THẰNG BÉ THÁNG BA ĐƯỜNG LIÊN TỈNH
LỘ 7B
Viết cho đám bạn cũ, khi đọc chuyện có thể thấy có mình là
người trong đó không chừng.
Đêm lưng chừng tháng Ba, từ trên Pleiku Kontum
Phú Bổn xuống, người nối đuôi người, già trẻ bé lớn, cả đứa bồng trên tay, xe
nối tiếp xe, lờ mờ lầm lũi, lẳng lặng đi, dài không khác gì một con rắn khổng
lồ, giữa trời đêm hun hút của núi rừng cao nguyên buốt lạnh, dù bây giờ là
những ngày nắng cháy da, không đèn. Tới ngã ba cách thị xã Pleiku về hướng nam
độ 40 cây số, ngã ba Mỹ Thạnh, đoàn người xuôi theo hướng liên tỉnh lộ 7B, con
đường nối quốc lộ 14 ở Pleiku đi Phú Yên, dài chừng 250 cây số, đã không dùng,
bỏ hoang từ chục năm nay, không xe cộ không bộ hành, núi rừng hiểm trở chạy
ngang qua Phú Bổn, theo dấu giòng người đi trước mấy ngày, tiếp tục đi, vì Ban
Mê Thuộc mất rồi, Bắc quân chiếm Phước An, Phú Nhơn từ mấy ngày trước.
*
Đoàn người và xe cộ chậm chạp, lừ đừ qua
đèo Chu Sê, dưới bóng trăng lên pha lẫn ánh đèn của hàng mấy chục chiếc xe GMC,
xe Dodge cùng một số xe hơi dân sự chở đầy người nối đuôi nhau, từ giữa đoàn,
tính từ đầu, đoàn người dài hơn mấy cây số, đó là chưa kể mấy ngàn người ở phía
sau, vào tới Hậu Bổn cũng phải mấy chục cây số nữa, tới sáng chưa chắc đã xong.
Quá giữa khuya, liên tỉnh lộ 7B, qua Phú Túc khá xa, anh bớt ga chậm chiếc xe
Jeep, chất đầy ba lô, quân trang quân dụng lại, vừa qua đèo.
*
Bên lề
đường, ở một khúc người thưa, đứt đoạn, dưới bóng trăng đêm lờ mờ, vằng vặt,
thằng con trai nhỏ, chừng sáu bảy tuổi, tóc hớt cua, quần sà lõn đen, áo thun
rách mất một bên tay, quảy trên vai khúc cây khô, treo đầu trước đôi dép xanh
dương đậm cũ, đầu sau cái túi ni lông đựng gì đó nằng nặng, lầm lũi một mình
ngó xuống đường, đôi chân khẳng khiu gầy, bước từng bước chậm mệt mỏi theo dòng
người đi trước.
*
Nó cứ
lầm lũi đi, không ngó lại, thấy thương quá, anh lái xe chậm theo sau một
khoảng, người gồng gánh, níu kéo nhau qua ngang, cũng như nó, không ai màng
nhìn ra đường. Cứ như vậy một lúc, lái xe nhanh lên khúc trên chừng trăm thước,
chắc chắn là nó chỉ đi một mình, nhưng tại sao chỉ có một mình, anh ngừng xe
tấp vào cùng bên lề, sát vào mé mương bìa rừng, ngồi chờ. Xe nào còn chạy được
từng chiếc lần lượt qua ngang, con đường nhỏ, hai bên là mênh mông đồng cỏ may
cao quá đầu người, và giây mây chằng chịch, nhưng không qua được rừng người
thất thơ thất thiểu trước mặt, xa chạy còn thua đi bộ. Những đoạn đường sau đó,
xe các loại, quân xa, xe nhà và cả xe Honda, không còn người, bỏ lại, nằm phơi
mình rãi rác hai bên, ủi sát mé rừng, chia tay chủ.
*
Trăng vẫn màu trăng như từ đầu hôm, đoàn
người mấy chục ngàn đi cứ lầm lui đi, không ngó lại, con nít khóc không át nổi
tiếng muỗi rừng quá khuya, anh dắt thằng
nhỏ tới ngồi bên anh ngay đầu chiếc xe Jeep, nó cứ khư khư ôm khúc cây khô, đôi dép và cái túi ni
lông, nhìn kỹ, trong đó có hai ba nửa cũ khoai mì, khoai lang nguội, khô khốc.
Anh hỏi tên, nó lắc đầu, rồi òa lên khóc sướt mướt, anh không cầm được nước
mắt.
*
Cha mẹ
nó chết vì bị đạn pháo quân Bắc Việt bắn theo tại ngã ba Mỹ Thạnh, chổ ngả rẽ
vào liên tỉnh lộ 7, đoàn người di tản từ Pleiku xuống, hoảng loạn, người nào
rũi trúng đạn chết thì nằm lại đó, người còn sống túa chạy, mạnh ai nấy lo
thân, thằng nhỏ cũng chạy theo, lạc giữa rừng người, người tiếp tục tụ tập lại
đi, nó cũng đi, đi hoài, không biết đường trở lại. Cha mẹ nó nằm lại đó.
*
Chở thằng nhỏ theo, hết ngày rồi đêm, theo
đoàn người, cuối cùng, là một trong số ít xe hơi nhà binh còn ráng được trên
đường, chiếc xe jeep của anh không còn xăng, có xin cũng không biết còn bao
nhiêu trong bình mà cho, đành làm kẻ vô tâm, không chịu “thương người hoạn nạn
thì thương” lẳng lặng cứ đi như đã đi, máy không còn nổ, bỏ xe, anh vừa dắt vừa
cõng thằng nhỏ, đã ho từng cơn từ lâu, một lớn một nhỏ cứ vậy mà tiếp tục nối
đuôi đoàn người đi.
*
Qua Phú Túc, tan hoang, gần tới cầu Cà Lúi, trong bóng đêm,
lại cũng một đêm trăng vằng vặt, trong số hàng trăm xác người chết nằm dọc hai
bên đường, một đoạn dài, không biết vì đạn pháo hay đạn súng của quân Bắc Việt,
có lẽ nằm đó cũng đã mấy ngày, người ta thấy xác một người lớn ôm thằng con
trai nhỏ, chừng sáu bảy tuổi trên ngực, tóc hớt cua, tay còn ôm đôi dép màu
xanh dương đậm cũ, nằm chết, có mùi hôi, một nửa trên lề đường một nửa dưới bờ
ruộng khô cằn màu bùn ẩm, phủ đỏ bầm màu vết máu khô.
Thuyên
Huy
Một phần
chuyện của con đường tháng ba oan nghiệt 1975
No comments:
Post a Comment