Một Cái Chết
7 giờ tối.
Hai chúng tôi, cơm chiều xong, vừa
định thắng bộ vào dạo chơi loanh quanh mấy phố thì trời bỗng đổ cơn mưa như
trút.
Phải bó cẳng ngồi nhà cặm cụi với mấy
tờ báo, chúng tôi xem đã uể oải, mắt đã thấy mờ thì cửa vẫn khép chặt, bỗng có
người đẩy đánh xầm một cái tung ra.
Giật mình, chúng tôi ngơ ngác nhìn
lên thì một ông lão ăn mày vừa lòa vừa cụt chân, người quắt như con mắm nướng,
áo tơi, nón lá, chống nạng lê vào.
- Lạy ông, lạy bà... bố thí cho con
đồng cơm bát cháo trong lúc khốn cùng...
- Không sẵn! Đi đi!!! Cửa nhà người
ta khép thế mà cũng đẩy ra được...
Đã bực mình sẵn, lại thấy ông lão
xông xáo quá đáng thế, tôi không chút thương mà gắt rầm lên. Bạn tôi vội xua
tay ngăn lại, đứng dậy, ra ân cần để vào tay ông lão một xu. Ông lão cúi rạp
xuống đất tạ ơn rồi lủi thủi bước ra, để lại chỗ đứng một vũng nước dây ở cái
áo tơi trút xuống. Bạn tôi cài then cửa rồi vào:
- Không bao giờ tôi nỡ đuổi một người
ăn mày như anh đã đuổi.
Tôi mỉm cười một cách nhạo báng. Bạn
tôi xưa nay vẫn hay giảng đạo đức, thuyết luân lý.
- Anh đừng tưởng chuyện đùa. Những
chuyện rất thường mà đối với người ngoài cuộc, lắm khi có ảnh hưởng lại rất sâu
xa. Một người ăn mày đến kè nhè bên ngoài. Người trong nhà chạy ra mắng đuổi
hắt đi rồi đóng cửa đánh xầm một tiếng. Tưởng chẳng có chuyện gì bình thường
hơn thế nữa. Thế mà cũng chỉ vì một chuyện đuổi ăn mày mà chính tôi đây, tôi đã
được mục kích một tấn kịch rất đỗi bi thương.
Nói đến đó, bạn tôi ngồi xuống ghế,
vớ lấy bao thuốc lá lấy ra một điếu đánh diêm châm, rồi tiếp.
Bên ngoài trời vẫn rả rích mưa to.
- Hồi ấy, cách đây sáu bảy năm trời,
phải, sáu bảy năm trời rồi mà câu chuyện xảy ra tôi còn nhớ mồn một như mới hôm
qua.
Năm mười sáu tuổi, học lớp nhất
trường Hàng Vôi, tôi ở trọ phố Bờ Sông, nhà một thầy cai lấy thuế chợ. Con trai
thầy mới lên mười một, học lớp dự bị, ngày ngày bốn buổi đi về có tôi dắt dìu.
Tối đến dưới ngọn đèn dầu cũng tôi chỉ bảo.
Gia thế thầy cai tôi không được rõ.
Vì có người quen mách giúp nên việc tôi đến trọ nhà thầy là việc ngẫu nhiên.
Chỉ biết hôm tôi khuân hòm đến thì, trên chỏm mũ trắng điểm vành băng đen,
thằng Hợi - con thầy - đã ngót hai năm trở mẹ.
Thằng Hợi! Tôi nhắc đến tên thì
người, tôi cũng nhớ được ngay... Anh thử tưởng tượng xem, một thằng bé mới mười
một tuổi đầu, mặt mũi sáng sủa, ăn nói lễ phép, đến trường học hành đã chăm
chỉ, về nhà việc vặt lại hay làm. Thầy cai rất yêu quý con trai, sợ cảnh dì ghẻ
con chồng, chuyện lấy vợ kế thầy không hằng nghĩ đến.
Nhưng xem ý tôi biết, thằng Hợi không
yêu bố nó chút nào. Chắc anh cũng chẳng lạ gì, một đứa trẻ, rất ngoan mà không
ưa bố, một người bố cũng thương yêu con như trăm nghìn người bố khác, chỉ vì
cái nghề mà đến con đẻ rứt ruột nó cũng không yêu.
Anh thử tính xem, cái nghề mà cửa
miệng thiên hạ vẫn nói... nó đầy đoạ con người một thời xông pha mưa nắng, chỉ
vì bổn phận mà đối với người nghèo hèn, buôn thúng bán mẹt đã bị họ coi như kẻ
tử thù.
Mỗi lần thầy cai đi "sơ
vít"(1) qua cửa trường Hàng Vôi là lại một phen thằng Hợi khóc. Nó khóc vì
nó chẳng đang tâm trông thấy bố nó thẳng cánh đánh đập một bà lão bán bún hay
đá túi bụi một thằng bé con cho hòm kẹo đổ xuống đất tung tành, nó khóc vì bạn
bè trong trường khinh bỉ nó vô cùng, thường rõ rẹo vào mặt nó mà rằng:
"Chúng tao không chơi với mày! Bố mày làm cai lấy vé chợ".
Sau những trận đau lòng ấy, chẳng
biết trông cậy vào ai, thằng Hợi chỉ còn ôm đầu lủi thủi lại cầm tay tôi, ngước
mắt nhìn lên tỏ ý kêu van, dưới ánh sáng mặt trời xiên qua bóng mấy cây bàng,
tôi còn thoảng nhớ cái nét mặt ủ rũ của thằng Hợi, hai hàng nước mắt chạy quanh
rơm rớm. Anh, nếu anh có đứng vào địa vị tôi bấy giờ, anh mới rõ được cái cảnh
thương tâm ấy.
Thành thử nó coi tôi như một người
anh, có lẽ hơn một người anh nữa, vì càng khinh bỉ bố nó bao nhiêu, tôi lại
càng ái ngại cho thằng Hợi bấy nhiêu. Nó cũng hiểu lòng tôi thế lắm.
Nhưng có lẽ anh đã nóng ruột rồi, câu
chuyện "đuổi ăn mày" anh để tâm, đây, tôi kể đến rồi đây.
Buổi tối hôm ấy, cũng vào độ bảy, tám
giờ, cũng về cuối tháng giêng ta như hôm nay, chỉ khác là bây giờ thời tiết dễ
chịu mà năm ấy thì rét như cắt.
Cái nhà chênh vênh hứng gió, cửa
trông thẳng ra bờ sông, chúng tôi ngồi trong, nghe bên ngoài tiếng gió ào ào,
cột nhà chuyển lắc rắc mà những rùng mình.
Phải, cái cảnh tượng đêm hôm ấy trí
tôi chẳng quên mất một mảy may: cửa đóng kín im im, ngồi chùm đầu trong một cái
chăn bông mà hai hàm răng tôi vẫn thấy chọi nhau lập cập. Thằng Hợi ngồi học
cùng bàn với tôi nhưng không biết nó nghĩ vơ vẩn điều gì, mắt nó thường không
nhìn đến sách. Thầy cai thì ngồi chễm chệ giữa giường, bên đùi kê một hoả lò
than đỏ rực, trên để mấy con mực khô đang sèo sèo, mùi mực nướng pha lẫn mùi
rượu ngang thơm nức cả nhà, nghĩ đến mà thèm rỏ dãi.
Chợt có người khẽ gõ vào cửa mấy tiếng
rồi đánh "huỵch" một cái như có vật gì rơi xuống đó. Vừa toan bỏ
chăn, xỏ chân vào đôi guốc bước ra thì thầy cai giơ tay ngăn lại, cầm khăn ung
dung chùi mồm, vuốt lại bộ râu cong đâu đấy rồi mới cau đôi lông mày sâu róm
lại, lên tiếng dõng dạc:
- Ai hỏi gì...?
Bên ngoài lại thấy mấy tiếng gõ vào
cánh cửa.
Thầy cai lộn tiết, quát:
- Hỏi gì, nói lên!!!
Nhưng gió vẫn ào ào, bạt cả lời thầy
muốn nói. Chúng tôi lắng tai nghe, bên ngoài đưa vào một cơn ho lụ khụ, rời rạc
như của một người mắc bệnh kinh niên, rồi thấy giọng run run đưa qua hơi thở
hổn ha hổn hển:
- Lạy ông lạy bà, ông bà cứu con, vừa
đói vừa rét thế này con chết mất...
Chẳng cần nói tất anh cũng hiểu là
một người ăn mày. Trong lúc đó túi tôi cũng có sẵn vài xu rúc rích, vừa toan mở
cửa cho thì con người vô lương tâm kia đã lên giọng quát tháo ầm ầm:
- Bước ngay! Đi nhà khác! Đây không
sẵn...!
Anh tính, người ta đang đuổi thế mà
mình lại cho tiền chả hoá ra chửi mát người ta hay sao? Nghĩ thế, tôi đành
khoanh tay ngồi nín lặng xem cái tấn kịch ấy nó diễn ra trong ba, bốn phút.
- ối trời ơi! Con lạy ông... ông...
không thương, con chết mất!!!
- à... Quân này lại muốn ra gan...
Muốn sống thì xéo đi không lại vào bóp sớm.
Bên ngoài, tiếng nói lẫn tiếng khóc:
- ối trời đất ơi! Con chết mất rồi
đây, ông có cứu con không...?
Gớm! Đến cái con người tàn nhẫn ấy
thì không thể nào kể được. Tôi không ngờ lão ta nỡ đứng phắt dậy, sẵn chậu thau
nước lạnh để gần đấy, liền nhắc ngay lên nhằm khe cửa đổ hắt ra đánh
"rào" một cái rồi khoanh tay đứng nhìn.
Mỗi phút một xa, mấy tiếng gậy lộc
cộc chống vào hè lát gạch, theo sau một tiếng thở dài... trừ ngọn gió ào ào
thổi mạnh, bốn bề lại im phăng phắc.
Nét mặt vẫn thản nhiên như không, thầy
cai lại ngồi vào mâm, gật gù mãi đến nửa đêm. Nằm trong chăn, thấy khác hẳn mọi
khi, thằng Hợi hôm ấy vừa đặt mình đã ngủ say như chết. Nhưng gần về sáng bỗng
bàng hoàng tỉnh giấc, tôi thấy nó quay mặt vào tường mà khóc tỉ tê. Tôi nghĩ mà
thương nhưng cũng không khuyên giải, biết rằng có nói cũng chỉ gợi thêm một mối
thương tâm.
Hôm sau, nhằm ngày thứ năm, phải buổi
chữ nho, thằng Hợi ở nhà, còn tôi đi học.
Đến trưa, cắp cặp về, đã thấy nó đứng
cửa, mắt đỏ hoe:
- Anh ơi, hãy ra đây mà xem đã...
Rồi chẳng để tôi kịp hỏi, nó đã xốc
lấy tay tôi. Đi thẳng ra bãi, trèo qua dải đê, tôi thấy xa xa một đám đông, vừa
trẻ con, người lớn. Đến gần lặng nghe họ bàn tán, tôi hiểu ngay tất có chuyện
buồn:
- Thôi, thế cũng xong! Chết là may,
chết là hết... Nhiều người muốn chết mà chẳng được cơ...!
Lời nói lạnh lùng của một ông lão
trên đầu hai thứ tóc, mắt kèm nhèm, quần áo rách như tổ đỉa. Một thằng bé độ
sáu tuổi nhăn răng bảo thằng đứng bên cạnh:
- Mày ạ! Trông đầu ông ấy như một quả
bóng sanh (cinq).
Rồi mấy người đàn bà cười ồ.
Chẳng để ý đến mấy người họ lấy khuỷu
tay đẩy mình, chúng tôi rẽ đám đông ấy, cố len lỏi vào cho được.
Anh ạ, tôi quyết không bao giờ quên
được cái cảnh buồn tê buồn tái ấy nó hiện ra trước mắt tôi, lần ấy là lần đầu.
Trời vẫn rét, gió vẫn thổi ào ào.
Trong miệng cái cống tròn bằng xi
măng một cái xác ông lão ăn mày nằm còng queo, hai chân co lên bụng, còn hai
tay vẫn như ôm lấy bị gậy. Cái nón lá rơi ra một bên, bộ tóc lơ thơ, mấy chòm
râu lốm đốm phất phơ bay theo ngọn gió, cái thân da bọc ngoài xương nằm đó cho
ruồi bâu nhặng bám phải chăng là người hành khất đêm qua lê đến cửa nhà tôi mà
đã bị một chậu nước lạnh đuổi đi...?
Nghĩ thế rồi chẳng nỡ nhìn lâu cảnh
ấy, tôi dắt tay thằng Hợi kéo ra chỗ khác. Nào ngờ, nó cũng nghĩ như tôi, rầu
rầu nét mặt mà rằng:
- Chính người ăn mày đêm qua rồi, anh
ạ.
Lời nói của một đứa trẻ ngây thơ ấy
theo sau một tiếng thở dài mới tha thiết làm sao... Một khối óc còn non mà đã
thấy cái chân tướng cuộc đời, trong lòng xúc cảm bao mối thương tâm mà chỉ biết
phát lộ ra bằng một tiếng thở dài, một tiếng thở dài mà ngụ bao nỗi đắng cay, ý
vị...
Tuy chúng tôi không đứng lại xem lúc
xe "măng ca" đến xe cái xác ấy đi ra sao mà buổi chiều hôm ấy, như bị
một sức mạnh vô hình xô đẩy, lòng tôi bỗng thấy buồn tê tái, bài chẳng muốn
học, cơm chẳng muốn ăn. Muốn giải trí, tôi rủ thằng Hợi đi xem chiếu bóng thì
nó cười, cái cười giả dối ấy, tôi còn nhớ mãi. Rồi nó hỏi vay tôi năm hào, nói
là để mua đền anh em quả bóng mà nó đã nhỡ chân đá vỡ cách đây mấy hôm. Tôi cho
vay ngay, nào ngờ chỉ vì chẳng nghĩ xa xôi mà một đời tôi, rồi đây tôi còn phải
lắm phen ân hận.
Đi xem về, tôi vừa gặp thằng nhỏ còn
xách thùng đi gánh nước. Bấy giờ thấy cai đang giờ "service" thành
cũng vắng nhà. Mở cửa bước vào, tôi thấy thằng Hợi đã nằm kín mít trong chăn.
Tưởng cũng như mọi khi, thấy rét thì đi ngủ, tôi đến bên giường khẽ lật chăn
ra, ý muốn kể lại câu chuyện vừa xem với nó. Anh ơi! Thật một đời tôi, chưa bao
giờ tôi phải một phen lo sợ mà cảm động như lúc bấy giờ.
Đây này, anh...! Trái tim tôi đã thấy
đập thình thình, chẳng khác gì lúc ấy, lật cái chăn ra, tôi thấy mặt nó xám
ngắt, mắt nó nhắm nghiền mà tay nó thì lạnh giá như đồng, một thứ lạnh của
những xác chết khiến ta chỉ hơi chạm vào là đủ rùng mình ghê sợ.
Tôi biết ngay là có chuyện, cố nén
cái sợ, ôm lấy ngang lưng nó mà lay gọi một hồi, chẳng thấy gì, tôi đưa mắt
nhìn ra bàn thì bộ chén để úp đấy thấy lẻ bên ngoài một cái. Tôi vội cầm đến
thì còn thấy cặn...
Chao ôi! Cặn dấm thanh thuốc phiện
mùi hãy còn sực nức đưa lên.
Không biết sao, lúc bấy giờ tôi đã
toan chạy đâm bổ ra ngoài đường kêu cứu mà rồi tôi lại quay vào, ôm lấy cái xác
mà kêu, mà gọi một hồi lâu nữa... Mặt mũi nó trắng trẻo, phương phi, trông mà
thương, mà tiếc vô cùng, tôi tưởng chừng như ôm vào lòng xác một đứa em.
Rồi không biết tôi nghĩ lẩn thẩn thế
nào mà tôi nâng đầu nó dậy, in cặp môi tôi vào trán nó mà hôn... như hôn một
người yêu đang ngủ... thì mắt nó bỗng thấy mở hé ra, tôi còn nhớ mãi đến giờ,
hai con mắt ấy lờ đờ mà nhìn tôi như người ngái ngủ. Bỗng nó trợn mắt lên, há
miệng như muốn nói, cố vùng tay giơ lên như muốn ôm lấy cổ tôi mà toan gọi:
anh! anh!...
Thương thay! Thằng Hợi chửa kịp nói
được điều gì thì, chừng như thuốc độc đã thấm đến ruột gan nó, nó nhắm mắt giãy
mạnh một cái rồi buông xuôi hai tay mà ngặt cổ xuống giường... bọt mép sùi
ra...
Chuyện về sau thế nào, tưởng anh đoán
lấy cũng hiểu.
Riêng tôi, tôi coi cái ngày hôm ấy
như một ngày mà tôi phải để tang, nhân thấy anh đuổi một ông lão ăn mày nên tôi
kể chuyện lại anh nghe...
Mars 1931
Vũ Trọng Phụng
No comments:
Post a Comment