Sa Chi Lệ
Mượn một số địa danh thật,
chuyện được viết bằng bối cảnh tự dựng và nhân vật tưởng tượng.
Trận bão lớn bất thần cuồn cuộn kéo về từ hướng Kiến
Phong, Cao Lảnh, xuôi xuống miệt nam,
mưa cuồng như thác đổ rồi giông gió giăng trời, càn qua mấy xã phía trong Định
Yên, Hội An Đông, Long Hưng, biến cả đồng ruộng, nhà cửa, vườn tược chợ búa thành
một vùng trời nước mênh mông, lụt ngập lên che khuất khỏi ngọn cây, không khác
gì mùa lụt hàng năm, gần hết nhà cửa của dân mấy xã này, mấy xã nghèo nhất
trong quận, bị cuốn trôi, mái tranh đầu này, phên liếp đầu kia, lưa thưa, lác
đác năm ba tấm vách đất đứng trơ mình giữa trời chịu nạn, nơi ăn chốn ở từ bao
nhiêu năm qua giờ đây người dân đành chịu cảnh màn trời chiếu đất. Vì chuyện của
quận mình, lo quá, sáng nay chẳng màn cà phê cà pháo, Hiển đã xuống Bình Thạnh
Trung từ sớm, quên cả chuyện chờ lính mở đường, sau khi nhận vật liệu, lều vải
từ trên tỉnh đem xuống, lo đôn đốc nhân
viên xã ấp, thầy cô giáo, đoàn cán bộ Xây dựng nông thôn cùng mấy tiểu đội
nghĩa quân, ra sức dựng cái trại cho người dân tạm trú, thúc hối lập danh sách
gấp cho họ nhận đồ cứu trợ, mùng mền, gạo mắm, áo quần sớm, chờ cho nước rút rồi
có trợ cấp chính thức tái dựng lại nhà cửa, thấy công việc đâu đó tạm êm xuôi,
Hiển giao lại cho bác Lên, xã trưởng xã Bình Thạnh Trung lo tiếp, trở về lại
văn phòng quận trên Bình Thạnh Đông.
Lưng lửng giữa
trưa, nắng không nắng mưa không mưa, trời cứ âm u như từ mấy ngày qua, mưa lâm
râm từng đợt, lúc ngưng lúc tạnh, xe về tới ngã ba, trên đường quẹo vào văn
phòng, kéo nón trùm đầu của cái “bông – sô”
che mưa xuống, từ xa nhìn vào, Hiển ngó qua người lính nghĩa quân lái xe ngồi
bên cạnh lấy làm lạ “cha chuyện gì đây”,
người lính trố mắt nhìn theo lắc đầu, khi thấy thiếu tá Trọng, quận trưởng đang
đứng nói qua nói lại gì đó với một nhóm chừng sáy bảy người, trong đó thấp
thoáng có hai ba dì phước áo trắng của dòng “Good Shepherd Sisters”ở nữ chủng viện Vĩnh Long ngoài hành lang,
trước cửa vào, xe dừng lại không xa bậc thềm xi măng lắm, Hiển cởi bỏ cái “bông
– sô” để lại trên ghế, bước nhanh xuống thì thiếu tá Trọng cũng vừa đi ra, ông
cười, cũng nụ cười thân thiện đàn anh hàng ngày, làm dấu lẹ lên, rồi chỉ ra xe
ông, đám lính đang chờ, vừa nói vừa bước ra sân
“khách chờ trong văn phòng, chuyện
này ông lo, tôi đi qua chi khu một chút, có gì anh em mình bàn lại sau”, Hiển
đưa tay quẹt mớ nước mưa đọng hờ trên tóc, gật đầu, đứng ngó theo, chờ ông lên
xe chạy đi, đẩy cửa vào, mưa bất chợt lất phất trở lại, hình như có chút nắng
thập thò ở phía ngoài khu chợ quận, chợ vắng tanh không người.
