QUỐC – SỸ với CON THUYỀN MA và GÁNH XIẾC
Những trang văn xuôi đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ in
trên tuần báo Người Việt được ký là Quốc Sỹ; trong một bài tiểu luận bàn về
trường đại học văn khoa, ông ký tắt: D.Q.S. Trên báo Người Việt, Quốc Sỹ cho in
hai truyện ngắn Con thuyền ma, Gánh xiếc và truyện dài Đoàn Người Hóa Khỉ.
Trước hết chúng ta đọc
“Xưa có một đoàn người hẹn cùng gặp nhau ở miền
biên giới nọ. Họ đều là những tráng sỹ ưa phiêu lưu. Chuyến này họ trù tính đi
lâu để thăm nhiều miền xa lạ. Sau mấy tháng vượt đèo cao rừng rậm, họ tới một
miền duyên hải núi non lởm chởm có những thành đá cao vời vợi hướng ra biển.
Lúc đó trời vừa tối, họ nghe thấy tiếng sóng rầm rộ vỗ vào chân núi và tiếng
loài chim đêm vang lên rõ rệt. Không khí đượm một vẻ ma quái hoang vu.
Họ theo một con đường dốc thoai thoải đưa xuống bờ
biển và thấy đằng xa có ánh đèn. Họ tiến lại. Thì ra đấy là một chiếc thuyền
khá lớn chỉ có một viên thuyền trưởng mà không có thủy thủ. Viên thuyền trưởng
nói có thể chở mọi người đi xem Đảo Cực Lạc gần đó.
Mọi người hỏi Đảo Cưc Lạc như thế nào. Viên thuyền
trưởng đáp đảo này bốn mùa hoa cỏ tốt tươi, cây cối sầm uất, có đủ các thứ lúa
chín vàng, gặt đi rồi nó lại mọc.
Mọi người vui vẻ buộc ngựa lại bờ biển, bên một hốc
núi , rồi lên thuyền. Họ định đến thăm đảo rồi sẽ quay về xứ sở đón những người
thân cùng đến hưởng hoa thơm, quả lạ và gặt lúa vàng ở đấy.
Viên thuyền trưởng tức khắc đẩy thuyền ra khỏi bờ.
Vì trên thuyền không có thủy thủ nên viên thuyền trưởng nhờ mọi người cùng trèo
giúp. Ai nấy vui vẻ vào việc mà không biết đã lên nhầm một con thuyền ma (...)
Trời không một vị sao. Biển mênh mông ánh nước đen
ngòm (...) Chợt một người trong bọn hỏi viên thuyền trưởng tại sao trên trời
không có lấy một vị sao. Viên thuyền trưởng đáp là đường đi tới Đảo Cực Lạc
không có sao (...) Người khác lên tiếng hỏi: trên trời không có sao thì làm thế
nào mà nhận được phương hướng? Viên thuyền trưởng đáp chính hắn là phương hướng
rồi đừng nên nghi ngại gì cả (...) Chợt thuyền chòng chành, cả khối đen mênh
mông xung quanh chuyển động dữ dội: bão biển. Thuyền sô lên cao, nhào xuống
thấp, nghiêng ngả kinh hồn, vấp phải những tảng đá ngầm. Có nhiều chỗ rập nát
và thủng. Trong khi chống đỡ với cuồng phong đã có mấy người tử nạn. Viên
thuyền trưởng bảo mọi người khiêng những xác đó đặt vào chỗ rập nát và thủng
của thuyền. Hắn niệm chú tự nhiên xác chết rữa ra thành nước dính vào thuyền và
lấp kín những chỗ hư đó (...) Cơn bão biển này vừa qua, cơn khác lại tới. Sau
đó một thời gian thuyền đã thủng khắp nơi và có nghĩa là khắp nơi đều có gắn
xác người (...)
Trời không một vị sao. Biển càng mênh mông, ánh
nước càng đen ngòm sau mỗi cơn bão. Con thuyền vẫn di chuyển đều do sức chèo
của một số nhỏ những người ưa phiêu lưu còn sống sót.”
Trên đây là trích tóm tắt truyện Con thuyền ma, sau
này truyện được in trong tập Sợ lửa mà tác giả ghi là truyện cổ tích (1956).
Trong Người Việt số 4 , Quốc Sỹ cho in truyện Gánh xiếc, đây không phải truyện cổ
tích nhưng vẫn là một truyện ẩn dụ. Nhân vật tôi kể lại một chuyến đi:
“Tôi đến kinh thành New Delhi vào mùa thu năm 1952.
Tại thủ đô Ấn ngày đó đi đâu cũng thấy người ta bàn tán đến sáng kiến của nhà
điêu khắc Karmarkar sửa soạn dựng một pho tượng bán thân Thánh Gandhi (...)
Trên đường phố tôi gặp những người Ấn vận âu phục rất lịch sự, chân đi giày
đánh bóng loáng nhưng đầu có quấn khăn. Chợt tiếng thanh la kèm theo tiếng hò
hét từ xa vọng lại. Anh bạn tôi nói:
- Đằng kia có gánh xiếc.
Tôi hỏi:
- Anh ở đây đã lâu hẳn cũng có lần anh xem những
trò xiếc đó.
Anh bạn gật gù: Nhiều lần anh ạ.
- Tôi có cảm tưởng đấy cũng tương tự những gánh
xiếc bán thuốc cao ở nước nhà.
Nghe tôi nói vậy, anh bạn vội lắc đầu cải chính:
- Không đâu, những trò quỷ thuật ở đây kỳ diệu hơn
nhiều.
Tôi dừng lại nhìn về phía có gánh xiếc:
- Hay là chúng ta vào xem một lát! (...)
Anh bạn tôi lên tới chỗ bán vé. Rồi một lát sau
chúng tôi cùng lớp khán giả mới nối đuôi nhau vào xem (...) Khán giả khá đông,
ngồi theo hình vòng cung trên các ghế xếp thành từng bực cao dần. Và cuộc diễn
bắt đầu.
Mười năm phút đầu là những trò nhào lộn rất công
phu (...) Sau ba tiếng vỗ tay của ông già hai cha con thôi nhào lộn chạy vào
sau màn phông. Ông già lại ra đứng chính giữa và giới thiệu một thôi (...) Các
khán giả đều thấy hoa mắt. Tôi có cảm giác như vừa lạc vào khu vườn vũ trụ,
quanh mình là muôn vàn những hoa tinh tú nở hào quang.
Anh bạn tôi ghé lại gần giảng qua những lời giới
thiệu của ông già: Ông ta nói sắp đến trò Chính: Hiếu tử đánh lại thiên thần.
Ông ta đứng nghiêm trang và vỗ tay ba cái. Người cha
ở sau màn phông chạy ra đứng bên phải. Ông ta vỗ tay ba cái. Người con ở sau
màn phông phóng chạy ra đứng bên trái. Ông hét lên một tiếng (...)Tiếng gầm
thét càng dữ dội thì các vì sao càng như nhảy múa rồi tận cùng có tiếng hú dài
thê thảm. Một cẳng người từ trên cao ném xuống, rồi một cẳng nữa. Một cánh tay
người từ trên cao ném xuống, rồi một cánh tay nữa. Rồi cả thân người và sau
cùng là cái đầu của người cha máu me đầm đìa (...) Kế tiếp là tiếng gầm thét dữ
dội của thiên thần và tiếng hú căm hờn của người con (...) Chợt người con từ
đâu xuất hiện khoác một cái áo vô cùng lộng lẫy. Ý hẳn là vừa cướp được của
thiên thần. Hắn cúi xuống thu nhặt đầu, mình, chân tay của cha ghép lại cho
đúng vị trí hình người rồi lấy chiếc áo thiên thần phủ lên. Hắn nhảy múa quanh
thi thể hát lên một bài hát dạo. Bất chợt hắn cúi xuống lật tấm áo lên. Người
cha bỗng ngồi nhỏm dậy, vẻ mặt tươi cười như không. Đầu, mình, chân, tay đã
liền lại. Hai cha con nắm tay nhau cúi chào khán giả.”
Đã trải qua những giây phút kinh hoàng vì quỷ thuật
trong rạp xiếc, nhân vật tôi nghi hoặc với trò: Hiếu tử đánh bại thiên thần rồi
tình cờ phát hiện ra người điều khiển trò quỷ thuật bằng cách thôi miên người
xem . Cho nên khi trở lại rạp xiếc bằng sự tỉnh táo của mình, nhân vật tôi đã
khiến cho người thôi miên thất bại . Cảnh người cha leo lên , người con leo lên
thực ra chỉ là chú khỉ, con chuột ... Sự thật được phơi bày và lan truyền khiến
cho gánh xiếc bị tẩy chay ở bất cứ đâu khi gánh xiếc tới. Ở những dòng gần cuối truyện, tác giả viết:
“Đó cũng là sự tích
một gánh xiếc. Có điều khác là gánh xiếc ở Ấn Độ đến rồi phải đi, ở Bắc Việt
hiện nay, trái lại, gánh xiếc đến chính dân chúng phải đi. Gánh xiếc chính
quyền có khác (...)”
Truyện ngắn Gánh xiếc được xuất bản thành sách năm
1958 cùng với nhiều truyện ngắn khác.
“Nghe Quốc Sỹ kể chuyện, ta nhớ đến người nông dân
Việt, bình dị nhưng cởi mở, ta thấy thét lên lời ca chính khí của người chiến
sỹ Việt bất khuất, nhưng ta cũng say sưa với câu chuyện cổ tích của người bà
Việt mái tóc bạc phơ kĩu kịt đưa võng ru cháu, hay trầm lặng trong chén trà của
sỹ phu Việt suy ngẫm về đạo sống. Quốc Sỹ không thuộc về văn phái nào cả. Quốc
Sỹ là ngọn bút của dân tộc.”
Trong cuốn Cát bụi chân ai hồi ký của Tô Hoài viết
năm 1990, bản in lần thứ 2 năm 1993 của nhà xuất bản Hội Nhà Văn (Hà-Nội) có
một đoạn viết về Doãn Quốc Sỹ như sau:
“Tôi cũng thường đọc trên
đài “ thư Hà-Nội” gửi nhà văn Quan Sơn ở Sàigòn. Chẳng mấy ai biết bút hiệu ấy
của Doãn Quốc Sỹ ngày trước trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Doãn Quốc Sỹ
người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút. Một trong
những truyện ngắn đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ, Đôi Mắt Của Hiền, cô Hiền ấy, con
gái đầu lòng bác Tú Mỡ. Bức thư tình đăng báo mà rồi nên nhân duyên. Doãn Quốc
Sỹ theo nhà vợ ra vùng tự do ở Bắc Giang ít lâu rồi vào Hà-Nội, rồi di cư vào
Nam. Báo chí và các nhà xuất bản ở Sài gòn in sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, lại
biết Sỹ dạy học ở Hà Tiên, được tu nghiệp ở Mỹ mấy năm. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức
còm ở một làng nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tôi tin là không, thế mà
sao Doãn Quốc Sỹ viết chửi (20) cộng sản hăng thế. Chắc chẳng khi nào Doãn
Quốc Sỹ nghe bài của tôi để biết đến những tiếng nói vùng quê của anh.(trang
229 C.B.C.A.).
Không rõ tên người viết
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment