NGÀY VỀ
Năm 1981, khi tôi còn bị giam trong trại cải tạo Z30C Hàm-Tân, Thuận-Hải, cứ vào buổi chiều, tôi cùng vài anh bạn tù lại ngồi quây quần bên nhau trên sạp xi măng, nhâm nhi từng ngụm cà phê chế bằng cơm cháy, ôn lại chuyện đời cho nhau nghe.
Hầu như bữa nào cũng vậy, dù trời tạnh
ráo hay mưa bão dầm dề, thế nào chúng tôi cũng được nghe tiếng guitar thánh
thót của một nhạc sĩ tay ngang Cựu Thiếu-Tá Hồ-Văn-Hùng, gốc Cảnh-Sát Quốc-Gia
và tiếng ca trầm buồn ảo não của chàng ca sĩ ngang xương Cựu Thiếu-Úy
Nguyễn-Văn-Vinh gốc Biệt-Cách Nhảy-Dù.
Chúng tôi mất nước đã gần chục năm, xa
nhà cũng đã gần chục năm, nên những lời buồn thảm, bi ai: “Tìm đâu
những ngày thơ ấu qua…” – “Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho
ai…” vừa cất lên, thì người đàn, người hát, người nghe cùng chạnh
lòng, nhớ Mẹ, nhớ Cha, nhớ Vợ, nhớ Con, nhớ Bạn-Bè, nhớ Xóm-Giềng, và nhớ
Quê-Hương.
Anh nhạc sĩ Hồ-Văn-Hùng, xưa kia là
Cảnh-Sát Tỉnh Hậu-Nghĩa; nay bị giam cùng buồng, cùng đội lao động với tôi. Anh
thuộc nhiều bài hát lắm! Tôi xin anh chép lại cho tôi trọn bộ lời Pháp của
bài “Chanson d’Orphée“.
Anh ta chỉ cần dạo nhạc cho tôi đôi
lần, là tôi đã thuộc nhập tâm bài hát này ngay. Trong bài ca ấy, tôi thích nhất
câu “Le ciel a choisi mon pays. Pour faire un nouveau
paradis” (Thượng Ðế đã chọn quê hương tôi để dựng lên một Tân Thiên
Ðường.)
Ngày xưa Thượng-Ðế đã ban cho tôi một
Thiên-Ðường, mà tôi lại vô tình không nhận ra, đó là đất nước Việt-Nam Cộng-Hòa.
Năm 1975 Thiên-Ðường của tôi đã không còn nữa!
Một năm sau ngày được thả, đầu Thu
1989 tôi gặp lại Hồ-Văn-Hùng trước một sạp báo cạnh nhà thương Sùng-Chính,
Chợ-Lớn. Khu này quy tụ khá nhiều dân gốc “NGỤY”: Một sạp báo do anh cựu
nhân viên Phủ Ðặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo làm chủ, một thợ hớt tóc là cựu
Hải-Quân Thiếu-Úy, kế đó là một ông già mài dao, mài kéo, xưa kia làm tới Phó
Quận xuất thân từ trường Quốc-Gia Hành-Chánh!
Thấy yên sau xe đạp của Hùng chất đầy
sách vở, tôi hỏi anh làm nghề quái quỷ gì mà nhiều sách thế thì anh vênh mặt
lên,
– Tớ đi dạy!
– Dạy nhạc hả?
– Nhạc gì?
– Thì nhạc Việt, Tân-Nhạc… hồi
còn trong trại tù cậu và thằng Vinh Biệt-Cách hay hát cho tớ nghe…
Hùng xua tay, lắc đầu quầy quậy,
– Tớ có biết nhạc với
nhiếc con mẹ gì đâu? Guitar tớ học lóm, chẳng có thầy bà nào dạy cả! Nhạc-Lý,
nhạc Pháp cũng làng nhàng. Hiện giờ tớ đi dạy Anh Văn!
Tôi nghi ngờ vặn lại,
– Anh Văn của cậu cỡ nào mà
dám đi dạy?
Hùng cười hì hì,
– Ối trời ơi! Sao cậu ngây
thơ thế? Bộ suốt đời lính không lúc nào cậu bị ở vào cái thế lang bang, không
chức vụ hả? Cứ lang bang không chức vụ là được gởi đi học. Tớ biết khối thằng
có đầy bằng cấp chuyên môn chỉ vì lý do không có chức vụ trong đơn vị nên cứ có
lớp là bị tống đi học. Hồi xưa, lúc còn lang bang không chức vụ, tớ có dịp được
đề cử theo học một khóa Anh Văn, rồi lại bị đưa đi học tu nghiệp ở Mã-Lai. Năm
ngoái ra khỏi tù cải tạo, tớ kiếm hoài không ra việc, tưởng là phải chết đói.
Ai ngờ gặp đúng lúc đổi đời, nhà nhà học Anh Văn, người người học Anh Văn. Tớ
vội ôn lại văn phạm vài ngày là đi dạy kiếm cơm được rồi. Cả khu phố của tớ đều
mù, tớ là thằng chột. Xứ mù, thằng chột làm vua! Tớ đếch cần làm Vua, chỉ cần
Gạo thôi…
Tôi không phục cái ngai vàng trên nước
mù và chột của người bạn thời đi tù cải tạo này, nhưng tôi thích tiếng đàn
Guitar của anh, thích giọng ca của Nguyễn-Văn-Vinh mà tôi đã được nghe trong
những chiều buồn nơi lán trại của Z30C, Hàm-Tân năm nào.
Tôi kéo Hùng ngồi xuống bên bàn cờ
tướng của ông thợ hớt tóc. Tôi giới thiệu Hùng với hai ông bạn “NGỤY” của tôi.
Ông Hải-Quân mời Hùng uống trà; ông Ðốc-Sự cũng xúm vào góp chuyện. Hùng là
người Huế, ông Ðốc-Sự cũng là dân Huế; chỉ vài phút sau hai ông đã ra chiều
tương đắc!
Thấy trên tường có treo cây Guitar của
ông thợ hớt tóc, bên cạnh là cây đờn Cò của ông mài dao kéo, giáo sư Hùng gật
gù,
– Các cha ở đây có cả Tân,
Cổ giao duyên vui quá há?
Nghe Hùng nói, tôi chợt nhớ chuyện
xưa, nên cầm tay Hùng tôi khẩn khoản yêu cầu anh hát lại khúc “NHỮNG
NGÀY THƠ-MỘNG” của Hoàng-Thi-Thơ cho tôi nghe.
Chiều ý tôi, ông giáo sư Anh Văn bỏ
nón xuống bàn cờ tướng, ông uống cạn ly trà móc câu, ôm cây Guitar kê lên đùi,
so dây, lấy giọng, rồi bắt đầu: “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu
những ngày xanh như mộng?…”
Khi Hùng vừa xuống giọng câu
chót: “Tìm đâu? Biết tìm đâu? đâu giờ…” thì anh bắt ngay
qua “Matin, fait lever le soleil…”(Buổi sáng, mặt trời lên…) của
bài hát tiếng Tây “Chanson d’Orphée”
Hứng chí, ông thợ mài dao ôm cây đờn
cò “í!a! í!a!…” phụ họa, còn ông thợ hớt tóc thì hai tay thủ
hai cái giũa sắt múa “Cạch! cạch! cành! cành!…” trên thành cái
chậu nhôm chứa nước như một tay trống điêu luyện, lành nghề.
Người qua đường dừng lại mua báo,
khách của bác thợ mài dao, khách của bác thợ hớt tóc đứng ngây nghe các bạn tôi
đàn hát. Tiếng hát não nuột, tiếng Guitar réo rắt, tiếng trống sắt rộn ràng, và
tiếng đờn cò nức nở làm cho lá vàng rơi tới tấp trên đường Trần-Hưng-Ðạo một
chiều Thu năm 1989.
Mấy bé con tan trường từ một lớp tiểu
học gần đó xì xào với nhau: “Nhạc vàng, nhạc ngoại, hay quá trời, lại
nghe coi tụi bây ơi!”
Sau khi chấm dứt câu cuối, “Chante
chante mon coeur. La chanson du matin. Dans la joie de la vie qui revient…”
(Hát lên, hát lên trái tim tôi. Bài hát của buổi mai. Trong
niềm vui vừa trở lại…) thì Hùng chợt hốt hoảng la toáng lên,
– Ủa chi rứa? Bà con
làm chi rứa?
Thì ra… bà con qua đường tưởng bốn
thằng tôi là gánh hát dạo, họ bỏ tiền vào cái nón của giáo sư Hùng, cái nón nằm
ngửa trên bàn!… cái nón đầy tiền loại 20 đồng màu tim tím…
Bốn anh cựu Quân, Cán, Chính, Việt-Nam
Cộng-Hòa nhìn nhau, miệng mếu xệch.
Mười bốn năm sau khi Miền Nam SỤP-ĐỔ,
hàng trăm ngàn cựu 'TÙ CẢI-TẠO' đã lẫn vào và như đã biến mất trong cái xã hội
hỗn mang, hạ cám thượng vàng. Họ chìm vào giòng đời dưới những bộ mã khác nhau:
Ông Thiếu-Úy Hải-Quân thành ông thợ hớt tóc; ông Thiếu-Tá Cảnh-Sát thành ông
thầy dạy Anh Văn lưu động; ông Phó Quận Hành-Chánh thành ông mài dao kéo; nhưng
cái giá trị NHÂN-BẢN tiềm ẩn trong con người họ vẫn còn đó. Trái tim họ vẫn
không ngủ quên!
Cũng như trăm ngàn ĐỒNG-NGŨ Việt-Nam
Cộng-Hòa khác, NGÀY VỀ CỦA TÔI cũng là ngày đầu một cuộc sống mới, đầy ngỡ
ngàng! Sau đó, tôi cũng từ từ lẫn vào, và biến mất trong dòng chảy của một
XÃ-HỘI HẠ CÁM, THƯỢNG VÀNG! Tôi bắt đầu xây lại cuộc đời với một chiếc xe đạp
thồ!
Cái xe đạp thồ của tôi quả là một con
ngựa đa năng, đa dụng. Nó chẳng đòi ăn, đòi uống, nghỉ ngơi, giải trí, chuyện
trò gì! Tôi chất bất cứ vật gì lên lưng nó, nó cũng im re, không than van nặng
nhọc nửa lời. Nó giúp tôi buổi sớm tinh mơ chuyển hàng cho thân chủ từ Chợ-Lớn
về Chợ Bến-Thành. Buổi tối, chở hàng từ Cầu Chữ Y sang đổ nơi bến xe Miền Ðông.
Trời nắng chang chang, nó chở tôi và một giỏ cá khô từ Sài-Gòn lên Thủ-Ðức, len
lỏi trong những con hẻm ngoằn ngoèo, để tôi rao bán lẻ từng ký cá khô, tôm khô!
Nó chở vợ chồng tôi từ Sài-Gòn đi
Thủ-Ðức tới nhà anh bạn Ngô-Văn-Niếu của tôi để họp mặt anh em cùng khóa 20
Võ-Bị chào mừng mười cựu Sĩ-Quan khóa 20 Võ-Bị mới được tha, trong đó có tôi.
Dịp này nơi bãi cỏ đậu xe trước sân nhà anh Niếu, nó được đứng xếp hàng chung
với những chiếc xe Dream, Honda, Vespa của các bạn tôi! Tôi thấy chiếc xe đạp
thồ của mình có vẻ “Oai-Phong” không kém gì chúng bạn, vì so
chiều ngang, chiều dài, nó đâu có kém ai? Nhìn kỹ, tôi thấy nó còn có vẻ “PHONG
TRẦN BẠT MẠNG” hơn mấy chiếc xe máy bóng loáng, kiêu sa, yểu điệu, của
các ông bạn tôi nữa đó!
Tôi có anh bạn làm Trung-Tá Cảnh-Sát.
Anh ấy và tôi được thả ra khỏi Trại 'CẢI-TẠO' cùng giờ, cùng ngày.
Nhà anh bạn tôi ở gần Thảo-Cầm Viên Sài-Gòn.
Mỗi lần tôi ghé thăm nhà anh, vừa thấy
mặt tôi, bà Mẹ anh đã đon đả gọi con,
– Bảo ơi! Có “Anh Long
Xe Thồ” tới thăm con kia kìa!
Trung-Tá Cảnh-Sát Phan-Trần-Bảo,
Trưởng Ty Cảnh-Sát tỉnh Phan-Thiết là bạn tôi; mấy chục năm sau anh ấy còn nhớ
cái tên “Anh Long Xe Thồ” mà Mẹ anh ta đã đặt cho tôi!
Trước ngày lên đường đi Mỹ định cư,
nếu tôi ra khỏi nhà thì thế nào con ngựa thồ của tôi cũng đi theo. Chỉ khi nào
tôi lên rừng tìm vàng, đào thiếc, tôi mới chịu để nó ở nhà!
“Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào
cũng là xe!” vợ tôi thường an ủi tôi như thế, mỗi khi thấy
tôi có vẻ áy náy mời nàng dời gót ngọc lên yên sau con ngựa thồ để tôi chở đi
đây, đi đó! Nàng lúc nào cũng giản dị bình thường. Có tôi bên cạnh, vợ tôi hết
lo âu, nhìn đời lúc nào cũng đẹp! Sau những chuyến đi dài ngày đào thiếc, tìm vàng
trên Cao-Nguyên, tôi trở về Sài-Gòn; vợ chồng tôi lại chở nhau trên lưng con
ngựa thồ, lang thang rong chơi quanh phố. Ðường-Phố Sài-Gòn thời 1988-1990
thênh thang. Khu Nguyễn-Cảnh-Chân có nhiều giáo sư của Trường Trung-Học
Hưng-Ðạo, nơi đứa con gái thứ nhì của tôi đang theo học. Qua những buổi họp phụ
huynh học sinh, cô giáo hướng dẫn lớp con tôi đã quen mặt vợ tôi. Bà cũng biết
rõ tôi là Sĩ-Quan Việt-Nam Cộng-Hòa ĐI TÙ 'CẢI-TẠO'!
Chắc chắn hình ảnh chiếc xe đạp thồ
của tôi bay lượn trong khu Cao-Thắng, Nguyễn-Cảnh-Chân đã lọt vào những đôi mắt
tò mò.
Một hôm, con tôi về nhà sau buổi học,
nó cười: “Sáng nay cô giáo hướng dẫn lớp con vừa hỏi con rằng Ba của em
đã về chưa? Con nói Bố em mới về. Lúc đó cô giáo con mới nói cô có thấy một
người đàn ông lạ chở má bằng xe đạp đi qua nhà cô”
Ðời sống riêng tư của những bà vợ trẻ
của Sĩ-Quan CHẾ-ĐỘ CŨ luôn luôn là mục tiêu theo dõi dòm ngó của xóm giềng!
Những câu hỏi dò la, tọc mạch, chận đầu, bắt nọn như thế không thiếu trong xã
hội này! Tôi chạnh nghĩ, qua mười mấy năm dài, xã hội đảo điên dưới CHẾ-ĐỘ MỚI,
giá trị của nếp xưa Khổng-Mạnh cũng còn là chút gì đáng giá cho người ta lưu
tâm! Rồi tôi thấy thương vợ vô cùng. Chuyện xe đạp nổ lốp giữa phố đối với cặp
uyên ương này là thường xuyên! Lốp xe nổ, thì vợ chồng nắm tay nhau, dắt xe đi
bộ, về nhà, vá lốp xe! Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào cũng là xe! Ngày
xưa mình đi xe JEEP, ngày nay mình đạp XE THỒ; ngựa xe nào cũng dùng làm phương
tiện di chuyển có gì mà phải kén chọn, quan tâm? Ðiều quan yếu là: Ngày xưa
mình có nhau, ngày nay mình vẫn còn có nhau! Mười ba năm, vật đổi, sao dời,
mình còn nguyên vẹn như thế này là quý lắm rồi!
Một hôm có người mang đến cho cặp vỏ
xe mới, mừng ơi là mừng! Anh bạn quý của tôi lúc này đang
làm “GÁC-DAN” cổng sau khách sạn Continental. Hắn chắt bóp mãi mới
được món tiền mua tặng tôi cặp lốp mới. Hắn tên là Lê-Văn-Chánh, người Huế.
Chánh vốn là một cựu Sinh-Viên Dược-Khoa Sài-Gòn thời 1960s. Hắn có máu đàn ca
và đã có lúc viết nhạc bán cho một nhạc sĩ đã thành danh để có tiền đi phòng
trà Anh-Vũ mỗi buổi tối. Học hành chật vật mãi vẫn chưa thành Dược-Sĩ, hắn bị
gọi nhập ngũ khóa 15 Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ- Ðức để cứu nước. Rồi hắn trở thành
Sĩ-Quan An-Ninh Quân-Ðội!
Tôi và Chánh gặp nhau và thân nhau ở
Trại Nam-Hà A. Chúng tôi ăn chung mâm, ngủ cùng sạp một thời gian rồi cùng được
thả ra cùng một ngày, sau mười ba năm bị GIAM-GIỮ, TÙ-ĐÀY!
Thời mới ĐI TÙ 'CẢI-TẠO' về, tôi gặp hắn dễ lắm. Cứ đi
ngang qua đường Lê-Thánh-Tôn, tới cổng sau Khách-Sạn Continental là thấy chàng
ta ngồi nơi góc!
Những lần về phố, tôi đều ghé thăm
Chánh. Gặp nhau, bù khú một lúc, hai đứa lại rủ nhau ra tán dóc với anh thợ vá
lốp, sửa xe bên đường Hai-Bà-Trưng. Anh vá lốp xe máy, sửa xe đạp này thời xưa
làm Thiếu-Tá Chỉ-Huy Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Chi-Lăng của Sư-Ðoàn 1
Bộ-Binh, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Anh ta tên là Hoàng-Trai xuất thân khóa 19
Võ-Bị. Ba chàng ngồi bên nhau, chuyện nổ như pháo! Hai bạn tôi chỉ quanh quẩn ở
Sài-Gòn, nên thích nghe tôi kể chuyện đường rừng, mạo hiểm, như chuyện đào
vàng, đào thiếc, chuyện bẫy Khỉ, giữ Lô, chuyện khai thác Gỗ Quý, săn Ngải, tìm
Trầm…
Chánh kể cho tôi nghe rằng, nó có đứa
con gái lớn tên là Lê-Lâm Quỳnh-Như. Cháu Quỳnh-Như lớn hơn đứa con gái đầu của
tôi một tuổi. Một ngày từ rừng trở về thành phố, tôi nghe bạn Chánh khoe, con
gái anh vừa đứng đầu cuộc Thi-Tuyển lựa Ca-Sĩ của Thành-Phố Hồ-Chí-Minh. Phần
thưởng mà con anh nhận được là cái dây chuyền 7 chỉ. Chánh nhìn tôi, cười,
miệng xuýt xoa: “Thế là có TIỀN lo Thủ-Tục Hồ-Sơ ĐI H.O”
Sau đó khá lâu, gia đình Lê-Văn-Chánh
đi Mỹ theo danh sách H.O 16. Qua tới Mỹ thì ca sĩ Quỳnh-Như đổi tên là
Như-Quỳnh, danh tiếng nổi như cồn!
Thời gian đầu, khi Chánh còn cư ngụ ở
Philadelphia thì tôi và Chánh vẫn thường xuyên liên lạc điện thoại thăm nhau!
Bây giờ thì tình hình đã đổi thay nhiều. Chỉ có tôi và anh Trai là gặp nhau
thường, vì hai đứa tôi cùng là cư dân Tiểu-Bang Washington. Chúng tôi rất khó
tiếp xúc với anh bạn cựu tù Lê-Văn-Chánh ngày xưa. Nghe đâu, cách đây vài năm,
Như-Quỳnh mua cho Bố Chánh một căn nhà ở Cali, khu cư xá giống như một Fortress
City, có rào cản, có cameras, hệ thống Alarms cao cấp, Security tuyệt hảo,
phone của Chánh lại chuyển số luôn luôn, nên tôi và anh vá lốp xe đạp không
chuyện trò với anh được! Lâu ngày không nói chuyện với nhau, chắc anh Chánh
quên tôi rồi?!?
Riêng tôi, không bao giờ tôi
quên “Chánh Phăng-Si-Ða”, anh bạn tù sốt rét kinh niên cùng buồng
16 ở trại Nam-Hà A Phủ-Lý của tôi. Sở dĩ Chánh có biệt hiệu “Chánh
Phăng-Si-Ða” chỉ vì lúc nào trong túi anh cũng dự trữ sẵn một vỉ thuốc
sốt rét cực mạnh mang nhãn hiệu Fansidar! Không rõ bạn tôi có hiểu rằng, trong
mấy năm nay, anh chàng đào vàng trên rừng Nắp Bắc Ðà-Lạt và anh chàng sửa xe
đạp trên đường Hai-Bà-Trưng Sài-Gòn nhớ nhung anh Gác-Dan Khách-Sạn Continental
không nguôi?
Những sự mất mát nhẹ nhàng như thế,
những hình bóng mờ dần vì vô tình hay cố ý như thế, làm cho tôi thấy thương,
thấy quý những giây phút bạn bè khăng khít bên nhau! Bây giờ, những sợi tơ thân
thiết cột buộc chúng ta cứ mỏng dần, mỏng dần theo thời gian!
Ôi! Biết tìm đâu? Những ngày xưa thân
ái! Biết tìm đâu Xứ-Sở mà Thượng-Ðế đã chọn làm một THIÊN-ĐƯỜNG? Biết tìm đâu
VIỆT-NAM CỘNG-HÒA của tôi?
VML – K20
Vương Mộng Long
18-4-2018
Người chuyển bài – Diễn đàn Google QGHC
No comments:
Post a Comment