Tuesday, October 31, 2023

Gơi Nhớ Tình Xưa - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 133_VƯỜN THƠ MỚI

 


 














 Xướng:

Gợi Nhớ Tình Xưa

 

Rừng phong trước ngõ chớm hanh vàng

Mây trắng đầu non tiết lạnh sang

Gợi nhớ bao thu xa cố quận

Chạnh tình xuân cũ xót thương nàng

Ngày đi thế sự trong cương tỏa

Bến hẹn lúc về dạ ngổn ngang

Sương lạnh chiều rơi hồn lãng đãng

Buồn ơi trăng xế chiếu trên ngàn

 

Tâm Quã

Họa 1:

 

 Thời Gian

 

Mây xám chiều thu tắt nắng vàng

Ngoài trời báo lạnh tiết đông sang

Éo le nghịch cảnh thời gian cũ

Bạc phận hồng nhan đến với nàng

Từ biệt chia tay không tiếng nói

Dõi theo sóng vỗ chuyến đò ngang

Bao năm ròng rã vô âm tín

Ẩn dật dư âm cảnh núi ngàn

 

PTL

Họa 2:

 

Khoảnh Khắc

 

Lấp lánh rừng phong dưới nắng vàng

Mỗi lần lá đổ báo thu sang

Nỗi niềm tâm sự người xa xứ

Khoảnh khắc dư âm đến với nàng

Lặng lẽ mơ màng ôm kỷ niệm

Dạt dào nhớ lại lúc sang ngang

Thế rồi qua mất thời con gái

Ngắm lá thu rơi trãi bạt ngàn

 

Hương Lệ Oanh VA

Oct. 18, 2023

Họa 3:

 

Quê Nhà

 

Giọt nắng hanh hao đã ngả vàng

Cây rừng chuyển sắc đón thu sang

Tiều phu dốc núi leo vài bác

Thôn nữ bờ nương có mấy nàng

Thác bạc lưng trời giòng nước thẳng

Khê xanh dưới lũng chiếc cầu ngang

Quê nhà cảnh đẹp bao thương nhớ

Đất khách vời trông vạn dậm ngàn

 

Mỹ Ngọc

Oct. 18, 2023

Họa 4:

Chào Thu

Trăng kéo rèm mây tỏa ánh vàng
Hàng cây rụng lá đón thu sang
Sông ngân, Chức Nữ ngồi rơi lệ
Cầu quạ, Ngưu Lang vội đến nàng
Nước lụt đê điều lo vỡ vụn
Trời sầu bão tố cứ nghênh ngang
Bốn mùa luân chuyển bao mưa nắng
Thổi mát hồn thơ, ngọn gió ngàn

Minh Tâm

Họa 5:

 

Dòng Đời

Thung lũng mùa thu lá nhuộm vàng

Sương mờ phủ kín tuyết bay sang

Bao năm xa cách thương trời lạ

Phút chốc đầy vơi chạnh nhớ nàng

Lữ khách về thăm nơi chốn cũ

Người xưa còn đợi chuyến đò ngang

Mây giăng tím ngắt khơi niềm nhớ

Kỷ niệm trôi theo suối bạt ngàn

 

Nguyễn Cang

Oct. 24, 2023

 

 

 

 

 

Ngã Ba Sông - Ngọc Bút

 

NGÃ BA SÔNG

 

Bà cũng đã tới tuổi nghĩ về ngày ra đi của mình và của ông, thường nói với con trai mà như trăng trối, rằng một ngày kia má ra đi hãy hỏa thiêu và rải tro trên sông. Ông cũng nói vậy. Chỉ có một điều “nan giải” cho con trai là không biết nên rải tro của mẹ trên sông Tiền theo cha hay rải tro của cha trên sông Vàm Cỏ Đông theo mẹ để hai người vẫn chung một dòng!

Ngọc Bút

 


Ngã ba sông

Saigon những ngày gần tết năm nay lạnh nhiều hơn mọi năm. Lạnh và nhiều gió. Hai người già nhà này mỗi tối phải mặc thêm áo len mỏng trước khi vào giường ngủ. Cửa sổ phòng ngủ vốn thường mở toang cả ngày lẫn đêm bây giờ phải khép một cánh ban đêm, bởi gió cứ thổi thốc vào phòng suốt đêm. Sân trước, gió lớn cũng làm mấy nhánh xoài không ngừng quăng quật vào balcon . Rồi chiều 27 tết bỗng dưng trời đổ mưa thật lớn, cơn mưa lớn đến nỗi như đang giữa mùa mưa. Thời tiết thật kỳ lạ. Ông chép miệng, biến đổi khí hậu hay còn có “điềm trời” gì khác nữa đây! Bà ậm ừ, “điềm” gì thì chưa biết, nhưng trước hết là mấy người bán hoa ngoài chợ hoa khổ rồi, mưa như vầy thì hoa để giữa trời bị dập và rụng tơi tả hết còn đâu mà bán với mua!

Mà có “điềm trời” gì nữa thì chắc mọi người cũng hết sợ rồi. Một năm đại dịch đã qua với mấy đợt bùng phát, có vẻ như ai cũng chai-lì trước con virus này, dù nó có bao nhiêu “biến thể” mới nguy hiểm cỡ nào đi nữa. Đã khổ đã cực rồi, có cực khổ thêm nữa cũng chẳng sao! Đã lo đã sợ rồi, bây giờ có lo sợ nữa cũng vậy thôi, chẳng thể làm gì được. Cứ bình tĩnh mà sống đi. Cụ thể là bà già nhà này, bà tuyên bố trước cả nhà là không sợ gì nữa (thực ra thì còn sợ chút chút, nhưng bây giờ “lì đòn” rồi), chỉ cần cẩn thận, làm đúng  theo quy định 5K: mang KHẨU trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc người ngoài gia đình, KHỬ khuẩn (thường xuyên rửa tay bằng nước sát trùng), giữ KHOẢNG cách đúng quy định, KHÔNG tập trung đông người, KHAI báo y tế khi cần thiết.

Nhớ hồi đầu năm ngoái, khi con corona lần đầu công-khai xuất hiện ở Việt Nam qua hai cha con người Tàu đi thăm nhau, rồi sau đó cả thành phố bị cách ly, trường học đóng cửa cả mấy tháng, vân vân. Cũng suốt mấy tháng ông bà không ra khỏi nhà, mua hàng hóa thực phẩm gì chỉ gọi siêu thị hoặc mấy người bán hàng quen ngoài chợ mang tới. Tết này thì không như vậy, bà quyết định sống kiểu “bình thường mới”.

Trước tết bà đạp xe đi lung tung ra chợ gần nhà, đi siêu thị với con trai, đi ngắm chợ hoa từ miền Tây lên dọc bờ Kinh Tẻ, tất nhiên là luôn luôn mang khẩu trang nghiêm chỉnh. Dù hoa không nhiều như những năm trước nhưng bà vẫn chọn mua được một chậu mai nhỏ để tặng ông như thông lệ hàng năm. Ngoài ra bà còn mua hai chậu hoa vàng để hai góc sân trước, năm thì cúc đại đóa, năm thì cúc mâm xôi, còn năm nay là vạn thọ Pháp. Bà luôn luôn mua hoa tết ở chợ hoa Kinh Tẻ, vì gần nhà và vì muốn ủng hộ nông dân miền Tây một nắng hai sương suốt mấy tháng cực khổ rồi cơm ghe bè bạn chở lên Sài Gòn bán chỉ mấy ngày.

Chiều 28 tháng chạp con trai chở ba má đi một vòng thành phố. Chỉ ngồi trên xe chạy vòng vòng và không bước xuống. Đường phố không đông đúc như mọi năm nhưng các quán cà phê vẫn đông người ngồi, tất nhiên là người trẻ nhiều hơn người già. Cách đây mấy ngày lại có dấu hiệu dịch bùng phát trở lại trong thành phố. Một số khu vực bị phong tỏa vì có người dương tính với virus corona hoặc vì có người tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh từ vùng dịch Hải Dương và Hà Nội trở về, nhưng những nơi còn lại của thành phố vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ được khuyến cáo là không nên tụ họp quá đông người.

Từ ngày cả ông lẫn bà bị đột quỵ cách đây hơn 16 năm, hai người không còn cái thú cuối năm đi ngắm cây cảnh ở hội hoa xuân Tao Đàn, không còn cái thú ngày cuối năm chở nhau chạy một vòng thành phố rồi có khi ghé một quán cà phê nào đó “ngồi nhìn thiên hạ đón xuân sang” một chút. Thành phố vừa mới có lệnh không có lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ để tránh “tập trung đông người”, và chỉ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Đi ngang qua đó lúc 6 giờ chiều thấy buồn làm sao, dù từ trước tới giờ bà chưa bao giờ thích cái đường hoa giả tạo ấy. Bà cũng không ghét nó. Chỉ là bà thích cái gì tự nhiên hơn thôi. Nhưng hôm nay nhìn đường hoa vắng vẻ trong ánh chiều nhập nhoạng, bà bỗng thấy thương nó và thương những người đã bỏ công sức thiết kế và thực hiện nó. Biểu tượng con trâu Tân Sửu cùng với hoa cỏ còn tươi mới mà buồn híu hắt!

Cũng không có bắn pháo bông trong thời khắc giao thừa. Phút giao mùa cả nhà đã ngủ, chỉ còn bà và con trai thức nấu nước trà và bày bánh trái cúng đât trời, mời gọi tiền nhân mảnh đất này về thưởng thức chút lộc đầu năm. Giao thừa gì mà im ắng kỳ lạ, trên tivi nhạc xuân gì mà chán ngắt, gió bên ngoài vẫn xào xạc thổi nhưng không nghe ra nhiều tiếng xe chạy của những người chở nhau ra bến tàu xem bắn pháo bông như những năm trước.

Sáng sớm mùng Một bà cẩn thận gọi điện thoại về quê, hỏi xem anh em họ hàng ở quê có ai ngại phải tiếp xúc với người về từ vùng có dịch không (!). Mọi người cười xòa nói bà quá cẩn thận, cứ bình-thường đi, có gì đâu mà ghê vậy (!).

Rồi bà và con trai con dâu và cháu nội về quê của bà sáng mùng Một. Ngày trước khi ông còn khỏe thì cả nhà cùng đi. Buồn, nhưng biết làm sao! Để tránh tiếp xúc nhiều người lạ, xe chạy thẳng một mạch từ điểm A là nhà ở Sài Gòn đến điểm B là nhà thờ cha mẹ bà ở huyện lỵ quê nhà. Thói quen trước thời đại dịch là trên đường đi sẽ ghé ăn sáng ở một quán ăn đặc sản nào đó. Lần này thì không. Hàng năm về quê ngày mùng Một tết bà vẫn đến thăm các bậc trưởng thượng trong họ. Lần này bà không trực tiếp thăm ai, vì nghĩ mình về từ vùng có dịch nên phải cẩn thận giữ gìn cho các ông chú bà bác vốn đã quá cao tuổi và có đủ thứ “bệnh nền”!

Rồi bà về quê ngoại, cách huyện lỵ bảy cây số, nơi bà sống những tháng năm đầu đời với ông bà ngoại cho đến 6 tuổi mới trở về với cha để đi học. Cũng là đi thẳng từ điểm B đến điểm C, không ghé chỗ này chỗ nọ như mọi năm. Bình-thường-mới mà! Ông anh con cậu, người còn ở lại quê thờ tự ông bà sau một thời tuổi trẻ ngang dọc đó đây, giờ cũng đã ngoài 70 tuổi, vừa thấy mặt bà đã cười khà khà, cứ về đây bình-thường đi mà, ở quê sợ gì con covid! Anh nói vui, bom bay đạn lạc ngày xưa còn không sợ, giờ sợ gì con virus bé tí! Anh nói vậy thôi, chứ ai mà chẳng sợ! Chỉ là bây giờ chúng ta quá quen với nó… nên quên sợ mà thôi!

Nghĩ lại mà coi, ngày nào cũng covid và covid, từ báo giấy đến phát thanh truyền hình đến mạng xã hội facebook. Ám ảnh! Đi thăm mộ má. Bà nhờ ông anh con cậu chăm sóc, hàng năm về chỉ việc thăm viếng đốt nhang. Bà bao nhiêu tuổi là má của bà mất từng ấy năm. Nên bà không biết tinh mẫu tử nhận-lại mà chỉ biết tình mẫu tử cho-đi nhờ được làm mẹ.

Mộ má của bà nằm trong khu mộ gia tộc ấm cúng nhưng bà vẫn thấy buồn buồn vì cha bà nằm ở một nơi xa khác. Nắng xế chiều hiu hắt ánh vàng trên ngọn cây. Bà lẩn thẩn tự hỏi không biết nơi xa kia hai người có gặp lại nhau không khi mất cùng một ngày nhưng cách nhau đến 24 năm. Bà cũng đã tới tuổi nghĩ về ngày ra đi của mình và của ông, thường nói với con trai mà như trăng trối, rằng một ngày kia má ra đi hãy hỏa thiêu và rải tro trên sông. Ông cũng nói vậy. Chỉ có một điều “nan giải” cho con trai là không biết nên rải tro của mẹ trên sông Tiền theo cha hay rải tro của cha trên sông Vàm Cỏ Đông theo mẹ để hai người vẫn chung một dòng!

Chiều muộn mùng Một trở về Sài Gòn, lại đi thẳng từ điểm C về lại điểm A. Không ghé quán bánh canh bánh tráng phơi sương rau rừng Trãng Bàng. Không ghé quán bò tơ Tây Ninh ở Củ Chi. Không ghé quán nước mía sầu riêng tuyệt ngon với khoai mì luộc có rắc sợi cơm dừa non cũng ở Củ Chi. Ngày Tết các quán ăn vẫn mở nhưng rất hiếm khách, xe chạy ngang thấy vắng hoe, không như mọi năm. Một cơn mưa nhỏ. Đường phố khá đông người, ai cũng mang khẩu trang dù đi xe hay đi bộ trên hè phố. Các quán cà phê vẫn khá đông. Đi ngoài đường cách nhau xa gần gì đều mang khẩu trang, còn ngồi trong quán cà phê gần sát nhau vậy mà không ai mang khẩu trang! Một kiểu bình-thường-mới khác chăng? Chợt nhớ ra, hầu hết người ngồi quán là người trẻ, hẳn là họ không sợ con covid như người già, và uống cà phê thì không thể vừa mang khẩu trang vừa uống!

Nhớ tết năm trước, khi con virus mới bắt đầu hoành hành bên Vũ Hán thì Việt Nam vẫn chưa có gì khác thường. Hầu hết mọi người ở đây (trừ các chuyên gia dịch tễ học) có lẽ chưa hình dung được đại dịch là thế nào, nên vẫn ăn tết bình thường. Mùng Năm bà đi viếng mười chùa với chị dâu và cháu. Mùng Bảy họp mặt bạn bè thời đại học của ông ở nhà ông bà như mọi năm. Mùng 10 họp mặt bạn bè của bà ở Đường Sách và ở quán ăn trong plaza đối diện. Xen kẽ là những ngày bà con họ hàng và các bạn bè khác ghé thăm.

Bình-thường-cũ nhưng có gì khang khác. Rồi sau đó là những ngày kinh khủng của toàn thế giới. Ở Việt Nam tình hình có khá hơn nhưng vẫn là hốt hoảng và lo sợ và cách ly. Tạm yên ổn vài tháng dich lại bùng lên lúc cuối năm. Và bây giờ những ngày tết con trâu trôi qua khác thường. Không có chiếu phim. Không sân khấu kịch. Không sân khấu ca nhạc. Nhà hàng hạn chế khách. Trường học đóng cửa thêm một tuần sau tết. Nhà không có khách. Không có họp mặt bạn bè, bởi mọi người tự hiểu là già rồi nên không tới nhau là giữ an toàn cho nhau. Bà sống trong bình-thường-mới, không sợ hãi như cách đây một năm nhưng lòng không vui. Bà không có tính sân si nhưng quả thật rất hậm hực với kẻ nào đã tung con virus khốn kíếp ấy vào cuộc đời này. Bạn bè bà đã có người ra đi trong đau thương tội nghiệp ở Mỹ vì nó. Biết rằng đời không có chữ nếu nhưng đời sẽ vui biết bao nếu không có con covid chết tiệt này.

Vậy rồi những ngày tết cũng qua. Vẫn là Tết, vì có hoa mai hoa vạn thọ có mâm ngũ quả có các món ăn truyền thống có cúng kiếng tổ tiên có về quê thăm mộ má ngày đầu năm có ông bà lì xì cho cháu nội và các con lì xì cha mẹ già, mà cứ như không Tết, vì không ai đến thăm chúc tết và không đi thăm chúc tết ai trong thành phố. Tất cả đều qua điện thoại và mạng internet. Sợ mà không sợ, không sợ mà sợ, con corona. Và đó là tết bình-thường-mới của hai người già trong ngôi nhà cũ kỹ ở một góc nhỏ của Sài Gòn.

Ngọc Bút                                   

(Saigon 25.02.2021, Tết Tân Sửu)

 

 

Saturday, October 28, 2023

Nhớ Tây Ninh - Nguyễn Cang

 NHỚ TÂY NINH

 

















(Ghi lại một thời tuổi trẻ ở Tây Ninh, man mác nỗi buồn xưa…)

Bao mùa thu xa xứ đất Tây Ninh

Nay về thăm cố hương đất hữu tình

Sông Vàm Cỏ nước ròng trôi lờ lững

Đường Gò Chùa* buổi sáng nắng lung linh

 

Trưa hè Chợ Cũ* mưa rơi ướt mắt

Thương nhớ nhiều người em gái Xóm Chài*

Làn môi hồng buông tóc xỏa ngang vai

Bờ mi cong nhấp nhô thuyền bến mộng

 

Tuổi đôi mươi tôi mang nhiều khát vọng

Bao ước mơ còn động mãi trong tim

Hẹn ngày mai khi đất nước  bình yên

Xe duyên thắm cho tình thêm nồng ấm

 

Để đêm đêm em không còn lo lắng

Tiếng đạn bom từ đồn vắng vọng về

Khi tôi còn dong ruỗi chốn sơn khê

Mong có dịp dừng quân về nghỉ phép

 

Biến cố bảy lăm đóng khung cửa hẹp

Ta vào tù em trôi dạt nơi đâu

Tây Ninh ơi sao để gãy nhịp cầu

Ta ngậm đắng trong niềm đau mất nước !!!

 

Nguyễn Cang (Oct. 16, 2023)

*Một số địa danh ở Tây Ninh.

Ở Một Nơi Không Còn Người - Thuyên Huy

 

Ở Một Nơi Không Còn Người

   Cho một người cũng giống như người trong chuyện, chắc cũng buồn như nhau




 

     Mùa Thu, bây giờ những ngày cuối Thu, dù lòng dặn lòng là không trở lại lâu lắm rồi nhưng giờ về lại đây, nơi anh bỏ đi, từ mùa thi cuối năm. Chiều nay cũng như buổi chiều ngày đó, ngày người theo anh về thăm cho biết quê anh, một tỉnh lẻ nắng cháy lần đầu, và cũng không ngờ lại là lần cuối, không còn gặp lại.  Nắng tàn, cái nắng của hoàng hôn, vàng pha tím nhạt úa như màu của lá Thu trải ngập đường, rơi rớt bên kia sông để đêm mau xuống,

*

   Cây hoa dại đơn lẻ, màu sắc lẫn lộn , không vàng không tím, không ai biết nó sinh ra từ khi nào, nhưng cứ một mình khó nhọc mọc len lên từ khe nứt vô tình của phiến đá lớn rong rêu, cái phiến đá nằm trơ trọi sau cái ghế cây hoang phế duy nhất, mà chiều thu đó, anh với người đã ngồi bên nhau, nhìn xuống cuối dốc đường, bên kia sông, thì thầm thương con phố nhỏ, ở góc công viên nghèo nàn, lá úa nhiều hơn hoa, chắc giờ tuổi đã già và gầy guộc hơn nhưng vẫn còn hoa, cũng là cái hoa lẻ loi, duy nhất như từ những ngày xa xưa đó.

*

    Ở một thành phố khác, cũng chiều hôm nay, người bỏ anh, lên xe hoa,về nhà chồng, một bác sĩ quân y Dù, vị bác sĩ mà có lần anh đã gặp với chiếc xe jeep đục màu bụi rừng đất đỏ, buổi chiều cuối trời giao mùa Xuân Hạ, hôm anh tới chờ đón người sớm hơn giờ hẹn trước cổng trường xong giờ dạy. Anh hơi ngỡ ngàng, đứng khựng lại, nép sau gốc cây Phượng già nhìn, thấy người cười tươi, anh nhíu mày tự nhủ, chắc là ai đó quen vậy thôi.

*

    Trên đường bên nhau ra phố chợ, anh bất chợt ít nói hơn và không hỏi gì chuyện anh đã thấy trước đó, người vẫn nói cười như những lần  hẹn cũ từ lúc quen nhau cho tới bây giờ. Anh quen người từ ngày vào đầu năm học, cả hai cùng một trường, nhưng người học trên anh một năm, như vậy sẽ ra trường trước anh. Nhà người ở Sài Gòn, anh thì dân dưới tỉnh, Chuyện của hai thì không khác gì những chuyện tình của muôn ngàn người khác, theo trình tự quy luật của thiên thu trời đất. Người theo anh về quê anh, một cái tỉnh nhỏ, nửa chợ nửa quê, cách xa Sài Gòn không gần không xa, không là đường dài miền Tây sông nước.

    Ra trường, người về dạy ở trường tỉnh quê anh, nơi mà người đã có lần về cùng, anh còn phải thêm một năm nữa mới xong, những thỉnh thoảng, anh cũng bỏ ghế giảng đường dưới này một hai hôm, về gặp người cho đở thương đở nhớ.

*

    Từ trên dốc nhìn xuống con sông, con sông chia đôi bờ phố chợ, cứ vẫn vô tình, thản nhiên nước lớn nước ròng như những ngày tháng cũ, đèn đường lên héo hắt vàng, mù mờ từ lâu, đêm chầm chậm xuống, mây tím hoàng hôn tan dần phía trời biên giới, chim đâu đó gọi nhau đi ăn đêm, người thưa thớt qua cầu xuống chợ, chợ đêm lác đác người, giờ này công viên không ai màn tới.

*

    Anh ngồi đó buồn cho mình, lặng lẽ nhặt mớ lá vàng khô, gom lại phủ quanh cây hoa dại, lẻ một đời, tống biệt mùa Thu của mối tình đầu, mùa Thu chết, ngày mai, một lần nữa anh bỏ nơi này đi và có lẽ lần này, đi biền biệt đi không về.

 

Thuyên Huy

 

 

 

Khóc Thầm & Đêm Trăng Bến Cẫm Giang - Nguyễn Thị Châu

 KHÓC THẦM

 















Hôm nao em tiễn anh đi

Hành trang là cổ quan tài lẻ loi

Giọt dài, giọt ngắn đơn côi

Lá vàng đưa tiễn một đời thế nhân

Đưa anh ra đến mộ phần

Mình tôi trở gót lang thang đường về

Còn đâu giây phút cận kề

Con đường xóm nhỏ đi về có nhau

Chiều tà cho tới đêm thâu

Cùng ai thao thức? Những câu ân tình

Nằm ôm gối chiếc một mình

Trở trăn, trăn trở duyên tình còn đâu

Rêu phong phủ kín tình sầu

Trăng Thu chênh chếch trên cầu thê lương

Ra đi để lại nhớ thương

Chìm vào cát bụi, vấn vương cho đời

Từ nay xa cách hai nơi

Vĩnh hằng anh đến còn tôi khóc thầm

Anh ơi! Nơi cỏi xa xăm

Nấm mồ anh đó, anh nằm an yên….!

 

25-10-2023

Nguyễn thị Châu

 

ĐÊM TRĂNG BẾN CẨM GIANG

 

 Bóng nguyệt còn đây anh ở đâu?

Đêm nay trăng sáng gợi cung sầu

Bến sông ngày ấy ta cùng ngắm

Ca ngợi trăng vàng hoạ mấy câu

 

Cẩm Giang sông nước nhìn say đắm

Gợn sóng lăn tăn ánh trăng soi

Múc ánh trăng vàng cho em đó

Nụ cười duyên dáng nở trên môi

 

Trên chiếc thuyền con ở bến sông

Hai trái tim yêu, một tấm lòng

Nước biếc Cẩm Giang xin làm chứng

Cho tình đôi lứa như ước mong

 

Cẩm Giang ngày ấy, không còn đến

Anh đã rời xa cả bến sông

Không còn đứng ngắm trăng vàng nữa

Không múc ánh trăng để tặng nàng

 

Cẩm Giang ơi! Hởi Cẩm Giang ơi!

Từ nay vắng bóng anh tôi rồi

Ánh trăng cũng khóc từ hôm ấy

Bỏ lại bến xưa, trăng lẻ loi…!

 

25-10-2023

Nguyễn thị Châu

 

Lãnh Đãng Hồn Xưa - Ngô Viết Trọng

 

LÃNG ĐÃNG HỒN XƯA

 




Hồi ấy, những ngày nghỉ học tôi hay theo cha tôi vào rẫy để làm phụ một số việc vặt. Tôi thích lắm, vì đó là cơ hội để tôi có thể mặc tình bắt chuột bắt chim. Chỉ trong tháng đầu kỳ nghỉ hè tôi đã bắt được cả chục tổ chim và một con rùa nữa. Mẹ tôi vốn sùng đạo đồng bóng, thấy vậy bà đâm ra lo sợ. Một lần mẹ tôi dặn:

- Vùng rẫy mình đang mần là đất cũ của người Mọi, người Hời. Khi vô đó con không được nghịch ngợm phá phách. Con biết mấy cái cây thân to tàng rộng là nơi những kẻ khuất mặt khuất mày hay ở không? Con chim con chuột làm tổ ở đó không chừng là của người ta nuôi. Mình cứ tới quấy phá khiến người ta nổi giận là rước cái khổ vào thân có ngày.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Những kẻ khuất mặt khuất mày đó là ai rứa "mạ"?

Dân làng tôi hồi ấy hầu hết quen lệ con cái gọi cha là "chú" và gọi mẹ là "mạ". Mẹ tôi nghiêm giọng:

- Là những vong hồn người Mọi người Hời chứ ai nữa. Tuy họ đã bỏ đi nơi khác để đất đai lại cho mình mần ăn nhưng vẫn có một số vong hồn thương đất tiếc của còn bịn rịn ở lại. Những vong hồn ấy cứ quanh quẩn đó, chờ thấy ai hạp căn hạp mạng là tìm cách bắt về hầu hạ cho họ. Vì rứa con phải giữ gìn cho lắm mới được!

Thế rồi mẹ tôi dẫn chứng một tùa dài những người bị chết do những kẻ khuất mặt nói trên chấm số khiến tôi rợn cả xương sống. Từ đó, cứ vào tới rẫy tôi chỉ làm việc quanh quẩn bên cha tôi, không dám nghịch ngợm đi tìm chim bắt cá như trước. Nhất là gặp chỗ có cây cao bóng mát tôi vội tránh xa ngay.

Nhà tôi cách xa rẫy không tới bốn cây số. Muốn đi đến rẫy, chúng tôi phải đi theo một con đường mòn ngang qua một dòng khe nhỏ, dân làng tôi vẫn quen gọi là "khe bà Hoàng". Khe này có nước chảy quanh năm, nhưng về mùa nắng có lúc chỉ còn một dòng nhỏ chảy rất yếu. Dân làm rẫy qua lại vẫn hay ngừng tại đây để rửa ráy, giặt giũ. Khe không bắc cầu vì trên lối đi qua, mặt khe rộng thoáng, ngoại trừ những lúc đang mưa lớn, nước không chảy xiết lắm, người ta vẫn lội qua lại dễ dàng. Nhìn về thượng nguồn phía bờ hữu, cách lối qua khe một đoạn, tôi thấy có một khu cây cối khá xanh tốt rậm rạp. Hiện tượng này đã làm tôi thấp thỏm nghĩ ngợi nhiều ngày. Tôi từng nghe người ta kể trước đây không lâu có một người đàn bà thiểu số từ đâu không biết đi lạc đến sống ở vùng này. Bà ta không biết một tiếng Việt nào nên cũng chẳng ai chỉ bảo gì cho bà được. Bà đã tự dựng một cái chòi nhỏ gần khe bà Hoàng để ở. Hằng ngày bà xin khoai xin sắn và bắt cóc nhái rắn rết để nướng ăn. Trong làng cũng có mấy người tốt bụng hay đem cơm đến cho bà. Suốt thời gian ở đó, tuyệt nhiên bà không hề trộm cắp của ai hay làm mích lòng ai cả. Dân làng vẫn quen gọi bà là "mụ Mọi". Ở đó được mấy năm thì "mụ Mọi" đột nhiên biến mất, để lại nhiều thắc mắc cho dân làng. Nhiều người cho là "mụ Mọi" đã chết ở một hóc hẻm nào đó. Người ta đồn đại có người đã thấy "mụ Mọi" hiện hồn về xin ăn... Tôi lại nghĩ có lẽ hồn "mụ Mọi" đang ở đâu trong khu cây cối rậm rạp đó nên không ai dám đốn thôi. Cả vùng mỗi rẫy người ta chỉ chừa lưa thưa một vài cây vừa vừa để lấy bóng mát nghỉ trưa, còn hầu hết đều phá đi để trồng hoa màu. Người ta sợ để cây quá lớn sẽ bị tinh tà ma quỉ đến ở rồi tác oai tác quái. Vùng rẫy này lại thuộc khu vực mất an ninh nên không mấy ai trồng các loại cây ăn trái lưu niên. Ban đêm đâu có ai dám ở lại để giữ gìn?     

Một lần mẹ tôi nấu cơm trễ, cha tôi nôn việc vào rẫy trước, chừng hai giờ sau tôi mới bới cơm theo. Lúc ấy đường vào rẫy đã vắng, chỉ còn một mình tôi thung dung đếm bước. Khi sắp lội qua khe bà Hoàng, tôi bỗng thấy một bà lão đầu đội chiếc mũ len màu đà, mặc áo dài màu lam, ở đâu từ mé khe phía có lùm cây cối rậm rạp thình lình bước lên. Tôi nhận ra ngay bà lão có một dáng dấp phong lưu và một gương mặt đẹp trong sáng ưa nhìn khác thường! Tôi hết sức ngạc nhiên rồi bất chợt rùng mình! Có phải là người thật không đây? Làng tôi quê mùa lam lũ làm gì có được một người đàn bà lịch sự như thế? Bà ở đâu đến, sao lại từ phía cái cái lùm cây mà tôi vẫn ái ngại lâu nay ấy bước ra? Tuy bà lão gật đầu chào tôi với ánh mắt đầy vẻ thiện cảm nhưng tôi vẫn bước thật nhanh, tim đập thình thịch. Qua khỏi khe một đoạn khá xa tôi mới tạm yên tâm. Nhưng sau đó hình ảnh bà lão cứ khuấy động đầu óc tôi. Người đâu đã già mà còn đẹp khác thường như vậy?

Nhất định bà lão tôi mới gặp không phải dân Mọi rồi, Mọi làm sao trắng trẻo như thế được? Hay bà là dân Hời chăng? Tiên chăng? Hồ mị chăng? Lúc bấy giờ tôi cũng có đọc vài ba truyện Liêu Trai thấy người ta nói đến một giống chồn tu luyện lâu đời có khả năng biến thành những cô gái đẹp hay những ông già bà lão phương phi khác phàm để trêu chọc hay tìm cách làm hại loài người. Hình ảnh bà lão vừa đẹp thu hút vừa đáng sợ ấy cứ lởn vởn mãi trong trí tôi. Tuy thế, tôi vẫn không dám nói với ai vì sợ người ta cười mình nhát gan. Nhưng từ đó, khi đến đoạn đường lội qua khe bà Hoàng tôi không còn dám đi một mình.

Rồi một chiều kia, khi cùng cha tôi trên đường từ rẫy về nhà qua khỏi khe bà Hoàng một đoạn, tôi bỗng thấy ba người nào đó đang đi ngược chiều. Lúc ấy mặt trời sắp lặn, người làm rẫy đã lần lượt ra về gần hết. Mấy người này ở đâu lại đi ngược như thế nhỉ? Khi lại gần tôi bỗng giật thót người, nếu không có cha tôi đi bên cạnh có thể tôi sẽ bỏ chạy mất! Người đi đầu chính là bà lão mà tôi đã gặp ở gần khe bà Hoàng lần trước! Tay bà lão chỉ cầm một cái quạt xếp, vẫn dáng dấp phong lưu với gương mặt đẹp đầy vẻ thu hút. Khi thấy cha tôi cúi đầu chào họ có vẻ cung kính và ba người ấy đều gật đầu chào lại tôi mới yên lòng. Bấy giờ tôi mới dám nhìn kỹ: cả ba người chắc không phải là dân làm rẫy. Họ đều đã cao tuổi, thân hình mảnh mai, bước đi thong thả, không lộ ra chút nôn nóng nào. Đi kế bà lão cốt cách phong lưu ấy là một bà lão khác cũng đội mũ thâm, mặc áo dài nâu đà, nhưng trông người có vẻ khắc khổ, tay xách một cái giỏ đệm đựng gì đó hơi nặng. Sau hết là một ông lão đội nón lá mặc đồ thường gánh trên vai hai chiếc giỏ tre đựng toàn những nồi đất loại nhỏ. Lại một thắc mắc khác dậy lên trong đầu tôi: ông lão gánh một gánh nồi đất nhiều như thế vào đây để làm gì? Tôi lại cảm thấy rờn rợn trong người! Sao giờ này họ mới vào rẫy và họ sẽ làm gì trong vùng rẫy này?

Điều thắc mắc e ngại của tôi không phải vô cớ đâu! Vùng tôi ở người ta vẫn hay dùng loại nồi đất ấy để đựng cốt dời trẻ con. Đã có một lần tôi chứng kiến tận mắt người ta dùng cái nồi đất như thế để đựng một thai nhi bị hư đem chôn. Vậy thì những người này đang đi đâu và dùng nồi đất nung để làm gì?

Đợi khi đi cách họ khá xa tôi mới hỏi cha tôi:

- Gần tối rồi mà mấy người này còn đi mô rứa chú?

- Thì họ đi về chùa chứ còn đi mô nữa!

- Chùa ở mô chú? Xa không mà họ đi chẳng vội vàng chi cả?

Cha tôi gắt:

- Cái thằng ni đi ngang đi dọc nhiều lần rồi mà không để ý chi hết. Chùa bà Hoàng ở gần khe bà Hoàng đó chứ ở mô nữa! Cách đường mình đi chừng vài trăm bước chứ mấy! Cái vùng cây cối um tùm rậm rạp bên bờ khe đó không thấy à?

Trời đất ơi, thì ra có một ngôi chùa ẩn mình ở cái vùng cây cối rậm rạp mà tôi vẫn e dè sợ sệt đó! Lâu nay tôi có nghe tiếng chuông trống gì đâu? Tôi cũng sực hiểu ra y phục lạ mắt mà hai bà lão bận là y phục của người tu hành. Từ nhỏ đến giờ tôi có đến chùa lần nào đâu mà biết! Nhưng vẫn chưa hết thắc mắc, tôi hỏi tiếp cha tôi:

- Rứa ông lão gánh hai giỏ nồi đất ấy vào chùa mần chi?

- Thì để mà nấu cơm chứ mần chi nữa? Cứ hỏi lôi thôi mãi, đi mau kẻo tối rồi!

Tôi lại ngạc nhiên, nấu cơm ư? Thật tình mà nói, tôi cũng chưa hề thấy ai dùng nồi đất ấy để nấu cơm bao giờ. Tại sao người ta không dùng nồi đồng nồi gang thông thường nhỉ? Ở quê tôi hồi ấy người ta còn thói kiêng cữ, không muốn trẻ con biết những gì mà người ta nghĩ là liên hệ đến cõi âm. Tôi cứ nghĩ chắc còn có điều gì bí ẩn lắm mà cha tôi muốn giấu tôi đây.

Hình như hiểu được tâm trạng của tôi, sau khi cơm tối xong, cha tôi hỏi:

- Mi không biết cái bà cầm cái quạt hồi chiều là ai à?

- Dạ không!

- Bà Hoàng đó chứ ai nữa!

Tôi sửng người. Tôi từng đọc những truyện cổ tích, trong đó những ông hoàng bà chúa đều là những nhân vật hết sức cao quí, một đứa trẻ nhà quê như tôi dễ gì mà gặp được! Bà lão tôi gặp hai lần ấy là bà Hoàng ư? Hèn gì dù khoác áo tu hành và đã trọng tuổi mà trông bà vẫn còn đẹp còn đầy vẻ quí phái như thế!    

Thế rồi cha tôi bắt đầu kể đại lược như sau:

Bà Hoàng vốn là con gái cưng của một vị đại thần nổi tiếng giàu có ở Huế là ông Trương Như Cương, người gốc làng Hiền Lương, huyện Phong Điền. Bà là người vợ đầu tiên của vị hoàng tử trưởng con vua Đồng Khánh tên là Bửu Đảo. Khi vua Đồng Khánh mất, hoàng tử Bửu Đảo còn nhỏ quá nên triều đình Huế đã lập con vua Dục Đức là ông Bửu Lân lên kế vị tức vua Thành Thái. Lớn lên, hoàng tử Bửu Đảo trở thành một vị hoàng thân phong lưu phóng đãng bậc nhất ở chốn thần kinh. Thời trẻ ông ăn chơi hơi sớm, có lẽ vì rủi ro lỡ lầm sao đó, ông vướng phải căn bệnh chán đàn bà. Dù vậy, vì thể diện, vì danh giá của gia đình, ông vẫn phải cưới vợ. Bà vợ không may đầu tiên của ông chính là bà Hoàng chúng tôi đã gặp.

Mang sẵn giòng máu phong lưu trong người, khi đã chán đàn bà, ông Hoàng tất phải theo đuổi một vài thứ đam mê khác, đó là thú vui xem hát bội và thú vui đỏ đen. Sau này, vì quá say đắm thú vui đỏ đen, gia sản của ông Hoàng dần tiêu tán hết, nợ nần mỗi ngày mỗi chồng chất thêm...

Bà Hoàng vốn con nhà danh giá, được giáo dục kỹ càng về tam tòng tứ đức nên hết sức giữ trọn đạo thờ chồng. Tất nhiên lỡ vướng phải ông chồng như thế, bà Hoàng không khỏi buồn lòng. Bà đã bao nhiêu lần cố gắng thuyết phục chồng sửa đổi tánh tình, nhưng ông Hoàng vẫn chứng nào tật ấy. Của hồi môn cha mẹ cho khi theo chồng không còn gì đã đành, nhiều lần bà phải về nhà xin thêm để trả nợ cho chồng. Nhưng ông Hoàng vẫn phớt tỉnh coi như không có gì.

Sau cùng không chịu nổi nữa, bà Hoàng quyết định xin tiền bạc cha mẹ một lần cuối để lập một ngôi chùa bên một dòng khe dưới chân núi Sầm trên địa phận làng Thanh Thủy Thượng (xã Thủy Dương) để tu thiền. Tôi chưa rõ chùa đó được đặt tên chính thức là gì, chỉ biết người dân địa phương vẫn quen gọi là "chùa bà Hoàng". Vì lẽ đó, dòng khe chảy ngang qua dưới chân chùa đó cũng được mang tên là khe bà Hoàng.

Tuy tu hành, nhưng bà Hoàng đã tu theo một lối riêng biệt. Bà hướng về mục đích xa lánh trần tục, tìm sự yên tĩnh thanh thoát cho tâm hồn, âm thầm nghiên cứu giáo lý, kinh sách mà ít chú trọng đến việc tụng kinh gõ mõ. Nghe đâu ban đầu cũng có một số tu sĩ khác cùng tu ở chùa, nhưng sau này chỉ còn lại hai thầy trò, không thấy thu nạp thêm đệ tử nào nữa. Ông lão gánh nồi đất chỉ là một người dân địa phương ở gần đấy giúp việc trông coi cây cối trong khuôn viên chùa để hưởng lộc.

Dòng đời xoay chuyển, sau khi thực dân Pháp truất phế vị vua trẻ tuổi cả gan làm cách mạng - tức vua Duy Tân, triều đình Huế bèn rước hoàng thân Bửu Đảo lên thay tức là vua Khải Định.

Khi đã lên ngôi báu, vua Khải Định tỏ ra hối hận việc trước, ngài cho người đến chùa ngỏ ý muốn rước bà Hoàng về triều giữ ngôi Đệ Nhất Giai Phi tức ngôi vị quốc mẫu. Nhưng bà Hoàng đã chán mùi thế tục, nhất định không chịu nghe. Vua Khải Định cũng tỏ ra khá chung tình với người cũ, vẫn để trống chiếc ghế Đệ Nhất Giai Phi. Người vợ kế tiếp của ngài được triều đình chính thức cưới hỏi đúng nghi lễ là bà Hồ Thị Chỉ cũng chỉ được phong làm Đệ Nhị Giai Phi. Tất nhiên các quan còn dâng thêm cho ngài nhiều bà phi nữa. Nhưng những bà này chỉ hưởng được danh vị chứ thật tình cũng như đi vào chùa vậy... Hư thực không rõ nhưng trong dân gian vẫn chào xáo như thế.

Người đàn bà cùng tu, cũng là người theo hầu bà Hoàng, người ta vẫn gọi là bà Nghè. Không ai rõ lý lịch của bà này. Người thì nói bà ta là người họ hàng rất thân thiết với bà Hoàng nên đã hi sinh đời mình theo bà Hoàng cho trọn tình tri kỷ. Người thì nói đó là một bà tiến sĩ (bà Nghè) gặp hoàn cảnh tương tự nên thương nhau mà cùng tu. Có người lại nói bà Nghè chỉ là một cung nữ được vua phong "bà Nghè" để tương xứng với chức tước một người theo hầu cận người đàn bà được coi như quốc mẫu. Bà Nghè có nhiệm vụ hôm sớm lo việc hương khói trong chùa, đọc kinh sách cho bà Hoàng nghe. Bà cũng làm người tùy tùng khi bà Hoàng đi đây đi đó, ở nhà thì kiêm luôn cả việc bếp núc.

Tuy đã gởi mình nơi cửa thiền, nhưng bà Hoàng vẫn giữ thói quen về sinh hoạt ẩm thực quí phái độc đáo cũ. Bà vẫn sai bà Nghè dùng loại nồi đất để nấu cơm. Ăn xong ngày nào quăng bỏ nồi ngày nấy. Người ta nói, dùng loại nồi đất ấy nấu cơm ra ngon thơm lạ thường. Người nấu cơm rành có thể khéo léo liệu cách ủ than thế nào để tạo được lớp cơm ở đáy và quanh hông nồi cháy vàng vàng, thơm dòn ngon tuyệt. Có lẽ điều đó không ngoa gì. Sau này, khi được đọc sách nói về cách ăn uống của các bậc vua chúa, tôi mới biết có nhiều vị vua chuyên ăn cơm nấu bằng nồi đất như thế, chỉ khác là cơm vua dùng vẫn đập bể nồi để lấy ra chứ không đơm ra rồi giữ nồi dùng lại lần khác như dân thường...

Giờ thì mọi nỗi nghi ngại của tôi đã được giải tỏa. Tôi rất muốn có cơ hội để gặp lại bà Hoàng - một bà Hoàng bằng xương bằng thịt! Ngay hôm sau tôi thuyết phục được một thằng bạn cùng vào chùa chơi. Thì ra vẫn có một lối lên chùa mà lâu nay tôi không thấy. Đoạn gần đường mòn vào rẫy thì chỉ một lối hẹp nhưng khi gần chùa thì lại có mấy bậc cấp bằng đá xây trét đàng hoàng. Bước lên khỏi mấy bậc cấp, chúng tôi gặp ngay ông lão đang quét sân. Có lẽ thấy chúng tôi còn nhỏ và có vẻ hiền lành, ông lão ngừng chổi, đi lấy cho chúng tôi hai chùm đào trái rồi dặn:

- Mấy cháu vô chơi đừng có phá phách nghe. Muốn ăn chi nói ông hái cho. Mấy cháu mà phá phách lần sau ông không cho vô đó.

Chúng tôi vâng dạ rồi vừa ăn đào vừa thơ thẩn đi xem khắp vườn chùa. Ở nơi đây chúng tôi đã tìm gặp một sự im vắng lạ thường. Mỗi bước chân trên sỏi đều được nghe rõ mồn một. Vườn chùa có trồng nhiều loại cây ăn trái như dừa, mít, ổi, vải, vả, nhãn, cam, quít... và nhiều nhất là đào. Lát sau thì ông lão đem đến cho chúng tôi một giỏ đệm đựng phần lớn là đào lẫn thêm mấy trái ổi - có lẽ trái cây mới lấy trên bàn thờ Phật xuống. Hôm đó chúng tôi đã ăn một bụng đào thỏa thích. Ăn xong, chúng tôi nằm dưới một gốc mít mà nghỉ. Chốc lát sau thấy buồn ngủ và chúng tôi cùng làm một giấc khá dài. Tôi từng đi qua nhiều khu rẫy nhưng chưa thấy nơi nào mát mẻ bằng ở đây. Cái cảm giác mát mẻ dễ chịu lạ thường lúc ấy tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ...

Sau khi đem khoe với bạn bè cuộc chơi chùa thú vị ấy, tôi lại được nghe thêm nhiều chuyện thú vị khác liên quan đến ngôi chùa này...

Đây là ngôi chùa đặc biệt được mọi giới chức có quyền, kể cả chính phủ bảo hộ Pháp và sau này chính quyền Việt Nam Cộng Hòa triệt để tôn trọng, luôn quan tâm bảo vệ. Quân đội Pháp cũng như quân đội quốc gia Việt Nam sau này khi hành quân khu vực quanh đó tuyệt nhiên không bao giờ xâm phạm đến chùa. Thỉnh thoảng một vài cấp chỉ huy của họ cũng vào chùa nhưng với vẻ hết sức cung kính. Vài lần bà Hoàng thân hành ra nói chuyện với họ, bà nói chuyện với người Pháp bằng tiếng Pháp rất lưu loát.

Nếu có việc gì đáng tiếc xảy ra, người trong chùa chỉ báo cho chính quyền địa phương - quận hoặc xã - biết là lập tức được giải quyết thỏa đáng ngay.

Chùa trồng nhiều loại cây ăn trái nên mùa nào thức nấy, gần như lúc nào trong vườn chùa cũng có trái cây. Vì sự hấp dẫn đó, nó đã trở thành mục tiêu cho những kẻ nghịch ngợm quấy phá, nhất là lũ học trò và lũ chăn trâu. Tuy chùa có nhờ một ông lão giữ việc coi vườn nhưng vì mắt mờ chân chậm nên bao lần ông đã vất vả khốn đốn bởi bọn trẻ. Thời điểm trái cây chín nhiều, ông lão thường đi quanh vườn để canh giữ. Nhưng bọn trẻ có đủ cả trăm mưu kế tạo ra nhiều chuyện cười ra nước mắt để ăn cắp.

Như một lần chúng đến vườn chùa vào lúc chạng vạng. Chúng đã chuẩn bị sẵn một hình nộm độn toàn lá cây mang sẵn lên cây rồi tỉnh bơ trèo hái đào. Khi ông lão biết được chạy đến, tên hái trộm hét lên một tiếng rồi xô hình nộm rớt xuống nghe cái bịch. Ông lão mắt lem nhem không thấy rõ, tưởng đứa bé té xuống thật, sợ có chuyện không may xảy ra phiền phức vội lặn mất. Thế là mấy đứa trẻ mặc sức mà hái.

Cũng có khi một hai đứa lảng vảng bên ngoài vườn, cố tình để cho ông lão thấy. Chúng làm bộ thập thò như muốn chờ cơ hội để leo vào. Tất nhiên ông lão phải canh chừng, không thể nào rời đi được. Ông ta không hề biết rằng cùng lúc đó, một toán trẻ khác đang tự do thao túng ở một góc khác trong vườn.

Vụ "ăn hàng" đáng nhớ đời nhất là vụ giả mạo quân lính. Hôm ấy, một toán thanh niên ngụy trang thành một đội lính quốc gia, gã cầm đầu mang quân hàm trung úy đàng hoàng, ghé vào chùa xin nghỉ một chốc. Bà Hoàng tuy không chịu làm quốc mẫu nhưng vẫn tỏ ra lòng bao dung từ ái của một bà mẹ đối với mọi người. Những khi mát mẻ khỏe người, bà vẫn hay thơ thẩn dạo vườn. Lúc ấy, nếu gặp ai vào chùa xin uống miếng nước, bao giờ bà cũng kêu lại ân cần hỏi han thân mật rồi cho người đem một ít trái cây ra biếu tặng. Những trẻ con vào vườn chùa ăn cắp trái cây, bị người nhà chùa bắt được, nếu gặp bà, cũng được bà kêu lại dịu ngọt khuyên răn rồi cho một ít trái cây mà thả đi. Những ai có vẻ đàng hoàng tử tế tới thăm chùa đều được bà thân tiếp đãi rất ân cần. Bà không phân biệt đó là viên chỉ huy người Pháp, ông tỉnh trưởng, ông quận trưởng, những viên chức hành chánh, quân sự lớn nhỏ hay một cậu học sinh nhà nghèo. Vài lúc bà bảo người nhà rót nước chè, đem trái cây ra mời khách, rồi chính bà ra ngồi chuyện vãn với khách. Bà hỏi chuyện xa, chuyện gần, chuyện thế thái nhân tình... và với bất cứ ai bà cũng có những lời khuyên hợp lý.

Hôm ấy viên trung úy chỉ huy bọn lính giả kia cũng được bà Hoàng vui vẻ tiếp chuyện. Ông ta xin gởi một số tiền để mua trái cây cho bọn lính ăn. Bà Hoàng bảo ông lão lấy trái cây cho họ ăn thả sức nhưng không cho lấy tiền. Bà cũng cho phép ai muốn uống nước dừa cứ leo lên hái. Ông lão cũng nhân dịp này nhờ mấy anh lính hái giùm cho một số dừa. Bình thường ông vẫn nhờ mấy đứa trẻ biết leo trèo hái vì ông không còn leo dừa nổi. Cho rằng có mặt những người lính ở đó không ai dám quấy phá nữa, vả lại, đám lính đã được cho ăn thỏa mãn rồi, ông lão yên chí vào chòi nằm nghỉ trưa thẳng giấc. Đến nửa chiều viên trung úy vào chào cám ơn bà Hoàng rồi rút quân. Bà Hoàng ân cần dặn họ khi nào hành quân qua đó cứ việc ghé chùa.

Khi bọn lính đi rồi, ông lão mới phát giác các loại trái cây như mít, dừa và nhất là đào đã bị hái trộm quá nhiều...

Thế là hôm sau, một số thanh niên trong làng bị quận mời về thẩm vấn vì tội giả mạo quân nhân vào chùa ăn trộm trái cây. Người ta ngạc nhiên vì những người bị quận mời không lầm ai hết. Hơn một nửa đám quân nhân giả mạo ấy là những người đã thi hành nghĩa vụ quân dịch xong. Ông quận trưởng Hương Thủy đã giữ họ lại phạt làm tạp dịch một ngày cảnh cáo rồi thả về...

Sau khi nghe những chuyện như vậy, tôi mừng thầm tìm cách vào chùa chơi nhiều lần nữa. Để mua chuộc cảm tình của ông lão giữ vườn chùa, tôi tỏ ra hết sức hiền từ, biết vâng lời. Khi ông cần leo hái dừa hái mít tôi liền sốt sắng giúp ngay. Tôi nói với ông rằng ở chùa không khí mát mẻ, yên tĩnh, học bài dễ thuộc. Dù muốn dù không ông lão vẫn phải cho tôi một ít trái cây mỗi lần tôi đến. Trái cây ở chùa nhiều, khi đã đặt lên cúng Phật xong người trong chùa dùng cũng không hết. Nhưng mục đích vào chùa của tôi không phải vì thích ăn trái cây hay học bài mà vì một ý riêng. Đáng tiếc hai lần gặp dọc đường tôi chưa biết người mình gặp là một bà Hoàng. Tuy cảm nhận được sự khác thường ở bà nhưng chỉ mới thoáng qua, tôi chưa thỏa mãn. Tôi vẫn nuôi hi vọng được gặp bà Hoàng một lần để chiêm ngưỡng tường tận những nét đẹp quí phái của một bà quốc mẫu.

Nhưng trời không chiều lòng, tôi đã không gặp may. Suốt thời gian tôi hay vào vườn chùa để học, tôi chẳng lần nào thấy bà Hoàng bước ra dạo vườn.

Rồi tôi lên Huế trọ học một thời gian. Tuy xa cách, nhưng tôi vẫn còn nuôi mộng sẽ gặp được vị quốc mẫu cao quí ấy một lần nữa. Tôi cứ tiếc rẻ hồi ấy mình khờ quá, sao không dám táo bạo lên tiếng xin vào "yết kiến" bà? Lúc này thì tôi có thể làm và nhất định thực hiện ý nguyện.

 Thế rồi trong một dịp về làng tôi lại vào thăm chùa. Tôi có chuẩn bị một ít trà bánh, đến chùa với lòng phơi phới tự tin. Nhưng vừa gặp lối cũ lên chùa tôi đã nhận ngay ra sự thay đổi khá nhiều. Cái lối mòn nhỏ trước kia tôi vẫn đi cỏ chỉ đã giăng đầy. Ngược lại có nhiều lối đi băng khác mở ra một cách bừa bãi, có cả dấu chân trâu bò dẫm đạp lên những bãi phân của chính chúng. Tôi tìm lối để len vào trong chùa. Từ trong ra ngoài đều vắng lặng, tuyệt nhiên không có một bóng người. Đó đây khắp vườn và cả trên sân chùa thấy vương vãi vài vỏ trái mít chỉ còn xơ hoặc mít sâu đã khô róm lại, năm ba trái dừa được đập bể bừa bãi, lớp tựa cơm đã được nạo sạch, những chùm đào non chưa ăn được, những trái ổi non khô đen cứng ngắt... Cây cối trong vườn hầu hết bị trâu húc bò lấn gẫy đổ tiêu điều. Một số cây như mít, ổi, đào vẫn lẻ tẻ trổ hoa, kết trái nhưng phần nhiều bị sâu sia cả. Chỉ có những cây dừa còn có vẻ nguyên vẹn nhưng nhìn lên chỉ thấy những quày trái mới ra...

Trước đây tôi đã đến chùa nhiều lần nhưng chưa bao giờ vào bên trong. Giờ đây chùa lại không có người coi sóc nên tôi cũng chẳng muốn vào đó làm gì, sợ xảy ra những điều đáng tiếc. Tôi đang ngẩn ngơ trước cảnh cỏ cây xơ xác hoang tàn bỗng nghe tiếng bước chân ai đi xào xạc. Tôi quay nhìn, một người đàn ông trung niên cầm cái rựa trên tay đang tiến về phía tôi. Ông ta hỏi:

- Chú ở mô tới đây mần chi?

- Dạ, em đi học ở xa mới về ghé thăm chùa. Nhưng sao chùa lúc này không thấy ai ở mà cũng chẳng thấy ai coi sóc chi hết cả vậy?

- Bà Hoàng mất rồi, bà Nghè thì về làng hay đi mô không ai rõ, còn ai mà dám vô đây ở! Ông Tầm cũng mất rồi, chùa không ai coi sóc tụi giữ trâu phá phách quá mới tiêu điều thế ni. Tui cũng định tới kiếm trái dừa uống nước chơi chẳng biết còn không.

Ông ta ngước mắt đảo quanh lên mấy buồng dừa để tìm kiếm lựa chọn rồi lắc đầu:

- Trái cứ vừa nứt mắt tụi giữ trâu đã hái hết cả rồi. Chỉ còn rặt trái non có nước mô mà uống!

Thế rồi ông ta đi lại một cây đào, nhún người nhảy lên vít một nhánh bứt lấy một chùm trái còn non. Ông vừa nhai đào vừa bước ra khỏi vườn chùa theo một lối khác:

- Chú đứng chơi nghe, tôi phải về lấp cho xong mấy vồng sắn!

Tiếng chân người đàn ông xa dần rồi mất hẳn. Buổi trưa hè đứng gió khiến cả chim chóc cũng không buồn hót. Không gian hoàn toàn vắng lặng đến nỗi có một chiếc lá rơi tôi cũng nhận ra. Tôi ngồi xuống bên một gốc dừa tựa lưng vào thân cây. Những ngày hè trước kia tôi vẫn hay ngồi như thế này, nhưng trời mát mẻ dễ chịu chứ không oi bức như bây giờ. Lũ trẻ và những con trâu đã phá phách vườn chùa quá nhiều. Không biết một thời gian nữa ngôi chùa này sẽ ra sao? Tôi nhớ đến ông Tầm, ông còn sống thì đâu đến nỗi! Tôi bùi ngùi nhớ tới bà Hoàng, đáng tiếc cho một người đàn bà đức độ hữu sắc nhưng vô duyên... Rồi bà Nghè nữa, giờ bà đang ở đâu hay cũng đã ra người thiên cổ? Các vị ấy có ai đã được về cõi Phật chưa hay vẫn còn nương tựa đâu đây? Bất giác tôi ngâm lên mấy câu thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên:

"Những người muốn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"


Ngô Viết Trọng        

Người chuyển bài – HV - USA