Sunday, March 24, 2024

Một Lần Lời Lỡ Quên - Thuyên Huy

 

Một Lần Lời Lỡ Quên

Chuyện viết bằng tưởng tượng để tặng hai cô giáo

 

    Lưng chừng chiều, trời Sài Gòn vẫn còn nắng, cái nắng giữa Hạ, hâm hấp nóng. Cũng hơn một năm mấy Huấn mới về lại. Đường phố Sài Gòn chiều thứ bảy, chiều nay không khác gì ngày cũ, cũng quần là áo lụa muôn màu muôn vẻ, vẫn ngựa vẫn xe, đầu phố cuối phố đâu đó vài ba màu áo trận, chiến tranh vẫn chưa về gần thành phố mặc dù có tiếng đai bác vọng về xa xa, có hỏa châu lơ đảng nhạt nhòa tranh sáng tranh tối trong đêm, những đêm Sài Gòn chưa ngủ.




    Từ bên đường qua, giờ này rạp xi nê Casino chật nức người chờ mua vé, định vào cái hẻm nhỏ sâu bên hông rạp kiếm cái gì ăn chiều trước khi về nhà trọ cũ, căn nhà của hai bác công chức già về hưu mà Huấn đã ở suốt mấy năm đại học, ngày mới chân ướt chân ráo nhà quê lên Sài Gòn.

    Còn đứng lại đầu hẻm, nhường đường cho một cặp trái gái trẻ đi trước, bâng quơ nhìn thiên hạ lại qua, từ dưới hướng Lê Thánh Tôn lên, ngạc nhiên và không ngờ, một trong hai người đi lên gần tới là cô Quỳnh Dy, cô giáo sư môn toán trường học tỉnh nhà, chắc hơn năm sáu năm rồi không gặp lại, Huấn trố mắt nhìn, ngạc nhiên và không ngờ, cô Quỳnh Dy cũng như Huấn, ngạc nhiên và không ngờ “Huấn đây sao?”, Huấn cúi gật đầu chào một tiếng “dạ”.

*

    Con nhà nghèo, nhà có được hơn vài mẩu ruộng gò do ông bà nội để lại khi qua đời ở cái ấp nhỏ của một làng quê nghèo, nằm dọc theo bờ nhánh sông dài chảy xuôi về miệt miền Tây. Ba má nhọc nhằn hôm sớm, nắng cháy mưa dầm vừa đủ miếng cơm manh áo. Nhà còn lại một mình Huấn sau ngày người chị qua đời vì bệnh sốt xuất huyết lúc mới lên hai tuổi, khi đó Huấn còn bú mẹ, chưa biết bò.




    Gói ghém chút ăn chút để, Huấn cũng tới trường làng, ngôi trường gạch tươm tất trên chợ xã, cách nhà không mấy xa, tính theo con đường lộ ra bến đò đi chợ quận. Rồi trời còn thương, con nhà nghèo nhưng học giỏi, Huấn đậu vào đệ thất trường tỉnh. Thằng nhỏ nhà quê còn mùi bùn được ông xã trưởng thương tình, giúp ba má, vì ba má có quen biết ai đâu, gởi lên ở trọ tại cái chùa cổ kính, nằm khuất sau hàng cây Sao cao rậm lá, xế cuối con đường, cách trường hơn cây số và cũng tứ ngày đó nó xa nhà, nhớ nhà rồi khóc, và cũng từ ngày đó nó quen tiếng mõ hồi chuông, tiếng đại thần chung ngân vang lên những chiều tỉnh mịch, ông sư già ít nói, cười nhiều, thương nó như con, ngày qua ngày lại, trong hậu liêu, ngoài sân chùa, ông dạy nó nhiều thứ từ chữ nghĩa tới lễ giáo, khách thập phương tới cúng chùa cứ gọi nó là “chú tiểu con”.

    Riết rồi quen, mỗi lần Huấn về thăm nhà vài hôm là ông sư già cứ đi ra đi vô, nhìn trời xa xa, buồn mà nhớ. Ba má ít học, ít nói dù nhớ con nhiều nhưng chỉ lên tỉnh ba bốn lần, cám ơn tạ ơn ông sư già, công ơn cho Huấn tá túc học hành, với chút bầu chút cà, chút dưa, mớ rau trồng ở khoảnh đất trủng sau nhà, vậy thôi. Còn Huấn thì, năm đầu chưa biết ất giáp gì, mỗi sáng sớm thứ bảy thì ông sư già dắt Huấn ra đường, đón chuyến xe đò lỡ, gởi anh lơ lo cho về tới quận, đã có lần được má lên dẫn về nên Huấn cũng còn nhớ đường nhớ xá, từ bến xe quận xuống bến đò về làng nhà.

*

   Huấn học toán với cô Quỳnh Dy, tuổi chừng dưới ba mươi, chắc hai mươi mấy, đẹp lắm, cả hai năm đệ lục đệ ngủ, học giỏi, hiền hậu, bạn cùng lớp ai cũng mến, với cô, hiểu cảnh nghèo ham học của Huấn nên cô thương, giúp Huấn nhiều thứ, cô cũng hay đi lễ chùa, thỉnh thoảng xin phép ông sư già cho Huấn về nhà cô chơi, căn phố nhỏ gọn gàng, xế cổng trường một khoảng đường không xa lắm, mà cô mướn từ những năm đầu mới đổi lên trường tỉnh từ Thủ Dầu Một. Lên đệ tứ dù không còn học với cô nhưng tình cô trò vẫn thắm thiết như những năm qua.

  Cuối năm đệ tứ, hết hè, ông sư già mất, có nhà sư khác từ dưới miệt miền Tây lên trụ trì, Huấn về ở trọ tại nhà của bà bác, lo coi sóc chùa từ nhiều năm qua, ăn chay trường, tu tại gia, không con cháu, nằm mé rìa phố chính, hơi xa chùa, xa trường chút xíu, cũng cùng con đường ngang qua nhà cô Quỳnh Dy. Dao này, Huấn không thường về nhà lắm vì chiến tranh dường như ngày càng lan rộng thêm, ấp làng xem ra không yên bình như trước, đêm có tiếng chó sủa nhiều, và đâu đó có bóng dáng người lạ.

    Qua Tết năm đệ tam, đêm lửa trại liên trường tư công, trường Huấn gần hết thầy cô đều tham dự, Huấn quen Ngọc Hân, cùng một lớp đệ tam nhưng bên lớp con gái, qua cô Quỳnh Dy, vì cô quen biết gia đình cô nàng này khá thân. Mới gặp, Huấn ngại nên nghe nhiều ít nói còn Ngọc Hân thì rất tự nhiên, nhanh nhẹn nói cười luôn miệng, hỏi Huấn chuyện này chuyện nọ, tưởng chừng như quen lâu lắm rồi, để ý chút xíu Huấn thấy cô Quỳnh Dy thỉnh thoảng nhìn cô ta rồi nhìn Huấn mĩm cười xem ra hài lòng cái gì đó. Xong hôm trại ai về nhà nấy, Huấn cũng chào từ giã Ngọc Hân như đám học trò khác, không hỏi thêm hỏi bớt.

*

    Hạ tàn, hè xong, trời vào thu, hai ba tuần gì đó đầu năm đệ nhị, sáng thứ bảy, tới nhà như đã hẹn cùng cô Quỳnh Dy tới nhà của người nào đó, mà cô giới thiệu dạy kèm cho cậu con trai lớp đệ lục môn toán, cái môn mà Huân giỏi có tiếng trong trường, thầy cô và số đông học trò đều biết.

    Huấn theo sau, cô Quỳnh Dy đẩy cánh cổng rào sắt khá cao của cái biệt thự kiểu Tây, sân trước đầy những gốc Sứ rộn ràng một màu hoa vàng trắng, cô cười mà không nói nhà của ai thong thả đi vào. Huấn đứng khựng, giựt thót mình khi Ngọc Hân mở cửa trước bước ra. Cô Quỳnh Dy nhìn bộ dạng ngượng ngùng của Huấn rồi nhìn qua Ngọc Hân, cả hai cùng cười nhưng Huấn chết lặng. Cô trò ở lại ăn cơm trưa với gia đình Ngọc Hân, nhà chỉ có me Hân và Hậu, đứa em trai mà Huấn sẽ dạy kèm, ba Hân đi lo chuyện bán buôn ở Sài Gòn chưa về, bữa cơm mà Huấn ăn không dám ăn, uống không dám uống mặc dù cả nhà ai cũng vui vẻ, thiệt tình nhất là bác gái, mẹ Hân cứ một con hai con với Huấn từ đầu tới lúc ra về.

    Đêm ngồi học bài, nhìn quanh mình bổng thấy buồn buồn len lén trong hồn, anh dạy em trai Ngọc Hân cũng được hơn năm sáu chiều thứ bảy, vẫn còn e ngại giữ kẻ trước sự niềm nở của gia đình cô nàng, riêng Ngọc Hân thì ôi thôi líu lo, lăng xăng hỏi han han hỏi, gia đình Ngọc Hân giàu quá, đủ thứ cơ sở làm ăn, nhỏ lớn ở tỉnh cũng như Sài Gòn, cô nàng đi về Sài gòn như cơm bữa. Nhìn lại mình, không dám trách trời cao đất rộng, nhưng hình ảnh ba má gầy gò, dầm mưa dãi nắng, nhà tranh mái lá so với họ, sao thấy  lòng quặn đau, đỏ cay mắt, có những đêm nghĩ tới mà đau nhói, cái ý nghĩ bạc phận đó cứ lãng vãng trong đầu, anh chợt dưng thấy hối hận, phải chi đừng nhận lời dạy kèm thì Huấn đã an phận vui sống như những năm tháng qua.

     Nhưng trớ trêu thay, thời gian chưa dài lắm nhưng gần gũi, nhìn nhau ngày qua ngày lại trong gần nửa năm đi lại, muốn hay không, cố không nghĩ tới nhưng Huấn không dối lòng mình được dù bao lần cố dối, anh đã thương Ngọc Hân mất rồi, cái thương chỉ có riêng mình anh hiểu, thương trộm thương đơn phương, thương để mà thương chớ chưa biết để làm gì, hình bóng Ngọc Hân cứ quẩn quanh trên từng trang sách.

*

    Bữa tiệc mừng thi đậu Tú tài Một của Ngọc Hân và mấy cô bạn gái thân cùng lớp đệ nhị A, Huấn không đến, mà về thăm nhà, cô Quỳnh Dy cũng đã về Thủ Dầu Một từ lâu, trường đang nghỉ hè, mà thật tình, Huấn sợ mình phải lạc lõng ở đó, vì họ đều là con nhà giàu, giàu ít hay giàu nhiều. Đứa em trai của Ngọc Hân, cuối năm lên đệ ngủ với học bạ học sinh giỏi, được bảng danh dự, giỏi hơn mấy năm trước, không biết vì có Huấn kèm hay nó cố gắng, chắc là cả hai. Ở nhà, ba mẹ Ngọc Hân muốn Huấn tiếp tục việc đó nhưng Huấn xin thôi với lý do mà ai cũng cho là hợp lý, năm này là năm quyết định ngã rẽ cuộc đời con trai, không may nếu rớt, quân trường đang mở rộng cửa chờ, chiến tranh lớn dần theo ngày tháng.

    Nhưng có một lý do thầm kín, chỉ riêng mình anh hiểu, anh lo sợ nếu cứ gần gũi như một năm qua, và sự săn đón của Ngọc Hân, anh sợ mình sẽ lún sâu, sẽ vướng vào vòng khổ lụy vì yêu và phận đời nghèo của mình. Dù vậy, không nói ra, có một người biết được và thương cho nổi lòng không biết tỏ cùng ai của Huấn, cô Quỳnh Dy. Suốt năm đệ nhất, dù cố quên nhưng cứ lại ray rứt nhớ thêm, nhớ mà lặng thinh, câm nín, gặp Ngọc Hân nhiều lần, cô nàng vẫn vậy, vẫn tóc thề xỏa ngang vai, nụ cười tươi khó tả, vẫn một anh một em như năm ngoái.

   Bữa tiệc sinh nhật cô Quỳnh Dy, vài hôm trước ngày trường nghĩ hè, mùa thi năm cuối trung học, có Huấn, có Ngọc Hân và mấy cô bạn cùng lớp tại nhà cô, Huấn cũng chưa dám nói ra tình mình nhưng lời cô Quỳnh Dy nói đùa đôi lúc, Huấn thì biết ý cô và dường như Ngọc Hân cũng hiểu rồi, những cái trộm nhìn nhau, đủ cho cô cười. Và từ hôm đó, sau cái chia tay vui ít buồn nhiều của mình, Huấn không còn gặp lại cô và Ngọc Hân, và cũng chưa có lần trở lại trường cũ.

*



    Hai cô trò ngồi nhìn ra đường, sáng chủ nhật, chợ Thủ Đức nhóm từ sớm, người buôn người bán, xe tới xe lui, đông nghẹt không thua gì mấy cái chợ dưới Sài Gòn, An Đông Bà Chiểu. Cô Quỳnh Dy đổi về dạy ở trường kiểu mẫu Thủ Đức ba năm nay, cô lập gia đình sau hôm chia tay cuối năm đệ nhất không lâu, chồng cô là một sĩ quan bộ binh nhưng không may, ông tử trận ở chiến trường miền tây sông nước hơn hai năm rồi, Huấn cũng cho cô biết, ba anh đã mất vì bị hư thận năm anh vừa vào đại học, giờ còn mẹ, bà không còn ở quê cũ mà về quê ngoại, nơi gia đình đem ba về chôn ở đó. Hai ly cà phê chưa ai đụng tới, cô trò nhắc không biết bao nhiêu là chuyện xưa chuyện cũ, buồn mà vui, Huấn không hỏi gì về Ngọc Hân và cô cũng không nhắc tới, chỉ cười vậy thôi, vì mai phải trở xuống nhiệm sở sớm, Huấn cũng cho cô biết hiện mình đang làm gì và ở đâu, anh hẹn sẽ trở lại ăn bữa cơm chiều theo lời cô mời, vì cần phải mua một ít đồ cho anh em đồng chỗ làm, Huấn ra về sớm, ra tới đường, chờ xe lam về Sài Gòn, cô Quỳnh Dy, cũng cái cười lúc nãy, nói vừa đủ nghe “chắc Huấn còn nhớ Ngọc Hân?”, anh cười trừ mà không trả lời.

*

    Cũng vậy, như cô Quỳnh Dy, hơn năm sáu năm rồi mới gặp lại Ngọc Hân, khác xưa nhiều nhưng vẫn còn nét duyên dáng ngày cũ, ít nói hơn nhưng cũng nói. Sợ là không còn dịp gặp lại nhau nên cô Quỳnh Dy đã gọi Ngọc Hân đến mà không cho Huấn biết, cô nàng ra trường, về dạy cùng trường với cô Quỳnh Dy, một năm mấy rồi.

     Bữa cơm chiều, ai vui ai buồn khó nói, cũng vui ít buồn nhiều như cái chia tay sau bữa tiệc sinh nhật cô Quỳnh Dy ngày nào. Không ai hỏi ai đang làm gì, nhưng thật ra, đã biết nhau rồi. Huấn ngồi nghe hơn nói, giấc mơ tình đầu xưa thoáng hiện trong đầu, tự hỏi lòng có nên nói ra không, nhưng nó chợt vụt tan đi như sương như khói khi Ngọc Hân cho biết cô sắp làm lễ đính hôn, sau lời báo tin Ngọc Hân nhìn qua cô Quỳnh Dy rồi qua Huấn, trầm giọng xuống, nghèn nghẹn, thở dài hai tiếng “tại sao”. Gượng cười mà lòng đau Huấn nhói “chúc mừng Ngọc Hân”.

*

    Chiều nhá nhem xuống thấp, từng vạt nắng héo hắt muộn hắt qua sân, Huấn ra ngoài, cô Quỳnh Dy và Ngọc Hân theo sau, chào từ giã Huấn không hẹn ngày gặp lại, cô Quỳnh Dy đứng đó lặng thinh, buồn, Ngọc Hân buột miệng “chừng nào anh về lại được?”, cả hai cùng chờ trả lời, Huấn cười, một cái cười có nước mắt “khi nào được tin Ngọc Hân làm lễ đính hôn”, Huấn đi khỏi nhà xa rồi, hai người vẫn còn nhìn theo. Chợ bên kia vừa thưa người.

*

    Đọc thư cô Quỳnh Dy, cho biết Ngọc Hân định hủy bỏ lễ đính hôn, hỏi địa chỉ Huấn, nhưng theo lời Huấn dặn, đừng cho biết lúc này, cô không nói. Ngồi trong văn phòng nhìn ra, ngoài kia, có con đò muộn đưa ai đó qua sông chiều, Huấn nói thầm “muộn rồi”.

 


Thuyên Huy

Đầu Thu Timboon 2024 

   

   

   

   

   

 

   

   

  

   

   

   

   

  

No comments: