Bạch hóa
1
Chiều nào khi mặt trời sắp chôn dưới chân núi
chú Sáu cũng mang hai con bò phân tán ra hai nơi góc vườn, chú kéo cho mỗi con
một mớ rơm để nhai qua đêm, chú nói như thế này để cà nông bắn rủi chết thì
chết từng con một, khổ ải quá, người còn có thể chui hầm rúc hố, đằng này bò nó
không thể nằm mãi dưới hầm như người, mà dù bò nó chịu nằm hầm mình cũng chẳng
có bao cát dụng cụ đâu mà làm cho xuể một cái hầm.
Chiến tranh tràn đến xóm chú Sáu – có thể gọi
chú là lão già hay con bò già cũng được, vì đời chú không học hành, không biết
phố thị, đời chú dính với luống cày, mọc lên từ ruộng nương đầy phân bón và bùn
lầy – chiến tranh thực sự có ở xóm chú từ năm nay, kể từ đêm Sáu Vu về chặt đầu
cha. Sáu Vu là con Hương Đằng, nó bỏ nhà đi từ mười hai năm nay. Đúng mười hai
giờ đêm một đêm năm trước hắn về làng tập họp dân chúng – mấy anh dân vệ đêm đó
đã về ngủ trên quận – việc đầu tiên hắn làm chánh án Toà Án Nhân Dân xử cha,
lão Hương Đằng nay là đại diện xã. Dưới ánh đuốc bập bùng, dân làng có người đứng
ra xin cho Hương Đằng, rồi chính Hương Đằng cũng nói với Sáu Vu tao là cha của
mày, con ạ tao là cha, mày không nỡ giết cha. Sáu Vu trả lời: Ông là cha của
riêng tôi chứ không phải cha của cả dân tộc này, ông chết một mình để cả dân
tộc này sống, ông không đáng được gọi rằng chết nữa, chính ông bị đền tội, ông
bị loại trừ, cái chết là danh từ dành riêng cho các chiến sĩ, các con của nòi
giống ; ông ạ, tôi không còn cha, không có cha nào nữa ngoài một người cha là
cuộc Cách Mạng vĩ đại trường cửu này. Lão Hương Đằng nhổ một bãi nước bọt vào
mặt Sáu Vu nói mày là thằng phản quốc, thằng bán linh hồn, mày hãy giết tao đi.
Thế là một lưỡi dao phập xuống. Mọi người lúc đó, dưới ánh lửa ma quái không ai
thấy Hương Đằng bị chặt đầu, họ thấy chính lát dao đang đi ngang qua cổ họ, họ
cúi xuống nhìn bãi đất lạnh run rẩy.
Máu nơi cổ lão Hương Đằng chưa kịp đông lại thì
ngay lúc đó có hàng tràng cà nông bắn tới tấp vào đám du kích quân, lửa nhá
trên đầu họ, mảnh đạn bay lanh canh trên các mái ngói, chó thôi sủa, người thôi
tố cáo người. Sáng hôm sau khi chôn cất, xác Hương Đằng bị một nhát mã tấu gẫy
gọn và nhiều mảnh đại bác nho nhỏ.
Chính đêm đó chú Sáu mất con bò thứ nhất, con bò
đực hùng vĩ. Nay chỉ còn có hai con, con bò cái ốm o, và một con bò con nhác
súng. Mỗi lần có súng bắn là con bò con nhảy cùng vườn. Chú Sáu phải cột nó vào
một gốc cây lớn – gốc cây trơ trụi vì thuốc khai quang, nếu có một thứ gì làm
tiêu tan được gốc cây khô héo này thì người ta đã tưới xuống rồi.
Chú Sáu cột dây thừng vào cái cổ trầy trụa và
chân con bò nhỏ, con bò dậm dậm chân ra chiều bất mãn, chú Sáu vuốt ve nó, đẩy
nó sát vào gốc cây, chú ngó quanh quất xem chừng nếu một quả đạn bay tới cái
gốc cây có che mảnh cho con bò không. Chú buồn rầu đi về phía con bò mẹ, bầu
trời đầy tro xám, một áng mây đen bay là đà về hướng biển, con bò mẹ gầy gò như
một bà già suốt đời bị hành hạ vì sinh đẻ và chồng con. Chú nhìn con bò rồi cúi
trộn mớ rơm, bỏ thêm một ít cỏ tươi: khi kiệt sức rồi thì dù được nuôi bằng phó
mát hay cam nho mày cũng trơ xương con ạ. Lão đi vào nhà.
Có tiếng con Miệng:
“Cậu Ban nói cái hầm nhà mình cà nông thổi trúng
thì sập ngay. Cậu nói cái hầm nhà mình chật chội, mùa mưa nước lẹp xẹp đến chó
nó cũng không muốn nằm nữa là người. Hèn gì mấy con bò nhà này nó không chịu
ngủ dưới hầm”.
Chú Sáu: “Ôi, cái thằng mắc dịch đó hắn ghẹo mày
đó. Ai đời làm hầm để rồi người với bò chó cùng ngủ. Chưa có con chó nào chết
vì cà nông hay pháo kích chứ người thì nhiều rồi đó. Mày bảo thằng Ban câm cái
họng ôn dịch hắn lại. Bữa nào thằng Đích về rồi hắn biết tay…”
Chú Sáu nhớ đến người con trai của chú. Thằng
Đích. Đích năm nay hai mươi hai tuổi, đi quân dịch đóng lon binh nhì, có hai
huy chương một sao bạc một đồng, Đích nói lính Biệt Động Quân tệ chi đi nữa
cũng có huy chương đeo đỏ ngực. Con Miệng, em kế thằng Đích.
Chú Sáu vào nhà nằm ngửa trên phản, hai tay
dang, mắt nhìn lên trần nhà loang lổ miểng đạn, cái trần nhà hư nát nhưng không
ai tính chuyển sửa sang lại trong thời buổi này; chú nhớ đến thằng Đích ngày
trước cất tiếng khóc oe oe trong góc này, ngày sinh con Miệng trời mưa lớn, ngã
trưa người vú đứng ở hè cửa nói chị sinh con gái, thế là mai sau anh vừa có dâu
vừa có rể, « dâu hiền con gái, rể thảo con trai » anh lo gì ; chú Sáu nhớ đến
người vợ chú ngày trước hay ngồi bắt chí và chải tóc nơi cái đà cửa, gió nồm
thổi man mác, những đêm trăng trải ngàn ngàn vợ chú vẫn ngồi nơi đó sàng gạo
hay làm việc vặt vạnh; ngày xưa ngày xưa, chuyện gì êm đềm cũng chuyện của ngày
xưa. Giờ đây chú thấy quanh mình trơ trụi, vợ đã chết, thằng Đích đi xa, nó
không chịu lấy vợ, con Miệng đã lớn, nó có thể bị xỏ mũi dắt đi nay mai – thời
buổi này con trai không muốn lấy vợ nhưng con gái ưa có chồng; con trai nói có
vợ lấy gì ăn, lấy vợ để chết đói à; con gái nói lấy chồng cho xong để hưởng mùi
đời; đời gì rắc rối. Chú Sáu nằm trong bóng đêm âm thầm nhớ tha thiết, nhớ dại
dột con bò đực vĩ đại của chú. Người tu hành có đức chúa, người đi giải phóng
có lưỡi mã tấu, anh lính có cây súng, và chú có con bò đực. Chỉ với nó thôi, cả
vũ trụ chú ở đó. Con bò chết lòng chú hiu quạnh, không ai đi trước chú nơi
luống cày, không ai chịu vác dùm cái ách, kéo dùm cái bừa, ỉa dùm cho chú cục
phân bón lúa, tất cả thua con bò. Nay nó đã chết.
Chú nhắm mắt thấy máu chảy ra từ thân thể con bò
thân yêu. Chú như ngã xuống và trôi miên man trong đó, dòng máu thơm ngát: máu
không phản bội, máu ngoài các chính thể loài người.
Tiếng con Miệng:
“Đêm nay tui không ngủ trong hầm.”
Chú Sáu kinh ngạc:
“Mày điên à, muốn chết à.”
“Tui không thể ngủ hầm, khó chịu quá, thà chết
ngoài trời cho thanh thản.”
“A, tao biết mày rồi. Mày mê cái thằng Ngọc hả.
Đừng con ạ. Dù sao mình cũng con nhà gia thế đừng có cái thói trên bộc trong
dâu.”
“Trên bộc trong dâu là gì?”
“Là gì thì tao không tài nào giảng nghĩa, nhưng
tao biết người ta ám chỉ những đứa con trai con gái hư. Con ạ, nếu mày muốn thì
tao gả ngay. Thời buổi này tùy mày lựa chọn. Nhưng tao nói với mày, con ạ, đừng
có dại dột ngoài rơm ngoài rạ ban đêm mấy ổng bắn toi mạng. Mày không nhớ con
Ngó với thằng Phả chết trần trụi nhơ nhớp ngoài vườn chuối ngày trước à.”
Con Miệng ngồi khóc. Nó nói cha không hiểu tui
chi hết, cha làm tui nhục nhã. Sao trên trời một vài cái lấm tấm. Trời tối như
mực. Chú Sáu nói thôi trải chiếu dưới hầm mà ngủ đi cho rồi… đó, có tiếng súng
đó.
Dưới căn hầm này chỉ có hai cha con, một cha
trên năm mươi, một con dưới hai mươi, và một con chó đen. Con chó thường ngủ ở
miệng hầm – loài vật hình như không con nào thích nghi với loại hầm tránh bom
đạn này – để đánh hơi, thỉnh thoảng nó chạy âm thầm ra ngoài vườn. Tuyệt nhiên
nó không sủa. Từ lâu nay con chó mực trở nên thin thít ngay cả những đêm có
trăng, nó thấy ngứa cổ lạ lùng khi nhìn những đọt lá lay lay với cái bóng, nó
câm nín với những cái bóng đen di động như một thứ ma quái.
Ngủ hoài dưới hầm chỉ có hai cha con, mùa đông cơn
mưa ngùi ngụt bên ngoài, nước chảy róc rách trong hầm, mùa hè oi ả với từng đợt
gió khô khan. Những đêm như thế chú Sáu thường trở giấc với cái quạt mo trên
tay. Dưới ánh đèn dầu mù mờ chú thấy con Miệng – con gái chú – ngủ có khi hở
hang, nằm ngửa mình hai tay dang, hai đùi mươn mướt nóng hổi dưới lớp quần đen
láng, con Miệng ngủ mê mẩn sau một ngày làm lụng. Hai giống người lạ hoắc ngủ
với nhau trong căn hầm oan khiên này lẽ ra cái thân thể kia phải làm cho chú
động tình, sẽ làm thui chột cái lương tri một người. Nhưng với chú, chú đúng là
một người cha. Chú ngồi thẩn thờ dưới ánh đèn thương xót cho con gái mình, chú
lấy tấm chăn đắp lên phần trống vắng cho con, chú muốn khóc, chú thương vợ. Chú
nghĩ một mình:
“Loài người đến lúc ăn lông ở lổ trở lại đây.
Loài người đã bỏ áo quần luân lý vào núi vào hang mà ở rồi đây. Nhưng làm sao
con người mới khỏi bị bóng tối đè nặng như súc vật.”
Chú lại nhìn con, nhưng chưa bao giờ chú dám
nhìn thẳng vào cái phần thiêng liêng của người đàn bà, nơi Miệng.
Đêm nay, cũng vẫn với cái quạt mo chú vặn thật
nhỏ ngọn đèn, vì sợ ánh sáng lộ lên bên ngoài, chú tựa lưng vào thành đất lạnh
ngắt, súng một lúc nổ một nhiều. Chú nhắm mắt để khỏi liên tưởng đến Sáu Vu,
đến những ánh lửa bập bùng xung đột, những tràng súng ào ạt bay ra từ thị trấn.
Từ ngày Sáu Vu về làng đến nay làng trở nên trơ trụi, những cuộc hành quân của
quân đội thường xảy đến, chiều chiều máy bay lượn trên xóm chú thả trái khói.
Từ ngày Sáu Vu về làng, dân làng cũng bỏ làng đi, những người ở lại phải ra
ngoài bãi cát làm hầm mà trú, vì ở trong này phải đi đào đàng, mà đi đào đàng
thì có khi không về, có khi sáng mai phải đi đắp lại.
Bây giờ súng nổ quá lớn, trời tối mịt mùng, con
mực từ miêïng hầm vụt chạy xuống, nó im lìm thu mình trong góc, bên cạnh con Miệng.
Chú Sáu lê dần đến phía miêïng hầm, lo lắng cho hai con bò ở hai góc vườn. Mấy
đám lúa mới bị nát nhưng chú ít tiếc thương, chú chỉ thương xót hai con bò còn
lại. Hình như hoa màu ngoài kia không có hơi thở như hai con bò, không có máu
và không có hai con mắt u uẩn tội nghiệp của mỗi con bò.
Súng nổ thật đều, thật gần, chú Sáu nhắm mắt
vọng tưởng trong tuyệt vọng, cũng như máu chảy trên những đọt lúa non, như
người ta tuyên dương trên những xác chết, uống rượu mừng giữa một quê hương
cháy, chú tuyệt vọng và giấc mơ lại đầy trong bóng tối. Chú Sáu thấy con bò cái
quằn quại sinh con, con bò con khoẻ mạnh, làn da óng mướt, hai mắt hướng về đám
cỏ non kêu tiếng kêu đầu đời. Chú thấy hai mẹ con con bò cười với nhau, đi về
hướng mặt trời ấm áp, mỗi sáng sáng chúng nó dừng trên bờ sông, con sông thênh
thang đầm đầm giữa thung lũng. Chú thấy căn vườn chú cây trái xanh tươi, những
ngôi mộ đã cất cánh bay ra ngoài nghĩa địa, những linh hồn đã thực sự về trời,
không oan hồn nào còn đi lang bang quanh quẩn… một tiếng nổ ngay trên nóc hầm,
chú sực tỉnh, ngọn đèn dầu vụt tắt, con chó mực sủa lên một tiếng nghẹn ngào
rồi im bặt, như có ai đập lên đầu nó cái cán dao bất ngờ; trong bóng tối chú
Sáu sờ mình mẩy mình xem có ươn ướt máu không – đấy là thói quen rờ rẫm lên thân
thể mình để tìm vết máu vết thương của đám dân quê từ mấy năm này; khi mới bị
thương không ai hay biết mình bị thương – con Miệng hoảng hồn chồm dậy, nó ôm
cha nó, cái ngực nóng hổi đầy thịt cứng ngắt áp vào lưng chú Sáu, mấy sợi tóc
Miệng tỏa xuống vai chú, nó thều thào: chết rồi cha ơi, tôi bị thương rồi, máu
đây. Con Miệng mò bàn tay cha nó đưa về vết thương của mình y như chúng ta hãnh
diện chỉ cho người mù sờ một cái huy chương nơi ngực. Máu đây. Sau ót tôi đây.
Chú Sáu sờ sau sống lưng con gái, bàn tay chú nhơm nhớp một thứ nước màu, nóng
và thơm.
Buổi sáng trong khu vườn tẻ lạnh con bò cái chết
nơi góc vườn, cái đầu nó bay qua phía bên kia hồ nước cạn, cái đầu với hai con
mắt không bao giờ nhắm: hai con mắt xanh lè nhìn về phía chú Sáu. Hai con mắt
này hoàn toàn khác hai con mắt đứng dưới luống cày trưa nắng nhìn chú đến mở
tháo cái ách trên vai. Hai con mắt này là con mắt tự do, hai con mắt đã ra
ngoài sự sống, đã thôi làm nô lệ cho người.
Con Miệng chết dưới hầm. Và con chó thì không ai
chú ý đến nó nữa. Nó phải chết. Miệng bị một miểng nhỏ ghim vào sau ót nhưng nó
chết liền. Cái chết như đùa chơi. Một đi lộn đường. Thay vì cái chết đi thẳng
đến chú Sáu nó lại quành qua con Miệng.
Vết thương quá kín đáo. Miệng chết êm đềm như
nằm đợi người tình trong giấc ngủ ngon. Chú Sáu cất tiếng khóc khô khan giản
dị, tiếng khóc của một lão đàn ông tưởng vô duyên nhưng thực ra nó làm đau lòng
người hơn bất cứ lời ai điếu nào.
Buổi trưa con bò được đưa đi khắp xóm, thịt nó
được vào bụng người với la-de. Con Miệng được tẩm liệm sạch sẽ cho vào quan
tài. Gái quê chết thật khiêm tốn. Ngoài áo quan thô sơ với mấy cây lạp lung
linh không có vòng hoa tấu nhạc gì, không có người tình nào mê sảng bên quan
tài. Chỉ có Ngọc. Ngọc nó thương Miệng lắm anh ta âm thầm vác cuốc ra đào cái
lỗ chôn con chó và đào cái huyệt thật đẹp dành cho Miệng. Ngọc nói: tao chưa
làm gì được con Miệng, tội nghiệp nó đã chết rồi…
2
Bốn tháng sau khi con gái chết chú Sáu thực sự
thấy không thể sống trong cái xóm quê quá quắt kỳ ảo này. Trời mùa hè nắng cao.
Mỗi ngày chú Sáu dắt con bò con ra đồng, ngồi bờ ruộng nhìn cánh đồng khô vàng,
con bò nhỏ như con dê con một mình nó phải ăn cho hết cỏ trên cánh đồng này.
Không còn đàn bò lũ trâu nào tranh giành với nó. Chiều chiều chú Sáu đến ngồi
trên mộ con, dấu xích xe tăng chạy tròn quanh mộ như những vòng hoa lớn – hay
như một thứ ranh giới đánh dấu giữa phía này điêu tàn và bên kia hư vô. Chú
ngồi đấy với gió rào rạt, từng đám bụi hồng che kín mặt trời, xa xa là đền lũy,
là thị trấn lố nhố những bờ tường trắng hoang vu.
Gần đây Sáu Vu lại hay về làng. Người ta thường
ngủ mơ thấy Sáu Vu gõ cửa, nghe Sáu Vu ra lệnh, Sáu Vu râu dài tóc rậm như Ô Mã
Nhi thuở nào. Người ta thường thét lên, thức giấc giữa đêm khuya, ôm lấy linh
hồn quằn quại đau đớn của mình khóc ngất. Ngay lúc đó thì từng tràng đạn từ thị
trấn cũng đổ về đều đặn, như chùm trái chín rơi giữa đêm minh man.
Dân làng đã bỏ xóm đến ở nơi những gò cao, ngoài
bãi đất trống để tránh Sáu Vu và tránh chùm trái chín rơi vu vơ trên nỗi chết.
Cảnh vật khô khan tiêu điều. Chú Sáu dựng nhà trên bãi cỏ. Ban đêm vẫn ngủ dưới
hầm. Chú van xin con bò con phải cùng ngủ với chú. Bây giờ con bò con đã biết
điều, chịu khó ngủ chung với người.
Một ngày nọ, sau cuộc hành quân, chú dắt con bò
con đi sau đoàn quân trở về thành phố. Hoàng hôn, đoàn xe thiết giáp chạy vội
vã về căn cứ, chú Sáu và con bò đứng dưới ngã ba nhìn ánh đèn phố thị. Đ.M., ở
thành phố có khác. Chú Sáu nghĩ như thế rồi chú buồn ngay. Vì ở đây không có
hầm cho con bò con ngủ.
“Không có hầm cho bò, không có cỏ non!”. Chú Sáu
cột con bò dưới cây trụ điện. Chú đau lòng vì dưới ánh sáng này nhiều muỗi quá.
Chú thức và đuổi muỗi cho con bò. Nửa đêm nghe có súng nổ thật gần. Chú Sáu
giật mình, ủa, trong này cũng có Sáu Vu à.
Đám dân thành phố qua lại thấy cảnh gai mắt,
chúng nó nói:
– Đ.M., coi thằng khùng. Một thằng khùng quên cả
mệt nhọc quên cả thân thể đời sống nó. Nó chỉ lo cho bò.
– Con bò y như là Tổ Quốc hay lẽ sống của nó
đấy.
Sáng hôm sau, chú Sáu được đưa vào trại định cư.
Chú có nhà ở, được lãnh thực phẩm, áo quần. Nhưng hình như chú chưa cần những
thứ đó. Việc đầu tiên chú tìm cỏ cho con bò, dắt nó ra kinh tắm rửa, kinh nước
đục không bao giờ soi thấy bóng người dưới đó. Lần ông Quận trưởng đến thăm
trại định cư, ông ta hỏi han chú Sáu. Chú đưa mắt về hướng con bò, cố ý cho ông
Quận nhìn thấy con vật yêu thương. Nhưng ông Quận không hiểu điều đó. Chú Sáu
buồn rầu, không cần ai hiểu chú nhưng người ta phải biết đến tình cảnh con bò,
súc vật ở đây bị tận diệt rồi đó, mai này ai đi trước luống cày, mai này phải
có chúng nó để phân biệt giữa một công dân và loài nô lệ. Nhưng ông Quận mang
sữa bột, thuốc men, áo quần của Hoa Kỳ đến cho chú Sáu, không ai cho lại chú
cái xóm thân yêu, mái nhà yên tĩnh, không ai mang trả lại chú cánh đồng tự do
hiền hoà.
Con bò con mỗi ngày một gầy gò, nó thật vô duyên
trơ trẽn giữa thành phố. Chú Sáu quanh quẩn với ngày tháng không công ăn việc
làm. Mùa mưa tới, chú Sáu nằm trong đêm mơ màng, nhớ từng đám mạ non, từng
chiếc gàu nụt lạc, nhớ từng sáng sáng năm xưa với lũ bò ra đồng khi sương còn
trắng mờ trước mặt.
Nằm trong thành phố với người xa lạ, chú Sáu mới
thấy cả cái cày, cái cuốc cũng có hơi thở, có linh hồn. Cày cuốc đã tắt hơi thở
dưới căn nhà cháy và linh hồn chúng nó về rộn ràng đâu đây, làm chú thao thức
nửa đêm, ngây ngất từ lúc trăng về sáng, lòng dạ như sắt se khi chợt nhìn một
chòm sao sáng rỡ trên trời lúc nửa khuya. Chú nhớ vợ và con, những người nay đã
quay cuồng với đất. Ôi, tất cả đã băng băng giã từ chú, tất cả đã một đường đi
tới phía bên kia thời gian, chỉ còn mỗi chú, chú làm một loại cây không lá, một
loại cây đầy gai nơi vùng bạch hoá.
Trong thành phố cũng có Sáu Vu à. Chú Sáu đêm
mộng thấy Ô Mã Nhi vội vã chạy từ rừng ra đồng trống, vội vã ném những trái khô
vào họng súng. Những trái khô bay về, nổ tan tác trong bệnh viện, nổ ngay giữa
trường học, nổ trên đầu giấc ngủ, nổ biến giấc ngủ thành cái chết nghìn đời. Ô
Mã Nhi, Ô Mã Nhi. Người đã mang ác mộng từ đồng quê vào thị trấn. Và chú Sáu đã
khóc thét lên khi trái đạn nổ ngay trên đầu con bò của chú. Nó chết khác cha mẹ
nó. Nó chết thê thảm hơn. Chiến tranh càng lâu năm, vũ khí càng tiến bộ, cái
chết càng ghê tởm tan tác hơn.
Con bò đực hùng vĩ ngày xưa chết yên lặng trong
chuồng vì một miểng đạn gọn ghẽ. Con bò cái lam lũ khi chết cái đầu bay qua bên
kia hồ cạn, nhưng phần còn lại người ta vẫn có thể ăn thịt được. Con bò con này
không ai nhặt được thịt nó. Nó tan tành dưới sức tàn phá của một trái 122 ly.
Nó lộn với thịt người. Lộn với óc người. Nó dính trên cỏ cây. Nó thành nước.
Một thứ nước trộn lẫn giữa máu và thuốc súng.
Chú Sáu ngồi bên miệng cái hố bề sâu hơn thước
bề ngang vài thước. Nơi này con bò con chiều hôm qua còn nhai cỏ, còn dẫm chân
trên lãnh thổ yêu kiều. Chú Sáu ngó quanh quất, ngửi trong không gian cái hơi
con bò con, máu xương đã thành ánh sáng, đã thành gió động cỡn đâu đây. Chú
chưởi thề:
– Đ.M. thế thì tao còn gì.
Chú nhất định trở về cái xóm quê của chú. Nơi
tuổi trẻ chú mặc trên mình cái áo rách vai, cuốc đất trồng khoai. Ngày nay trên
mình chú cũng cái áo rách vai. Nhưng áo này là cái áo viện trợ chú lãnh được
trên quận. Những cái chú có người ta đã giết đi. Những cái chú có người ta đã
cướp.
Ngày chú lên đường trở về xóm quê một người
trong trại định cư hỏi chú:
– Anh định đi Sài-gòn làm ăn đấy à?
Chú Sáu ngơ ngác. Chú quên mất trên quê hương
chú còn có Sài-gòn, chú trả lời:
– Không… tôi về quê.
Người ta kinh ngạc:
– Anh điên à, vùng của anh là một vùng tử địa,
vùng oanh kích tự do. Cái đầu anh cứng lắm à.
– Oanh kích tự do là thế nào?
Mọi người nhìn nhau cười. Họ thấy cần phải giải
nghĩa cho tên Mohican:
– Là ai muốn ném vào đó, muốn bắn vào đó cái
giống gì cũng được. Coi như chỗ không người.
Chú Sáu thấy tức tối vô cùng. Mộ vợ con chú ở
đó. Ông bà tổ tiên chú nằm dưới đó. Mồ mả không phải là người. Nhưng người ta
không được xúc phạm quá đỗi đến thế.
Rồi chú ra về.
Ra ngoài đồng trống chu đi nghêu ngao. Nhớ thuở
trước chú dắt con bò chạy lon ton theo sau đoàn xe thiết giáp. Cả cuộc đời lao
xao trên nỗi lo lắng. Bây giờ tất cả là tay không. Chú đưa tay sờ lên vai áo
rách của mình. Chú tiến qua một gò mả, khu rừng hoang lạnh phía trước, quê nhà
chú cách đó không xa, chú men theo những hố bom nằm cách khoảng nhau đều đặn…
bỗng chú thấy Ô Mã Nhi.
Trời đã ngả chiều, nắng quái đọng ngùi ngùi
trong cánh rừng khô, vài áng mây đen bay vùn vụt, thay hình đổi dạng khôn
lường. Ô Mã Nhi chận chú lại hỏi:
– A, lão Sáu, tên tề điệp, mày hãy dừng lại nhận
bản án tử hình.
Hai người đi theo Ô Mã Nhi đã lanh lẹ rút hai
con dao đứng cạnh chú Sáu. Ô Mã Nhi rút lẹ trong túi ra một mẩu giấy, đọc ngay:
“Nguyễn Văn Liên từ một năm nay đã tự ý và thành
làm gián điệp tay sai cho Mỹ Ngụy. Nguyễn Văn Liên, tên tề điệp bẩn thỉu đã
phản bội dân tộc. Nhân dân và Đảng đã lên án tử hình tên Nguyễn Văn Liên. Ngoài
ra tên Nguyễn Văn Liên còn là cha đẻ của tên Nguyễn Văn Đích. Nguyễn Văn Đích
nay cũng bị lên án tử hình.”
Hai con mắt chú Sáu trợn xanh lè như hai con mắt
con bò cái với đầu hoang vu trên bờ ao. Hai con mắt đó nhìn về Ô Mã Nhi không
kịp nói lời nào. Chú chết tức tốc, quằn quại vì một bản án quái gở bất thành
văn tự đó.
Khi ném xác chú xuống đường mương đã khô nước,
một du kích quân quay sang nói với Sáu Vu:
– Đồng chí giỏi quá, làm sao đồng chí có ngay
được bản cáo trạng?
Ô Mã Nhi trả lời:
– Đây này, tôi lấy tờ giấy thu lúa để đọc trước
mặt hắn. Với tụi nó đứa nào cũng đáng chết. Anh có thể nhặt một mẩu giấy bẩn,
đọc trước mặt nó rồi chém nó ngay đi cũng được, cần gì phải có bản cáo trạng.
Ô Mã Nhi nhét vội mảnh giấy vào túi áo rồi cùng
hai đồ đệ tiến vào khu rừng khô trước mặt. Họ tan biến trong hoàng hôn đã đầy
bóng tối.
3
Đ.M. tao đi lính hai ba năm mới được đổi về đây.
Tao chưa đi phép đã đi hành quân rồi. Đích vừa lau cây súng vừa nói chuyện với
một người bạn. Người bạn hỏi:
– Quê mày ở đâu?
– Cách đây hơn mười cây số, trong quê.
– Biết đâu ngày mai vào đó, mày tha hồ thăm.
Người bạn của Đích bỗng ngậm ngùi:
– Mà ở đó còn gì để thăm.
– Mày biết quê tao à.
– Biết chứ. Quanh đây từ mười cây số trở lên đều
là vùng oanh kích tự do, trừ mấy xóm nhà trên đường về Sài-gòn.
Như một cài màn vừa kéo ra, Đích chợt thấy phần
hậu trường thăm thẳm bên trong:
– Đ.M. hèn chi tao gửi thơ năm sáu tháng trời
không thấy ai trả lời. Không chừng…
Người bạn buông xuôi:
– Không chừng con mẹ gì. Nhà tao chết ráo hết
rồi.
– Ở ngoài quê à?
– Không, trong thành phố này. 122 ly.
Buổi sáng hôm sau đoàn quân tiến về quê của
Đích. Bước chân xuống điểm xuất phát, Đích ngó mông về phía làng: Một vùng trơ
trụi, cây khô, đá khô, và vạn vật vàng khô. Một vài tiếng súng nổ lẻ tẻ. Một
vài nhà cháy nằm rải rác. Buổi trưa Đích cùng một toán quân dừng trên một gò
cao nấu cơm ăn. Anh dõi mắt về cái xóm phía trước: nơi tuổi nhỏ anh chăn bầy bò
ba con. Có lần Đích đã nằm trên mô đất đầy cỏ xanh, đắp cái nón lá trên mặt,
anh ngủ vùi, bầy bò đi rong trên cánh đồng ăn cỏ suốt ngày. Có lần trên cánh đồng
này Đích lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng cá đớp lúa, tiếng rì rào xa
vắng của ngàn bông lúa vừa đơm trên đồng. Đích nhớ ngày con bò mẹ sanh con,
trời tối, cha Đích cầm cây đèn ánh sáng chập choạng, mẹ Đích ẵm con bò nghé đỏ
hỏn như một đứa bé. Bà mẹ mừng, nói con bò đẻ ra tiền bạc cho tui đây. Bò con
vừa được sinh buổi tối, sáng hôm sau ra đồng nó đã vượt mương và bơi ngay. Bò
đã hơn người, nó không phải tập bơi lội. Đích nhớ những đêm trăng lên cao đầu
ngõ, ánh sáng dịu dàng chảy trên đám đất vàng, cả gia đình anh ngồi quây quần
ăn cơm ngoài sân tiếng gà lục đục phía sau, tiếng chim đêm ấm áp vô cùng trên
những cành tối vu vơ. Mấy năm rồi Đích mới trở lại, súng trên tay, đạn lên
nòng, anh đi về tuổi nhỏ, anh tiến vào vùng kỷ niệm, sẵn sàng bắn vào trí não
mình…
Đích chận hỏi một đứa bé vừa ở dưới hầm ngơ ngác
chui lên:
– Mày biết lão Liên ở xóm này không?
– Không.
– Mày biết còn ai trong xóm đó không?
– Không.
– Cha mẹ mày ở đâu?
– Chết hết rồi, dưới hầm.
– Nhà mày đâu?
– Trong kia.
Đích nheo mắt nhìn theo ngón tay trỏ của đứa bé:
nơi cái xóm trống hoang đó mấy mảnh tường lổ đổ, mấy cây cau cháy và vài đám
khói. Đích hỏi tiếp:
– Có tụi nó về đây không?
– Không biết.
– Mày lấy gì để sinh sống?
– Sống à, không có gì hết.
Đích ngậm ngùi, đi ra ngoài giàn bí hái một trái
bí để luộc ăn với cơm buổi trưa. Đích móc trong túi năm chục bạc đưa cho đứa
bé:
– Trả tiền trái bí cho em đây này.
– Không.
– Sao lại không, sao không lấy tiền.
– Lấy sợ các ông nói ‘‘tề điệp’’, các ông giết.
– Không, đây là lính Quốc Gia. Lấy tiền đi.
– Không.
– Sao lại không hoài.
Thằng bé ngước lên:
– Các ông có giết tôi không?
– Không.
Lúc bấy giờ một người lính khám phá ra một xác
chết đã hôi sình. Người lính trở về nói với Đích:
– Cha mày bao nhiêu tuổi?
– Cỡ sáu mươi.
– Có phải cha mày dưới mương nước không?
– Tao làm sao biết được. Ăn mặc đồ gì?
– Chiếc áo viện trợ.
– Việt Cộng đó mày.
– Việt Cộng gì mặc áo có mang nhãn hiệu Chicago.
– Mày thấy thực à.
– Tao dí mũi súng vào cổ, cổ bấy ra, tao thấy
chữ in còn nguyên. Ghê quá, hôi thúi quá. Mày lại xem đi.
Đích cộc cằn:
– Mày cuốc đi, tao mệt quá rồi.
Buổi chiều khi đoàn quân trở về Đích còn thấy
thằng bé đứng bên mái lá che tay lên mắt nhìn ngược hướng mặt trời. Đích nói
với người bạn ngồi bên cạnh: mày có dầu Nhị thiên đường cho tao một ít. Người
bạn đưa ve dầu cho Đích, anh ta xoa xoa trên mũi nói Đ.M. cái thằng già chết
dưới mương hôi thúi quá, chắc cũng bảy tám ngày rồi, chết mà nằm úp để lòi cái
óc trắng hếu lên trời… Người bạn nói hắn mặc áo viện trợ Chicago, ai bên Chicago
cho cái áo để mục rã trên xác người Việt Nam.
Đích hít một hơi dầu rồi nói như sực tỉnh:
– Ơ, hồi
nãy có đứa nào chịu khó chôn lão già không bây.
Cung Tích Biền
No comments:
Post a Comment