Monday, October 31, 2022

Chớm Thu - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 107- VƯỜN THƠ MỚI

 

Bài xướng:





           



















CHỚM THU

(Tặng em sa di NAB )

 

Một mình quanh quẩn trong trời đất

Hỏi gió hỏi mây bến nước nầy

Trong đục vơi đầy ai thấu hiểu

Nỗi lòng nào biết tỏ cùng ai

 

Trắc ẩn cuộc đời đầy mộng huyễn

Cớ sao ta có mặt nơi nầy

Chờ cây lặng gió ta yên ngủ

Lá chuyển màu thu nhẹ đến đây

 

Đời ta gắn bó niềm cô độc

Tâm sự vơi đầy với bóng đêm

Số phận tài hoa lòng trắc ẩn

Tìm quên cảnh tịnh chốn im lìm

 

Bức họa trong ta là nỗi nhớ

Cuộc đời đày đọa chốn phong ba

Niềm vui săn ảnh hồn thanh thản

Phía trước tương lai có đợi chờ. . ?

 

huongleoanh va

 

Họa 1:

         

 CẢM THU

 

Lặng lẽ lá vàng về khắp nẻo

Hiu hiu mây xám ở nơi nầy

Mọt mình thờ thẩn nhìn cây lá

Tâm sự vơi đầy tỏ với ai

 

Sương mờ che phủ chân trời mới

Gió lạnh lướt qua ở chốn nầy

Đêm ngắn ngày dài sao nặng trĩu

Nổi  buồn thấp thoáng vọng nơi đây

 

Hiu quạnh kéo dài ba tháng thu

Cô đơn trùm xuống cả màn đêm

Xót chi thế sự năm ngày tháng

Sóng gió bao giờ mới lặng yên

 

Mùa hè rối rắm mùa thu tới

Viễn ảnh mịt mù vị nhất ba*

Quên hết muộn phiền trong dĩ vãng

Ngay mai rạng rỡ vẫn mong chờ. . ?

 

PTL

*nhất ba vị bình, nhất ba hựu khởi 一波未平, 一波又起  nạn này chưa yên,

nạn khác đã đến, hết nạn nọ đến nạn kia.

 

Họa 2:

           

VÀO THU

 

Trời buồn mây tím sương mờ đất,

Thả bộ vui chân lạc chốn này.

Từng chiếc lá vàng rơi lác đác,

Công viên ghế đá chẳng còn ai.

 

Rừng thu đẹp quá như tranh vẽ,

Thác bạc thông xanh suối biếc này.

Không vẩn bụi trần, nơi thoát tục,

Hồi chuông cõi mộng vọng về đây.

 

Cúc dại nở vàng trên thảm cỏ,

Long lanh trên cánh giọt sương đêm.

Tung tăng bướm trắng bay trong nắng,

Mấy khóm hoa lan sắc tím lìm.

 

Quê người cảnh đẹp, quê nhà thảm,

Mùa bão hàng năm gió cấp ba.

Thương quá mùa màng nhà cửa mất,

Đã nghèo dông bão cũng không tha.

 

Mỹ Ngọc.

Oct. 19/2022.

 

Họa 3:

          

TÂM SỰ CHÚ TIỂU SA DI

 

Vạn vật sinh tồn trên mặt đất

Làm sao tát cạn nước sông nầy?

Nỗi đau trần thế nào ai thấu

Tâm sự vơi đầy biết tỏ ai

 

Oan khiên nghiệt ngã đầy u ẩn

Thử hỏi tại sao ta chốn nầy?

Trăm khổ nghìn đau đành chấp nhận

Thu tàn hóa kiếp trở lên đây

 

Cay đắng tình đời ta đã trải

Khóc thầm tâm sự bóng đèn đêm

Tài năng bạc phước đành cam phận

Cửa Phật thiền môn sắc tím lìm

 

Bức tranh ta họa thay lời nói

Hiện hữu trên đời lắm sóng ba

Săn ảnh họa hình vui bất tận

Tương lai hy vọng vẫn còn chờ.

 

Nguyễn Cang ( Oct. `7, 2022)

Họa 4:
           

MƯA THU

Từng giọt sầu rơi nhòe góc phố,
Mưa ơi, có thấu nỗi đau này?
Trời âm u lạnh chim về tổ,
Gác vắng buồn tênh ai nhớ ai?

Thu sang hờ hững phai màu lá,
Gió cuốn làm rơi ngập lối này.
Trơ trọi thân cây nhìn khác lạ,
Lá theo dòng nước tới đâu đây?

Mưa bụi nhạt nhòa con phố nhỏ,
Mặt đường lấp loáng ánh đèn đêm,
Phập phồng bóng nước trôi rồi vỡ,
Thấp thoáng trăng non nhạt lưỡi liềm.

Chợt nghe tiếng động ngoài song cửa.
Hướng mắt trên cây, nhánh chảng ba,
Líu ríu chim kêu vì ướt tổ,
Mưa ơi, mau tạnh, lũ chim chờ…

 

Minh Tâm

Họa 5:

          

NÓI VỚI…

 

Ai cũng giữ trong lòng nắm đất

Cố mang theo đến tận  nơi nầy

Nhưng buồn nỗi bạn tình tâm đắc

Biền biệt xa còn mất chẵng ai.

 

Đời hư huyễn cớ sao ta mãi

Quanh quẩn chi nơi cái chốn nầy

Duyên phước có cơ gieo sẽ gặt

Nợ tình còn trở trắc là đây.

 

Tự nhấc lên sao khi đặt xuống

Lại ơ hờ lẽ bóng xuyên đêm.

Trong tham giận dấy lòng tăm tối

Khôn thấy xanh trong cõi tím lìm.

 

Vỏ sò xa biển, còn ươm nhớ

Ấp ủ sương đêm, vọng sóng ba

Hiện Tại-Đang Là. Ta-Tất Cả                 

Uyên Nguyên-Hổn Độn- Hợp Tan- Chờ.

 

Tâm Quã

 

Họa 6:

           

TỈNH MỘT GIẤC MƠ

 

Sáng sớm sương giăng mờ lối đất

Người ơi! Có biết ở phương này

Trông về bến cũ ngày xưa ấy

Thuyền tách buồm xa nhạt bóng ai

 

Ven sông tím nhớ mùa thu biếc

Cánh nhạn hoài thương dáng liễu này

Nhoà nhạt mây chiều ôm đảnh núi

Nghe như thổn thức cõi lòng đây

 

Chân bước ngập ngừng không định hướng

Lao xao lá rụng- giọt mưa đêm

Vì sao tự hỏi- vô tình thế!

Lạc mất đời riêng - chẳng phải tìm

 

Lung linh hoa cảnh khơi hồn mộng

Thẳng tiến đường vui- vượt ngã ba

Thánh thiện tâm an hoà cảnh vật

Hồi chuông cảnh tĩnh - giấc mơ chờ.

 

Kim Trân kính bút

 

 

 

 

 

Đại Lộ - Thanh Tâm Tuyền

 

ĐẠI LỘ

 

Gửi Dzư Văn Chất

Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông, cách một năm trước khi Hà Nội lọt vào tay V.M. Tôi sắp sửa đến thăm Lan thì Vinh gõ cửa. Tôi đã khoác áo ngoài chỉ đợi ấm nước trên bếp cồn sôi pha cốc cà phê rồi mới ra ngoài lạnh. Trời thấp và tôi nghĩ có lẽ Lan đã bật điện để đan hoặc sửa soạn cơm chiều vì gian nhà tối. Tôi sẽ ngồi vào ghế như thường lệ quên cả tiếng kẹt cửa nhẹ nhàng của Hà ở trường về. Nếu không việc gì bận tôi sẽ ở ăn cơm cùng hai chị em Lan quanh tấm phản. Trời sẽ tối sâu mãi, Lan tiếp tục công việc, tôi hỏi chuyện Lan hoặc Hà. Lúc trở về có thể khuya và rơi mưa lạnh. Lan đưa tôi ra ngõ. Chúng tôi nắm tay nhau và một đôi khi chúng tôi từ biệt nhau bằng cách trao đổi môi hôn. Nhưng sự có mặt đột ngột của Vĩnh xáo trộn dự tính của tôi buổi chiều không hề làm tôi khó chịu vì Vĩnh, Ngọc và tôi là ba người bạn tâm giao. Từ ngày Ngọc bỏ ra hậu phương tôi ít gặp Vĩnh. Tôi chỉ biết Vĩnh bận công việc buôn bán và tôi cũng có những công việc riêng. Bao giờ gặp nhau Vĩnh hoặc Ngọc cũng là người nở nụ cười đầu tiên, trái lại tôi rất tiết kiệm sự biểu lộ cảm tình. Vĩnh cởi cái áo dạ choàng thấm nước đã cũ và hỏi:




“Bận đi đâu không?”

Tôi trả lời gặp Vĩnh là vui rồi còn phải đi đâu. Vĩnh đến hơ bàn tay – tôi nhận thấy hơi gầy – gần bếp cồn và nhìn thẳng tôi nói:

“Không nịnh đấy chứ?”

Chúng tôi cùng cười. Trong khi Vĩnh lục soát bàn giấy làm việc của tôi, tôi loay hoay với phin cà phê. Cà phê nhà chỉ còn đủ pha một cốc, nhưng điều ấy không quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi xẻ đôi cũng như có thể chia ba nếu còn có Ngọc. Vĩnh cho tôi biết dạo này Vĩnh thường bận rộn những chuyến đi xa. Vĩnh hỏi về công việc của tôi. Lúc ấy tôi chưa có ý định thành một người viết văn. Tô đọc cho Vĩnh nghe hai bài thơ của tôi làm tặng Lan nhưng tôi không cho Vĩnh biết về Lan. Đọc thơ chúng tôi nhắc đến Ngọc vì Ngọc là một thi sĩ, theo ý riêng của chúng tôi. Ngọc hay làm thơ và thơ Ngọc tha thiết lắm. Theo tin tức Vĩnh nhận được thì Ngọc bị giữ và chịu những phương sách thi hành cho một người thay đổi tư tưởng.

“Nhất là người đó giàu tâm hồn thơ” – Vĩnh vỗ vào vai tôi và cười.

Tôi và Vĩnh đều phản đối sự bỏ đi của Ngọc nhưng vì trọng sự chọn lựa của bạn nên chúng tôi không ngăn cản. Vĩnh cầm cốc cà phê chỉ còn cặn giơ ngang tầm mắt:

“Tiếc không có nó hôm nay. Câu chuyện sẽ vui biết mấy. Vừa bắt đầu một mối tình và cần nói”.

Tôi bảo cần những hơi thuốc lá để nhớ Ngọc được đầy đủ. Tôi khóa cửa và chúng tôi đi ra đường. Buổi chiều không hiểu bắt đầu từ lúc nào vì màu trời không sao phân biệt. Những chùm lá tối bí mật và những hàng dây điện mảnh như tóc. Chúng tôi cúi xuống mũi giầy và lá ở ven đường. Thuốc lá đốt lên nghĩ đến Lan và cho rằng Lan đang nghĩ đến tôi. Còn gì sung sướng hơn được cạnh một người bạn thân và biết người yêu đang nhớ đến mình? Vĩnh cho tay vào túi quần tôi và kéo bàn tay tôi ra ngoài, xen những ngón tay Vĩnh qua những ngón tay tôi và nắm lại. Vĩnh và Ngọc thường thích nắm tay như thế, tôi thì không, nhưng tôi không phản đối.

“Cậu sẽ mến Châu, tôi tin chắc như thế. Châu không đẹp nhưng đôi mắt của Châu hoang đường quá lắm”.

Tôi cười: “Thi sĩ thế”.

“Thật đấy, hoang đường quá lắm. Tìm ở thế giới này một cặp mắt hoang đường và một tâm hồn hiền dịu quả khó nhưng không phải hoàn toàn không có như thằng Ngọc bi quan. Nếu gặp Châu, nó sẽ phải nhận điều phán đoán của nó là sai lầm”.

Tôi nhớ một lần tôi đã tranh luận với Vĩnh và Ngọc về đôi mắt của người đàn bà. Vĩnh và Ngọc về một phe cho là đôi mắt của người đàn bà có dự một phần quan trọng trong tình yêu của người đàn ông, nhưng chưa đủ. Tôi quá khích nhất định cho rằng đôi mắt của người đàn bà là cửa ngõ đầu tiên độc nhất để vào tình yêu, người ta chỉ yêu vì đôi mắt và những cái khác đến sau. Tôi nhắc lại với Vĩnh ý kiến của tôi và Vĩnh nắm chặt tay tôi thêm.

“Tôi gặp Châu trên những chuyến xe hàng về tỉnh nhỏ nguy hiểm và gian truân. Châu rất can đảm và hy sinh. Châu chỉ còn hai chị em, một đứa em gái nhỏ còn đi học”.

Tôi muốn nói tới Vĩnh tại sao Châu lại giống Lan đến thế. Đôi mắt hoang đường ư? Cũng có thể nói thế với Lan. Có những buổi tối, biết thói quen của tôi, Lan pha cho tôi một cốc cà phê. Sau làn khói tím của thuốc lá và cà phê tôi nhìn vào cặp mắt Lan qua một khoảng không gian nhỏ hẹp gần gũi được phóng đại. Cặp mắt lòng đen to và sâu, mi mắt hơi sưng lên. Tôi nhìn thấy thật xa như ở quá khứ một đứa em gái nhỏ còn đi học? Chắc cũng giống Hà, bơ vơ bên cạnh chị và những đồ đạc trong gian nhà. Tôi thường vuốt mái tóc Hà mềm để theo lối Nhật Bản và giảng cho cô bé những ý nghĩa của bài học thuộc lòng ngộ nghĩnh. Hà ôm lấy chân tôi và trong mắt thật cảm động. Tôi hổ thẹn vì vẫn giấu giếm những điều ấy với Vĩnh.

“Tôi hiểu Châu và Châu cũng rõ tôi. Nhưng chắc là không được bằng các cậu. Nhân thể đến thăm Châu nhé”.

Không ước định với nhau, chúng tôi theo đường đi qua những đại lộ.

*

Nhà Châu ở một phố nhỏ gần ngoại ô tôi chưa qua lần nào. Đường không trải nhựa nhưng sạch vì dưới đế giày tôi cảm thấy sự tròn trĩnh của những viên đá xanh lô nhô mặt đường. Phố gồm hai dãy nhà giống nhau. Tôi dò theo mặt Vĩnh để đoán nhà Châu. Trời đã sụp xuống đột ngột tôi chỉ nhìn thấy gò má của bạn. Vĩnh buông tay tôi và tiến lên trước. Đứng sau Vĩnh nhìn qua tấm kính cửa sổ mờ tôi không phân biệt được gì. Châu đón Vĩnh bằng một chuỗi cười hồn nhiên dài và ấm. Tôi nghe tiếng cười trước khi gặp mặt Châu và tiếng cười ấy chạy qua da thịt tôi khiến tôi cảm thấy lạnh.

“Anh giới thiệu với Châu đây là anh Tâm mà anh thường nói chuyện với Châu”.

Châu đứng lui vào bên cửa nhường lối vào vừa chào vừa dò xét. Tôi không trông rõ mắt nàng. Nàng mời chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế gỗ có dựa theo kiểu cũ và điện đã bật lên. Mắt nàng to và sâu, buồn lạ lùng mặc dù lúc ấy nét mặt nàng đang vui. Có một cái gì quyến rũ trong mắt ấy. Tôi rất kín đáo khi quan sát Châu.

“Em vừa về chiều nay, anh đến sớm thì không gặp”.

Nàng còn mặc trên người tấm áo dài dạ đen.

“Thu đâu?”

“Nó chơi ở trên dì em”.

Vĩnh đứng lên đi lại gần Châu nói:

“Chúng ta lên phố đi”.

“Ở ngoài lạnh lắm phải không anh?”

Nói câu này Châu có ý muốn tôi trả lời vì nàng nhìn tôi rất ý nhị. Tôi chỉ hơi mỉm cười và lấy tay lật mấy trang sách. Tôi ngồi gần bàn uống nước và trên ấy có một cái cặp trẻ con ở dưới là một vài quyển vở và sách.

“Đi gần anh còn ngại gì”.

Châu quay người đi nên tôi không rõ ý Châu thế nào. Buồng không hẹp kê được một bộ phản, một tủ gương đứng, một bàn uống nước và còn thừa một khoảng rộng làm luôn luôn hơi lạnh. Phía trong là sân tối. Châu đi vào đổi áo dài. Tôi cầm lấy cuốn sách đã lật và đọc bâng quơ. Cuốn sách giảng về quan niệm luyến ái theo chủ nghĩa cộng sản. Thấy sự tò mò của mình đi quá xa, tôi đặt trả cuốn sách xuống dưới cặp. Vĩnh nhìn vào gương và cười với tôi nhưng tôi tin chắc Vĩnh không chú ý đến cử chỉ của tôi vừa rồi. Ra đến ngoài trời tối hẳn. Chúng tôi đi dưới ánh điện Châu khoác thêm áo choàng. Nàng kể cho Vĩnh về cuộc hành trình buổi chiều của nàng. Xe bị mìn đổ, chết người. Ngày mùa đông lạnh lẽo ở vùng tiền tuyến. Châu rất có khiếu kể chuyện. Tôi đi bên cạnh Vĩnh chú ý nghe như được nói cho riêng mình. Đến một ngã tư, Châu bảo Vĩnh:

“Anh biết không, suýt nữa em không về nhé. Có người hứa bảo đảm đưa em qua bên kia sông”.

Giọng Vĩnh hài hước:

“Nghĩa là qua bên kia thế giới chứ gì”.

“Đúng rồi, bên kia thế giới” – Châu nói rất ngây thơ.

“Nghĩa là không bao giờ về” – Vĩnh cười thật vui.

“Mời cô đưa tay, tôi sẽ đưa cô qua bên kia thế giới”. Vĩnh nắm tay và dắt Châu qua đường.

Tôi đi sau nhìn dáng Châu. Tôi nghĩ đến đến cuốn sách tình cờ đọc ở nhà Châu. Tôi tin rằng Châu còn tất cả sự ngây thơ. Chúng tôi đi vào hè rộng của đại lộ nhiều cây lớn. Ánh sáng điện không đủ sức hắt vào hè. Những biệt thự đã ngủ sâu ở trong. Tôi nghe tiếng giày và giọng của Châu. Một lát, Châu hỏi Vĩnh:

“Anh Tâm ít nói nhỉ?”

Vĩnh hơi suy nghĩ:

“Vì anh ấy là thi sĩ”.

“Ồ thi sĩ nghĩa là làm thơ, vậy chắc anh đương làm thơ, anh đọc cho Châu nghe xem nào”.

Cả Vĩnh và Châu đều quay về tôi. Tôi bước thêm vài bước. Đến một chỗ ánh sáng rõ tôi nhìn xuống hè đường. Một dòng số ghi trên viên gạch lát: 1934. Suốt trong buổi ấy tôi chỉ nói một lần như thế này:

“Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi đi qua”.

Tôi tưởng sẽ nghe tiếng Châu cười, nhưng không trong luồng gió lạnh chỉ có một tiếng Vĩnh. Châu im lặng lạ lùng. Tôi hối hận vì câu nói vô nghĩa của tôi. Tôi nhìn mãi những viên gạch đi qua nhưng không tìm thấy dòng số nào nữa, cho đến khi qua khỏi đại lộ ấy. Vĩnh và Châu lại bắt đầu nói chuyện nho nhỏ. Tôi cố không tin sự im lặng đã qua của Châu vì tôi không hiểu nó. Tôi từ biệt hai người ở ngã ba rẽ về nhà tôi. Vĩnh cố mời tôi cùng đi ăn. Châu đứng khuất sau vai Vĩnh. Nàng cúi chào khi tôi bắt tay Vĩnh. Tôi vượt qua hàng cây xuống đường và tiếng bước của hai người bắt đầu. Tôi bỏ đại lộ vào phố nhỏ.

*

Từ ngày ấy tôi không gặp lại Châu nữa. Còn Vĩnh cho đến ngày Vĩnh mất tích, chúng tôi gặp nhau hai lần. Lần nào tôi cũng đều hỏi thăm Vĩnh về Châu. Cái cảm giác buổi đi chơi tay ba còn rung động mãi lòng tôi. Và câu nói của tôi hôm ấy là đầu đề một bài thơ của tôi. Lần thứ hai Vĩnh cho tôi biết là Châu hoạt động cho ngoài kia. Tôi không ngạc nhiên về điều ấy. Vĩnh tâm sự:

“Châu hay nói dối quá. Tôi không dám tin vào đôi mắt Châu nữa. Người ta có thể mang một tâm hồn trái nghịch với đôi mắt người ta ư?”

Tôi quả quyết với Vĩnh rằng Châu không dối, Châu thực thà. Và nếu Châu có hoạt động cho ngoài kia cũng vì sự thực thà ấy, vì lòng yêu nước nhiệt thành thiếu ý thức mà thôi. Tôi tin Châu, tin vào đôi mắt Châu. Vĩnh lắc đầu:

“Không, còn những chuyện khác nữa”.

Nói xong Vĩnh đốt thuốc lá trầm ngâm. Tôi không muốn hỏi những chuyện ấy và chỉ cố gắng nhấn mạnh là nên tin Châu, tin đôi mắt của Châu. Đêm ấy Vĩnh ngủ lại với tôi và đôi mắt của người đàn bà lại là dịp để chúng tôi tranh luận đến gần sáng. Vĩnh được dịp phơi bày những sự hiểu biết về phái yếu. Những lúc ấy tôi biết Vĩnh đang đau khổ dữ lắm.

Mãi sau khi Vĩnh biệt tích, tôi mới hiểu đêm ấy là đêm Vĩnh đến từ biệt tôi. Đó là vào mùa hè năm sau. Sự biệt tích của Vĩnh đột ngột, gia đình Vĩnh không hay biết, đến ngay tôi là bạn thân cũng vậy. Mẹ Vĩnh tìm tôi, và nhất định cho đó là lỗi ở Châu. Bà cụ không biết Châu, chỉ biết Vĩnh có liên lạc với Châu và Châu hoạt động cho ngoài kia:

“Tôi chắc em nghe lời dụ dỗ của nó mà bỏ ra ngoài kia hay là bị ngoài ấy bắt”.

Tôi cố gắng phân giải cho mẹ Vĩnh biết điều ấy không thể có được. Vĩnh không bao giờ bỏ ra ngoài. Tôi tin Châu hoàn toàn vô tội. Tô cố an ủi bà và hứa sẽ dò xét tin tức của Vĩnh.

Sau này khi vào đến Sài Gòn, tôi được tin Vĩnh ở ngoại quốc.

Đưa bà cụ ra về, tôi đến Lan. Không khí mùa hè oi ả, chúng tôi đặt ghế ngồi ở ngõ. Bao giờ Lan cũng với cuộn len đan để tìm sự tương tự với mắt Châu. Tôi buồn nhớ Vĩnh. Tại sao lại có sự gãy đỗ giữa Vĩnh với Châu? Liệu tôi với Lan có giống thế không? Tại sao tôi yêu Lan? Mà không yêu Châu chẳng hạn? Tôi xua đuổi ý nghĩ này. Nhưng tôi cảm thấy sự ngọt ngào từ mắt Lan và giọng nói tiếng cười Châu buổi ấy lẫn lộn cùng sự im lặng của Châu sau câu nói vô nghĩa của tôi…

Tôi hỏi Lan giả thử có một cuộc chia cắt đất đai Lan sẽ đi hay ở lại. Lan ngửng lên rất lâu trả lời:

“Em chưa rõ nhưng có lẽ em ở lại. Nhưng tại sao anh lại hỏi em như thế?”

Tôi trả lời đó chỉ là câu hỏi và tôi hỏi tiếp giả thử tôi đi thì Lan nghĩ sao.

“Em không biết. Đó là quyền của anh. Chúng ta chưa phụ thuộc vào nhau”.

Tôi bỗng cảm thấy tôi yêu Lan lắm, yêu muốn phát khóc. Tôi bảo cho Lan biết tin Vĩnh mất tích. Lan ngừng công việc hỏi:

“Ồ anh Vĩnh mất tích, sao thế?”

Tôi vẫn thường nói về Ngọc và Vĩnh với Lan, nhưng chưa bao giờ nói về Lan với Ngọc và Vĩnh. Tôi vẫn tự trách như thế là một thái độ thiếu thành thực.

“Anh có rõ nguyên cớ không?”

Tôi trả lời là không được rõ và tôi cũng kể cho Lan nghe về Châu.

“Chắc chị ấy buồn lắm”.

Khuya lắm tôi mới từ biệt Lan. Tôi không về thẳng nhà mà lang thang ngoài phố. Tôi nhớ cùng một lúc mắt Lan và mắt Châu trên những lùm cây.

*

Mùa hè năm sau, sự chia cắt đất đai thành sự thực. Cũng như chúng tôi đã nói chuyện với nhau, tôi quyết định bỏ đi và Lan ở lại. Hình như sự chia rẽ giữa chúng tôi không đau khổ mấy vì chúng tôi cảm thấy điều đó ngay từ lâu. Yêu nhau trong thời loạn không bao giờ nên tính đến sự bền vững. Tôi không nài ép Lan theo tôi cũng như Lan không giữ tôi ở lại. Chúng tôi nhận sự chia cách thật tự nhiên và chua xót. Căn nhà của Lan lặng lẽ thêm, khuôn mặt Lan và Hà càng ủ rũ. Lan quyết định trở về quê với cô vì nàng còn người anh lớn đi theo kháng chiến.

Buổi tối trước khi khởi hành tôi hẹn ăn cơm với hai chị em Lan và chúng tôi sẽ nói chuyện như thường lệ. Sau khi thu xếp mọi công việc, trời còn sáng, tôi dạo qua các phố để thu lần cuối những ánh hình kỷ niệm vào trí nhớ. Và sự tình cờ đã khiến tôi gặp Châu. Nàng gầy hơn lần gặp trước cách đây hai năm. Nàng đi bên đường và cũng nhìn tôi nhưng có lẽ không nhận ra tôi. Tôi gọi tên nàng trước. Nàng đứng lại hơi ngạc nhiên. Sau khi tôi tự giới thiệu và nhắc lại kỷ niệm cũ, nàng tỏ ra vui mừng được gặp một người bạn của Vĩnh:

“Đã hai năm đấy anh nhỉ và anh Vĩnh bỏ đi hơn một năm rồi”.

Nàng không thay đổi chỉ gầy đi một chút nên cặp mắt thêm lạ. Tôi hỏi thăm nàng xem nàng có biết tin tức gì của Vĩnh không và tôi nói thẳng cho nàng biết nhiều người nghi nàng có dính đến vụ mất tích ấy. Nàng mỉm cười rất nhẹ và hồi lâu sau nói:

“Nhưng tôi mong rằng anh còn hiểu tôi”.

Chúng tôi cùng bước song song trên đường về nhà Châu. Tôi nói tôi là người bảo vệ cho nàng. Dáng cảm động, Châu hơi nghiêng sang một bên:

“Cám ơn anh”.

Tôi hỏi về sự quyết định của nàng trước thời cuộc. Châu nhìn vào tôi hỏi lại:

“Anh biết là tôi hoạt động chứ?”

Tôi mỉm cười gật đầu, bảo với nàng rằng tuy thế tôi tin ở con người nàng hơn là những hành động của nàng đã qua hay sắp tới. Nàng cúi đầu đáp khẽ:

“Có lẽ anh nhận xét đúng nhưng tôi không đi vì nhiều cớ khác”.

Tôi nói với nàng tôi rất hiểu tâm sự những người ở lại. Tôi so sánh Châu với Lan. Buổi chiều vàng bệch vài phút rồi tắt hẳn. Chúng tôi đi vào đại lộ cũ. Chúng tôi cùng bước trên bờ hè ấy. Đèn thành phố đã nhoi lên. Đến một chỗ, Châu dừng lại hỏi:

“Anh còn nhớ một câu anh đã nói ở đây hôm ấy hay không?”

Tôi nhìn xuống viên gạch. Dòng số 1934 lật ngược trước mắt tôi.

Tôi nói gần như thì thầm:” Viên gạch của đại lộ bờ hè này hôm nay được hai mươi tuổi khi chúng tôi qua”.

Và tôi nắm chặt bàn tay Châu, hai bàn tay run cảm động. Sự im lặng này giảng nghĩa sự im lặng hai năm trước.

Tôi đưa Châu về tận nhà, vẫn gian nhà cũ, nhưng không vào. Tôi bảo với Châu ở cửa rằng tối nay là tối cuối cùng của tôi ở Hà Nội. Châu mỉm cười và tiễn tôi bằng cặp mắt hằng cửu của nàng.

Tôi không quay về nhà Lan mà đi mãi trên những bờ hè đại lộ.

Sáng hôm sau tôi lên đường khi thành phố chưa dậy.

Thanh Tâm Tuyền

304De9n – llttm- ovv