăn. Thằng Chiến nhướng mắt ra hiệu biểu tôi ‘làm gì’ với Yến đi… Đời tôi phiêu bạt đã nhiều và nhớ quê nhà lung lắm. Nhưng hôm nay tôi trở về đây đâu phải vì nhớ nhung ba cái chuyện tầm bậy tầm bạ nầy. Cho nên tâm trí tôi lúc nào cũng quay về người xưa cảnh cũ. Giả dụ bây giờ là một đêm đầy trăng, dưới dòng sông ngập ánh lung linh, hiện tại đều biến mất, còn lại một chòi lá xác xơ, mơ màng bên khu rừng tạp nhạp. Tôi sẵn sàng đóng vai chú Bảy Chài, bác Tư Cua hay ông Ba Đặt Lợp… rồi tôi sẽ kể cho con Yến nghe những câu chuyện về người dân trước đây với hai bàn tay trắng, nhờ sự tương ái với nhau mỗi khi tắt lửa tối đèn, họ khai hoang rừng rậm lập nên làng xã. Cũng từ đó, mới có tiếng hát hò của gái, trai miền sông nước cất lên giữa đêm khuya thanh vắng…

Có lẽ thấy tôi không bộp chộp nên Yến mới rụt rè, bưng ly lên, nói:

‘Mời chú.’

Bất chợt thằng Chiến nổi quạu móc tiền chìa qua cho Yến rồi quát:

‘Nè, cầm lấy rồi đi ra ngoài!’

Tôi ngạc nhiên day qua hỏi:

‘Cái gì vậy mậy?’

Nó trả lời với vẻ bất bình:

‘Bộ mầy hổng thấy nó kêu mầy bằng chú hả?’

Tôi nói:

‘Tưởng chuyện gì, chớ tao thấy Yến cũng cỡ tuổi cháu tao ở nhà.’

‘Nhưng mà chỗ này thì khác, mày ở ngoải mới dìa hổng biết chớ chơi với mấy đứa này mà thiệt thà quá nó lờn mặt.’

Tôi cười. Bạn bè rủ mình đi chơi vậy mà uống chưa hết ly bia đã muốn gây lộn với người ta rồi. Tôi định nói ý mình cho nó nghe, nhưng thấy không tiện nên mới xoa dịu:

‘Thôi, tao biết rồi cho tao xin, đương vui vẻ mà.’

Đoạn tôi day qua Yến, nói:

‘Cháu cứ tự nhiên, thằng bạn chú nó hơi cà chớn.’

Nói xong tôi mới bưng ly lên mời bà con vô một cái. Có như vậy thằng Chiến mới im cái miệng và nhét tiền vô túi. Thằng Hiếu không biết nghĩ gì cứ nhìn tôi cười cười, lâu lâu hớp một ngụm bia, nuốt ực rồi day qua con nhỏ ngồi bên hun cái chụt. Còn thằng Hân vô mấy chai sần sần, nổi hứng ôm con nhỏ kế bên, vừa hun vừa bóp vú như thể chết thèm đâu từ đời kiếp nào vậy.

Tôi kiếm chuyện dả lả với Yến để cho mấy thằng bạn dân chơi ‘miệt biển’ của tôi khỏi bận tâm rầy rà. Tôi hỏi:

‘Yến bao nhiêu tuổi?’

‘Dạ, mười bảy.’

‘Mười bảy bẻ gãy sừng trâu.’

Yến cười duyên rồi ngả đầu lên vai tôi. Nhìn con nhỏ mà lòng tôi đầy ắp nỗi buồn. Mấy đứa cháu tôi ở nhà cũng cùng trang lứa, tuy không giàu có nhưng chúng nó may mắn đủ cơm ăn áo mặc, có cha mẹ lo lắng đàng hoàng. Còn Yến cha mẹ ra sao mà mới tuổi này đã lao vào cuộc sống trụy lạc như vầy. Tôi muốn hỏi về gia cảnh của Yến nhưng ngại. Bạn bè bày tiệc đãi tôi với mục đích giới thiệu cảnh quê hương đổi mới. Nhưng tôi cứ lo hỏi chuyện đâu đâu, chỉ tổ gây khó chịu bạn bè. Thấy tôi cứ mãi trầm ngâm nên Yến mới gợi chuyện:

‘Bộ chú là Việt kiều hả chú?’

‘Ừa.’

‘Dậy mà hồi gặp chú con hổng biết.’

‘Dậy hả. À, còn cô gì đi chung với Yến đâu rồi?’

‘Con Hằng hả, nó đang ngồi hát bên kia kìa.’

Tôi lắng tai nghe phía buồng bên kia, có tiếng đũa gõ vô chén dĩa lóc cóc leng keng nhịp theo tiếng hát, điệu dân ca: “Trèo lên… lên trèo lên.. lên em cởi cởi nút quần…” Tiếng hát dứt ngang, tiếp theo tiếng ai ái của người con gái và tiếng cười rộ của mấy gã đàn ông…’

Âm thanh bên kia buồng như gợi hứng cho mấy thằng bạn của tôi. Bây giờ tụi nó không còn ra vẻ sành sỏi để lưu ý tôi nữa, mạnh đứa nào đứa nấy vạch vú của mấy con nhỏ vừa bóp vừa hun. Bên trong kia có một cái buồng kín, cứ một lát lại nghe dội nước rào rào. Chưa đầy mười một giờ sáng nắng đã tỏa vàng trên mặt sông và gió chướng hiu hiu thổi, vậy mà không khí trong phòng ngột ngạt làm sao. Tôi đứng dậy, móc túi giơ cho Yến tờ giấy bạc, Yến cầm lấy nói lời cám ơn trong cổ họng. Mấy bạn tôi giựt mình, buông mấy cái ‘vú’ ra và hỏi tôi tại sao chưa ‘chơi’ gì hết mà định bỏ đi đâu. Tôi viện cớ, cần về nhà bàn với anh tôi chút chuyện. Hiếu đề nghị Chiến và Hân ở lại tiếp tục chơi, rồi câu vai tôi ra bến gọi đò.

Khi đò vừa de ra khỏi bến, tôi ngó lên thấy trên vách có tấm bảng nền xanh đề chữ màu đỏ: ‘Cà Phê Hoa Biển’. Tôi đã sống lăn lộn đó đây, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh bất cứ ở nơi nào, vậy mà về lại quê hương tôi phải cố gắng hòa hợp với mọi người như đến một xứ lạ. Tôi bị lạc loài ngay trên chính quê quán ngỡ còn mộc mạc của mình. Đò ra giữa dòng, mà tôi vẫn còn như mộng. Chợt Hiếu hỏi tôi:

‘Mầy còn nhớ Lệ Hương hông?’

‘Nhớ chớ.’

Một kỷ niệm đẹp thoáng hiện về trong trí, tôi liên tưởng ngay đến một cô hàng quán, duyên dáng, khuôn mặt tròn trịa, mắt đen lay láy, chưn mày rậm, môi không thoa son nhưng lúc nào cũng đỏ mọng. Tóc Lệ Hương đen mượt và dài tới mông, nàng thường bận áo cổ rộng, đeo dây chuyền vàng mặt cẩm thạch kiểu trái tim ôm vừa cần cổ trắng nõn trắng nà. Tôi và Hiếu có thể đến nhậu bất cứ lúc nào và ký sổ bao nhiêu cũng được. Hai đứa đều mê Lệ Hương, cuối cùng nàng chọn thằng Hiếu vì nó đẹp trai hơn tôi rất nhiều.

Tôi hỏi:

‘Lệ Hương dạo này ra sao?’

Hiếu trả lời một cách bình thản:

‘Cô ta bây giờ làm ‘chị đĩ’ ở ngoài đê, mầy muốn hông? Tao dẫn mầy đi!’

Như bị tát thêm ly nước lạnh vô mặt, tôi nói một câu không cần phải dè dặt nữa:

‘Đủ rồi, chắc tao hổng còn gì để thăm và cũng chẳng còn gì để lưu luyến…’

‘Mày nói sao?’‘. . . ‘

Những gương mặt hiền lành, những tên gọi chất phác tôi giữ ở trong lòng trong những năm lưu lạc giờ đây đã tan biến. Làm sao những địa danh rạch Ruộng, rạch Bần, xẻo Quau… lại có thể ăn nhập với những từ Hoa Biển, Chiều Tím, quán Trầm, quán Gió, khiêu gợi hơn nữa có quán Sáu Cô? Chợt nhiên tôi thấy lòng mình trống trải, không là nỗi trống trải của dòng sông dài và rộng trước mặt, mà là sự trống vắng của biển đêm đen đặc, mênh mông. *

Chiếc vỏ lải cứ lướt nước ào ào. Sông Đốc vàm từ từ biến khuất vào con doi thứ nhứt. Quê hương tôi chỉ còn lố nhố những ngọn ăng-ten. Tôi day lại, thấy Yến và Hằng vẫn ngồi co ro gục mặt lên đầu gối. Gã thanh niên vẫn tiếp tục chọc ghẹo bằng những lời xàm sỡ… Trong những hành khách ngồi chung quanh, có người thản nhiên, có kẻ khinh khỉnh cười. Tôi muốn nói vài câu chận lời gã để Yến và Hằng còn có thể ngước mặt lên nói chuyện bình thường như mọi người. Nhưng quai hàm tê cứng, tôi ngồi đó ấm ức như một người câm.

Nguyễn Lê Hồng Hưng

Từ trang qghcwordpress

No comments: