Saturday, March 2, 2019

Hạt Tình Hồi Sinh - Tràm Cà Mau



Hạt tình hồi sinh
 
 

Cái tin mụ Ty sắp lấy chồng Việt Kiều, truyền miệng loan đi nhanh như gió, làm chấn động cả mấy làng trong huyện Triệu Phong. 

Không ai tin là chuyện thật, người ta công khai xôn xao bàn tán. Nhưng cái tin nầy đã làm nức lòng và lên tinh thần đám đàn bà goá, và các cô gái muộn chồng trong cả tỉnh. Mụ Ty đã già khú đế, trên sáu mươi tuổi rồi, xấu xí ốm o, khô đét vì đói ăn nhiều năm, chỉ còn da bọc xương, răng cái còn cái mất, lại mù loà, dơ dáy, nghèo rớt mùng tơi, có thời đi ăn xin. Thế mà có Việt Kiều ở Mỹ về xin cưới. 


Câu chuyện gần như hoang đường, người tỉnh táo khó lòng tin được. Người ta bàn tán:

 

“Chắc có âm mưu thâm độc chi đây, chứ cưới mụ Ty về mà làm gì? Đem bán cho nhà thổ, chúng cũng rượt đánh đến bể đầu. Mụ đó mù loà yếu đuối, cũng không đủ sức làm nô lệ hầu hạ cho ai được. Đừng nói chuyện tình dục, già đến thế, chắc cũng đã mốc meo, héo quắt đi rồi.

 

Mụ chỉ còn xương với da, chỉ có đem mà nấu cao, giả “cao hổ cốt” may ra còn có lý.”

 

Đám đàn ông bàn thêm:

 

“Con gái trẻ đẹp hơ-hớ thiếu chi mà đi cưới mụ già. Cưới về đem đặt lên bàn thờ mà lạy chắc? Hay là thằng cha Việt Kiều đó đau bệnh điên, làm chuyện trái đời, chơi bạo lấy tiếng? Nghe không hợp lý chút nào. ”

 

Ông thầy pháp thường hay gọi hồn người chết về nói chuyện thế gian cũng bóp đầu, bóp trán, hứa sẽ kêu hồn bố mẹ mụ Ty về hỏi cho ra lẽ. Ông nói thầm với bà con:

 

“Không chừng thằng cha Việt Kiều là phù thủy, cưới mụ Ty về để giết chết mà luyện “thiên linh cái”, vì mụ Ty dù sao cũng còn “đồng trinh”, chưa biết đến hơi trai.”

 

Mấy mụ đàn bà yếu bóng vía rùn vai, lè lưỡi sợ hãi, và họ tin ông thầy pháp nói có lý.

 

Chính quyền địa phương cũng họp chi bộ đảng cộng sản nhiều lần, để thảo luận và tìm hiểu lý do tại sao gã Việt Kiều kia cưới mụ Ty. Có âm mưu gián điệp của đế quốc Mỹ gài vào, dò xét tình hình “ta” không? Bí thư xã báo cáo lên quận. Bí thư quận nói:

 

“Không phải âm mưu gián điệp, vì cả Tổng Thống Mỹ Cờ-Lin-Tơn còn đi phất phơ ăn phở giữa chợ ở Việt Nam mình nữa kia mà. Nhưng cũng phải đề cao cảnh giác, để không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cho xã, huyện nhà.”

 

Nghị quyết chung của chính quyền xã là gây khó khăn tối đa cho tên Việt Kiều kia chán nản, mà bỏ ý định bí mật lạ lùng kia đi. Họ tin rằng, nắm quyền trong tay, thì thừa sức ngăn cản được cuộc tình duyên tréo ngoe nầy.

 

Phần mụ Ty, nghe bàn vào, tán ra, người nầy nói một câu, kẻ khác bàn vài câu, cũng đâm ra hoang mang, và sợ.  Nghi ngờ đến cái tấm lòng của ông Thu, người Việt Kiều muốn cưới mụ làm vợ. Những lời bàn tán kia, đều có lý, không phải dựng đứng lên.

 

Hơn năm mươi năm trước, khi ông Thu mới mười lăm tuổi, gặp bà Ty, thì bị “cú sét ái tình” đánh cho ngã gục. Cả gan về nhà xin cưới vợ, bị bố ông đánh cho một trận đòn quắn đít, nên tình yêu cũng tắt ngúm từ đó. Rồi mấy mươi năm thời cuộc nổi trôi, chiến tranh, tù đày, đi Mỹ, chạy theo cơm áo, ông Thu không có thì giờ, không còn kiên nhẫn, hứng thú, để theo đuổi bất cứ một bóng hồng nào. 

 

Cho đến khi ông đã hưu trí, về thăm quê ngoại, biết bà Ty cũng phòng không chiếc bóng, mù lòa, đói khát. Hai người gặp lại nhau. 

 

Ông nhớ lời ước hẹn năm xưa: “kiếp sau đền bù sum họp”, nên muốn cưới bà Ty đem về Mỹ. Nhiều người bà con nội ngoại đều can gián ông. Họ bảo rằng, nếu lấy vợ, thì nên kiếm một người có trình độ, trẻ, đẹp, khỏe mạnh, để còn chăm sóc, nương tựa khi đau yếu trong trong tuổi già. Lấy mụ Ty về, không nhờ vả được gì, còn phải lo ngược lại cho mụ. Thêm khổ thân già.  Vả lại, trình độ kiến thức quá cách biệt, rất khó sống chung, khó hoà hợp, khó thông cảm. Chỉ gây bực mình và làm khổ nhau. Họ khuyên ông cho mụ Ty một số tiền lớn để sinh sống, rồi thôi, không tội chi mà đèo bòng cái gánh nợ thổ tả đó.

 

Gia đình, bạn bè gián tiếp sắp đặt, làm như tình cờ, đưa đến cho ông gặp nhiều cô, nhiều bà. Có trẻ đẹp, có xồn xồn, cả chưa chồng và cả goá phụ. Các bà, các cô nầy, nhìn ông hau háu, tha thiết, với ánh mắt hy vọng, khẩn cầu. Ông thấy nhẫn tâm và tội nghiệp họ. Có người còn nhỏ, chỉ đáng hàng con, cháu ông thôi. Ông nói rằng, tất cả bọn họ đều đáng thương, chỉ vì cơm áo, mà phải tha thiết với  một kẻ già nua như ông. Nhưng mụ Ty là kẻ đáng thương nhất, đáng được đền bù nhất. Quan trọng hơn hết là mối tình hơn nửa thế kỷ trước, có phôi pha phần nào thật, nhưng vẫn còn âm ỉ trong tim.  

 

Cậu Út của ông Thu nói:

 

Yêu là cái khỉ gì? Bọn con nít ngu, mới bày đặt yêu đương. Mình già rồi, khôn quá, hết ngu rồi. Lấy vợ, lấy chồng là phải suy xét hơn thiệt, trắng đen, cân lường. Còn trẻ, bồng bột, ngu nên ủi đại, không nghĩ đến hậu quả về sau. Bởi vậy, cháu phải suy nghĩ thật kỹ trước khi lấy mụ Ty”

 

Ông Thu nói với cậu út:

 

“Lạ thật, năm mười lăm tuổi, muốn lấy vợ bị ngăn cản đã đành. Bây giờ sáu mươi sáu tuổi, muốn lấy vợ, cũng bị ngăn cản dữ dội. Thế thì chờ đến khi xuống lỗ mới hết trắc trở sao?”

 

Xóm giềng và họ hàng nhao nhao xúi giục mụ Ty thách cưới thật cho cao. Đòi cho được hai trăm phần quà. Mỗi phần có một hộp trà, một hộp bánh, sáu quả cau, một liễn trầu. Đòi thêm hai cái kiềng vàng, cặp xuyến vàng, một đôi bông tai. Phải đãi ăn năm chục người. 

 

Mụ Ty nghe mà lo lắng bảo:

 

“Mình thách cưới cao quá, lỡ người ta không lo nổi, rồi bỏ đi thì uổng. Mà mình thì đã tra (già) lắm rồi. Cả đời tui chưa đeo kiềng, đeo xuyến, chừ có đeo vô, cũng cấn chết, mà trẻn (xấu hổ) nữa.”

 

Một bà nạt lớn:

 

“Tra thì tra, chứ chẳng lẽ cho không, cóc đòi chi cả? Đừng tự làm mình mất giá. Hắn không cưới thì thôi.”

 

Nghe nói vậy, mụ Ty giật mình tái mặt, ngồi thừ người ra. Một bà khác tiếp lời:

 

“Nì, mụ đừng lo, Việt Kiều giàu lắm. Người nào cũng lái xe hơi, ở nhà lầu. Mình không đòi là dại. Mà cũng phải đủ lễ “tam sênh” mới được. Ba lễ, dạm mặt, đám hỏi, đám cưới đàng hoàng, chớ không phải đem xe về bắt cóc chạy đi. Làng nước không chịu cho mụ chịu thiệt thòi mô. Mụ mà không đòi, thì chúng tôi cũng đứng ra, đại diện nhà gái mà đòi”

 

Mụ Ty hốt hoảng nói nho nhỏ:

 

“Thôi thôi, mấy mự, mấy thím ơi. Mần rình rang chi thêm xấu mặt. Mấy chục năm ni, có đám cưới mô trong làng mà đủ ba lễ? Tui nghèo khổ, chớ có phải cành vàng lá ngọc chi mô.”

 

“Đám cưới trong làng mình, không đủ ba lễ là vì bên rể nghèo. Phải “giản đơn” lại, chớ không thì trai, gái,  không vợ, không chồng cả làng sao? Mình nhắm sức người ta có, mới đòi. Mụ lo chi?”

 

Thấy bà con áp lực quá, mụ Ty ôm mặt khóc. Người ta bồi thêm:

 

“Mụ mà dại, thì có cả làng khôn. Đòi là đòi cho mụ, chớ có đòi cho chúng tui mô. Sính lễ mà đòi được, thì mụ cũng cất đi, sau nầy làm của, phòng khi nầy khi kia, chớ chúng tui có lợi chi?”

 

Mụ Ty đem những lời thách cưới của bà con nói lại cho ông Thu nghe. Nhưng mụ không quên thêm một câu rằng, nếu ông không có, và không chịu thì thôi, mụ không đòi hỏi chi cả.

 

Ông Thu cười và nói, đó là “chuyện nhỏ”. Vòng, xuyến, hoa tai, nếu mụ muốn, thì ông sẽ mua cho mụ. Nhưng hai trăm phần cưới cau trầu, trà bánh, thì không, phí phạm vô ích. Mụ Tỵ nghe mà mừng, sung sướng và nói:

 

“Thôi, thôi, đừng vòng xuyến chi cả. Xưa nay không đeo, bi chừ đeo vô, ngứa ngáy không chịu được mô. Đeo vô, trẻn lắm.”

 

Khi gặp lại mụ Ty trong hoàn cảnh mù loà, đói rách lạnh lẽo, ông Thu muốn đem mụ về Sài Gòn ở tạm. Thuê nhà, thuê người chăm nom mụ trong thời gian chờ đợi. Khi đầy đủ thủ tục, và được sở di trú Mỹ chấp thuận, ông sẽ đưa mụ về California. Nhưng vì bà con, làng nước xúi giục, mụ Ty nhất định không chịu ra khỏi làng, khi chưa có đám cưới, chưa có hôn thú, và chưa có giấy máy bay đi Mỹ. 

 

Mụ khóc và nói:

 

“Bà con dặn tui đừng có đi mô cả. Đi ra khỏi làng, vô tận Sài Gòn xa xôi, lỡ anh đổi ý, bỏ tui bơ vơ  nơi xa lạ, mần răng mà tui có tiền, có phương tiện về lại làng. Mà về lại cũng không được mô. Thiên hạ cười cho thúi đầu. Tra chừng ni tuổi rồi mà còn bỏ làng đi theo trai, bị phụ tình, mang xác về. Xấu hổ lắm.”

 

Ông Thu ôm đầu thở dài. Biết mụ Ty đã bị xóm giềng bàn ra, tán vào, khuyên bảo nầy nọ. Không hẵn những lời khuyên đó hoàn toàn vô lý. Ông nhỏ nhẹ nói với mụ Ty.

 

Mụ Ty nói rất tự nhiên:

 

“Mấy chục năm sống nơi đây, cũng đã quen rồi, tui không thấy khổ nữa. Đói thì có, rách thì có. Nếu đủ cơm ăn hàng ngày là quá quý rồi. Tui không dám mơ ước chi hơn.”

 

“Nhà ai nấy ở. Không ai dư chỗ cho thuê mô. Ở nhà ni, có chết mô mà sợ. Nếu ở nhà ni mà chết, thì chết từ lâu rồi. Cứ cho tui ở nhà ni, đừng bắt tui đi nơi khác. Tội nghiệp.”

 

Ông Thu chịu thua, không muốn ép mụ Ty dọn đi nơi khác, phiền lòng mụ. Ông nhờ người bà con bên ngoại thuê thợ tu bổ lại căn chòi, lợp lại mái, che phên, làm cửa lưới ngăn muỗi, câu điện, bắt cho một chiếc quạt máy. Mụ Ty nói:

 

“Sửa phên, lợp nhà thì được. Câu điện chi cho phí. Tui mù loà, ngày như đêm, cần chi đèn đóm. Bắt quạt máy mần chi, lỡ nó rớt xuống, bể đầu. Khi mô nóng, ra ngồi bên hè, lấy mo cau mà quạt cũng đủ mát rồi.”

 

Ông Thu thuê một đứa cháu họ của mụ Ty, đến ở chung để chăm sóc, đi chợ, nấu nướng cho mụ. Mỗi ngày mụ được ăn cơm không độn khoai sắn, có cá kho, thịt luộc. Mụ Ty sung sướng hớn hở. Mụ nói với đứa cháu;

 

“Ăn sang phung phí như ri, ngày mô cũng thịt, cá, thì có núi của cũng sập. Thôi, đừng hoang phí nữa. Cứ cơm trắng với mắm nêm, mắm ruốc, rau luộc là đủ, sung sướng lắm rồi.”

 

Đưá cháu cười nói:

 

“Dượng Thu đã đưa tiền cho chú Hai, dặn phát tiền chợ cho cháu. O đừng lo. O mà ăn ngon, thì cháu cũng được ăn ngon theo. Cả đời, chưa khi mô cháu được ăn no, sung sướng, như bây chừ cả. Cháu hỏi thiệt, O đừng giấu cháu nghe. O  bỏ thứ  “bùa” chi, mà dượng Thu Việt kiều mê O dữ rứa? Dạy cho cháu với. Cháu thương thằng Bường, mà hắn cứ lờ tít đi, như không biết chi hết.”

 

“Mụ nội mi. Bùa chú chi mô. Người ta ở bên Mỹ, tau ở đây, mù loà, có bùa cũng không bỏ được. Miềng ăn ở ngay thật, hiền lành, trời thương nên đem dượng Thu mi về đây cho tau.”

 

Mụ Vàng người trong xóm, trước đây thường hay cho mụ Ty khoai sắn, ghé nhà ngồi nói chuyện, trước khi ra về nói:

 

“Mai mốt o qua Mỹ, làm ra tiền, đừng quên tui. Nhớ gởi về cho nhiều nhiều, để tui xây gạch, lợp ngói căn nhà nghe.”

 

Chú Trọng dặn dò tha thiết:

 

“Tui biết chị tốt lắm, qua Mỹ thế nào cũng gởi tiền về cho tui mua cặp trâu, đi cày thuê. Cả đời tui, mơ ước có được con trâu, chị không giúp, thì không khi mô có. Đừng vì giàu sang sung sướng mà quên bà con nghèo.”

 

Mụ Ty hoang mang lắm, nhưng cứ nói thật những ý nghĩ trong lòng mụ:

 

“Sợ không có, chứ có thì phải nghĩ đến bà con, phải chia xẻ cơm áo cho nhau chớ. Như bà con đã chia khoai sắn cho tui sống mấy chục năm ni. Cậu đừng có lo. Tui mà có của thì chia hết. Nghe bà con nói chuyện, tui nghĩ là Tây, Mỹ nó ngu lắm, để tiền, để của ngoài đường, cho mình qua đó mà hốt, như hốt cứt trâu ngoài ruộng”

 

Mụ Viện, nhà ở xóm trên, có đứa con gái ba mươi lăm tuổi bị ly dị. Cô nầy về ở với cha mẹ. Mụ Viện đến năn nỉ mụ Ty, đề nghị thẳng thừng:

 

“Chị tra (già)  rồi, đi Tây, đi Mỹ làm chi, bên đó lạnh lắm, chịu không nổi mô. Mà đã tra dư ri (già như thế nầy), còn đi lấy dôn (chồng), thiên hạ, làng nước, con nít, chúng nó cười cho thúi trốt (thối đầu). Trẻn lắm (xấu hổ). Thôi thì chị nhường ông Việt Kiều đó cho con Thại nhà tui, hắn còn trẻ, chịu được lạnh, có thể giúp ông Việt Kiều nhiều chuyện, đẻ cho ông vài ba đứa con. Phần chị, thì ở đây đã quen, đi mô cho mệt.”

 

Mụ Ty nghe mà rưng rưng nước mắt, vì xưa nay đã quen bị thiên hạ chèn ép mà không dám kêu ca. Mụ nói nho nhỏ, sợ mất lòng mụ Viện:

 

“Chuyện đó, thì tùy ông Việt Kiều, nếu tui chịu nhường, liệu ông nớ có chịu hay không?”

 

Mụ Viện giục:

 

“Răng mà không chịu. Con Thại còn trẻ, còn đẹp, khỏe mạnh, chứ có ốm o bệnh hoạn như, như ai đó mô.  Thì chị cứ nói cho đến khi ông nớ chịu. Không nói thì mần răng người ta biết.”

 

“Tui không dám nói mô.”

 

“Tại răng mà không dám nói? Có chết chóc chi mô?”

 

Mụ Ty khóc rấm rứt:

 

“Chết tui cũng không dám nói. Chị có gan thì nói thẳng với ông Thu đi. Nói được thì tui chịu nhường”

 

Nói đến đó, mụ Ty tủi thân quá, khóc oà lên. Tưởng như đã mất ông Thu rồi. Đứa cháu săn sóc mụ Ty, nghe mà giận quá, xen vô, nói lớn tiếng:

 

“Cái mụ Viện ni vô doang (vô duyên) chưa tề. Người ta ưng dau (yêu nhau) cả mấy chục năm ni, đêm ngày thương dớ (nhớ). Chị Thại con của mụ, mập thù lù, bị chồng chê, bị ly dị, chớ có quý báu chi. Có tình  nghĩa chi mà nhảy vô đòi giành ăn. Ở bên đó, đầm Tây, đầm Mỹ đẹp như tiên, như thánh, trắng như trứng gà bóc, ông còn chưa chịu nữa, huống chi con của mụ, thấm vô mô.”

 

Mụ Viện giận dữ nghiến răng gào lên:

 

“Nì, cái con quỷ cái, tau bả (vả) cho văng răng ra bi chừ. Việc chi mà mi xía vô chuyện người ta? Mi biết chi mà nói. Câm cái mồm lại.”

 

Đứa cháu trả treo:

 

“Nói ngang xương dư rứa (như vậy), quỷ sứ nghe cũng không lọt tai. Tức đến nghẹn họng.”

 

Có nhiều người nữa, đến bắt mụ Ty hứa hẹn đủ điều. Ông chủ tịch xã cũng nói với mụ Ty, yêu cầu ông Thu giúp đỡ, ủng hộ một món tiền, đủ để xây lại lại trụ sở uỷ ban hành chánh xã cho khang trang hơn. Mụ Ty đạo đạt những lời yêu cầu của bà con đến ông Thu. Ông cười hiền:

 

“Tội nghiệp bà con quá. Chắc qua Mỹ, tui với mụ phải tổ chức một băng cướp, đi ăn cướp ngân hàng, đem tiền về giúp bà con mình.”

 

Mụ Ty không hiểu lời nói đùa của ông Thu, hốt hoảng nói:

 

“Đi ăn cướp? Tui không làm được mô. Tui mù loà, mần răng mà chạy trốn cho kịp. E cũng ở tù rục xương. Rứa thì lâu ni, ở bên Mỹ, eng làm việc chi?”

 

“Đi cày”- Ý ông Thu muốn nói đi làm cực nhọc như đi cày vậy, nhưng mụ Ty không hiểu, hỏi:

 

“Ruộng có diều (nhiều) không? Được mấy sào? Qua bên đó, tui cũng giúp xay lúa, giã gạo được”

 

“Bây chừ thì về hưu rồi, nghỉ đi cày.”

 

“Rứa thì lấy chi mà ăn?”

 

“Tiền để đèng” (để dành) – Ông Thu nói tiếng Quảng Trị cho mụ Ty dễ hiểu.

 

Mụ Thu xuống giọng, nói nhỏ như sợ người khác nghe được:

 

“Để đèng diều (nhiều) không? Được năm lạng không?”

 

“Được”

 

“Rứa thì giàu quá! Chôn cho kỹ. Coi chừng bị trộm hết, không có ăn, khổ lắm đó.”

 

Gian nan lắm, ông Thu mới hoàn tất được thủ tục, đưa mụ Ty về Mỹ. Phía chính quyền Việt Nam làm khó khăn, ông phải vất vả chạy mua giấy khai sinh, phải nhờ người đút lót tiền mua các loại giấy tờ chứng minh cần thiết. Bộ ngoại giao và di trú Mỹ nghi ngờ ông âm mưu đưa người nhập lậu qua khe hở của  pháp luật. Ông cố gắng giải thích về sự thành thật của ông, mà không ai tin. Giá như ông cưới một cô gái trẻ, đẹp, thì được dễ dàng thông qua. Ông kể câu chuyện tình hơn nửa thế kỷ của ông cho viên chức ở toà đại sứ Mỹ nghe, họ càng không tin hơn, cho rằng ông bịa chuyện. Cuối cùng, ông phải thuê luật sư can thiệp, và nhờ thêm dân biểu, nghị sĩ vùng ông ở viết thư cho bộ ngoại giao và sở di trú.  Thời gian thủ tục giấy tờ dài hơn gấp đôi bình thường.

 

Trên máy bay về Mỹ, ngồi bên cạnh mụ Ty, ông Thu thấy tình thương dạt dào rộn lên trong tim. Nhìn mụ Ty ngồi dựa ngửa đang lơ mơ ngủ, ông thấy mụ đẹp hơn cả “con Ty” mười bốn tuổi ngày xưa có cái răng khểnh. Ông hứng khởi, hát nho nhỏ bản nhạc Suối Mơ của Văn Cao: “… từng hẹn mùa xưa xây nhà bên suối, nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương ngát, đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…”

 

Mụ Ty, quay mặt lại nói:

 

“Eng hát hay quá”

 

Ông Thu cười:

 

Ông Thu vuốt nhẹ bàn tay khô xương, sần sùi của mụ Ty, mà lòng vui rộn rã.

 

 

 

Tràm Cà Mau

304Đen – Llttm – Báo Mai

No comments: