MÙA XUÂN ĐEN: Người tù
vĩnh viễn ở lại rừng Kà-Tót
Đời tù, chiếc lá, hư không
Tấm thân cát bụi giữa dòng tử sinh
Tấm thân cát bụi giữa dòng tử sinh
Tôi nhớ có lần từ vườn hoa lầu
nước Phan Thiết, tôi cong lưng leo giốc, đạp chiếc ce đạp lọc cọc qua mấy nhịp
cầu Quan, đổ giốc quẹo trái theo bờ sông bến Trưng Trắc đến nhà Nguyễn Văn Tân
gần Air Việt Nam. Tụi tôi 6 đứa thuộc nhóm Toán, tới kỳ học chung và nhà Tân là
một trong những chỗ gặp mặt. Năm đó là năm đệ tứ, khi tổ học toán thì tôi cùng
nhóm Tân, khi làm bích báo thì tôi thuộc nhóm Huỳnh Ngọc Phẩm và Trần Khánh
Thiện. Phẩm viết chữ đẹp, Thiện vẽ và trình bày hết xẩy, tôi viết bài và làm
thơ con cóc cạp áo dài trong sân trường Phan Bội Châu…
Lớp tôi còn có một đội bóng tròn
mà tôi là thủ môn, Tân chạy trung phong và Đặng Hùng chạy góc mặt, và mấy cô
bạn gái cùng lớp Bạch Nga, Kim Cúc… 7,8 cô ngồi bìa sân cạnh trưởng lớp Huỳnh
Ngọc Ghênh, phó trường lớp Hoàng Công Bình vỗ tay, cổ võ, hoan hô. Tôi thấy
không cô nào đả đảo khi tụi tui thua! Thương mấy cô là ở chỗ này!
Thời buổi đó, em trai của bạn chỉ
biết mà không thân quen cho lắm. Biên học sau tôi và Tân một hai lớp gì đó. Tôi
biết Biên nhưng không có mối liên hệ thân tình nào. Nếu là em gái của bạn mà
lại học cùng trường thì chắc thằng con trai nào cũng nhớ kỹ, còn nếu biết nháy
lông nheo nhau thì nhớ chết bỏ, tới ngày thi tương tư chắc rớt là cái chắc.Và
cái này thì tôi nói thiệt! Tôi chơi khá thân với Tân, nhưng không rành nhiều về
gia đình Tân và Biên.
Tôi vẫn coi thời gian dưới mái
trường Phan Bội Châu là thời gian của tuổi thơ, của những đám mây, của những tà
áo dài. Trường Phan Bội Châu mà không có tà áo dài của mấy cô nữ sinh thì chắc
là sân trường buồn lắm lắm, và chắc là đời cũng thiếu mất những bài thơ của mấy
ông thi sĩ học trò Phan Bội Châu! Con trai cái xứ gì đâu mà nhặt bút lên là làm
thơ, nhưng để bút xuống thì làm tiền dỡ ẹt! Biết bao nhiêu kỷ niệm, ngọt cũng
có, đắng cũng có, cay cũng có, đều có bóng dáng mấy tà áo trắng, mà giờ đây hỏi
lại, tôi nào nhớ nỗi cái tà áo nào. Thiệt là tệ hết biết!
Thời gian đi qua, nó đi qua kéo
theo tuổi đời chồng lên đầu, kéo cuộc đời những đứa từng ngọt bùi dưới sân
trường đi xa trăm lối. Chiến tranh, khói lửa nó như cái lò hồ lô vô hình trong
chuyện phong thần, hút cuốn mỗi người đi mỗi ngả; kẻ chết chân đồi, người chôn
góc biển, thằng sống bơ vơ hay lao mình trong lửa đạn… Về sau thì tù tội, lưu
xứ, vượt biên, tôi không còn gặp Tân và Biên từ đó.
Và rồi cuộc đổi đời oan nghiệt,
núi vỡ, sông chia, trời cao xuống mộ, quả đất lại vẫn còn tròn, tôi gặp lại
Biên. Nơi gặp nhau là rừng Kà Tót. Nơi gặp nhau là trại “tù tàn binh Kà Tót”.
Buổi sáng, chim kêu, buổi chiều vượn hú. Đám tù thất thần, mặt thằng nào cũng
như ma nhập, mất trí, khờ khờ trong cảnh chờ chết. Tuần nào dường như cũng có
người ra đi heo hút, không vợ con cha mẹ, không bạn bè đưa tiển và những giọt
nước mắt của vợ hiền, người yêu nhỏ xuống. . .
Có đêm, trăng rừng rọi sáng sân
trại, nhìn trăng, tôi không còn thấy trăng với chị Hằng, chú Cuội, với những
vần thơ lảng đảng giăng mắc trên mây, mà tôi chỉ thấy bóng dáng tử thần nhe
nanh cười nhìn xuống sân trại, tay cầm búa, tay cầm liềm mà thiên lôi là mấy
ông nội giép râu, nón cối kè kè AK chăm chăm vào đám tù, sẵn sàng bắn bất cứ
lúc nào.
Có đêm tôi nghe tiếng hú của một
ai đó lên cơn sốt và nổi cơn mê sảng trùm chiếu chạy lòng vòng ngoài sân cho
đến khi gục xuống, anh em dìu vô sạp. Sáng hôm sau, tôi hỏi thăm, anh em cho
biết người lên cơn sốt mê sảng khi đêm là Trung Úy Nguyễn Văn Biên, sĩ quan
Chiến Tranh Chính Trị Chi Khu Tuy Phong. Tôi ngỡ ngàng, thương xót, không biết
bây giờ Tân ở đâu mà Biên ở đây. Không biết Biên trình diện hay bị bắt, không
biết Biên vô đây hồi nào, nhưng rõ ràng là Biên vô Kà Tót trước tôi.
Đến cái thung lũng chết người này
sớm một ngày là đến gần với cái chết sớm một ngày. Cũng như số phận nhiều anh
em khác, Biên tàn tạ với những cơn sốt rét ác tính mà những người cộng sản coi
như chuyện thường, tù chết chôn nơi xó rừng như một con gà. con vịt. Đó là mệnh
số của những người bại trận trong tay kẻ thù mà công ước quốc tế Geneve về tù
binh là cái khỉ gió gì, lũ người chiến thắng không hề biết, không hề nghe; mà
có biết, có nghe họ cũng cóc cần.
Ngày nghĩ Chúa nhật, tôi lọ mọ
qua thăm Biên, Biên đờ đẫn trong cơn sốt, thiếu thuốc men, cơm cháo. Biên đã
không nhận ra tôi. Biên như người vô hồn. Hôm sau, vát cuốc đi lao dịch, các
bạn tù tiết lộ là “trước khi các ông lên đây, nhiều người đã chôn xác. Biên có
lẽ là anh em kế tiếp trên con đường không trở lại đó. Không chừng số kiếp tụi
mình cũng nằm trên con đường ra đi không ngày trở lại !”
Tôi làm thinh nghĩ tới phận số
của mình. Ngày còn sống trở về coi như giao cho mấy đám mây, mấy cơn mưa trong
rừng, mấy con muỗi sốt rét trong đêm, mấy viên đạn trong tay giặc. Và tôi bỗng
như lạc thần, coi thân mạng mình nhẹ như không có, không cần thiết gì cuộc
sống. Tôi quên đi cha mẹ, không biết mình chui vào thế giới này tự lúc nào, và
khi nào sẽ trở lại hư không. Tôi không thấy ông Chúa trên núi, ông Phật trong
rừng, tôi chỉ thấy nỗi tuyệt vọng mênh mang, phù du, hư ảo theo những chiếc lá
sầu đời rời cành đong đưa về đất sau những cơn mưa, sau những trận gió.
Dù vậy, cơn đói vẫn là cái gì
hiện hữu, nó lôi tôi về với hiện tại oan nghiệt, nó cồn cào, nó giục phải nhớ
tới mấy dãy bàn tre phát cơm mục lộn sỏi tàn phá răng hàm buổi trưa, buổi chiều
cạnh sân trại. Cơm gạo mục với muối chó còn chê mà sao người tù vẫn nhớ, vẫn
thèm. Đói quá !
Ngước nhìn lên cây đu đủ trĩu
quằn những trái màu vàng chín ngay trên đầu mình mà tay không dám vói, “chỉ
trong gang tấc mà xa nghìn trùng”, động dậy, vói tay đụng tới hoa quả của cán
bộ, người tù có thể nhận một bá súng, hay một phát AK cũng không chừng. Cây
trái, hoa quả mình trồng mà không được ăn, chỉ được quyền làm lụng và ngả chết.
Lạ thật! Mạng sống người tù trên rừng Kà Tót nhẹ như chiếc lá mục. Cách mạng gì
đâu mà thật là rừng rú, mọi rợ?
Biên nằm trong dãy trại đối diện
dãy trại tôi, cách nhau bằng một cái sân hôi mùi nước tiểu. Sân trại, nơi tập
họp điểm danh, nơi anh em đái trên đường ra hố tiểu phòng hờ mấy tên bộ đội
đuổi ngược vô khi bàng quang còn căn cứng. “Báo cáo cán bộ, hai người dãy A xin
đi tiểu?” – Có tiếng hét đâu đó: “Vô ! Làng chàng tôi bắn bỏ!” Tiếng AK lên đạn
lách cách. Có lúc nó cho phép bằng tiếng: “Đi !” Có lúc nỗi điên vì bị phá giấc
ngủ, nó quát: “Vô!” Đám tù Kà Tót không biết đâu mà mò, vô lại mắc tiểu chịu
sao nỗi.
Ngủ lại sao nỗi kh đêm trong rừng
Kà Tót lạnh căm căm không một manh chiếu đắp với “cái bầu tâm sự mỗi lúc thừa
thắng xông lên căng cứng bàng quang!”
Thế là không hẹn mà “cùng biến,
cùng thông”, trong những đêm mưa, trong những đêm trăng sáng, anh em bước ra
khỏi sạp đều cho phép con chim “phản động” của mình đái trước khi xin phép, nếu
cho đi thì tiếp tục tiểu trên đường ra hố tiểu, nếu nó bảo vô thì cái bầu tâm
sự cũng đã cạn. Đất Kà Tót là đất của Việt cộng, đâu là đất ông cha, ông cố nội
mình mà không dám đái lên đầu nó ! Hôm nào trời mưa, nước mưa cuốn bớt mùi
hôi,’hôm nào trời trăng, sáng mai trời nắng, mùi khai “thoang thoảng hương bay”
phả tràn khắp trại, không ai phàn nàn, không ai thắc mắc. Cái chết rình rập,
cận kề, mùi khai nước tiểu là mùi hương của cuộc đời mà người tù Kà Tót nếu có
chết đi, thì vẫn còn một chút gì để lại với núi sông!
Sau hơn 4 tháng “hòa tan” thân
thế trong rừng Kà Tót, tôi gần như lạnh lùng với chính cuộc đời mình. Gia đình,
bè bạn, dĩ vãng… nó biến mất tiêu; tương lai thì đen như rừng Kà Tót ban đêm,
tương lai là những tối nghe tiếng heo của trại hét thảm thiết rồi biến mất dần
trong rừng sau khi bị cọp chụp kéo đi. Mấy thằng bộ đội chỉ ăn hiếp tù, chứ cọp
về chụp heo, nó sợ xanh mặt, chỉ nghe tiếng cơ bẩm AK lách cách chứ chưa nghe
thấy nó bắn phát nào vào bóng đêm. Mỗi lần nghe cọp gầm bắt heo, đám tù cũng
lạnh cẳng, vì trại không có hàng rào.
Dãy trại tôi có một cái cùm dài
tập thể dành khóa những thằng được đảng coi là nguy hiểm, phản động, ban đêm
cho tiểu trong lon. Mỗi thằng xỏ chân vô một tổ, khóa bằng khúc gỗ dài thoảng,
lỡ cọp chụp kéo đi thì còn cái cùm giữ tấm thân ở lại; dãy không có cùm dài,
thân tù đứa nào cũng nhẹ như cái lông heo, cọp nó chụp một phát, chưa kịp hét
“Trời ơi”, nó đã bê tù vào tận rừng sâu mất dạng. Tù chết, cọp tha là chuyện
nhỏ. “Đảng lãnh đạo, nhà nước sáng suốt, quân đội nhân dân anh hùng” có chịu
trách nhiệm, có cần khai báo ai đâu mà thắc mắc, bận tâm ? May mà cọp Kà Tót
cũng thương tù, ghét Việt cộng, nên chỉ rình bắt heo trại chứ chưa có người tù
nào bị cọp vồ !
Buổi chiều thứ Bẩy lao động về,
nghe tin dãy trại bên cạnh có anh em chết. Hay tin Biên qua đời, tôi không ngạc
nhiên, tôi bình thản như biết trước là Biên sẽ chết. Sáng hôm sau, mặt trời vừa
chiếu xéo xuống những tàn cây, rọi sáng sân trại, anh em còn ngủ, tôi thức dậy
và bỗng nghĩ đến Tân, người bạn cùng lớp, rồi tôi nghĩ đến Biên. Tôi bước ra
khỏi sạp, đi thẳng lên ban chỉ huy trại. Gặp Trung ống vố, trưởng trại đang
ngồi rít thuốc lào, tôi lên tiếng:
– Thưa cán bộ! Người chết là anh
Biên, em của người bạn thân cùng lớp tôi thời học chung Phan Bội Châu. Tôi quen
gia đình Biên. Xin cán bộ cho người về Phan Thiết báo cho gia đình anh Biên đem
xác anh Biên. . .
– Im! Anh đùa với cách mạng hả?
Ai chết cũng báo về Phan Thiết để nhân dân căm thù và bôi bác cách mạng hả ? ?
Chết đâu thì chôn đó , nghe chưa !
Tôi giật mình vì câu vừa trả lời,
vừa hỏi như cáo buộc của Trung ống vố. Tôi hiểu ngay thêm rằng số phận của đám
tù Kà Tót đã bị đóng khung, đã bị định đoạt. Trung ống vố xoay người ném cho
tôi một tấm bạc, đúng ra là một tấm poncho cũ và lạnh lùng ra lệnh:
– Anh cho người chẽ tre làm nẹp,
quấn xác anh Biên chờ chiều nay đem chôn !
o O o
Tôi kéo hai tay Biên thẳng theo
thân mình. Tôi bó Biên trong poncho. Tôi cột chân Biên. Tôi quàng giây qua mình
Biên… Trời ơi! Những cuộn giây rừng oan nghiệp Nó theo Biên về đất và tan theo
Biên trong đất. Không còn gì, không còn gì. Tội quá ? Tân bây giờ ở đâu?!
Toán chôn Biên do tôi chọn, tất
cả 12 anh em gồm tôi, BS Lê Bá Dũng, BS Nguyễn Lê Chánh, Phạm Văn Nhàn, Phan
Đạt và 7 anh em nữa tôi không nhớ tên. Chúng tôi đập tre, bện giây và đan thành
một vành 7 miếng, xác Biên nằm trọn trong tấm poncho cũ rách, đặt lên các miếng
tre và quấn lại. Mắt Biên đã nhắm kín, an phận. Không biết người bạn nào đã
vuốt mắt Biên.
Buổi xế, một toán bộ đội không rõ
bao nhiêu tên, khi ló ra, khi hiện mất trong bìa rừng, do tên Mẹo chỉ huy.
Chúng dắt chúng tôi khiêng xác Biên len lách qua đám rừng tranh theo một con
đường mòn hẹp, đến một nơi mà chúng tôi không định được vị trí. Đến một chỗ
trống đủ rộng để đào huyệt, Mẹo chỉ: “chôn chỗ này” rồi cùng đám bô đội lẩn vào
trong rừng bên cạnh để canh chừng đám tù.
Chúng tôi bắt đầu làm việc, hì
hục đào, phá được lớp rễ tranh trên mặt đất là đổ mồ hôi, nhưng khi đào qua một
lớp đất đen khoảng tới đầu gối là tới lớp đất đỏ mềm như đất sét pha trộn cát.
Lớp đất đen có thể là lớp cây cỏ mục hàng ngàn năm, lớp đất đỏ có thể là lớp
đất nguyên thủy đầu tiên khai thiên lập địa. Đất Kà Tót vô cùng mầu mỡ, mỗi cụm
khoai mì trong mật khu này, đào lên, tù khiêng một giỏ cống rống, củ nào củ nấy
như con heo con.
Vì mệt, anh em thấy huyệt đã tạm
sâu, muốn đặt Biên xuống, nhưng tôi chận lại. Tôi nghĩ bộ đội họ không hối,
không giục thì mình nghỉ vài phút rồi đào huyệt Biên sâu thêm chút nữa để Biên
nghỉ an toàn trong lòng đất. Tôi nghĩ đến đám heo rừng nhiều như Việt cộng
trong khu rừng này, tôi sợ chúng ủi mộ Biên. Anh em nghe lời tôi, tiếp tục đào.
Huyệt Biên đã quá sâu, chúng tôi
bê Biên đặt xuống đáy huyệt, mỗi anh em ném xuống Biên một nấm đất, cùng nhau
lấp Biên, vun thành một nấm mồ lớn. Để chắc ăn là thú rừng không xâm phạm mộ
Biên, tôi yêu cầu anh em chặt cây làm hàng rào quanh mộ, và trong thời gian đó,
tôi đến một cây lớn cạnh mộ Biên, vạt một mảng thân cây, dùng mũi rựa khắc tên
Biên cùng với mũi tên chỉ về hướng mộ . Tôi nghĩ đến cái ngày mồ xiêu mã lạng
theo năm tháng, thân nhân Biên có muốn tìm mộ hốt cốt thì có chút ít dấu tích
để tìm.
Là một trưởng toán có cấp bậc
tương đối cao nhất trong số anh em đào huyệt, tôi bỗng thấy mình có chút trách
nhiệm phải làm một cái gì đó cho Biên, trước khi bỏ Biên ở lại vĩnh viễn nơi
này. Tôi quyết định làm lễ truy điệu Biên. Chẳng biết tại sao tôi đột nhiên có
ý định làm chuyện này. Anh em bất ngờ nghe tôi lên tiếng:
– Anh em đứng hai hàng bên mộ
Biên!
Anh em tự động bỏ cuốc và rựa
xuống đất, xếp hàng quanh mộ Biên. Tôi hô lớn:
– Tất cả ! Nghiêm! Vĩnh biệt
Biên? Chào tay… ? Chào…!”
Tiếng tôi hô vang giữa rừng, toàn
bộ 11 anh em thẳng người, đứng nghiêm, nâng tay lên chào theo tiếng hô của tôi.
Cả một khu rừng cây và tranh bỗng im lặng đến lạ kỳ. Mấy tên VC dắt toán tù
lảng vảng ở đâu đó trong rừng tôi không biết. Có thể họ thấy nhưng làm lơ, có
thể họ không thấy, song khi tôi quyết định làm lễ truy diệu cho Biên thì tôi
bất chấp họ thấy hay không.
Tôi chấp nhận bị trừng phạt, tôi
chấp nhận hậu quả của việc mình bày đàng cho anh em truy điệu Biên. Và đó là
những giây phút thiêng liêng nhất trong chuỗi đời tù tội của tôi dành cho một
anh em cùng trường, cùng hoàn cảnh nhưng hẩm hiu và oan nghiệt hơn tôi. Tôi
cũng khó mà quên được những phút giây bỏ Biên lại trên rừng Kà Tót khi quay
lưng cùng anh em trở về trại. Nhìn lại mô đất Biên nằm bên dưới, tôi đau xót,
cho Biên và cho cả anh em chúng tôi. Cái hoang lạnh, lẻ loi của núi rừng thật
ghê rợn.
o O o
Đến khoảng cuối tháng 8/1975,
toàn trại bất ngờ được báo nghỉ lao động buổi sáng. Linh tính có một biến
chuyển gì đó, hên, xui gì không biết. Thình lình lệnh chuyển trại được ban ra.
Tất cả anh em đều mừng, dù không biết sẽ đi đâu Đi về đâu cũng được, thoát khỏi
địa ngục Kà Tót cái đã càng xa càng tốt.
Chúng tôi dắt díu, khiêng, cõng,
dìu nhau rời trại hướng về liên tỉnh lộ số 8. Khi nhìn lại, dòng suối Kà Tót
nước chảy trong veo thơ mộng trong những đêm trăng vẫn chảy, nơi anh em tắm
giặt trầm mình để vơi bớt trầm luân, nơi Trần Bích Thành Thiết giáp mò nhặt
những phiến đá đen tạc tượng Đức Mẹ… chúng tôi thấy người mỗi lúc một nhẹ đi
khi xa dần nó. Tuy vậy cái cảm giác bỏ anh em, bỏ Biên lại hiện ra, đau xót,
thê lương.
Khi rừng Kà Tót khuất chìm trong
tầm mắt, tôi có cảm tưởng có những bàn tay vẫy gọi chia lìa trong rừng thẫm,
của Biên và những anh em chịu ở lại muôn đời trên đất chết…
Hải Triều
No comments:
Post a Comment