NGƯỜI
THIẾU PHỤ TRONG MƯA PHÙN GIỮA NÚI RỪNG VIỆT BẮC
Thiếu
tá Hà Sỹ Phong, phó giám đốc đài phát thanh Tự Do, anh ở cùng đội với tôi, mấy
ngày trước anh bị bệnh nên cho nghỉ ở nhà trực phòng, sau đó 2 ngày anh được mẹ
ở miền Bắc lên thăm. Buổi tối anh cho tôi nửa chén cơm vắt và hai miếng thịt gà
kho mặn, anh thì thầm tâm sự:
-
Năm 54 tôi di cư vào Nam chỉ có một mình, ông bà cụ luyến tiếc tài sản không
chịu đi, bố tôi bị đi tẩy não (tù cải tạo) trong đợt cải cách ruộng đất và chết
trong tù, bây giờ mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi lại phải đi thăm con ở tù. Đây là lần
đầu gặp lại mẹ tôi sau hơn hai mươi năm xa cách.
Nói
rồi hai hàng nước mắt anh lăn dài trên má. Tôi lí nhí cám ơn anh về món quà anh
đã cho tôi. Sau gần 3 năm tù, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức một món
ăn quá sang trọng như vậy. Tôi xé từng sớ thịt, rồi lại liếm mấy ngón tay, tận
hưởng cái hạnh phúc to lớn ấy rồi thiếp dần vào giấc ngủ. Sáng hôm sau khi ra
khỏi phòng để điểm danh thì thiếu một người, tên thường trực thi đua (một tên tù
được đưa lên phụ việc đóng mở cửa và kiểm soát anh em) đi vào thì phát hiện anh
Phong đã mê man. Chúng tôi vội cõng anh lên trạm xá nhưng anh đã chết vài giờ
sau đó. Ít ngày sau lại đến anh Trung Tá Lạc phòng 2 Bộ tư lệnh Quân Đoàn II.
Một buổi chiều sau khi lao động về, anh Lạc ghé sang khu tôi ở, móc trong túi
ra một cái bánh chưng đưa cho tôi và nói:
–
Hai cháu nó mới ra thăm, cả hai đều được đi dậy học lại và là “giáo viên tiên
tiến” nên được cho ra thăm “ông Bác”. Nó tìm lên thăm mua cho ít quà, chú dùng
cái bánh chia vui với tôi, mấy ngày nữa các cháu sẽ lại lên thăm tôi lần nữa.
Tôi đón cái bánh chưng to bằng cái bánh trung thu và lí nhí cám ơn anh rồi vội
chia tay, vì sợ tụi cán bộ trông thấy sẽ ghép tôi quan hệ trái phép .v.v.. Quả
thật những lúc đói khát khó khăn thế này mới thấy cái tình dành cho nhau nó to
lớn và sâu đậm. Nhưng rồi không may cho anh, hai hôm sau anh đã chết ngay tại
hiện trường lao động không kịp gặp lại các con.
Giữa
năm 78 vì đói khát suy dinh dưỡng, cộng thêm cơn sốt vàng da đã khiến tôi kiệt
lực, thân thể chỉ còn trên 30kg. Tôi không còn bước đi được nữa, mà chỉ có thể
bò được vài ba thước, tôi được đưa xuống trạm xá nằm trong “danh sách chờ”. Tại
đây đã có anh Tư, anh là người hạm trưởng đã sang Singapore rồi lại quay về, anh
bị bệnh phù thủng lại thêm phần ân hận vì đã quay về để rồi bị đi tù mút chỉ,
nên chỉ ít ngày thì anh chết. Rồi đến Trung Tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng
Kontum, Thiếu Tá Đặng Bình Minh lái trực thăng cho Tổng Thống Thiệu, Trung Tá
Lý. Dường như chẳng còn ai quan tâm đến cái chết, chả thế mà vẫn còn nói đùa:
“Đ.M. mày qua mặt tao mà đíu bóp còi.”
Cũng
thời gian này, có một bài hát đã được anh sáng tác tôi vẫn còn nhớ được ít câu:
“Rồi một ngày mai không có anh, em không còn phải nhớ phải mong – Rồi một ngày
mai thân xác anh quay đầu về núi – Cô đơn ngồi khóc một mình – Không một lần
kịp vuốt mắt anh – Ôi mây lang thang về phía trời xa vời, nhìn trông theo cánh
chim từng đàn, để mình ta với bao ngày tháng xanh rêu, bụi thời gian lấp kín
hồn mình, đớn đau trong lòng mà nhớ về nơi xa, ôi ngày về còn dài bao lâu – Rồi
một ngày mai anh chết đi, em không còn phải khóc phải thương – Rồi một ngày mai
thân xác anh đi vào lòng đất, cô đơn phủ kín đời mình – Không một lần kịp nói
tiếng yêu.”
Nhưng
rồi may mắn hơn, số tôi chưa tới, nên căn bệnh sốt vàng da không biết có phải
nhờ ba cái lá ổi, lá xoan hay không, mà tự nhiên biến mất. Và may mắn thay, nhờ
mảnh giấy tôi gửi lén về qua một chị ra thăm chồng, tuy bị tụi công an phát
giác, nhưng chị cũng đã nhớ cái địa chỉ ở Biên Hòa, nên chị đã đi tìm báo cho
gia đình tôi biết. Nhờ vậy, cuối năm 79 mẹ tôi và vợ con tôi ra thăm . Tên Vinh
cán bộ giáo dục của trại trước khi tôi ra gặp đã chỉ cho tôi gặp 5 phút vì tôi
đã gửi lén thư, nhưng tên công an dắt tôi ra đã cho tôi gặp gần một giờ. Gặp
lại mẹ và vợ con sau hơn 4 năm chỉ biết khóc. Chỉ nói được vài câu thì đã hết
giờ, tôi đứng dậy chào từ biệt, lòng buồn rã rượi, rồi chống gậy lom khom lết
về trại, một tên tù hình sự được chỉ định giúp tôi đẩy cái xe cải tiến chở đồ thăm
nuôi vào trại.
Nhờ
chuyến ra thăm này mà tôi dần dần hồi phục, lúc này mỗi tuần đều có một vài anh
em “quay đầu về núi”. Cái đồi sắn ở phía đội 12 sau hơn hai năm đã có gần 300
anh em tù chính trị được chôn ở đó. Gần tết năm 79 tôi chuyển sang đội 17 lâm
sản, chuyên đi lấy củi để sử dụng cho bếp trại, thời gian này do áp lực của
quốc tế, nên chúng buộc phải cho gia đình đi thăm nuôi, nên sức khỏe của đa số
anh em đã dần dần hồi phục. Một số anh em “con bà phước” cũng được anh em đùm
bọc, nên cái bóng thần chết đã bị đẩy lùi. Hàng đêm tại các phòng, anh em lại
tụ tập quanh ngọn đèn dầu với ấm trà cặm tăm, loại trà thật đặc được pha hoàn
toàn bằng búp trà “hai tôm một tép” sao sấy cẩn thận, do anh em đội trà lén
mang về.
Các tay văn nghệ lại bắt đầu tổ chức ca hát nhạc vàng hàng đêm,
khiến tụi cán bộ trại điên đầu, chúng bắt đầu cảm thấy hoang mang vì thấy tù
càng bị nhốt lâu lại càng ung dung tự tại, không còn hoang mang lo sợ, lại thêm
đám cán bộ nhí bắt đầu bị anh em tù thu phục. Chúng bắt đầu xin anh em chép và
dạy cho chúng hát nhạc vàng, có tên còn xin đồ ăn và thuốc hút. Những buổi lên
lớp do tên Trung tá Thùy nói chuyện đã bị anh em phản kháng bằng cách vỗ tay và
cười, đã làm cho hắn ngượng ngùng. Chẳng hạn như lúc hắn khoác lác về tên Phạm
Tuân đã bay Mig21 lên, rồi tắt máy phục kích ở trong mây, đợi B52 đến rồi nổ
máy tiêu diệt, hay làm phụ lái cho tàu vũ trụ bay lên không gian nghiên cứu bèo
hoa dâu dể nuôi lợn .v.v. Rồi sang đến cuối năm 80 thì cũng chính tin đồn anh
em tù sẽ đi Mỹ, phát ra từ trong đám cán bộ, dân chúng quanh vùng quý tù miền
Nam và ghét cán bộ ra mặt. Anh em đã san xẻ thuốc men cho dân ốm đau trong
vùng, khi đi lao động ngoài Bến Ngọc. Anh em thường gọi đây là công tác dân sự
vụ.
Một
buổi tối cuối năm, sau khi đã điểm danh vào phòng, anh em đang tụ tập đàn hát
như thường lệ, lúc kẻng báo tắt đèn đến giờ ngủ thì tên cán bộ trực tại trại
đến cửa phòng nói vọng vào yêu cầu Phan Thanh đội trưởng lâm sản cử 4 người đi
“lao động đột xuất”. Thanh, Diệp, Tân và tôi mặc quần áo cho thật ấm và cũng
không quên mang theo tấm nylon đề phòng mưa, vì mùa đông miền Bắc thật lạnh,
lại thường có mưa phùn. Chúng tôi được lệnh xuống chỗ đội 12 lấy cuốc xẻng và
thùng xách nước bỏ lên xe cải tiến đi về phía khu nhà tiếp tân. Tên cán bộ đi
theo đưa cho tôi cái đèn bão leo lét.
Ngang khu nhà tiếp tân thì đã thấy một thiếu phụ trong bộ đồ tang
trắng đang đứng đợi. Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi
theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo
chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra đại úy Hải chết
vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát
chân đồi. Sau gần 15 phút chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ
nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng
một tấc. Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam.
Việc
đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sáng,
chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó
nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy
thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương. Chúng tôi đứng
lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn
trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn.
Chúng
tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào. Chỉ không đầy 20 phút chúng
tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan
tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây
được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở
như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn
thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa. Gỡ lớp ván trên mặt, bên
trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để
rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó
một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch
rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon
hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị
vừa tâm sự:
–
Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có
anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do
một chị bạn ra thăm chồng về cho biết. Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho
gia đình, mới đây một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn
xin bốc cốt, sau mấy lần làm đơn cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây
thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp
qua đêm với lý do là ô uế.
Sau
gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để
tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang
quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối
khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy. Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ,
chị vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn
lại. Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong
đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm
ngùi, đứng trông theo. Bỗng sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt
lên trong kẽ răng:
–
Đ.M. Chúng mày rồi sẽ phải trả giá cho hành động khốn nạn này!
Chúng
tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường
trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa. Đã quá nửa đêm, cái lạnh đã thấm sâu
vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của
người đàn bà bất hạnh. Chị mang cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh của vùng
rừng núi Việt Bắc, như người vợ, người mẹ Việt Nam đang mang nỗi đau, nỗi bất
hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng.
Đoàn
Trọng Hiếu
Người chuyển bài – QGHC TC
No comments:
Post a Comment