NGÃ BA
SÔNG
Bà cũng đã tới tuổi nghĩ về ngày ra đi của
mình và của ông, thường nói với con trai mà như trăng trối, rằng một ngày kia
má ra đi hãy hỏa thiêu và rải tro trên sông. Ông cũng nói vậy. Chỉ có một điều
“nan giải” cho con trai là không biết nên rải tro của mẹ trên sông Tiền theo
cha hay rải tro của cha trên sông Vàm Cỏ Đông theo mẹ để hai người vẫn chung
một dòng!
Ngọc Bút
Ngã ba sông
Saigon những ngày gần tết năm
nay lạnh nhiều hơn mọi năm. Lạnh và nhiều gió. Hai người già nhà này mỗi tối
phải mặc thêm áo len mỏng trước khi vào giường ngủ. Cửa sổ phòng ngủ vốn thường
mở toang cả ngày lẫn đêm bây giờ phải khép một cánh ban đêm, bởi gió cứ thổi
thốc vào phòng suốt đêm. Sân trước, gió lớn cũng làm mấy nhánh xoài không ngừng
quăng quật vào balcon . Rồi chiều 27 tết bỗng dưng trời đổ mưa thật lớn, cơn
mưa lớn đến nỗi như đang giữa mùa mưa. Thời tiết thật kỳ lạ. Ông chép miệng,
biến đổi khí hậu hay còn có “điềm trời” gì khác nữa đây! Bà ậm ừ, “điềm” gì thì
chưa biết, nhưng trước hết là mấy người bán hoa ngoài chợ hoa khổ rồi, mưa như
vầy thì hoa để giữa trời bị dập và rụng tơi tả hết còn đâu mà bán với mua!
Mà có “điềm trời” gì nữa thì
chắc mọi người cũng hết sợ rồi. Một năm đại dịch đã qua với mấy đợt bùng phát,
có vẻ như ai cũng chai-lì trước con virus này, dù nó có bao nhiêu “biến thể”
mới nguy hiểm cỡ nào đi nữa. Đã khổ đã cực rồi, có cực khổ thêm nữa cũng chẳng
sao! Đã lo đã sợ rồi, bây giờ có lo sợ nữa cũng vậy thôi, chẳng thể làm gì
được. Cứ bình tĩnh mà sống đi. Cụ thể là bà già nhà này, bà tuyên bố trước cả
nhà là không sợ gì nữa (thực ra thì còn sợ chút chút, nhưng bây giờ “lì đòn”
rồi), chỉ cần cẩn thận, làm đúng theo quy định 5K: mang KHẨU trang khi ra
ngoài hoặc tiếp xúc người ngoài gia đình, KHỬ khuẩn (thường xuyên rửa tay bằng
nước sát trùng), giữ KHOẢNG cách đúng quy định, KHÔNG tập trung đông người,
KHAI báo y tế khi cần thiết.
Nhớ hồi đầu năm ngoái, khi con
corona lần đầu công-khai xuất hiện ở Việt Nam qua hai cha con người Tàu đi thăm
nhau, rồi sau đó cả thành phố bị cách ly, trường học đóng cửa cả mấy tháng, vân
vân. Cũng suốt mấy tháng ông bà không ra khỏi nhà, mua hàng hóa thực phẩm gì
chỉ gọi siêu thị hoặc mấy người bán hàng quen ngoài chợ mang tới. Tết này thì
không như vậy, bà quyết định sống kiểu “bình thường mới”.
Trước tết bà đạp xe đi lung tung
ra chợ gần nhà, đi siêu thị với con trai, đi ngắm chợ hoa từ miền Tây lên dọc
bờ Kinh Tẻ, tất nhiên là luôn luôn mang khẩu trang nghiêm chỉnh. Dù hoa không
nhiều như những năm trước nhưng bà vẫn chọn mua được một chậu mai nhỏ để tặng
ông như thông lệ hàng năm. Ngoài ra bà còn mua hai chậu hoa vàng để hai góc sân
trước, năm thì cúc đại đóa, năm thì cúc mâm xôi, còn năm nay là vạn thọ Pháp.
Bà luôn luôn mua hoa tết ở chợ hoa Kinh Tẻ, vì gần nhà và vì muốn ủng hộ nông
dân miền Tây một nắng hai sương suốt mấy tháng cực khổ rồi cơm ghe bè bạn chở
lên Sài Gòn bán chỉ mấy ngày.
Chiều 28 tháng chạp con trai chở
ba má đi một vòng thành phố. Chỉ ngồi trên xe chạy vòng vòng và không bước
xuống. Đường phố không đông đúc như mọi năm nhưng các quán cà phê vẫn đông
người ngồi, tất nhiên là người trẻ nhiều hơn người già. Cách đây mấy ngày lại
có dấu hiệu dịch bùng phát trở lại trong thành phố. Một số khu vực bị phong tỏa
vì có người dương tính với virus corona hoặc vì có người tiếp xúc với người bị
nhiễm bệnh từ vùng dịch Hải Dương và Hà Nội trở về, nhưng những nơi còn lại của
thành phố vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ được khuyến cáo là không nên tụ họp
quá đông người.
Từ ngày cả ông lẫn bà bị đột quỵ
cách đây hơn 16 năm, hai người không còn cái thú cuối năm đi ngắm cây cảnh ở
hội hoa xuân Tao Đàn, không còn cái thú ngày cuối năm chở nhau chạy một vòng
thành phố rồi có khi ghé một quán cà phê nào đó “ngồi nhìn thiên hạ đón xuân
sang” một chút. Thành phố vừa mới có lệnh không có lễ khai mạc đường hoa Nguyễn
Huệ để tránh “tập trung đông người”, và chỉ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ
chiều. Đi ngang qua đó lúc 6 giờ chiều thấy buồn làm sao, dù từ trước tới giờ
bà chưa bao giờ thích cái đường hoa giả tạo ấy. Bà cũng không ghét nó. Chỉ là
bà thích cái gì tự nhiên hơn thôi. Nhưng hôm nay nhìn đường hoa vắng vẻ trong
ánh chiều nhập nhoạng, bà bỗng thấy thương nó và thương những người đã bỏ công
sức thiết kế và thực hiện nó. Biểu tượng con trâu Tân Sửu cùng với hoa cỏ còn
tươi mới mà buồn híu hắt!
Cũng không có bắn pháo bông
trong thời khắc giao thừa. Phút giao mùa cả nhà đã ngủ, chỉ còn bà và con trai
thức nấu nước trà và bày bánh trái cúng đât trời, mời gọi tiền nhân mảnh đất
này về thưởng thức chút lộc đầu năm. Giao thừa gì mà im ắng kỳ lạ, trên tivi
nhạc xuân gì mà chán ngắt, gió bên ngoài vẫn xào xạc thổi nhưng không nghe ra
nhiều tiếng xe chạy của những người chở nhau ra bến tàu xem bắn pháo bông như
những năm trước.
Sáng sớm mùng Một bà cẩn thận
gọi điện thoại về quê, hỏi xem anh em họ hàng ở quê có ai ngại phải tiếp xúc
với người về từ vùng có dịch không (!). Mọi người cười
xòa nói bà quá cẩn thận, cứ bình-thường đi, có gì đâu mà ghê vậy (!).
Rồi bà và con trai con dâu và
cháu nội về quê của bà sáng mùng Một. Ngày trước khi ông còn khỏe thì cả nhà
cùng đi. Buồn, nhưng biết làm sao! Để tránh tiếp xúc nhiều người lạ, xe chạy
thẳng một mạch từ điểm A là nhà ở Sài Gòn đến điểm B là nhà thờ cha mẹ bà ở
huyện lỵ quê nhà. Thói quen trước thời đại dịch là trên đường đi sẽ ghé ăn sáng
ở một quán ăn đặc sản nào đó. Lần này thì không. Hàng năm về quê ngày mùng Một
tết bà vẫn đến thăm các bậc trưởng thượng trong họ. Lần này bà không trực tiếp
thăm ai, vì nghĩ mình về từ vùng có dịch nên phải cẩn thận giữ gìn cho các ông
chú bà bác vốn đã quá cao tuổi và có đủ thứ “bệnh nền”!
Rồi bà về quê ngoại, cách huyện
lỵ bảy cây số, nơi bà sống những tháng năm đầu đời với ông bà ngoại cho đến 6
tuổi mới trở về với cha để đi học. Cũng là đi thẳng từ điểm B đến điểm C, không
ghé chỗ này chỗ nọ như mọi năm. Bình-thường-mới mà! Ông anh con cậu, người còn
ở lại quê thờ tự ông bà sau một thời tuổi trẻ ngang dọc đó đây, giờ cũng đã
ngoài 70 tuổi, vừa thấy mặt bà đã cười khà khà, cứ về đây bình-thường đi mà, ở
quê sợ gì con covid! Anh nói vui, bom bay đạn lạc ngày xưa còn không sợ, giờ sợ
gì con virus bé tí! Anh nói vậy thôi, chứ ai mà chẳng sợ! Chỉ là bây giờ chúng
ta quá quen với nó… nên quên sợ mà thôi!
Nghĩ lại mà coi, ngày nào cũng
covid và covid, từ báo giấy đến phát thanh truyền hình đến mạng xã hội
facebook. Ám ảnh! Đi thăm mộ má. Bà nhờ ông anh con cậu chăm sóc, hàng năm về
chỉ việc thăm viếng đốt nhang. Bà bao nhiêu tuổi là má của bà mất từng ấy năm.
Nên bà không biết tinh mẫu tử nhận-lại mà chỉ biết tình mẫu tử cho-đi nhờ được
làm mẹ.
Mộ má của bà nằm trong khu mộ
gia tộc ấm cúng nhưng bà vẫn thấy buồn buồn vì cha bà nằm ở một nơi xa khác.
Nắng xế chiều hiu hắt ánh vàng trên ngọn cây. Bà lẩn thẩn tự hỏi không biết nơi
xa kia hai người có gặp lại nhau không khi mất cùng một ngày nhưng cách nhau
đến 24 năm. Bà cũng đã tới tuổi nghĩ về ngày ra đi của mình và của ông, thường
nói với con trai mà như trăng trối, rằng một ngày kia má ra đi hãy hỏa thiêu và
rải tro trên sông. Ông cũng nói vậy. Chỉ có một điều “nan giải” cho con trai là
không biết nên rải tro của mẹ trên sông Tiền theo cha hay rải tro của cha trên
sông Vàm Cỏ Đông theo mẹ để hai người vẫn chung một dòng!
Chiều muộn mùng Một trở về Sài
Gòn, lại đi thẳng từ điểm C về lại điểm A. Không ghé quán bánh canh bánh tráng
phơi sương rau rừng Trãng Bàng. Không ghé quán bò tơ Tây Ninh ở Củ Chi. Không
ghé quán nước mía sầu riêng tuyệt ngon với khoai mì luộc có rắc sợi cơm dừa non
cũng ở Củ Chi. Ngày Tết các quán ăn vẫn mở nhưng rất hiếm khách, xe chạy ngang
thấy vắng hoe, không như mọi năm. Một cơn mưa nhỏ. Đường phố khá đông người, ai
cũng mang khẩu trang dù đi xe hay đi bộ trên hè phố. Các quán cà phê vẫn khá
đông. Đi ngoài đường cách nhau xa gần gì đều mang khẩu trang, còn ngồi trong
quán cà phê gần sát nhau vậy mà không ai mang khẩu trang! Một kiểu
bình-thường-mới khác chăng? Chợt nhớ ra, hầu hết người ngồi quán là người trẻ,
hẳn là họ không sợ con covid như người già, và uống cà phê thì không thể vừa
mang khẩu trang vừa uống!
Nhớ tết năm trước, khi con virus
mới bắt đầu hoành hành bên Vũ Hán thì Việt Nam vẫn chưa có gì khác thường. Hầu
hết mọi người ở đây (trừ các chuyên gia dịch tễ học) có lẽ chưa hình dung được
đại dịch là thế nào, nên vẫn ăn tết bình thường. Mùng Năm bà đi viếng mười chùa
với chị dâu và cháu. Mùng Bảy họp mặt bạn bè thời đại học của ông ở nhà ông bà
như mọi năm. Mùng 10 họp mặt bạn bè của bà ở Đường Sách và ở quán ăn trong
plaza đối diện. Xen kẽ là những ngày bà con họ hàng và các bạn bè khác ghé
thăm.
Bình-thường-cũ nhưng có gì khang
khác. Rồi sau đó là những ngày kinh khủng của toàn thế giới. Ở Việt Nam tình
hình có khá hơn nhưng vẫn là hốt hoảng và lo sợ và cách ly. Tạm yên ổn vài
tháng dich lại bùng lên lúc cuối năm. Và bây giờ những ngày tết con trâu trôi
qua khác thường. Không có chiếu phim. Không sân khấu kịch. Không sân khấu ca
nhạc. Nhà hàng hạn chế khách. Trường học đóng cửa thêm một tuần sau tết. Nhà
không có khách. Không có họp mặt bạn bè, bởi mọi người tự hiểu là già rồi nên
không tới nhau là giữ an toàn cho nhau. Bà sống trong bình-thường-mới, không sợ
hãi như cách đây một năm nhưng lòng không vui. Bà không có tính sân si nhưng
quả thật rất hậm hực với kẻ nào đã tung con virus khốn kíếp ấy vào cuộc đời
này. Bạn bè bà đã có người ra đi trong đau thương tội nghiệp ở Mỹ vì nó. Biết
rằng đời không có chữ nếu nhưng đời sẽ vui biết bao nếu không có con covid chết
tiệt này.
Vậy rồi những ngày tết cũng qua.
Vẫn là Tết, vì có hoa mai hoa vạn thọ có mâm ngũ quả có các món ăn truyền thống
có cúng kiếng tổ tiên có về quê thăm mộ má ngày đầu năm có ông bà lì xì cho
cháu nội và các con lì xì cha mẹ già, mà cứ như không Tết, vì không ai đến thăm
chúc tết và không đi thăm chúc tết ai trong thành phố. Tất cả đều qua điện
thoại và mạng internet. Sợ mà không sợ, không sợ mà sợ, con corona. Và đó là
tết bình-thường-mới của hai người già trong ngôi nhà cũ kỹ ở một góc nhỏ của
Sài Gòn.
Ngọc
Bút
(Saigon 25.02.2021, Tết Tân Sửu)
No comments:
Post a Comment