Wednesday, March 27, 2019

Đà Lạt Một Trăm Năm - Tản Mạn Về Cái Đẹp Và Nỗi Đau - Vũ Hoài



Đà Lạt một trăm năm – Tản mạn về cái đẹp và nỗi đau
 
 

   

Lời một bài hát cũ, một trong những bài hát hay nhất về Đà Lạt, nay ít được nghe: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa”. Đà Lạt có nhiều tên gọi rất đẹp, rất thơ, mà “xứ hoa đào” là một. Đó là mai anh đào, một vẻ đẹp chóng phai tàn. Cuối đông, thường là trước và sau Noel một tuần, mai anh đào nở rộ rồi tàn rụng: Những ngọn lửa hồng nhạt bập bùng, không, những đám khói sương hồng sưởi ấm vội vàng những con đường dốc giá lạnh của phố núi. Đó chỉ là hình ảnh của một ngày xưa đã mất, một tên gọi đã thuộc về dĩ vãng (?!). Những cây mai anh đào còn sót lại bây giờ chỉ là những cành cụt, những gốc sù sì bắt đầu mục rã.

Người ta có thể chặt mai anh đào nhưng khó phá được đồi Cù. Đồi Cù gồm ba ngọn đồi thoai thoải dọc theo hồ Xuân Hương, ngay trong trung tâm thành phố, cùng với hồ Xuân Hương làm nên ba phần tư vẻ đẹp của xứ hoa đào. Thảm cỏ trên đồi thông, không, đồi thông trên thảm cỏ. Thông rải rác, vừa đủ cho thảm cỏ thêm dịu dàng. Xanh mượt mà, không, xanh phớt tím đến nao lòng. Những đường cong mềm mại của thảm cỏ cùng với ngọn thông hiền hòa in lên nền trời xanh biếc không thua gì vùng trời xứ biển. Những đàn bò và ngựa lang thang. Được thôi. Lẽ nào bò và ngựa không được lang thang trên đồi cỏ. Chúng cũng được quyền tự do như những cặp tình nhân khao khát một thảm cỏ và một bóng mát cho cuộc tình. Nhưng đau lòng là những đám cháy trong mùa khô, mùa du lịch. Màu xanh phớt tím đã trở thành những mảng nâu đen loang lổ chẳng khác gì những vết nám chợt xuất hiện trên gương mặt tuyệt đẹp của giai nhân.

Đà Lạt còn nổi tiếng với những tháp chuông nhà thờ: nhà thờ Con Gà, nhà thờ Viện Đại học… Đặc biệt là tháp hình quả chuông của trường lycée Yersin cũ (nay là trường Cao đẳng Sư phạm): một cô gái bí ẩn trùm khăn xám nhô lên trong rừng thông và sương mù bên hồ Xuân Hương, phía đông nam thành phố. Ai muốn giữ ảo ảnh về cô gái huyền hoặc này xin đừng lại gần: chiếc khăn quàng cũ kỹ thủng lỗ chỗ không người vá. Công trình kiến trúc độc đáo này dột nát khắp nơi và không một cửa kính nào còn nguyên vẹn.

Công trình kiến trúc, một đặc trưng của thành phố với hàng ngàn biệt thự, khách sạn đủ kiểu. Nhà Thủy tạ, một nhà hàng thanh lịch và duyên dáng có cả cầu nhảy, hầu như không có tường, chỉ có khung sườn và cửa kính mà hài hòa lạ thường. Tên chính thức đầu tiên của nhà hàng được khắc trên mặt quay ra hồ: La grenouillère (ao có nhiều ếch nhái), gợi lên hình ảnh một con nhái bé nhỏ, xinh đẹp, nằm khiêm nhường soi bóng bên hồ. Cần gì những biểu tượng lớn lao. Như mới đây, cái gọi là “công trình mỹ thuật” được cấp tốc xây dựng ngay giữa trung tâm thành phố: Một tháp Eiffel (?!) chân lư hương thấp lè tè, lai nửa tây nửa tàu, đội quả địa cầu và một con chim bồ câu nặng nề chới với không bay lên nổi, nằm lọt thỏm trong lòng chảo trước chợ Hòa Bình thay cho bồn hoa thanh nhã hài hòa xưa kia. Đó là “tác phẩm” của một tên lừa đảo và những ai ủng hộ nó trong âm mưu làm ăn đen tối, Lâm Cẩu – Đại Thành, một cái tên mà hiện nay nhân dân cả nước mới nghe nhắc đến đã phải chau mày.

Cũng như đồi Cù, không có hồ Xuân Hương không thể có Đà Lạt. Hồ trên núi. Hồ trong phố. Sự phối hợp tuyệt vời của thiên nhiên và trí tuệ con người. Mặt hồ là một bài ca tĩnh lặng phảng phất khói sương, là tấm gương phản chiếu, nhân lên, làm lung linh những ô cửa sổ sáng đèn của phố núi. Những chiếc pédalo êm ả lướt trên mặt hồ với những đôi tình nhân, những em bé hớn hở, những gia đình hạnh phúc. Mặt hồ không chỉ có thế. Còn những chiếc thuyền câu sục sạo suốt ngày đêm, những người kéo lưới đầm mình trong nước buốt giá. Và cả một gia đình chài lưới sống hẳn trên mặt hồ với một bè tre, gọng vó, mui thuyền lụp sụp, quanh năm lặn lội trong làn nước lạnh thấu xương. Mấy người khách nước ngoài đi xe ngựa dạo chơi ven hồ đã nhảy vội xuống bấm máy chụp hình một chiềc thuyền câu và những người đang kéo lưới. Có lẽ đối với họ đây là một cảnh đặc biệt sẽ đưa vào bộ ảnh sưu tầm mỹ thuật. Đối với tôi, người Đà Lạt đi ngang qua chứng kiến, lòng nhói đau như một vết cứa sâu vào da thịt.

Nhân dân lao động, những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ sáng tạo ra lịch sử, ra của cải vật chất và tinh thần. Vinh quang thay. Ở đây, những người sản xuất rau cải, những kẻ thực sự nuôi sống Đà Lạt, dầm mình trong mưa rét, trong sương muối, trong đất đỏ ba dan dẻo quánh, hít mùi phân bón và thuốc trừ sâu quanh năm. Cả những người mua bán rau cải đêm không ngủ, họp chợ “âm phủ” lúc nửa khuya. Tất cả đều bị xua đuổi chạy hết nơi này đến nơi khác để làm đẹp cho thành phố du lịch. Có ai nghĩ rằng chợ rau cải, cũng như chợ hoa, là một cảnh sinh hoạt đặc trưng rất văn hóa, một vẻ đẹp độc đáo của thành phố này mà khách du lịch cần phải đến và phải được chăm lo chu đáo hơn cả những vũ trường, những quán cà phê nhạc xập xình, đèn xanh đỏ mọc lên khắp nơi. Đó là chưa kể giá cả nhiều lúc rẻ mạt và những người sản xuất phải cắn răng chấp nhận vì đó là nguồn sống duy nhất, thậm chí có lúc phải để thối rữa hàng núi rau cải vì không bán được. Hỡi những nhà lãnh đạo, những nhà kế hoạch, những nhà kinh tế tài ba, hãy trồng thử đi, lấy một ký cà rốt, một ký khoai tây, một bắp su-lơ, để thấy được công sức của người lao động.

Còn những nhà khoa học, văn nghệ sĩ? Có nhà khoa học bằng cấp hẳn hoi, tốt nghiệp ở nước ngoài về, khi muốn thí nghiệm phải làm phòng vô trùng trên trần nhà vệ sinh và đi bưng phở cho vợ bán kiếm sống. Có học giả, cô độc, sống dở chết dở trên công trình nghiên cứu một đời mình không sao công bố được và cũng không được phép bán tư liệu riêng để kiếm sống. Có bao nhiêu văn nghệ sĩ đi cuốc đất, làm thợ hồ, vẽ thuê, chụp ảnh dạo, vì phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.

Không. Bộ mặt thành phố rực rỡ vô cùng, nhất là trong mùa du lịch. Xe cộ tối tân bóng loáng mang bảng số khắp mọi miền đất nước đậu dày đặc. Quần áo sang trọng, đủ mốt mới nhất của du khách, của trai thanh gái lịch. Dạo chơi, ăn uống, chụp ảnh, nhảy đầm, quay vidéo… Đẹp và vinh dự thay cho thành phố khi du khách tràn ngập. Nhưng sao tôi vẫn thấy nổi lên trong đó những người phụ nữ Đà Lạt. Cả những cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp, má hồng, mắt long lanh, quanh năm mang giày nhựa và bốt cao cổ, còn mùa mưa choàng thêm tấm ny lông như ngày xưa “bộ đội giải phóng” mới vào thành phố. Đó là những người sản xuất và mua bán rau cải mà nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với đất bùn và nước ướt át để mang lại những thức ăn ngon trên bàn tiệc mà những người thưởng thức không ai nhớ tới họ. Những người ăn xin cụt tay, cụt chân, gần như trần truồng nằm vật vã ăn xin ngay giữa đường, trong cơn mưa. Những em bé cầm thau chạy lẳng nhẳng theo khách nước ngoài và Việt kiều xin tiền. Những người khuân vác mướn đi thất thểu mà công cụ lao động chỉ là chiếc đòn gánh và sợi dây thừng. Những đồng bào dân tộc ít người rách rưới, bẩn thỉu địu con ngồi gặm khoai lang bên lề đường chờ bán mấy khúc củi ngo, mấy cây cán cuốc lấy tự trong rừng sâu ra. Những người thợ đan len tài hoa, cần cù, miệt mài ngày đêm đan hàng xuất khẩu, xuất tỉnh và bán cho khách du lịch, phần lớn trong số họ và những người lao động khác, không mặc những chiếc áo len tuyệt vời được làm ra từ xứ lạnh này. Họ mặc những “đồ cũ” (mà người dân thường gọi là “đồ si-đa”) bày bán trước cầu thang chợ và các vỉa hè chung quanh khu Hòa Bình. Họ có việc làm dù với tiền công rẻ mạt để kiếm sống qua ngày cũng đã là hạnh phúc rồi (?!).

Không chỉ khách du lịch mới đẹp và sang. Dân Đà Lạt hiện nay cũng có người có xe hơi riêng, xe cup, tivi màu, đầu vidéo… không kể những xe hơi tối tân đời mới nhất của cơ quan. Họ là ai và làm cách nào để có được những thứ đó, tôi không rõ. Nhưng tôi biết hầu hết những giáo viên từ mẫu giáo đến đại học đều đi xe đạp. Trên những con đường dốc tuyệt vời đối với du khách một thoáng dạo chơi, họ còng lưng đẩy xe lên dốc với một bao gạo và bó rau đèo phía sau.

Có lần tôi nói với một người bạn, một nhà thơ, về nỗi cay đắng trước sự mâu thuẫn đến ngang trái này. Anh đồng cảm với tôi nhưng nói rất phóng khoáng: “Đó là cuộc sống. Cuộc sống vốn đa dạng và cực kỳ mâu thuẫn”. Anh không an ủi được tôi và tôi biết anh cũng không thể tự an ủi. Vì lẽ nào ta đành chấp nhận thứ trật tự an bài này mà không đau, không phẫn nộ.

Không phải chỉ trong nhân dân lao động mới có những cảnh bất công ngang trái. Có những cán bộ đã quá tuổi hưu, hết năng lực, thậm chí bắt đầu lẩm cẩm, vẫn cứ muốn tiếp tục “cống hiến” (?!) để được hưởng bổng lộc, đi chiếc xe sang, ở căn nhà rộng. Những gì ông ta hưởng thụ, thực ra nếu ông ta có đến ba đời làm cách mạng cũng chưa tương xứng. Có cán bộ về hưu xây nhà lầu, mở khách sạn và người ta đặt câu hỏi nếu không ăn cắp, lương cán bộ một đời của ông ta cũng không đủ để xây một căn nhà bếp và nhà vệ sinh ông đang ở. Thế nhưng có những cán bộ về hưu phải đi bán quán, chăn bò (dù có quán để bán, có bò để chăn đã là khá quá rồi), tệ hơn nữa phải đi làm thuê, hốt phân bò phân ngựa về trồng trọt (trên đồi Cù và dọc hồ Xuân Hương luôn có người đi hốt phân nên bò ngựa thả rong nhiều mà không bẩn).

Những điều trên là tản mạn chấm phá, tản mạn về cái đẹp và nỗi đau, không phải vẽ ra bức tranh toàn cảnh. Thế nhưng Đà Lạt có cái gì mới không? Có đấy. Nhìn bề ngoài, mấy năm gần đây, một số khách sạn được xây dựng lại hoặc làm mới trang thiết bị nhờ liên kết với các tỉnh bạn, một số đường mới được sửa chữa, cửa hiệu mở ra nhiều, hàng hóa phong phú… nhưng tất cả đều có mặt trái không lấy gì làm đẹp. Liên kết hay cho thuê, bán nhà bán đất. Đường làm chắp vá, kỹ thuật thô sơ nên mùa khô bụi mù, mùa mưa không mấy chốc tróc lở. Cơ quan nhà nước làm ăn thua lỗ, lấy trụ sở cho tư nhân thuê lại mặt bằng để buôn bán… Đó là chưa kể bao nhiêu vụ bê bối mà báo chí mới nêu gần đây về lâm nghiệp, du lịch, tín dụng, trù dập những người chống tiêu cực, hành hung nhà báo… đang làm dư luận xôn xao.

Một nhà nghiên cứu trong công trình viết về “Cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển ngành du lịch thành phố Đà Lạt” cho rằng “không một người Việt Nam nào, trước hết ở các thành phố, thị trấn miền Nam và cả ở miền Bắc, không có ý muốn đời mình một lần được đến Đà Lạt” và cho biết qua một cuộc khảo sát xã hội học ở Hà Nội, số người thích thấy Đà Lạt không thua kém, gần xấp xỉ số người thích đi tham quan Vịnh Hạ Long. Tôi giật mình khi thấy trên quầy sách mới bày bán cuốn “Đà Lạt, thiên đường du lịch”. Tôi chưa đọc cuốn sách vì không đủ tiền mua nhưng cứ băn khoăn về hai chữ “thiên đường”. Lẽ nào tôi đang sống trên thiên đường mà không biết và không thấy mình hạnh phúc. “Thiên đường mù” hay tôi mù trước thiên đường?

Tôi không phải là kẻ hoài cổ nhưng Đà Lạt trong ký ức, lần đầu tôi đến cách đây hơn hai mươi năm (Đà Lạt của ngày xưa) và cũng là Đà Lạt trong mơ ước ngày mai của riêng tôi, phải là một thành phố nhỏ tĩnh lặng nhưng xao xuyến giữa lưng trời. Đó là xứ sở của những tuần trăng mật, của những cặp tình nhân; nơi nghiên cứu và sáng tác của những nhà khoa học, văn nghệ sĩ; chốn xoa dịu thần kinh cho du khách bị cuộc sống sôi động dày vò từ khắp nơi tìm về.

Đà Lạt cần một tạp chí văn học nghệ thuật và văn hóa (như tờ Đà Lạt Du lịch và tạp chí Langbian đã chết yểu), một tập ảnh lưu niệm ra hồn, một băng nhạc với giai điệu tuyệt vời của gió ngàn thông và sóng vỗ mặt hồ, những cuốn sách nghiên cứu về đất nước và con người đầy huyền thoại, một phòng triển lãm tranh (chứ không phải là phòng tuyên truyền cổ động như hiện nay mà mỗi khi triển lãm tranh, số người xem xô bồ, thiếu văn hóa, đã xé, viết, vẽ bậy lên tác phẩm), một phòng hòa nhạc, một câu lạc bộ văn hóa, một nhà sáng tác, một nhá hát… và những khách sạn ra khách sạn, hơn là những vũ trường và những phòng mát-xa đã một thời rộ lên. Đà Lạt đâu cần và cũng không theo kịp sự sầm uất của một góc phố Sài Gòn – Chợ Lớn.

Nhiều viên đá năm xưa xây bọc chung quanh gốc cây ven hồ Xuân Hương đã nứt vỡ vì không chịu nổi sự phát triển của cây đã trưởng thành. Đó là hình ảnh của quy luật và biểu hiện của một kêu đòi. Những người lãnh đạo phải ngang với tầm cao của nhân dân và đất nước. Vấn đề đó không phải chỉ của riêng Đà Lạt mà của cả nước, của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó là lịch sử, không ai có thể nhân danh bất cứ cái gì để kềm hãm bước phát triển của loài người hướng về tương lai chân-thiện-mỹ.

Cái đẹp mong manh. Cái xấu thô bạo và ngu dốt. Nỗi đau quặn thắt. Cái xấu phát triển lan tràn mạnh mẽ nhưng nỗi đau nung nấu sục sôi. Và cái đẹp vĩnh viễn là khát vọng của con người.

Những dòng trên đây tôi viết vào năm 1991. Tôi có nói: “Người ta có thể chặt cây anh đào nhưng khó phá được đồi Cù”. Tôi đã lầm. Năm nay, 1993 – kỷ niệm 100 Đà Lạt – người ta đã phá tung dồi Cù. Đó là công viên thiên nhiên, là vườn chung tự do của dân thành phố và khách du lịch, là một mảnh thiên đường của trẻ thơ và những cặp tình nhân. Mảnh thiên đường đó nay đã mất.

Trong một chương trình gọi là hợp tác liên doanh với một công ty nước ngoài, người ta đã bán đồi Cù đi trong hai mươi năm. Mặc báo chí, dư luận trong và ngoài tỉnh phản đối kịch liệt, người ta vẫn rào đồi Cù lại. Bò ngựa không được vào, dĩ nhiên và người cũng không vào được. Mọi người chỉ đứng ngoài nhìn. Thỉnh thoảng có cặp tình nhân lén lút vạch hàng rào chui vào để tìm một thoáng riêng tư. Ít lâu sau, điều này cũng không thể làm được. Người ta huy động hàng trăm xe, máy hiện đại đào xới phá tung đồi Cù cũ lên để làm sân golf mới. Thoạt nhìn, thật khủng khiếp cho những ai đã quen nhìn thấy một đồi Cù mượt mà êm ả. Cỏ bị ủi sạch. Đất đỏ đào bới lên khắp nơi để tạo hình lại. Từng đống khổng lồ, đất, cát, đá, đổ ngổn ngang. Như một vùng đất mới bị bom hoặc một trại lính Mỹ thời chiến tranh. Thật sự là một hình ảnh kinh hoàng.

Không. Người ta không phá hoại. Người ta đang xây dựng lại “đàng hoàng hơn. to đẹp hơn”. Việc rào đồi Cù được giao cho một số cán bộ hưu thầu. Những người trước đây làm đảng và chính quyền rất khó chịu vì luôn phê bình, chỉ trích nay được nhận một công việc có lợi nhuận cao đã trở thành “há miệng mắc quai”, không còn lên tiếng gì nữa, ngược lại, còn phải bênh vực chủ trương của đảng và nhà nước. Nhiều công việc đòi hỏi nhân công san ủi mặt bằng, đào hồ, trồng cỏ, làm cống thoát nước, xây dựng nhà cửa… Hàng trăm người lao động đã có việc làm tạm thời. Không lâu nữa, đồi Cù sẽ đẹp hơn.

Có thể đồi Cù sẽ đẹp hơn và thực sự là đồi Cù theo nghĩa đen, một sân golf có tiêu chuẩn quốc tế hiện đại đầu tiên của Việt Nam như người ta đang quảng cáo. Tôi hình dung một sân golf thật đẹp đẽ sang trọng với “hoa chăm, cỏ xén, lối thẳng, cây trồng”. Những chiếc xe hơi bóng loáng, thậm chí cả máy bay trực thăng sẽ đưa những ông chủ mặc đồ thể thao từ những khách sạn hiện đại đến để đánh golf, uống bia, mát-xa và hưởng thụ những trò vui giải trí ngoại hạng trong khu-vườn-thiên-đường-riêng của họ. Tôi nghe có người nói, ngay từ khi khởi công, công ty xây dựng đồi Cù đã quảng cáo bán thẻ hội viên câu lạc bộ golf ở nhiều nước với số tiền lên tới vài chục ngàn đô la. Những ông chủ giàu sụ khắp thế giới sẽ đổ về đây, nơi đẹp nhất trên “thiên đường du lịch” của đất nước này.

Tôi không phản đối việc xây dựng sân golf hiện đại có tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng người ta hầu như đã phá tung đồi Cù để xây dựng sân golf mới, tại sao lại không làm ở một nơi khác? Chỉ cần ba, bốn ngọn đồi tương tự ở ven thành phố, nơi nào chẳng có. Các ông chủ đâu có đi bộ đến đó để chơi golf. Hãy tạo cho họ một khu-vườn-thiên-đường-riêng để thu ngoại tệ nhưng đừng tước đoạt mất mảnh thiên-đường-chung-tự-do của trẻ thơ, những cặp tình nhân, của nhân dân Đà Lạt và du khách. Tại sao lại có sự đánh đổi ngu xuẩn như thế khi ta có thể làm được cả hai? Những nguồn tin mới nhất cho biết, tỉnh và thành phố đang quy hoạch xây dựng thêm ba sân golf nữa ở các vùng ven thành phố Đà Lạt. Khi phỏng vấn một người lãnh đạo của thành phố về chuyện đồi Cù, có nhà báo đã hỏi “Tại sao lại đem bán đồi Cù là của hương hỏa đi?”. Đúng là người ta đã đem bán cả của hương hỏa. Và cho đến giữa thế kỷ 21, chưa chắc đã có mấy người Việt Nam bước vào sân golf thiên đường này của những ông chủ nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người muốn ngả mình trên thảm cỏ của đồi Cù xưa.

Khách sạn Palace Đà Lạt đang được tu sửa, nâng cấp và xây dựng thêm. Khách sạn Langbian bị đập nát, hốt sạch để lấy mặt bằng xây dựng một cái gì đó. Chợ Đà Lạt được chuyển tạm để làm lại, xây dựng thêm. Nhiều trường học cũng được bán đi để làm khách sạn hay chuyển thành nơi sản xuất, kinh doanh kể cả những trường nổi tiếng như trường Trần Hưng Đạo, trường Kỹ thuật Lasan hay trường có truyền thống lâu đời như trường Đoàn Thị Điểm… Người ta nói Đà Lạt đang thay da đổi thịt từng ngày. Quả có thế.

Những ngôi biệt thự sang trọng nhất lâu nay nhà nước quản lý nay hóa giá cho cán bộ trung cao cấp. Nhiều biệt thự mới do một số cán bộ có tiền cất lên trị gía vài trăm cây vàng. Nhiều nhà cửa khác mọc lên ở các khu phố mới, những sườn đồi tuyệt đẹp như dọc đường Bùi Thị Xuân, hầu hết cũng là của cán bộ, bà con cán bộ và nhất là của công an, những người làm chủ thực sự thành phố thiên đường du lịch này.

Còn nhân dân lao động? Những người trồng và mua bán rau cải vẫn dầm mình trong mưa gió và mùi phân, thuốc trừ sâu; oằn mình dưới gánh nặng đi qua đèo dốc để đến chợ Âm Phủ lúc nửa đêm. Những người bán hàng bên lề đường, những người bán hàng rong vẫn bị dỡ quán, đuổi chạy hết nơi này đến nơi khác. Người thợ chụp ảnh dạo gìa vẫn đứng co ro gặm bánh mì trong gió lạnh, bên gốc cây bờ hồ đợi khách. Những người gánh thuê vẫn mệt mỏi đặt đòn gánh xuống ăn vội đĩa cơm bên hè chợ. Những thầy cô giáo vẫn hối hả đạp xe đến trường và hốc hác, tái nhợt trên đường về. Những người thợ đan vẫn miệt mài còng lưng kéo máy và thấp thỏm về ngày mai chưa chắc có hàng để đan. Những trí thức, văn ngệ sĩ vẫn đi làm thuê, bán quán. Những anh bộ đội, sĩ quan của Học Viện Quân Sự vẫn đan giỏ, nuôi heo, trồng bí mang ra chợ bán. Và đội ngũ những người chạy “xe ôm” xuất hiện ngày càng đông đảo với đủ mọi thành phần, đứng vêu vao chờ đợi ở mỗi ngã ba, ngã tư đường. Và chiếc bè đánh cá sau một thời gian bị đuổi nay lại xuất hiện trên hồ Xuân Hương.

Có người nói bất công là chuyện muôn thuở. Nhưng những người cộng sản đã nhân danh những lý tưởng cao đẹp, công bằng xã hội để làm cách mạng nay lại mang đến một xã hội bất công còn tệ hại hơn nhiều so với xã hội họ đã đạp đổ. Đó là vì những người lãnh đạo cộng sản bất tài không biết cách xây dựng sau chiến thắng hay mục tiêu của những người cộng sản sau khi nắm chính quyền thực chất cũng chỉ là bóc lột và hưởng thụ? Và nhân dân lại cần một cuộc cách mạng, nhiều cuộc cách mạng khác chứ không phải như lời bài Quốc Tế Ca: “Đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Không có cuộc đấu tranh nào cuối cùng cả. Những cuộc đấu tranh là vô tận khi còn loài người, còn những thế lực tàn ác chà đạp con người, cho dù mới nhìn qua, tưởng chừng như những cuộc cách mạng cũng chỉ là “đam mê vô ích” của con người.

 

Vũ Hoài

(một bút hiệu khác của Tiêu Dao Bảo Cự)
[Thông Luận (Pháp) tháng 12/1993]

304Đen – Llttm- vv

 

No comments: