Monday, August 19, 2024

Nhân Vật Hoạn Thư Trong Truyện Kiều - Lương Hồng Điệp

 

NHÂN VẬT HOẠN THƯ TRONG TRYỆN KIỀU




(Xin tri ân Thầy  Hồ Văn Trai đã góp ý chỉnh sửa, giúp tôi hoàn thành bài viết. Xin tri ân tất cả Thầy Cô đã dạy tôi biết yêu tiếng Việt từ thuở còn đi học .)

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, có hai nhân vật nữ đối đầu nhau giữa một ông chồng. Đó là Hoạn Thư và Thúy Kiều. Có hai lần họ xử nhau. Lần thứ nhất, trong cuộc sum vầy chồng vợ, ở cương vị chủ nhân, rất cao tay, Hoạn Thư  đã xử Thúy Kiều nát tan cõi lòng trong thận phận nô tỳ không phương chống đở. Kiều ngậm đắng nuốt cay, âm thầm qua ải. Lần thứ hai, trước trướng hùm đã mở,  ba quân đông mặt pháp trường, gươm trần đã tuốt nắp ra, Kiều là chánh án, Hoạn Thư là tội nhân. Vừa thấy mặt, Kiều đã “mát mẻ” chào thưa kèm lời vừa mỉa mai vừa đe dọa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây,

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời nầy mấy gan.

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”.

            Lo sợ đến “phách lạc hồn xiêu”, Hoạn Thư vẫn bản lĩnh, trước sau vẫn tỏ là hạng “đàn bà dễ có mấy tay” dù đã sa cơ.

Hoan Thư là một tiểu thư, con quan Lại bộ thuộc dòng danh gia. Nên  biết rõ giá trị bản thân mình, biết phẩm giá, tư cách của mình, biết địa vị uy quyền của gia tộc, biết gia thế cao sang, nên hành xử đúng khuôn phép, mẫu mực gia phong của con nhà quan. Hoạn Thư  còn là người sắc sảo khôn ngoan được tiếng:

“Ở ăn thì nết cũng hay,

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”.

Kết duyên với Thúc Kỳ Tâm, thường gọi là Thúc Sinh, con một thương gia giàu có. Thúc Sinh cũng “nòi thư hương” nhưng theo cha học nghề buôn bán ở Lâm Truy. Hoạn Thư ở nhà vẫn dõi theo chồng. Đến một ngày Hoạn Thư rõ biết:

“...vườn mới thêm hoa,

Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.”

Cuộc sống đang yên đang lành bổng chốc bị xáo trộn, Hoạn Thư đứng ngồi không xong, sóng dậy trong lòng, thêm lửa đốt trong tâm:

“Lửa tâm càng dập càng nồng,

Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa”.

 Hoạn Thư bị cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” hoành hành. Giận vì nghĩ chồng ra dạ bạc đen, dở thói trăng hoa đã đành, Hoạn Thư giận, cực giận, vì “tin nhà thì không”. Giận cái “không” nầy. Tức cái “không” nầy. Ngoài ngõ người  ta nói, người ta đồn um...sao vẫn không nghe  chồng nói? Danh dự? T ự ái? Còn gì là mặt mũi của một tiểu thư? Lửa giận bừng lên. Cơn giận không có chỗ trút, mà cũng không thể trút nên phải nén lại. Khổ thân Hoạn Thư “lửa tâm càng dập càng nồng”. Chuyện, với nàng hết sức đơn giản:

“Ví bằng thú thiệt cùng ta,

            Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên”.

Để đến giờ nầy cũng vẫn lặng thinh. Giận. Giận lắm. Đã nghe nghiến ngầm nỗi tức giận ẩn trong từng tiếng, một sự đe dọa nhắm vào Thúc Sinh, kẻ gian dối, bội phản. “Từ nghe vườn mới thêm hoa”, cái giận của Hoạn Thư tăng lên vì hứng thêm nỗi xấu xa, nhục nhã trước lời đàm tiếu của thiên hạ mà không thể làm gì. Làm gì để bảo vệ danh dự gia đình, bảo vệ uy danh con nhà quan. Cái nầy mới lớn lao hơn “vườn thêm hoa”. Cho nên chỉ cần một lời “thú thiệt” của chồng, của Thúc Sinh, Hoạn Thư giải quyết mọi chuyện ổn thỏa tức thì. Nàng sẽ dung tha kẻ dưới, tức khắc miệng đời sẽ nín, dư luận không còn cớ gì để thị phi. Danh dự gia đình không mất. Mọi việc sau đó không đáng bận tâm nữa. Nàng Hoạn Thư danh giá khôn ngoan rằng:

“Dại chi chẳng giữ lấy nền,

Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”.

Cái “nền” quan lại gia phong, cái “nền” tiếng tăm con quan Lại bộ mới quan trọng! Mà dù là ai đi nữa, dù “nền” to hay nhỏ thì phẩm giá con người cũng như nhau, cũng phải biết giữ gìn. Nếu không biết giữ gìn cái “nền” ấy mới là “dại”. “Ghen” chỉ thỏa cơn nóng giận tức thời nhưng lại mang tiếng thị phi. Vì:

“Xấu chàng mà có ai khen chi mình”.

Đáng nể phục người vợ nầy. Đang cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” mà vẫn sáng suốt thấy rằng xấu chồng là nhục vợ, xấu vợ là nhục chồng. Có người vợ, người chồng nào biết nghĩ như vậy trong cách cư xử với nhau? Nhất là nín nhịn trong cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” thật không dễ chút nào. Trong khi càng nghĩ tới hành vi của Thúc Sinh, Hoạn Thư càng giận. Chàng ta “tính rằng cách mặt khuất lời” nên “bưng bít giấu quanh”. Chàng ta coi thường vợ nhà nên ung dung vui thú. Chàng ta thiếu lòng tự trọng nên hành động thiếu nghĩ suy. Trong khi Hoạn Thư đã có kế hoạch:

“Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho”.

Và nhất định:

“Làm cho nhìn chẳng được nhau,

Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên!

Làm cho trông thấy nhỡn tiền,

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”.

 Âm thanh xoáy đi xoáy lại, giọng điệu đay nghiến, Hoạn Thư dằn từng tiếng bủa xuống Thúc Sinh, con người thiếu thủy thiếu chung, con người “thăm ván bán thuyền” phen nầy biết đau khổ là gì? Trong ngôn ngữ độc thoại, trước sau, Hoạn Thư cũng chỉ nhắm vào người chồng bội bạc, “cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Và âm thầm chờ ngày ra tay:

“Nỗi lòng kín chẳng ai hay,

Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài”.

Cơn đau nội tâm hoành hành, ngày tháng qua, cơn đau càng dồn nén. Khi có hai người mách tin, tỏ ý tâng công. Rất nhạy bén, không chút chần chừ, Hoạn Thư giải cơn thịnh nộ, lý lẽ bênh chồng, quát mắng đùng đùng, thị uy, đối phó dư luận:

“Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!

 Chồng tao nào phải như ai,

Điều nầy hẳn miệng những ngưởi thị phi!”.

Miệng nhà quan có gan có thép”. Hoạn Thư xử lý, giải quyết rất nhanh, hiệu quả vô cùng:

                        “Vội vàng xuống lệnh ra uy,

Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.”

Mắng xối xả. Xử phủ đầu. Của đáng tội!  Hoạn Thư đang có kế hoạch “giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho” mà đứa muốn tâng công đưa đầu vô. Hoạn Thư hành xử rất khôn ngoan, mọi việc diễn ra như ý:

“Trong ngoài kín mít như bưng,

Nào ai còn dám nói năng một lời”.

Việc nhà xếp đặt êm xuôi, Hoạn Thư cũng sắm cho mình bộ mặt vô tư, thản nhiên như không:

“Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,

Ra vào một mực nói cười như không”.

Mặc dù con sóng ngầm vẫn không thôi cuộn sóng:

“Đêm ngày lòng những giận lòng,

Sinh vừa về đến lầu hồng xuống yên”.

            Thúc Sinh về đến, Hoạn Thư không nhảy xổ vào để gào thét cho hạ cơn sóng lòng vẫn chực chờ nỗi bão giông. Hoạn Thư đón chồng với bộ mặt yêu thương dịu dàng, đậm nét chờ mong. Qua “lời tan hợp nỗi hàn huyên”  nàng tô cho “chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng” để lấp đi hình ảnh con người “đen bạc” trước mắt, để giấu kín nỗi lòng, để thực hiện mưu kế đã vạch ra . Đúng là con người bản lĩnh, giấu mình rất tài. “Đàn bà dễ có mấy tay” rõ nét là đây. Cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” lại thêm ngứa mắt mà Hoạn Thư bình thản “ngảnh mặt làm thinh” khiến Thúc Sinh không chút nghi ngờ. Tình hình chung quanh lại yên ắng khiến chàng ta yên chí:

“Nghĩ: “Đà bưng kín miệng bình,

Nào ai có khảo mà mình lại xưng?”

Thế là im luôn, bỏ qua lời căn dặn chí thiết của Thúy Kiều. Lại còn thuận miệng thuận lời “nói xuôi đỡ đòn” trước những lời rào trước đón sau của Hoạn Thư, đang sắm vai người vợ đặt hết niềm tin về lòng chung thủy của người chồng, mà không chút nghi vấn về thái độ quá dịu dàng của vợ. Rõ, anh chồng nầy quá hời hợt, non tay, cứ ngỡ mọi chuyện như mắt thấy.

Cũng chính Hoạn Thư nhắc chồng mau mau trở lại Lâm Truy với cha già. Thúc Sinh mở cờ trong bụng:

“Được lời như cổi tấc son,

Vó câu thẳng ruổi, nước non quê người”.

Thế là Hoạn Thư rảnh tay cùng mẹ thực hiện âm mưu bắt cóc Thúy Kiều về làm nô tỳ, tên mới là “Hoa nô”. Thúy Kiều từ nhà Hoạn bà được lệnh sang hầu hạ Hoạn Thư:

“Lĩnh lời nàng mới theo sang,

Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu?

Sớm khuya khăn mặt lược đầu,

Phận con hầu giữ con hầu dám sai.”

Chàng Thúc về, thấy nhà cửa cháy tàn, sang nhà cha thấy “linh sàn, bài vị thờ nàng ở trên”. Ngỡ ngàng, đau khổ, tiếc nuối khôn khuây. Rồi dần dần cũng nguôi ngoai,  chàng tìm đường về quê:

“Tiểu thư đón cửa dã dề,

Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa”.

Có con hầu mới trong nhà, phải bảo nó ra mừng chủ, cho chủ tớ biết nhau:

“Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng”.

Đây, lúc này mới là giây phút Hoạn Thư chờ đợi.

Sắp xếp cho hai người gặp nhau, Hoan Thư ung dung chờ xem phản ứng đau khổ của Thúc Sinh. Chàng ta mới là điểm ngắm, là mục tiêu phải xử, Thúy Kiều chỉ là con rối, là phương tiện để trị tội Thúc Sinh. Hoạn Thư biết rằng nàng giật con rối kiểu nào, Thúc Sinh đau kiểu ấy. Cái đau sẽ đập thẳng vào tâm não chàng ta, “làm cho đau đớn ê chề”, “làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên”. Phải nhìn kẻ phản bội gồng mình hứng chịu cơn đau, để tận hưởng giây phút hạnh phúc của lòng mình nàng mới hả lòng, mới vơi được cơn buồn giận chất chứa từ lâu. Thật đáng nể con người bản lĩnh, cao tay, biết suy xét cân phân giữa danh dự gia đình và tự ái cá nhân; giữa hạnh phúc sum vầy hay đường ai nấy đi. Tốt xấu, hay dở, chỉ do cách giải tỏa cơn ghen mà thôi. Hoạn Thư hành xử rất mực khôn ngoan. Cái khôn ngoan sắc sảo của người hiểu biết, biết người, biết ta, biết làm chủ lấy mình.

            Trong thân phận nô tỳ, Thúy Kiều ra lạy mừng chủ nhân đi xa mới về. Từ xa, từng bước ngập ngừng, nàng đã nhìn rõ :

“Phải rằng, nắng quáng đèn lòa,

Rõ ràng ngồi đó, chẳng là Thúc Sinh”.

Thúy Kiều ngỡ ngàng, chợt hiểu:

“Bây giờ tình mới tỏ tình,

Thôi thôi đã mắc vào vành, chẳng sai!”

Với chàng, nàng đã đổi ngôi:

                        “Rõ ràng thật lứa đôi ta,

Làm ra con ở, chủ nhà, đôi nơi!”.

Giờ sao đây?:

“Bây giờ đất thấp trời cao,

Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”.

Bặt tin nhau trong cảnh đọa đày, trong nỗi nhớ mong chờ, giờ gặp lại nhau mà trớ trêu thay, không phải cảnh tương phùng, Kiều đau khổ bối rối:

                        “Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ,

Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời”.

            Thân phận tôi đòi, phải thi lễ ra mắt chủ nhân, dám cãi đâu:

“Sợ uy, dám chẳng vâng lời,

Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều”.

 Nhìn thấy, Thúc Sinh cũng bất ngờ, hoảng loạn:

“Sinh đà phách lạc hồn xiêu,

Thương ôi! chẳng phải nàng Kiều ở đây!

Nhân làm sao đến thế nầy,”

Với Kiều, chàng Thúc đã từng hứa hẹn “trăm điều hãy cứ trông vào một ta”, đã từng quyết liệt khi bị cha chia rẻ  “bạc đen thôi có tiếc mình mà chi”, đã từng đau xót tận cùng khi những tưởng âm dương cách biệt. Giờ bất chợt gặp nhau, hẵng là mừng vui không xiết! Nhưng. “Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn”. Sao lại trong cảnh trớ trêu nầy! Nghẹn ngào, đau đớn, chàng Thúc hiểu ra:

            “Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!”

Màn ra mắt đã có tác dụng ngay. Thúc Sinh choáng váng, nước mắt trào ra, “khôn ngăn giọt ngọc”, mà không dám “hở ra lời”. Hoạn Thư “trông mặt” tra ngay:

“Mới về có việc chi mà động dong?”

Câu hỏi lạnh lùng chỉa thẳng vào cái nhớn nhác, vào những  giọt ngọc” tự nhiên trào ra, Hoạn Thư biết rõ vì sao vẫn cố tình hỏi. Lời thì quan tâm, mà dạ thì buộc khó chàng ta. Khiến Thúc Sinh càng khó khăn lấp liếm, phải giả bộ nhớ mẹ, khóc vì “đau lòng chung thiên”. “Sợ quen dám hở ra lời”, chàng ta chỉ còn nát lòng, xa cách, nhìn người thương trong lớp áo nô tỳ mà câm lặng, mà trơ ra như chưa hề biết nhau. Thế là Hoạn Thư bày trò ngay:

“Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu”.

Vợ chồng nhập tiệc, bắt Thúy Kiều hầu rượu:

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan, bắt nhặt đến lời,

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.”

Hoạn Thư sai khiến, quát mắng Thúy Kiều là nhắm vào Thúc Sinh. Phải làm cho chàng ta đau khổ, đứt từng đoạn ruột mới vui. Hoạn Thư hiểu từng lời, dù ngọt ngào với chàng hay lệnh truyền với Thúy Kiều thì cũng đều như kim đâm muối xát vào tim chàng, nên chẳng chút nương tay.  Kia,  chàng nhìn đi! Con hầu nhà ta đấy! Thiếp “bắt quỳ tận mặt” chồng, buộc nó phục dịch chàng  tận tình, “bắt mời tận tay” vợ, nó phải phục dịch vợ chàng chu đáo, cho hai vợ chồng mình mua vui. Chàng nhìn đi! Người đang quỳ dâng rượu đấy! “Hoa nô” nhà ta đẹp không? Ngoan không? Lòng nào không nát, dạ nào chẳng tan trong cảnh đoạn trường nầy. Thúc Sinh bị kẹp giữa hai người: vợ một bên, người thương một bên. Biết vợ để mắt dõi theo; biết người thương đang chờ một lời từ miệng mình. Sinh không có gan làm gì cả, chỉ quờ quạng với cõi lòng tan nát. Đau xót đến gan héo ruột bào, nước mắt tuôn rơi , Sinh cứ trơ ra. Hoạn Thư đã tuyên án “làm cho nhìn chằng được nhau; làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên”, thì không có phép mầu nào cả. Thúc Sinh chỉ biết nâng chén, rượu hòa nước mắt:

“Sinh càng như dại như ngây,

Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.”

            Thúc Sinh vẫn im lặng chịu đựng. Anh chàng nầy giỏi chịu đựng, không phản ứng, chấp nhận cục diện, chấp nhận nỗi đau. Nỗi đau mỗi lúc một ngấm, nước mắt rơi mỗi lúc một nhiều, tiếng khóc bị chặn lại, đè xuống . Chàng che đi bằng những điệu bộ thừa thãi, vụng về, giã lã, cười cười, nói nói để giấu Hoạn Thư mà dối cả mình. Chàng như con rối. Con rối không bị giật dây, mà bị tác động bởi ngoại cảnh trước mắt:

                        “Ngảnh đi chợt nói chợt cười,

Cáo say, chàng đã giạm bày lảng ra.

Thừa biết chàng ta không say mà muốn trốn màn tra tấn nầy. Dễ vậy sao? Hoạn Thư túm lấy Thúy Kiều:

                        “Tiểu thư vội thét: “Con Hoa!

Khuyên chàng chẳng cạn, thì ta có đòn!”

Tiếng thét kèm khẩu lệnh đã có tác dụng ngay:

“Sinh càng nát ruột, tan hồn,

Chén mời, phải ngậm bồ hòn rào ngay!

Tiệc tẩy trần lần trước, Thúc Sinh “vui chén thong dong”, tự nhiên tự tại nhấm nháp niềm hạnh phúc của mình. Lần nầy, chàng ta hóa đờ đẫn, tâm trạng bất an. Thúc Sinh đã rõ thâm ý của Hoạn Thư. Chàng mà “nhúc nhích” thì chết cả đôi. Chỉ là chưa biết chết kiểu gì thôi. Giờ, chàng chết đứng, chết ngồi, hết “phách lạc hồn xiêu” đến “như dại như ngây”, rồi lại “nát ruột tan hồn” theo từng “nhịp phách” của Hoạn Thư. Cứ phải ngồi đó, nhanh nhanh nâng chén, nhấm nháp nỗi cay đắng của mình, kẻo nàng bị mắng! Vờ như không biết gì về  tâm trạng ê chề của Thúc Sinh, nàng bày trò hành hạ tiếp:

“Rằng Hoa nô đủ mọi tài,

Bản đàn dạo thử một bài chàng nghe.”

Cũng giống như Thúc Sinh, Thúy Kiều tan nát cõi lòng, mỗi mỗi  hành động đều làm theo lệnh của Hoạn Thư:

“Nàng đà tán hoán tê mê,

Vâng lời ra trước bình the vặn đàn”.

Không phải khúc tương tri, cũng chẳng phải khúc tương phùng, mà là khúc nhạc lòng lâm ly ai oán của người thương trong cảnh bẽ bàng:

“Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”.

Tiếng đàn như nghiến nát cõi lòng Thúc Sinh. Chàng khổ, nàng khổ, cả hai cùng đau khổ. Càng nhìn Thúc Sinh đau khổ, Hoạn Thư càng hả hê “cười nụ”:

“Giọt châu lã chã khôn cầm,

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương”.

 Hoạn Thư vẫn chưa buông tha:

                        “...Vội thét lấy nàng”:

“Cuộc vui gẫy khúc đoạn tràng ấy chi!

Sao chẳng biết ý tứ gì?

“Cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi!”

Thét Thúy Kiều mà tác động thẳng đến Thúc Sinh, khiến chàng ta biến sắc, thay đổi thái độ ngay:

                        “Sinh càng thảm thiết bồi hồi,

Vội vàng gượng nói, gượng cười cho qua”.

Cái “vội vàng” của Thúc Sinh mới bi hài làm sao! Đang “thảm thiết, bồi hồi”, héo hắt buồn lên mặt mà phải nhanh nhanh đổi ngay bộ mặt cười cười nói nói một cách gượng gạo. Khổ thay!

            Từ lúc Thúy Kiều ra mắt đến giờ, Hoạn Thư đã nhìn thấy đủ chiều đau khổ của kẻ bạc tình, đã mát ruột mát gan; đã mãn nguyện với đòn đánh ghen hào hứng,  hiệu quả vô cùng của mình. Đến canh ba, điểm lại lần cuối, Hoạn Thư hoàn toàn hài lòng trước nỗi ê chề của kẻ “thăm ván bán thuyền”: 

“Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm,

Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm,

Vui nầy bỏ những đau ngầm xưa nay”.

Còn Sinh thì:

“... gan héo, ruột đầy,

Nỗi lòng, càng nghĩ càng cay đắng lòng”.

Có ai ở trong hoàn cảnh nầy không? Có ai thấu hiểu nỗi khổ nầy không? Lỗi tại tôi, trăm lỗi do tôi, “tại tôi hấng lấy một tay, để nàng cho đến nỗi nầy, vì tôi”. Giờ một mình nàng gánh chịu, mà tôi không phương tháo gỡ, không lời hỏi han. Phải ngồi đây để tận mắt nhìn  nàng bị vợ hành hạ để mua vui cho tôi. Tôi khóc mà không được khóc. Tôi lại phải cười, phải nói, phải vui. Trời ơi tôi đau khổ bội phần! Trời ơi ai khổ như tôi?! Thúc Sinh kêu Trời không thấu.

“Làm cho trông thấy  nhỡn tiền,

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”.

Rõ chưa chàng? “Trông thấy nhỡn tiền” chưa chàng?  Chàng Thúc đầu óc mụ mị, cam chịu trận đòn ghen của vợ.

 Thúy Kiều cũng cùng chung nỗi đau:

“Nàng ra tựa bóng đèn dong canh dài”

...Một mình âm ỷ đêm chầy,

Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh”.

Màn đánh ghen chấm dứt. Thúc Sinh Thúy Kiều vẫn trong tầm ngắm của Hoạn Thư. Nội tâm nặng nề, Thúy Kiều xin đi tu. Hoạn Thư bằng lòng cho ra Quan Âm các, đổi tên là “Trạc Tuyền”. Từ đấy:

Gác kinh, viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc, lại gấp mười quan san.”

 Một hôm, Hoạn Thư lấy cớ về thăm mẹ. Thúc Sinh thừa cơ lẻn  ra tìm gặp Thúy Kiều. Hai bên trải lòng, Kiều khẩn khoản nhờ Thúc Sinh:

`“Liệu bài mở cửa cho ra,

Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu”.

Sinh rằng:

“Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.

...Liệu mà xa chạy cao bay,

Ái ân ta có ngần nầy mà thôi.”

Hai người còn đang “mặt trông tay chẳng nỡ rời”, thì:

            “Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào”.

“Cười cười nói nói ngọt ngào”.

Vợ chồng cùng chuyện trò, rồi cầm tay nhau “thong dong nối gót thư trai cùng về”. Bỏ lại Thúy Kiều trơ ra đó, như không có mặt. Tâm thế rất hay! Hoạn Thư bây giờ là kẻ chiến thắng, là kẻ bề trên thì để ý chi đến người tu hành, đến chuyện nhỏ nhặt nầy? Thái độ Hoạn Thư  khiến Kiều lo sợ. Qua lời con hầu, biết Hoạn Thư đã nghe hết cuộc tâm tình của hai người, Thúy Kiều càng kinh hãi:

“Đàn bà thế ấy thấy âu một người!

...Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rung rời”

“Thân ta ta phải lo âu,

Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn nầy”.

Thế là Thúy Kiều trốn đi trong đêm. Gia đình Hoạn Thư êm ấm từ đây.

Hoạn Thư còn là người sắc sảo khôn ngoan. Đã tự cứu được mình trước án chém của Thúy Kiều.

Bẵng đi vài năm, được Từ Hải giúp, Thúy Kiều bắt đầu cuộc trả oán:

“Dưới trần gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”.

Tên Hoạn Thư được xướng đầu tiên, chứng tỏ Kiều rất căm giận, cho rằng Hoạn Thư là nguồn cơn đau khổ của mình.  Hoạn Thư đã chia uyên rẻ thúy, đã hành hạ Kiều đau khổ ê chề. Hận mang, nàng không quên được. Vừa thấy mặt, Thúy Kiều đã chào thưa, mai mỉa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây,

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt, đời nầy mấy gan”.

            Ngày xưa, ngày trước, bà bắt tôi làm nô tỳ, bà vờ không biết tôi là ai? Bà xử tôi, mặt bà lạnh như tiền, bà hành hạ đày đọa tôi cho thỏa cơn ghen hờn của bà. Bà uy quyền lắm! Bà bản lĩnh lắm! Giờ  xem gan bà to cở nào:

                        “Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!”.

Chuyện gì bà cũng làm được. Bà tạo ra bao nhiêu là đắng cay đau khổ cho tôi! Bà ác lắm! Giờ tình thế đổi khác, ta tính sổ cho nhau. Bà tiểu thư ơi sự đời là vậy: “càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!

 Bao nhiêu oán hờn cay đắng bấy lâu, Thúy Kiều trút hết cho Hoạn Thư, tưởng chừng như một khắc, Hoạn Thư đầu lìa khỏi cổ. Nhìn quang cảnh pháp trường  trước mắt, Thúy Kiều uy nghi trên ghế thủ lĩnh:

“Hoạn Thư phách lạc hồn xiêu,

Khấu đầu dưới trướng dở điều kêu ca.”

Hẳn là Hoạn Thư cũng bất ngờ khi thấy Thúy Kiều, mà cũng đoán được số phận mình nên vừa “khấu đầu”  vừa  kêu ca”:

“Rằng tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nhớ cho khi các viết kinh,

Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo”.

Kêu ca” là kể lể,  là nhắc lại những việc đã qua. Hoạn Thư nhắc khéo đã để tình cho Kiều “khi các viết kinh, khi khỏi cửa”. Lời lẽ khơi lại chuyện cũ, chắc hẳn Thúy Kiều chưa quên  và cũng thừa biết “ớt nào mà ớt chẳng cay”. Thì Hoạn Thư có làm gì quá  đáng đâu? Lần nữa, Hoan Thư chứng tỏ bản lĩnh của mình, còn khôn khéo tỏ lòng:

“Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,

 Chồng chung, ai dễ ai chiều cho ai!”

Lời bào chữa tội chết của Hoạn Thư ngắn gọn, đơn giản, cụ thể, thực tế. Rất thuyết phục. Giờ thì:

“Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!”

Tự tin, thẳng thắn nhận lỗi. Và ngỏ ý mong chờ tấm lòng hà hải, khoan dung của người xét xử. Chính từ “lượng bể” khiến Thúy Kiều thốt lên:

“Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.”

Và:

“Đã lòng tri quá thì nên,

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.

Hoạn Thư quá hay! Mặt nào cũng xuất sắc! Trước oan gia, ở  thế sa cơ, không xám xanh mày mặt, không bi lụy van xin, Hoạn Thư bình tĩnh trình bày mọi việc rõ ràng, hợp lý, trung thực khiến Thúy Kiều không thể không tha. Đấy cũng là tính cách của hai con người, của những người có phẩm cách, gặp nhau ở khuôn phép, nếp nhà được hình thành từ gia phong.

Trong trận đánh ghen, Hoạn Thư chỉ cố ý đả thương tinh thần Thúc Sinh bằng cách cố tình hành hạ người chàng thương trước  mặt chàng, mà vờ như không  biết? Với  Thúy Kiều, không răn đe, không chì chiết gì đến cái tội dám chung sống với Thúc Sinh. Không lời lẽ đánh ghen, chỉ là sai bảo, nặng nhẹ, hành hạ kiểu chủ tớ, vậy mà Thúy Kiều hoảng sợ trốn đi. Với chồng, Hoạn Thư không ồn ào, không nhắc đến tội thay lòng đổi dạ, vẫn giữ mực vợ hiền, lúc nào cũng dịu dàng. Thế mà, Thúc Sinh sợ hãi không dám lên tiếng điều gì. Lại còn bảo Thúy Kiều trốn đi. Có nghĩa lòng đã dứt khoát, quay về gia đình. Ai cũng biết  mình bị trận đòn ghen mà vô phương kháng cự. Thế là Hoạn Thư vừa giữ được hạnh phúc gia đình, giữ được danh dự của mình, vừa giữ gìn được nề nếp gia phong, bảo toàn uy danh dòng dõi nhà quan. Đúng là “đàn bà dễ có mấy tay”. Tay nào Hoạn Thư cũng chu toàn.

 Hoạn Thư, nhân vật văn học, với màn đánh ghen độc đáo, qua bao thời gian, vẫn là câu chuyện  hấp dẫn trong đời sống  dân gian. Tuyệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là áng văn chương thiên cổ, có những nhân vật sống mãi… dù chính diện hay phản diện./.

Tháng 7 – 2024

Lương Hồng Điệp - Khóa3

 

 

No comments: