Ngày
theo học trường tỉnh Thái Bình, tôi ở trọ nhà ông Cả Vinh, một nơi quen biết
của thầy mẹ tôi. Ông Cả cũng có người con trạc tuổi chúng tôi đi học, bởi vậy
ông cho học trò đến ở, lấy cớ rằng để anh Hòe, con ông, được vui anh vui em.
Thực ra, ông bà Cả muốn chứa trọ để kiếm lời. Nhà ông nghèo lại đông con, và số
tiền tháng của ba chúng tôi cũng đủ giúp cho bà Vinh một cái vốn nhỏ để buôn
bán.
Ông Cả ở một lớp nhà cổ, một cái nhà ngói năm gian chạy dài mặt phố và một căn
nhà lá rộng, đầy những hàng hóa của bà Cả, rồi đến nhà dưới và bếp. Đằng sau
nhà có một miếng đất trồng cây cối, ngăn với bãi cỏ hoang của tỉnh bằng một
hàng rào râm bụt thấp. Ngay trước nhà gạch trông ra, có một cái sân vuông và
hẹp, có bể nước lớn. Cái sân đó là giang sơn riêng của ông Cả: một cái núi non
bộ nhỏ trong cái bể con bằng xi măng và hai dẫy chậu trồng đủ các thứ lan.
Cũng
như nhiều người rỗi khác, ông Cả có cái ham mê những công việc tỉ mỉ. Sớm chiều
lúc nào tôi cũng thấy ông lom khom ở ngoài sân, cúi mình tỉa xén các chậu lan
hay sửa sang non bộ. Thật là một dịp trọng vọng nếu chậu lan có chúm một dò
hoa. Phải nhìn vẻ vui sướng trên mặt ông lúc bấy giờ mới hiểu. Ông gọi chúng
tôi ra xem hoa, với cái tự kiêu của một chủ nhân ông khéo léo; rồi hàng giờ ông
đứng lặng ngắm chậu lan, dường như để đợi chờ bông hoa nở.
Sân gạch ngay chỗ cửa sổ buồng học chúng tôi trông ra, và lúc nào ngửng lên
trên sách, chúng tôi cũng thấy bóng ông. Sự chăm chút âu yếm và cẩn trọng của
ông làm chúng tôi buồn cười. Nếu không có anh Hòe cùng ngồi đấy, chúng tôi đã
bàn định tinh nghịch đùa ông một chuyến.
Bữa cơm
họp đông đủ cả nhà: chúng tôi, anh Hòe và ông Cả ngồi ăn cơm nhà trên, còn bà
Cả với hai cô con gái và đứa em nhỏ ăn riêng dưới bếp. Hai mâm cơm khác nhau:
bữa cơm chúng tôi ăn ngày nào cũng có thịt cá, còn bữa cơm ở dưới nhà chỉ toàn
rau muống và đậu phụ. Không bao giờ chúng tôi thấy có món ăn khác, và có lúc
chúng tôi thầm phàn nàn cho sự kham khổ của bà Cả và hai cô con gái. Vẻ xanh
xao của Lan và Huệ không làm chúng tôi ngạc nhiên. Đó là hai thiếu nữ lặng lẽ
và kín tiếng, không lúc nào cười nói to.
Bởi vậy
tuy hai cô cũng trạc tuổi với chúng tôi, tôi cũng không để ý đến. ở trong buồng
học trông ra, thỉnh thoảng tôi thấy bóng Lan đi qua sân xuống nhà dưới hay với
tay múc nước trong bể. Nhưng cách đi đứng khép nép và cách phục sức nhã nhặn
của cô không gợi ý chúng tôi bao giờ.
Chúng
tôi ở trọ nhà ông Cả đã được ngót hai năm. Tôi thích ở đấy, giữa những người
giản dị, và riêng đối với tôi, ông Cả rất có cảm tình.
Anh Hòe là một cậu học trò rất đần và dốt, chậm trí khôn; cùng vào học mà tôi
lên lớp nhất, anh mới học lớp nhì. Bởi vậy ông Cả nhờ tôi rèn cặp cho anh ta,
và bảo ban thêm. Tôi gắng làm công việc đó một cách chu đáo, nên ông Cả tỏ ý
biết ơn. Những lúc nào anh Hòe chậm hiểu bài hay làm tính hỏng, ông Cả thường
gắt bảo:
– Mày không xem cậu Bình đấy mà bắt chước. Cậu ấy học sáng bao nhiêu, mà lại
chịu khó nữa.
Tôi
lặng yên và tìm cớ lánh ra ngoài để anh Hòe khỏi ngượng.
Từ đấy, tôi được gia đình ông Cả trọng vọng và yêu quý. Số tiền trọ trả sòng
phẳng, và những quà cáp mà mẹ tôi không bao giờ quên mang đến biếu ông Cả mỗi
khi lên thăm con, khiến bà Cả có ý biệt đãi tôi. Tiếng bà dịu đi và trở nên êm
ái mỗi khi nói với tôi; khi nào về muộn, bà dành phần riêng cho tôi những món
ăn ngon và một mâm cơm tươm tất. Hai bạn tôi ganh tị, thường nói mát:
– Thôi, sắp làm rể bà Cả đi thì vừa. Cho chúng tao ăn cỗ cưới với nhé!
Tôi mỉm cười không trả lời, vừa nghĩ đến cô gái cả bà chủ trọ: cô thiếu nữ ấy
không làm tôi có chút ý gì. Mà thật ra, tôi cũng không biết mặt mũi cô ta thế
nào cả: tôi chưa bao giờ nhìn kỹ cô ta.
Về cuối
tháng tám năm ấy, sau ngày nhập trường ít lâu, một việc xảy đến làm náo loạn
các học trò: một thiếu nữ, cô Bích, vào học lớp nhất lẫn với bọn con trai. ở
Thái bấy giờ trường con gái chưa có lớp trên, mà cô này đã học hai năm liền ở
lớp nhì rồi. Cha mẹ cô không thể gửi cô lên Hà Nội, bèn xin cho cô vào học
trường con giai. Sau khi đắn đo mãi, ông đốc trường bằng lòng để cô học lớp
nhất. Ngày đầu cô đến trường, bọn học trò thầm thì bàn tán và chỉ tay về phía
cô. Ngay thày giáo chúng tôi cũng có vẻ ngượng nghịu. Nhưng chỉ bọn học trò
chúng tôi là xôn xao nhất. Chúng tôi không thể quên được có một người con gái lẫn
vào trong lớp. Cô Bích lại đẹp và rất có duyên. Tất cả lớp ra công cố sức để
bắt chim cô. Những bức thư tình gửi đi như bươm bướm. Chính tôi, tôi cũng yêu
thầm nhớ vụng cô ta. Và vì thế mà tôi bắt đầu để ý đến các cô thiếu nữ.
Rất
lâu, việc cô Bích vào học là đầu đề câu chuyện trong bữa ăn của chúng tôi.
Chúng tôi thuật lại cho nhau nghe những cử chỉ của cô và của những anh mê cô.
Anh Hòe cục mịch quá, không biết nói gì về chuyện ấy, nhưng ông Cả, tuy ngày
thường rất đạo mạo, cũng thỉnh thoảng tự cho phép một câu nói đùa hóm hỉnh. Ông
vuốt hai bên mép râu và nhìn chúng tôi cười một cách tự đắc. Tiếng ồn ào của
chúng tôi đến tai bà Cả ở gian bên, và bà cũng chen vào một câu nói:
– Cô ta ở đấy thì học với hành gì được. Không khéo lại tằng tịu với anh nào thôi.
Ngưng một lát, bà lại hỏi đùa:
– Sao cậu Bình không nhân ngãi phăng với cô ta có được không?
Tôi chưa kịp trả lời, hai anh bạn tôi đã nhao nhao lên đáp:
– Có, có đấy ạ. Cô ấy để ý đến anh Bình lắm ạ, vì anh ấy học giỏi nhất lớp.
Tôi
toan cãi, nhưng lại thôi, lòng cũng hơi thích vì lời nói ấy. Một lát yên lặng
theo sau câu chuyện. Rồi có tiếng thanh và nhỏ của con gái bên kia. Cô Lan nói
chuyện với mẹ; tôi lắng tai chú ý, nhưng tiếng nói khẽ quá, không nghe rõ gì
cả.
Một hôm giờ ra chơi, anh Ngạc, người bẻm mép và láu chuyện nhất lớp, bỗng tự
dưng vỗ vào vai tôi, bảo:
– Sáng nay nhân tình mày ra phố mua sắm cho mày ăn phải không?
Tôi ngơ ngác chưa hiểu Ngạc nói gì, thì anh đã nhìn tôi nháy một bên mắt rất ý
nghĩa, tiếp:
– Lại còn vờ mãi. Cô Lan con ông Cả chứ gì!
Rồi hắn quay lưng bỏ đi, để tôi đứng sững người, yên lặng; tôi chưa kịp cãi lại
điều gì.
Về đến
nhà, tôi thấy trong buồng học, ngay trên bàn về phía tôi ngồi, một đĩa sắn gọt
sẵn để đấy. Câu nói của Ngạc trở lại trí nhớ tôi, làm cho tôi ngạc nhiên. Làm
sao hắn ta biết được cô Lan mua sắn, và để phần cho tôi? Vừa lúc ấy, anh Chi đi
học về, chạy vào. Thấy đĩa quà, anh kêu lên:
– Á sắn! Trông ngon quá.
Không lưỡng lự, anh cầm lấy ăn liền. Cử chỉ ấy khiến tôi khó chịu.
– Anh biết sắn của ai đấy mà cũng ăn?
Chi cầm miếng sắn cắn dở, quay lại phía tôi:
– Không phải sắn của anh à?
– Không. Tôi không biết của ai để đấy.
Nghe thấy tiếng chúng tôi nói, bà Cả ở ngoài sân bước vào:
– Các cậu cứ ăn đi. Sắn của em nó mua phần các cậu đấy.
Khi bà Cả ra rồi, Chi nhìn tôi với một vẻ trêu nghịch, vừa cầm miếng sắn nữa
trên đĩa:
– Cô ấy phần riêng anh đấy, chúng tôi ăn có được không?
Bực mình, tôi không trả lời, yên lặng ngồi xuống ghế. Chi không nhìn tôi nữa,
và anh cúi mình ăn sắn với một vẻ khoan khoái rất rõ rệt. Tôi nhìn trộm anh ta.
Tự nhiên tôi nghi cho Chi và Hoạt đã đặt điều thêu dệt về tôi với các bạn ở
trường. Hai anh đều là những người lém và hay bịa chuyện lắm.
Từ hôm
ấy có những cái săn sóc nho nhỏ tỏ rằng cô Lan chăm chú đến tôi. Đi học về, bao
giờ tôi cũng thấy một vài thứ quà dành sẵn, để ngay trên bàn chỗ tôi vẫn ngồi.
Có khi một bó hoa tươi cắm trong ống bút. Sách vở ngăn nắp và sạch sẽ khiến cho
tôi biết cô Lan có vào buồng học lúc chúng tôi đi vắng. Tuy vậy, tôi cũng không
dám chắc hẳn rằng Lan để ý đến tôi; tôi cũng không bao giờ cố ý giáp mặt nàng.
Một buổi chiều, chúng tôi ra vườn đằng sau nhà. Bấy giờ đầu tháng chín, hai cây
hồng ở góc vườn trĩu những quả. Anh chị em Lan đang cầm quèo trẩy. Chúng tôi
bước lại gần. Anh Chi nói:
– Nào, cô Lan cho chúng tôi mấy quả nào?
Lan
lặng yên cầm quèo với một cành cao. Thân thể trẻ tươi và dẻo dang của nàng vươn
cong dưới bóng cây, và tấm áo mảnh căng sát để phô hẳn những đường mềm mại. Khi
nàng hái chùm quả xuống, Chi và Hoạt xúm lại cướp ngay trên tay nàng những quả
ngon. Tôi vẫn đứng riêng ra, và thèm muốn cái vẻ tự nhiên của hai người bạn.
Nhưng sau cùng, Lan đến gần bên, đưa cho tôi một quả ngon nhất mà nàng đã giấu
trong lúc các bạn tôi tranh. Tôi giơ tay đón lấy và ngón tay tôi chạm vào ngón
tay nàng. Lan nói khẽ:
– Anh cầm lấy.
Đôi mắt
nàng nhìn tôi, tôi bỗng rung động cả người; đôi mắt nàng phản chiếu một tình
yêu mãnh liệt và tha thiết quá. Tôi hiểu ngay rằng nàng yêu tôi. Tự nhiên, một
sự cảm động tràn lấn vào người; tôi cũng nhìn lại nàng. Nét mặt của Lan lúc bấy
giờ tôi mới biết rõ. Nàng không đẹp, nhưng khuôn mặt dễ coi, và lúc này nàng có
một vẻ xinh xắn đáng yêu, một cái duyên tươi thắm và kín đáo. Trước tôi, nàng
cúi mặt xuống; một nỗi e thẹn làm ửng hồng hai gò má. Khi nàng quay đi, tôi
nhìn theo khen phục cái dáng điệu uyển chuyển của nàng.
Sau
buổi ấy, tôi biết chắc chắn ý tứ của nàng đối với tôi. Lan tìm hết cách làm cho
tôi vừa lòng. Những sự chăm nom săn sóc riêng của nàng làm tôi tự kiêu. Đôi
khi, nàng cố ý tìm cách gặp tôi. Những lúc tôi đi học về, tôi thấy nàng như
tình cờ ra đứng ở ngõ. Khi tôi đi qua, nàng khép nép vào bên tường và nhìn tôi
mỉm một nụ cười sung sướng. Tôi cũng mỉm cười trả lại nàng; tôi còn trẻ và tình
yêu của một cô con gái khiến tôi tự đắc.
Một đêm
giữa tháng, tôi ngồi buồn trong buồng học, không biết làm gì. Cả nhà đã đi ngủ,
và anh Chi với anh Hoạt đi xem tuồng vắng. Tôi ngồi gần bên cửa sổ trông ra
sân. ở ngoài, trăng rằm vằng vặc, tường vôi sáng trắng lên chói lọi. Hai dãy
chậu lan cắt bóng xuống mặt sân, và các lá lan đen sẫm lấp lánh ánh trăng cong.
Thời khắc rất êm dịu và thú vị. Tôi lặng yên hưởng luồng gió mát của ban đêm.
Bỗng nhiên một bóng người len vào các chậu cây, rồi tôi nghe thấy tiếng nước
khẽ rớt xuống. Cô Lan tưới hoa. Tôi nhớ mỗi khi chậu lan có dò hoa nở, ông Cả
lại bắt nàng tưới ban đêm. Có khi, khuya lắm, chúng tôi hãy còn nghe thấy tiếng
cô ở ngoài vườn. Một ý ham muốn bỗng đến chiếm lấy tâm hồn tôi. Mùi thơm nhẹ và
sắc của hoa lan thoang thoảng ở ngoài. Lan vẫn cúi mình trên chậu cây, dường như
không biết có tôi bên cạnh. Tuy vậy, tôi đoán rõ sự cảm động của nàng. Tôi đến
bên cạnh nàng khẽ gọi:
– Lan, em Lan…
Tôi để
tay lên tay nàng. Lan rung động cả người, toàn thân nàng mềm lại. Nàng ngả
người trên vai tôi… Tôi biết rằng từ đây Lan sẽ là một vật của tôi, và tôi muốn
làm gì nàng cũng được.
