Chợ An
Đông và tiệm cơm gà Siu
PHẦN CHÓT
Chợ An Ðông bề ngoài xem ra có vẻ bình lặng nhưng bên trong cư dân hoảng hốt mỗi người lo toan cho mình một cách riêng để đối phó với viễn cảnh cộng quân sắp tràn vào thành phố. Vài ngày trước biến cố trọng đại này vợ chồng tôi không tài nào ngủ được vì đêm khuya có tiếng đục “kịch kịch” của những nhát cuốc nện xuống sàn nhà từ căn nhà kế cận. Chúng tôi đoán là họ đào đất để chôn của. Ban ngày tôi thường xuyên vắng nhà để đi tìm đường vượt thoát. Buổi trưa ngày 29 tháng Tư, một ngày sau khi vợ con tôi đã rời Việt Nam bằng máy bay của không lực Mỹ, tôi trở về căn nhà An Ðông với mục đích từ biệt mẹ tôi đồng thời báo cho bà biết là tôi đang tìm đường trốn khỏi nước. Mẹ tôi không có nhà.
Thời gian lúc ấy thật gấp rút. Tôi chạy lên gác nhìn quanh quất xem có thể mang những thứ gì theo. Có quá nhiều thứ để mang nhưng cuối cùng tôi chỉ đủ thì giờ gói hai tập bản thảo hai tác phẩm sau cùng của bố tôi là bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới và Giòng sông Thanh Thủy cho vào một bao ny lông đem đi. Xuống dưới nhà thì vừa vặn người em họ tôi, nhà văn Thế Uyên, ghé thăm. Tôi chỉ kịp nói mấy câu với Thế Uyên rồi đi ngay. Trước khi đi tôi lục trong túi xách tay có một xấp bó giấy bạc 500 đồng lấy một bó đưa cho Thế Uyên. “Ông ở lại chắc cần tiền”. Tôi nói. Thế Uyên chúc tôi: “Ông đi may mắn”.
Chúng tôi chia tay. Ðó là hình ảnh sau cùng tôi ghi nhớ trước khi tôi giã từ vĩnh viễn căn nhà chúng tôi đã sống suốt 20 năm, căn nhà An Ðông của mẹ tôi.
*
Hai mươi mốt năm trôi qua trên đất Mỹ nhanh như một chớp mắt.
Năm 1996 chúng tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên và có dịp ghé chợ An Ðông thăm căn nhà cũ. Căn nhà nay đã đổi chủ. Bảng hiệu cau Cẩm Lợi thay thế bằng bảng tiệm vàng Kim Xuyến. Trong lúc vợ con tôi đi sắm đồ trong chợ An Ðông (nay được tân trang phía trong với một dẫy cầu thang cuốn) tôi đứng trước cửa tiệm vàng nhìn lên cái ban công trên cao nhớ lại những giờ phút xa xưa đứng trên đó nhìn xuống cái quán Siu Siu ở dưới này bây giờ không còn nữa, nhớ lại cả một thời thanh xuân, thời tuổi trẻ của mình mà lòng bồi hồi.
Ðã bao nhiêu nước chẩy qua cầu.
Mẹ tôi không còn nữa. Sau biến cố năm 1975 mẹ tôi đã sống thêm được 6 năm tại căn nhà An Ðông ấy và chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương của cuộc đổi đời. Tuy mẹ tôi được nhà cầm quyền mới để yên không làm khó dễ như bà vẫn hằng lo ngại (do tên tuổi bố tôi), nhưng bà đã trải qua bao cảnh chia ly tử biệt trong gia đình. Mẹ tôi chứng kiến chị cả tôi, chị Thư, chết trong một tai nạn xe cộ vào năm 1976, anh Thạch tôi bị đi tù cải tạo ở miền Bắc, anh chị Triệu tôi vượt biên, bị bắt, bị tù, rồi vượt biên nữa. Những người con của bà, người chết người bỏ đi xa, căn nhà vắng dần bóng người, mẹ tôi nhiều lúc sống thui thủi một mình trong căn nhà An Ðông. Người chăm lo hầu hạ bà sau này nhiều nhất là chị Thạch và... chú Tiều. Vâng, chú Tiều, con người điên điên khùng khùng ấy không ngờ lại là người rất có tình nghĩa, tận tụy chăm lo cho mẹ tôi cho đến những ngày cuối của đời bà.
Theo lời chị dâu tôi, chị Thạch, sau năm 1975 chú Tiều ở hẳn trong nhà mẹ tôi. Chú giặt dũ, nấu cơm, đóng cửa, mở cửa, coi nhà và trông nom mẹ tôi. Hồi đó trộm cướp nhiều lắm, mẹ tôi nhiều lúc ở nhà một mình nên sợ, may mà có chú Tiều bảo vệ. Ðêm đêm chú giắt con dao phay sáng quắc đi tới đi lui trước nhà khiến đám bụi đời và lũ trộm cắp rất ngán không ai dám bén mảng đến cửa. Anh Thạch tôi sau 5 năm trời cải tạo trở về sống ở chợ An Ðông. Ngày anh trở về là ngày vui nhất của mẹ tôi. Anh là người duy nhất trong số các con của mẹ tôi được sống với mẹ trọn một năm chót của đời bà. Tháng Tư năm 1981 mẹ tôi bị bệnh nặng. Anh cả tôi từ bên Pháp về Việt Nam đưa mẹ tôi sang Paris chữa bệnh. Ðến phi trường Orly mẹ tôi được chở thẳng đến bệnh viện. Bà qua đời tại đó ít lâu sau, thọ 74 tuổi.
Trong cuộc đổi đời khủng khiếp ấy tội nghiệp nhất phải nói là ông chủ quán cơm gà Siu Siu. Vào năm 1975 sau 20 năm làm ăn phát đạt ông Siu Siu trở nên giầu có. Ông đã tậu 3 căn nhà sát nhau trong một dẫy phố đường Nguyễn Duy Dương, cạnh trường Trí Dũng, và biến 3 căn này thành một nhà hàng bán cơm gà thật lớn, trong khi ông vẫn duy trì cái quán cóc nhỏ ở sát cạnh nhà mẹ tôi. Vẫn theo lời kể của chị Thạch thì khi những người cộng sản vào trong Chợ Lớn họ niêm phong và tịch thu tất cả những nhà hàng lớn của Hoa kiều, chỉ cho hoạt động những nhà hàng nhỏ bán buôn lẻ tẻ. Ông Siu Siu bỗng nhiên một lúc bị tước đoạt cả 3 căn nhà. Còn quán cóc thì ông sang lại cho chú Sáng, một người bà con của ông. Tháng Sáu năm 1978 những thương gia trong Chợ Lớn hùn nhau tổ chức một cuộc vượt biên bằng tàu. Ông Siu Siu và toàn gia đình ông tham dự trong chuyến đi ấy. Ra khơi không may tàu chìm. Toàn thể gần trăm người trên tàu không một ai sống sót chỉ trừ một mình ông Siu Siu. Ông bám vào một tấm ván theo sóng biển trôi tấp vào bãi biển tỉnh Bến Tre. Dân chúng địa phương báo cho công an biết và ông được chở vào bệnh viện cứu sống. Sau khi điều tra lý lịch biết ông Siu Siu ở chợ An Ðông họ điện cho công an phường An Ðông để xin giải ông về quận 5. Ông Siu Siu sau đó trở thành người mất trí. Không còn nhà cửa để ở ông sống lây lất ngay dưới mái hiên căn nhà cũ của mình ở đường Nguyễn Duy Dương. Rồi giống như chú Tiều ông bắt đầu điên khùng nói năng lảm nhảm. Nhưng tệ hơn chú Tiều ông phải ngửa tay xin từ gói xôi, gói bắp của những người qua đường để sống, những người mà chỉ mấy năm trước đã là thực khách thường xuyên của quán cơm gà rất nổi tiếng của ông.
Còn chú Tiều nhờ trời thương nên có hậu vận khá. Sau khi mẹ tôi qua Pháp, chị dâu tôi và anh Thạch là hai người sau cùng ở lại chợ An Ðông. Khi anh chị Thạch quyết định về ở Thủ Ðức anh chị đã sang căn nhà 39 An Ðông cho bà Kim Xuyến. Bà Xuyến sửa lại căn nhà để mơû một tiệm vàng khang trang đẹp đẽ. Theo lời chị Thạch thì căn trên gác được sửa sang gắn cửa kính lắp máy lạnh và đặc biệt để dành riêng cho chú Tiều ở. Chả là bà Kim Xuyến có nhà riêng 3 tầng ở đường Lý Hồng Phong nên bà không ở tiệm vàng. Mỗi sáng bà đến chợ An Ðông bán hàng. Chiều đến bà cho vàng vào trong két sắt (cái két sắt lớn của mẹ tôi để lại) khóa két lại rồi giao nhà cho chú Tiều coi giữ. Ðêm đêm chú Tiều giắt con dao bên lưng, đi tới đi lui, giống như trước kia chú đã làm thế để bảo vệ mẹ tôi, do đấy mà không một tên bất lương nào dám bén mảng đến trước cửa căn nhà số 39. Bà Xuyến về nhà riêng có thể yên tâm ngủ vì tiệm vàng đã có chú Tiều canh giữ. Một người khùng điên, không tài cán, không người thân thích, mà lại được tín nhiệm giao phó trông coi cả một tiệm vàng... Ðúng là chuyện khó tin nhưng có thực!
Sáu năm sau, năm 2002, chúng tôi lại trở về Sài Gòn và đến thăm lại căn nhà cũ một lần thứ hai. Tiệm vàng Kim Xuyến không còn ở đó nữa. Từng dưới nhà nơi chỗ hai cửa sắt trông ra hai mặt đường đã bị bịt tường kín bưng. Trên lầu những ban công được che bằng những song sắt chắc chắn. Chúng tôi đoán chủ nhân mới là sở hữu chủ của cả hai căn 39 và 41, họ dùng căn 41 làm chỗ buôn bán và dùng căn nhà cũ của mẹ tôi làm kho chứa hàng.
Lần đó cũng là lần sau cùng tôi nhìn thấy căn nhà An Ðông cũ của mẹ tôi. Bức tường kín mít đã hoàn toàn chắn tôi với quá khứ. Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết số phận của chú Tiều bây giờ ra sao, còn sống hay đã chết?
Nguyễn Tường Thiết
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment