Chiều
tảo mộ
Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn.
Phùng Cung
Bãi mả, thực ra, không phải là “một tục lệ rất
đặc biệt của người Eđê” mà là tập tục chung của nhiều sắn dân bản địa – ở
Việt Nam:
“Đối với người Roglai – sắc dân sống rải rác các
tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng – lễ cúng bỏ mả có nghĩa là
người sống từ giã người chết. Lễ này được cử hành sau mùa gặt hái đầu tiên,
tính từ ngày người chết qua đời. Mùa gặt hái hoàn tất, mọi người đều rảnh rang
nên lễ cúng bỏ mả làm linh đình lắm. Có giết trâu mổ bò, mới thầy cúng làm lễ
cho người khuất rồi đãi làng nước. Sau lễ bỏ mả là hết, ngôi mộ không được ai
chăm sóc nữa.
Người Rhadé, đa số sinh sống tỉnh Darlac và Quảng
Đức, cũng có lệ bỏ mả vào mùa gặt năm sau. Người nhà ra mộ khóc lóc một lần
cuối rồi mộ bị bỏ hẳn. Kỷ niệm của người chết cũng chìm dần vào quên lãng.
Người Bahnar – sắc dân sống ở Đông Nam Kômtum, Tây
Bắc Pleiku, và phía Tây Bình Định – cũng chỉ chăm sóc mộ phần một năm… Sau đó
họ làm lễ tạ rồi san phẳng, và từ đây không còn ai ngó tới.” (Toan Ánh. “Tang
Lễ Của Đồng Bào Thượng.” Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, Sài Gòn 01 Sept 1963).
Bỏ mả, hay bãi mả là điều bắt buộc trong
nếp sống du canh. Tục tảo mộ hằng năm, chắc chắn, chỉ bắt đầu khi
nhân loại tiến đến giai đoạn định canh. Còn tôi thì phải mãi cho đến
cuối 2014, mới được rủ đi tảo mộ (lần đầu) khi đang lơ ngơ giữa một
chiều Xuân, nơi đất lạ.
Cái nắng của những buổi chiều cuối năm
thường khiến tôi hay bị nặng lòng, dù ở bất cứ đâu. Nhưng phải trải
qua một buổi chợ chiều, chợ tết, ở một làng quê nơi đất lạ thì mới
hiểu ra thế nào là nỗi buồn xa xứ.
Dân Việt túm tụm dọc mé sông Tonle Sap, đoạn
chẩy qua xã Phsar Chhnang (tỉnh Kampong Chhnang) có thể đông đến vài
ngàn. Tuy thế, cái đám người trôi sông lạc chợ nhếch nhác, te tua,
rách nát này không tạo nổi không khí Tết cho khu chợ cạnh bờ.
May mà vẫn còn vài cái cặp đèn lồng đỏ,
năm bẩy cây quất, và mấy chậu cúc vàng của những gia đình gốc Hoa
nên hè phố trông cũng đỡ phần ảm đạm. Tôi cứ nhìn mãi một em gái
nhỏ, đứng bán đôi cành mai đã héo mà không khỏi cảm thấy có đôi
chút bận lòng.
Như mọi người Việt khác ở bến sông này, tôi
cũng là kẻ phiêu bạt không nhà nên chả có chỗ để cắm hoa. Muốn biếu
em một số tiền nho nhỏ, đủ để sắm sửa một bữa cơm chiều cuối năm
tươm tất cho gia đình nhưng đang loay hoay biết chưa biết cách sao cho tế
nhị thì chợt nghe tiếng đồng hương quen thuộc:
– Sao ông thầy lang thang gì mình ên vậy? Đi
tảo mộ với tụi em nha, gần xịt thôi hà.
Thấy tôi hơi ngần ngừ, bà vợ rụt rè thêm:
– Dạ, sẵn bữa nay có làm gà với mua được
xị rượu để cúng nên mới dám mời ông thầy…
Nghe cách xưng hô nên tôi đoán là họ có con
đang theo học ở trường làng Kandal, dưới bến
sông. Không ai biết tôi tên gì cả, họ chỉ thấy ông già này thường lui
tới ngôi trường này và hay chơi đùa với lũ trẻ con nên gọi tôi bằng
“thầy” cho nó tiện việc sổ sách – thế thôi.
Phải nhìn thấy cảnh nuôi gà trên những túp
lều nổi tả tơi, và những bữa cơm đạm bạc quanh năm (toàn với khô hay
cá vụn nhỏ li ti) của những người suốt đời sống lênh đênh thì mới
hiểu được rằng được mời ăn gà là một hân hạnh không thể chối từ –
dù tôi chả mặn mà gì với gà và vịt!
May mà từ chợ đến nghĩa địa gần thật, chỉ
chừng hơn cây số. Đang là mùa khô, nước rút nên mới lộ ra vài chục
tấm mộ bia thô kệch và xấu xí. Chải ai sống qua tuổi sáu mươi. Khi
còn tại thế (chắc) họ chưa bao giờ được giáp mặt với một ông nha
sĩ, hay bác sĩ – dù chỉ một lần.
Sau khi thắp hương, nhổ cỏ, vun sới mộ phần,
mọi người ngồi quanh chuyện trò ăn uống. Dường như ai cũng cảm thấy
mãn nguyện vì đã làm xong chút bổn phận, cuối năm, với kẻ đã
khuất.
Khó có thể ngờ rằng được đó là lần tảo
mộ cuối cùng của cộng đồng người Việt ở xã Phsar Chhnang. Năm sau,
từ Phnom Penh, thông tín viên Sơn Trung ̣(RFA)
tường thuật: “Làng nổi của người Việt bị di dời… Theo thông báo của chính
quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng
10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015.”
Tháng 10 thì Á Châu vẫn còn mưa, và mưa tầm
tã. Bia mộ vẫn còn chìm sâu dưới nước. Với cái “thông báo” bất ngờ
(và bất nhơn) trên thì chắc chắn không ai có cơ hội tạ mả, trước khi
tiếp tục trôi xuôi theo kiếp lục bình.
Ở trời Âu, có những kẻ may mắn hơn nên được
nằm yên mãi mãi trong những mộ phần và được thăm viếng thường xuyên:
“Tôi vào tiệm tạp hóa Tàu ở Luân Đôn mua một thẻ
nhang ngắn rồi xuống Portsmouth, bắt phà qua Normandy… Bây giờ là mùa đông. Khi
phà tiến gần vào bờ cho đến khi cặp bến Ouistreham nằm phía cực đông của bờ
biển Normandy, trời còn rất tối. Sao Mai sáng long lanh, các ngọn đèn rải thưa
quanh bến tàu, ánh sáng vàng đứng bóng, không hắt hiu…
Tôi đi bộ dọc bờ biển từ hướng đông, bắt đầu từ chỗ
giáp mép biển của con kênh đào từ Caen (cách biển chừng 16 cây số). Cứ khoảng
100 thước, một tấm biển tưởng niệm, hình ảnh thế hệ các người lính hôm nay
thuộc binh chủng đã đổ bộ, và tên tuổi của một người lính tử trận ngày
6.6.1944…
Từ nơi này đi bộ hai cây số đến nghĩa trang đồng
minh ở làng Ranville, ngôi làng đầu tiên trên đất Pháp được giải phóng sau khi
người lính Dù chiếm giữ cầu Pegasus. Trên bản đồ là nghĩa trang của Anh, nhưng
ở góc bên trái từ cổng vào có 330 bia mộ người lính Đức, chia cùng mảnh đất
nghĩa trang với 2.235 người lính nhảy dù thuộc quân đội Anh, Úc, New Zealand,
Bỉ, Pháp, Ba Lan…
Mỗi ngôi mộ người lính Đức đều có bia như các ngôi
mộ của người lính đồng minh, tên tuổi, ngày sinh và ngày chết, chỉ khác là huy
hiệu binh chủng được thay bằng dấu Thập tự Sắt. Dưới bầu trời xám đục, đài
thánh giá trắng có hình cây kiếm mũi hướng xuống đất nổi bật ngay giữa nghĩa
trang. Những linh hồn nơi đây không còn chiến tranh nữa. Kiếm đã cắm hay cất.
Không có một chữ ‘hòa giải’ nào trong nghĩa trang chung này. Nhưng các bia mộ
của người lính Đức và người lính đồng minh nằm bên nhau. Người sống không thù
hận nên người chết yên lành.” (Hồ Đắc Túc. “Những Mộ Phần Bên Nhau”. Dân Luận
01/01/201̣9).
Cùng lúc với Hồ Đắc Túc, Ngô Thanh Tú cũng đi
tảo mộ ở quê nhà (Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà) nhưng với tâm trạng
hoàn toàn không thư thái:
“Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát
của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như:
chụp hình để làm gì? Có động cơ gì không? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người
bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp
dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội
mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ.”
FB Từ Đức Minh cho biết
thêm: “Với bản chất thú tính, bất chấp luân lý và tình người. Người Cộng Sản
không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận. Họ chủ động giáo dục cho đám con
trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh
tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn
nạn hơn nữa, họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to. Mấy
năm sau cây lớn làm xập mộ…
Người đang sống ở Lộc Hưng mà họ còn ủi cho
xập nhà, xập cửa thì xá gì đến chuyện mộ bia ở Nghĩa Trang Quân
Đội Biên Hoà!
304Đen – llttm - DLB
No comments:
Post a Comment