MÀU GỐM KÝ ỨC
Có những câu thơ, câu ca dao thiệt là
mộc mạc nhưng gợi lại trong chúng ta cảm giác bồi hồi khó tả. Với những người
con phương Nam xa quê, những buổi chiều mưa rả rích ngồi nhìn bầu trời xam xám
thì ký ức xa xăm đâu đó chợt ùa về.
Lữ Long Bình
“Đêm mưa bên ngọn đèn vàng
Xót xa nghe một điệu buồn phương Nam.”
(Thơ sưu tầm)
“Lúa chín đầy đồng
Cá quẫy đục sông
Cậu ba ngóng trông
Bậu có dìa hông?”
(Thơ vui sưu tầm)
“Rau đắng nấu với cá trê
Ai đến lục tỉnh thì mê không về.”
(Ca dao)
Lu khạp vàng da bò, choé. Nguồn ảnh:
page Vườn nhà gốm.
Nhớ cái xóm nhà lá, nhớ con sông màu
phù sa hai bên bờ rợp bóng dừa nước, lấp ló cái bến đò nho nhỏ. Nhớ cả những
con người thuần hậu chất phác cả đời lam lũ trên đồng dưới ruộng, trên những
chiếc ghe thương hồ hay những phận bèo trôi sống nhờ nghề hạ bạc. Ngày nay ta lại
bắt gặp trên phim (thể loại mà tôi yêu thích, phỏng theo các tác phẩm của nhà
văn Hồ Biểu Chánh) những ông bà Hội đồng miền Nam xưa giàu nứt vách, đi xe hơi
thăm ruộng hay góp lúa tá điền.
Tôi yêu cái xứ Nam kỳ lục tỉnh này dù
có mang bộ mặt giàu hay nghèo bởi cái hồn dân dã khoáng đạt đã thấm vào từng gốc
cây ngọn cỏ rồi chảy trong huyết quản của những con người sinh ra và lớn lên
trên mảnh đất này. Mảnh đất nuôi dưỡng chín con rồng đang chờ ngày vươn vai thức
giấc.
Tôi sinh ra ở miền Tây nhưng tại thị
xã, nơi đó như một góc Sài Gòn chứ không “quê” là mấy. Bây giờ người ta đua
nhau đổi thành “Thành phố trực thuộc tỉnh” nhưng tôi vẫn thích hai chữ “thị xã”
vì nó mang cái thú lỡ chợ lỡ quê. Một điều may mắn là cứ mỗi dịp hè hoặc Tết là
tôi được về quê thăm ngoại. Nghe tới “dìa quê ngoại” là trong đầu mỗi chúng ta
lại hiện ra không biết bao nhiêu hình ảnh thân thương gần gũi. Riêng tôi, một
người không giỏi thể hiện cảm xúc, tôi hay giấu hết nỗi nhớ quê, nhớ ngoại vào
lòng cho tới một ngày, ngay tại Sài Gòn, tôi bắt gặp những món đồ kỷ niệm thì
lòng tôi lâng lâng như gặp lại cố nhân. Đó là những cái chén, cái tô, cái dĩa
kiểu xưa mà ngoại hay để trong cái gạc-măng-rê, cứ mỗi bữa ăn lại run run xới
cơm múc canh cho mấy đứa cháu.
Những cái chén, tô, dĩa này theo tôi
tìm hiểu thì chúng thuộc dòng gốm Lái Thiêu Nam Bộ. Chúng có nhiều tên lắm: bộ
chén xưa, chén của ngoại, chén của mẹ, chén nhà dì ba dì bảy…thậm chí hài hước
là bộ “nhà nghèo”. Nhưng dù có gọi là gì đi nữa thì khi bất chợt nhìn thấy
chúng ta đều thốt lên: “A! Quen lắm nè.” Người bạn của tôi còn ghẹo: “Chà cái
này “quê” dữ à.” Ngày nay ta có thể thấy những món đồ này trên bàn ăn các quán
dân tộc thuần Việt, quán theo phong cách xưa và đôi khi có những cái chén dĩa
được trau chuốt kỹ lưỡng hơn trở thành bộ “nhà giàu” nhưng vẫn mang dấu ấn gốm
thủ biên Lái Thiêu.
Trong tâm tưởng của tôi, nếu chúng ta
chỉ biết về gốm Bát Tràng mà không biết về gốm Lái Thiêu, gốm Cây Mai (Đề Ngạn-Sài
Gòn xưa), gốm Sài Gòn, gốm Biên Hoà (Vert de Bien Hoa) thì thật đáng tiếc. Những
dòng gốm này vốn nức tiếng xa gần thời vàng son của văn minh Nam kỳ lục tỉnh.
Trong khuôn khổ bài viết tôi xin giới thiệu vài nét căn bản của những dòng gốm
này cùng vài hình ảnh trong bộ sưu tập cá nhân cũng như từ những nguồn khác
nhau. Tôi hy vọng sẽ truyền được cảm hứng cho bạn đọc tìm hiểu sâu hơn và yêu
thích chủ đề này.
Trong hơn 300 năm lịch sử, vùng đất
Nam bộ đã xuất hiện 4 dòng gốm chính yếu: Gốm Cây Mai ở Đề Ngạn-Sài Gòn xưa, gốm
Sài Gòn ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn, gốm Lái Thiêu ở Thủ Dầu Một (nay là tỉnh
Bình Dương) và gốm Biên Hoà do trường Mỹ nghệ Biên Hoà tạo tác. Trong đó gốm
Lái Thiêu là dòng gốm gia dụng với nhiều sản phẩm và chủng loại đã đáp ứng cho
phần lớn nhu cầu thiết thực của đông đảo công chúng, không chỉ ở Nam bộ mà còn
cả Trung bộ và Cam-bốt. Câu ca dao xưa cũ ở vùng đất này rằng:
“Chiều chiều mượn ngựa ông Đô,
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về.
Đưa về chợ Thủ: bán hũ, bán ve,
Bán bộ đồ chè bán cối đâm tiêu.”
“Gốm Lái Thiêu là tên gọi chung các sản
phẩm gốm khác nhau được sản xuất từ khu vực Tân Khánh, Bà Lụa, Hưng Định và Lái
Thiêu. Sở dĩ chúng được gọi chung là gốm Lái Thiêu bởi phần lớn sản phẩm từ bốn
làng nghề nói trên đều được chuyên chở về bán ở Lái Thiêu, đầu mối giao thương
thuận lợi cả thuỷ bộ và tàu hoả.”
“Thời thạnh mậu, ghe cá đồng, ghe chuối,
ghe xoài, dừa, ốc gạo miệt Cái Bè, Cao Lãnh, Bến Tre…bán xong còn đậu lại chờ
mua đủ hàng: tranh thờ, lu khạp, chậu bông, chén dĩa, dầu phộng, đường tán hoặc
bàn ghế, đồ thờ bằng gỗ, đặc sản Lái Thiêu. Ban đêm trời trong gió mát, dưới bến
ghe thuyền Lục tỉnh đậu kề nhau bập bềnh trên sông nước, lắc lư những ngọn đèn
chai treo trên cây sào, lập lòe hắc ra những đốm sáng qua những chụp đèn bằng
ve chai ám khói chiếu xuống mặt nước lăn tăn, lấp lánh cả một khúc sông. Đứng
trên cầu đúc nhìn dài ra tận bến vựa chén, cảnh tượng như lễ hội hoa đăng.” Các
sản phẩm bao gồm: chén, dĩa, tô, thố, bình, khạp, chậu, choé, lu, kiệu, chậu
bông, đôn lục giác, đôn voi…trang trí bằng những hoa văn mộc mạc đậm tính dân
gian như Bát tiên, gà trống, con cò, con vạc, cây chuối, cây tre, bông sen, con
đò, bụi cỏ, cá, cua, tôm…Đây là một thế giới rộng lớn cho những ai muốn tìm lại
chút bình yên quá khứ. Bên cạnh những bình bông, những chiếc đèn gốm được tạo
tác cầu kỳ tôi say mê và trân trọng vẻ đẹp không hoàn hảo của những cái dĩa cái
tô sần sùi màu sắc không đồng nhất, đôi khi còn méo mó do được nung thủ công bằng
lò củi. Những cái chén, cái chung men nâu vàng da bò, da lươn, những cái lu mái
đầm, cái khạp đựng gạo hay muối dưa. Lu khạp là những vật dụng tiêu biểu cho
văn minh miệt vườn, cho những con người Nam bộ cứng cỏi nhưng khoan hoà, không
cam chịu văn hoá của mình bị nhấn chìm, bị lãng quên.
Người miền Nam thời trước dọn cơm thường
dùng cái mâm nhôm tròn chứ không dùng mẹt tre. Mỗi ngày tôi vẫn dùng bộ chén
xưa này cho gia đình. Cả nhà ngồi quây quần trên bộ ván cẩm lai mát rượi ăn uống
chuyện trò rôm rả. Đôi khi tôi đưa võng “tòng ten” y hệt bà ngoại. Tôi vẫn
thích giữ nếp cũ “Nam bộ tục” dù đang làm việc trong ngành công nghệ và sống nhịp
sống rất nhanh của Sài Gòn “nay”.
Những buổi chiều mưa buồn tôi hay
hoài niệm. Thuở tôi còn thơ ấu cậu Năm tôi đi câu cá về, mấy con cá lóc, cá bống
dừa tươi rói nhảy “soi sói” trong cái giỏ tre. Cậu cất cái cần câu và cái nón
tai bèo bạc thết nhuốm màu phèn rồi bắt đầu “mần” cá. Cậu kho một ít, nấu canh
chua bạc hà một ít. Xong xuôi cậu xới cơm nóng vào mấy cái chén nâu vàng. Màu
men ngọt lịm làm cho món ăn thêm hấp dẫn. Tô canh chua bốc khói nghi ngút, ngửi
mùi thôi đã chảy nước miếng. Mấy con cá kho vàng ươm nằm chễm chệ trong cái dĩa
bông xanh kế bên dĩa nước mắm dầm ớt. Cái vị của ruộng đồng sông nước thu cả
vào đây. Ngon lắm đó đa! Bữa cơm đạm bạc chẳng có gì cao sang mà sao bây giờ ở
giữa Sài Gòn phồn hoa tôi lại nhớ da diết đến thế. Hai cậu cháu vừa ăn vừa nhìn
ra sông. Mưa trắng xoá cả một vùng trời. Gió xô ngọn dừa nghiêng ngả, mưa xối
tàu lá rào rào, vỗ vào lá chuối nghe lộp bộp. Kế mâm cơm là cái radio hát cải
lương. Bên kia sông thỉnh thoảng lại nghe tiếng ghe xuồng chạy qua kêu “tạch tạch
tạch tạch”. Ôi chao cái miệt thứ sao mà buồn.
Tại sao từ cái chén cái dĩa mà tôi lại
suy nghĩ và tiếc nhớ nhiều đến vậy. Bởi tôi tin đồ vật có linh tính, thứ ý thức
nguyên sơ mà ngay cả một hòn đá cũng có, huống chi tới những món đồ quen thuộc
chất chứa cả một kho tàng văn hoá và nỗi niềm yêu thương từ thế hệ này qua thế
hệ khác.
Trước sự lấn át của gốm công nghiệp,
gốm Trung Quốc, đồ nhựa…làm cho gốm gia dụng Lái Thiêu, gốm Nam bộ nói chung bị
thu hẹp nhưng tôi vẫn tin rằng mình sẽ tìm được bạn “đồng môn” yêu thích gốm
Nam bộ xưa, những món đồ thấm đẫm mồ hôi người nghệ nhân trau chuốt từng nét cọ,
tận tụy gìn giữ qua bao năm tháng biến động thời cuộc và những mảnh đất sét
mang linh hồn của tiền nhân đi mở đất. Bởi vì chúng ta là con dân Nam kỳ lục tỉnh,
dù đi xa đến đâu hay làm nghề gì, sự thật này cũng không bao giờ thay đổi.
● Bài viết có
tham khảo sách “Gốm Lái Thiêu”, Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Lý Lược Tam – Nguyễn
Anh Kiệt – Trương Ngọc Tường – Huỳnh Duy Triết – Trần Phương Thảo, NXB Văn
Hoá-Văn Nghệ, 2020
Lữ Long Bình
304Đen – llttm- sgtc
No comments:
Post a Comment