CON CHÓ NGHĨA TÌNH
Tôi cũng không nhớ rõ là ông
già tôi đã nuôi con chó Xù con từ lúc nào. Chỉ biết mang máng là ông đã xin nó
về nuôi từ lúc mới đẻ, báu vật của một ông bạn già ở xa nhà tôi khoảng năm cây
số đường rừng. Vậy mà ông bạn cố tri ấy đành cắt khúc ruột của mình ra tặng cho
ông già tôi ngay từ thuở nó mới lọt lòng, lúc nó còn chưa mở mắt. Thế đủ biết
cái tình bạn nhậu giữa hai ông già thâm sâu, thắm thiết biết là dường nào.
Đúng là “bợm nhậu” nói theo kiểu
giang hồ. Ông già tôi quả là một dân “nhậu” khét tiếng từ thành đến tỉnh. Nếu
không nổi danh như vậy thì ông đã không đến nỗi “bán vợ đợ con” để về chui rúc
dưới mái tranh xập xệ này. Tiếng là nhà tranh vách đất nhưng trông chẳng khác
nào cái chòi nhỏ. Mái tranh cũ rạt không che kín đủ gian nhà nhỏ bên trong, lúc
nào cũng như chờ đợi những cơn mưa dột ướt cả người vì không tránh né đâu được
hết. Còn cái tình cảm giữa ông bà già tôi mới thật là éo le. Chính vì ông già
tôi là một “bợm nhậu” khét tiếng nhất vùng nên bà già tôi không thể nào chịu được
cái cuộc tình giãy chết này nữa. Bà đành một mình cự tuyệt ông già và lặng lẽ dắt
hai đứa con thơ (trong đó có tôi) kéo nhau về cắm dùi ở cái thôn Quảng Phước xa
xôi hẻo lánh để làm lại cuộc đời. Vậy mà không đầy một năm sau, ông cũng tìm ra
được tông tích của ba mẹ con rồi cũng rút binh về theo. Tuy nhiên cái tình mặn
nồng ngày xưa không còn nữa.
Cái nhà là của bà già tôi mua nên
trên nguyên tắc ông già không có quyền ở chung. Túng quá ông phải tự chế lấy một
cái chái nhỏ có tấm nhựa căng lên che đỡ mưa nắng, núp dưới bóng cây xoài to,
sát bên bờ giếng làm chỗ trú ẩn quanh năm, coi như tạm cắm dùi chung trên cùng
mảnh đất, ở ngay sau cái chòi mẹ con tôi ở. Hai người như hai cái tai của cái cối
xay, người ở đằng trước thì kẻ ra đằng sau, người ở đằng sau thì kẻ ra đằng trước,
người ở trong nhà thì kẻ phải ở ngoài hoặc ngược lại. Cũng chính vì cái nỗi buồn
đơn độc này mà ông già tôi phải tìm cách nuôi một con chó làm bạn. Thoạt đầu ai
nấy đều lắc đầu bởi ông già tôi ngoài cái chuyện nhậu nhẹt trứ danh, ông còn là
một tay nhậu thịt cầy nổi tiếng nên không ai tin tưởng vào lòng tốt của ông một
khi con chó bắt đầu lớn. Ấy vậy mà “mối tình thủy chung” này lại kéo dài đến suốt
cuộc đời của hai “người” còn hơn là cuộc tình to lớn của ông với bà già tôi.
Con chó Xù hiện diện trong nhà tôi từ ngày ấy bắt nguồn từ mối tình lục đục của
hai người đã vẽ thêm vào ký ức tôi những trang kỷ niệm bi tráng, sinh động.
Con chó Xù! Đúng cái tên của nó là
như vậy, không ai thêm bớt gì được nữa. Bởi lẽ mình nó trắng như tuyết, lông mượt
mà xù ra như tảng bông. Cái mặt ốc tiêu thu lu trong đám lông dày cộm khiến
không ai thấy rõ đôi mắt tinh anh với cái mũi nó đâu. Cái đuôi rậm rạp như cái
chổi lúc nào cũng khoe khuẩy một cách sống động để khỏi ai nghĩ nó chỉ là một
con chó nhồi bông. Có điều lạ là ở cái thôn Xuân Tự nơi nó được sinh ra, chẳng
có con chó nào đáng gọi là cha nó. Nó là con chó độc đáo nhất ở đây, mang đầy
nét của giống chó Tây mặc dù thôn Xuân Tự chỉ rặt có một đám chó làng nhà ta.
Từ hôm ông già tôi âu yếm ôm con Xù về
nuôi đã gây ra một bầu không khí chộn rộn trong gia đình không ít. Mẹ tôi vốn
có tính không ưa chó mèo nên khi thấy vậy bèn “quát” cho một câu chí tử “Cơm
không có mà ăn còn đem chi cái ngữ ấy về nuôi, giỏi lắm được năm ba bữa nửa
tháng là vô bụng”. Bà thường nói trổng từ trong nhà vọng ra cốt cho ông già tôi
nghe cho bõ tức chớ không bao giờ bà nói thẳng bởi lẽ cuộc tình đã chấm dứt từ
lâu. Riêng anh em tụi tôi thì đặt nhiều dấu hỏi to tướng là không biết con Xù
con sẽ ăn uống ra làm sao khi con mắt còn nhắm rít. Việc ông đem con chó con về
nuôi như thế này quả là một việc làm hấp tấp một cách kỳ lạ. Chính ông cũng
loay hoay không biết phải xoay xở ra sao với việc ăn uống của nó.
Cơn lo lắng của ông già với nỗi thách
đố của bà già tôi kéo dài đến mấy ngày trời thì đột nhiên bữa nọ, mới sáng tinh
sương, cả nhà bỗng thấy con chó mẹ không biết từ đâu lòi ra với bộ lông đen
ngòm của giống chó mực nhà ta đang nằm xoải mình ra bên cạnh gốc xoài, thò mấy
cái vú dài ra cho con Xù con bú. Thế là vấn nạn trước mắt được giải quyết ngay
tức khắc nhưng sau đó ai nấy đều cảm thấy có một cái gì bất ổn!
Không bất ổn sao được khi cả nhà tôi
từ ông già cho đến mẹ tôi đều tỏ vẻ lo lắng một điều gì đó thật nghiêm trọng.
Ngạc nhiên đầu tiên là không biết tại sao với hơn năm cây số đường rừng từ Xuân
Tự thôn cho đến Quảng Phước phải băng qua ngọn Phổ Đà dày đặc cây rừng, không
ai một lần chỉ đường cho con chó mẹ đi mà nó tìm ra được căn nhà nơi đứa con
xinh đẹp nhất của nó bị “bắt cóc” tạm trú. Chẳng lẽ nó đánh hơi mũi tài tình đến
như thế hay nó có giác quan thứ sáu? Nỗi lo lắng kế tiếp là nó còn cả một đám
con thơ tới bốn, năm đứa ở lại thôn kia với người chủ cũ mà nó phải có bổn phận
nuôi nấng, trách nhiệm còn nặng nề hơn mà phải vượt đèo, lội suối, băng rừng mỗi
sáng cả đi lẫn về để cho con Xù con bú, thử hỏi sức người cũng phải tiêu dênh
huống hồ là súc vật. Thế mới biết cái tình mẫu tử dù ở con vật cũng thật là
thâm sâu!
Nhưng một vấn đề nghiêm trọng hơn ảnh
hưởng ngay đến tính mạng của con chó mẹ là không thiếu gì thú dữ lảng vảng ở
vùng núi Phổ Đà, lúc nào cũng sẵn sàng tóm cổ nó. Thật là một cơn ác mộng! Hẳn
nó không biết chuyện nhiều dân làng đi hái củi đã bị cọp ăn thịt trên ngọn núi
hoang dã này. Bài toán xem ra ngày càng rắc rối. Hai anh em tôi chỉ biết đưa mắt
lấm lét nhìn nhau chớ chẳng biết làm gì. Cho đến một sáng nọ, tôi thấy trên
mình con chó mẹ lẫn mặt mày của nó đầy những vết thương rỉ máu, vẫn nằm êm ả
cho con bú, tuy trên ngực đang cố thở phập phồng với ngàn cơn đau xé buốt. Cha
tôi phải nhai lá cây và rắc thuốc bột đắp vào vết thương cho nó đỡ lành. Sau đó
nó chạy ngược về thôn trong và từ đó, những buổi sáng hôm sau, anh em tôi mon
men ra gốc xoài tìm kỷ niệm xưa nhưng không bao giờ còn thấy bóng dáng con chó
mẹ đâu nữa. Người chủ cũ ở thôn trong cũng cho hay là nó đã biệt vô âm tín, chẳng
còn thấy nó về lại mái nhà xưa! Chúng tôi biết nó đã thật sự gặp chuyện chẳng
lành đâu đó trên góc rừng Phổ Đà thuộc dãy Trường sơn.
Con Xù con bây giờ lâm vào cảnh mồ
côi. Nhà nghèo nên đụng gì ăn nấy. Tuy vậy nó cũng lớn lên và trông “đẹp trai”
ra. Ông già tôi cưng nó còn hơn cả hai đứa tôi bởi lẽ trong những đêm ông say
sưa chỉ có nó làm bầu bạn. Nó quấn quít bên ông như hai cha con, còn tụi tôi phải
ngủ với mẹ vì không chịu nổi cái mùi rượu đế nồng nặc đến chết người. Vả lại
cũng để tránh cái cảnh ông nổi khùng lên đêm hôm vào nhà quật tụi tôi đến nhừ
xương ra vì cái tội không đi mua rượu khi con ma men rượu bắt đầu gặm nhắm từng
thớ thịt của ông. Ác hại thay một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày thì ông say đến
hết một nửa, bữa say bữa tỉnh khiến ba mẹ con phải ra bờ rào trải chiếu ngủ hết
một trăm tám mươi ba ngày mặc cho gió sương, mưa bão hoặc rắn rít, bò cạp đêm
hôm có bò tới làm thịt cũng đành chịu. Khốn khổ của kiếp nghèo là như vậy!
Vào năm Hợi, ruộng lúa tự nhiên bị mất
mùa, dân làng chẳng ai gặt hái được gì nhiều nên cái nghề sửa xe đạp trong làng
của ông già tôi cũng sa sút theo, ít ai còn muốn sửa xe đổi lúa nữa. Ông già
tôi phải chịu đựng bữa đói bữa no, có lúc ăn cháo thay cơm, có lúc ăn rau thay
cháo, có ngày lắm khi chỉ có một bữa ăn, có khi uống rượu trừ bữa, cuộc đời của
con Xù cũng thăng trầm theo cái vận mạt của gia đình, cũng bữa đói bữa no như
chủ nhưng không bao giờ thấy nó thở than, tru tréo. Ngược lại ông già tôi dù đói
cách mấy vẫn không có ý nghĩ làm thịt con Xù mặc dù nó đã lên hai tuổi và dư đủ
cho ông già tôi có một tuần xẻ thịt nhắm rượu. Thấy cái cảnh ông ngủ chung và
thường ôm nó vào lòng vuốt ve, đủ để biết cái tình thương ông trang trải cho nó
biết là dường nào, có khi ông còn nhịn đói chừa cơm cho nó ăn nữa là khác!
Cái cảnh đầm ấm giả tạo giữa vật và
người này kéo dài hơn hai năm. Một bữa nọ có một nhà sư ở chùa Quảng Phước cách
nhà tôi nửa cây số quá bộ đến thăm gia đình, thấy con chó Xù đẹp đẽ thế kia mà
lại gầy còm, ốm yếu bèn đem lòng trắc ẩn muốn xin con chó về nuôi. Ngài cũng
không quên tặng cho ông già tôi một giạ lúa để đền công nuôi dưỡng. Sau đó ngài
bắt con Xù về nuôi giữa cảnh chùa thanh tịch, cô liêu nhưng đầy ắp tình thương
cũng như được chăm sóc cơm nước no đủ mỗi ngày. Tôi nghĩ con Xù thế nào cũng được
hưởng một cuộc sống hạnh phúc từ nay.
Kể từ khi con Xù bị đổi chủ thì ông
già tôi lại đâm ra mắc bệnh “tương tư“. Không phải ông tương tư “người đẹp” nào
trong làng để thay mẹ tôi vì chẳng ai thèm để ý đến ông già say, mà thật ra là
ông tương tư con chó. Ông nhớ thương nó da diết như người ta thương nhớ một người
yêu, mặc dù quanh ông còn có hai anh em tôi quấn quít hàng ngày nhưng ông vẫn cảm
thấy hết sức cô đơn. Cái tấm bạt che mưa nắng đã phai màu bây giờ chỉ còn che đủ
một mình ông, nhiều chỗ đã bị rách lổ rổ, mục nát, cũ mèm đáng để quăng vào sọt
rác nhưng đối với ông vẫn còn hữu dụng. Ông chẳng phải là một nhà tu nhưng y hệt
một nhà tu, thường ngồi xếp bằng trông như thiền đến nỗi tụi tôi không dám đến
gần quấy phá, đùa nghịch, sợ bị ông đánh đòn. Có khi thấy ông khóc một mình,
không biết vì ông nghĩ ngợi cái tình cảnh dở khóc dở cười của gia đình hay vì
ông quá tương tư con chó. Nhưng tôi nghĩ chắc ông tương tư con Xù vì nhiều lần
tôi thường nghe ông nói “Phải chi tao còn con Xù, tao sẽ đỡ buồn hơn”. Từ đó
ông sinh ra cái tật đi câu cá để giải sầu. Mỗi lần ông xách cái cần với cái giỏ
đi câu là tự nhiên ông thơ thới hân hoan mặc dù có lúc về với cái giỏ không. Tụi
tôi ban đầu lấy làm lạ nhưng sau đó hỏi ra mới biết ông đã gặp được con Xù.
Số là con Xù từ ngày về ở với nhà sư,
nó quen với cảnh chùa nên không bao giờ về lại nhà tôi nữa. Ông già tôi thương
nhớ con Xù nên tìm cách đi câu bên dòng sông Hiền (lương) ngoằn ngoèo ở phía
sau chùa để có cớ nhìn mặt được con Xù. Thoạt đầu con Xù chưa nhận ra được chủ
cũ vì xa cách đến hơn cả năm, sau đó linh tính nó biết được người thân nên thường
theo ông già tôi ra bờ sông mỗi khi ông câu cá. Con Xù quyến luyến chủ cũ nên
quấn quít bên ông gìa tôi suốt buổi chiều. Nó hôn, nó liếm, nó nhảy phóc vào lòng
ông già như đứa bé con tìm vú mẹ. Thế là ông già tôi tự nhiên tìm lại được niềm
hạnh phúc. Ban đầu, mỗi lần đi câu ông thường về nhà sớm nhưng về sau ông ở lại
câu khuya hơn, nhất là những đêm trăng thanh gió mát, với bầu rượu bên cạnh và
con chó cưng, ông thấy đời không còn gì đẹp bằng. Ngồi thỉnh thoảng móc mồi
câu, quăng cái tủm xuống nước, đàn cá đua nhau giựt giựt cái phao, lúc nổi lúc
chìm, con Xù phụ họa nhảy lởn vởn, sủa cá sủa trăng, trông cả hai chẳng khác
nào đôi bạn thân tình nhất.
Lúc đầu con Xù còn sợ nhà sư nên chỉ
tìm cách trốn ra bờ sông mỗi chiều rồi lại trở về chùa. Sau đó nó bạo gan hơn,
mon men theo ông già tôi về đến tận nhà, chơi qua loa với tụi tôi chừng nửa tiếng
đồng hồ rồi lui bước, để lại nỗi vui mừng hụt nơi anh em tôi. Mấy ngày sau đó
nó bất kể nhà sư với cơm lành canh ngọt ở chùa, quyết tâm về nhà tôi ở luôn.
Báo hại nhà sư phải mỏi mắt đi tìm mới gặp nó. Nhìn thấy nhà sư, người chủ mới,
nó có vẻ thẹn thùng cúi gầm mặt xuống, chẳng tỏ vẻ gì mừng rỡ cả. Về sau ông già
tôi thấy áy náy vì một giạ lúa lỡ đã nhận trước đây nên đành phải mang con Xù
trả lại chùa. Nhà sư cũng vui vẻ nhận nhưng mấy chú tiểu ở chùa muốn cho chắc
ăn nên lần này xích con Xù lại để nằm canh chừng ở một góc bếp, sát bên cây thị
quanh năm nở hoa trái vàng óng thơm lừng.
Bẵng đi hơn năm năm, con Xù không còn
bao giờ trở về thăm lại chúng tôi nữa. Có thể vì ông già tôi ngày càng già
không muốn đi câu xa ở bờ sông cũ nên không còn dịp gặp nó. Có thể vì đời sống
giam lỏng nơi cảnh chùa u tịch nên nó chẳng thể nào về, có thể vì nó biết thân
phận nó nay là của chùa nên thà đừng làm phiền ai càng hay, cũng có thể nó đã
già và chết rồi không chừng. Riêng anh em tôi bây giờ đã lớn, tôi đi học xa, em
tôi đi lính, mỗi đứa đi làm ăn một phương, ít có dịp về lại quê xưa chỉ trừ khi
Tết nhất đến, nên cũng chẳng để ý gì chuyện con chó Xù nữa. Một trang tình sử
tưởng đến đây đã hết, nào ngờ…
Xuân năm Ngọ, đúng mồng một Tết,
trong lúc anh em tôi đang quây quần trong nhà đón xuân lúc đất trời vừa ửng nắng
mai, bỗng nhiên con Xù già từ đâu tung cổng vườn khép kín đi vào ngoe nguẩy
đuôi mừng rỡ. Vẫn bộ lông mềm mại tựa như bông nhưng không dấu nổi màu sắc tàn
phai vì mưa nắng. Gương mặt con Xù tuy vẫn còn khuất trong đám lông rậm rịt
nhưng vẫn không che kín được lớp da nhăn, nhất là ánh mắt không còn tinh anh
như ngày trước nữa. Ông già kể cả bà già tôi bảo nó xông cửa đầu năm chắc là
may mắn. Cả nhà ai nấy cũng đều ngạc nhiên vì không ngờ nó lại chọn đúng ngày mồng
một Tết mà về sau hơn năm năm xa vắng. Có điều con Xù bây giờ đã già trông
không còn giống con Xù ngày xưa nữa. Tôi ôm con Xù già vào lòng vuốt ve, và qua
nó, biết được cuộc đời đã đổi thay nhiều lắm. Nó ở nhà tôi chơi hết một ngày
Xuân rồi lại trở về chùa suốt năm ở đó.
Xuân sau năm Mùi, anh em tôi bị kẹt ở
miền xa không có dịp về thăm nhà nữa. Mẹ tôi có cho hay mồng một Tết, con Xù lại
xông cửa về thăm chủ cũ lần nữa. Tôi thấy lòng bâng quơ rung động, tự nghĩ như
con Xù có mối liên hệ tiền kiếp nào với gia đình tôi, sao không nó cứ đợi đến
ngày mồng một Tết lại về? Ông già tôi ngày càng già, bệnh tật liên miên vì chứng
xơ gan do rượu hoành hành. Không có ai hầu hạ giúp đỡ nên lúc nào cũng tưởng nhớ
đến con Xù – con thú già bí ẩn, mỗi năm chỉ gặp mặt nó có một lần vào ngày Tết.
Cho đến năm sau - Tết Mậu Thân, giặc
Cộng tràn về đầy làng và đánh nhau sống mái với quân đội quốc gia. Mẹ tôi cho
hay con Xù già cũng đã trở về và bị đạn lạc nằm chết sau gốc cây xoài cằn cỗi,
cạnh cái chái của ông già tôi khi cả làng đi di tản xuống Cồn hoặc ra Giả. Y
như mọi năm, có lẽ con Xù già tung cửa trở về giữa sáng mồng một Tết để đón mừng
Xuân vui, nhưng đã không còn mùa Xuân nào vui nữa khi nó đã bị ngã gục dưới lằn
đạn oan nghiệt chẳng biết từ phía nào. Một năm sau đó, ông già tôi cũng theo nó
về luôn chốn suối vàng! Anh em tôi mồ côi cha kể từ dạo đó.
Cứ mỗi mùa Xuân lạnh lẽo trôi qua nơi
xứ lạ quê người, tôi lại nhớ đến chuyện con Xù. Mỗi lần nghĩ tới nó, tôi cảm thấy
hổ thẹn một cách kỳ lạ. Nó còn biết trở về lại mái nhà xưa để chịu chết giữa
lòng đất Mẹ. Còn tôi, liệu biết đến bao giờ?
Nguyễn Sĩ Nam
ĐS17
Hồi Ký Mùa Xuân
304Đen – llttm – MT68
No comments:
Post a Comment