ĐỨA BÉ CHẾT TRÊN DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG
Chuyện kể theo nhạc và lời “Thằng Bé Tát Dầu”, của Phan Văn Hưng nghe trên đường đi
Hai đứa bé không kịp nhìn ra cảnh sắc huy hoàng khi Sàigòn vừa lên đèn. Ánh điện từ cơ xưởng hải quân chạy dài theo bến cảng, nhấp nhô, long lanh trên những tầng lầu, hiện rõ dần khi màu nắng vàng nâu trôi chậm về phía biển và bóng tối bắt đầu loang lạnh dòng sông. Từ Thủ Thiêm, hai đứa nhỏ nương bóng tối, vượt qua sông, hướng phía rạch Thị Nghè, nơi con sông quành một khúc cong rộng, nhập với dòng Đồng Nai trước khi đổ ra biển.
- Mình đi thế nầy có sớm không Hai? Đứa nhỏ âu lo hỏi anh theo nhịp thở khi cố rướm mái chèo đưa con thuyền gối lên lườn sóng đang mỗi lúc mỗi mạnh bởi ngược dòng triều cuồng cuộn chảy ra biển.
- Không đâu, giờ nầy lính gác thường không để ý, họ đang mắc ăn nhậu, đi khuya hơn, dễ bị lính thấy vì lúc đó không còn ai trên sông, người lớn lúc đó cũng tới bộn, mình con nít làm sao chen vô.
Thằng anh bỏ dở câu nói, nhấc người lên khỏi sàn thuyền để dầm xuống tay lái bị giật ngược vì có chiếc thuyền sắt lớn đang đi qua. Bóng tối âm u của thân tàu làm thẫm thêm màu đêm trên sông đen.
- Hai à. Đứa em lại mở lời. Nó nhận ra có điều gì bất ổn giữa nỗi im lặng se sắc nầy.
- Đừng nói nữa, tao đang kẹt tay lái, mầy không thấy sao. Hỏi miết!
Thằng anh cao giọng tỏ ý bực dọc. Nhưng khi chiếc thuyền đã trôi xuôi theo nếp sóng, nó nhận ra qua bóng đêm, thân hình nhỏ yếu gầy gò của đứa em đang lay lắt chuyển dịch, lòng nó dâng lên mối xúc động bùi ngùi. Tội nghiệp, má mất từ lúc nó còn nhỏ, và thằng cu vừa chập chững biết đi. Và cảnh tượng khi nó trở về từ Chợ Cầu Ông Lãnh, hai đứa em ngồi co quắp thoi thóp bên cạnh thây người vừa qua cơn hấp hối. Người mẹ nằm lật ngửa trên đống vỏ dừa xập sùi lớp rác bùn nhơ nhớp, mắt đứng tròng ngầu đục chống ngược nhìn lên gầm cầu rung rinh dưới sức nặng của đoàn xe tải, xe ba gác, khối người đang chuyển dịch gào động bên trên. Khi kéo hai thân thể nhỏ bé hôi hám ra khỏi vùng người chết, nó nhìn xuống mắt người mẹ đang mở trừng trừng khô rốc. Má chết nghe má! Không một tiếng khóc, kể cả nó, dù đã đủ trí khôn để hiểu nỗi đau lần mất mẹ. Mỗi chiều chèo thuyền qua sông, nhìn về miệt rạch Bến Nghé, khi nhớ lại chuyện của năm qua, nó có cảm giác như vừa mới đang xảy ra. Nó luôn thấy nặng nặng phiền phiền trong lồng ngực. Ngày nó mười bốn và đứa em nầy lên bảy. Móc được dầu khá khá, mầy muốn Hai mua cho mầy cái gì? Nó hỏi em thắm thiết, lòng trùng lại bởi mối xa xót thương yêu. Tội nghiệp, thằng nhỏ có bữa nào được no đâu! Nó thương em bởi hằng hiểu cơn đói luôn quặn thắt trong thân.
- Em không muốn gì trọi trơn. Chỉ muốn có má thôi. Còn má thì cái chi cũng có, Hai không nhớ lần má cho mình ăn bún nước lèo há! Đứa em trở lại sinh động, phấn khởi làm như thể đang được ăn món ngon kỳ lạ kia và người mẹ ngồi nhìn con tươi vui rạng rỡ.
- Mầy nói vậy, còn ba thì có nhiều thứ hơn nữa. Giọng thằng anh trở nên khàn đục như đang phải nuốt một thứ gì đắng, cứng, quá khổ.
- Em đâu biết, mà ba làm gì, ba đâu rồi, sao ba không ở với má và anh em mình? Thằng em dò hỏi. Quả thật, đã từ lâu nó không nghe, biết về người cha.
- Mầy biết vậy thôi, khi nào lớn lên tao nói cho nghe, mà thôi, cũng không nên.
Thằng anh chấm dứt câu chuyện. Nó trở nên nghĩ ngợi, bởi thật sự cũng không muốn nhớ cảnh tượng buổi sớm mai hôm đó. Người lính đứng giữa đám nhà doanh trại đang bốc cháy, tay anh cầm chắc một cây súng, lưng, vai đeo đầy giây đạn và hai khẩu súng khác. Toán lính vừa bắn vừa lùi dần về sau những căn nhà trại gia binh. Đám đàn bà và con trẻ nháo nhác, những viên đạn pháo nổ chụp, một vài cơ sở bốc cháy. Mầy chạy đi, dẫn dùm vợ con tao ra Cổng C, tao với mấy đứa tiểu đội hai giữ chốt nầy, không cho tụi nó vào bộ tư lệnh! Ba nó hét những lời hỗn độn với những người lính chạy lố nhố chung quanh. Người mẹ quỳ xuống van nài. Mình mình, mình đừng bỏ mẹ con tui. Mình đừng bỏ mẹ con tui. Má nó day day cánh tay ra hiệu cho nó chạy đến ôm chầm lấy người cha. Hai đứa em nhỏ vùng vằng, khóc ngất. Ba nó gầm gừ. Má nó với mấy đứa nhỏ chạy ra cổng đi. Tui không bỏ đi đâu hết, cứ chạy xuống chỗ Nhà Thờ Ba Chuông ở tạm. Ba nó chạy đến sau những thân cây keo cùng những người lính khác. Đầu cổng chính Trại Hoàng Hoa Thám, lối vào Bộ Tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, chiếc xe tăng xoay nòng súng dò tìm độc ác... Viên đạn nổ bùng. Những xác người bay bay. Mình ơi! Má nó gào ngất. Má... má! Nó cũng kêu khản tiếng thất thanh bất ngờ. Đứa bé em bế trong tay ré khóc. Chiều nay qua sông giữa màn đêm, thằng bé thấy lại lửa và cảnh má nó quay cuồng bên xác người cha vừa bị bắn tung xé bay mù. Thằng bé hằng sống cùng lửa - Lửa của mỗi ngày. Lửa qua mỗi đêm - Dẫu nó không biết tại sao, do đâu, là gì?! Đêm nay, nó thấy lửa bùng lớn hơn bao giờ hết. Vừa rồi, khi gắt em chính là lúc nó đang ngộp thở bởi hình như lửa đang sát cạnh, nóng ran tự trong thân... Sắp đến chỗ rồi mầy, đừng nói gì nữa. Thằng anh chuyển lệnh cho em. Âm tiếng lạnh lẽo. Nó nuốt vội chút nước bọt bởi miệng nhạt đắng, khô khan. Chiếc ghe nhỏ len dần vào giữa những thân thuyền cao, đen, nằm lặng lẽ như những con vật khổng lồ no mồi say ngủ. Bây giờ chỉ còn đứa lớn chèo sau lái, thằng em đã sẵn chiếc thùng ni-lông trong tay, nó chồm ra khỏi thành ghe, nghiêng hẳn nửa người nằm ngang trên mặt nước, vục nước tù giữa hai thân tàu chở dầu nằm ụ. Đây... đây, Hai... Thằng bé em múc vội một bình ni-lông nước, vục tay ào, đưa lên mũi ngửi ngửi. Đúng rồi Hai, em thấy như là dầu nguyên xi. Đứa anh vội vàng. Mầy nhẩy qua múc đi, đợi gì nữa, khi nào mệt, qua giữ lái để tao thay. Tiếng phì phọt múc dầu đều đặn chen lẫn hơi thở dồn dập của đứa bé đang trong cơn căng thẳng. Thỉnh thoảng có lời xuýt xoa tiếc rẻ. Nhiều quá, dầu nhiều quá, biết vậy mình mượn cái ghe bác Bẩy, múc được nhiều hơn, chắc họ mới xả buổi sáng. Khi đứa anh bắt đầu thay em vì chiếc ghe chỉ còn di động đong đưa do thân đã bị mắc vào cạnh một xà-lan rộng nên đứa em chỉ cần nắm giữ những vỏ bánh xe dùng làm phao cấp cứu gắn hai bên sườn. Thằng em rãnh rỗi, khơi chuyện, nói lời vui...
- Vừa rồi Hai hỏi em có muốn ăn gì phải không?
- Ừa, cho mầy nói đi.
- Không, em không cần, nhưng nếu mình bán được dầu, có tiền, mình mua cho thằng út hộp sữa, từ ngày má chết, nó có được ai cho bú đâu, Hai chịu không? Được, để tao coi.
Đứa anh trả lời mơ hồ phần vì bận việc, nhưng quả thật, trong lòng đang có điều mơ hồ thấp thoảng âu lo. Khi cúi mình trên dòng nước đen hăng hắc hơi dầu, nó ngửi thấy mùi khói và lửa ngọn bùng bùng rực đỏ đâu đây. Bộ đội Trịnh rút điếu thuốc cong queo từ trong túi áo. Ba số nhá, thuốc thẳng ba số đấy! Anh ta đi đến dưới trụ đèn, nhìn rõ hơn những giòng chữ nhỏ màu xanh in trên giấy cuốn điếu thuốc. Anh không đọc hiểu, nhưng thật sự cũng chẳng cần thiết. Ba số, ba số, thuốc thẳng có “cán” giấy vàng. Trịnh lẫm bẩm khi nhìn vào hàng chữ số “555” và khúc đầu lọc bọc giấy kim loại màu vàng. Chiến thật, tụi đế quốc phí thật, giấy kim loại đắt đến thế mà chúng dùng chỉ để làm thuốc cán! Anh ta hân hoan khi so sánh với những điếu thuốc bọc giấy bạc của Hà Nội, những thứ thuốc giành cho cán bộ cấp cao. Thăng Long, Điện Biên. Chẳng làm sao bì được với “thằng ba số” nầy! Anh nhẹ kéo giây tim chiếc hộp quẹt nhôm màu trắng. Phải làm thế nào để không phải bật quẹt lần thứ hai, mùi xăng bốc lên sẽ làm hư thuốc. Anh cẩn thận, chuẩn bị tỉ mỉ trước khi trịnh trọng mồi điếu thuốc. Bộ đội Trịnh tì người trên lan can tàu, nhìn xuống giòng sông, rít dài hơi tận hưởng khoái lạc khi thân thể mở ra, đầy ắp khối lượng khói thuốc thơm lừng. Anh đưa mắt nhìn nơi xa, bên kia sông, dãy nhà lốm đốm đèn đỏ trước khi xoay vòng phía sau. Thành phố rực sáng như tập trung hết nguồn điện của tất cả đế quốc, Mỹ-Nguỵ có được. Gớm, sao chúng phí điện đến thế! Anh hằng có cảm giác kinh sợ thán phục chen lẫn giận dữ mỗi khi nhìn vào sinh hoạt của người, sự việc hằng ngày xảy ra nơi miền Nam, ở Sàigòn. Giải phóng rồi chúng còn thế, không biết trước kia “phồn vinh giả tạo” nó ra làm sao, chính chúng nó phí phạm thế mới làm “ngoài ta” khốn khổ, chứ không ai vào đây tất!” Trịnh hằng kết luận như thế cùng đồng ngũ và chính bản thân. Bỗng bộ đội Trịnh la lên tiếng sửng sốt lẫn phẫn nộ khi nhìn xuống giòng sông, khoảng giữa những thân tàu dầu, dạng hai đứa bé đang trên con thuyền chòng chành, xô đẩy bởi dòng chảy dồi sóng chuyển dịch do vài con tàu chung quanh rời bến. Và tai hoạ thực xẩy ra. Điếu thuốc rời khỏi môi rơi xuống. Chấm tàn đỏ bay ngoằng ngoèo trước khi mất hút trên vùng nước đen. Bộ đội Trịnh gầm rú..
Ông giết chúng mầy! Anh ta giật khẩu AK trên vai xuống với động tác quyết liệt, mạnh mẽ. Bộ đội Trịnh nhắm vào lỗ chiếu môn, đỉnh đầu ruồi, đầu nòng súng đến thân thể người. Chiếc nón cối rơi tung xuống đất. Mặc! Anh nghiến chặt răng. Bóp cò. Tràng đạn nổ ròn ba nhịp.
Chết rồi Hai ơi... họ thấy mình rồi... chèo đi, chèo lẹ đi! Không ai bảo ai, hai đứa bé đồng cuống quýt, thằng em nhẩy vội về thuyền. Những cánh tay gầy, yếu vung tròn, chuyển động dồn dập, tới tấp... mau lên, mau Hai ơi, mau lên... Những viên đạn vạch đường đỏ đuổi theo. Bộ đội Trịnh bóp cò lần thứ hai. Bộ đội Trịnh bóp cò lần thứ ba. Những đầu đạn rơi xuống nước, xé tung gỗ sườn ghe, và ghim im đâu đó nơi thịt da đứa nhỏ. Thằng anh gập nửa thân người ngang be thuyền, mặt úp xuống nước. Trên vũng đen im xao động nó thấy lửa. Lửa phần phật, chập chờn như buổi sáng cuối cùng với cha nó. Hai ơi... anh ơi... Hai đừng chết bỏ em... tội em! Đứa bé em muốn kêu lên như thế, nhưng bởi nó đã thật sự kiệt sức khi chiếc ghe thoát được ra giữa giòng sông. Chung quanh. Sông Sài Gòn, đoạn chảy qua xưởng Ba Son im lặng biền biệt trôi.
Phan Nhật Nam
No comments:
Post a Comment