Mới Đó Đã Là Chuyện Xưa
Hơn một năm ngoài nay, chợ Cổ Cần Thơ đã được mở lại sau khi đã “tân
trang nhan sắc” với hực hỡ sắc màu. Nghe nói, chợ Cần Thơ xưa sẽ trở thành chợ
phục vụ khách du lịch. Một chiếc cầu sẽ thay thế phà Xóm Chài. Hàng dừa xưa nay
cũng được khôi phục lại trên một công viên nho nhỏ gần chợ. Lại không khỏi ngỡ
ngàng khi chợt nghĩ vẽ tô kiểu này sao giống cây kiểng trong vườn. Đối với
người miền Tây, những trung tâm thương mại vẫn là một khái niệm hết sức kiểu
cách, xa vời. Họ chỉ nghĩ đơn giản một điều, chợ xa bến thuyền có còn là chợ,
vắng chợ rồi thuyền neo bến làm chi. Tẩn mẩn nhẩm tính – chợ Cần Thơ đã trên
một trăm tuổi, bến Xóm Chài cũng ngần ấy thời gian – chẳng lẽ rồi chỉ còn trong
ký ức.
CHỢ XƯA MỘT THUỞ
Từ xưa, có lẽ từ trên 100 năm nay, chợ Cần Thơ đã hình thành dọc theo
ngã ba sông Bassac – Cần Thơ। Dần dà chính quyền thuộc địa đã qui hoạch ở ngã ba sông một khu
nghỉ dưỡng gọi là
Bungalon bốn bề lộng gió sông Bassac (nay là sông Hậu) và dọc
theo bờ sông lại có một công viên chạy dài với những tên gọi mỹ miều là Bến Ninh Kiều hay bến Cầm Thi. Những
ông lão, bà lão thì nhớ rất rõ từ hồi xửa, hồi xưa, công viên đã được trồng rất
nhiều cây dương, cắt tỉa cẩn thận với nhiều hình dáng rất đẹp mắt. Kề bên lại
có cả bến tàu sông, với những chiếc tàu chạy lên Sài Gòn và ngược tận Nam Vang.
Trên bờ, những sạp bán hàng xén, bán rau cải vào ban ngày, ban đêm được dọn
sạch để bán đồ ăn, thức uống phục vụ cho chợ đêm và cho bến tàu. Dường như,
không người Cần Thơ cố cựu nào mà lại không một lần đến đây, vào chợ ghé tiệm
chè của mấy chú Hoa Kiều để ăn một chén chè hột gà, chè củ năng hay một ly sâm
bổ lượng… Rồi mỗi sáng hừng đông khi những chiếc ghe chở khẳm cây trái miệt
vườn với những cô thôn nữ ở tận Trà Ôn, Nha Mân, Ba Láng… ghé lại là cả bến chợ
cứ xôn xao, nhộn nhạo. Những yếu tố trên bến, dưới thuyền như vậy đã tạo ra cho
chợ Cần Thơ, cho đất Tây Đô một nét đặc trưng Nam Bộ khá đậm đặc.
Giở lại những trang tài liệu sưu khảo xưa để xem ngôi chợ này thật ra đã
được bao nhiêu tuổi। Mới biết, năm 1876 chính
quyền lúc bấy
giờ đã tái lập hạt Cần Thơ và lấy chợ Cần Thơ làm trung tâm tỉnh lỵ. Đến năm
1897, Cần Thơ đã có 2 nhà thơ dây thép và 10 chợ vì họ xem đây là ải địa đầu
quan trọng để nối Hậu Giang với Sài Gòn Chợ Lớn. Qua cửa ngõ này biết bao sản
vật, bao lúa gạo ở miệt Nha Mân, Sa Đéc hay Rạch Giá, Cà Mau theo kinh xáng Xà
No đã được khai thông bằng con đường ngắn nhất. Trong 10 chợ vừa nhắc đến thì
có hai chợ bán buôn xung nhất, đó là chợ Cần Thơ ở làng Tân An, tổng Định Bảo và
chợ Cái Răng, làng Thường Thạnh. Nghe đâu, từ khi lập chợ Cần Thơ thì nền kinh
tế của các vùng lân cận đã vực dậy, sung túc hẳn lên. Chẳng mấy thời gian, sau
khi lập chành, dựng chợ đã thấy đất chật người đông. Đến năm 1966, ông Trưởng
Ty kiến thiết của chính quyền hồi đó đã lập một đồ án xây dựng lại chợ Cần Thơ
với số tiền sẽ bỏ ra lối chừng mấy triệu bạc. Theo đó, một ngôi chợ mới với quy
mô 3 tầng – phỏng theo mô típ chợ Đà Lạt – sẽ sừng sững bên bến Ninh Kiều.
Người ta sẽ dành hẳn một tầng trên cùng để làm nơi ăn uống, thưởng ngoạn cảnh
vật chung quanh. Tuy nhiên do nhiều biến động lịch sử xảy ra nên ý định đó
không thành. Nhưng điều gây ấn tượng nhất cho đến bây giờ vẫn là cách đặt tên
cho những phố chợ hồi đó đã hết sức dân dã kiểu miệt vườn. Như phố chợ Hàng
Dừa, Hàng Xoài, Hàng Me… đơn giản chỉ vì ở đó được trồng toàn dừa hoặc toàn
xoài, toàn me. Cũng như người dân Cần Thơ vẫn quen gọi chợ Cần Thơ là chợ Hàng
Dương. Họ đã lý giải một cách có lý rằng, chợ miền Tây phải mang dáng dấp của
chợ quê ngay từ cái tên gọi. Cũng như một cô thôn nữ chèo xuồng trên sông Ba
sắc thì không thể nào kè kè một cái bóp đầm trên tay được (!). Mà quả là những
cái tên đó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân ở đây đến đỗi 100 năm sau họ vẫn
gọi như thế dù trải qua bao dâu bể, bóng xoài và cả dáng dừa đều đã mất đi. Từ
tiềm thức của đa số người dân mà chợ Cần Thơ gắn liền với bến Ninh Kiều đã là
một biểu tượng của đất Tây đô.
Có lẽ không nơi đâu mà lại gắn kết những số phận con người ta cho bằng…
chợ. Bao buồn vui nhân tình thế thái đều hiển hiện mồn một ở nơi này. Cũng như
chợ Cần Thơ vậy. Nhiều người khi đi xa cả nửa vòng trái đất vẫn thèm được về để
được đi chợ, được ăn quà. Chỉ có ở đó mỗi một tô bún, mỗi một ổ bánh mì thịt
mới gắn bó với từng số phận con người cụ thể. Những số phận đã đem lại cái hồn,
cái thi vị vào từng miếng ăn. Như chuyện ông lão Hoa Kiều bán bánh mì xá xíu ở
đầu ngõ chợ Hàng Dừa. Bánh mì của ổng thì cũng thường thôi nhưng có nhìn cái
cách ổng cẩn trọng xẻ đôi ổ bánh, xắt từng lát thịt xá xíu mỏng manh rồi đem
đi… cân lượng lại trên một cái cân tiểu ly đã lên nước bóng loáng mặc cho người
mua bụng đói cồn cào mới biết. Người mua sốt ruột hỏi “Làm chi kỹ vậy ông, một
ổ có hai ngàn đồng bạc, nhắm chừng đại khái thôi”. Ổng bảo: “Nị nói dậy hổng
được dồi. Ngộ cân mới công bằng chớ”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà đã mấy chục năm
nay, bao thế hệ người dân cố cựu ở Cần Thơ vẫn chung thủy đứng chen chúc bên xe
bánh mì này। Hoá ra một chút… công bằng của ông già bán bánh mì đã cầm chân được biết bao con người, biết bao thế hệ.
Hoặc giả chuyện bà Sáu “cô đơn” bán bánh kẹo, đường sữa. Ôi thôi ! Bao
nhiêu câu chuyện đã được thêu dệt quanh chuyện tình duyên gia đạo – miệng thế
gian thường vậy – của mấy chị em nhà này. Dì Ba, cô Bảy, chị Tư miễn đi chợ
chung là xúm lại với nhau xầm xì “nhiều chuyện”. Chị em bà Sáu biết hết nhưng
không để bụng. Cứ vậy, hết năm này tháng nọ “cô đơn” hay không thì chẳng ai
biết, có điều những mặt hàng sữa đường bánh trái đố ai bán lại chị em bà Sáu.
Gian hàng cứ đông vui như hội. Mà nói chi đến những người mua bán lớn. Nhớ
ngày, ở trên công bố sẽ sửa chợ Cần Thơ để hình thành một ngôi chợ chuyên phục
vụ khách du lịch lại thấy buồn. Bao nhiêu hàng cá, bao nhiêu hàng rau, bao
nhiêu hàng trái cây… chộn rộn di dời đi nơi khác. Hôm đó, dì Bảy bán bún mắm
đầu đường bảo, chợ dẹp rồi dì nhớ nhất con nhỏ bán sả ớt. Ôi thôi, miệng bằng
tay, tay bằng miệng. Lâu quá, mới ghé lại thế nào nó cũng lăng xăng lít xít hỏi
thăm rồi cho thêm vài ba trái ớt dù dì Bảy chỉ mua có… hai trăm đồng sả (!).
Lại nhớ, con nhỏ Tư trên Bình Thuỷ xuống ngồi ké bên sạp dừa khô của bà Tám để
bán “cò bay, ngựa chạy” mỗi khi Tết hay ba mươi, mùng một đến. Và cũng lạ một
điều, hiếm có nơi đâu người ta lại bộc phát một tình cảm chơn chất, ấm lòng
như… ở chợ. Lại nhớ một chuyện khá thú vị. Hôm nọ, anh Ba Bé, Giám đốc Xí
nghiệp In Cần Thơ có khách trên Sài Gòn xuống, muốn đãi khách ngặt nỗi bận quá
không ra chợ được. Ảnh bèn sai lính đem một mẩu giấy cho một cô bán cua mà ảnh…
biết mặt chứ không biết tên với nội dung như vầy: “Cô bán cua ơi, tôi là người
hay mua cua nè. Bữa nay có khách, cô cho tui mấy ký cua gạch son chắc càng
nghen. Hôm nào rảnh tui ra trả tiền sau”. Và cô nàng cũng chuyển lại một giỏ
cua kèm một mẩu giấy cho người mua… không tên như vầy: “Anh mua cua à ! Em tên
là Loan, còn con nhỏ bán chả cá kế bên em tên là Thuỷ”. Chẳng hiểu giờ cô Loan
đã phiêu dạt đến nơi nào, chỉ có điều “cái tình” ấy làm sao anh Ba và cả những
người như tôi quên cho được !
Dường như những ai thường đến nhấm nháp bữa điểm tâm tại nhà hàng Hoàng
Cung, đầu ngõ chợ vải – hồi xưa gọi là chợ Gà sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi
thấy Xuân thu nhị kỳ hai ông Trí và Hùng đều ăn sáng ở đây। Đơn giản chỉ vì với cái góc nhìn từ Hoàng Cung hai ông mới thỏa cái thú… ngắm chợ Cần Thơ.
Nghe đâu, hai ông đã gắn bó với cái chợ Cần Thơ này từ thưở nảo, thưở nao. Hai ông thân với nhau lắm và cũng khá cực
đoan theo cách nghĩ, theo cách sống của mỗi người. Ông Hùng, nay là giám đốc
Công ty May Tây Đô, nhưng hàng mấy chục năm trước ông từng kinh qua nhiều cái
cửa hàng trưởng của chợ Nhà lồng Cần Thơ. Từ bách hoá tổng hợp cho đến chợ cải,
chợ cá. Ông yêu cái chợ đến đỗi thuộc lòng từng cái ngạch cửa chợ, từng viên đá
lát, thậm chí cả cái khung cửa sắt đã bung gỉ. Cho đến bây giờ, khi đã ở một
cương vị khác ông vẫn la cà với chợ. Và dân tiểu thương mỗi khi mích lòng nhau
chuyện gì, hay khó khăn vốn liếng lại túm lấy ông để nhờ phân giải. Mấy bà bán
cá lại hay nhờ ông Hùng truyền cho bí kíp nhìn mặt cá đồng, đâu là cá lóc U
Minh, đâu là cá lóc nuôi bè. Thêm một điều ông lại khoái đi đổi tiền lẻ giúp
cho mấy sạp báo ngoài chợ. Không phải màu mè gì, chỉ đơn giản là nhờ vậy mà ổng
mới có cớ… đi dạo chợ Cần Thơ. Ông Trí bạn ông cũng thăng trầm không kém. Nhớ
hồi thời bao cấp – ông Hùng phân cho ông Trí một sạp bán vải trong khu bách hóa
– vẻn vẹn 1,4 mét vuông cho tấm thân đô con cao gần mét tám. Cũng có lúc thấy
làm ăn với Nhà Nước không khá, ông Trí bỏ ra bán quần jean lậu ngoài lề đường,
ông Hùng lại chạy xe đi kiếm. Lại có lúc ông Trí bỏ đi bán đồng hồ, lại thấy
ông Hùng đi tìm. Tình bạn của hai ông cứ chạy đèn cù quanh cái chợ Cần Thơ.
Nói cho hết chuyện chợ Cần Thơ thì có mà trăm năm. Còn nhớ lúc di dời
tiểu thương đi, dân tình chỉ thắc mắc một điều – trên nền chợ cũ sẽ mọc lên cái
gì. Ông Hùng lạc quan với một mô hình chợ đêm sẽ mọc lên. Ông bảo, bao nhiêu
khách sạn có sao, không sao của Cần Thơ đều ở xoay quanh trục đường này. Mở một
chợ đêm sẽ là cơ hội hốt bạc của du khách. Ông Trí thì nhấm nhẳng nói: “Sao độ
rày tui thấy đường phố bớt xung”. Đâu đó trong tâm tưởng, hai ông vẫn hoài nhớ
một ngày xưa, một thời chợ đã như một chứng nhân chứng kiến bao nỗi thăng trầm
của cuộc đời hai ông, của cuộc đời bao nhiêu người khác।
Có lẽ không một đô thị miền Tây nào lại có được một vị thế tuyệt vời với
những bố cục phố xá như Cần Thơ và chợ Cần Thơ। Thử tưởng tượng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, tửu điếm mang những cái tên: Đế
Vương, Hoàng Cung, Phong Nhã, Hào Hoa… Rồi hàng mấy rạp chiếu bóng – mà hồi xưa
đã phân định, rạp này chuyên chiếu phim Tàu, rạp kia phim Chưởng, rạp nọ chuyên
trị Ấn Độ lại Tây Phương. Tất cả đều xoay quanh tâm điểm là chợ Cần Thơ. Liệu
khi về nơi mới, chợ mới có hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà kể
trên cho các tiểu thương đã gắn bó từ bao đời nay với chuyện mua, chuyện bán.
Quan điểm, di dời hết tiểu thương của một ngôi chợ trên 100 tuổi để điều chỉnh
sự hưng thịnh cho Trung tâm thương mại Cái Khế mới quả là vấn đề đáng bàn cãi.
Bản thân chợ không bao chịu sự áp đặt. Bản chất của chợ là tự phát, vấn đề là
tự phát như thế nào để các nhà quản lý sẽ điều chỉnh đến đó. Khu chợ mới sẽ tự
nhiên sẽ sung túc, náo nhiệt lên nếu có đầy đủ yếu tố chứ không thể “ép duyên”
là “nên vợ nên chồng”. Nhiều người cứ băn khoăn mãi với việc dành bao nhiêu
diện tích cho chợ đêm, bao nhiêu cho công viên. Họ bảo, sau khi giải toả chợ
Cần Thơ thì các trục đường Võ Văn Tần, Châu Văn Liêm, Ngô Quyền sẽ như những
hành lang thông gió cho đô thị. Trộm nghĩ, lẽ thường âm dương phải hoà hợp. Một
khi, gió thổi lồng lộng mà khách bộ hành thưa thớt liệu có vượng khí được hay
không. Giờ thì ngôi chợ cổ Cần Thơ 100 tuổi đã được “tân trang nhan sắc” với
những đèn màu chớp tắt hực hỡ. Bên trong cũng có bán hàng, nhưng những kiến
trúc sạp chợ như những kho chứa hàng xếp san sát thấy phản cảm gì đâu. Mặt tiền
phía bờ sông lại bị một Nhà hàng của Tây án ngữ. Vậy thì liệu có “anh bán
chiếu” nào dám ghé để ngẩn ngơ nhìn cô thôn nữ miệt vườn dạo phố. Mà người đi
chợ cũng thưa thớt lắm rồi. Lại nghe đâu, bến thuyền sẽ dời về cầu Bắc Cần Thơ.
Xa hơn một chút là những cọng dây cáp treo chăng ngang qua sông Hậu để chở du
khách qua cồn Ấu thay thế nhiệm vụ của những chuyến đò ngang. Lại trộm nghĩ –
“Thô bạo quá – vậy còn gì là miền Tây”.
Hôm nay là chuyện vắng chợ, ngày mai mất bến thuyền, ngày kia nữa vắng
hẳn những chuyến đò ngang. Và nụ cười duyên e ấp của những cô gái xóm Chài riết
rồi cũng thành dĩ vãng. Biết rằng con ngưòi ta không thể cưỡng được làn sóng
“xâm thực” của cái gọi là văn minh đô thị. Nhưng lại nghe đâu đây bao tiếng thở
dài hoài cảm, xót xa. Họ chỉ mong một ngày chợ tìm lại được nét duyên xưa.
CHUYỆN XÓM CHÀI:
Rồi đây, theo quy hoạch đô thị hết sức “tân tiến, văn minh” – một chiếc
cầu bê tông bề thế sẽ kết thúc nhiệm vụ từ hàng thế kỷ nay của những chiếc
thuyền ba lá, những chiếc phà trên bến Xóm Chài, Cần Thơ। Mà đâu đợi gì đến lúc đó, từ khi chợ Cần Thơ được quy hoạch, cải tạo
lại, ghe thuyền neo bến nơi này đã ít hơn xưa. Duy ánh đèn màu của dãy khách
sạn Golf, Quốc Tế, Ninh Kiều vẫn nhẫn nại lung linh hắt xuống mặt sông đen sẫm.
Bên kia bờ là Xóm Chài – như một bè trầm tương phản – tĩnh lặng trong màn đêm.
Khác với Sài Gòn náo nhiệt, đêm Tây Đô yên ắng quá, tưởng chừng như có thể lắng
nghe được tiếng thở dài của sông. Và khoảng cách đôi bờ vẫn chưa là một khoảng
với cho tiếng gọi Đò ơi ! Vậy mà đã bao đời nay, bến sông đó như một chứng nhân
cho bao thân phận đàn bà sống kiếp chèo thuê. Hàng đêm, họ cứ ngồi chết lặng
nhìn những ngọn đèn xanh đỏ bên kia sông mà như mơ về một nơi xa lắm…
Còn nhớ, cả một đoạn Xóm Chài gần như xôn xao cả lên khi thấy chúng tôi
lỉnh kỉnh nào túi, nào máy ảnh đi hỏi thăm nhà chị Ánh chèo đò। Đã bao
năm rồi, ngôi nhà ấy không có bóng dáng đàn ông. Khi
biết chúng tôi là loại khách du lịch bụi thường thuê chị Ánh chở ra sông Hậu
nghêu ngao giữa sông nước bốn bề, họ ồ lên ngạc nhiên. Họ cứ ngỡ chỉ có Tây mới
làm như thế. Khác với vẻ lanh lợi, bẻm mép thường thấy của những chàng trai, cô
gái đưa rước khách du lịch trên sông – ở chị thường có một chút chi cam chịu,
nhẫn nhục trước số phận đẩy đưa. Và trong những câu chuyện lan man, ngắt quãng
suốt chuyến đi, bao giờ cũng thấy thấp thoáng bóng dáng, số phận lam lũ của
người dân Xóm Chài. Chị không mừng khi chúng tôi biếu thêm sau mỗi một chuyến
đi những tờ giấy bạc xanh, đỏ. Chị chỉ lạ, vì như vậy đã là quá sang cả với
người dân Xóm Chài. Để có những tờ giấy xanh, đỏ mà du khách hào phóng rút ra
không cần suy nghĩ đó, họ phải mải miết chèo cả sáng, cả chiều đến những bến đỗ
xa tít tắp ở Cái Sâu, Bùng Binh, Bến Bạ, Cả Nghi… Chị bảo, ở Xóm Chài chỉ năm
xóm dân thì có đến 7 bến đò đón khách sang sông. Dù tiền vé cho mỗi lượt khách
chỉ hai trăm hoặc năm trăm đồng nhỏ nhoi nhưng họ vẫn cứ bám lấy như đã là một
cái nghiệp.
Có lần, tôi tò mò hỏi chị chèo đò đã bao nhiêu năm। Chị Ánh mộc mạc hỏi đứa em đang
ngồi trước mũi ghe: “Thằng Len năm nay
bao nhiêu tuổi hả Út”. “Mười chín chứ bi nhiêu. Hồi chị sanh
nó xong má để tài đò lại cho chị tới giờ, hổng nhớ sao”. Vậy đó,
ở họ hình như không có một khái niệm cụ thể về thời gian। Cuộc sống với biết bao biến động, bao cuộc mưu sinh cứ ập đến trên đôi vai
cô gái đã toan về già này. Họ chỉ biết một khái niệm thời gian vật chất qua con nước lớn, nước ròng trên bến sông đỏ ngầu
phù sa. Má chị Ánh chết cách đây 6 năm, lúc đó bà 56 tuổi. Không ai nhớ tên
thật của bà là gì, đã mấy chục năm nay họ gọi chết tên bà là Bà Bảy Xóm Chài.
Cũng như tên bà ngoại của chị Ánh là Bà Năm bán trầu. Không như đứa con gái vắn
số của mình, bà Năm vẫn minh mẫn dù đã ngoài 80. Bà bảo, trước bà ở kinh So Đũa
Vàm Sáng miệt Phụng Hiệp. Bà theo chồng đến đây sinh cơ lập nghiệp đã trên 50
năm. Hồi đó, ở đây còn là rừng hoang vu, xa xa chỉ có một cái nhà. Cũng như
những người đàn bà khác trên bến sông, bà Năm bán buôn lặt vặt cho khách thương
hồ rồi mót máy dành dụm tiền mua một chiếc đò ngang kiếm kế mưu sinh. Thời gian
cứ như chớp mắt. Chính họ cũng không sao hình dung nổi đã có ba thế hệ trong
căn nhà này gắn chặt cuộc đời theo con sông lững lờ chảy ngoài kia. Chị Ánh
bảo, hồi mới sanh thằng Len xong chị ước mơ đủ thứ. Chị dặn với lòng ráng kiếm
tiền nhiều hơn để cho đời con được khá, nó được qua bên kia bờ chen vai thích
cánh với người ta. Thời gian càng qua đi lại càng bào mòn những ước mơ ấy. Giờ
thì chị chỉ mong có tiền mua một chiếc máy tốt hơn cho con trai đưa khách đường
xa.
Vậy đó, ở bên bến sông này đã có một ngôi nhà, một con đò của 3 cuộc
đời, 3 thân phận đàn bà। Cả ba người đàn bà này đều gặp nhau ở một điểm chung nhất. Họ cứ đau đáu nhìn
qua bên kia sông, ở đó là bến Ninh Kiều có đèn ngọn xanh, ngọn đỏ, có dập dìu
tài tử giai nhân. Họ ước muốn con mình, cháu mình rồi sẽ đổi đời, cuộc đời nó
sẽ có màu như ngọn đèn xanh đỏ ấy. Ôi chao, một ước mơ đi suốt ba thế hệ của ba
kiếp người.
Cũng sinh cơ trên đất Xóm Chài nhưng sự gắn kết cuộc đời anh Phan Văn
Đấu với khúc sông này thật ngẫu nhiên, thật tài tử. Anh quê miệt Tân Thành, Cà
Mau. Cách đây 15 năm khi còn là một chàng trai trẻ, lực điền anh theo bạn bè đi
than, đi củi và thường neo đậu ghe ở Xóm Chài. Mỗi lúc nằm chờ con nước lớn để
nhổ neo anh hay ngâm nga mấy câu vọng cổ của Viễn Châu… “Chiếu Cà Mau cặm sào
trên dòng sông Ngã Bảy…”. Chỉ ca thôi chứ không dám tỏ tình, chọc ghẹo những cô
gái trên bến sông। Anh sợ cái
ngoa ngoắt của họ thì ít, buồn cho
cái kiếp nổi trôi của mình thì nhiều hơn. Thành thử anh đã sững sờ khi
bắt gặp cái nhìn len
lén của cô Phúc đò ngang. Vậy là hai cuộc đời nổi trôi ấy đã gắn kết với
nhau trên chiếc
ghe. Họ có với nhau một mặt
con cũng trên chiếc ghe ấy.
Mới đây, anh Đấu khoe đã mua được một căn nhà nhỏ ở Xóm Chài để chị Phúc
“lên bờ” nuôi con. Riêng anh, “lên đời” chiếc ghe có tải trọng lớn hơn một chút
để đi chở thuê cát, đá. Chị Phúc bảo, những ngày giáp Tết, khách thuê mướn
nhiều anh đi biệt cả tháng mới về. Nhưng chị không buồn vì đó là ước muốn để
được đổi đời của anh. Nhưng chị lại chạnh lòng khi có ai đó hỏi han chuyện học
của con trai chị. Thằng Chiến năm nay 13 tuổi nhưng mới học hết lớp 3. Cái
nguyên cớ sâu xa để anh Đấu, chị Phúc nhất quyết lên bờ chính vì muốn thằng con
mình được “lên trường”. Nhưng cạy cục mãi thằng Chiến vẫn không lên được trường
công vì quá tuổi nhiều quá – cái giá của những chuỗi ngày lênh đênh trên sông
nước cùng cha, mẹ. Hôm qua, nó rủ rỉ bảo với chị Phúc – “Má cho con nghỉ học
theo ghe phụ ba. Chớ con lớn tồng ngồng nhứt lớp mắc cỡ quá hà”. Chị Phúc nhìn
chết sững thằng Chiến mà xót xa vì một nỗi không thay đổi được gì cho.
Còn nhớ mấy năm trước, cả Xóm Chài này đã xôn xao cả lên khi nghe tin
Nhà Nuớc sẽ quy hoạch cả cái cồn Hưng Phú này thành khu công nghiệp, khu du
lịch sinh thái। Lâu lâu lại có những ông áo quần bảnh bao qua đứng chỉ chỏ, bàn tán đây sẽ là đầu cầu Cần Thơ, kia sẽ là đầu cầu Quang Trung. Giá đất theo đó cứ lên vù vù. Cư
dân Xóm Chài cứ ngỡ phen này được đổi đời đến nơi. Mà có riêng gì họ. Tôi nhớ,
hồi đó anh Nguyễn Hữu Xuân, chủ tịch phường cứ trăn trở mãi về những quy hoạch
chi tiết. Bờ Nam sẽ là khu công nghiệp, kia là lò gạch tuy nen Phú An. Rồi dãy
bờ sông này sẽ dãn dân để hình thành khu du lịch sinh thái với những bờ kè
không thua kém công viên Ninh Kiều. Anh sôi nổi nói về những dự án thu hút lao
động tại chỗ khi mai này khu công nghiệp mọc lên. Nhưng rồi cũng chỉ là nhũng
toan tính, dự định. Tôi đã phải giật mình khi biết để thực hiện dự án ấy nội
tiền giải tỏa, bồi hoàn đã trên 200 tỷ. Giá đất tạm lắng. Nghe đâu trong cơn
sốt đất trước đó, có đến gần 200 hộ dân bán đất, sang vườn. Buồn một nỗi, hộ
khấm khá lên nhờ bán đất thì ít, sạt nghiệp trắng tay thì nhiều. Đa phần, họ
mua một chiếc ghe xuống sông đưa khách kiếm sống qua ngày để tìm kiếm một cơ
may nào khác.
Những biến động như thế cứ nối tiếp nhau như con nước lớn, nước ròng với
những người dân Xóm Chài. Tóc chị Ánh đã lấm tấm bạc. Anh Đấu đã thôi ca vọng
cổ. Chị Phúc hay nghêu ngao hát Karaoke. Duy đèn công viên vẫn nhấp nháy đỏ,
xanh. Con sông Hậu vẫn lững lờ chảy. Sông biết hết những biến động của lòng
người, những khao khát dồn nén dù là thầm kín. Nhưng như bao đời nay, nó vẫn
bao dung với tất cả, bảo bọc tất cả với những gì có thể. Chỉ lạ một điều, lần
này chính dòng sông lại buồn khi thấy những thân phận đó lại tiếp tục đưa khách
sang sông. Các tấm biển xanh đỏ bên kia Xóm Chài vẫn nhấp nháy hực hỡ. Nhưng khi
tĩnh tâm một chút lại như nghe được tiếng thở gấp gáp trong giấc ngủ chập chờn
của những người vừa đi qua trong tâm tưởng của tôi.
Dấu Xưa Nam Bộ
304Đen – llttm -tvvn
No comments:
Post a Comment