TRẦN HƯNG ĐẠO
Đánh Tan Quân Nguyên - Mông
1- Thân thế Trần Hưng Đạo :
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1228 tại
làng Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thân phụ là An Sinh
Vương Trần Liễu, anh vua Trần Thái Tông ( Trần Cảnh ), thân mẫu là Thiện Đạo
Quốc Mẫu.
Trần Hưng Đạo là người thông minh, học cao hiểu rộng, văn
võ song toàn, yêu nước, yêu dân tộc, dẹp thù nhà, một lòng chống quân thù cứu
quốc. Ông biết dùng người hiền tài, coi binh sĩ như tay chân, thể hiện đức tính
: Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng.
Sau khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi, Trần
Hưng Đạo về trí sĩ ở trang viên tại Vạn Kiếp, các vua Trần thường đến
vấn kế ông. Ông mất ngày 8 tháng 10 năm 1300, thọ 72 tuổi, được phong
tặng tước Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Vương.
Tượng
Trần Hưng Đạo
2 - Quân Nguyên Mông xâm lăng VN lần thứ 1 năm
1257 :
a - Vài nét về quân Mông cổ :
Dân Mông Cổ ở phía bắc nước Tàu, thời đó vào khoảng 3 triệu
người, là dân du mục, hiếu chiến, có tài đặc biệt là bắn cung, cuỡi ngựa, vận
chuyển binh sĩ hết sức mau lẹ. Lối đánh của quân Mông Cổ là khi lâm trận, đội
kỵ binh của họ tiến nhanh như chớp nhoáng rồi biến mất, rồi lại xuất hiện như
vũ bão sau lưng địch, khiến đối phương điên đảo, trở mình không kịp, bị rối
loạn cả chiến lược, chiến thuật.
Nguyên Thái Tổ là Thành Cát Tư Hản tấn công Tân Cương, Ba
Tư ( Iran ), Hung Gia Lợi. Đầu thế kỷ thứ 13, Hồi quốc đang thịnh đạt và là một
Đế quốc rộng lớn gồm Ba Tư, Tiểu Á, Tế Á và Cận Đông, chiều ngang kéo dài
từ Ấn Độ đến Bagdad, chiều dài từ bờ biển Aral tới vịnh Ba Tư. Quân Mông Cổ
tới, bốn chục vạn binh của Hồi Giáo Mohamed tan tành và kinh đô cũng ra
tro bụi. Đế Quốc Hồi tan vỡ từ thuở ấy. Tháng chạp năm 1237 đến tháng năm 1238,
bốn phần năm lãnh thổ Liên Xô cũng lọt vào tay Mông Cổ.
Khi quân Mông Cổ tràn qua Âu châu, các nuớc Tây Âu nghe tin
nầy vô cùng hoảng sợ, Giáo Hoàng Innoccent IV và vua Louis nước Pháp
phải cử người sang cầu hòa. Nhưng khi quân Mông Cổ sang xâm
lăng nước Nam thì bị Trần Hưng Đạo 3 lần đánh lui.
b - Trần Thái Tông, Trần
Hưng Đạo đánh thắng quân Mông Cổ :
Hốt Tất Liệt lên ngôi, đổi thành nhà Nguyên, là
Nguyên Thế Tổ, đem quân đánh chiếm nhà Tống bên Tàu. Từ đó cả nước Tàu
bị Mông Cổ cai trị.
Khi Hốt Tất Liệt đem quân đánh nhà Tống, có sai một
đạo binh đánh lấy nước Nam ta. Tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai bảo
vua Trần Thái Tông về thần phục Mông Cổ, đặt nhiều điều kiện khắc
nghiệt, phải sang chầu Mông Cổ, hằng năm phải triều cống, nộp sổ đinh,
sổ điền.... Trần Thái Tông chẳng những không chịu, mà còn bắt
giam sứ Mông Cổ, rồi sai Trần Quốc Tuấn tức Trần Hưng Đạo đem quân giữ phía Bắc.
Lúc bấy giờ là năm 1257.
Mông Cổ tức giận, kéo binh từ Vân Nam theo đường sông Thao
Giang thuộc Hưng Hóa, xuống đánh Thăng Long.Trần Hưng Đạo quân ít, phải
lui về Sơn Tây. Vua Trần Thái Tông tự cầm quân ra trận, nhưng cũng chống
không nổi, phải bỏ kinh đô rút về Hưng Yên. Quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, tiến
xuống Đông Bộ Đầu. Quân Mông Cổ vào thành, thấy 3 sứ giả Mông Cổ còn bị
trói, giam trong ngục. Ngột Lương Hợp Thai tức giận, cho quân cướp phá, giết cả
nam phụ lão ấu trong thành, không chừa một người nào.
Trước thế nguy, vua Thái Tông hỏi ý kiến Trần Thủ Độ
nên hòa hay chiến, Trần Thủ Độ trả lời rằng :
" Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo
".
Chẳng bao lâu, quân Mông Cổ không quen thủy thổ nước ta,
khí trời nóng bức, bị bệnh tật, mệt mỏi. Trần Thái Tông tiến binh lên
đánh Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ chạy đi Qui Hóa, bị chận
đánh một lần nữa, quân Mông Cổ thoát chạy về Vân Nam . Vì mỏi mệt,
đi đường không cướp phá gì.
Tuy thua trận phải rút lui về, vua Mông Cổ sai sứ bắt
nước Nam phải triều cống. Vua Thái Tông sai Lê Phụ Trần sang sứ, xin 3 năm sang
cống một lần.
3 - Quân Nguyên Mông xâm chiếm VN lần
thứ 2 năm 1285 :
a - Tham vọng của quân Nguyên :
Sau khi chiếm Trung Quốc, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt
muốn mở rộng đế quốc Mông Cổ về phía Nam, tấn công chinh phục Đông Nam Á.
Quân Nguyên Mông giỏi về trận mạc địa bộ, thiện chiến vùng thảo nguyên, nơi
hoang dã, không giỏi về rừng núi, về thủy chiến.
Nhà Nguyên muốn chiếm Đông Nam Á, tấn công Nam Dương, rồi
tiến đánh Ấn Độ, với tham vọng chiếm cứ toàn bộ Á châu. Muốn thực hiện
cuộc Nam tiến, nhà Nguyên phải đánh nước Nam rồi tấn công các nước khác.
Nhà Nguyên sai Sài Thung sang hạch hỏi vua Trần Nhân Tông, buộc nhà vua đích
thân sang chầu. Vua Nhân Tông trả lời không thể đi được, vì không quen thủy
thổ, nên cử Trịnh Đình Toàn và Đỗ Quốc Kế sang sứ, hai ông bị nhà Nguyên giữ
lại.
b - Nhà Trần chuẩn bị :
- Hội Nghị Bình Than
:
Tình hình càng ngày càng căng thẳng, chiến tranh thế nào
cũng xảy ra, Trần Nhân Tông họp các vương hầu và tướng lãnh tại Bình Than ( Chí
Linh ) vào tháng 10 năm 1282 đề bàn kế hoạch chống giặc. Tháng 10 năm sau
1283, nhà vua đề cử Trần Hưng Đạo làm Quốc Công Tiết Chế,
thống lãnh toàn quân, điều động các tướng lãnh chỉ
huy đơn vị, ngăn chận quân thù. Năm 1284, Trần Nhân Tông ra
lệnh tổ chức duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, dưới quyền điều khiển của Trần Hưng
Đạo. Sau đó chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu, để chống lại cuộc xâm lăng
của quân Nguyên.
- Hội Nghị Diên
Hồng :
Được tin nhà Nguyên chuẩn bị binh mã sang xâm lăng nước ta,
vua Nhân Tông cử Trần Phủ sang thương thuyết, đề nghị hoãn binh, nhưng nhà
Nguyên không chịu. Trần Nhân Tông triệu mời các bô lão trong nước, đến họp tại
điện Diên Hồng để hỏi ý kiến, tất cả đều một lòng quyết chiến chống quân xâm
lược.
c - Chiến tranh Nguyên - Việt
:
+ Quân Nguyên tấn
công, quân Việt rút lui :
Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan đem binh mã tấn công Đại
Việt theo 3 đường:
- Thứ nhất, Thoát Hoan
dẫn đại binh vào nước ta bằng đường Lạng Sơn, theo thung lũng sông Thương, tiến
vào Thăng Long.
- Thứ nhì, tướng Nạp
Tốc Lạt Đinh dẫn bộ binh từ Vân Nam theo đường sông Chảy đi xuống, song
song với sông Hồng.
- Thứ ba, Toa Đô dẫn
thủy quân từ bờ biển Chiêm Thành đánh lên Đại Việt. Ba cánh quân Nguyên tạo thế
gọng kềm, giáp công 3 mặt, ép quân Việt vào giữa.
Quân của Thoát Hoan tràn qua Lạng Sơn, đánh
Kỳ Cấp, Khả Ly và Lộc Châu, quân Nam phải rút về Chi Lăng. Thóat Hoan
dẫn đại binh đánh Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Dã Tượng, Yết Kiêu
lui về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông đáp thuyền nhỏ đến Hải Dương, cho mời
Trần Hưng Đạo đến bàn việc: " Thế giặc mạnh như vậy,
ta chống không được, nên hòa hay đánh ". Trần
Hưng Đạo khẳng khái trả lời rằng:
" Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng ".
Cánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh tràn qua Yên Bình, Yên Bái,
chú của vua Nhân Tông là Trần Nhật Duật chống cự không được,
phải rút lui về mạn xuôi.
Thoát Hoan uy hiếp Thăng Long, quân Nguyên tấn công
Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo lại rút lui, rước vua và Thượng Hoàng
vào Thanh Hóa. Mặt trận phía Nam do Thượng Tướng Trần Quang
Khải, đem quân đóng những chỗ hiểm yếu ở Nghệ An, để
chận đường quân Toa Đô tiến ra phía Bắc.
Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng đóng quân ở Thiên Trường
chống giặc, ông bị bắt. Thoát Hoan biết ông là Tướng tài, chiêu dụ ông : "
Có muốn làm Vương đất Bắc không ? ", ông quắc mắt quát : "
Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc ".
Ông bị giặc giết chết. Tin nầy tới Trần triều, ai nấy đều động
lòng thương tiếc.
+ Chiến thuật Trần Hưng Đạo :
Quân Nam
phản công, quân Nguyên thua chạy về nước :
- Trận Hàm Tử :
Toa Đô bị Trần Quang Khải cầm chân, càng ngày càng cạn
lương thực, Toa Đô theo đường biển tiến ra Bắc. Trần Hưng Đạo đề nghị vua Nhân
Tông cử các tướng Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái ra chận
đánh Hưng Yên. Trong quân của Trần Nhật Duật có người Tống xin tòng chinh, mặc
sắc phục quân Tống. Quân Nguyên tưởng nhà Tống đã phục quốc, gởi
quân Tống sang giúp nước Việt, nên mất tinh thần bỏ chạy.
- Trận Chương Dương :
Trần Nhật Duật chận đường Toa Đô, không cho liên lạc với
Thoát Hoan đang đóng
quân ở Thăng Long.
Trần Hưng Đạo bàn, nên lợi dụng lòng hăng hái của quân sĩ
và sự túng quẩn của địch, đánh mạnh lấy lại Thăng Long. Tiến cử Trần Quang
Khải, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái, khởi động tấn công, đánh tan thuyền của
quân Nguyên ở bến Chương Dương, thuộc Hà Nội ngày nay, rồi đuổi đánh quân
Nguyên đến chân thành Thăng Long. Thoát Hoan cầm quân ra trận, bị phục binh của
Trần Quang Khải chận đánh, phải bỏ Thăng Long, vượt sông Hồng chạy đi Bắc Ninh.
Trần Quang Khải vào kinh thành mở tiệc khao quân, nhân tiệc vui có làm bài thơ
:
" Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nổ lực
Vạn cổ thử giang san "
Dịch là
:
" Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình thêm gắng sức
Nước non ấy ngàn thu
"
- Trận Tây Kết :
Khi Thoát Hoan rời Thăng Long vượt sông Như Nguyệt ngày
mùng 6 tháng 5 năm Ất Dậu thì Trần Quốc Toản đem quân đuổi theo, trong trận
đánh ông bị tử trận. Vua nghe tin, thương tiếc, phong ông là Hoài Văn Vương
Trần Quốc Toản.
Được tin Thoát Hoan thua trận, Toa Đô lui về Tây Kết, phía
nam Hàm Tử, Trần Hưng Đạo lại xin vua tự mình đem quân đánh Toa Đô, rồi tiến
đánh Thoát Hoan. Vua Nhân Tông đồng ý và cho Trần Hưng Đạo toàn quyền điều
động.
Quân ta đánh hăng qúa, quân Nguyên địch không nổi,Toa Đô và
Ô Mã Nhi đem quân lên bộ chạy ra biển, bị quân ta vây đánh, Toa Đô trúng đạn
chết, Ô Mã Nhi chạy vào Thanh Hóa, rồi tìm thuyền về Trung Quốc.
- Trận Vạn Kiếp :
Thoát Hoan đóng quân ở Bắc Giang, nghe tin Toa Đô tử trận,
Ô Mã Nhi đã trốn về Tàu, tướng sĩ đều ngã lòng. Hưng Đạo Vương biết Thoát
Hoan tất phải chạy, liền cử Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão đem 3 vạn quân phục sẵn
tại bãi sậy, bên sông Vạn Kiếp. Ông sai hai con là Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng
Hiếu Vương Úy, đem binh chận đường quân Nguyên rút về Tư Minh bên Tàu.
Hưng Đạo Vương tự dẫn đại quân đến Bắc Giang đánh quân Nguyên, quân Nguyên thua
chạy đến Vạn Kiếp, bị phục binh của Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão đánh cho một
trận. Tướng nhà Nguyên là Lý Hằng bị tên bắn chết, sau đó Lý Quán cũng bị chết.
Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, để lên xe, bắt quân sĩ kéo chạy.
Thế là đại quân của Thóa Hoan lúc đầu mới sang lừng lẫy bao
nhiêu, bây giờ tan nát bấy nhiêu. Trong 6 tháng, từ tháng chạp năm 1284 đến
tháng 6 năm 1285, Đại Việt đuổi 50 vạn quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, chỉnh đốn
giang sơn lại như cũ, cũng nhờ Trần Hưng Đạo có tài Đại tướng, cầm quân vững
chải, mưu lược hơn người, phối hợp với các tướng nhà Trần, dụng binh biết đợi
thời cơ, kích động lòng trung nghĩa của tướng sĩ, ai nấy đều hết lòng giúp
nước, đánh tan quân Nguyên, đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.
4 - Quân Nguyên - Mông xâm lăng VN lần thứ 3
năm 1288 :
a - Nhà Nguyên quyết tâm trả thù :
Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt thấy bọn Thoát Hoan bại trận về,
giận lắm, muốn đem chém tất cả, nhưng quần thần can ngăn mãi mới thôi. Nhà
Nguyên đình việc đi đánh Nhật Bản, hạ lịnh đóng thêm
300 chiến thuyền, truyền hịch 3 tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây, tụ
tập binh sĩ, định đến tháng 8 sẽ cất quân, sang đánh nước
Nam để báo thù. Quan trong triều và quan các tỉnh phía nam, đề nghị
cho quân sĩ nghỉ ngơi ít lâu rồi sẽ xuất chinh, vua Mông Cổ nghe theo.
Tháng 2 năm 1287, nhà Nguyên động binh, cuộc viễn
chinh lần nầy tổ chức khá chu đáo. Tổng chỉ huy quân Nguyên vẫn là Thoát
Hoan, dưới quyền có các tướng Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, Trình Bằng Phi, Phàn Tiếp,
Trương Văn Hổ.
b - Nhà Trần chuẩn bị :
Sau ngoại giao mềm mỏng của nhà Trần đối với nhà Nguyên bị
thất bại, vua Nhân Tông ra lịnh cho các vương hầu chiêu mộ và luyện tập binh
mã, mời Hưng Đạo Vương hỏi ý, Trần Hưng Đạo trả lời: "Quân ta đã
quen việc chiến trận, quân Nguyên thì sợ đi xa. Vả lại chúng còn sợ
sự thảm bại kỳ trước, không còn chí chiến đấu, theo thần thấy, phá
được chúng là điều chắc chắn ".
Vua Nhân Tông liền ra lệnh cho Trần Hưng Đạo đốc thúc các
vương hầu, chế tạo thuyền bè, điều động binh sĩ, chuẩn bị đánh quân Nguyên.
Cuộc duyệt binh được tái tổ chức vào giữa năm 1287. Trần
Hưng Đạo cử Trần Nhật Duật và Nguyễn Khoái trấn giữ Lạng Sơn, Trần Khánh Dư bảo
vệ Quảng Yên, Lê Phụ Trần đem quân đóng giữ Nghệ An, còn tự mình giữ trung quân
bảo vệ Thăng Long.
c - Chiến tranh Nguyên - Việt :
- Quân Nguyên tấn công :
- Thoát Hoan dẫn đại
binh, Trương Ngọc, Lưu Khuê điều khiển bộ binh, thủy binh, 500 chiến thuyền, 70
thuyền vận tải, chuyên chở lương thực, vũ khí, đi đường Khâm Châu, Liêm Chàu
tiến đánh nước Nam.
- Trịnh Bằng Phi, Lỗ
Đức dẫn quân đi đường bộ.
- Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp,
thống lãnh thủy quân tiến về hướng nam.
- Vạn hộ Trương Văn Hổ
tải 17 vạn thạch lương theo đường bể.
Đội quân Mông Cổ tiến vào nước ta như vũ bão. Tướng nước ta
là Nhân Đức hầu Trần Đa mai phục ở Lang Sơn phải lui binh.
Trong những ngày đầu, cũng như các lần trước, quân Mông Cổ
tấn công rất mạnh và rất hăng, quân ta phải lui về Vạn Kiếp. Thoát Hoan chiếm
núi Phả Lại và Chí Linh, rồi phái Trịnh Bằng Phi đem quân tấn công Vạn Kiếp.
Mặt khác, Thoát Hoan cử Ô Mã Nhi, A Bát Xích, dẫn một cánh quân từ sông Lục Đầu
đánh xuống sông Hồng, mục đích đánh chiếm kinh thành Thăng Long.
- Quân Nam phản công :
Khi tin tức từ biên thùy tới tấp báo về Thăng Long, các
quan xin tuyển thêm binh. Hưng Đạo Vương bình tĩnh nói : " Quân cốt
giỏi chứ không cốt nhiều ".
Với tư cách Tổng chỉ huy, Trần Hưng Đạo phân phối quân đội
đi các nơi như sau :
- Trần Nhật Duật, Nguyễn
Khóai đem 3 vạn quân đón giặc ở Lạng Sơn.
- Lê Phụ Trần đem 3 vạn
quân giữ Nghệ An.
- Tại biên giới Việt - Hoa,
3 đồn Sa, Từ, Trúc được thiết lập, vì quân ta biết rằng bộ binh của
Thoát Hoan thế nào cũng xâm nhập cổng ngõ nầy.
- Trần Hưng Đạo đóng đại
quân ở Vạn Kiếp, trên ngọn Phú Sơn . Căn cứ nầy coi như trung tâm hành quân
của nước Nam , rất thuận tiện về giao thông thủy bộ, điều động
quân đội đi các nơi.
Sau nhiều lần giao chiến dữ dội, quân ta chống trả kịch
liệt. Ngày 30 tháng chạp năm 1287, Thoát Hoan sai Trịnh Bằng Phi, A Lý và Lưu
Giang đánh Vạn Kiếp, lấy làm căn cứ. Ở đây lực lượng của Hưng Đạo Vương đã rút
gần hết về giữ Thăng Long. Ô Mã Nhi, A Bát Xích hợp quân, vượt sông Cái tiến
vào Thăng Long, Hưng Đạo Vương chống trả kịch liệt, Thượng Hoàng và Nhân Tông
phải lánh vào Thanh Hóa.
Ngày mùng 4 tháng giêng năm 1288, Thoát Hoan lui binh về
Bắc Giang, Hải Dương, Vạn Kiếp, sau cuộc tấn công vô hiệu vào Thăng Long. Ngày
8 tháng giêng, giặc thua trận tại Đại Bảng thuộc tỉnh Hải Dương, quân ta thu
được 300 chiến thuyền.
Đền
thờ Trần Hưng Đạo
- Trận Vân Đồn :
Lương thực sắp cạn, thuyền lương do Trương Văn Hổ áp tải
vẫn chưa thấy đến, Thoát Hoan hạ lệnh cho Ô Mã Nhi cấp tốc đi tìm, gặp sự chống
cự của Trần Khánh Dư. Ô Mã Nhi cố đánh, quân Trần Khánh Dư bị bại. Nghe thủy
quân Vân Đồn bị bại, vua sai quan ra truy tội, Trần Khánh Dư xin cho lập công
chuộc tội.
Ô Mã Nhi gặp được Trương Văn Hổ, rồi cùng nhau trở vào đất
liền.
Ô Mã Nhi đắc thắng đi trước rất nhanh, Trương Văn Hổ chở
thuyền lương đi chậm, bị Trần Khánh Dư quay lại mai phục đánh úp, chiếm được
nhiều khí giới và toàn bộ lương thục của địch.
Đây là trận thắng quyết định chiến trường năm 1288, vì
quân Thoát Hoan thiếu lương, bắt buộc phải tìm đường rút quân. Trần Khánh
Dư báo tin thắng trận, chiếm được lương thực, thu nhiều khí giới, làm mất
nguồn hy vọng quân lương của Mông Cổ. Thượng Hoàng bàn với Trần
Hưng Đạo, thả một số tù binh về báo cho Thoát Hoan hay, với đòn tâm
lý nầy, quân Nguyên xôn xao, nao núng tinh thần, có bụng muốn về Tàu.
- Trận Bạch Đằng
:
Tháng 3 năm 1288, lương thảo mỗi ngày một cạn, các tướng
Nguyên bàn với Thoát Hoan nên rút quân, vì thành trì không có, lương thực
lại cạn. Thời tiết hết xuân sang hạ, khí trời nóng nực, ở lại không
lợi, chi bằng rút quân về, rồi sau sẽ liệu kế khác.
Thoát Hoan thấy quân thế của Hưng Đạo Vương mạnh lắm, chưa
thể phá được, bèn nghe lời các tướng, sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn thủy quân
theo đường sông Bạch Đằng về trước. Đường bộ thì sai Trình Bằng Phi, Trương
Quân dẫn binh đi chặn hậu, định ngày rút quân.
Hưng Đạo Vương đoán biết trước, bèn sai Nguyễn Khoái dẫn
binh đi đường tắt lên thượng lưu sông Bạch Đằng, lấy gỗ đẽo nhọn, bịt sắt đóng
khắp giữa dòng sông, rồi phục binh . Lúc thủy triều lên thì đem binh ra khiêu
chiến, nhử cho giặc qua chỗ đóng cọc, khi nước thủy triều xuống, quay binh
lại dốc sức mà đánh. Lại sai Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa đem quân phục
kích quân Nguyên ở Nội Bảng.
Nguyễn Khoái khiêu chiến Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng rồi
bỏ chạy, Ô Mã Nhi đuổi theo, Nguyễn Khoái nhử quân Nguyên qua khỏi chỗ đóng
cọc, rồi quay thuyền lại, đánh rất hăng. Quân của Trần Hưng Đạo cũng vừa
tiếp đến. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quân ta thế mạnh, mới quay thuyền
trở lại, đến khúc sông có cọc thì nước thủy triều đã rút xuống,
thuyền quân Nguyên vướng mắc phải cọc, đổ nghiêng ngửa, đắm vỡ rất
nhiều. Quan quân thừa thắng đánh rất hăng, quân Nguyên chết như rạ, máu
loang đỏ cả khúc sông. Tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ,
Cơ Ngọc đều bị bắt. Quân ta thu được trên 400 chiến thuyền và
bắt được nhiều binh sĩ.
Chiến thắng Bạch Đằng là kết quả của sự phối hợp tác chiến
hiệu quả giữa thuỷ quân và bộ binh, giữa quân chủ lực với các đội dân binh,
giữa các lực lượng tham chiến về thời gian và không gian.
- Quân Nam toàn thắng :
Thoát Hoan nghe tin thủy quân vỡ tan, liền ra lệnh Trình
Bằng Phi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Trương Quân, Trương Ngọc, đi đường bộ rút
lui. Quân Nguyên chạy đến ải Nội Bảng, bị phục binh Phạm Ngũ Lão đổ ra
đánh, chém chết Trương Quân. Các tướng Nguyên khác Trình Bằng Phi, A Bát Xich,
Trương Ngọc, Áo Lỗ Xích, giữ gìn Thoát Hoan, đi đường tắt về Tư Minh bên Tàu.
Hưng Đạo Vương thống lãnh quân Nam đánh đuổi quân
Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, rước Thượng Hoàng và Nhân Tông về kinh sư. Khi về đến
Hưng Long, vua Nhân Tông đem các tướng Nguyên bị bắt Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích
Lệ, Cơ Ngọc vào làm lễ hiến phù ở trước Chiêu Lăng.
Nhân thấy giang sơn lại được như cũ, Thánh Tông Thượng
Hoàng làm 2 câu thơ :
Xã tắc luỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
dịch
:
Xã tắc hai phen
bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững
kim âu
- Hưng Đạo Vương trong lòng
dân Việt :
Quân Mông Cổ 3 lần xâm chiếm nuớc ta : năm 1258,
1285,1288, đều bị dân Việt đánh bại, công lao đó phần lớn
là do đại công của Trần Hưng Đạo.
- Năm 1984, các nhà bác học
và quân sự thế giới họp tại Luân Đôn, Anh
quốc đã đánh giá Trần Hưng Đạo là 1 trong 10 nhà quân sự tài ba
nhất thế giới.
- Người Việt tôn kính,
thường gọi Trần Hưng Đạo là Đức Thánh Trần, lập đền thờ nhiều
nơi trong nước.
- Trước năm 1975, VNCH in
hình Trần Hưng Đạo trên giấy bạc 500 đồng, để tỏ lòng kính
trọng. Hằng năm dân chúng làm lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần ngày 8 tháng 10 ở
nhiều nơi.
- Hải quân và ngành
Hàng Hải tôn ngài là Thánh Tổ Trần Hưng Đạo, ghi lại thân thế và sự nghiệp
oai hùng chống giặc ngoại xâm phương Bắc, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn
ngài.
Trần Hưng Đạo là vị anh hùng dân tộc, là thiên tài quân
sự, đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông, có công lớn
với Tổ quốc Việt Nam, là gương sáng cho thế hệ con cháu tương lai, lòng tràn
đầy nhiệt huyết, đang vùng dậy khắp nơi, đứng lên trong công cuộc giữ nước và
xây dựng đất nước.
Nhà thơ Khiêm Đức làm bài thơ ca ngợi công đức của
Trần Hưng Đạo, sự tài trí, lòng yêu nước, gương trung liệt, dẹp thù nhà,
một lòng quyết chiến chống quân xâm lược:
Bình sanh làm tướng chết làm thần
Công nghiệp sáng ngời vạn tiết xuân
Lấy máu Toa Đô đền nợ nước
Nương dòng Vạn Kiếp rửa thù dân
Sông Đằng bến cũ đâm thuyền địch
Đất Việt tôi trung gánh bụi trần
Hưng Đạo quyền cao nhưng chẳng lạm
Thác rồi hiển thánh lại thi ân
Triều
Phong Đặng Đức Bích
Tài liệu tham khảo :
·
Đại Nam Nhất Thống Chí - Nguyễn Tạo
·
Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thời Chí
·
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Ngô Sĩ Liên
·
Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
·
Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn
·
ViệtSửCươngMụcTiếtYếu-Đặng X/Bảng