Thursday, August 22, 2024

Nước Mắt - Lữ Kiều

 

NƯỚC MẮT

“Nước mắt” là câu chuyện của người chị thứ ba, nhưng cũng là của năm người chị tuổi trẻ. Thật đến nỗi 45 năm sau, đọc lại, tưởng như giọt nước mắt ngày cũ chưa khô”. – Đó là cảm xúc ngắn của Lữ Kiều, 45 năm sau tác giả nhìn lại câu chuyện mình viết. Tác phẩm “Nước mắt”, đoạt giải nhất Thi Văn chương “truyện ngắn” của trường Quốc Học niên khóa 1959-1960. Đã in trong Đặc San Quốc Học 1960.

Lữ Kiều



Ngày chị đi lấy chồng, chị khóc như mưa mùa đông. Tôi còn nhớ mãi màu nắng chiều hôm ấy, màu nắng vàng nhợt nhạt và buồn như gương mặt người ốm.

Phải, vào buổi chiều, tôi và chị ở trong căn phòng của hai chị em. Chị đóng cánh cửa thông qua phòng mẹ tôi rồi ôm tôi mà khóc. Nước mắt của chị thấm ướt vai tôi, tóc chị đổ xuống, vương trên lưng tôi. Nhìn qua bờ vai chị, tôi thấy nắng rung rinh trên cành lá, trên song cửa sổ và càng lúc nắng dường như càng nhạt đi.

 

Chim, Rắn, Người và… OM – Tranh của Thân Trọng Minh (Lữ Kiều) –
Ảnh chụp tại buổi triễn lãm tranh TTM 2018 ở Sài Gòn – Vtt)

Khi hoàng hôn trở tím, hai chị em vẫn còn yên lặng ngồi bên nhau. Ngoài kia không gian im vắng và mây chiều nặng trĩu. Có vài tiếng chim sẻ ríu rít, rất khẽ. Chị rời tôi, ra đứng cạnh khung cửa. Một nửa khuôn mặt chìm vào bóng tối và mái tóc chị vương màu nắng chiều làm cho chị bỗng xa xôi và cách biệt tôi. Và như thế, đôi mắt chị trở nên buồn, long lanh và thâm u như đáy giếng.

Về sau này, tôi không còn nhớ cái khoảng thời gian sau ấy tôi đã làm gì, đã nghĩ gì, có điều chắc chắn rằng lúc ấy, tôi cảm thấy thương chị như chưa bao giờ thương đến thế.

Buổi tối cuối cùng chị ở với gia đình, chị rủ tôi đi dạo. Đi dạo trên con đường “có những nàng tiên nho nhỏ nghịch ngợm nấp sau hàng cây, chị và tôi vẫn thường gọi đùa như vậy, nên mỗi khi đi trên con đường ấy, tôi vẫn thường mang cái cảm tưởng đang tìm kiếm. Trăng hôm ấy sáng mờ, giống như gương mặt chị vừa khóc xong, ngấn nước mắt dài còn chưa khô trên má. Chị và tôi đi chầm chậm, men theo hàng cây của con đường. Thỉnh thoảng một vài chiếc lá vô cớ rơi vào lòng đường nhựa ngập tràn ánh trăng. Chị cầm tay tôi, gương mặt cúi xuống.

Đường vắng…

Màu áo tím của chị như choàng lấy người tôi. Tôi bước đi, nhìn bóng hai chị em mờ đổ xuống đường, nghe như có từng cơn gió lạnh.

Hai chị em đi bên nhau rất lâu… rất lâu… Ngang công viên nhiều cây và bóng tối, những chiếc ghế đá lạnh buốt phơi mình dưới ánh trăng gợi cho tôi cảm giác mất mát lúc người chị đi lấy chồng. Tôi gọi:

– Chị!… Em lạnh…

Chị tần ngần dừng lại rồi lặng lẽ quay về. Cử chỉ lặng lẽ ấy làm tôi muốn khóc. Bấy giờ con đường mờ sương, sâu hun hút. Sương xuống ướt cả vai tôi mà tôi không biết. Tôi định nói với chị – một câu ngắn thôi – nhưng lời nói lại ngừng lại trong ý nghĩ.

Cứ như thế, hai chị em đi về…

Khi tôi đã nằm trên giường, chị cúi mình xuống, hôn vào má tôi, rồi bỏ màn xuống giùm tôi. Chị đi ra, bước chân rất khẽ, bóng chị khuất sau cánh cửa.

Trăng ngoài song cửa vẫn mờ mờ, sương bạc mông mênh cả một khoảng trời. Ánh trăng lờ đờ giải lên giường tôi… Úp mặt vào gối tôi mặc cho nước mắt trào ra. Và tôi thiếp đi trong niềm nghẹn ngào ấy…

Khi tôi thức dậy thì ánh trăng không còn nữa. Ngoài cửa sổ, tia nắng đầu tiên của một ngày nhảy nhót trên cành lá… Phòng bên có tiếng lao xao. Có tiếng ba tôi cười nói, có tiếng mẹ tôi giục giã.

Tôi buồn bã bước xuống giường đi rửa mặt. Ý nghĩ đầu tiên dành cho chị. Chắc chị đang buồn lắm, có lẽ đang khóc nữa…

Khi tôi bước vào phòng chị thì mấy cô phụ dâu đang giúp chị trang điểm. Chị ngồi trước gương, quay lưng lại phía tôi. Trời ơi, tôi ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy gương mặt chị tươi như một đóa hoa vừa nở. Chị chít khăn màu vàng, mặc áo mệnh phụ, đôi môi đỏ vì son, đẹp như một nàng tiên… Tôi sững sờ đứng lặng, rồi bước ra, với trăm nghìn ý nghĩ ngổn ngang trong đầu.

Tôi càng sững sờ hơn nữa, lúc trông chị đứng cạnh chú rể, chị đã mỉm cười, một nụ cười thật tươi và duyên dáng để cho người ta chụp ảnh. Tôi tự hỏi tại sao gương mặt chị không thoáng một nét buồn, dù là một nét buồn nhỏ thôi…

Rồi chị lên xe về nhà chồng. Thế là xong. Tôi thẫn thờ nhìn theo. Những bước chân chị vang trong lòng tôi. Khi tôi quay lại thì tôi thấy mắt mẹ tôi đỏ hoe. Tôi chạy vào phòng úp mặt vào gối. Tôi cảm thấy mất chị thật rồi.

l

Sau ngày cưới, chị theo chồng vào một tỉnh xa. Chị vẫn viết thư đều đều về nhà. Mỗi lần nhận được thư chị, tôi viết trả lời, nhưng không bao giờ tôi viết được những cái gì tôi nghĩ. Chị đi, tôi trở thành người lớn trong nhà, tôi không thể viết thư mà vớ vẩn với chị nữa.

Ngày trước, chỉ có hai chị em, mọi việc tôi đều nói với chị, không giấu giếm một điều gì cả. Bây giờ, qua những cánh thư, càng ngày tôi càng cảm thấy xa chị. Tôi không thể kể cho chị nghe những niềm vui không đâu thoáng qua lòng trong buổi học, vài băn khoăn nho nhỏ khi tôi ngồi một mình, những nỗi buồn vô cớ, những mong nhớ mông lung tràn đầy tâm hồn vào lúc chiều tà. Phải, làm sao tôi có thể kể những điều dài dòng ấy cho chị hay, cũng như chị làm sao mà viết trong thư: “Chị đố em hôm nay chị có gì lạ… Chị đố em chị sắp cho em cái gì đây!… Chị đố em chị mua cái này bao nhiêu… Chị đố em… Chị đố em…” Trong thư, ai lại đi viết thế bao giờ… Có một câu hỏi mà rất nhiều lần tôi định hỏi chị, nhưng chưa bao giờ tôi dám viết cả, tôi muốn hỏi: “Hôm đám cưới sao chị vui thế?”

Giá như tôi hỏi được như vậy, và giá như chị trả lời câu hỏi, thì chắc hai chị em chưa xa nhau đến thế. Những cánh thư đều đều, màu giấy trắng, màu mực đen, càng ngày càng làm hai chị em lạ nhau. Trong thư chị thường viết: “Chị mạnh khỏe, anh vẫn mạnh đi làm việc bình thường. Ba mẹ khỏe chứ? Em gắng học để làm vui lòng ba mẹ nhé…v.v…”. Tôi cũng viết: “Ở nhà vẫn mạnh cả, các dì hay lại thăm mẹ luôn. Ba vừa đi công cán ở tỉnh T… về. Em vẫn đi học đều, tháng này em đứng cao hơn tháng trước…v.v…”. Rất buồn. Rất tầm thường.

Một hôm, chị viết cho tôi hay rằng chị đã uốn tóc; chị sẽ gởi cho tôi xem hình sau. Hình ảnh mái tóc dài lê thê và đen mượt như giòng suối về đêm của chị hiện về trong trí. Tôi nghe như có một cái gì rất khẽ đổ vỡ trong lòng.

Quả thực tôi đã mất chị rồi!

l

Vào một ngày hè nóng bức chị về thăm nhà. Ba mẹ tôi mừng rỡ đón chị. Tôi sững sờ nhìn mái tóc cắt ngắn của chị như hôm nào đã nhìn chị cười trong buổi đám cưới. Ý nghĩ xa cách chị làm tôi cảm thấy lòng nghẹn ngào, rưng rưng. Còn chị, chị bình thản hỏi tôi về chuyện học hành. Tôi trả lời qua loa. Chắc chị không biết tôi khổ tâm lắm.

Buổi tối, quây quần chung quanh ánh đèn chị kể lại chuyện chồng con. Câu chuyện chồng con làm chị say sưa. Chị bảo anh ấy rất yêu chị, đáng lẽ anh sẽ về cùng với chị song anh bị bận nhiều việc quá. Chị nói rằng, thường mỗi thứ bảy hai vợ chồng đều có dắt nhau đi chơi, đi ăn tiệm, đi xem chiếu bóng. Mỗi buổi tối hai vợ chồng lại… nhưng tôi đã bỏ câu chuyện, đi ra ngoài sân. Bấy giờ mặt trăng khuyết, màu trăng lạnh. Tôi lặng nhìn bóng mình đổ xuống sân gạch và nghĩ đến đêm trăng ngày trước, hai chị em im lặng đi bên nhau trên con đường “có-những-nàng-tiên-nho-nhỏ-nghịch-ngợm-nép-sau-hàng-cây”. Tôi cảm thấy mình sắp khóc. Sương xuống nhiều hơn. Tôi trở vào nhà. Câu chuyện của chị vẫn chưa dứt. Lúc bấy giờ chị đang ghé tai nói nhỏ với mẹ tôi; mẹ tôi cười đặt tay lên bụng chị. Chị mỉm cười thẹn thùng. Nhìn nét mặt chị, tôi thấy phảng phất hình bóng hạnh phúc. Và tôi tự hỏi:

– Tại sao hôm trước ngày cưới, chị lại có thể khóc nhiều như thế?

Lữ Kiều, Huế 1958

—————————————————–

Tác giả viết thêm, năm 2006

Tôi có đến năm người chị. Người chị gần nhất cũng hơn tôi 8 tuổi. Nghĩa là tôi nhỏ lắm, so với các chị. Thời thơ ấu, tôi sống trong một căn phòng có những khung cửa sổ mở ra vườn cây. Có những buổi sáng sớm tinh mơ, cha tôi đốt cỏ trong vườn, tôi thức dậy trong mùi cỏ thơm lạ lùng. Mùi cỏ ấy theo tôi suốt đời. Như mùi thiếu nữ của các chị quanh tôi.

Các chị lần lượt đi lấy chồng, đi xa, còn tôi ở lại. Làm sao quả tim tôi đừng thổn thức vì những mất mát kia.

Bởi vậy, “Nước mắt” là câu chuyện của người chị thứ ba, nhưng cũng là của năm người chị tuổi trẻ. Thật đến nỗi 45 năm sau, đọc lại, tưởng như giọt nước mắt ngày cũ chưa khô.

Thân Trọng Minh, tháng 7 năm 2006

 

Về tác giả Lữ Kiều

Lữ Kiều là bút hiệu của BS Thân Trọng Minh. Trước năm 1975, là bác sĩ quân y của Miền Nam, tu nghiệp Y ở Pháp. Sau 75 đi tù cải tạo. Ra tù, quay lại nghề y, là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, và từng là giảng viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch từ ngày đầu thành lập trường. Nay về hưu.

Ông viết văn và làm thơ từ hồi còn đi học. Sau 75, ông bỏ bút, quay sang cầm cọ, và có tranh triễn lãm ở Pháp và Sài Gòn. (SGTC)

 

 

No comments: