Giọng Hát Năm Xưa
Nguyên đã không nhận ra nàng, người nghệ sĩ có giọng ca ấm êm mượt mà
ấy. Trên bục cao, trong y phục hoàn toàn mầu đen, nàng nổi bật trong cái ánh
sáng chói chang của một giảng đường thuộc trung tâm Luật Khoa, Đại Học George
Mason. (Có rất nhiều nghệ sĩ đã sợ hãi thứ ánh sáng sỗ sàng, trơ trẽn đó vì nó
là một thứ ánh sáng của những lớp học, của những giờ nghe giảng dậy, của những
bài nói chuyện dài, dai và dở của những người cứ cho rằng phải nói nhiều mới là
giỏi, là hay.)
Nguyên chợt thoáng nhớ tiếng hát ấy, tiếng hát có lẽ ẩn trong tiềm thức hay ở
trong một giấc mơ nào đó. Khuôn mặt nàng có nét quen thuộc của những tháng ngày
bềnh bồng, hồn nhiên, tươi vui, rực rỡ của Đà-Lạt, của một thành phố mà Nguyên
đã biết yêu, và Nguyên sẽ nhớ suốt đời.
Đà Lạt vào những năm tháng ấy có Khánh Ly hát ở Night Club, có Hoàng Anh-Tuấn
làm giám Đốc Đài Phát Thanh, có Trần Đại làm giáo sư tại Đại Học Đà Lạt, có
Nguyễn Thanh Trang (“Duyên Thề”) dậy văn hóa tại trường Võ Bị Quốc Gia, có
Vi Khuê làm hiệu trưởng một trường trung học tư, có Trần Vấn Lệ và Hà Mai
Phương dậy học cùng với Nguyên tại trường Trung Học Quang Trung của Hiệu Trưởng
Nguyễn Văn Thành, tự Thành Bắp Xú, có Ngô Tằng Giao hành nghề “thầy cãi”, lái
xe traction số NT, lượn lên lượn xuống khu Hòa Bình, có Phan Thanh Thư làm
nghị viên của Hội Đồng Thành Phố, có Vũ Đức Nghiêm ”Gọi Người Yêu Dấu” bao lần,
có Hoàng Nguyên thỉnh thoảng từ Saigon lên thăm..
Nguyên là một sĩ quan cấp úy, rất nghèo nên phải đi dậy học thêm để có
tiền cà-phê-cà-pháo. Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Thành đã từng đọc văn Nguyên trên
các báo, trước khi Nguyên nhập ngũ, nên đã mời Nguyên làm Giáo Sư Việt Văn cho
lớp Đệ Nhị. Học sinh lớp Đệ Nhị thường thường là 16, 17 tuổi. Có những cô nữ
sinh đang tuổi dậy thì, đẹp thật ngây thơ nhưng cũng thật quyến rũ làm ông Thầy
trẻ nhiều lúc phải ngơ ngẩn. Tôi được quân đội cấp cho một phòng nhỏ trong một
biệt thự trên đường Pasteur nhưng đã bị địch quân bắn sập trong những ngày đầu
xuân Mậu Thân 1968, nên phải ở nhờ lầu dưới của ông Trưởng Khu Công Chánh
Nguyễn Xuân Mộng.
Vào những ngày cuối năm, nàng và em gái thường đi xe hơi đến nhà ông Trưởng Khu
Công Chánh, gửi cho tôi một ít mứt, ít hạt dưa và mấy cái bánh chưng. Thường
thường bà trưởng khu đợi tôi về, đón tôi tại nhà để xe, đưa cho tôi những món
quà Tết ấy với nụ cười và ánh mắt rất tinh nghịch: “Trung uý tốt số quá,
được hai tiểu thư con ông Trưởng Ty Ngân Khố đến tặng quà thế này thì còn gì
bằng!”
Vâng, tôi biết là tôi tốt số lắm vì thực sự, tôi được hai chị em nàng coi tôi
như một người anh. Tôi biết nàng đã có một phi công, mỗi lần lên Đà Lạt đều
trồng cây si trước Ty Ngân Khố. Tôi biết em nàng đang làm cho một
người bạn văn nghệ của tôi mê mệt. Đã mấy lần tôi đã phải xin phép cha mẹ
nàng, đưa em nàng đi chơi, sau đó đưa em nàng đến nhà Thủy Tạ để bạn tôi được
gặp. Tôi biết tôi chỉ là một người anh, một người bạn. Có lẽ nhờ vậy mà tình đó
bền mãi, đẹp mãi ? Hồi ấy, nàng thích hát, nàng thường hát cho những buổi
văn nghệ Bùi Thị Xuân. Tôi không ngờ hôm nay nàng lại có tiếng hát tuyệt
vời ấy. Tiếng hát ấy làm tôi bồi hồi xao xuyến, làm tôi nhớ đến những ngày vui,
những khung trời kỷ niệm có Huyền Châu, Huyền Anh, có Ngọc Châu, có Hòa, có
Dung, có Hiền, có Đào, có Yvonne, có Nicole, có Quang-Thụy, có các bạn học trẻ
tuổi ở Chính Trị Kinh Doanh, có Phạm Ngọc Cung với tiếng clarinette nhức tim và
tiếng dương cầm rồn rập trong những đêm họp mặt tưởng như không bao giờ
tàn. Trên bục cao, Tạ Mạnh Chuyền mới giới thiệu tên nàng. Nàng -giờ đây
là ca sĩ Huyền Châu, đang trình bầy bản nhạc Sérénade de Schubert, một bản nhạc
đã làm hồn tôi ngây ngất từ thưở xa xưa, từ thưở còn học Văn Khoa, tối tối theo
Lê Nguyên Hải đến Tự Do nghe Lệ Thu hát bài ca ấy để về nhà ngây ngất suốt đêm
thâu.
“Chiều buồn nhẹ xuống đời, người tình tìm đến người, thấy run run trong ngày
phai. Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu, ru người qua chốn thương đau..”.
Nguyễn Đức Nam
304Đen –
llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment