Miền Nam bị lãng quên (THE FORGOTTEN SOUTH )
Bài đọc trong cuộc Hội thảo về Việt Nam năm 1988 – tại Đại
học Wales, Swansee - Mark Frankland - Nguyễn
Ðăng Thường chuyển ngữ
(Kính thưa quý vị)
Lý do duy nhất về sự có mặt của tôi ở đây
hôm nay để nói chuyện trước một cử tọa gồm học giả và sinh viên có nhiều kiến
thức hơn tôi là vì tôi đã từng là một phóng viên ở Đông Dương từ năm 1967 đến
năm 1975, mà cũng vì sau đó tôi đã cảm thấy bị thúc đẩy phải viết một cuốn
truyện về thế giới Miền Nam tôi đã biết qua. Tôi nói bị thúc đẩy viết, do ý
nghĩ ám ảnh tôi mãi, là cái thế giới đó đã biến mất mà không được ghi chép lại
đúng mức: rằng nó không chỉ là một thế giới đã biến mất, mà trong một phạm vi
lớn hơn, nó đã mất dạng trong sự lãng quên và khinh bỉ.
Cái mà chúng ta thường gọi là chiến tranh
Việt Nam – cuộc chiến tranh thống trị bởi người Mỹ – tất nhiên không hề bị lãng
quên. Nó đã, và đang được nhớ tới, nhưng theo một chọn lọc đẩy lui phần lớn
Việt Nam tôi từng biết ra khỏi tầm nhìn. Tôi đang ở Mỹ khi xem phim Người
săn hươu (The Deer Hunter), cuốn phim lớn đầu tiên về chiến tranh
Việt Nam. Tôi đã bị quyến rũ bởi những cảnh chính xác tuyệt vời về nước Mỹ.
Nhưng nó cũng đã khiến cho tôi cảm thấy khó chịu bởi cách thể hiện người Việt
Nam. Quí vị hẳn chưa quên những cảnh trong đó vài con bạc nham nhở ở Sài Gòn
đánh cược với nhau về một anh lính Mỹ say ma túy sẽ tự bắn vào đầu hay không
qua một trò chơi ru-lết Nga. Quý vị chắc cũng sẽ nhớ một người Pháp cựu-thực
dân uống sâm banh là một trong các nhân vật nham hiểm trong phim. Theo một kiểu
thức khiến Người săn hươu đã thiết lập một mô hình cho nhiều bộ phim và
tiểu thuyết Mỹ sau này về Việt Nam. Miền Nam và người Pháp đã kéo Mỹ vào cuộc
chiến tranh đầu tiên ở Đông Dương chống Việt Minh được trình bày như những lý
do vô giá trị cho sự suy đồi, cơ thể bị tàn phế, và cái chết của những thanh
niên Mỹ. Theo huyền thoại này thì các lãnh đạo Mỹ trong thời chiến tranh đã
không ý thức được kịp lúc sự vô giá trị của một xứ sở mà họ đã gởi binh lính Mỹ
qua để hy sinh tính mệnh. Quá trình này đã đưa tới kết cục gần như logic trong
phim Full Metal Jacket của Stanley Kubrick.
Hồi ức có thể đã phản bội tôi. Nhưng tôi
nghĩ nhân vật Việt Nam đóng vai có tiếng nói – vai diễn rất nhỏ – là hai tên ma
cô và hai cô gái điếm. Cũng có cô gái Việt Cộng bắn tỉa giữ vai trò tương tợ
anh chàng Da Đỏ dũng cảm và nguy hiểm trong phim cao bồi. Phim Mỹ về chiến
tranh Việt Nam – tôi muốn nói những phim tập trung vào hành động xảy ra ở Việt
Nam, sẽ tới đỉnh hoàn hảo khi không còn một nhân vật bản xứ nào để cho (khán
giả) thấy và nghe.
Tôi không cố ý chế giễu người Mỹ về cách họ
lựa chọn để ghi nhớ cuộc chiến tranh. Mọi hồi ức đều có tính chọn lọc, chí ít
là hồi ức của một quốc gia về chiến tranh trong quá khứ, chúng phải như vậy.
Mục đích của Mỹ đã thấy rõ ngay từ lúc đầu của Người săn hươu. Quý vị
chắc còn nhớ cảnh gần cuối phim khi các nhân vật tụ họp trong một quán ăn muỗng
rửa chưa sạch mỡ và bắt đầu hát, thoạt tiên ngập ngừng, những lời ca đầu tiên
xoàng xĩnh nhưng gợi cảm của bài God Bless America. Mục đích chính của
những hồi ức này là để lấy lại sự tự trọng của nước Mỹ đã bị chiến tranh làm
thiệt hại. Và đây tất nhiên là một mục tiêu hữu ích.
Thế nhưng, cùng lúc có một quá trình đối nghịch
thúc đẩy, khiến tôi muốn làm sống lại Miền Nam cũ dưới hình thức một cuốn
truyện. Tôi muốn nói sự vỡ mộng, bên trong cũng như bên ngoài Việt Nam, về Miền
Nam mới. Người cộng sản Việt Nam hầu như đã cho thấy ngay rằng họ đã không học
hỏi được gì cả từ những lỗi lầm của những người cách mạng cộng sản khác. Bị cô
lập trong nhiều thập niên bởi một cuộc chiến toàn diện khỏi thế giới đã thay
đổi, họ dường như cảm giác rằng những sai lầm ấy, thật ra lại là những thành
tựu tuyệt vời. Nhưng rủi thay cho họ, lúc đó lại chính là lúc mà phong trào
cộng sản thế giới đang bắt đầu một cuộc thay đổi lớn trên cả hai phương diện,
mục tiêu và phương pháp. Trong bối cảnh này, lãnh đạo Hà Nội chẳng khác gì kẻ
cuối cùng mua một chiếc Edsel: hắn không mảy may biết rằng hãng Ford sắp thu
hồi kiểu xe cũ đó trên thị trường.
Giống như hầu hết phóng viên ngoại quốc
từng sống tại Việt Nam, tôi bắt đầu nhận được tin nhắn từ bạn bè hoặc thân nhân
bạn bè của những người đã thoát khỏi miền Nam và tạm trú trong một số trại tiếp
cư hẻo lánh ở Thái Lan hoặc Mã Lai. Và tất nhiên – lúc đó là năm 1979 – tôi
được tin của một người tên là Trần Bá Lộc từng là trợ lý của tôi gần như trong
suốt 8 năm tôi làm việc ở Đông Dương. Lộc vào tuổi trung niên, một người Công
giáo gốc Vinh, đã có vợ và một gia đình đông đúc. Anh không hề có ý định rời bỏ
quê hương. Lúc tôi quen biết anh, anh sống trong một căn nhà nhỏ bày biện sơ
sài tại Gia Định, một ngoại ô của Sài Gòn. Anh không sợ Cộng Sản, anh luôn luôn
nói, bởi vì anh nghèo. Anh đã giữ liên lạc với Việt Cộng. Hơn một lần anh đã
tìm cách thu xếp cho tôi và một hay hai ba phóng viên khác tới thăm các khu vực
căn cứ của họ.
Sau năm 1975, anh cố gắng khởi sự một cuộc
sống mới và tự túc bằng cách khai thác một mảnh đất nhỏ. Cô con gái lớn của anh
(làm giáo viên) qua đời vì một cuộc giải phẫu trong một bịnh viện thiếu trang
bị. Một đứa con nhỏ bị mù khi một quả bom chưa kịp rà phá trên mảnh đất của anh
phát nổ. Cậu con trai lớn cãi lời cha bỏ trốn ra hải ngoại với cô vợ trẻ. Cuối
cùng Lộc cũng phải theo con trai ra đi, chỉ vì bọn công an cộng sản không ngớt
sách nhiễu anh. Vợ anh bị bắn chết khi trốn đi tìm gặp lại chồng. Lộc cũng qua
đời vài năm sau ở Pháp.
Tôi không muốn kể lại câu chuyện của Lộc và
gia đình anh để gây sững sờ nơi quý vị. Nhiều người trong số quý vị rồi sẽ được
biết thêm những câu chuyện buồn bã tương tự hay bi thảm hơn. Thế nhưng, tôi cảm
thấy mình có một món nợ chưa trả với anh. Cuốn truyện tôi đã viết là một cách
để trả món nợ đó.
Lộc đã trở thành – rất khó kháng cự, bởi vì
nhà văn đôi khi không thể tự kềm chế trong những trường hợp như vậy – một nhân
vật chính trong truyện The Mother-of-Pearl Men. Anh xuất hiện dưới cái
tên Ba trong vai một liên lạc viên kết nối hai thế giới, Đông và Tây. Tuy
nhiên, tôi kể tên anh cũng do phần lớn nhờ người trợ tá cũ mà tôi và vài phóng
viên ngoại quốc khác đã biết được thêm đôi chút về Miền Nam, chứ không phải chỉ
là cuộc chiến tranh ở Miền Nam. Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng cuộc chiến tranh
này đã không luôn luôn dễ dàng. Một khi mà quân đội Mỹ đã mạnh mẽ tham gia vào
cuộc chiến, hầu hết các nhà báo không còn một lựa chọn nào khác hơn là dành hết
thời gian của họ vào việc theo dõi những hoạt động của lính Mỹ.
Đúng là nhiều phóng viên đã không muốn làm
bất cứ điều gì khác, bởi lẽ họ không thấy có điều gì khác quan trọng hơn. Và đó
cũng là ý kiến mà nhiều ông chủ bút ở quê nhà chia sẻ, và như vậy tất nhiên là
quá đủ. Sự cởi mở đáng kinh ngạc mà chính quyền Mỹ đã dành cho báo giới, thậm
chí ngay cả trong thời gian chiến tranh, đã khuyến khích tiến trình đó (sự cởi
mở tất nhiên có giới hạn, tuy nhiên những dữ kiện vẫn còn đó để chứng tỏ rằng
nó thật đáng cho ta kinh ngạc khi so với những chuẩn mực của chính phủ Anh, nói
chi quân đội Anh).
Và hơn thế nữa, Mỹ hình như biết rõ hết mọi
chuyện. Rất dễ dàng nếu ta muốn biết dự đoán chính xác cho vụ mùa sắp tới ở
miền đồng bằng, hoặc tình trạng một bộ lạc miền núi xa xôi, hoặc bao nhiêu sư
đoàn Miền Bắc sẽ đầy đủ lực lượng, với Mỹ, hơn là với bất cứ nguồn tin nào từ
phía Miền Nam. Nguồn tin tốt nhất về các tỉnh là viên cố vấn cao cấp Mỹ, và
chắc chắn không là ông tỉnh trưởng do Sài Gòn bổ nhiệm vì họ có lý do, tốt lẫn
xấu, để không tiết lộ với nhà báo.
Về các chiến trận thì Mỹ sẽ vô địch. Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa có thể tham chiến, nhưng rất ít khi dễ dàng. Thông tin về
các cuộc hành quân từ phía Việt Nam không đầy đủ, tướng tá chỉ huy không muốn
giúp đỡ (tôi không trách họ về chuyện này) và ngôn ngữ là một vấn đề. Chỉ một
thiểu số nhà báo ngoại quốc biết nói tiếng Pháp, vẫn còn là ngoại ngữ tốt nhất,
thật ra nó chẳng là ngoại ngữ đối với nhiều người Việt Nam có học. Chỉ một
thiểu số các phóng viên (và tôi không thuộc nhóm này) biết nói tiếng Việt khá
thạo. Thế nhưng đi tham dự các trận đánh với Mỹ thì dễ như ăn bánh. Các sĩ quan
giao tiếp của quân đội Mỹ đôi khi có thể giúp bạn tới chứng kiến một cuộc đọ
súng thú vị vào buổi sáng, và một lần nữa đưa bạn ra khỏi chiến trường vào buổi
chiều, kịp lúc để bạn về nhà viết kể lại.
Sự nhấn mạnh điểm này về phía Mỹ và những
gì người Mỹ đang làm và cứu vãn lúc đó là không ngu ngốc. Những gì đang xảy ra
cho nước Mỹ ở Việt Nam lúc đó có tầm quan trọng tức thì đối với thế giới. Những
gì đã xảy ra giữa những người Miền Nam lúc đó chỉ quan trọng một cách vặn vẹo
khó hiểu, và càng khó giải thích hơn cho độc giả Tây phương. Vì lẽ đó rất ít
phóng viên có thời giờ, hay bận tâm tìm hiểu Miền Nam và tự hỏi cái xứ sở
thường hay bị chế giễu này có thể hay không, giữ một trong những chìa khóa cho
vấn nạn Đông Dương.
Sự thiên vị thiếu đứng đắn không muốn coi
Miền Nam khác hơn là bố trí cho bi kịch Mỹ, chỉ mới tiếp tục trong cách tư duy
của giới văn nghệ sĩ Mỹ về cuộc chiến tranh này. Đó là một dấu hiệu cho thấy
sức mạnh của tình cảm đằng sau định kiến này khiến nó vẫn tiếp tục bất chấp dữ
kiện rằng phần lớn người Tây phương nay đã mất hết các ảo mộng về người cộng
sản Việt Nam từng có một hào quang.
Và nó phải như vậy. Câu hỏi tôi đặt ra để
tự trả lời là làm cách nào để khơi lại Miền Nam bị lãng quên trong một cuốn
tiểu thuyết. Có một cái dễ. Nó cần phải là một cuốn truyện không đếm xỉa tới người
Mỹ. Chỉ có một nhân vật Mỹ đã tự nhảy vào máy chữ của tôi và có một cái tên và
vài câu thoại. Sự xuất hiện của hắn dù ngắn (nhưng dưới một khía cạnh nào đó
tôi cũng cảm thấy áy náy, vì tôi đã chôm lời nhận xét quan trọng nhất của hắn
cũng như sự xuất hiện của hằn, từ một học giả Mỹ đã làm việc nhiều năm ở Việt
Nam, và vì lẽ đó đã bị vài đồng nghiệp hàn lâm xài xể khi trở về nước). Cho
thêm người Mỹ vào sẽ khiến cuốn truyện nghiêng về một phía hệt như sự có mặt
của người Mỹ đã không tránh được sự nhận thức thiên lệch về Miền Nam khi họ có
mặt ở nơi đó.
Và cũng sẽ rất khó, nếu viết một cuốn
truyện chỉ có những nhân vật Việt Nam mà thôi, nên tôi đã sử dụng phương kế là
để cho một người Anh trẻ tuổi và khờ khạo kể lại câu chuyện. Xin phép cho tôi
nói sơ qua về câu chuyện đó, để những gì tôi nói thêm về sau sẽ không vô nghĩa.
Nhân vật người Anh làm việc từ đầu thập niên 1970 trong một ngân hàng Anh ở Sài
Gòn từ thời thuộc địa. Một nhà ngoại giao người Anh đã thuyết phục anh ta tìm
cách liên lạc với Thái, một trí thức trẻ Việt Nam đã gia nhập Liên minh các lực
lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, một tổ chức có thật do Cộng Sản
dựng lên để ăn khớp với cuộc tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968.
Thái, người kể chuyện được cho biết, nay có thể đang muốn rời bỏ chiến khu.
Tình tiết câu chuyện giúp cho nhân vật người Anh – sẽ khôn lanh hơn ở lúc cuối
truyện hơn vào lúc đầu – làm một chuyến đi xuyên qua nhiều địa phận khác nhau
của Miền Nam và gặp gỡ nhiều nhân vật Việt Nam.
Đó cũng là một chuyến đi xuyên qua nhiều
tâm trạng. Nhân vật người Anh sẽ nhớ lại những trải nghiệm của mình khi anh tìm
thấy lại, nhiều năm về sau, sau khi anh đã lìa bỏ xứ sở ấy, một cái khay Việt
Nam anh đã mua ở Sài Gòn. Cái khay có bộ binh và kỵ mã đang đánh nhau, những hình
nhân bằng xà cừ khảm vào các mép gỗ dày chung quanh cái khay. Sự khám phá đó
khiến những hồi tưởng liên kết lại, tạo thành một mô hình mà nhân vật người Anh
đã không nhận ra trong cuộc phiêu lưu khi còn ở Việt Nam. Câu chuyện của người
kể chuyện nắm bắt và giữ lại các nhân vật Việt Nam hệt như nghệ nhân đã ghép và
chạm các mảnh xà cừ vào thớ gỗ để chế tạo tác phẩm ý nghĩa của mình.
Qua Thái, một trí thức trẻ, tôi muốn cho
thấy sự do dự hầu hết của những người có học ở Miền Nam, tuy không ưa thích và
ghê sợ người cộng sản, nhưng họ vẫn cảm thấy có tội đối với những người ấy và
đối với bất cứ ai đã bị đau khổ trong một cuộc chiến tranh vẫn còn chan chứa
tình cảm quốc gia. Tôi nghĩ rằng không cần phải nhắc lại với cử tọa hôm nay về
mối tương quan giữa tình cảm quốc gia và tinh thần kháng chiến giữa những
lettrés (những trí thức nho học) từ lúc người Pháp đặt chân lên đất nước của
họ.
Tình tiết của câu chuyện tuy có phần tưởng
tượng, nhưng phần lớn những dữ kiện đã có thật, do tôi chứng kiến và sắp xếp
lại cho trùng hợp với mục đích của chính mình. Cũng vậy, đối với phần lớn các
nhân vật khác. Ngoại hình của họ, hay vài nét cá tính, hay vài phần lý lịch có
thể lấy từ những con người có thật. Các vay mượn đó là những mảnh xà cừ mà tôi
đã sắp đặt lại để thể hiện bức họa về Miền Nam bị lãng quên.
Mẫu người được sáng tạo theo kiểu đó là một
nhân vật Tây phương thứ hai có tầm quan trọng, đó là nhà ngoại giao người Anh
kể trên. Nhân vật này dựa theo một người đại diên cơ quan tình báo M6 có mặt
tại Sài Gòn trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Đặc sắc và có nhiều thẩm
quyền, nhân vật này thích thú các hành động sai trái của người Việt Nam và tin
rằng vấn đề đến từ sự kiện Việt Nam không hề có một giai cấp quý tộc, và nó
phải như thế. Nhưng điều mà tôi quan tâm nhất là các nhân vật Việt Nam.
Câu chuyện cho thấy Thái trốn các người bạn
Việt Cộng khó sống chung, rồi với sự gíúp đỡ của người kể chuyện, tìm một chỗ
trú ẩn trong thành phố Sài Gòn, lẫn trốn cả hai phía cộng sản và chính quyền.
Cuối cùng Thái được đưa sang Cao Miên nhưng thay vì đi thắng qua Âu châu, Thái
đã biến mất ở Nam Vang và biệt tăm biệt tích luôn. Những người Việt Nam thật
sự, vài người tôi quen biết, vài người khác chỉ thoáng thấy, sẽ lần lượt bước
vào trí nhớ của tôi để hiến vài phần của họ cho cuốn sách.
Nó chẳng khác gì bạn bè chúng ta và gia
đình chúng ta xuất hiện một cách mới lạ và khác thường trong những giấc mơ của
chúng ta. Một thí dụ mà tất cả quý vị sẽ được biết qua có liên quan tới một
giới chức danh tiếng ở Sài Gòn lúc đó, Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát
Quốc gia của Miền Nam trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, đã bị khắc ghi
vĩnh viễn trong trí tưởng tượng của cả thế giới, khi một phóng viên hãng
Associated Press bấm ảnh ông ta bắn vào đầu một tên du kích Việt Cộng ngoài đường.
Tôi không hề có ý định đưa Loan vào các trang sách. Ông ta được mọi người biết
đến, một hình ảnh quá mạnh. Nhưng giám đốc nhà xuất bản gợi ý cho tôi thêm vào
một cảnh tương tự để gia tăng không khí đe dọa, và Loan đã tới gõ cửa trí nhớ
của tôi. Tôi thay thế Loan với một tên công an dữ tợn và nguy hiểm có biệt danh
Tám Heo, tung hứng những quả lựu đạn để nhát gã trẻ tuổi người Anh, nhân vật kể
chuyện. Ông chủ của Tám Heo, giám đốc công an cảnh sát Sài Gòn là đại tá Đính,
mà người mẫu (dù chỉ mượn lại hình dáng và phong cách) là Đỗ Cao Trí, một trong
các tướng chỉ huy Vùng III Chiến Thuật, chung quanh Sài Gòn. Đại tá Đính là một
người hay lo sợ. Ông ta được mô tả như một kẻ hay ngước nhìn trời trong sự đợi
chờ lưỡi dao máy chém rơi phụp xuống cổ mình. Ông ta bồn chồn sợ hãi, nghĩa là
rất nguy hiểm. Nghĩ lại, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tướng Đỗ Cao Trí cũng như
vậy.
Các linh mục công giáo đóng vai quan trọng.
Một lý do đơn giản, vì Lộc, trợ lý thật của tôi, là người công giáo, và bị
quyến rũ bởi các linh mục, mặc dù anh ta ít khi kính nể họ. Chúng tôi đã trải
qua nhiều giờ với các linh mục của các giáo xứ ở rải rác khắp nơi. Để bù lại,
các tu sĩ này đòi được có mặt trong cuốn truyện. Là biểu tượng của sự xâm nhập
sâu xa của phương Tây vào lãnh thổ Việt Nam, họ không thể, nếu họ là người có
tư duy (mà vài người trong bọn họ không có) tránh nghĩ tới trách nhiệm của họ trong
vai trò người công giáo.
Có phải chăng, chính những người công giáo
đã giúp cho người Pháp vào Việt Nam, trước tiên là tạo sự chia rẽ đất nước, rồi
tiếp tục làm vậy từ ngày đó? Do vậy mà cha Lam đã xuất hiện trên các trang
sách, tiều tụy vì mặc cảm tội lỗi và rõ rệt nối giáo cho Cộng Sản. Cha Lam đã
thuyết giảng cho nhân vật người Anh một bài học, trong đó cha tranh luận rằng
chai nước chín của tên lính Việt Cộng là “nước thánh mới, môn thuốc chữa trị
các bệnh tật và đau khổ gây ra bởi nhiều thế kỷ của sự thiếu hiểu biết”. Người
mẫu của cha Lam là một linh mục tiến bộ được nhiều người biết đến ở Sài Gòn,
tên Nguyễn Ngọc Lan. Tôi không ngạc nhiên khi nghe, một thời gian sau năm 1975,
rằng cha Lan đã trút bỏ áo dòng. Tôi có ngạc nhiên đôi chút – vì cha là một
người quá khắc khổ, lo âu – khi nghe cha lấy vợ.
Lộc, người hướng dẫn tôi qua chốn u minh
của Miền Nam, rất đa dạng trong việc sùng bái. Anh quen biết nhiều thầy bói,
bói bài, xem chỉ tay, càng ngày càng được mến mộ vì sự bất an do chiến tranh
mang đến (nhân đây cũng xin nói thêm rằng xem chỉ tay đã được nghiêm túc sử
dụng như một phương tiện, chí ít bởi một giám đốc cơ quan tình báo Miền Nam).
Tôi rất tiếc đã không đem được một nhân vật của tôn giáo Hòa Hảo, một giáo phái
cải cách của Phật Giáo vào truyện.
Chúng tôi đã có nhiều chuyến tham quan kỳ
lạ vào các căn cứ Hòa Hảo ở vùng châu thổ. Đôi khi họ có vẻ là những lãnh chúa
ngoan đạo. Đôi khi họ chỉ là những tên cướp mê tín dị đoan. Thế nhưng họ không
thích hợp với mô hình tôi muốn tạo ra theo một hướng mà một giáo phái khác rất
thích hợp. Mọi người đều biết giáo phái Cao Đài, chí ít là vì đã đọc truyện hay
đã xem phim Người Mỹ trầm lặng. Đạo Cao Đài không chỉ là tôn giáo hòa
hợp duy nhất ở Miền Nam, mà còn là tôn giáo có nhiều tín đồ và tiếng tăm.
Trong cuốn truyện của tôi, Thái có một lúc
gặp gian nan trong khi trốn tránh những kẻ săn đuổi anh ở Sài Gòn, và sau khi
đã ẩn mình trong một tiệm hút á phiện, anh trốn vào một ngôi chùa mà vị sư trụ
trì là một người bà con. Đó là ngôi chùa, chùa Chân Giác Ngộ, nơi tu hành của
một giáo phái mà các tín đồ liên lạc với linh hồn của Phật Thích Ca, Đức Khổng
Tử, và Chúa Giê-Su bằng cách cầu cơ. Thoạt nghe có vẻ rất trẻ con nhưng thật ra
không phải vậy. Đạo Cao Đài và những hiện tượng tương tự, là một cố gắng của
người Việt Nam (nhiều khi với sự khuyến khích của những người Pháp đồng tâm
trạng vào một thời trước đó) để giải quyết những xung đột tinh thần và trí thức
gây ra bởi sự đột nhập của Tây phương vào đời sống Á đông. Ngôi chùa Chân Giác
Ngộ, lạ kỳ, gần như bỏ hoang, là nơi trú ẩn thích hợp với một kẻ như Thái, bị
giằng xé bởi những quyền lực đối nghịch trong nội tâm cũng như ở thế giới bên
ngoài. Ngôi chùa Chân Giác Ngộ chí ít đã cho Thái sự hòa giải, dù giả tạo.
Tôi lấy một ngôi chùa thật ở Sài Gòn làm
ngôi chùa của tôi. Nó không xa nhà tôi. Đúng, nó chỉ muốn dung hòa Phật Giáo,
Khổng Giáo, và Lão Giáo – do đó mà cái tên thật của nó là Chùa Tam Giáo – thế
nhưng trước khi nó được dựng lên vào năm 1924, một giáo viên người Pháp ở Nancy
đã khai tâm người sáng lập, hình như qua trao đổi thư từ, về thuật cầu cơ.
Chính bằng cách giao tiếp tâm linh mà các tín đồ sẽ nhận được những hướng dẫn
từ các bậc thánh hiền đã qua đời.
Tôi thấy nó ý nghĩa, tuy nhiên, để giữ
nguyên mô hình cho cuốn truyện của tôi, các tín hữu đã nhận được những liên lạc
cuối cùng vào năm 1941. Sau đó thì hình như đã có quá nhiều hiện tượng giao
thoa gây trở ngại cho bầu khí tâm linh nên mọi thứ không xuyên qua được nữa.
Các ông sư Phật Giáo chính thống thì bị đẩy
ra khỏi cuốn truyện. Tuy nhiên tôi rất hài lòng vì đã tìm cách vay mượn lại
hình dáng của Thích Pháp Tri, từ một trong các vị sư trưởng đối kháng nổi danh
của Chùa Ấn Quang ở Sài Gòn, cho ông thầy chùa dị hình trụ trì tại chùa Chân
Giác Ngộ. Nhân vật Thái, tuy vậy, đã được điều dưỡng tại một ngôi chùa Phật
Giáo trong một ngôi làng chăm sóc những bịnh nhân tâm thần, mà nhiều người là
nạn nhân của chiến tranh.
Hai nhân vật chính, người Việt Nam, đã được
phóng tác, một có dụng ý, một thì không, theo hai nhân vật tiếng tăm thuộc cánh
tả trên sân khấu chính trị Sài Gòn. Nhân vật không có dụng ý đã tự xuất hiện
không cần che mặt trong vai người chú của Thái mà thoạt tiên tôi không nhận ra.
Tôi muốn có một trí thức lớn tuổi thuộc một
gia đình tiếng tăm ở Miền Nam, một người có thể thông cảm với một đứa cháu muốn
trở thành một nhà cách mạng, mặc dù vẫn lo ngại nó sẽ không sống sót giữa những
người cộng sản.
Tôi cũng muốn cho thấy một ý niệm, qua nhân
vật này, về tác động của văn hóa Pháp đối với một người Việt Nam có học thức.
Người chú đã cho nhân vật kể chuyện người Anh ngu ngốc một bài học, rằng, một
lần anh ta đã có cơ hội để “thay linh hồn”: “Tại một trường đại học Paris, moa
gần như đã bị mất linh hồn. Ôi, cái lý trí trong sáng tuyệt vời đó: cái lối để
cắt xẻ xuyên qua các vấn đề bằng phân tích minh bạch, chúng tôi đã được dạy
bảo. Thế nhưng trên hết là cảm giác ngất ngây rằng con người có thể thay đổi
thế giới tùy tiện theo ý muốn. Đó là một hành tinh khác biệt hẳn với cái thế
giới Việt Nam tôi đã được nuôi dưỡng…, xa hẳn cái cảm giác bất lực, cái cảm
giác chúng tôi lệ thuộc vào thế giới”. Có một đoạn diễn tả một suy tưởng gần
tương tợ trong cuốn Việt Nam, Lịch sử và Văn Minh của Lê Thành Khôi.
Người chú đó tên Maurice Trần Đại Tân, hay
Maurice Tân, một loại tên họ (Pháp-Việt) rất phổ thông trong giới nhà giàu Miền
Nam theo Công Giáo, và hơn nữa, dưới thời thuộc địa, có quốc tịch Pháp. Người
mẫu tự nguyện có cái tên thật là Lucien Phạm Ngọc Hùng. Albert, anh của hắn,
được biết nhiều hơn dưới cái tên Đại tá Phạm Ngọc Thảo, là một sĩ quan quân đội
Miền Nam và tình báo mật của cộng sản. Ông đã tổ chức cái gọi là Crystal Coup,
một cú đảo chính hụt năm 1965, bị bắt và bị giết một cách tàn nhẫn bởi một ông
tướng tên Nguyễn Văn Thiệu.
Có người nói rằng tướng Thiệu đã uống sâm
banh ăn mừng cái chết của Thảo. Một người anh khác của Hùng là một đảng viên
cao cấp ở Hà Nội, và một người anh hay em tên Gabriel chủ một ga-ra ở Sài Gòn.
Người cha là một điền chủ Miền Nam đã nhập tịch Pháp. Dennis Bloodworth, người
đã tường trình về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, giới thiệu Hùng cho tôi.
Cùng với Gabriel chủ ga-ra, chúng tôi đã trải qua những buổi tối ầm ĩ hết mức
trong quán nhạc đêm, nơi đó chúng tôi gặp những nhân vật thích bàn bạc về các
âm mưu chính trị mà vì tiếng động ầm ĩ, tôi chẳng nghe được gì nhiều.
Tôi chủ tâm cho anh chàng Lucien mưu mẹo
này vào cuốn truyện, sử dụng một hộp đêm thật – Đêm Màu Hồng, được coi là sang
trọng nhứt Sài Gòn – và danh ca Thái Thanh, ca sĩ sao của quán. Trong cuốn
truyện cô ca sĩ này không có tên, nhưng sự mô tả khi cô hát bài Dòng Sông
Xanh, một bài hát tủ của cô đã bật mí. Và ngẫu nhiên, tiểu sử của Thái
Thanh đã bị thời cuộc bẻ cong một cách rất điển hình: thời trẻ cô từng là sao
ca hát của Việt Minh.
Tôi gặp Lucien lần cuối cùng trước đêm
Giáng Sinh 1967. Hắn tới Đô Chính, tiệm tạp hóa Tàu bảnh nhứt Sài Gòn, mua
cognac và marrons glacées (hạt dẻ ngào đường). Hắn biến mất vài tuần sau để trở
thành một trong những sáng lập viên của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ
và hòa bình Việt Nam của Việt Cộng, mặt trận mà nhân vật Thái hư cấu đã kết
nạp.
Thái là ai? Là nhiều người, tất nhiên, và
quan trọng nhất, là một phần của cả một thế hệ. Thế nhưng người mẫu nguyên
thủy, mảnh xà cừ đầu tiên, tôi nhặt ra từ một trí thức trẻ mà chuyện đời thật
của anh cũng chông gai như cuộc đời của Thái. Tên anh là Nguyễn Hữu Thái.
Tiziano Terzani đã dành nhiều trang để nói về anh trong cuốn Giải Phóng!,
kể lại chuyện “giải phóng” Sài Gòn rất sống động, dưới tiểu tựa Chân dung
một chiến sĩ. Cũng có một tấm hình. Trông anh chẳng khác gì nhân vật hư cấu
mang tên anh, được mô tả nửa già nua, nửa trẻ con.
Chàng Thái thật, từng là một sinh viên cực
đoan dưới thời Ngô Đình Diệm, tốt nghiệp kiến trúc sư, nhưng phải nhập ngũ với
cấp bậc hạ sĩ quan. Tôi biết rõ anh là một người cánh tả. Có một lần anh đã
giảng cho tôi nghe tại sao cuốn Cẩm nang đỏ của Mao là một điều hay.
Theo ý anh, nó là cái khuôn mẫu trí tuệ cho
mọi ngành nghề, bao gồm nghề kiến trúc của anh. Anh thích nó, vì anh nghĩ nó
thay thế cho cái khuôn khổ Tây phương, Thiên Chúa giáo, áp đặt lên tinh thần
Việt Nam. Điều mà tôi chưa được biết lúc đó, là năm 1970, Thái đã gia nhập một
toán du kích quân ở Sài Gòn – một hành động nguy hiểm, vì cảnh sát an ninh Sài
Gòn không ngu dại và có thể tàn bạo. Chính đội du kích mà Thái gia nhập đã gây
chấn động với cuộc ám sát một quan chức cao cấp Sài Gòn tên Nguyễn Văn Bông
(mục tiêu là cốt để cho người Sài Gòn nghĩ rằng quân đội đã thực hiện vụ giết
người này). Thái bị bắt, nhưng chỉ lãnh hai năm tù – quan chánh án là một người
bà con của Thái. Đó một diện mạo của Miền Nam.
Các mẩu chuyện kể trên may ra có thể giúp
quý vị thấy được đôi chút về bối cảnh của nhân vật hư cấu của tôi, mặc dù, như
đã nói, nhân vật truyện của tôi được cấu tạo bởi nhiều phần mảnh xà cừ. Thế
nhưng, vài hôm trước, đọc lại cuộc chuyện trò của Terzani với Nguyễn Hữu Thái
sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi nhận thấy nỗi khó khăn quá rõ ràng khi anh làm
việc với những người cộng sản. Anh cho biết về sự bất tín nhiệm của họ đối với
những thành phần trí thức như anh, dù họ đã tận tụy với cách mạng. Đó là sự khó
khăn đã khiến cho nhân vật hư cấu của tôi tìm lối thoát.
Người kể chuyện nghe tin Thái mất dạng ở
Nam Vang khi ngồi trong một quán nhạc nghe một ca sĩ khác. Vài người trong số
quý vị sẽ không ngạc nhiên khi thấy cô ca sĩ do tôi tưởng tượng nhưng không đặt
tên, là Khánh Ly, và bài hát cô trình diễn là một ca khúc của Trịnh Công Sơn
– đôi nghệ sĩ này đã biểu hiện sự xung đột và nỗi buồn đau của Miền Nam
nay đã bị quên lãng.
Cớ chi tôi đã không cho biết rõ hơn về số
phận của nhân vật người hùng của tôi? Có thể vì anh ta phải chia sẻ số phận của
cái thế giới, từ nơi đó anh đã xuất hiện: biến mất và bị lãng quên, mang theo
một trong các chìa khóa, may ra có thể giúp chúng ta hiểu biết thêm về thảm
kịch Việt Nam và cuộc chiến tranh của nó.
304Đen – Llttm - VV
No comments:
Post a Comment