Khúc cầm tiêu “Chính tà
lãng mạn”
Tôi
đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ “real time” và thích bộ truyện này, dù chưa chắc đây là
bộ hay nhất. Có lẽ vì thế, nhân vật mà tôi nhớ nhất là anh chàng lãng tử Lệnh
Hồ Xung.
Nguyễn
Văn Đạo
Vì đã được “giáo dục” từ những bộ kiếm hiệp kinh điển trước đó của Kim
Dung như Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ Long… kể cả bộ Võ Lâm Ngũ Bá mà sau này
mới biết là Kim Dung giả, tôi không ngạc nhiên trước kiểu nhập đề lung khởi của
Kim Dung, và không nghĩ nhân vật Lâm Bình Chi sẽ là vai chính.
Nhưng chuyến này sư phụ Kim Dung đã ra chiêu mới, để cho nhân vật chính,
“đại sư ca” bí ẩn này thấp thoáng qua các cuộc hỗn chiến với đám đệ tử phái
Thanh Thành, với những hành động rất chi là ngang ngược, bất cần đời.Tôi đã hơi
shock khi dần dà biết ra gã này là nhân vật chính của truyện. Mẫu hình của
những nhân vật chính trong truyện của Kim Dung thường có lý lịch rất rõ ràng,
ít nhất cũng từ đời song thân phụ mẫu. Học hành ở đâu, thoát ly gia đình tham
gia giang hồ khi nào, đều trong sáng như ban ngày. Thế mà, gã Lệnh Hồ Xung này
thì khác hẳn. Gã từ đâu tới, không ai biết. Gã sẽ đi về đâu (sau khi bị sư phụ
đuổi khỏi môn phái) cũng không đoán ra được.
Xuất thân là đứa bé mồ côi, độc giả đã quen mô-típ truyện kiếm hiệp bèn
ngóng cổ chờ xem đến hồi nào thì hé ra chuyện “năm xưa, trong một đêm mưa gió
bão bùng, một đám người áo đen bịt mặt tràn vào gia trang, giết sạch cả nhà trừ
một đứa bé may mắn thoát nạn, sau này trở thành võ lâm đệ nhất … cái gì đó,
quay lại đi tầm thù báo oán …”. Nhưng không, cho đến hết truyện cũng chẳng ai
biết Lệnh Hồ công tử xuất thân thuộc thành phần nào, con cái nhà ai, bần nông
hay điền chủ!
Trở lại việc xuất hiện của Lệnh Hồ Xung, vừa xong những cuộc ẩu đả với
đệ tử phái Thanh Thành, người đọc chưa kịp hình dung đại ca Lệnh Hồ Xung thuộc
phái tà hay chính thì bác Kim Dung lại lôi chàng vào cuộc đánh nhau rượt đuổi
và tình cảm éo le đẫm nước mắt giữa Lệnh Hồ công tử, dâm tặc Điền Bá Quang và
ni cô ngây thơ Nghi Lâm.
Phải nói rằng, qua những cuộc quyết đấu giữa Lệnh Hồ Xung và Điền Bá
Quang, Lệnh Hồ công tử đã tỏ ra là một kẻ đầy khí phách giang hồ, một mặt cũng
đủ trí trá để kết bằng hữu với Điền Bá Quang hầu lập mưu cứu Nghi Lâm. Mặt khác
lại vẫn nhất quyết xả thân để cứu nàng như một người quân tử chân chính.
Trong cuộc đấu trí và đấu võ với Điền Bá Quang, Lệnh Hồ Xung tỏ ra như
một anh hùng hào sảng, vì chuyện lớn bỏ qua chuyện nhỏ, sẵn sàng dùng mưu trí
dù hơi xảo trá để cứu người, có vẻ như rất khác với mẫu mực nghiêm khắc của sư
phụ Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần.
Thế nhưng khi trở lại môi trường phái Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung lại trở
thành một đệ tử ngoan ngoãn, một đại sư ca hết lòng hết dạ với các sư đệ và đặc
biệt là nàng sư muội. Ta có thể hiểu Lệnh Hồ Xung đã coi môn phái Hoa Sơn như
gia đình ruột thịt của mình, đi đâu làm gì cũng chừa lại một phương cho sư môn,
dù phải chịu bao cay đắng. Chỉ từ khi bị đuổi khỏi phái Hoa Sơn, lúc đó Lệnh Hồ
Xung mới tung cánh bay cao, trở lại con người thực của mình.
Việc Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô Cửu Kiếm từ sư thúc tổ Phong Thanh Dương
để bắt đầu bước giang hồ như một “đệ nhất kiếm sĩ” làm ta liên tưởng tới chuyện
Dương Qua sau khi được truyền thụ “kiếm đạo” của Độc Cô Cầu Bại. Tuy nhiên, sự
khác nhau giữa Lệnh Hồ Xung và Dương Qua, là Lệnh Hồ Xung không hề được trao
thanh kiếm nào, nhưng đồng thời lại học được chín chiêu kiếm để trở thành kiếm
sĩ thượng thừa. Kể ra chỗ này Kim Dung tiên sinh cũng hơi tự mâu thuẫn, khi một
bên đưa ra nguyên lý độc đáo “dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu”, một bên vẫn có “cửu
thức” để thắng thiên hạ. Vô chiêu, nhưng lại hữu thức (phá kiếm thức ….), thật
là rắc rối!
Từ khi mang trong người chứng bệnh quái dị do Đào Cốc Lục Tiên gây ra,
Lệnh Hồ Xung lê bước giang hồ, vừa mất tiểu muội, vừa không còn sư môn, không
biết sống nay chết mai như thế nào, thế là chàng bất cần đời, sẵn sàng giao lưu
kết bạn với đủ hạng người. Nhưng chính nhờ tính khẳng khái và bất cần này, Lệnh
Hồ Xung đã được lòng anh em giang hồ hắc bạch, kèm thêm trợ thủ vô hình “Cô Cô”
Doanh Doanh sau lưng nên đi tới đầu cũng được hết lòng giúp đỡ, thậm chí còn
được Bang chủ Ngũ Độc Giáo Lam Phượng Hoàng ... gạ gẫm trao tình.
Có lẽ trong các tác phẩm của Kim Dung, chẳng có bộ truyện nào mà nhân
vật chính người ngợm bèo nhèo, võ công có mà như không, lang thang lếch thếch
khắp nơi như phế nhân, nhưng chỉ nhờ cái tính vừa bướng bỉnh ngang ngược, vừa
hào sảng với bạn bè mà được giang hồ đồng đạo mến mộ. Khổ nỗi, hầu hết các bạn
bè giang hồ này đều thuộc giới Hắc đạo, khởi đầu do chỉ đạo của cô cô Doanh
Doanh mà ra, nên ngày Lệnh Hồ Xung càng cách xa con đường “Chính đạo”.
Con người Lệnh Hồ Xung khinh bạc như vậy, thế nhưng bản chất bên trong
vẫn là một bậc hiền lương quân tử. Với bao người đẹp từ ngây thơ như ni cô Nghi
Lâm đến “giang hồ trinh nữ” như giáo chủ Lam Phượng Hoàng. Và đặc biệt với
Doanh Doanh từ lúc còn là Cô Cô đến khi lộ mặt là Nhậm tiểu thơ, Lệnh Hồ Xung
vẫn giữ được lễ nghĩa đạo đức, quyết “ăn mặn nhưng ngủ chay” không thua gì bậc
chính nhân quân tử.
Khí phách giang hồ khiến Lệnh Hồ Xung có được nhiều bằng hữu tốt, nhưng
chính ra nhờ cái máu chung tình mà Lệnh Hồ Xung mới chiếm được trái tim của
Nhậm tiểu thơ. Chung tình và thất tình, đến mức khi mê sảng là lảm nhảm những
câu chuyện từ ngày xưa với tiểu muội, và khi tỷ đấu với nhau thì (cố tình) ngây
người ra hứng kiếm để chịu thua. So ra thì tình huống này khá giống với lúc
Trương Vô Kỵ đấu chưởng với Chu Chỉ Nhược, đã hốt hoảng thu kình lực về vì sợ
đả thương Chu muội, kết quả cả hai (Lệnh Hồ Xung và Trương Vô Kỵ) đều lãnh đủ
một cú trọng thương.
Có những chi tiết nhỏ nhưng lộ ra bản chất của một nhân vật. Trong
Tiếu Ngạo Giang Hồ, gần đoạn kết, khi Phương Chứng đại sư đến thăm Lệnh Hồ
Xung, anh chàng vội vàng chạy ra đón đến quên cả xỏ dép mà không biết. Chi tiết
này tuy nhỏ nhưng biểu lộ rõ tính tình phóng khoáng và không câu nệ tiểu tiết của
Lệnh Hồ Xung.
Và cuối truyện, là một hình ảnh thật đẹp của cặp tình nhân Lệnh Hồ Xung
và Doanh Doanh, một “chính”, một “tà”cùng nhau tấu khúc nhạc Tiếu Ngạo Giang
Hồ.
Tiếu ngạo giang hồ là khúc nhạc cầm-tiêu của Lưu Chính Phong và Khúc
Dương, đôi bạn tri kỷ, một “chánh”, một “tà” hợp soạn. Họ đã cũng nhau hợp tấu
cầm-tiêu bản “Tiếu ngoại giang hồ”, cất tiếng cười bi phẫn trước khi bước ra
khỏi cõi đời chính-tà lẫn lộn. Lệnh Hồ Xung được trao thừa kế bản cầm phổ này.
Và giờ đây, cặp tình nhân một “chính”, một “tà” tấu lại khúc nhạc của tiền
nhân.
Hình ảnh vừa lãng mạn, vừa như một biểu tượng của hòa hợp giữa chính và
tà, giữa hắc đạo và bạch đạo. Những hình ảnh như thế thường loáng thoáng có mặt
trong các bộ tiểu thuyết của Kim Dung. Có phải chăng đây là ước mơ của ông, và
cũng là ước mơ của nhân loại?
Nguyễn
Văn Đạo
304Đen
– Llttm -sgtc
No comments:
Post a Comment