Hiển bước vào, cùng lúc mấy người khách cũng từ trong đi ra, chú tư
Tân, trưởng ban hành chánh quận nép qua một bên bàn viết phía trong lớn tiếng “dạ ông phó đây”, mấy người khách lớn tuổi,
có ông có bà trố mắt, mĩm cười gật đầu, đứng phía sau, một lần nữa chị thư ký
nhìn hai dì phước nói nhỏ “ông phó đó”,
hai người bước tới nhỏ nhẹ “dạ chào ông
phó”, Hiển chào đáp lễ, bỗng ngờ ngợ nhìn phớt người di phước trẻ, bất chợt
hình ảnh của cô học trò tên Nhật An, lớp 11 trường tư thục Đồng Nai của hơn năm
năm trước, thoáng chốc hiện về, cái nốt ruồi duyên đen màu sương sớm trên mí mắt
trái, cái nốt ruồi mà Hiển thương không biết bao nhiêu nhưng không dám nói ra,
nhìn thấy rõ trên khuôn mặt được che bởi cái khăn choàng trắng phủ quanh đầu, trong
khi đó, người dì phước trẻ, Nhật An cũng bối rối, ngạc nhiên như Hiển, cũng hai
tiếng “chẳng lẽ” thầy Hiển dạy đại số
năm đó đây sao, Hiển khựng lại chốc lát, định thần rồi mời vào phòng làm việc của
mình, chị thư ký cầm sấp giấy ghi chép theo sau. Câu chuyện xoay quanh việc nữ
chủng viện Vĩnh Long muốn tổ chức việc cứu trợ cho người dân quận Lấp Vò bị cơn
bão vừa qua, phụ với chính quyền tỉnh Sa Đéc một phần vì họ vừa nhận được vật dụng
cũng như tiền tặng dữ từ một số mạnh thường quân quen của chủng viện từ trên
Sài Gòn cũng như ở Vĩnh Long, nhờ quận sắp xếp giùm và theo như lời của ông quận
trưởng thì người lo đó chính là Hiển, ông phó của ông, suốt buổi người dì phước
bề trên lớn tuổi, xem ra nói gần hết, dì Nhật An lặng thinh nghe, thỉnh thoảng
gật đầu như chính mình đang nghe cả tiếng lòng run rẫy.
Ra về, mưa dứt, trời có chút nắng muộn, Hiển đưa
mọi người tới tận cổng văn phòng quận, nơi chiếc xe đò lỡ nhỏ đậu ở đó chờ, là
người sau cùng, trước khi lên xe dì Nhật An quay lại nhìn Hiển cười, bỗng dưng
hai người cùng nói một lượt “không ngờ là
có ngày mình gặp lại nhau”. Chiếc xe chầm chậm ra đường lộ, qua khung cửa
sau, dì Nhật An vẫn còn quay đầu nhìn lại, nói gì đó với người dì phước bề trên
lớn tuổi, Hiển đứng nhìn theo đến khi xe khuất đâu đó đàng sau khu nhà lồng chợ
quận mới trở vào, anh lính nghĩa quân gát cổng, ngồi trong lô cốt canh, đứng dậy
“chào ông phó”, Hiển vu vơ nhìn lên
trời cao, cười với đám mây xám lãng đãng quyện hình đôi cánh thiên thần. Vào
văn phòng, Hiển ngồi thừ ở bàn, mớ công văn chưa đọc chưa ký vẫn nằm nguyên,
không màn đụng tới, đêm đó một đêm nữa không ngủ, Hiển cứ trằn trọc trở mình
mong cho trời mau sáng ngày mai, ngày phát quà cứu trợ cho người dân mấy xã bị
nạn bão lụt.
*
Vào học đầu năm thứ ba, tình cờ gặp chị
Thủy, chị của Hòa, thằng bạn cùng lớp đệ nhất trường tỉnh, con nhà khá giả nên
đã đi du học đâu đó bên trời Tây, chị Thủy đang dạy Pháp văn ở trường tư thục
Bác Ái, đối diện bên này trường Sư phạm Sài Gòn, chị biết rành gia cảnh nghèo của
Hiển từ khi còn ở tỉnh nhà, cũng như Hiển vốn giỏi toán từ trung học và đã đi dạy
kèm cho một số con nhà người quen của chị luyện thi ở Sài Gòn từ năm đầu đại học,
hôm lang thang tìm mua sách cũ ở chợ trời Hàm Nghi, trời chiều nóng, hai chị em
kéo vào cái xe nước mía bên đường tránh nắng, hỏi thăm chuyện nhà chuyện học
hành, rồi sau đó nhờ chị giới thiệu, Hiển đến nhận dạy môn đại số, một tuần hai
ngày, một ngày hai giờ, kỳ đệ nhị lục cá nguyệt, lớp 11 của trường tư thục Đồng
Nai, thay cho người thầy môn này bị động viên nhập ngủ, nằm không xa bồn binh
đường Hậu Giang, ngã ra Phú Lâm.
Vốn tính có chút
máu “văn nghệ văn gừng” trong người
nên thường khi anh chàng cũng hơi “méo mó
nghề nghiệp”, nhưng cũng vì đó mà Hiển đã được cả lớp, trai cũng như gái
thích học và tỏ ra hâm mộ ông thầy đại số, ông thầy không hơn họ bao nhiêu tuổi,
hiệu trưởng, thầy cô không ai than phiền mà còn ủng hộ là khác. Cứ sau khi xong
bài học, còn dư giờ trong khoảng thời gian hai giờ dạy, Hiển nói về thơ về nhạc
cho vui, nào là “Áo lụa Hà Đông, Ngày xưa
Hoàng Thị, Bài không tên cuối cùng” hay “Nếu biết rằng tôi đã có chồng, Người đi một nửa hồn tôi chết...”, cả
lớp, nhất là đang ở “tuổi biết buồn”
nghe không chịu ra về, dù chuông tan trường reo từng hồi hối thúc, đám con gái
thì lăng xăng, háo hức hỏi này hỏi nọ, trở lại tuần sau, chưa bắt đầu bài đã nhắc
tiếp theo lần trước. Vì dạy giờ cuối trong ngày nên Hiển thường đón xe buýt về
chung với ba bốn cô của lớp 11, trên đường Trần Quốc Toản ra hướng Sài Gòn, thân
thiện gọi nhau “thầy thầy em em” rân
trời, trong mấy cô này, cô nào cô nấy nhanh tay lẹ chân không ai bằng, thường
xuống ở vài trạm trước, còn lại Hiển và Nhật An đi tiếp, hai thầy trò ngồi nhìn
đường phố, hỏi qua nói lại chuyện không đầu không đuôi, ngược lại với ba người
kia, Nhật An, ít nói, chỉ cười nhẹ, bẽn lẽn hơn, có cái nốt ruồi duyên màu
sương sáng trên mí mắt mà Hiển đã để ý ngay từ giờ dạy đầu tiên, Nhật An xuống xe
ở góc đường Lê Đại Hành, con đường nằm dọc theo trường đua ngựa Phú Thọ, ngồi một
mình về Cao Thắng, Hiển cứ nhớ quanh nhớ quẩn cái nốt ruồi duyên và cũng từ
ngày đó Hiển thấy hồn mình là lạ khó tả.
Chiều thứ bảy, Hiển
đến ăn cơm chiều như đã hứa, nhà Nhật An, một căn nhà gạch nhỏ có cái gác cây lững
phía trên, ở gần cuối đường Lê Đại Hành, xế ngang ngã ba đường qua cư xá Lữ
Gia, nhà có hai mẹ con, có cái sạp bán quần áo, giày dép bên chợ Thiếc, theo lời
bác, sau khi sinh Nhật An ra, chừng hơn một năm, chồng bác bỏ đi biền biệt
không về từ ngày đó, cho đến giờ bác cũng không nghe tin tức gì về ông, lúc đầu
còn mong còn chờ nhưng ngày qua ngày, hơn mười mấy năm rồi, cũng đã đủ, càng xa
càng biệt, xem như ông đã chết, mọi thứ nguội lạnh từ lâu, hai mẹ con vui với
nhau mà sống. Quen dần, Hiển thỉnh thoảng đến thăm Nhật An, hai tiếng thầy bỗng
dưng không còn gọi, anh Hiển, Nhật An vậy đó, được bác đồng ý, Hiển đôi ba lần,
có khi cùng với mấy cô bạn cùng lớp cùng chuyến xe buýt, có khi chỉ có hai người,
đưa nhau lên xuống phố phường, hết ngõ qua Duy Tân cây dài bóng mát về Lê Thánh
Tôn đuổi lá me bay, cười ngã nghiêng với ly kem Mai Hương, mắt cay mắt xé với
tô bún bò Tam Đa giữa giòng người của Sài Gòn chiều cuối tuần, nắng mưa bất chợt,
rồi từ đó, cũng giữa những lần bên nhau nắng mưa bất chợt cả hai, Hiển và Nhật
An biết mình đã thương người rồi.
Gần cuối giữa năm học, Hiển thôi không
còn dạy nữa vì trường đã tìm được thầy khác, trước tết vài hôm, Hiển ghé nhà Nhật
An chào từ giã về tỉnh ăn tết, mẹ Nhật An gởi theo gói quà nhỏ cho gia đình
anh, gọi là chút quà lấy thảo. Mùng một tết Mậu Thân, Bắc Việt tung quân tổng tấn
công hầu hết các tỉnh và thành phố miền nam, quân họ có mặt ngay cả bên trong
Sài Gòn, chiếm được nơi này chỗ kia vài ngày, trừ Huế được gần cả tháng, trận
chiến kéo dài một thời gian, đường xá bị kẹt cứng, xe đò xe hàng không chạy được,
nhất là mấy ngã từ các tỉnh về Sài Gòn, nhưng cuối cùng, quân Bắc Việt thua cuộc,
bị đẩy lui. Hiển cũng kẹt lại dưới tỉnh, hơn mười mấy ngày mới trở xuống Sài
Gòn, trường cũng vừa vào học lại, từ ngã tư Bảy Hiền xuống, từ ngã tư Hàng Xanh
qua, nhà cửa cái còn cái mất, cái loang lỡ cháy đen cái trơ vơ gạch nám.
Sáng thứ bảy hôm
sau ngày xuống Sài Gòn, Hiển đón xe xích lô đạp tới tìm Nhật An thì không còn
ai đó nữa, một dãy nhà trên đường Lê Đại Hành, khúc này đã bị sụp đổ gần hết vì
đạn pháo của quân Bắc Việt, hỏi người quen chung quanh, mới hay là mẹ của Nhật
An cùng gia đình bên cạnh đã chết vì nhà bị trúng đạn pháo ngay trái đầu trưa
mùng một tết, nghe nói bà con đem bà chôn ở nghĩa trang Phú Thọ Hòa, đám tang
xong, không thấy Nhật An về đây nữa, miếng đất phủ đầy than bụi, gạch ngói nằm
nám đen miếng lành miếng bể, không thấy ai tới lui, mặt khác chợ Thiếc cũng bị
cháy rụi từ đầu tới cuối, nên sạp áo quần của nhà Nhật An không còn gì hết, Hiển
bàng hoàng thờ thẩn hết mấy ngày, ngồi trong giảng đường như người mất hồn, xót
xa buồn, xót xa nhớ. Hiển trở lại trường Đồng Nai, nhà trường cũng như đám học
trò cũ, bạn của Nhật An cho biết, chôn cất mẹ xong, Nhật An có trở lại trường rồi
từ giã bạn bè, thầy cô, trường lớp ra đi, không nói là đi đâu và ở chỗ nào, cứ
bảo là đi về quê bà con ở xa, hẹn khi nào thuận tiện sẽ viết thư cho biết địa
chỉ, thế thôi. Sáu tháng, nửa năm chờ, nửa năm ngóng trông, vẫn không có tin gì
về Nhật An, ngay cả mấy cô bạn thân cùng lớp cũng chẳng biết gì hơn, Hiển thôi
cũng đành cố quên để mà nhớ, cuối năm tốt nghiệp, ra làm tận Cung Sơn Phú Yên,
rồi ngược xuống Lấp Vò Sa Đéc cho đến giờ.
Hơn một tuần, công việc cứu trợ người
dân nạn lụt quận Lấp Vò xong, mọi chuyện đều tốt đẹp, suốt trong những ngày làm
việc bên nhau, dì Nhật An xem ra nói cười nhiều hơn lúc đầu mới gặp, Hiển thì
khỏi nói, chuyện của những ngày mới quen, mới thương thầm trộm nhớ sống lại không
mời không gọi, nhưng cả hai, ở trong hoàn cảnh này, thì “nổi lòng biết tỏ cùng ai”. Dì Nhật An về tu viện, thỉnh thoảng đôi
lần qua Vĩnh Long, vai vế Hiển với một số dì phước ở đó không lạ gì sau chuyến
cứu trợ, Hiển cũng ghé tạt ngang tu viện, ai nấy mừng rỡ đón, Hiển xin phép Mẹ
bề trên, được gặp thẳm hỏi dì Nhật An đôi lời, gặp để rồi lên xe về Sa Đéc mà
buồn man mác, buồn dịu vợi, buồn muốn khóc. Về Lấp Vò, không còn bao lâu nữa tới
ngày Giáng Sinh, chuyện xã chuyện quận, chuyện gì cũng gát lại, ngày đó nhất định phải
qua Vĩnh Long đi lễ chiều ở nhà thờ chánh tòa, lễ đó có mặt đủ các dì bên nữ tu
viện, dĩ nhiên là có dì Nhật An, Hiển đứng ngồi không yên, thở ra thở vào, nôn
na nôn nóng đếm từng ngày một mặc dù còn gần cả tháng nữa, nôn nóng gặp để gặp
cho thỏa nhớ, nhớ riêng mình, chứ biết có nói và dám nói được gì không.
*
Ngày 23 tháng 12, chuyến xe đò lỡ từ
Sài gòn về Vĩnh Long sớm, không may bị trúng mìn do quân du kích Việt công gài
trong mấy cái mô đất, chắn ngang đường đêm qua, khỏi đoạn ngang xã Mỹ Đức Tây,
về hướng Bắc Mỹ Thuận không mấy xa, nổ tung, bốn năm người bị thương, số còn lại
chừng mươi người chết, trong đó không may có dì phước Nhật An, dì trên đường trở
xuống Vĩnh Long sau hôm về Sài Gòn thăm mộ mẹ, đi buổi sáng sớm để về kịp thánh
lễ chiều Giáng Sinh như đã định. Xe cứu thương quân đội từ Cai Lậy xuống chở đến
bờ bên này bờ Bắc Mỹ Thuận rồi đưa xuống chiếc tàu hàng tư nhân, chở qua bên
kia cho lẹ, vì chờ phà quá lâu, xác dì Nhật An, được mẹ bề trên và cha xứ đến
nhận rồi mang về làm lễ tang tại nữ tu viện ngay khi xe đem về tới nhà xác bệnh
viện tỉnh. Đọc lá thư xin tu xuất và vài trang chót cuốn nhật ký của dì Nhật
An, với sự đồng ý của cha xứ, sáng sớm hôm sau, mẹ bề trên nhờ một người quen của
một trong mấy bác họ đạo, chạy xe Honda đi Sa Đéc, xuống Lấp Vò.
Hiển đứng
chết lặng, rấm rứt khóc bên cái quan tài phủ khăn choàng và những cành Huệ
trắng, đặt ở một phía sát tường trong phòng tiếp khách, ngó ra khoảng sân rộng
lát gạch nâu hâm hấp nắng chiều, cha xứ, mẹ bề trên, các dì phước và mấy bác
trong nhóm cứu trợ nạn lụt Lấp Vò vừa qua đứng lặng im, xót xa nhìn từ góc
phòng, có cây thông Giáng sinh xanh màu lá, lâm râm đoạn kinh lạy Chúa, lá thư
xin tu xuất gởi mẹ bề trên ghi ngày rời tu viện 25 tháng 12 và trang cuối cùng
cuốn nhật ký dì Nhật An viết trước khi về Sài Gòn thăm mộ mẹ, còn nguyên màu mực
mới “giữa đêm 20/12, có lẽ định mạng muốn vậy, nên mình mới gặp lại
nhau, từ ngày gặp anh ở văn phòng quận Lấp Vò, Nhật An cứ nghĩ mãi về chuyện
cũ, Nhật An không làm sao quên được anh, đã yêu anh mất rồi, con đã có lỗi với
Chúa, người đã dắt con trên con đường quên đời mà sống vui vì đạo suốt bao
nhiêu năm qua nhưng Chúa ơi, con không thể dối lòng, con không thể quên anh Hiển,
tình yêu bỗng bừng sống lại, con không làm sao chống chọi nỗi, xin Chúa tha thứ
cho con, anh Hiển ơi, sau thánh lễ chiều hôm Giáng sinh này, Nhật An sẽ gặp
riêng anh, một Nhật An, đứa học trò lớp 11 chứ không là một dì phước Nhật An nữa,
mình sẽ kể nhau nghe chuyện buồn vui ngày đó và nói chuyện bây giờ nghe anh...”
để trước di ảnh, trên đầu quan tài vẫn còn mở, hình như có chút nước mắt màu
sương sớm nhạt nhòa đâu đó ở cuối trang giấy.
*
Buổi thánh lễ Giáng Sinh chiều hôm đó
xong lâu rồi, người đi lễ lần lượt ra về không còn một ai, bên trong vắng lặng,
Hiển vẫn cứ đứng đó, trước cửa, nép vào một góc tường, cuối bậc thềm đi lên, cầm
cuốn nhật ký trên tay chờ như lời hẹn, cho đến khi đèn nến tắt, chuông không
còn đổ trên gác cao, nắng chiều chậm xuống trãi dài ngang cây cầu vào chợ, bà bác
già quét dọn nhà thờ từ trong đi ra, sửa soạn đóng cửa chính nhìn thấy Hiển, bà
nhẹ miệng cười hỏi có cần gì không, Hiển lắc đầu “dạ không, cháu chờ người quen nhưng
không biết chừng nào mới tới”, bà gật đầu đi vào lầm thầm “ai hẹn
người ta sao mà không chịu tới ”, cửa khép lại, Hiển bật khóc.
Ascot Vale đêm Giáng
Sinh 2018 - Để tặng đám bạn cùng ra trường có một thời như thế.
No comments:
Post a Comment