Saturday, June 12, 2021

Sài Gòn, Cái Trâm Cỏ Thi - Quang Nguyên

 

Sài Gòn , Cái Trâm Cỏ Thi




 

Người Hà Nội, người Sài Gòn

Sài Gòn trước năm 1975 có là Hòn Ngọc không? Điều này còn tùy người.

Dân Sài Gòn, trước năm 1975, hãnh diện về thành phố của mình, dù nhiều người vẫn thấy Sài Gòn đã có thể chưa bằng Seoul, Tân Gia Ba, Băng Cốc. Có người, với góc nhìn nào đó, thấy Phnom Penh, Vạn Tượng đẹp hơn. Có người so sánh với các địa phương khác trong nước, thích Huế, thích Đà Lạt, thích Hà Nội hơn, nhưng đối với người Sài Gòn thì thành phố của họ vẫn là viên ngọc họ yêu thương. Viên ngọc Sài Gòn trong mắt họ và yêu thương trong tim họ khác với con mắt và tình cảm yêu thích của các tay thực dân ngồi salon từ thủ đô ánh sáng Ba Lê nhìn sang, tấm tắc khen công trình kiến tạo ở xứ Viễn Đông của mình.

Sài Gòn đẹp, nhưng Hà Nội có thua gì? Sài Gòn làm sao có được những hồ nước trong veo, mát rượi, thơ mộng như Hà Nội? Sài Gòn sao có được các công trình kiến trúc lich sử như Văn miều, Trấn Quốc, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn? Và nhất là Sài Gòn thời trước 1954, không quy tụ được nhiều tao nhân, mặc khách, văn nhân, thi sĩ như Hà Nội.

Người Hà Nội khác người Sài Gòn. Người Hà Nội có vẻ từ tốn, lịch lãm, tao nhã, tế nhị và khách sáo. Tế nhị và khách sáo đến mức làm người Sài Gòn khó chịu.

Lếch thếch chạy vào Nam, bỏ lại gia tài, sản nghiệp, xuống tàu di cư nhận 800 đồng mỗi người khi bước xuống đất Sài Gòn, người di cư Hà Nội nhíu mày, tròn xoe mắt với cách sống của dân địa phương. Người “Sè Gòng” trần trùng trục, thân dưới chỉ cuốn chiếc sà rông, co giò trên ghế, đổ cà phê loại pha bằng vợt, cà phê “dớ”, ra dĩa, húp xì xụp. Họ xé toạc đồng bạc đề trả hay “thối lại” 5 cắc. Tệ hại hơn nữa là đi đâu cũng nghe chửi thề.

Dân Bắc đi chợ có thói quen mặc cả, trả giá kỳ kèo thêm bớt một hai luôn làm người bán hàng Nam kỳ khó chịu, có khi không bán hàng cho. Lần đầu tiên mua trái cây, người Hà Nội ngỡ ngàng, ngạc nhiên thú vị khi hỏi mua một chục, nhận được 12 trái, có khi 14, 16 thậm chí đến 20 trái.

Cách cư xử thoải mái, bình đẳng của người Sài Gòn với mọi người cũng làm dân Hà Nội lấy làm lạ. Anh xích lô đạp, xích lô máy hay anh chạy xe ngựa cũng không khúm múm, không ông-con, bà-cháu với khách. Anh sống vất vả hơn, nghèo túng hơn anh công, tư chức nhưng thoải mái không thua gì. Sáng cà phê, bánh mì, hủ tíu, xíu mại, trưa kéo xe nằm dưới gốc cây làm một giấc no mắt, tối dẫn cả nhà đi coi cải lương. Gầm cầu có thể là chỗ ngủ của cả nhà. Anh ta có thể nói dóc chứ không nói xạo, không xảo trá.

Người Hà Nội di cư coi thường dân Sè Gòng nói ngọng, dân Sài Gòn không tinh tế nhận ra điều đó, họ thản nhiên chấp nhận chia sẻ việc làm với hàng chục ngàn người nhập cư, chỉ thỉnh thoảng nhướng mắt hỏi: “Hòa bình rồi, sao không ở lại Bắc Kỳ, zô Ziệc Nam đây chi zậy?”.

Người ta phân biệt dân Bắc Kỳ cao su, dân bắc Kỳ 54. “Bắc Kỳ cao su” nghèo mạt rệp, theo Tây mộ phu vào dồn điền cạo mủ. Dân “Bắc Kỳ 54” phải gân cổ cắt nghĩa mãi người ta mới hiểu được tại sao cả triệu người phải bỏ quê hương vào Nam, tha hương cầu thực, và cho đến ngày được giải phóng, tất cả người miền Nam mới thật sự đồng cảm và cùng khóc với dân 54.

Từ thập niên 70, chiến tranh lan rộng, Sài Gòn có khi bị pháo kích bằng hỏa tiễn, đêm nghe đại bác, nhìn hỏa châu, dù phải nhận hàng trăm ngàn dân quê trốn chiến tranh ồ ạt đổ về thủ đô giành việc làm, người Sài Gòn vẫn thoải mái bao dung. Nhà ổ chuột bắt đầu dựng cẳng cừ tràm trên kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc, trên bãi rác. Bên cạnh các cuộc biểu tình của nhiều thành phần chống chính phủ, người Sài Gòn vẫn thoải mái: Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối chun vô mùng nằm nghe cải lương. Câu hát chơi, nhưng gần đúng với người Nam Bộ thời đó.

Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm


Sài Gòn xưa

Dưới 9 năm cai trị của một ông tổng thống mà người ta gọi là độc tài, Ngô Đình Diệm, nguyên bộ trưởng bộ lại thời Bảo Đại phong kiến, cả miền Nam, không riêng gì Sài Gòn, đã thay đổi. Bệnh viện, nhà cứu tế, viện dưỡng lão, quán cơm cho sinh viên nghèo, cho người lao động chỗ nào cũng có. Ông Ngô Đình Diệm rất chú trọng đến giáo dục. Trường học từ mẫu giáo, tiểu, trung học đến đại học được xây dựng. Ngoài các lớp xoá nạn mù chữ, các lớp dậy văn hóa ban đêm, còn có các trường dạy nghề, dạy ngoại ngữ. Nghề giáo được coi trọng, lương giáo viên trung, tiểu học đủ nuôi vợ, nuôi con. Quân nhân, công chức được khuyến khích, được tạo điều kiện dễ dàng đi học thêm, nhiều sĩ quan được ông Diệm cho giải ngũ, cho học bổng du học. Tư lệnh không quân, Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh nằm trong trường hợp này. Trong các trường đại học, sinh viên trẻ ngồi cạnh các công chức, sĩ quan già như Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng. Sáng, chiều đường phố Sài Gòn ngập áo trắng học sinh. Hồi đó đồng phục nam sinh, chỉ áo sơ mi trắng, quần kaki xanh, nữ sinh áo dài trắng, các trường tư không bắt bận đồng phục, trừ hầu hết các trường thuộc các dòng tu công giáo, nữ sinh thường mặc robe.

Trung tâm Sài Gòn không thay đổi mấy, hình như chỉ có năm bảy dinh cơ làm mới, làm lớn ra: Dinh Độc lập, vì bị ném bom, rạp cinéma Rex, khu thư viện Hoa Kỳ bên cạnh đó và nhà hàng Caraven là đáng để ý. Đường Duy Tân cây dài bóng mát, đường tản bộ của các cặp sinh viên Luật, Cường Để, Tú Xương và nhiều đường khác vẫn như thời xa xưa, yên bình, thơ mộng, lãng mạn và quý phái. Vùng xa trung tâm thành phố, khu Minh Mạng, Vườn Soài, Lăng Cha Cả, Xóm Mới bắt đầu đông dân, nhà cửa khang trang nhờ dân di cư.

Tội phạm ít, diện tích trên các trang báo dành cho tòa án, tội phạm rất nhỏ, thậm chí xe cán chó cũng là tin. Đáng chú ý và rầm rộ nhất là tin vũ nữ Cẩm Nhung bị vợ Trung Tá Thức tạt axit đánh ghen. Vụ này khiến ông quan năm bị ngài Tông Tông Diệm nóng mặt cách tuột chức tước. Các băng đảng cũng có nhưng họ không “bẩn” như ngày nay. Các vụ giết người lại càng ít xảy ra. Phải nói thêm là dù có bất cứ tội phạm loại nào xảy ra, việc xảy ra được thông báo, không bao giờ báo chí có câu kết luận theo kiểu chỉ đạo mà các báo chí miền Bắc phải viết: “Đấy là tàn dư của chế độ cũ”. Câu đổ tội vu khống rẻ tiền này theo vào Nam sau năm 75 làm dân Nam Ký nóng mặt chửi thề. Đến khoảng năm 80, cái câu tuyên truyền ngốc nghếch, bẩn thỉu học theo cách dậy bảo của trùm tuyên truyền Đức Quốc Xã Joseph Goebbels này mới chấm dứt.

Người Sài Gòn hầu hết đều thật thà và đáng tin cậy, họ thích huỵch tẹt mọi chuyện, ít để bụng nhưng cũng dễ “nổi khùng”. Họ cũng thường không đua đòi, khoe khoang. Quý bà, quý cô phần lớn đều vui vẻ, nền nếp, kín đáo. Ăn nói dù không có duyên, không đằm thắm, quyến rũ lắm nhưng thẳng thắn và thành thật, nhất là không chua chát, xỏ xiên.

Những nhu cầu căn bản về ăn uống, quần áo, thuốc men, tiền thuê nhà dễ chịu cho tất cả mọi thành phần. Lương một công chức hạng thấp, một người lính, có thể nuôi cả gia đình, giáo viên có đời sống sung túc và được xã hội kính trọng như từng lớp trí thức. Có vài nơi cung cấp cơm trưa cho sinh viên học sinh, miễn phí, nhưng không được lâu.

Kiến trúc nhà ở đẹp mắt, đa dạng, rộng rãi không bắt chước lẫn nhau như kiểu nhà nào cũng tháp nhọn chọc lên trời biểu hiện tính khoe khoang, thiển cận, trọc phú.

Phương tiện giao thông vận tải không tuyệt vời như Đài Loan, nhưng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài hệ thống xe buyt rẻ tiền đến các nơi, các khu dân cư đông đúc, xa trung tâm thành phố, còn có xe taxi, xích lô. Trước xích lô máy khá nhiều, sau không hiểu sao dần vắng bóng, sau này thêm xe lam. Có điều thú vị là sĩ quan mặc quân phục không được ngồi xích lô hay đi xe lam. Nói chung, dù với người không có xe, việc di chuyển đi lại không bị hạn chế.

Các bệnh viện công khá nhiều. Có thời nhà thương công được gọi là nhà thương thí, dù thí nhưng bệnh nhân được chăm sóc ân cần. Rất nhiều nữ tu Công giáo lo việc chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, ngay cả người cùi, hủi. Bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản, bệnh viện Sài-Gòn, trên Nguyễn Huệ, Bệnh Viện Gia Định trên Nguyễn Văn Học đều là nhà thương công. Bệnh Viện Bình Dân nổi tiếng hơn vì nhiều sinh viên thực tập và các giáo sư dạy ở đây. Không có cảnh ghép đôi, ghép ba, ăn tiền, hạch sách bệnh nhân. Bệnh Viện Vì Dân được bà Tổng Thống Thiệu xin tiền từ thiện xây, có hai phần, phần phải trả viện phí, phần miễn phí dành cho thân nhân quân nhân. Kinh phí cho phần miễn phí lấy từ nguồn thu của bên phải trả tiền.

Sài Gòn thường có các cuộc triển lãm nghệ thuật. Các ban nhạc quân đội thay nhau biểu diễn cuối tuần trước trụ sở quốc hội, sau này là Hạ Nghị Viện, hay tại bờ sông, trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Nhiều cuộc hội thảo về văn chương, đọc sách thú vị. Thị trường sách đa dạng, phong phú, nhiều ngôn ngữ. Ngoài các nhà sách lớn như Xuân Thu, Khai Trí còn có rất nhiều quầy sách, báo, tạp chí trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ. Đó cũng là những điểm cho đám sinh viên, học sinh đến “xem cọp” những ấn phẩm mới nhất, nhiều khi đứng đến cả giờ để ghi ghi, chép chép. Nói đến “xem sách cọp” nhớ đến “học cọp”. Sài Gòn xưa có nhiều điểm học luyên thi, thi Tú Tài 1, 2. Đông học sinh lắm, nhưng đám học cọp cũng không ít, họ vào lớp, thấy bóng giám thị đến là dọt ra. Các thày biết ai học cọp cũng kệ, việc đó của thày giám thị.

Các hoạt động chính trị rất phong phú, nhiều đảng phái, nhiều nhóm như nhóm Caraven, nhiều chính khách salon. Các cuộc biểu tình có lúc diễn ra như cơm bữa. Sinh viên, học sinh biểu tình xong quay về trường học, có sức lần sau đi nữa. Đậu học tiếp, rớt đi lính rán chịu, không ai cản trở tự do của họ.

Đám tang đi qua, xe cộ đều tránh, người đi đường ngả mũ, cúi đầu chào vĩnh biệt. Đó cũng đánh giá được trình độ văn hóa của người Sài Gòn.

Luật pháp và chính phủ còn một số bất cập, nhưng được đánh giá là cố gắng đem lại một nền dân chủ pháp quyền cho dân và cố gắng làm cho đời sống người dân khá hơn. Cảnh sát dù không được dân ưa, nhưng không đến nỗi bị khinh ghét.

Thời Bí Thư Thăng


Sài Gòn nay

Trong Cổ Học Tinh Hoa, Nguyễn Văn Ngọc kể chuyện một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Khổng Tử bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc”.

Khổng Tử hỏi: “Cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc?”

Người đàn bà nói: “Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa”.

Ông Bí Thư Thăng hai lần ngỏ ý muốn lấy lại vị trí và danh tiếng Hòn Ngọc Viễn Đông cho Sài Gòn, nhưng dứt khoát, với người Sài Gòn, còn đâu người xưa, tình cũ. Còn đâu hòn ngọc của họ, trừ phi họ tìm lại được.

Xem lời bàn của Nguyễn Văn Ngọc:

“Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của nó mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa…”

 

Quang Nguyên

304Đen – Llttm - tvvn

 

No comments: