Sunday, April 17, 2016

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười Chín) - Thuyên Huy


Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười Chín)

 


Chương Mười Chín

 

     Tôi về Tây Ninh vừa kịp lúc nhìn mặt cô tư Hòa lần cuối. Được tin cô mất, tôi bàng hoàng nhưng không đau đớn lắm như mình tưởng. Tôi cũng không hiểu tại sao dù biết là mẹ ruột của mình. Hình như trong đời tôi cái hình ảnh người mẹ, thân cò một nắng hai sương khó tìm được ở cô tư. Những lằn nhăn trên trán của cô tư, khi ngồi trước hiên nhà không làm tôi nhớ tôi thương tôi lo, bằng lo cho vết nhăn trên mặt của mẹ nuôi tôi khi bà đứng hong tóc trắng, bay lòa xòa trước gió chiều về muộn sau vườn. Tiếng ho khan vội vàng của cô tư trong giấc ngủ giữa ngày không làm lòng tôi quặn đau bằng tiếng ho đứt quãng của mẹ nuôi tôi trong những đêm mưa chập chùng cuối tháng sáu. Cái tình cảm mẹ con của cô tư và tôi dù đã cố gắng kéo lại gần nhưng dường như vẫn còn xa xăm quá. Hình như mỗi lần nhắc tới quê mình thì tôi vẫn nói về Bến Cầu hơn là Tây Ninh. Cái chợ, nửa quê nửa ruộng Bến Cầu đó, luân lưu một cách êm đềm thắm thiết trong từng mạch máu, trong thân thể tôi như những con rạch nhỏ, rạch cùn suốt đời chảy ra sông lớn. Quấn vội cái khăn tang trắng trên đầu, tôi đứng lặng im một mình trước  quan tài đặt giữa nhà, nơi mà tôi đã ngồi bật khóc một cách ngỡ ngàng khi nghe cô tư cho biết bà là mẹ ruột. Thằng Phúc, con Hạ đứng phía sau quan tài sát bên tường nhìn tôi rưng rưng. Người đến thăm viếng và phúng điếu bắt đầu đông hơn, tôi đưa tay vuốt nhẹ trên quan tài, môi tôi có chút nước mắt vừa đủ mặn.
 
 

    Mẹ ruột tôi ra đi rất bình thản vì nghẽn mạch máu tim bất thình lình sau hai hôm nằm trong bệnh viện tỉnh. Từ ngày chú Hiếu mất, tôi ít khi về lại Tây Ninh, trừ ngày giỗ cho nên tôi không thường ghé thăm bà, ngay cả những lần về Bến Cầu cũng là vội là vàng. Gia đình đem mẹ ruột tôi về chôn ở một nghĩa địa nhỏ, cuối đường lên chợ quận Phước Ninh, cách khu Cao Xá, làng công giáo di cư từ những năm 54 một khoảng đồng cỏ, mọc đầy hoa cải dại vàng hực trong cái nắng chang chang của trời giữa hạ. Rồi cũng có tiếng khóc, có dăm cành hoa trắng, có tiếng cầu kinh và nấm mộ đấp vội vàng như những đám tang bình thường. Người đưa đám đứng vòng quanh nấm mồ, nhìn người linh mục già làm dấu thánh giá lần cuối cùng rồi tản lần ra và thưa dần. Chiếc xe tang chở theo người linh mục, chầm chậm chạy ra hướng đường cái rồi khuất dần sau hàng cây thốt nốt đầu chợ quận. Tôi đứng bên cạnh thằng Phúc, nó nhìn tôi rưng rưng. Người còn lại không ai nói với ai câu nào, lặng thinh như cái lặng thinh của nấm mồ mới đấp. Ở một ngọn cây già giữa đồng, con quạ đen đậu đó không biết từ bao giờ, bất chợt kêu lên từng tiếng kêu rời rã. Về đến nhà, tôi xếp cái khăn tang nhét vội vào túi xách, từ giã những ai có mặt tại nhà rồi hối hả xuống bến xe, kịp đón chuyến xe đò cuối về Sài Gòn. Mây xám xuống thấp ở một góc trời bên kia sông, nắng bắt đầu dịu dần theo bóng chiều vừa xuống. Xe đò rời phố chính qua cầu, tôi cố nhìn lần nữa qua khung kính sau, hàng cây ô môi hai bên đường Vỏ Duy Dương nhỏ dần rồi mất hút. Con sông chia đôi thành phố bên đục bên trong, hình như cứ đứng yên một chỗ lâu lắm rồi dù bây giờ đã là nước lớn. Tôi rời Tây Ninh trong niềm đau khó tả.
 
 
 

    Trời bỗng dưng sẩm tối rồi đổ mưa hết sức bất ngờ khi xe đò vừa tới đầu ngã tư Bảy Hiền. Sài Gòn chập choạng vài đêm, phố xá thong thả lên đèn trong bóng mưa mù mờ pha chút nắng chiều rớt muộn. Tôi lần theo hàng cây bên đường, trốn mưa đi về phía quán cà phê Không sau khi xuống xe ở đầu ngã tư Trần Quốc Toản thay vì đi thẳng về nhà. Học trò tan trường vẫn còn tụm năm tụm ba bên góc phố đếm mưa chờ xe buýt đến. Chọn một cái bàn vắng gần hiên quán nhìn ra đường, tiếng nhạc nhè nhẹ vừa đủ át tiếng mưa vô tình tí tách ngoài sân, tôi làm dấu gọi cà phê, cô chủ quán gật đầu không cần hỏi lại. Mưa cứ mưa chập chùng vội vã, nước từng đợt hắt tung tóe xuống đường tưởng chừng như muốn trút giận trút hờn lên những ngày qua nắng bụi. Cô chủ quán, cũng như thường lệ, không quên hỏi tôi mạnh khỏe sau khi đặt ly cà phê trên bàn, tôi chưa kịp trả lời thì cô đã đứng chờ hai ba cô gái phía bàn trong rồi. Tiếng chuông lễ chiều, từ nhà thờ trường trung học Đồng Tiến, lẻ loi đổ theo tiếng mưa, nghe ngậm ngùi không khác gì tiếng con quạ đen kêu trên ngọn cây khô già, giữa đồng, bên cạnh cái nghĩa trang quạnh vắng, nơi mẹ ruột tôi vừa nằm xuống. Tôi không thương Tây Ninh nhiều như thương Bến Cầu nhưng Tây Ninh đã có một chút gì mất mác trong đời mà từ lâu tôi không nghĩ tới. Đám học trò chờ xe buýt đã đi từ lâu, ly cà phê trên bàn nguội cũng từ lâu, đôi ba người khách đi ra, hình như tôi chưa uống giọt nào. Tôi rời quán, trời vào đêm lúc nào không hay, đường về mưa chầm chậm thưa dần sau lưng.

    Tôi đẩy cửa thật nhẹ vào nhà, bên trong vắng tanh và tối om. Tiếng con nít xóm trong, bắt đầu ồn ào trước sân căn nhà có cái truyền hình đối diện. Ánh đèn từ bên đó chiếu vào qua khung cửa sổ, tuy có phần mờ mờ nhưng cũng tạm sáng đôi chút cho nên tôi chẳng màng vặn đèn lên. Quăng túi xách vào góc phòng, ngồi lặng im nhìn bóng mình gầy guộc trên vách, thở dài một mình. Tùng có lẽ mới rời nhà không lâu lắm vì trên bàn ăn ly cà phê chưa cạn hẳn và cuốn sách hóa học vẫn còn lật trang. Buổi sáng, khi quyết định về Tây Ninh tôi không nói gì cho Tùng biết và tôi đã rời nhà sớm hơn thường lệ, Tùng vẫn còn ngủ nướng trong phòng vì phải tới gần trưa mới có giờ học, xe đò qua khỏi cầu Tham Lương trời mới vừa chập choạng tan sương. Nghĩ ngợi mông lung, tôi ngủ thiếp trong bóng đêm lúc nào không hay và không biết đã bao lâu cho đến khi tiếng con nít la cười vang rân trước sân nhà bên kia mới tỉnh giấc. Đèn trong nhà sáng, Tùng không biết về từ bao giờ, đứng tựa tay lên thành khung cửa sổ, nhìn ra mĩm cười theo tiếng cười của đám con nít, quay lại nhìn tôi không nói tiếng nào. Tôi lặng thinh bỏ vào nhà tắm rửa mặt.

    
Thuyên Huy

(Còn tiếp)

 

No comments: