Monday, March 18, 2024

Thuyền Mây - Hoa Liên

 

THUYỀN MÂY




 

Ngày …tháng…năm

Dòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và cũng không nắng. Từ cửa sổ phòng em nhìn ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

Cứ cho là chúng mình sẽ gặp nhau trong giấc mơ, hoặc là trong tưởng tượng. Nhưng cần thiết gì điều đó. Nơi anh ở hẳn thuộc khu trung tâm thành phố, đông đúc và náo nhiệt? Có đủ hàng quán vui nhộn, khu giải trí, khu học hành, và hẳn có nhiều cỏ xanh? Ở đây, vào mùa nắng cũng như mưa, thế giới bên ngoài khép lại ngoài khung kính. Tất cả thu hẹp lại nơi những vầng mây trắng. Chúng bềnh bồng như bồng, nhẹ như tơ. Mây là con thuyền trôi bên giòng sông trời, trôi đi trong khoảng thời gian vô tận giữa ngày và đêm. Suốt bốn mùa nơi đây không có một tiếng gõ nào khác ngoài nhịp đập cúa trái tim. Không có hình ảnh nào sống động hơn ngoài những đám mây. Có khi nào anh nghĩ rằng, anh sẽ ngồi trên con thuyền ấy trôi qua cửa nhà em, dừng lại và chúng ta gặp nhau?

Ngày.. tháng.. năm

Hôm nay mưa suốt ngày. Mưa xua tan những nhọc mệt, những nỗi ám ảnh. Mưa xua đi những đám mây trắng và em vẫn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ đến đây. Chiếc lá mỏng manh trên cành đã bị gió cuốn phăng rồi. Mưa thật dữ và em nghĩ là em cần có anh. Như cây cần có lá. Đêm cần có lửa. Có lẽ không có gì rửa sạch ô nhiễm bằng mưa và không có gì hơn là ngồi lắng nghe khúc nhạc mưa khi người tình không tới. Anh sẽ đến chứ? Lẽ nào anh không đến khi mà em biết chắc rằng anh đã nhận ra em.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm trời tạnh ráo. Đêm trong như một tiếng chuông ngân. Em khó ngủ vì cái chân đau. Đêm nay sao rất nhiều. Có một nơi tinh tú ngự trị nhiều nhất là nơi này đây. Chúng nghịch ngợm xô đẩy nhau. Có ngôi thật sáng. Có ngôi mờ nhạt. Thỉnh thoảng có ngôi bỏ cuộc, lọt vào chỗ em nằm, sao rụng ấy mà.

Em tưởng tượng vì sao rụng ấy là anh.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm qua có một vì sao rụng bên gối em nằm. Tỉnh dậy mới hay là con đom đóm ngủ quên. Chiếc lá phiêu lưu lên đến ngọn đỉnh trời kể cho em nghe chuyện bà Tiên có chiếc đũa thần kì. Bà Tiên sẽ chúc phúc cho chúng mình. Nhưng làm sao tới được ngọn đỉnh trời? Đến ngày nào con thuyền Mây chở anh dừng lại bên cửa sổ phòng em? Đến bao giờ thì ngôn ngữ hoàn thiện được tính chất của nó là giao thoa và cảm thông. Đến bao giờ thì tần số của anh bắt được những lời từ trái tim em. Rằng em yêu anh.

Ngày.. tháng.. năm

Khuya nay em thắp hai mươi ngọn nến. Bạn bè tới rất đông với vô số quà. Chúng cười nói, hát hò, đàn guitare những bản cổ điển rồi ôm nhau nhảy. Có hoa tươi và bánh, có rượu và con trai, con gái. Có đủ thứ để người ta vui, người ta thụ hưởng và người ta tỏ tình. Ông hàng xóm có nhã ý tặng chục bông hồng cùng hai cái ampli. Cuộc vui chóng tàn. Giờ thì còn lại em một mình trong căn phòng ngổn ngang li tách, muỗng nĩa, và vỏ chai. Chiếc bánh sinh nhật vẫn còn nửa. Em đứng nhìn khung cảnh này, nhìn rất lâu và thầm nghĩ rằng vì sao không có anh. Anh không đến khác nào ngày không có nắng và đêm thâu không có lửa. Rồi em bước lên phòng. Giờ đây còn lại mình em. Ngoài cửa, cây hoa trạng nguyên mỏng manh và lẻ loi. Đêm nay chưa có vì sao nào rụng. Khuya lắm rồi. Tiếng động và âm nhạc đã rời xa. Bây giờ chỉ còn tiếng sương rơi trên lá trạng nguyên.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm qua em nằm mơ. Có phải nhà anh ở bên kia sông? Bao giờ cũng có nắng vàng bên ấy và con thuyền Mây nhớ chở nắng vàng qua sông dùm em nhé. Hôm nay không ai đến, không một tiếng người, và âm nhạc. Chỉ còn em với mảnh trời xanh. Trời xanh trên mái cao. Nhà rộng mênh mông chỉ có một mình em. Có một lúc em nghĩ rằng con thuyền Mây anh phiêu lưu qua bến bờ Đại Tây Dương, phiêu linh lục hải, lưu lạc giang hồ rồi cũng trở về chốn cũ. Anh biết không? Chỗ đẹp nhất cho chúng mình là ngân hà rực rỡ hàng đêm. Con sông Ngân Hà sẽ là nhịp cầu cho chúng mình gặp nhau…

*

Những trang giấy xé ra từ một cuốn sổ, có lẽ là sổ nhật ký, có thể là những lá thư không gởi tôi nhặt được thật tình cờ lúc cúi xuống nhặt mẩu thuốc hút dở rơi vào trong thùng rác. Nó là một thùng carton cũ đã rách, đựng đủ thứ phế thải từ căn gác nghèo nàn. Tôi đến đây lần chót để xem xét và kiểm tra lại các hộ dọn nhà, coi họ còn bỏ sót gì không. Cái có thể gây ra tai nạn cháy nhà. Ví dụ thế. Nét chữ tròn trịa, mềm mại, mực màu xanh. Chữ viết rõ ràng rất đẹp. Những trang ghi chi chít chữ này mà nếu chữ viết xấu hẳn không lôi cuốn ngay sự chú ý của tôi đến thế.

Khu nhà ổ chuột này xuống cấp vì quá tải. Cư dân ở đây sống đủ các nghề: chạy xe ôm, bán hàng xén, thợ thủ công… nhưng phần đông là làm thuê… được lệnh dọn đi tới một nơi khác. Hãng thầu do tôi đứng tên trúng thầu và lần đầu tiên tôi đặt chân lên căn gác của mụ Ba Thêm – người phụ nữ nổi tiếng ở đây vì cách làm ăn mờ ám. Căn gác hẹp, thấp, đầu gần đụng sát mái.

Từ dưới thang gác tiếng chân dậm thình thịch của mụ Ba Thêm bước lên.

– À, giấy của con nhỏ đó. Nó ở đây. Mẹ nó gởi được mấy tháng tiền thuê nhà, rồi biến! Tui phải lo cho nó nữa đấy.

Tôi nhìn ra ngoài ô cửa. Ngoài cửa có một cây thanh mảnh, ít lá. Và trời cao, muốn nhìn cho rõ phải cúi đầu thấp chút nữa – trời trong và xanh – “trong như tiếng chuông ngân!”. Có cái gì mâu thuẫn, tương phản giữa hai sự kiện làm tôi ngây ra một lúc.

Tôi ngắm mụ ta. Với tướng đi, giọng nói của đàn ông, làn da ngăm, trông mụ hợp với vai trò người chủ chứa.

– Cô ta còn đi học à?

– Nghỉ lâu rồi. Nhận đỡ mây tre về đan. Mùa đông móc mũ len, khăn quàng bỏ chợ. Mùa hè bán cóc ổi… Mấy bữa nó học nghề làm móng chân. Có một ông có vợ mê con nhỏ, cho nó tiền đi học nghề. Được ba tháng, mụ vợ cả tới đánh ghen. May con nhỏ không có nhà. Thế là hết! Tui bảo nó hay làm nghề bán quán, bưng phở cho người ta. Nó không nghe. Nó nói, ưng học nghề thợ may mà thiếu tiền. Má nó thì biền biệt.

Tôi băn khoăn tự hỏi, ngày mai khu nhà này dọn đi hết – người ta đã đi phân nửa rồi. Từ sáng sớm đến giờ tiếng xe tải chạy vô ra, tiếng người lên xuống các cầu thang, gọi nhau ơi ới ồn ào. Chỉ có nơi này yên lặng vì nó là ngôi nhà nằm ở cuối khu vực. Cô nhỏ sẽ làm chi để sống.

Từ dưói cầu thang lại vọng lên tiếng chân. Bước chân êm nhẹ, nghe là biết ngay của một cô gái. Tôi nhìn cô chăm chú. Hai mái tóc mai dính vào thái dương, má đỏ au, có lẽ vì vừa đi một chặng đường dài. Cô đẹp. Làn da trắng, tóc đen dài, mũi cao thanh tú, cô lôi cuốn ngay sự chú ý của tôi. Tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng. Cô không nhìn ai, mà hấp tấp bước tới thùng giấy loại.

– Mất rồi! – mụ Ba Thêm vọt miệng – thằng Tí lấy cuốn sổ rồi.

Cô đứng thẳng nguời, hai mắt mở to nhìn mụ. Vẻ như vừa đánh mất một kho báu.

– Trời ơi. Lẽ ra bà cho tui biết để tui rượt theo, đòi lại.

– Chà, ai mà biết. Thấy mi quên, tao tưởng mi vứt… thằng Tí về chép bài, nó nói, giấy trắng còn nhiều.

Cô nhỏ thất vọng. Cúi đầu, không chào ai, cô bỏ xuống thang.

– Nì! Mụ Ba Thêm gọi giật.

– Chi nữa, me? giọng nói cô nghe ráo hoảnh.

– Đây ông ni có lượm mấy tờ giấy. Ông lượm trong sọt rác.

Cô chợt nhận thức sự có mặt của tôi. Cô bối rối. Tôi vội vã mở cặp, đưa cho cô hai tờ. Cô hấp tấp vồ lấy, đôi mắt đen láy vụt sáng. Rồi nhìn tôi với vẻ biết ơn, cô trở gót một lần nữa.

– Rứa là ít. Bữa hôm, nó ghi chi chít một quyển. Má nó tới thăm, chụp xé.

– Xé à? Cô ta có bồ chứ ? Tôi hỏi vô duyên.

– Hờ… tui không biết. Chỉ có ông nớ có vợ, mê như điếu đổ, rồi thôi vì vợ ghen quá… ờ mà con nhỏ đó… nói chung nó cặm cụi trong nhà, ít ra ngoài lắm. Bữa ni đi học nghề làm móng chân, xe cộ rần rần…

Tôi từ giã mụ Ba Thêm, xuống gác.

Có tin được không, trong cái thành phố nhỏ bé này, nửa năm sau tôi mới tìm ra cô. Qua tiệm uốn tóc Phù Dung, được biết cô đã bỏ nghề. Qua mụ Thêm bán phở, cơm bình dân, cô hiện bán cà phê.

Dịp may đến với tôi: một người bạn ở Hà Nội vào, mời tôi uống cã phê – loại đặc biệt – tôi rủ anh đến quán Mưa. Quán này luôn bỏ đèn mờ sau 9 giờ tối với những cô phục vụ xinh đẹp. Không hiểu sao, ở Hà Nội mà bạn tôi cũng biết cô Mưa. Anh đòi gặp cô ngay.

Khó tưởng tượng được đó là cô. Cô mặc chiếc rốp sắc bằng kim tuyến xanh lục hở một khoảng cổ, cho thấy một chiếc giây chuyền lồng mặt ngọc hình trái tim. Làn da cô trắng. Tóc đen chải bồng lên nhưng vẫn để xõa. Mắt đen láy. Bà chủ, thân hình béo phục phịch trong bộ vét can đắt tiền vừa đưa cô đến vừa cười:

– Đây, cô Mưa của quán Mưa.

Cái dáng vẻ thanh xuân, sức sống dồi dào ở làn da mịn, bộ ngực cao và thân hình cân đối. Khung cảnh thích hợp, đèn nửa tối nửa sáng, nhạc nhẹ, rượu ngon. Người ta gọi bia rượu tuỳ thích. Dĩ nhiên bạn tôi uống rượu. Cái đẹp hôm nay của cô Mưa là cái đẹp hoàn thiện của cô Mưa đi chân trần, tóc rối bời, khuôn mặt đỏ gay trong căn gác hẹp và chiếc cầu thang bụi bặm bẩn thỉu đầy rác.

– Một chai nữa nghe? Tiếng Mưa thỏ thẻ bên tai.

Tôi ngồi trơ như phỗng đá, thầm nghĩ bao nhiêu mong đợi của mình, nay gặp một thực tế khác hẳn. Tương tự như sự tương phản giữa trang viết của nhà văn và cuộc đời. Tàn nhẫn đến thế ư?

Khuya lắm tôi mới đưa được anh bạn si tình ra khỏi quán. Dọc đường về khách sạn, tôi kể cho anh nghe chuyện tôi gặp Mưa, mấy tháng trời dò tìm tông tích cô.

– Đến bây giờ, anh vẫn chưa vợ chứ gì? Bạn tôi hét vào tai tôi.

Làm sao có thể nói cho bạn tôi biết ngay từ những trang viết của Mưa và sau đó gặp cô tôi đã yêu cô?

Gió bão cuộc đời đã cuốn phăng chiếc lá trạng nguyên qua những bến bờ nào? Con thuyền Mây là anh đã ghé bến mà em có còn là cô gái ấy? Làm sao có thể thấy được sao rụng vào gối – con đom đóm ngủ quên. Những lúc mệt mỏi tôi dở lại trang viết của cô (tôi đã giấu đi một tờ ), tưởng như đọc được tâm hồn cô. Ở một nơi như thế, lại có được một trái tim trong trắng. Chỉ với sự thuần phác ngây thơ, người ta mới thấy được trời vẫn luôn luôn xanh, và con thuyền mây vẫn chở nắng vàng qua bên kia sông.

Nhiều năm sau tôi mới cưới vợ, vẫn cất giữ trang viết và hình ảnh cô trong đáy tim. Phải chỉ với trái tim, nghệ thuật mới khởi đầu và sáng tạo giúp con người phục sinh. Mưa là một kẻ sáng tạo và cho đến bây giờ – trong đáy lòng tôi thì cô vẫn chỉ là cô.

Hoa Liên

Huế 20/3/99.

304Đen – Llttm- ovv

 

No comments: