Saturday, March 30, 2019

Nhớ Bạn - Đặng Quang Tâm



NHỚ BẠN




 
 
 
Sáng nay bổng nhớ tên bằng hữu
Không biết bây giờ đang ở đâu
Thềm cũ bình xưa ngồi uống rượu
Một mình mình uống được bao lâu

Có lúc bâng khuâng lòng hỏi lòng
Sao đi mà chẳng chút chờ mong
Sao đi chẳng chút buồn ly biệt
Để kẻ trông chờ trông vẫn trông

Rồi những đêm về trời trở lạnh
Một mình ngồi đếm tiếng mưa rơi
Trăng khuya soi bóng mình bên cạnh
Hai kẻ chung tình đến chết thôi

Mây ở trên cao có chín tầng
Tầng nào ta gặp lại cố nhân
Đêm nằm ôn lại duyên và phận
Ta gọi tên mi mấy chục lần

Đến lúc ra đi chẳng trở về
Con đường thăm thẳm mấy sơn khê
Dừng chân nhớ bạn bên bờ suối
Mượn nước Cam Lồ bỏ bến mê

ĐẶNG QUANG TÂM
(Nhóm Văn Nghệ Trăng Vàm Cỏ Đông)
March 22-2019

 

    Nhóm VNTVCĐ thành lập năm 1965, lúc tôi ra học trường Công Lập Tây Ninh. Nhóm gồm có ba người: Trần Minh Nguyệt (Trần Nguyên Thuỷ) , Lê trường Hận (Sa Chi Lệ) và tôi. Để làm ra vẻ nhóm có đông thành viên, mổi đứa lấy thêm một bút hiệu nửa: Trần Nguyên Thủy với bút hiệu Trần Thy Dã Tràng, SCL với bút hiệu Lê Mộng Hoàng Đế, còn tôi thì lấy tên Nguyễn Thị Cô Đơn (làm ra vẻ như có nữ phái trong nhóm). Chúng tôi hoạt động rất hăng. Tuần nào cũng có ít nhất 4-5 bài đăng báo ở Saigon. TNT làm thơ hay nhất, lại có tài viết truyện ngắn và tuỳ bút. Có rất nhiều truyện ngắn TNT đăng báo với tiền nhuận bút cả trăm đồng một bài. Tôi là người làm thơ tệ nhứt trong nhóm. Sau kỳ thi Tú Tài 1 năm 1967, TNT thi rớt, tôi đậu với sự khoan hồng của ban giám khảo, SCL lúc đó còn học Đệ Tứ. TNT bị đi lính Xây Dựng Nông Thôn

Sa  Chi Lệ  ( )SCL đi lính Địa Phương Quân. Nhóm tan rã từ đó. Sau 1975, khoảng 60-70 bài thơ đăng báo của tôi được Ông Ngoại tôi cho vô đống un đốt. Tôi chỉ còn có được một hai bài do bạn bè giử lại trong lưu bút cũ. Thương thay. Tiếc thay. Đó là kết quả không khá của khoảng hai năm tôi tập làm thi sĩ.

 

Người chuyển bài - HNTN

Khoác Kín - Cung Trầm Tưởng


KHOÁC KÍN

 













Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
Tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
Với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
Với mây trên nhợt ánh tà;
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm


 

Cung Trầm Tưởng

Chùa Xứ Ta Chùa Xứ Người - Từ Thức


Chùa xứ ta, chùa xứ người

Qua những tiết lộ về chùa Ba Vàng, người ta thấy khuôn mặt ghẻ lở của chùa chiền Việt Nam ngày nay. Từ đó, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về Phật giáo. Thực ra, đó không phải là Phật giáo, cũng không phải là Phật giáo Việt Nam. Đó là Phật giáo quốc doanh. Không phải ở đâu người ta cũng “hành đạo” một cách côn đồ, đểu cáng kiểu Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh.




SÂN CHÙA

Hãy thử viếng một ngôi chùa Nhật Bản. Chùa cực kỳ thanh tịnh, khách rơi vào một thế giới bình yên, tự nhiên quên phiền muộn, hận thù.
Chùa cực kỳ đơn giản, bởi vì Phật Giáo, trước hết là thoát khỏi sân si, cám dỗ, rời bỏ những bận bịu vật chất. Điển hình là sân nhà chùa, nhiều khi chỉ trần trụi sỏi, đá vụn; để cái nhìn, tâm hồn của người tu hành, hay Phật tử viếng thăm, không bị chi phối bởi ngoại vật, dù một bức tượng, một cành hoa. Chỉ có mình với đá, với Phật, với mình.


Mỗi ngày, một người có tâm Phật tới cào sân đá. Đó là cả một nghệ thuật, phải học suốt đời. Cái gì ở xứ Phù Tang cũng là nghệ thuật.
Một cử chỉ nhỏ là một biểu tượng. Cào sỏi là một cách thiền. Những luống đá sỏi trên sân chùa là một trạng thái của tâm hồn. Một hoà thượng trụ trì một hôm nhìn sân đá vừa cào, hỏi người cào sân: Đệ tử có gì bất an? Người cào sân ứa nước mắt, thú thực có chuyện buồn trong gia đình, để tâm động, để cái bất ổn lộ trên những luống đá sỏi.
Người tu hành không có người hầu hạ, phải thức dậy từ ba, bốn giờ sáng để lau chùi, quét dọn và kinh kệ.
Trước khi đọc kinh phải học tập để hiểu ý nghĩa, không phải chỉ ê a cho có. Đọc kinh mỗi ngày để những lời kinh thấm vào đầu óc mình, thể hiện trong cách xử thế, không phải để cho Phật vui lòng. Cũng không phải cầu xin gì, ngoài việc qua Phật tìm cái thanh tịnh cho tâm hồn. Không có đồng chí thầy nào bám khách như đỉa, đòi tiền như đòi nợ, để… có phương tiện “hành đạo”, như lời “Thượng tọa” Thích Thanh Quyết.


Phật không trọng hình thức. Phật tại tâm. Chuyện xưa: một chú sãi theo một vị chân tu học đạo. Mặc dầu thuộc lòng kinh kệ, suốt ngày rung chuông gõ mõ, vẫn bị thầy chê là không hiểu Phật pháp. Một đêm trời cực lạnh, hai thầy trò phải đốt cả bàn ghế để sưởi. Đốt hết, thầy sai trò vào chánh điện, tìm cái gì đốt được. Chú sãi mang ra hết chổi cùn, rế rách ra đốt. Lửa tàn, thầy lại sai trò vào chánh điện. Trở ra, thưa: Quả thực không còn gì. Thầy nói: Cứ vào tìm, chắc chắn còn. Chú sãi vào chánh điện, chỉ thấy còn pho tượng Phật bằng gỗ, gãi đầu gãi tai, khênh ra, đốt. Thầy khen học trò đã bắt đầu hiểu giáo lý nhà Phật.

CƠM CHÙA

Bữa ăn thanh đạm, không có cảnh các bà, các cô chạy lên, chạy xuống, rót rượu, quạt mát cho các thầy quốc doanh ngồi phưỡn bụng nhậu nhẹt, đưa cay với bia, với Martell đắt tiền.

Bữa ăn yên tĩnh, nghe tiếng ruồi bay, bởi vì khi ăn phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự dinh dưỡng, về thiên nhiên đã hiến cây quả, cơm gạo. Bởi vì con nhà Phật làm gì phải đặt trong tâm vào chuyện đó, rửa bát, chẻ rau để khỏi phân tâm, để tìm thấy cái vui trong sự chẻ rau, rửa bát.
Trong nhiều chùa, nhà tu khi ăn để bên cạnh 9 hạt cơm. Một chú tiểu đi thu những hạt cơm đó, đem ra vườn cho chim chóc. Khi ăn, khi hưởng thụ, phải nghĩ tới chúng sinh, vạn vật. Người tu hành không sống một mình, không sống cho mình.


NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC

Chùa chiền Nhật Bản, đôi khi cao ba hay năm tầng, bao giờ cũng hoà hợp với thiên nhiên, với cảnh vật chung quanh. Mỗi ngọn cây, mỗi khóm trúc, mỗi dòng suối đều có ý nghĩa, là biểu tượng cho một triết lý sống.
Người ta không vạt cả một ngọn núi, san bằng ngọn đồi để làm những ngôi chùa to tổ bố, bê tông cốt sắt, trang trí xanh, đỏ, tím vàng. Người dựng chùa đã bôi bẩn, xé rách những bức tranh tuyệt vời mà thiên nhiên đã tặng cho nước Việt.
Người ta biết tôn trọng môi sinh trước khi từ ngữ đó ra đời.
Ngoài khía cạnh mỹ thuật, không xa với nghệ thuật, mỗi ngôi chùa Nhật Bản là một kỳ công kiến trúc.
Ngày nay người ta hiểu tại sao một ngôi chùa năm tầng đứng vững hàng ngàn năm, ở một xứ động đất như cơm bữa.
Chùa Nhật, trừ ngoại lệ, cất 100% bằng gỗ, vật liệu thiết kế mềm nhất, tự uốn mình khi đất rung động.
Chùa không có một cây đinh, tất cả đều là gỗ lắp với nhau, khi bị lay động, những then gỗ dựa nhau, cản sức chuyển động. Mỗi tầng độc lập với nhau, không gắn liền một khối; khi gió bão những nơi bị lạy động không kéo cả toà nhà đổ theo. Những tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, khi động đất, toà nhà lắc lư, người Nhật gọi là điệu múa của rắn, để tạo quân bình. Nếu tầng dưới nghiêng về bên phải, tầng trên nghiêng bên trái.
Tất cả những thành phần di động, uyển chuyển đó dựng chung quanh một cột trụ trung tâm vững chắc, để dù lay chuyển tới đâu, toàn bộ kiến trúc cũng có chỗ dựa, để đứng vững ngàn thu.
Trong cái kỹ thuật kiến trúc thần tình đó có cả cái triết lý nhu đạo. Lấy cái mềm trị cái cứng. Lấy cái yếu trị cái mạnh. Đó là nghệ thuật đương đầu với bão táp của cây sậy.
Những nguyên tắc ngàn xưa đó của chùa chiền Nhật Bản ngày nay được học hỏi, nghiên cứu để xây cất những thành phố với cao ốc đồ sộ nhưng an toàn, ở những thành phố bị động đất thường xuyên ở Nhật.


CHÍNH DANH
Hy vọng không có người Nhật nào mò tới thăm viếng những sào huyệt, gọi là chùa, người Cộng Sản dựng lên để kinh doanh. Và thâm độc hơn nữa, để thực hiện chính sách ngu dân, đưa dân trở lại thời đại đồ đá với thần núi, thần đá.
Qua ngưỡng cửa một ngôi chùa Nhật, người ta rũ bụi trần để bước vào thế giới thanh tịnh của Phật. Qua cửa BOT của chùa Việt, người ta bước vào thế giới ma quái của vong hồn ngất nghểu, ra rả vòi tiền như nặc nô đòi nợ.
Đó không phải là Phật giáo. Đó không phải là Phật giáo Việt Nam. Hãy dùng chữ cho chỉnh. Khổng Tử: ”Danh có chính, ngôn mới thuận”. Albert Camus: Dùng chữ không chỉnh là mang thêm cái hỗn loạn vào cái hỗn loạn đã có. Đừng gọi cái tổ chức đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hãy gọi nó là Giáo hội Quốc doanh.


 

Từ Thức

Paris 28/03/2018
 304Đen – Llttm - TD

 

 

Cô Giáo "Ngụy" - Thần Long



Cô giáo ‘Ngụy’
 
 
 
 


“…Tôi đã thấy điều đẹp đẽ trong một xã hội văn minh, tôi không thể nào quay về những cái thấp hèn mà tôi đã mù quáng tôn sùng. Tôi muốn con trai tôi ra đi, tôi không muốn thấy nó trở nên một bánh xe trong cái cỗ máy thống trị này…”

Một đứa học trò la lớn. Bọn con trai, mấy đứa con trai đang quây quần ở cuối lớp chơi trò “dích” hình, đứa nào đứa nấy vội vã thâu tóm lại mấy tấm hình màu bằng bìa cứng có in hình sặc sỡ. Bọn con gái đang tụm ba tụm bảy nói chuyện nô đùa cũng vội vàng quay về chỗ cũ.

Cô giáo Mai lễ mễ ôm phần chia nhu yếu phẩm của cô tháng này, gồm mấy trăm gram thịt, mấy trăm gram đường bước vào lớp. Cô bước vào lớp, tất cả học sinh đứng lên chào. Sau khi để gói thịt, gói đường cẩn thận vào trong giỏ. Cô mỉm cười:

-Cô cho các trò ngồi xuống. Các trò làm chi ồn rứa bộ định làm loạn giống…

Mai định nói làm loạn giống “Việt Cộng” như thói quen cô vẫn nói khi la rầy học trò trước kia, nhưng cô ngưng lại kịp. Sau khi nghe em lớp trưởng điểm danh, cô bắt đầu khảo bài. Học trò của cô phần nhiều thuộc những gia đình mà chính quyền mới gọi là thành phần có nợ máu với nhân dân hoặc có vấn đề với “cách mạng.” Hầu hết cha của các em đang bị cầm tù trong các trại tập trung “cải tạo.” Thêm vào đó có khoảng một vài em thuộc gia đình cán bộ Cộng Sản cao cấp mới vào Nam.

Phần đông các học trò miền Nam những năm đầu sau khi bị “giải phóng” các em học trò miền Nam còn rất ngoan và kính trọng thầy cô, và ngược lại thầy cô miền Nam cũng còn coi công việc gõ đầu trẻ là một thiên chức chứ không phải thuần túy là một nghề để sinh nhai. Mai ra trường Sư Phạm Đà Nẵng đi dạy được hai năm thì miền Nam mất. Cô được chính quyền mới cho đi dạy lại vì theo họ lý lịch của cô tương đối khá sạch, từ ông bà xuống tới cha mẹ không có ai làm lớn trong chính quyền cũ.

Sáng nay như thường lệ sau khi khảo bài cũ cô bắt đầu dạy bài mới. Trước bảng đen Mai nắn nót viết bài học Pháp văn cho tiết học hôm nay trên bảng đen.

“Mardi 26 Septembre 1977/ Conjuguez le verbe ‘Etre’ Je suis, Tu es, Il est …”

Bỗng một tiếng thét lớn:

-Thưa cô trò Hùng cú đầu con!

Mai nhịp nhịp cái thước gỗ vào bảng không trả lời, cả lớp lại im lặng như tờ chỉ có tiếng bút mực sột soạt trên giấy. Cô tiếp tục viết bài học lên bảng đen. “Elle est…”

-Thưa cô trò Hùng bóp… cu con…!

Cũng là cái giọng học trò hồi nãy, và lần này cả lớp phá lên cười như ong vỡ tổ. Cô Mai nghiêm mặt quay lại bảo:

-Hùng, Quang hai em lên đây!

Hai đứa học trò lớp Sáu, ngồi cạnh nhau một đứa đen đủi nhỏ thó tướng tá loắt choắt nghịch ngợm, áo bỏ ngoài quần và một đứa mặt mũi trắng trẻo dáng điệu mảnh khảnh. Cả hai lấm lét bước lên phía trên. Tuy có hơi giận vì học trò tinh nghịch, nhưng cô Mai vẫn chậm rãi hiền từ:

-Có phải Hùng phá Quang không?

Hùng cúi đầu không đáp, cô Mai lại hỏi lần này giọng nghiêm khắc hơn:

-Có phải em phá bạn làm mất trật tự trong lớp không?

Hùng nhìn lên trả lời lí nhí:

-Không ạ!

Lần này thì thằng Quang la lớn:

-Nó xạo, nó cú đầu con rồi bóp…

Mai đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho Quang đừng nói nữa không thì cả lớp lại cười như vỡ chợ. Có nhiều tiếng nhao nhao:

-Trò Quang nói đúng đó cô, thằng Hùng nó có làm đó,… nó còn viết bậy lên lưng áo em nè…

Thằng Hùng chợt đưa tay làm thành nắm đấm đôi mắt căm hờn:

-Chúng ông sẽ cho tụi mày biết tay nhé… chúng ông cho bố bọn mày đi “cải tạo” cứ là đờ người nhé…

Lần này thì cô Mai thật sự giận dữ:

-Trong lớp của cô hay bất cứ nơi đâu em cũng không được phép hỗn láo vô phép với người lớn nghe chưa? Nghe rõ chưa? Em Hùng đến góc kia quay mặt vào tường cho đến hết buổi.

Buổi dạy học tưởng như bình thường sáng hôm đó đem đến cho Mai nhiều chuyện bất ngờ sau này.

Vài ngày trong khi lớp Pháp văn của cô đang làm bài kiểm tra, người tùy phái đến lớp của cô mời cô xuống văn phòng hiệu trưởng có chuyện cần. Mai hỏi:

-Có chi quan trọng rứa bác Tam? Lớp tôi đang làm bài thi làm răng mà bỏ đi? Bác nói đợi tới hết giờ rồi tôi sẽ xuống bác hỉ!

Người tùy phái già trả lời:

-Dạ tui cũng nói như rứa với bà hiệu trưởng và ông khách, nhưng họ có chịu nghe mô. O xuống nhanh đi, nghe nói ông khách nớ làm lớn lắm.

Mai đáp:

-Bác Tam à, tôi không thể xuống được ngay bây chừ, bác xuống văn phòng giải thích dùm tôi…

Không Quân Hoa Kỳ tại Trường Trung Học Công Thanh. Ngôi trường được xây dựng với sự hợp tác của Lữ Đoàn 173 Không Vận Hoa Kỳ và người dân, ngày 12 Tháng Mười, 1967. (Hình: Flickr manhhai)

Ông Tam quày quả đi ra. Khoảng vài phút sau một người đàn ông đội nón cối đeo mắt kính đen, tay đeo cái đồng hồ Seiko5 vàng sáng chói, nước da men mét, hàm răng hơi vổ, mặc quân phục rộng thùng thình, vai đeo xà cạp, ngang nhiên bước thẳng vào lớp, theo sau là ông Tam. Con Trang lớp trưởng sau một vài giây ngỡ ngàng vì người khách vào lớp bất ngờ, nhanh nhẹn hô lớn “Nghiêm!” Cả lớp buông bút viết, đứng thẳng chào khách. Lần này thì đến lượt người đàn ông đội nón cối đeo mắt kính đen ngỡ ngàng và ngạc nhiên đến độ lúng túng, cô giáo Mai đứng trên bục giảng lễ độ hỏi:

-Thưa ông có việc gì cấp thiết không ạ?

Người đàn ông nhìn lên lúng búng trả lời:

-À không, tôi chỉ muốn nói chuyện với cô một vài vấn đề, nhưng bây giờ tôi sẽ đợi cô dưới văn phòng.

Cô Mai từ trên bục gỗ bước xuống từ tốn:

-Dạ cám ơn ông, xin ông thông cảm, lớp đang làm bài kiểm tra tôi không thể tiếp chuyện ngay với ông.

Hết giờ Pháp văn, cô Mai vội vã xuống văn phòng hiệu trưởng. Bước vào cô hơi ngạc nhiên khi chỉ thấy có ông khách đang chễm chệ ngồi sau bàn giấy của bà hiệu trưởng. Ông khách đưa tay mời cô ngồi. Ông ta vẫn còn đeo đôi kính Rayban đen trong căn phòng không có cửa sổ. Cô Mai bất giác muốn phì cười, nhưng ngăn lại kịp. Ông khách tự giới thiệu:

-Chắc cô không biết tôi là ai, nên không xuống gặp tôi ngay.

Cô Mai trả lời ngay:

-Dạ thưa tôi biết ông là người rất quan trọng nhưng vì bài kiểm tra này quan trọng đến kỳ thi học kỳ của các em…

Ông khách ngắt lời:

-Ô! Không, không tôi có ý phiền trách gì cô đâu, thực ra thì lúc cô không xuống ngay tôi giận lắm, vì ngoài Bắc mỗi khi tôi vào trường con tôi học là giáo viên phải đến gặp tôi chứ tôi không bao giờ phải lên kiếm giáo viên cả.

Cô Mai trả lời:

-Dạ trong ni chắc còn lạc hậu, không biết bao chừ mới theo được bằng ngoài nớ…

Cô Mai không biết ông khách đang nghĩ gì và ánh mắt phản ứng ra sao sau cặp kiếng đen. Ông trầm ngâm một chút rồi nói:

-Bây giờ thì tôi hết giận rồi cô ạ. Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Thượng Tá Trần Kình, chính ủy của Trung Đoàn Không Quân Tiềm Kích 935 đóng tại căn cứ Không Quân Đà Nẵng. Con tôi là Trần Hùng học trong lớp của cô, vài hôm trước đây nó có phản ánh phê bình cô có khuynh hướng bảo vệ bọn con cái thành phần chống cách mạng. Cô Mai nghĩ sao?

Mai thật sự ngạc nhiên, dầu miền Nam đã bị chiếm đóng hơn hai năm, bởi một đạo quân nói cùng một ngôn ngữ và cùng chung màu da với cô nhưng cô vẫn chưa thật sự chưa hiểu hết về cách suy nghĩ, giao tế của người Cộng Sản. Cô trả lời chậm rãi:

-Thưa ông Kình, tôi không biết phải trả lời ông ra sao. Tôi là một người thầy giáo chuyên nghiệp, tôi dạy bất cứ học sinh nào được giao phó cho tôi, tôi không phân biệt đối xử các em theo thành phần gia đình… hơn nữa các em khi sinh ra cũng không có sự lựa chọn về lý lịch của cha mẹ. Lý lịch cha mẹ các em theo ý tôi không thuộc phạm vi học đường. Còn việc tôi phạt em Hùng là vì em đã phá rối trật tự trong giờ dạy học của tôi. Tôi bảo đảm không có vấn đề bênh vực thành phần giai cấp gì đó….

Người đàn ông tên Kình, ngồi thẳng lên đan hai bàn tay vào nhau:

-Đó là tư duy của tôi cách đây nửa giờ cô Mai ạ. Sau khi tôi lên lớp của cô thấy việc các em lễ phép chào khách, bàn cô giáo có lọ hoa, các em quần áo chỉnh tề tôi rất lấy làm ấn tượng. Tôi thành khẩn với cô nhá, tôi chưa thấy trường nào ngoài Bắc học trò có văn hóa như lớp của cô. Tôi rất mừng thằng Hùng được cô dạy. Thôi thì thế này nhé, cô cứ công tác tốt, tôi sẽ bảo với đồng chí hiệu trưởng bỏ lời phê bình tiêu cực của tôi về cô đi. Coi như không có sự cố gì cô Mai nhé.

Mai mỉm cười:

-Dạ nếu ông đã dạy thế thì tôi rất vui. Nhưng tôi không dám nhận hết lời khen của ông, vì trong Nam này trường nào lớp nào cũng đứng nghiêm, chào khách chào thầy cô. Còn chuyện trang hoàng lọ hoa cho bàn thầy cô thì quả thật là công khó của các em học sinh nữ của lớp tôi đã tự ý hái hoa đồng cỏ dại trang điểm cho lớp học, không phải do tôi dạy bảo.

Ông Kình cười:

-Cô không tuyên truyền cho miền Nam đấy chứ ? Ồ! Tôi chỉ đùa thôi cô ạ, vâng tôi tin cô nói sự thật. Còn vấn đề này nữa, sao tôi không thấy lớp cô Mai treo ảnh Bác nhỉ?

Mai thán phục sự quan sát của người đàn ông này, chỉ có ít phút trong lớp mà ông Kình đã nhận xét được biết bao nhiêu là chuyện. Cô có biết đâu ngoài Bắc người ta treo hình bác Hồ cũng như trong Nam người ta treo cái gương chiếu yêu trước cửa nhà, để xua đuổi ma quỷ. Việc treo hình của ông Hồ là một điều bắt buộc, nhà nào cơ quan nào mà không có gương mặt lom lom, cười cười của ông Hồ là có vấn đề lớn. Thành thói quen, nhiều người treo hình bác Hồ như một sự thông báo cùng hồn ma bóng quế nhà tôi có chúa quỷ ở đây nhá! Các ngài ma quỷ hồn ma bóng quế tép riu liệu mà xéo đi… Mai ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

-Hình như một năm trước đây tôi nhớ có treo, nhưng vì lớp học xây dựng bằng phương pháp tiền chế, vật liệu là sắt và tôn ximăng cho nên đinh đóng vào tường không chắc, bức hình lộng kiếng của Bác bị rơi xuống vỡ nát ông ạ.

Ông Kình hỏi:

-Thế thì sao không báo cáo và thay ngay đi, hồi trước giải phóng các thầy, các cô trong Nam treo ảnh Thiệu ra sao mà bây giờ lại nói đóng đinh không được?

Cô Mai cười xòa:

-Trước giờ trong này không có lệ treo hình lãnh tụ trong nhà riêng hay trong lớp học.

Điều này thì ông Kình có thể tin, vì khi Trung Đoàn 935 tiếp thu căn cứ Không Quân Đà Nẵng ông cũng hơi ngạc nhiên khi thấy không có văn phòng, cơ sở nào có treo hình Tổng Thống Thiệu cả. Nhưng ông đã tự giải thích rằng chắc cũng như ảnh Bác là biểu tượng thiêng liêng bọn “Ngụy” khi di tản đã đem ảnh của Thiệu theo để tỏ lòng yêu kính lãnh tụ, như cái đồng chí gì đấy ở ngoài Bắc, nhà cháy nhưng đồng chí ấy cố xông vào để cứu ảnh Bác, trước khi cứu con trai ruột của mình… Ông chợt thốt lên:

-À, công tác chính trị đảng cầm quyền của Thiệu yếu nhỉ!… À này tôi có xem lý lịch của cô, khá trong sạch và cũng thuộc thành phần cơ bản đấy, cha cô là công nhân sở điện, mẹ làm cho hãng dệt, không hiểu sao trường chưa cho cô vào đối tượng Đoàn? Để tôi giúp cho nhé?

Mai im lặng một chút rồi nói:

-Chuyện hơi dài ông ạ, sợ kể ra đây làm mất thì giờ của ông, nhưng đây không phải chi bộ Đoàn sơ xuất đâu mà là hoàn toàn do tôi cả.

Ông Kình hơi nhổm người về phía trước:

-Tôi không dám tò mò, nhưng nếu cô muốn kể thì tôi không sợ mất thì giờ cô ạ, tôi muốn tìm cách giúp cô. Cô Mai yên lặng một lúc, ánh mắt cô trở nên xa xăm, rồi cô chậm rãi kể.

Chuyện xảy ra cũng gần một năm về trước. Mai gặp lại người bạn học cũ, Đoàn Đình Bình, Bình đã theo cha vô bưng sau cuộc “tổng khởi nghĩa” thất bại của Cộng Sản tại Huế năm 1968. Cả lớp của Mai khi ấy không biết Bình đi đâu hay đã bị chết thảm dưới bàn tay của Việt Cộng khi Bình về ăn Tết ở Huế.

Đầu năm 1976, Bình được bổ về làm bí thư chi bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản tại trường của Mai đang dạy. Lúc đầu hai người không nhận ra nhau, nhưng Mai nhớ ngờ ngợ cái tên người bạn cũ Đoàn Đình Bình, nên sau một lần họp giáo viên Mai hỏi phải Bình hồi nhỏ có học trường tư thục Bình Minh tại Đà Nẵng không? Hai người nhận ra nhau, rồi trở nên đôi bạn thân. Mai rất trân quý những kỷ niệm và bạn học của ngày xưa thời học trò. Còn Bình thì cũng vui mừng được gặp lại người bạn xưa của ngôi trường đầy tuổi thơ êm đềm trước khi phải ra Hà Nội để bị hấp thụ một nền giáo dục rất ư “vô giáo dục.”

Qua một thời gian, Bình âm thầm yêu Mai và muốn tiến xa hơn với Mai, nhưng trước hết phải giới thiệu được cho Mai vào đối tượng Đoàn, thì việc xin lãnh đạo chấp thuận cho cưới Mai sẽ dễ dàng và vinh dự hơn nhiều. Không hỏi ý kiến Mai, vì muốn dành cho bạn một sự ngạc nhiên mà theo ý Bình đây cũng là một vinh dự cho Mai. Bình mời Mai tham dự một buổi họp Đoàn và tuyên bố đề nghị cho Mai được làm đối tượng Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, sau khi đã đọc lý lịch trích ngang trích dọc của Mai trước mặt mọi người để minh chứng Mai thuộc thành phần tốt. Về phần Mai khi nhận lời dự buổi họp chỉ vì nể Bình và cũng có đôi chút tò mò muốn biết khi họp Đoàn ngưòi ta rù rì rủ rỉ cái chi. Mai không ngờ việc xảy ra như thế. Khuôn mặt của Mai từ trắng chuyển sang hồng, Mai im lặng. Cả phòng họp nghĩ là Mai quá xúc động trước cái đặc ân to lớn kia. Một lúc sau Mai mới run run nói:

-Cảm ơn anh Bình đã giới thiệu Mai, nhưng Mai không hoàn toàn thuộc thành phần tốt như cách mạng định nghĩa đâu, và cũng không đủ tiêu chuẩn vào Đoàn. Mai đã có chồng, mặc dầu chưa chính thức trên giấy tờ. Chồng của Mai là phi công của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Câu sau cùng Mai nói chậm, dõng dạc từng chữ như lời tuyên bố.

-Lỗi tại Mai, Mai đã không kể cho anh Bình nghe, vì Mai nghĩ đó là chuyện riêng tư, nhưng bây giờ thì bắt buộc Mai phải nói. Cả phòng họp lặng thinh, không ai biết phải phản ứng như thế nào, còn Bình đứng sững như trời trồng bên cạnh Mai. Một hai phút sau đó anh lắc đầu và bỏ ra ngoài. Mai chạy theo Bình ra đến khoảng sân vắng nói khẽ với Bình.

-Mai xin lỗi nhé, nhưng nếu Mai không nói thì suốt đời Mai sẽ áy náy lắm…

Bình quay lại hằn học:

-Tại sao Mai không cho tôi biết, Mai làm tôi ngượng trước mặt bao nhiêu người, mà những điều Mai nói là thật hay bịa đặt vậy? Bình đã hỏi thăm người ta ở chỗ Mai thường trú họ nói là Mai chắc chắn còn độc thân mà… Bình thật không ngờ, không ngờ. Mà nếu điều Mai nói là sự thật Mai có yêu thằng đó – xin lỗi – anh đó không?

Mai ngạc nhiên về thái độ gần như ghen tương của Bình, Mai không nói gì từ từ kéo sợi dây chuyền từ trong cổ và tháo ra một chiếc nhẫn, loại nhẫn mà phi công sau khi ra trường bên Mỹ thường đeo. Mai nói thong thả:

-Mai có chồng thật chứ, nhẫn cưới của anh ấy trao cho Mai đây này…

Bình bưng hai tai không muốn nghe thêm chạy thất thểu ra khỏi cổng.

Ông Kình, chép miệng:

-À ra thế, thế thì gay đấy, Đoàn hay Đảng có quyền từ chối đối tượng chứ có ai có gan dám từ chối vào Đoàn vào Đảng… À anh chồng của cô bây giờ ở đâu? Còn ở đây hay di tản rồi?

Mai nhớ lại câu chuyện các thực tại chưa xa lắm, vào một ngày cuối Tháng Ba năm 1975. Anh Nguyễn Bé Tư, phi công F-5E biệt phái từ Biên Hòa ra. Hai người quen nhau từ mùa Xuân 1974 trong một buổi văn nghệ ủy lạo, trường của Mai tổ chức để ủy lạo chiến sĩ. Năm 1975, một ngày trước khi Đà Nẵng bị thất thủ, anh đã gặp Mai. Anh không nói gì nhưng qua nét mặt âu lo của anh, Mai biết là tình hình chiến sự ngày càng xấu đi. Anh dẫn Mai đi ăn tối ở nhà hàng Bạch Đằng trên bờ sông Hàn, hai người cố tránh không nói gì về chiến tranh để được một lần hẹn hò trọn vẹn. Gần lúc chia tay, anh rút chiếc nhẫn ra trường bên Mỹ đeo vào ngón tay Mai và nói:

-Anh muốn cùng em sống đến cuối cuộc đời, em có thuận làm vợ của anh không?

Mai không nói được gì, chỉ khe khẽ gật đầu nước mắt bắt đầu tuôn vì xúc động và vui sướng. Mai đã là phu nhân của Nguyễn Bé Tư từ ngày ấy. Trong buổi tối ngắn ngủi đó hai người đã vẽ ra biết bao nhiêu là mộng đẹp, về ngày cưới về gia đình tương lai… Đêm đó anh Tư phải vào trực tác chiến trong phi đoàn. Ngày hôm sau thì Đà Nẵng mất, Mai tìm cách về Sài Gòn vào hỏi Bộ Tư Lệnh Không Quân về tin tức của anh Tư. Mai còn nhớ mấy người lính Không Quân ai cũng lắc đầu nhìn chị thương cảm ái ngại. Kể từ đó cái tên Nguyễn Bé Tư mộc mạc đối với Mai như thuộc về một kiếp nào rất gần mà rất xa xăm. Nhưng cô lúc nào cũng tự nhận là người vợ âm thầm của người phi công Nguyễn Bé Tư.
 
 

Câu chuyện cô Mai từ chối vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản được đồn ra, được thêm thắt, và từ đó học trò gọi đùa cô Mai là “Cô giáo ‘Ngụy.’” Cô nghe nhưng không bao giờ la rầy các em vì biết các em không có ý xấu, ngược lại các em từ đó rất kính nể cô, mấy đứa con trai có cha anh là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nói cô Mai chịu chơi và “chì” lắm. Mỗi khi nghe ai kêu “Cô giáo ‘Ngụy’” Mai mỉm cười hạnh phúc tự nhủ: “Ừ, ‘Ngụy’ thì ‘Ngụy’ mình thua thì người ta gọi mình là giặc. Ngày xưa Gia Long cũng gọi Bắc Bình Vương Quang Trung, Tây Sơn là ‘Ngụy’ đó thôi!”

Giáng Sinh 1980

Sau nhiều lần vượt biên hụt, Mai bị đuổi không cho dạy nữa. Cô sinh sống bằng việc lấy mối rau quả và bán ở chợ. Một buổi chiều ông Kình ghé ngang hàng của cô lựa lựa mấy bó rau hồi lâu. Cô không nhận ra ông vì bây giờ ông coi có da thịt hơn trước nhưng lại già hẳn đi, và không còn đeo cặp kính Rayban nữa. Đến khi hết khách ông mới khẽ bảo:

-Gớm! Cô không nhận ra tôi à? Kình đây, tôi kiếm mãi mới biết cô bán hàng ở đây, tôi có thể gặp riêng cô để nói một chuyện quan trọng không? Tôi sẽ dàn xếp chỗ gặp, cô nhớ đến nhé.

Buổi chiều hôm đó tại một căn biệt thự, ông Kình đề nghị cô Mai dẫn Hùng con ông đi vượt biên ông sẽ lo mọi chuyện.

Mai dường như không tin vào tai của mình:

-Ông không nói đùa chứ?

Ông Kình nhìn cô cười:

-Tôi nghĩ là cô sẽ nói thế. Lời đề nghị của tôi rất nghiêm túc nói như người Sài Gòn là “một trăm phần dầu” cô ạ. Sau năm năm ở miền Nam tôi thấy chế độ Cộng Sản đã làm băng hoại mọi sự cô ạ. Những năm chiến tranh thì người ta còn có thể biện minh nhưng khi vào miền Nam thì tôi nhận xét thấy giá trị đạo đức nói chung là trong Nam ưu việt hơn ngoài Bắc. Sau năm năm thì tôi thấy con người Cộng Sản đã làm cho miền Nam ngày càng tồi tệ, càng ngày càng giống như miền Bắc. Tôi đã thấy điều đẹp đẽ trong một xã hội văn minh, tôi không thể nào quay về những cái thấp hèn mà tôi đã mù quáng tôn sùng. Tôi muốn con trai tôi ra đi, tôi không muốn thấy nó trở nên một bánh xe trong cái cỗ máy thống trị này. Nếu cô hứa dẫn nó đi, chăm sóc nó đến năm 18 tuổi tôi sẽ lo tất cả mọi chi phí phương tiện ra đi cho cô.

Lý do tôi nhờ đến cô vì thứ nhất tôi biết cô muốn ra đi và thứ hai cô là người rất thật thà, chung thủy. Ngay cả trong người thân tôi cũng không thể thố lộ kế hoạch này hay nhờ ai vì lý do an ninh và tính mạng của tôi, chỉ có cô mới giúp được tôi. Chuyến vượt biên của cô do công an Đà Nẵng tổ chức bến bãi, nên việc ra đi phải nói là rất chu đáo.

Chuyến đi thật suôn sẻ. Tàu vượt biên của Mai sau năm ngày lênh đênh đã cập bến Hương Cảng bình yên vô sự. Tại đây Hùng gặp lại gia đình một người bà con xa ở Hải Phòng đã đến Hương Cảng trước đó một tháng. Hùng muốn nhập chung form định cư với họ. Mai không đồng ý, qua một người trung gian cô gửi thư về Việt Nam hỏi ý kiến ông Kình. Vài tuần sau, Mai được ông cho biết là ông bằng lòng cho Hùng “tách form” với cô, và coi như lời hứa của cô đối với ông đã hoàn thành.

Khi được Cao Ủy phỏng vấn, cô giáo Mai chọn thành phố Sydney xinh đẹp của quốc gia Úc Đại Lợi làm nơi định cư. Còn Hùng thì theo bà con định cư tại Canada. Cô Mai đi học lại lấy bằng kỹ sư điện toán, cô rất nhân hậu nhã nhặn nên được rất nhiều người khác phái theo đuổi, nhưng không có ai có thể thay được hình ảnh của người phi công ngày nào.

Trong những năm gần đây khi các hội thân hữu Không Quân QLVNCH được thành lập tại Úc, người ta thường thấy cô trong những buổi họp mặt. Mai tham gia mọi sinh hoạt, báo chí văn nghệ. Câu hỏi đầu tiên cô hỏi những người lính Không Quân mà cô gặp lần đầu lúc nào cũng là: Có ai biết tin tức gì về anh Nguyễn Bé Tư phi công F-5E biệt phái ở Đà Nẵng hay không? Cô Mai không biết là lần thứ mấy đã hỏi câu hỏi đó, cô hỏi nhưng chính cô rất sợ câu trả lời về số phận của một người mất tích đã hơn hai mươi lăm năm.

Tháng Tư, 1998

Hùng đứa học trò ngày xưa của cô từ Canada qua thăm cô giáo Mai. Hai thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi sau mười bảy năm. Hùng bây giờ là một thanh niên tuấn tú lễ phép, rất chững chạc và là một bác sĩ y khoa. Hùng báo cho cô Mai biết là ông Kình đã giải ngũ về hưu, và ông đã tỉnh ngộ hẳn giấc mơ Cộng Sản và sống rất an phận tại Hà Nội.

Trước lúc chia tay, Hùng đưa cho cô Mai một phong thư niêm kín, “Em cũng chẳng rõ có cái gì trong ấy mà bố em rất cảnh giác không dám gửi qua bưu điện, hay gửi qua người quen đi nước ngoài, chỉ khi em về Việt Nam bố mới trao cho em và dặn là phải đưa tận tay cho cô, và cho cô rõ là phải khó khăn lắm mới lấy được tư liệu này… Bố em dặn cô đọc xong đừng phổ biến, không thì rắc rối lắm cô nhé!”

Trong phong thư là bản sao của tờ phúc trình tổn thất của sở tác chiến không quân Quân Đội Nhân Dân. Tờ phúc trình như sau: “Thể theo chỉ thị số… Đại Tướng Văn Tiến Dũng được lệnh từ Trung Ương Binh Chủng Không Quân Nhân Dân phải hạ quyết tâm khẩn trương làm chủ và tạo điều kiện hồi phục sử dụng sân bay Đà Nẵng để thành lập bộ phận trinh sát và phòng thủ mặt Nam đề phòng bọn Mỹ có thể quay trở lại can thiệp. Theo tinh thần trên, vào sáng ngày 30 Tháng Ba, lúc 5 giờ 15 sáng giờ Hà Nội một phi đội tiêm kích cơ hỗn hợp gồm hai máy bay chủng loại Mig21 và một Mig 17. Phi đội mang bí số KK10 được lệnh cất cánh từ Đồng Hới để trinh sát sân bay Đà Nẵng xem xét khả năng bố trí phòng không và máy bay tiềm kích của quân đội ta sau này. Tiểu đoàn trinh sát TS5 báo cáo là căn cứ Đà Nẵng của quân đội Ngụy đã bị bỏ ngỏ hoàn toàn vào lúc 2 giờ sáng 30 Tháng Ba. Khi phi đội KK10 đã băng qua Xepon Lào và bắt đầu tiến vào Đà Nẵng từ hướng Tây Bắc, thì bất ngờ một tiềm kích cơ của Không Quân Ngụy chủng loại F-5E xuất phát từ Đà Nẵng bất thình lình tiến công. Giặc lái Ngụy sau khi dùng hai tên lửa loại AIM-9B bắn hạ hai chiếc Mig-21 của ta, hắn còn ngoan cố đuổi theo dùng súng bắn hạ thêm một máy bay Mig-17 của ta. Các đồng chí lái của quân đội nhân dân đã kiên cường bất khuất chống trả suốt gần 7 phút. Các đồng chí lái, Lai Như Hạch, Hồ Mạc Dịch, Đỗ Mai Quốc đã hy sinh oanh liệt. Còn chiếc tiềm kích cơ địch đã bị tên lửa của ta bắn hạ. Tên giặc lái Ngụy nhảy dù đã bị quân dân ta bắt được. Tên giặc lái ác ôn này tên là Nguyễn Bé Tư, cấp bậc trung úy số quân… Trung Ương đã ra lệnh giải quyết thích đáng tên giặc lái này cương quyết không để những thông tin xấu lọt ra ngoài về sự kiện ba máy bay của không quân nhân dân anh hùng bị một tiềm kích cơ địch bắn hạ trong vòng 7 phút. Bọn địch có thể lợi dụng để nói xấu Không Quân Nhân Dân. Đồng chí Thượng Tá Nguyễn Công Tâm chánh án, kiêm công tố viên tòa án nhân dân đã tuyên án tử hình tên giặc lái Nguyễn Bé Tư. Tên Trung Úy Ngụy Nguyễn Bé Tư đã đền tội vào ngày 5 Tháng Tư, 1975.”

Trên góc trái của tờ phúc trình có hàng chữ TUYỆT MẬT – không bao giờ được công bố.

Mai bâng khuâng, nhưng cô không thấy buồn, cô cảm thấy rất hãnh diện và thanh thản như người lữ hành đã về lại nhà mình. Từ lâu cô đã chấp nhận là con người mang cái tên Nguyễn Bé Tư đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa, cô linh cảm là anh đã đền nợ nước một cách anh dũng, điều cô linh cảm bây giờ đã thành sự thật trên giấy trắng mực đen. Cô kiêu hãnh về anh Nguyễn Bé Tư, anh đã chết hào hùng như anh đã sống. Cô thương mến người phi công ấy chẳng phải vì anh hào hoa phong nhã như người ta thường nói về những người lính Không Quân VNCH. Cô thương anh vì anh mộc mạc, thứ mộc mạc của loại đá bọc kim cương.

Anh Nguyễn Bé Tư “Ace” đầu tiên của Không Quân QLVNCH một mình hạ ba phi cơ địch trong vòng 7 phút, thế mà cuộc đời lại không có quyền biết đến anh. Bọn Cộng Sản run sợ và kính nể khi nhắc đến cái tên hiền hòa của anh, chúng sợ đến nỗi phải giết anh.

Đêm nay Mai thấy lòng mình thật ấm áp dường như có sự hiện diện của anh Nguyễn Bé Tư đâu đây, dường như anh đang nói với cô đừng buồn đừng giận anh. Xoay xoay chiếc nhẫn Không Quân quanh ngón tay, Mai khe khẽ gật đầu không nói nên lời như đêm cuối cùng năm xưa còn ngồi bên anh. Bên ngọn đèn Mai vuốt lại mái tóc đã điểm sương, thấy mình lại là cô giáo trẻ năm nào đang choàng hoa cho người phi công khu trục anh hùng của QLVNCH.

Thần Long

304Đen – Llttm - DSC

 

Vài Đoạn Hồi Ký Viết Về Đạo Phật Dưới Chế Độ CSVN - 304Đen


Mời đọc vài đọan hồi ký viết về đạo Phật dưới chế độ CS

 

 

* “Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt. Tại ngôi chùa Trang Hà, hàng chục pho tượng đổ ngổn ngang, bị lũ mục đồng ném bùn lấm láp nước sơn. Cái giếng hình bán nguyệt trước cổng chùa đẹp thế mà cũng bị phá phách cày xới để trồng lúa. Mấy tấm đá ghép cầu bị bê làm hố tiêu. Mấy chiếc bia lớn nhà thờ chánh tổng, cái thì bị đem bắc cầu, cái thì bị bọn mục đồng khiêng đi làm trò chơi rồi ỉa đái vung vãi trên mặt bia…

Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. NXB Tạp Chí Văn Học: California, 2006). 

Đó là chuyện xẩy ra ở miền Trung, vào giữa thế kỷ XX, trong Giai Đoạn Phóng Tay Phát Động Quần Chúng của những người CSVN.

*Nhật ký của nhà phê bình văn học & xã hội Vương Trí Nhàn, ghi ngày 4 tháng 5 năm 79:

 
“Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.”

Cùng với những vị “sư ông” trông cứ như một sĩ quan tác chiến, chùa chiền VN còn có qúi vị “sư nữ mắt long sòng sọc… miệng rít lên” (cứ như loài rắn tiếng rắn) theo cách mô tả của nhà văn Dương Thu Hương

“Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi: Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà “sư nữ” ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên:

– Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ!…

Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn:

– Mày chết đi…

Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Ðó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. ‘Nhân sự’ do ‘bên trên’ "đưa xuống."

Vậy cái gì là ‘bên trên’? Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở?... Chẳng có gì bí mật cả, ‘bên trên’ là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội Vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để ‘yểm’ Hội Phật Giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc.”

 
304Đen - Llttm