Sau độ
ấy, tính nết nàng hình như đổi hẳn, hay bây giờ nàng mới biểu lộ cái tính nết
thực của nàng ra. Nàng không còn là cô gái lặng lẽ và kín đáo trước kia nữa.
Lan nói năng luôn miệng và tiếng cười của nàng vang lên trong nhà; mắt nàng
sáng lên, và hơi một chút việc cũng làm cho nàng vui sướng. Bà Cả lấy làm lạ về
con và nhiều khi bà định ngăn cản cái vui tràn lan ấy:
– Ôi! Con Lan độ này làm sao ấy. Không biết có gì mà vui vẻ thế.
Hai bạn tôi hình như hiểu biết. Họ thường nhìn tôi với một vẻ trêu nghịch và
cười với nhau một cách tùng đảng. Tôi làm lơ như không biết gì.
Ái tình
đã khiến Lan thành một người khác. Tâm hồn nàng phô bày ra rõ rệt. Nàng thành
ra con trẻ và ngây thơ quá. Nàng tưởng làm tôi vừa lòng bằng những cử chỉ săn
sóc âu yếm. Những thức quà liên tiếp nhau trên bàn học, khiến chúng tôi ăn no
bỏ cả cơm. (Chỉ béo cho hai anh bạn tôi, họ được hưởng tự nhiên và lại còn có
chuyện để chế giễu tôi nữa). Lúc nào nàng cũng nghĩ cách để chiều ý tôi. Những cử
chỉ vụng về của nàng khiến tôi vừa cảm động lại vừa ngượng với anh em. Nhưng
Lan hình như không nhận thấy.
Một
buổi chủ nhật, mấy người bạn đến rủ chúng tôi đi chơi. Vừa đi qua chợ ở đầu
phố, bỗng thấy Lan tất tả chạy theo, gọi. Tôi dừng lại, cau mày, không bằng
lòng. Nàng trông lên, và lúc bấy giờ hình như mới biết tôi không đi một mình.
Hai má đỏ bừng vì thẹn. Lan lúng túng:
– Anh… anh cầm lấy cái này mà ăn.
Nàng giở trong bọc áo mấy bẹ ngô nướng vừa mua ở chợ.
Tiếng cười của các bạn tôi vang lên. Bực mình, tôi đâm gắt:
– Ai bảo cô cho tôi? Tôi không dùng cái của ấy.
Lan sững người, đứng lặng nhìn. Tôi biết tôi đã làm phật ý nàng, nhưng ai lại
đem cho quà giữa phố như thế. Anh Chi hỏi lỡm:
– Sao, của chị ấy mua cho mà anh lại chê à?
Họ cười với nhau, rồi Hoạt giới thiệu với mấy người bạn:
– Nhân tình đẹp của anh tôi đấy.
Tôi
không trả lời, khó chịu. Lúc về, tôi cố ý tránh nàng, và giữ vẻ mặt giận. Nhưng
Lan vẫn trẻ con và vô lý như cũ.
Ngày
mồng năm tháng năm, không biết nghĩ thế nào, Lan đưa tặng tôi một bộ bùa bằng
vóc nhiễu xanh đỏ. Đó là công trình tỉ mỉ mà nàng đã thức suốt đêm để khâu.
Trông thấy vật ấy rõ ràng để trên tập sách của tôi, anh Chi và Hoạt rũ ra mà
cười. Họ chuyền tay nhau xem quả đào và quả ớt sặc sỡ ấy, và những câu mỉa mai
lại gấp đôi lên. Xấu hổ, tôi giằng lấy và vứt ra ngoài cửa sổ. Cái bùa túi rơi
ngay vào rãnh nước.
Chiều đến, khi gặp Lan, tôi thấy nàng nhìn tôi có vẻ âm thầm oán trách. Vừa bực
mình cho tôi lại vừa bực mình cho nàng, tôi lặng yên giả vờ lãnh đạm rồi tránh
mặt ra chỗ khác.
Ông bà
Cả đã bắt đầu nghi ngờ một sự gì. Điều ấy khiến tôi lo ngại. Tôi đã nhiều lần
bảo nhỏ Lan phải kín đáo. Nhưng mặc những điều khuyên nhủ cẩn thận của tôi, Lan
hình như không thể giữ gìn được. Nàng có một tâm hồn giản dị và quê mùa trong
tình yêu. Lan làm quà cho tôi những thức rất buồn cười và vô lý, và tỏ vẻ ngạc
nhiên khi thấy tôi không bằng lòng:
– Những thứ ấy em biếu anh, anh không thích ư?
Biết không thể làm nàng hiểu được, tôi chỉ trả lời:
– Tôi không thích cô cho tôi cái gì cả.
Sự yêu
mến của tôi với nàng có lẽ Hoạt và Chi đã kể cho nhiều người nghe rồi. ở trường
các bạn học nhiều lần đã nói bóng gió xa xôi đến. Câu chuyện cái bùa túi ngày
mồng năm họ đã biết. Ngạc, một hôm, tự dưng đến thò tay vạch áo tôi ra, bảo:
– Nào, xem cái bùa túi của mày đâu nào…
Tôi giận dữ gạt hắn ra, quay đi. Ngạc chế với:
– Ê, ê, nhớn thế kia mà còn đeo bùa túi kia!
Những
lời chế giễu ấy làm tôi bực tức đến cực điểm. Tôi thầm trách Lan đã gây cho tôi
những nỗi khó chịu ấy. Tình yêu mộc mạc của nàng bắt đầu đè nén tôi. Những cách
yêu mến săn sóc của nàng chỉ làm tôi bận bịu.
Tôi bắt đầu tìm cớ tránh nàng. Lan, trái lại, càng quấn quýt lấy tôi. Lòng ham
mê khiến nàng quên hết cả giữ gìn. Hễ gặp tôi chỗ khuất là nàng nhẩy đến ôm
lấy, và tôi khó khăn mới gỡ được ra. Chúng tôi như thế đã suýt bị ông bà Cả bắt
gặp mấy lần.
… Những
vẻ chế giễu của các bạn học và những câu mỉa mai lại thoáng qua trong trí. Tôi
không còn cái yên tâm để sẵn sàng hưởng tình yêu nữa. Tôi vội xa nàng. Lan
không hiểu, và những câu trách móc, tuy rất kín đáo, với những giọt nước mắt
của Lan mỗi khi thấy tôi thờ ơ, chỉ càng khiến tôi khó chịu thêm.
Một
buổi chiều, cả nhà đi ăn cỗ vắng, Hoạt và Chi sang Nam Định chơi. Tôi ở ngoài
về thấy mâm cơm chờ sẵn ở nhà với hai đôi đũa và hai cái bát. Lan đứng khuất
một chỗ khúc khích cười. Rồi, như con chim non, nhảy nhót chạy ra nắm lấy tay
tôi mắng:
– Hôm nay cậu về muộn quá! Cơm nước nguội cả rồi!
Câu
trách cợt đùa, nàng cố lấy giọng đứng đắn để giống như lời người vợ trách
chồng. Tôi buồn cười, nhưng cau mày không đáp.
Lan nhìn tôi như đứa trẻ dò ý người lớn:
– Gớm, làm gì mà lầm lầm cái mặt thế? Thôi, tôi xin cậu đi.
Nàng
bưng miệng cười, mở lồng bàn, rình sự bằng lòng của tôi trước những món ăn khéo
làm mà nàng biết là tôi vẫn thích.
Nhưng tôi vẫn không nói. Tôi uể oải vào buồng bên, ngồi sau bàn học giở sách ra
coi. Biết nàng đang tiến lại gần, tôi cũng không quay lại.
– Anh Bình sang xơi cơm.
Tôi không đáp, nàng lại mời:
– Mời cậu Bình đi xơi cơm… Xin mời cậu Bình đi xơi cơm ạ!
Tiếng cười nàng giòn giã reo lên sau câu nói ấy. Nàng chạy đến bên định kéo tôi
dậy, nhưng nét mặt nghiêm nghị của tôi bắt nàng ngừng im.
Vẻ sững
sờ của nàng và sự oán trách buồn rầu ứa trên đôi mắt khiến tôi có ý ái ngại cho
nàng, song tôi cũng nói:
– Được, cô cứ để mặc tôi, tôi chưa muốn ăn.
– Kìa, nhưng mà…
– Không, chốc nữa tôi ăn cũng được.
Nàng toan nói, nhưng sau cúi đầu im lặng, nhìn tôi một lần nữa rồi quay ra.
Tôi ăn
cơm một mình, ăn rất nhanh, và không để ý đến sự giận dỗi của Lan; xong bữa tôi
đi chơi tức khắc.
Ở ngoài phố, tôi gặp Chi và Hoạt bên Nam về, Chi làm bộ ngạc nhiên:
– Kìa sao không ở nhà tự tình?
Hoạt thêm một câu:
– Ông bà đã giận nhau chứ gì?
Rồi cả hai nấc lên cười. Tôi cau mày để đáp lại.
Đêm hôm đó tôi bực mình và trằn trọc không ngủ được. Nghĩ đến tình yêu của Lan
đối với tôi, nghĩ đến bữa cơm chiều, tôi hơi lấy làm hối hận, và bởi thế lại
càng thấy bực mình thêm.
Sáng
hôm sau tôi nghe thấy bà Cả hỏi:
– Lan, mày mệt đấy à?
Tiếng Lan đáp:
– Thưa đẻ không ạ.
Khi Lan ở dưới nhà đi qua sân, tôi thấy nàng mặt rầu rầu, hai mắt quầng thâm,
dáng điệu lặng lẽ và chán ngán. Nàng xách cái thùng tưới đến để bên bể nước và
hình như cố tình giữ lại trong lòng những tiếng thở dài.
Tôi
thấy lòng nao nao vừa bực vừa buồn, như thấy một sự gì êm đẹp đang mất đi mà không
còn can đảm giữ lại được nữa.
Từ hôm ấy, Lan lại yên lặng như trước. Nàng ít nói và cũng không hay gặp mặt
tôi. Nàng tỏ ra một thái độ đúng mực, lãnh đạm và lúc nào cũng buồn rầu. Sự đó
để cho tôi được bình yên, nhưng cũng làm cho tôi phật ý. Tôi tưởng nàng chỉ thế
trong ít bữa, chắc có buổi nàng không gan được nữa, sẽ phải tìm đến tôi, sẽ
phải hỏi han tôi, và sự chờ đợi cái lúc nàng làm lành với tôi lại càng khiến
tôi tức bực trong sự kiêu hãnh.
Cùng ở
một nhà, chúng tôi như người xa lạ, và lâu dần, nghĩ đến nàng, tôi thấy lòng
dửng dưng. Hơn một tháng trời thỉnh thoảng mới trông thấy nhau, Lan với tôi
thản nhiên hỏi nhau hay trả lời những câu không giấu một ý tứ gì thân mật hay
hờn giận.
Tôi cũng không để mắt đến dung nhan nàng nữa, và đôi khi tưởng tượng đến chuyện
cũ, tôi ngạc nhiên như tìm thấy một tính tình dị kỳ.
Rồi mùa thi tới nơi. Chi, Hoạt và tôi chăm chỉ luyện tập. Sự ganh đua sốt sắng
cuối năm là điều quan tâm hoàn toàn của người đi học. ở nhà ông Cả trong những
bữa cơm, chỉ nói đến chuyện thi cử và bàn bạc đến những đầu bài khó hay dễ sẽ
ra trong kỳ thi này.
Lan bị
xóa bỏ hẳn trong đời tôi. Không bao giờ sự lãng quên lại mau chóng như trong
tâm trí tôi hồi bấy giờ, và không bao giờ cuộc tình duyên của tuổi thanh niên
lại đơn bạc đến như thế. Giữa cô con gái ông chủ nhà cùng với người ở trọ học,
hình như không có một tình nghĩa nào cả và cái đêm trăng ân ái trước đây dăm ba
tháng chỉ là hình ảnh hờ hững của một giấc mộng thoáng qua.
Hồi ấy
kỳ thi cơ thủy chưa mở ở Thái Bình. Tôi cùng các bạn hữu phải sang trường Nam
và ở luôn đó bốn ngày để chờ đợi kết quả. Ngày thứ năm tôi trở về Thái với cái
mừng được trúng tuyển và tức khắc nghĩ đến sự thu xếp về quê. Anh Hòe, con ông
Cả, cũng may mắn như tôi, và hai anh Chi và Hoạt. Tôi để cả tâm trí vào sự vui
vẻ của mọi người. Vợ chồng ông chủ làm một bữa cơm sang trọng như bữa tiệc để
khao chúng tôi. Cả nhà ngồi ăn trừ cô Lan khó ở từ mấy hôm trước. Tôi hỏi thăm
qua quýt lấy lệ và cười nói giảo hoạt nhất nhà. Chi thỉnh thoảng trêu tôi bằng
một câu ranh mãnh khác. Một lần, khi rượu ngà ngà say, và nhân thấy Chi đứng
làm mối xin cô Lan cho tôi, ông Cả cười thích chí:
-ái gì chứ cái đó thì được. Nhưng ai lấy con gái tôi thì phải ở gửi rể ba năm.
Tôi
“xin vâng” và cười một cách rõ ràng tỏ ra tính cách đùa cợt của câu chuyện.
Tôi không kịp có thì giờ hối hận cho sự tàn ác vô tình có thể thấy trong câu
đùa cợt. Tôi cũng không muốn nghĩ rằng Lan lúc đó có thể đau lòng vì tôi. Lan
không còn liên lạc với tôi nữa.
Hôm sau
tôi từ giã nhà ông chủ, lòng hớn hở tưởng đến sự mừng rỡ của mẹ tôi lúc thấy
tôi về. Trong cái thì giờ đi xe từ Thái đến bến Tân Đệ và đợi tầu ở Nam qua,
tôi mải nghĩ chuyện nghỉ hè, chuyện lên Hà Nội học ban Thành chung, không một
lúc nào có một ý mến tiếc cô thiếu nữ con gái ông Cả.
Khi tàu
Nam tới tôi đáp thuyền lên, chọn chỗ cất hành lý và vui vẻ ngó đầu ra trông một
lần cuối cái bến tôi vẫn đi về trong mấy năm qua. Hai dãy nhà lá bồng bềnh ở
hai con đường quạnh quẽ đang thong thả lùi lại và nhỏ dần. Một sự bâng khuâng
nhẹ nhàng dìu tâm hồn người đến những tình cảm man mác, tôi bỗng thấy cả người
xúc động vì nhận ra trong bọn người lác đác ở bến một cái xe đỗ vội, và trên xe
bước xuống một người con gái ngơ ngác nhìn về phía tôi.
Tầu đã xa hẳn mạn sông. Mặt người trên bến không nhìn rõ. Tuy vậy, tôi không
thể lầm được, người thiếu nữ kia chính là con người tội nghiệp đã hờn giận tôi
và thương tôi.
Chỉ một lát, bến đò Tân Đệ đã khuất hẳn ven sông. Từ đó, tôi không gặp Lan lần
nào nữa.
Thạch Lam
No comments:
Post a Comment