Thursday, January 23, 2020

Nhớ Sài Gò Quay Quắt Lạ - Nguyễn văn Bá


Nhớ Sài Gòn Quay Quắt Lạ!
 
 
 

Những ngày Tết tôi nhớ Sài Gòn quay quắt lạ! Nhớ những ngày phụ Má gói bánh tét, làm mứt gừng nóng cả bàn tay. Nhớ những ngày phụ vợ gọt vỏ từng trái quất. Nhớ ngắt bỏ từng chiếc lá cây Mai trước ngõ hai tuần trước ngày mùng Một để mai ra hoa vào đúng ngày Tết.

Nhớ những đêm đi chợ hoa Nguyễn Huệ. Nhớ chợ Tết Bến Thành sáng trưng đèn đuốc với gian hàng kem đánh răng ông chà-và đen Hynos và trăm gian hàng bánh mứt hoa quả đủ thứ đủ loại Tây Ta Tàu Nhật Ấn và cả Ả Rập nữa. Nhớ con đường Trần Bình Trọng với mươi hàng bánh mứt mỗi dịp Tết về đủ phục vụ dân chúng trong vùng. Nhớ cả nhà chen chúc nhau trên một xe xích lô máy đi xem Đại Nhạc Hội đầu năm mà Ba tôi đã cố chu toàn, dù kinh tế năm trước đó không mấy khả quan. Nhớ những sáng 30 Tết đạp xe lên làng trồng Mai trên đường đi Thủ Đức. Anh chủ vườn trẻ đã chọn sẵn một cây hay nhánh Mai đẹp nhất. Gật đầu đồng ý, anh cưa và phụ tôi cột vào ba-ga sau xe. Lưng áo đẫm mồ hôi nhưng lòng tôi đã Tết.

Có năm bận việc đến trễ gần 12 giờ trưa, anh bảo tưởng tôi đã đi và không đến nữa nên đã bán cho người khác. (Những năm lúc đó, câu mọi người chúc nhau ngày Tết: “Thượng Lộ Bình An”, “Tết năm sau không còn thấy nhau nữa”, “Sớm nhận được giấy gọi phỏng vấn”, v.v.) Anh dẫn tôi đi một vòng quanh vườn. Cuối cùng anh bảo: “Em chỉ còn cây mai lớn nhất này. Các nhánh ngang lớn em đã cắt bán hết rồi. Còn nhánh giữa, nếu anh chịu, em cắt phần ngọn cho anh.” Cây mai cao sừng sững. Đầu ngọn còn cao hơn các cây cau kế bên. Tôi vất vả đạp xe chở cây mai về nhà. Gắng không để cây mai nặng kéo ngã chiếc xe đạp cuộc trong suốt đoạn đường trên mười cây số. Đã cắt bỏ một khúc phần gốc, cây mai vẫn còn cao hơn tường phòng khách với trần cao gần 4m. Cây chiếm trọn chiều ngang của bức tường chính. Hoa mai nở rực nhuộm vàng căn phòng khách những ngày Tết cuối cùng của chúng tôi tại Sài Gòn. Nhớ những sáng mùng Một trời tự nhiên chớm lạnh và yên tĩnh. Im ắng. Nhẹ nhõm và man mát. Chậm rãi. Thư thả. Những buổi sáng trong lành và đẹp nhất ở Sài Gòn. Nhớ những mùng Ba Tết, tôi đã đến chúc Tết thầy Sum, cô Đoan Trang, thầy Mạch Tứ Hải, thầy Nguyễn Bá Kim, thầy Hầu, cô Thiên Hương v.v. trong khu cư xá Thầy Cô Petrus Ký đường Trần Bình Trọng ngay phía sau trường. Chúc Tết cô Phụng và thầy Nguyễn Thanh Liêm ở nhà Thầy Cô trong khuôn viên trường bên đường Nguyễn Hoàng. Đến nhà thầy Lê Trọng Phỏng trong khu cư xá Chí Hòa (?), thầy Lê Thanh Liêm ở chung cư Nguyễn Kim, thầy Vũ Đình Lưu cư xá Lữ Gia, thầy Lê Đại Tường đường Phan Đình Phùng và bao nhiêu Thầy Cô khác để chúc Thầy Cô sức khỏe dồi dào mới mong trị được những “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” này.
Nhớ mùng Năm tung hoành khắp Sài Gòn chúc Tết bạn bè ngày càng đông đúc của tôi: Từ Petrus Ký, đến tòa soạn báo Thiếu Nhi, Đại Học Khoa Học Toán, Giáo Dục Toán Vạn Hạnh, Trung Tâm Sinh Ngữ ĐH Sư Phạm, Dự Bị Đại Học, và cuối cùng XN 611. Gần nhất Tín (B5), Huỳnh Hữu Chí, Trần Tam. Xa hơn một chút Nguyễn Thanh Hùng khu bán cây cảnh Nguyễn Trãi, Đức (Petrus Ký) và Tiến (Vạn Hạnh – GD Toán) ở bến xe Petrus Ký. Qua cầu chữ Y là nhà Việt Thảo và anh Ba Thêm (XN 611). Khúc Hiếu Hiệp đường Nguyễn Hoàng gần trường Petrus Ký để ngắm hoa anh đào Nhật gia đình bạn cắt đem từ Đà Lạt về mỗi dịp Tết. Điền ở Nguyễn Thiện Thuật. Căn, Quới, Lợi (XN 611), và chục đứa khác ở trong khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật và Bàn Cờ. Thái Minh Đường (KH Toán) ở một hẻm đường Trần Quốc Toản. Võ Minh Phụng gần trường Chu Văn An và sau này tận Thủ Thiêm. Anh Hy và Chị Vân ngay trong khuôn viên trường Dự Bị Đại Học. Lên khu cư xá Chí Hòa thăm Mai Viết Kinh Luân, Hoàng Xuân Thành, Lê Thái Quảng. Phạm Kim Ngoan hẻm đường Phan Đình Phùng đối diện trường Rạng Đông. Thế nào cũng gặp Đoàn Danh Hồng ở nhà Ngoan. Bùi Trọng Kim (tôi đã nghe giọng hát Khánh Ly qua những Ca Khúc Da Vàng lần đầu tiên ở nhà Kim năm lớp 8, đệ Ngũ, và nhiều thứ lần đầu tiên trong đời tôi biết cũng tại/bởi/vì/do Kim) trên đường Trương Minh Giảng. Tiếp tục trên đường Trương Minh Giảng, qua cầu là nhà của Long Hương, cả sân và nhà không dưới 30m chiều dài. Rẽ phải là nhà Nguyễn Ngọc Sơn. Nếu trong năm tôi quên một lần ghé thăm (dù Sơn đã đi du học từ 72) thế nào cũng nhận tiếng trách của Ba Má Sơn: “Con làm gì mà lâu quá không ghé thăm hai Bác?”. Tiếp đến là nhà Cô Chú Nhật Tiến (báoThiếu Nhi) gần cổng xe lửa số 6. Qua Yên Đỗ bên kia Hai Bà Trưng là nhà Uyển Diễm. Qua cầu Bông và trường Lê văn Duyệt nhà chị Huệ, Phỉ, vàNgọc Bích. Trở lại bến Bạch Đằng, tôi chúc Tết Oanh (Petrus Ký). Qua Cầu Hàng, đến khu Khánh Hội nhà Phạm Mẫn Trí. Tít mù tận cùng đường Tùng Thiện Vương, Xóm Chiếu nhà của bạn nhỏ con nhưng luôn ngồi bàn cuối cùng từ lớp 6 đến lớp 12 và sau này một bác sĩ Trưởng Khoa Bệnh Viện Chợ Rẫy Nguyễn Văn Bền. Còn bao nhiêu bạn ở Phú Lâm, Thủ Đức, Ngã Tư Bảy Hiền, Ngã Năm Chuồng Chó, Ngã Ba Chú Ía, v.v.đôi lần hứng chí đến chúc bạn vài câu mừng tuổi mới. 30 năm tôi sống và lớn lên ở Sài Gòn. Xa Sài Gòn đã hơn 30 năm … Đàm Hà Phú viết: “Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Vậy đó”. Hơn 30 năm qua tôi vẫn chưa quên Sài Gòn. Vẫn còn buột miệng: “Chiều nay lấy xe dạo một vòng Sài Gòn” như bao chiều tôi đã dạo Sài Gòn không có điểm đến. Chỉ muốn đi dưới những hàng cây làm vòm che mát. Để thấy những trái sao quay như bông vụ khắp trời. Để nghe tiếng me rơi dọc đường Pasteur. Chỉ để bớt nhớ và ghi thêm một chút mới của Sài Gòn. Nhớ Sài Gòn quay quắt lạ!

Nguyễn Văn Bá (Burke, Virginia USA – 2016)

304Đen – Llttm - dsc

No comments: