Xui
người đất khách ngẩn ngơ tình làng
(Thu dạ lữ hoài ngâm)
Không biết đi đâu nữa, Bích dừng chân lại nơi
bến xe buýt để “xem chiếu bóng”. Vâng, chàng thấy rằng cảnh bến xe dễ mê như một
cuốn phim nhiều động tác.
Ở Sài gòn mà không có đi xe buýt vào giờ tan sở
chiều thì quả thật không đáng mặt là dân Sài gòn. Giờ tan sở trưa, nhiều công
nhân nhà xa nên ở lại trung tâm thành phố, còn chiều thì chim phải bay về tổ ấm
vậy. Thế nên ở đó xảy ra những trận xung kích những chiếc xe cuối ngày đi về
các ngoại ô xa, ngay từ lúc các xe nầy chưa đỗ bến lận. Lúc xe rà thắng, chạy rề
rề thì thiên hạ đã nhào lên hãm thành, xáp lá cà với các hành khách sắp sửa xuống
xe. Cửa xe hẹp quá, người lên không trôi mà người xuống cũng không lọt, thành
thử chiếc xe giống như một con rắn nhỏ mà trợn trạo nuốt một con mồi quá to, bị
nghẹn cứng nơi cổ họng. Các con mồi la hét inh tai, thật là vui đối với những kẻ
không dùng lối xê dịch nầy, chỉ đứng đó mà ngắm với đôi mắt bàng quan như Bích.
Bến xe buýt Công Quản Sài Gòn
Không gì vui mắt bằng cảnh một cô đã bước tới
đất rồi mà đi không được, y như bị đá nam châm hút lại: vạt áo sau của cô ta trải
lên bàn đạp và bị đến vài mươi bàn chơn đè lên đó, cô ta vùng vẫy như một con
ruồi mắc lưới nhện và như con ruồi, vẫn không thoát được. Những chiếc nón lá vô
phước cũng làm vui trò, hễ nó mà rủi ro rơi khỏi đầu người đội là bị ép kêu rôm
rốp như bánh tráng nướng và dẹp lại, mỏng như cây quạt xòe. Cảnh trên xe còn
vui hơn. Áo rằn ri lập thể đứng gần áo bà ba đứt nút, săn-đan há miếng đạp lên
giày da tây bóng lộn; thanh niên ngồi, những cụ già thì phải đứng, trai cao bồi
luôn luôn tìm cách chen vào giữa các thiếu nữ hiền lành, và những chiếc nón lá
bề bộn và choán chỗ cứ bị người ta rủa mãi.
Bích muốn nhảy lên đi một đoạn đường để được
vui thêm, vì chàng biết trên xe còn “lắm điều hay”. Chàng lại rắn mắc nên hễ đi
xe vào giờ đó là chàng thích lắm. Những lúc xe ngừng lại các trạm, nhả hành
khách xuống không kịp, các hành khách ấy hay la lên: “Khoan, khoan, khoan chạy!”
Chàng cũng la lên rằng: “Đừng có khoan, lủng xe của người ta bây giờ”. Cứ đùa
giỡn như vậy mãi cho tới ngoại ô, trạm chót, thì trở về, bằng phương tiện nào
cũng được, là qua được một buổi chiều buồn.
Bỗng chàng thấy Tấn ở đâu chạy đến, hớt hơ, hớt
hãi, tay ôm kè kè một bọc bằng giấy nhựt trình.
-Đi đâu mà vội mà vàng Chàng hỏi giỡn.
-Trễ rồi, trễ rồi, họ sắp đóng cửa.
Vừa nói, Tấn vừa nhảy vội lên chiếc xe Bình
tây đang giựt chạy. Gói giấy nhựt trình rơi xuống đường nhựa, bánh ngọt trong ấy
văng ra tứ tung. Bích ngạc nhiên hết sức, vội chụp lấy cái gói rách, và lượm mớ
bánh rơi bỏ vào đó, đoạn cũng nhảy lên xe theo bạn chàng.
Cửa xe tự động đóng lại trên người chàng, Tấn
phải đưa lưng ra mà đỡ như Hùng Hượt Hải đỡ tấm bửng đá mà Tùy Văn Đế cho hạ xuống
để giết anh hùng sau cuộc thí võ, Bích mới khỏi bi kẹt.
Bích thở hổn hển và có vẻ tư lự lắm. “Lạ,
chàng nghĩ, thằng Tấn nầy xưa nay ăn uống sang lắm, nay nó mắc chứng gì mà lại
mua toàn bánh cắc chú thứ hạng bét như vầy cà?” Giây lát bớt mệt, chàng hỏi bạn:
-Đi đâu vậy?
-Còn mầy đi đâu?
-Đi theo mầy.
Tấn tỏ vẻ không bằng lòng, khiến Bích sanh
nghi. Chàng đoán rằng nó có nhơn tình mà cô nhơn tình ấy là một ma-ri-sến nên
nó biếu toàn bánh cắc chú và mới giấu giếm bạn bè. Tấn nói, sau mấy phút im lặng:
-Theo làm chi, mầy nên xuống tại trạm ngả sáu
Quẹt-Đon.
-Không.
-Ai cho phép mầy đi theo tao?
-Ngộ chưa, tôi có tiền, tôi lấy vé, tôi đi đâu
tùy thích tôi chớ.
-Mà đừng có theo tao.
-Bằng cớ nào chỉ rằng tao theo mầy?
Biết bạn là đứa nói liều và làm bướng, Tấn
đành làm thinh, nhưng hắn tức lắm! Bích càng sanh nghi hơn, nên càng muốn theo
sát hơn.
Ngã Bảy, Máy Đá, Nhà thương Chợ Rẫy. Tấn xuống
nơi đây.
“À, Bích nghĩ, thì ra nó đi thăm người bịnh.
Có lẽ đó là một người bà con nghèo, nên nó xấu hổ, không muốn cho ai biết cả”.
Bích bỗng nghe bạn chàng đáng khinh quá. Chàng
không dè mà Tấn có mặc cảm như vậy.
Tấn đi riết xuống trại 7 là trại bố thí. Trước
khi bước vào trại, hắn day lại nhìn bạn rồi thở dài.
Bích đoán rằng Tấn mới vào đây lần đầu, vì hắn
đi dài theo giữa hai dãy giường để tìm kiếm.
-Đây rồi, hắn nói to lên, sau một hồi lục lạo.
Cả hai đều dừng bước lại trước một cái giường
kia. Con bịnh là một người đàn ông trạc năm mươi, để búi tóc, có vẻ là nông
dân. Y đang nằm thiêm thiếp mà rên nho nhỏ. Nước da y vàng khè nhưng mũi y thì
đỏ như trái hồng tươi chín. Tấn rờ trán người bịnh. Y mở mắt ra rồi nói:
-À, cậu ba ! Sao cậu hay tôi bịnh mà tới thăm?
-Nghe xóm nói. Tôi tìm ông để nhờ ông vét
mương. Xóm họ cho biết rằng ông bịnh và vào đây. Ông đau làm sao?
-Quan Thầy nói tôi lớn tim, lớn gan, lớn đủ thứ
hết.
-Có lớn lá mía không ?
-À, có.
Không hiểu sao mà cái gì cũng lớn hết.
Hai người thanh niên thì hiểu. Những dấu hiệu
đó là dấu hiệu bịnh… rượu và bịnh sốt rét rừng.
-Nầy có bánh, có táo, có xí mụi, ăn đi, Tấn
trao gói cho con bịnh và nói như vậy.
-Cám ơn cậu. Quan Thầy cấm ăn cơm, đói lắm !
-Có đỡ không ?
-Có. Nhưng tôi nghe trong người tôi, tôi biết
rằng thế nào tôi cũng chết.
Y nói điều đó bằng giọng bình thản, không hoảng
hốt, cũng chẳng tủi thân.
-Thôi, rán nằm đây rồi sẽ khỏi chớ gì, Tấn an ủi.
-Không, tôi chắc tôi chết cậu à!
Tấn thở dài mà làm thinh. Hắn đứng nán một lát
rồi ra về, hứa sẽ trở lại. Ra tới sân, Bích hỏi Tấn:
-Bà con làm sao?
Tấn làm thinh giây lâu rồi đáp, đáp không ăn
thua gì với câu hỏi cả:
-Hắn tên là bảy Rựa.
Chỉ có thế thôi. Luôn nửa tháng, không ai thấy
bóng Tấn nơi nào cả. Bích có tìm Tấn mấy lần, nhưng tìm không gặp.
Nhưng một hôm, Tấn lại đích thân đến rủ Bích
cùng đi. Một nhiếp ảnh viên theo sau anh con trai kỳ khôi nầy. Bích ngỡ họ đi
chụp ảnh lạ nào. Nhưng lên tắc-xi, chàng mới hay là Tấn vào nhà thương.
Người bịnh hôm ấy hư lắm rồi. Hai chơn y
thũng, sưng to lên gần bằng hai chiếc gối. Y nằm đó, hả mang ra mà thở. Thấy
khách, y chỉ nhìn mà không nói được, mắt rơm rớm lệ. Người thợ nhiếp ảnh bấm
nút, đèn cháy lên trong nửa giây đồng hồ, soi sáng gương mặt hấp hối kia một
cách bi thảm, ghê rợn như lửa địa ngục rọi vào một hồn ma mới tới xuống Diêm
đài.
Hôm sau, Tấn lại rủ Bích đi đưa đám ma người
chết. Hòm chưn ngang, bôi đất sét vàng. Từ nhà xác vô tới đất chùa Phước Hiền,
vỏn vẹn chỉ có hai thanh niên nầy theo sau tám anh phu đòn, họ khiêng hòm mà chạy
như bay. Thế là hết chuyện. Người bà con nghèo của Tấn đã được vùi nong một nấm,
rồi Tấn sẽ quên y đi, sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Nhưng sau đó, một tháng qua rồi mà Tấn vẫn biệt
dạng, khiến Bích lấy làm kỳ lắm. Coi bộ thì hắn không thương người bà con nghèo
ấy bao nhiêu, chỉ trông cái đám ma lạnh lẽo ấy thì biết, thì sao hắn lại không
nguôi, và như là trốn bởi đang buồn vì tang khó?
Bích tìm thăm bạn. Tấn tiếp khách, lặng lẽ như
một ông cụ, lại mở đầu bằng câu chuyện triết lý:
-Bận bịu lắm với tình cảm, với dĩ vãng cũng khổ.
Nhưng nếu dĩ vãng tan biến, thì cũng buồn.
Tấn vừa nói vừa kéo hộc tủ lấy ra một bức ảnh,
ảnh ông bảy Rựa hấp hối trên giường bịnh.
-Hắn tên là bảy Rựa…
-Biết rồi.
-Tao lớn lên là thấy hắn có mặt trong làng rồi.
Không vợ con, không họ hàng thân thích, hắn ăn ở chợ, ngủ ở đình. Ai thuê gì
cũng làm, chôn ăn mày, đào giếng, đốn củi, tối ngày chiếc rựa trên vai nên mới
mang cái tục danh ấy!
-Té ra không có bà con với mầy?
-Không. Tóm lại, con người ấy không có gì hay
ho đối với tao cả.
-Vậy, sao mầy lại…
-Hắn thuộc vào chân trời quen thuộc của tao
thuở tao còn bé. Tao thuộc gương mặt hắn như thuộc lòng các gốc cây trong làng.
Tao phải nói rõ cho mầy nghe là làng tao tiêu thổ trong thời kháng chiến, cháy
không còn một gốc cây. Khi thái bình được vãn hồi, năm 1954, tao về làng thì thấy
nó minh mông, trống trải như một sa mạc. Làng tao đã bị xóa, cả trong ký ức của
con người nữa. Kể từ ngày ấy tao bỗng thấy những người đồng hương sống sót và
trôi giạt xuống đây, quí báu không biết bao nhiêu. Họ gợi được hình ảnh của quê
tao, một vùng đất mà tao rất thương yêu. Rồi họ kế tiếp nhau mà chết hết, chỉ
còn lão bảy Rựa nầy thôi; lão ta giống một lọ sứ cổ Giang tây, quí chỉ vì bao
nhiêu lọ khác đều bể hết, chớ cái đẹp của chiếc lọ ấy không hơn hồi nó mới được
chế tạo ra đâu. Nhưng hồi đó, còn hằng vạn chiếc, nó có giá trị gì?
-Té ra…
-Ừ, hắn là chiếc khăn mu-xoa của một giai nữ
mà tao cất để làm kỷ niệm một mối tình. Nay khăn rách…
Bích thấy mũi Tấn và mắt Tấn đỏ cả lên.
Bình Nguyên Lộc
No comments:
Post a Comment