Saturday, March 23, 2019

Chiến Trường Đã Mất - Ngô Lang



Chiến Trường Đã Mất 

***
 
 

Nằm cách Sài Gòn 80 cây số về phía đông, đông bắc Long Khánh có thể là một vùng đất xa lạ, dù tỉnh nầy được thành lập từ năm 1956.

Vào cuối mùa hè 1967, sau khi chọn nhiệm sở làm việc ở Long Khánh, tôi đã hỏi nhiều người quen biết thân hoặc sơ và chẳng ai biết rõ về vùng đất nầy. Bốn tiếng đồng hồ ngồi trên xe đò, qua nhiều đoạn đường lồi lõm, ở khúc đường Trảng Bom xe phải đi vòng qua đường mòn của rừng cao su, cuối cùng tôi bước xuống một bến xe có chừng 5 xe đậu, bụi đỏ phủ kín người. Bước vào một quán ăn lụp xụp tăm tối, thấy một cảnh sát viên ngồi đó, tôi vội hỏi ngay đường tới khách sạn. Không có. Thế những người tới đây lỡ độ đường làm sao kiếm chỗ ngủ? À, có thể thuê ghế bố ngủ tạm ở quán nầy. Ông ta nhìn tôi tỏ vẻ thương hại, nói nhỏ: nhưng phải để ý coi chừng tiền bạc, đồ đạc để khỏi bị cắp! Uống vội một ly nước, tôi nhờ ông ta chỉ đường tới tòa hành chánh. Trên quãng đường dày đặc dưới ánh nắng gay gắt, sau khi hỏi đường thêm bốn người nữa, hơn nửa giờ sau tôi tới được cổng tòa hành chánh. Và tôi trình diện ông tỉnh trưởng như một tên lãng tử, quần áo đầy bụi, mặt đỏ gay và mồ hôi nhễ nhại. Cái liều lĩnh bất khả kháng nầy giúp tôi có được một chỗ ngủ tạm và tắm rửa. Buổi chiều tôi ra phố kiếm cái ăn. Ngồi lẻ loi trong quán ăn, tôi chỉ có hai lựa chọn: hoặc hủ tiếu hoặc mì. Tình trạng hạn chế tiếp tế gạo không cho phép các tiệm ăn bán cơm cho khách. Bữa nào mấy ông “phi công hào hoa” bắn được nai đem bán ở chợ thì tôi trường kỳ kháng chiến cả tuần lễ với mì nai hoặc hủ tiếu nai. Mỗi trưa thứ bảy tôi đều lên xe đò về Sài Gòn để ăn những bữa cơm duy nhất trong tuần. Trưa chủ nhựt lại khăn gói trở lại xứ bụi đầy người, xứ của mì và hủ tiếu. Ông xếp của tôi thường xuyên cảnh cáo tôi về những chuyến đi đi về về trên lộ trình được xem như thiếu an ninh nầy.

Đó, những ngày đầu của tôi ở Long Khánh là như thế đó. Tưởng như ở cái xứ mà trong những tháng đầu nhậm chức, ông phó tỉnh trưởng phải cho xe về Sài Gòn chở nước lên nấu nướng để bảo đảm chống sốt rét, chẳng có một chút gì để nhớ để thương.

Vậy mà tôi đã sống với Long Khánh gần tám năm. Có lúc đói rách, có khi tai tiếng, có hồi bị ông xếp chơi cho te tua, có giai đoạn bị quay cuồng giữa những âm mưu tranh quyền, dành ăn, tôi vẫn như bắt vít đời mình vào Long Khánh cho tới giờ cuối cùng của tỉnh nầy – đêm 28-4-1975

Vậy thì Long Khánh với tôi, có thể là một miền đất để nhớ để thương. Ít nhất ở đó tôi đã làm được bài thơ tình đầu đời. Sự nghiệp thi ca của tôi có lẽ chỉ vĩ đại hơn hai “đại thi hào” (?) Hồ Chí Minh và Bút Tre, nhưng vì bản chất “ngụy” tạo cho tôi một ít liêm sỉ đặt sệt tính tiểu tư sản nên tôi không xuất bản thơ. Nhưng viết về Long Khánh mà không nhắc tới một bài thơ đã đưa tôi tới một mối tình ở đây – bây giờ là một thực tế 100 % – thì quả là thiếu sót. Vậy xin quí vị đọc với độ lượng:

 

Gió cuốn em về một cuối đông

Chiều hanh hanh trên má em hồng

Áo em chan chứa trong vùng bụi

Ngỡ cố nhân nào đang tới thăm

Em đến mơ hồ trên lối gió

Như đồng sương muối bụi hoa bay

Như nhấp men nồng tang tảng sáng

Sau đêm chặp chững giấc liêu trai

Tôi ngó tròng đen trong mắt em

Ngó xuôi theo mười nhánh tay mềm

Ngó mãi vòng cung môi mềm mại

Tôi ngó em hoài như thôi miên

Ngó dáng em gầy tôi thấy mến

Ngó từng phiến tóc thấy thương thương

Em ngồi nghiêng bóng con mèo nhỏ

Ngái ngủ trong vòng khói nắng loang

Có những chiều dài đi lãng đãng

Chợt nghĩ về em thấy ngại ngần

Có phải trong tôi đời lữ thứ

Đã nghe lành lạnh những bâng khuâng

Tôi cũng đến đây làm khách lạ

Hành trang không thiếu những ưu phiền

Tôi tuổi ngựa hồng như mỏi vó

Nên trắng tay mà thương mến em

Xin tặng em những đôi mắt nai

Nhìn đồi hoa dại cỏ lau bay

Nhìn những cánh mây mờ nẻo núi

Nhìn những đồng nghiêng cánh cỏ may

Xin tặng em tiếng hát nhân ngư

Trong chiều loang nhẹ, biển lô xô

Xin tặng em điệu ca dao mẹ

Thắm ngọt trong từng thớ tuổi thơ

Và tặng em luôn đời biển động

Cởi áo tìm loang vết bụi bờ

Tôi trả trôi xuôi ngày tháng cũ

Nghe trong thân thể chớm giao mùa

 

Một số bạn bè tôi ở Long Khánh, nghiêm trang đạo mạo như Phong, hào hoa phong nhã như Tư cũng đã tìm thấy một sưởi ấm lâu dài những chỗ lạnh của tim mình nơi xứ sở nhìn gần thấy bụi đỏ, nhìn xa thấy rừng cao su nầy. Tư có lần đặt tên cho Long Khánh là xứ bụi hồng. Vào mùa mưa thì bụi hồng biến thành đất dẻo quẹo đến nỗi chiếc xe solex của tôi không quay nổi bánh trước và banh luôn. Có lẽ sống giữa bụi đỏ, rừng cao su và bùn dẻo, tình bạn vươn mầm lên nhanh và mạnh. Hầu hết những bạn thân của tôi đều được gặp gỡ ở đây. Có lẽ hiếm nơi nào mà công chức cao cấp và trung cấp lại sống với nhau trong tình thân gia đình và bạn bè như ở Long Khánh. Có người bảo giữa bụi mịt mờ, người ta phải thật gần nhau mới thấy nhau được. Lúc đó thì đã quá gần để trở thành thù địch nên chỉ có thể là bạn! Nhận định nầy đúng hay sai thì Long Khánh cũng đã là một nơi của tình bạn. Cho nên hai người tính tình trái ngược nhau như Phong và Tư vẫn trở thành bạn thân. Cho nên trong những lúc tang thương còn hơn bộ vong quốc sử, tôi vẫn tìm được sự che chở, nâng đỡ của bạn bè và đàn anh. Những đàn anh như Hào, Khuông, Sử... thường coi tôi như một tên bướng bỉnh, ưa húc bậy, không biết tiến thoái theo thời; thế nhưng vẫn mở rộng cánh tay với tôi, để đón nhận thêm một số rắc rối cho cuộc đời. Có lẽ đàn anh như Hào, cỡ công chức có cả anh dũng bội tinh với nhành dương liễu, thấy rằng tính gàn bướng là một điểm trang cần thiết cho tuổi trẻ đi làm việc công chăng? Còn tôi, tôi chỉ học được phần nhỏ cái chững chạc và chẳng bao giờ học được cái trầm tĩnh của các đàn anh. Cho tới bây giờ, khi các đàn anh tôi đang bị đọa đầy ở các trại cải tạo miền Bắc. Ở hoàn cảnh hiện nay, cái hoàn cảnh dễ làm sa đọa con người nhất, các đàn anh vẫn chững chạc, trầm tĩnh và cứng chắc hơn tôi tưởng nhiều. Nghĩ đến họ, tôi muốn cương một câu theo kiểu cải lương: người Long Khánh là thế đó!

Gọi là “cương” và “cải lương” bởi vì người Long Khánh có tới 180 ngàn mà phân nửa là “Bắc kỳ Công giáo di cư” và 20% là dân tị nạn từ Bình Long và các tỉnh miền Trung kéo tới sau năm 72. Đây là một tập hợp phức tạp mà mỗi cá nhân có thể đã là một phức tạp rồi. Chẳng hạn các nhà tu hành. Ở quận Kiệm Tân với hơn 90% dân theo Thiên Chúa giáo, nơi nhà thờ mọc san sát nhau dài theo quốc lộ 20, trong một tiệc cưới tại một xứ đạo, có bà đã cười nói oang oang với vị linh mục: “Cha ơi, cha lấy vợ đi!. Linh mục nầy cai quản một họ đạo nhỏ nhưng đã tự võ trang cho nghĩa quân và nhân dân tự vệ ống phóng hỏa tiễn M.72, đại liên M.60, ống nhòm hồng ngoại tuyến và máy dò tiếng động (của quân đội Mỹ). Trong trận Mậu Thân, ngài lãnh đạo toàn ấp theo chiến thuật “nhà nhà chiến đấu, người người chiến đấu”, đẩy lùi được các cuộc tấn công của Việt cộng. Ngài lập cả một sở thú nhỏ trong khuôn viên nhà thờ. Một trưởng ty tại địa phương có dịp gặp ngài trên xe đò, nghe ngài tuyên bố: “Tôi về gặp ông Thiệu để tống cổ thằng cha tỉnh trưởng nầy đi mới được!” Quả ngài là một linh mục có uy thế. Vậy mà nghe bà con chiên oang oang giữa chỗ đông người, ngài chỉ cười hề hề. Phải chăng đó là “vui vẻ cả làng” theo kiểu Long Khánh?!

 

 

Cũng có uy thế là vị thượng toạ đại diện GHPGVNTN Ấn Quang tại địa phương. Ở cái xứ công giáo chiếm đa số, tòa giám mục địa phận Xuân Lộc đặt tại tỉnh lỵ và vị giám mục là tổng tuyên úy của quân đội, vị thượng tọa vẫn thực hiện được một trường trung học Bồ Đề và hướng dẫn một số cuộc biểu tình làm nhức nhối chính quyền tỉnh. Thầy cũng là người tích cực thuyết pháp để khuyến giáo tới từng cá nhân. Một lần thầy giảng cho một tay già về ngũ giới và bát chánh đạo. Tay già chăm chú nghe với vẻ thành kính. Sau đó, chậm rãi thưa rất chi là cung kính: “Thưa thầy, tôi vẫn cố gắng sống cho hạp đạo đức con người, không ăn chơi đàng điếm quá mức. Tứ đổ tường tôi chỉ chút chút. Như rượu chè, tôi chỉ uống rượu. Cờ bạc, tôi chỉ đánh bạc. Gái chớ không có trai. Có hút chớ không có sách!

Tay già nầy trên 60 tuổi, có thể lái xe hơn ba giờ từ đồn điền về Sài Gòn và bắt đầu ngay bốn món ăn chơi đó trong bốn tiếng đồng hồ liên tục mà không mỏi mệt. Là chủ đồn điền và thầu khoán, tay già gần như triệt để sống theo triết lý “phân nửa”. Hối lộ, lo lót cho chính quyền là tất nhiên, nhưng đóng thuế cho Việt cộng thì không bao giờ. Đồn điền trồng cà phê không khai thác được vì Việt cộng đòi đóng thuế thì bỏ hoang, hai máy ủi Bulldozer bị Việt cộng bắt giữ đòi chuộc mười triệu đồng cũng bỏ luôn, dù phải bồi thường cho cơ quan cho thuê máy ủi nầy số tiền lớn hơn.

Thượng tọa thì vẫn không nản chí. Một lần khác, thầy thuyết pháp cho một tay sồn sồn, lon lá đầy cổ áo. Nghe xong, tay lon lá nầy hỏi lại một cách “ba bừa”: “Thầy bảo ăn chay là diệt dục, vậy chớ con dê đực nó ăn cây cỏ không thôi mà sao nó quá trời gấp mười tôi?!” Sau hai vụ nầy, thượng tọa nhận thấy chỉ nên thuyết pháp trong đám đồng bào bình dân, chất phác, không có nhiều tiền cũng chẳng có nhiều quyền để sống sa đọa. Vì thầy chưa đủ công phu tu tập để “mở lời như sấm chẻ” như sư Huệ Năng (Pháp Bảo Đàn Kinh). Thầy săn tay áo cùng dân khẩn hoang cuốc đất, dựng nhà cắm dùi lập ấp ở Định Quán trên quốc lộ 20 không hề mệt mỏi, và thầy chẳng thể trở thành “sư quốc doanh”!

Với trên phân nửa diện tích là rừng, Long Khánh tất nhiên là giang sơn của những tay “nhất phá sơn lâm” loại trời đánh bảy búa không chết. Nhưng “trật búa” là với người chớ không phải với trời! Vì đất có Thổ công, sông có Hà bá, rừng có chúa Mẫu Thượng Ngàn, cho nên ở Ngã Ba Dầu Giây (giao điểm của quốc lộ 20 và quốc lộ 1) có đền Quớn, một nơi lên đồng, và thầy pháp vẫn hành nghề ở Hưng Lộc (giữa một xứ đạo) và Trảng Táo. Một tay khai thác lâm sản được bạn nhậu phong cho danh hiệu “trời đánh bảy búa không chết” đã tưởng mình có số phận “trật búa”. Một ngày mưa lâm râm, tay già nầy đi câu ếch, bị sét đánh chết. Có thể là sét đi lạc đường, nhưng sau đó, nhiều tay từ chối một cách quyết liệt danh hiệu kia trong bàn nhậu. Giỡn mặt với linh mục, thượng tọa thì được, nhưng giỡn mặt với trời là điều không nên!

Trong một số trường hợp, con người Long Khánh là con người quá độ. Một nạn nhân của cái quá độ đó là người du ca Bùi Công Thuấn, một chàng trẻ tuổi đẹp trai, kẻ có khuôn mặt đẹp nhất nước, tác giả nhiều bản du ca nổi tiếng. Người du ca dạy học ở một trường sơ cấp tại Định Quán. Một ngày đẹp trời, ông hiệu trưởng trường nầy nổi hứng lôi thuyết Darwin ra giảng cho một đám học sinh lớp ba trường làng: thủy tổ loài người là loài khỉ! Hôm sau, cái trường học nằm giữa một xứ đạo nầy vắng hẳn học sinh. Thầy giáo hiệu trưởng bèn mời phụ huynh học sinh tới trường để giải thích và xin lỗi về bài giảng trên. Người du ca phản đối trước đám đông, cho rằng thầy hiệu trưởng chẳng việc gì phải xin lỗi cả, thầy giáo có quyền dạy học trò như vậy. Phụ huynh học sinh bèn đến với người du ca từng ôm đàn kêu gọi “đến với quê hương tôi, dù khổ đau còn nhiều...” nhưng không được nhẹ tay cho lắm!

Thực ra chẳng phải chỉ có người du ca kiêm thầy giáo là nạn nhân mà cả hệ thống giáo dục công lập cũng chịu không thấu sức ép của cái quá độ trên. Quận Kiệm Tân với trên 50 ngàn dân sống san sát nhau mà không lập nổi một trường trung học cấp hai, chỉ vì một số linh mục cho rằng trường công giảng dạy theo quan điểm của bọn Tam Điểm (một tổ chức kiểu nghiệp đoàn chống giáo hội La Mã từ cuối thời Trung Cổ ở Âu châu).

Có lẽ cũng là quá độ khi quận Xuân Lộc có những ông quận trưởng dám chống lại một cách quyết liệt thượng cấp của mình. Một ông quận lên tận trụ sở quốc hội họp báo bỏ túi tố cáo ông tỉnh trưởng. Người địa phương hiểu quá rõ ông quận nầy về khả năng lớn nhất của ông ta: vừa la làng vừa ăn cướp. Sau nầy ông trở thành một dân biểu ồn ào trong cái sân khấu gọi là quốc hội! Còn ông tỉnh trưởng sống ở địa phương lâu như thổ địa, có một khả năng lớn: trồng nho, ông trồng 50 giống nho ngoại quốc mà ông đã vận động cố vấn Mỹ mua dùm trong nhiều năm. Chiều chiều ông lái chiếc xe thăm vườn nho. Bọn nghĩa quân và địa phương quân phải nằm đường giữ an ninh hoài, một bữa bèn gắn chùm nho giả lên một giây nho. Ông tỉnh trưởng từ xa tinh mắt nhìn thấy nho của ông kết trái, mừng quá khoe ầm ĩ với tài xế, còn bốc máy PRC 25 khoe với bộ chỉ huy tiểu khu. Khi tới nơi, phác giác ra sự thật, ông “xổ nho” tùm lum lên cả máy PRC25! Đó là loại “nho” duy nhất ông có trái!

Một ông quận Xuân Lộc khác được ông tỉnh trưởng giao cho bảo vệ an ninh 300 mẫu đất khẩn hoang của tổng thống Thiệu ở bên quốc lộ 1, ngay Ngã Ba Ông Đồn. Ông quận bèn huy động thân thuộc, bà con, chòm xóm cắm dùi ngay trên khu đất đó. Quả là một cách bảo vệ quá độ nhưng chắc ăn như bắp! Thế là tổng thống Thiệu chẳng được cái giải gì mà còn bị cha Thanh tố cáo là chiếm đất công ở Long Khánh. Ông tỉnh thì như ngồi phải ổ kiến lửa, bèn bắt ông quận về dinh Độc Lập giải thích nội vụ cho tổng thống nghe. Sau khi thi hành sứ mạng nầy, ồng quận trở về địa phương tuyên bố: “Tổng thống nói dân mình muốn ở thì cho dân, vì dân ở đó là gia đình cựu quân nhân, quả phụ tử sĩ.” Thế là ông quận thâu được một mớ tiền bán đất, quận Xuân Lộc có thêm một thị trấn nhỏ ở Ngã Ba Ông Đồn. Quả là một trường hợp giỡn mặt với tổng thống! Phải chăng vì Long Khánh là “địa linh nhân kiệt” (!) nên người Long Khánh chỉ giỡn mặt với trời mới chết, còn giỡn mặt với tổng thống, linh mục, thượng tọa thì không hề hấn gì?

Một nhóm trưởng ty sở địa phương có lẽ cũng nghĩ rằng Long Khánh là địa linh nên lập dự án xây đền Hùng trên núi Chứa Chan gởi đi phổ biến khắp nơi. Họ còn cử sứ giả đi vận động với cụ Đinh Văn Ri, chủ tịch hội đền Hùng, một nhân sĩ đáng kính và là bố vợ thủ tướng Khiêm. Tất nhiên vào cái năm 1972 đó, một dự án cả trăm triệu bạc như vậy khó mà được chấp nhận. Nhưng núi Chứa Chan quả là một địa điểm xứng đáng cho một đền Hùng. Nằm giữa một vùng bằng phẳng rộng lớn, ngó xuống cánh đồng Bảo Chánh mênh mông, ngọn núi cổ cao hơn 500 mét nầy chiếm một diện tích khoảng 30 cây số vuông. Từ cửa ngõ Long Khánh trên quốc lộ 1 tại Bàu Cá hoặc tại căn cứ 4 Rừng Lá người ta đều có thể thấy dáng hùng vĩ của núi. Nơi gặp gỡ định mệnh của ông Chứa bà Chan làm sinh sôi nẩy nở sắc dân Châu mạ nầy là nơi phát nguyên của nhiều con suối nuôi dưỡng cánh đồng Bảo Chánh và những vườn cây trái Gia Liêu. Bên sườn núi, người ta bảo có một ngôi chùa cổ nằm chênh vênh với một nước nhỏ bằng tô canh đục trong đá cung cấp nước trong ngọt không bao giờ cạn. Người ta cũng nói về những con dê núi thỉnh thoảng bắt gặp leo trèo dẽo dai trên sườn đá dốc, hẳn là có bộ “ngọc dương” đủ làm mơ ước những tay playboy sắp về chiều!

Thực ra khó mà biết được lúc nào các tay playboy Long Khánh về chiều. Các cụ bảo “thất thập cổ lai hi”,vậy mà ở tuổi ngoài 60, các tay già Long Khánh vẫn “ngựa phi đường xa” dẻo dai tới mức bọn trẻ khó theo kịp. Chỉ có trời mới làm các tay già nầy về hưu “vụ đó” chớ chẳng có cái “phong” nào làm mấy chả “té trên mình ngựa” được! Cỡ như vậy thì khó mà chấp nhận cho vào hàng ngũ playboy một tay tỉnh trưởng trả thù đời trên thân thể con gái. Tay nầy tham gia đảo chánh 11-11-60 và bị mất vợ khi lưu vong qua Miên. Sự nghiệp “cách mạng” của anh ta khởi đầu bằng một hành động đồ tể: cầm dao lụi túi bụi một bạn đồng binh chủng là thiếu tá Soạn đêm 10-11-60. Cách mạng 1-11-63 thành công cung cấp cho Long Khánh anh tỉnh trưởng nầy. Thời gian tung hoành trên xác thịt của anh ta không dài lắm. Khi trực thăng chở anh ta bị vướng dây điện Đa Nhim bốc cháy lao đầu xuống đất ở Định Quán, giấy bạc bay lả tả trên không.

Định Quán là quê hương của đá ba chồng với ba tảng đá to hơn cái phòng lớn chồng lên nhau theo một thế chông chênh cao hơn mười thước (nằm sát cạnh quốc lộ 20 bên cổng quận đường), chốn gởi thân của nhiều loại phong lan đẹp, nơi có rừng giá tị (teak) duy nhất của Việt Nam, nơi có con người hào hoa đã tặng cho một người đẹp địa phương một lần 24 chiếc áo sweater hiệu Montagu để nàng thay đổi mặc mỗi ngày, nơi cháu Diễm khi tắm suối La Ngà với chú Đạt đã tuyên bố: lớn lên cháu lấy chú Đạt! (cảnh mở đầu phim Yêu của Đỗ Tiến Đức). Cho nên anh tỉnh trưởng nọ có chết vì rớt phi cơ ở Định Quán thì cũng chẳng là biến cố để làm nơi nầy nổi danh. 

                                                            *** 

Giới thiệu con người Long Khánh mà chỉ nói đến những người giỡn mặt với tổng thống, linh mục, thượng tọa, những anh già “trật búa”, những tay playboy hào hoa phong... đòn gánh thì người viết đáng bị lãnh một trận mưa... mắng! Bởi vì “nhân kiệt” ít ra cũng phải là hạng người chấp nhận và vượt thắng sự thách đố. Ở Long Khánh, đó là sự thách đố của thiên nhiên và của chiến tranh (đúng hơn là của Việt cộng).

Năm 1955 khi những người miền Bắc Công giáo di cư đặt chân lên Dốc Mơ, họ không chỉ đối đầu với bệnh sốt rét ngã nước. Việt cộng đã chặt đầu vài người cắm trên cây cọc để dằn mặt họ trên mảnh đất hoang đầy cỏ và cây nầy. Họ đã chấp nhận sự thách đố của thiên nhiên, của đất và của người để biến thành một vùng nhà thờ san sát nhau và vào thập niên 70, mỗi mẫu ruộng trị giá một triệu đồng. Họ đã biến những sườn đá tổ ong bên quốc lộ 20 thành những đồi chuối chập chùng. Năm 1957, những người Nùng gia đình cựu quân nhân sư đoàn 3 dã chiến giải ngũ cũng chấp nhận sự thách đố nầy ở những vùng cách xa quốc lộ tại Bàu Hàm, Trung Hiếu, cây số 130. Hoa lợi mỗi mẫu trồng thuốc rê của họ vào thập niên 70 hơn một triệu đồng một mùa.

Đồng bào Nùng trồng thuốc rê nhưng không hút. Vào mùa hái thuốc, một đoàn người từ Cao Lãnh, Kiến Phong kéo lên đây xắt thuốc thuê. Công việc được làm về đêm, dưới ánh đèn măng-xông. Anh thợ xắc quấn các lá thuốc vào con ngựa gỗ cụt đầu, tay đưa nhanh lưỡi dao cầu xăct thành từng sợi mỏng. Một nhóm ba, bốn cô gái trải các sợi thuốc trên các tấm phên tre, lấy chân dậm đều trước khi đem phơi sương. Bắp chân các nàng tròn trắng, các nàng cười nói đưa đẩy với anh chàng xắc thuốc. Và định mệnh đã an bài: những chàng xắc thuốc Cao Lãnh nổi tiếng nhiều vợ! Thuốc phơi chừng ba, bốn sương thì có thể đóng thành bánh hình hộp mỗi bề chừng nửa thước để đem bán.

Trước đồng bào Công giáo di cư và đồng bào Nùng hơn hai thập niên, những công nhân đồn điền cao su của hãng SIPH và Terre Rouge còn chấp nhận sự thách đố khốc liệt hơn, cuộc sống thảm kịch của các phu cạo mủ làm cho các đồn điền cao su trở thành môi trường hoạt động tốt cho cộng sản. Vậy mà các xã đồn điền An Lộc, Cẩm Mỹ, Thới Giao đã là những thành trì chống cộng. Đây không chỉ là sự chấp nhận thách đố mà còn là sự vượt thắng.

Với những vượt thắng đó, tôi tưởng đã có thể bắt đầu viết một thiên anh hùng ca về Long Khánh. Khi những chủ nhân của các công ty SIPH và Terre Rouge đóng thuế cho Việt cộng, khi cộng sản đã có gần hai thập niên tuyên truyền tại các đồn điền cao su, khi bao nhiêu công nhân trở thành viên chức xã ấp bị chúng sát hại dã man, các xã đồn điền vẫn kiên cường và dứt khoát chống cộng đã trở thành các điểm hào quang của cuộc chiến hơn 20 năm. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4-75 khi chính phủ bỏ Long Khánh cho Việt cộng chiếm, những viên chức xã ấp lãnh đạo cuộc chống cộng tại các xã đồn điền đó đã bị cộng sản sát hại. Họ đã sống, đã chiến đấu, đã chết như những nhân vật của một thiên anh hùng ca, những nhân vật không có lon lá, không có huy chương đầy ngực áo mà chỉ có một lập trường, một lý tưởng. Phần đóng góp của họ, của “những người lính không số quân” trong cuộc chiến hơn 20 năm ở Long Khánh làm cho miền đất nầy trở thành một chiến trường oai hùng.

Ở đó, người thiếu niên nhân dân tự vệ Tống Văn Nam được đồng bào Năm Sao (Định Quán) yểm trợ để tổ chức một nhóm “biệt kích” nhân dân tự vệ đi lùng và tiêu diệt Việt cộng chứ không chỉ chờ giặc tới.

Ở đó, nghĩa quân và nhân dân tự vệ của cái xã vườn rẫy Tân Lập là một bộ phận khắng khít tự bỏ tiền ra mua đại liên M60 và súng M16 để cùng nhau bảo vệ làng xã. Ai bán súng cho họ? G.I Mỹ, có thể thuộc đơn vị công binh Seabees hoặc đơn vị kỵ binh không vận hoạt động gần đó. Chẳng hiểu các chú G.I có cẩn thận lựa chọn kỹ đối tượng để bán súng không, hay các chú chỉ cần có tiền là có súng. Cũng không rõ mấy anh Mỹ viết về Vietnam War vó biết chuyện bán súng nầy không.

Ở đó, tại xã đồn điền cao su An Lộc, các hội viên hội đồng nhân dân xã bỏ tiền túi ra mua súng M16 để hướng dẫn nhân dân tự vệ hoạt động. Trong cuộc chiến hơn 20 năm, đánh võ miệng là nghề của nghị sĩ dân biểu, không phải là nghề của dân cử cấp xã ở Long Khánh.

Ở đó, ở cái xã Hàm Thuật (Bàu Hàm) của đồng bào Nùng cuối năm 1968, không có ai chịu đứng ra ứng cử hội đồng xã, chính quyền quận Xuân Lộc cố vận động thuyết phục chỉ kiếm được vừa đủ số ứng cử viên cần thiết vào phút chót. Khi niêm yết danh sách ứng cử viên theo thể lệ bầu cử, các ứng cử viên đồng loạt xin rút tên. Họ sợ Việt cộng bắt giết họ. Cuộc bầu cử chỉ thành hình sau những màn năn nỉ, thuyết phục của quận. Đắc cử rồi, các ông dân cử xã can đảm ra, làm đà tiến cho nhân dân tự vệ hoạt động. Nếu có cái gọi là “chuyện dài nhân dân tự vệ” mà báo chí Sài Gòn hồi thập niên 70 khai thác một cách vô trách nhiệm, thì ở Long Khánh đó là chuyện dài của những người lính không có số quân tự túc, tự cung, tự vệ để làm phục sinh, làm bừng dậy sức sống của xã ấp.

Điển hình là câu chuyện liên ấp Trung Hiếu của đồng bào Nùng (Xuân Lộc) nằm không xa mật khu Mây Tàu. Cuối năm 1968, khi chính quyền thực hiện chiến dịch ‘tấn công, bình định” tái chiệm lại liên ấp nầy, các đồng bào Nùng thấy cách tốt nhất để được tiếp tế gạo khỏi phải ăn bắp trường kỳ và thâu hoa lợi tốt trên nương rẫy là tạo an ninh cho ấp. Thế là nhân dân tự vệ lập vòng đai và công sự phòng thủ, xin cấp súng để bảo vệ ấp. Nhưng khẩu Garant M1, shotgun, tiểu liên Thompson cổ lỗ và một ít lựu đạn đã giúp họ làm tốt tình trạng an ninh cả ngày lẫn đêm.

Chính những con người tốt chứ không phải vũ khí tốt tạo nên an ninh là bài học lớn của chiến tranh Việt Nam còn được chứng tỏ ở xã Cẩm Tâm, một xã đồn điền. Trong ba năm 1966, 1967, 1968 xã Cẩm Tâm cũng còn coi như mất vì toàn bộ chính quyền xã ấp ở đây là một ông xã trưởng kiêm đủ mọi chức vụ. Cuối năm chính quyền quận mới có dịp trở lại đây vận động tổ chức bầu cử xã ấp, tuyển mộ nghĩa quân, vận động huấn luyện nhân dân tự vệ. Xã nghèo, dân ít, rừng cao su thì bạt ngàn, mọi người dựa vào nhau để chiến đấu và để sống, để tạo lại sinh khí cho xái xã mà số nhà bỏ trống cỏ hoang mọc chiếm quá nhiều. Khi những thầy xu, thầy ký đồn điền trở thành hội viên hội đồng xã thì họ không phải là hình ảnh thầy xu, thầy ký của thập niên 20, 30, 40 nữa. Ngày họ đi làm kiếm cơm, tối vác súng cùng nhân dân tự vệ đi tuần, đi kích hay phòng thủ tại chỗ. Họ là những ông già tuổi 50, 60 vợ con đùm đề, công ăn việc làm tốt, vác những khẩu súng chế tạo từ đầu thế chiến thứ hai trở về trước để đi theo một chính nghĩa. Chính nghĩa đó không được đánh bóng bởi một ông tổng thống quan lại, một ông tổng thống độc diễn, bởi những đài truyền thanh truyền hình là chỗ để ông tổng thống độc diễn đến độ nhàm chán. Chính nghĩa đó cũng không trả lương cho họ, không cấp huy chương mà cái chết có thể chờ đợi họ bất cứ lúc nào ở một chỗ nào đó. Họ đã nghe bao nhiêu tuyên truyền của cộng sản, đã thấy bao nhiêu viên chức xã ấp bị sát hại trong hai năm 66, 67 bao nhiêu người đã bỏ đi nơi khác để sinh sống. Họ đã ở lại, đã lựa chọn chẳng được gì ngoài một lý tưởng, một thứ ‘ma túy’ ở Long Khánh.

Cuộc chiến hơn 20 năm sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có những lựa chọn đó. Bởi vì đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Thiên anh hùng ca viết về cuộc chiến hơn 20 năm không thể chỉ là thiên anh hùng ca viết về quân lực VNCH. Nó phải là, trên hết và trước nhất, thiên anh hùng ca của những người có một lựa chọn dứt khoát, sống và chết cho lựa chọn đó. Chừng nào chúng ta viết nổi thiên anh hùng ca đó? Chừng nào những người viết lưu vong cảm thấy có trách nhiệm phải chứng minh sự ra đi của mình là một lựa chọn dứt khoát, không phải là một hành động trong hoảng loạn, một “cuốn theo chiều gió” của thời kỳ từ cuối tháng 4-75 trở về sau.

Ở một miền đất còn xa lạ mang tên là Long Khánh, trong dĩ vãng có thể đang mờ dần của cuộc chiến hơn 20 năm, đã lóng lánh những hào quang của một lựa chọn dứt khoát từ nơi những con người bình thường. Không phải là một tình cờ lịch sử mà 13 ngày của mặt trận Xuân Lộc (8-4 đến 20-4-1975) là 13 ngày “rửa mặt” cho VNCH. Trong trận chiến chỉ kéo dài 55 ngày đã chiếm được miền Nam thì 13 ngày bị chận đứng lại ở Long Khánh là một cú thắng gấp có khả năng làm lật xe, nếu cấp lãnh đạo VNCH có tài và có can đảm. Ở giờ đầu của mặt trận Xuân Lộc, 6 giờ sáng 8-4-75, Việt cộng sau khi pháo kích ào ạt đã cho đặc công tràn ngập phân nửa phía đông tỉnh lỵ gồm khu bến xe, chợ và nhà thờ chánh tòa Xuân Lộc, 9 sáng cùng ngày, đặc công Việt cộng bị quét ra khỏi tỉnh lỵ. Và trong 13 ngày của trận Xuân Lộc, ba sư đoàn Việt cộng vừa dậm chân tại chỗ vừa bị mẻ nặng. Quyết định di tản lực lượng chủ lực và tiểu khu khỏi Long Khánh tối ngày 20-4-1975 dù được giải thích là một quyết định chiến lược  thì cũng đã chấm dứt thời kỳ “rửa mặt” cho VNCH và bắt đầu lại thời kỳ “rửa mặt” cho Văn Tiến Dũng. Ở những giờ cuối cùng của mặt trận Xuân Lộc, viên chức xã ấp và nhân dân tự vệ của Bảo Thị, Thới Giao, An Lộc, Dầu Giây vẫn còn chiến đấu quyết liệt với lực lượng chính quy của Việt cộng. Cái giá mà họ phải trả khi cấp lãnh đạo VNCH nhường cho Việt cộng ung dung tiến vào Xuân Lộc sau đêm di tản 20-4-75 không nói ra ai cũng có thể hiểu. Những trang sử viết về mùa xuân 1975 không thể bỏ qua cái giá phải trả đó của những người đã chấp nhận một chọn lựa.

Chính cái chọn lựa đó chứ không phải là một tình cờ lịch sử mà những người dân ở các ấp mang tên Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học là những người chống cộng quyết liệt, từ em bé 13 tuổi cho đến ông già ngoài 60. Họ làm sao có thể có chọn lựa khác được khi họ đã chọn những vị anh hùng lịch sử để đề nghị đặt cho tên ấp. Sự chọn lựa của họ vang vọng một câu hỏi cho tới bây giờ: những người tự nhận là con cháu những vị anh hùng lịch sử đó – chúng ta đây – có thể và có quyền có một lựa chọn khác hơn sự lựa chọn của họ không?

Cũng không phải là một tình cờ của định mệnh mà những người Bắc Công giáo di cư (như ở ấp Nguyễn Huệ, Bảo Thị) những người Trung từ hơn nửa đời cạo mủ cao su (như ở Dầu Giây, An Lộc, Thới Giao) như những người Nam chơn chất làm rẫy bái (như ở Tân Lập) những đồng bào Nùng (như ở Năm Sao, Bàu Hàm, Trung Hiếu) có một điểm đồng quy là thắp sáng chính nghĩa để tự thắp sáng mình. Trong cuộc chiến hơn 20 năm, những điểm sáng đó đâu có thể thiếu trên quê hương chúng ta. Nếu có người trong chúng ta chưa thấy chỉ vì họ không chịu nhìn. Cứ đi, sẽ đến; cứ gõ, cửa sẽ mở; cứ nhìn, sẽ thấy. Hình như Thánh Kinh bảo vậy.

Thời gian vừa đi hết một vòng 12 con giáp kể từ mùa xuân đổi đời tàn khốc. 12 năm dài đủ để làm một cuộc nhìn lại. Và khi nhìn lại có thể chúng ta sẽ nhìn thấy những điểm sáng long lanh của cuộc chiến ý thức hệ hơn năm. Nhìn thấy rồi nhìn lại mình. Có phải viết về những điểm sáng là một cách thắp sáng ngồi bút mình không nhỉ?

 

Ngô Lang

Trích trong nguyệt san Làng Văn số 33 tháng 05/1987 – Canada

304Đen – Llttm – MT68

No comments: