Friday, October 23, 2020

Người Đọc Tỉnh Lẻ - Ngọc Bút

 

Người đọc tỉnh lẻ

 




Yêu thì đọc gì? Một cô bé học trò trung học ở một quận lỵ nhỏ của một tỉnh nhỏ biên giới miền Đông Nam bộ đọc gì thuở ấy? Hoài, và bạn Hoài, đọc hầu hết những gì có trên kệ bày bán của tiệm sách nhỏ xíu duy nhất ở quận lỵ...

 

Tác phẩm truyện dài Hoài đọc lần đầu tiên trong đời là Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, năm một ngàn chin trăm sáu mươi lăm. Vừa đọc vừa khóc vì thương cô bé nhân vật chính trong truyện. Không nhớ ai đã cho Hoài mượn quyển truyện này. Hình như là của người chị họ con bác ruột. Cảm xúc ngập tràn và cô bé mười một tuổi, vốn được cô giáo lớp nhất (lớp năm bây giờ) khen những bài tập làm văn ở lớp và thường đọc cho cả lớp nghe, đã bắt đầu thích đọc sách văn chương và ao ước một ngày nào mình cũng viết được những truyện-tương-tự-như-vậy. Chỉ là mơ ước suông thôi. Mấy năm tiểu học trước đó Hoài không có mơ ước này, vì chỉ đọc mấy truyện tranh nhì nhằng kiểu như Tề Thiên Đại Thánh của thằng bạn bắn bi búng dây thun nhà cạnh bên hào hứng cho mượn! 

Hè năm đó Hoài thi đậu vào đệ thất (lớp sáu bây giờ) trường công lập. Từ đó Hoài bắt đầu học môn Việt Văn, và những năm sau chia thành kim văn và cổ văn. Thú thực là học giảng văn Hoài rất ngán cổ văn, vì khó hiểu, và thầy phải giảng mới hiểu. Còn kim văn, thực ra cũng là những bài khá kinh điển. Trong trí nhớ mù mờ của Hoài bây giờ, đó là những bài không mới mấy dù được gọi là “kim”, được trích từ các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và những tác phẩm cùng thời với Tự Lực Văn Đoàn hay sau đó ít lâu.

Lớp của chị họ Hoài, trên Hoài ba lớp, có một tủ sách luân lưu mua từ tiền quỹ lớp, và chị là người giữ tủ sách cho lớp, ở nhà; bạn cùng lớp mượn thì chị ghi vào sổ tên họ, ngày mượn, ngày trả. Giống như một “thư viện bỏ túi” và chị là quản thủ thư viện. Cơ hội để Hoài phát triển thói quen đọc sách văn chương là đây. Tủ sách chủ yếu gồm các sách của Tự Lực Văn Đoàn, của các nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, các sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê, v.v… Và Hoài đã đọc toàn bộ sách văn chương trong cái thư viện bỏ túi này, bắt đầu từ Chim Hót Trong Lồng từ năm cuối tiểu học cho đến giữa năm đệ lục (lớp bảy bây giờ) thì không còn gì nữa để mượn đọc. 

Nhưng không chỉ có thư viện bỏ túi ấy. Hoài may mắn có một người cậu họ làm thơ và cũng là thầy dạy Việt Văn của Hoài thời trung học đệ nhất cấp. Cậu làm nhiều thơ nhưng cả đời chỉ xuất bản duy nhất một tập thơ được nhà thơ Vũ Hoàng Chương khen ngợi và viết lời tựa, bìa của thi sĩ Đinh Hùng, tranh phụ bản của họa sĩ Vũ Hối (*). Thơ cậu được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc, ca sĩ Trúc Mai và Hoàng Oanh hát trên đài Phát thanh Saigon. Hầu như lễ bế giảng và phát phần thưởng cho học sinh giỏi năm học nào ở trường, thơ (và nhạc) của cậu cũng được các ca sĩ học trò cây nhà lá vườn ngâm và hát trong chương trình văn nghệ. Trong mắt Hoài thuở ấy cậu rất “đáng nể”, vì ngoài thế giới trường lớp của Hoài cậu còn thuộc về thế giới thơ văn. Cậu thường giới thiệu tác phẩm này tác phẩm nọ mới xuất hiện trên văn đàn cho học trò đọc – trong đó có Hoài. Cậu rất thương quý đứa cháu họ côi cút siêng học yêu văn chương là Hoài, nên khi được mời đi dự mấy chỗ họp mặt văn nghệ cậu hay dẫn Hoài (và mấy đứa bạn của Hoài) theo. Lâu dần niềm yêu thích văn chương, nói theo kiểu bây giờ, trở thành máu-thịt của Hoài.

Yêu thì đọc gì? Một cô bé học trò trung học ở một quận lỵ nhỏ của một tỉnh nhỏ biên giới miền Đông Nam bộ đọc gì thuở ấy? Hoài, và bạn Hoài, đọc hầu hết những gì có trên kệ bày bán của tiệm sách nhỏ xíu duy nhất ở quận lỵ. Tiệm sách nhỏ ấy bán đủ thứ, từ tập vở bút viết văn phòng phẩm, các bản nhạc to chỉ có hai tờ, sách giáo khoa đủ các môn học cho học trò tiểu học trung học cho tới sách truyện. Tiệm sách này cũng kiêm luôn việc bán nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san xuất bản ở thủ đô Saigon, nơi cách quận lỵ quê nhà Hoài chỉ 63km nhưng dường như xa lắm vì chiến tranh và đường đi không an toàn., 

Sau này khi Hoài lên trung học đệ nhị cấp, quận lỵ có thêm một tiệm sách nữa gần nhà Hoài, sách truyện văn chương nhiều hơn, “cập nhật” hơn, bày biện đẹp mắt quy củ hơn. Dĩ nhiên Hoài và bọn bạn cũng hay ghé tiệm sách này. Hoài “fair” lắm, không bao giờ đọc “cọp” mà không mua quyển nào mỗi lần rời khỏi tiệm sách. Nhiều bữa cả đám còn rủ nhau chạy xe Honda mượn của mấy anh lớp trên (thật là gan-cùng-mình!) về tỉnh lỵ cách đó 36km. Lại ghé vào một tiệm sách bề thế hơn, mua sách truyện, sau khi đã rong chơi vài nơi chốn và ghé thăm vài bạn-văn-nghệ ở các bút nhóm thơ văn.

Thời ấy các bút-nhóm hay thi-văn-đoàn rất nhiều, hầu như tỉnh nào thành phố nào cũng có, và Hoài cũng không tránh khỏi việc bị rủ rê vào bút nhóm của một anh bạn hàng xóm học trên mình một lớp nhưng lớn hơn ba tuổi (Chính người anh, người bạn thân thiết này đã dẫn dắt Hoài đọc “Tuổi Hoa” từ thời tiểu học và luôn luôn khen ngợi cổ vũ Hoài hãy đến với văn chương!). Ấy là chưa kể lâu lâu được về Saigon, không bao giờ Hoài quên ghé nhà sách Khai Trí ở 62 Lê Lợi để đọc “cọp” và mua sách về quê. Và cũng không bao giờ quên dạo tới dạo lui các quầy sách lộ thiên dọc đường Công Lý góc Lê Lợi. Ở đó cũng có rất nhiều sách mới ra lò, thậm chí còn có nhiều quyển không tìm thấy trong Khai Trí. Chính từ nơi đây Hoài có trong tay “Cái Chuồng Khỉ” của Nguyễn Đức Sơn và “Con Lừa Và Tôi” của Juan Ramon Jimenez. Những năm tháng trung học Hoài đã có một tủ sách văn chương nho nhỏ của riêng mình với nhữn tác giả “thời thượng” thuở ấy: Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Minh Quân, Duyên Anh, Mai Thảo, Võ Hồng, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, v.v…  

 

Lúc mới bắt đầu thích đọc thơ, Hoài chỉ biết thơ tiền chiến của Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hữu Loan, Quang Dũng… Sau này nhờ ông cậu khuyến khích nên đọc nhiều thơ hơn (chắc là vì cậu làm thơ!), Hoài bắt đầu đọc Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Hoài Khanh, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Thị Tuệ Mai, Phạm Thiên Thư… Hoài cũng đọc sách dịch, từ “Hoàng Tử Bé” của Saint Exupéry đến “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của J. D. Salinger đến “Sử Ký Tư Mã Thiên”! Rồi “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak, “Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết” của E. M. Remarque, “Tầng Đầu Địa Ngục” của A. I. Solzhenitsyn, v.v.. Sách dịch Hoài không có nhiều, nhưng đọc được nhiều là nhờ “mượn qua mượn lại” với mấy đứa bạn cũng thích đọc sách và hay mua sách như Hoài. Nhưng sách gối-đầu-giường của Hoài mấy năm đầu trung học đệ nhất cấp là “Thằng Vũ” của Duyên Anh và mấy năm trung học đệ nhị cấp là “Nẻo Về Của Ý” của thầy Nhất Hạnh mà Hoài vẫn còn giữ cho đến bây giờ.

Quyển kịch Thành Cát Tư Hãn là một trường hợp đặc biệt. Ông cậu ông thầy Việt văn nhà thơ đã tặng quyển kịch này cho Hoài; Hoài cực kỳ thích những câu thoại của ông già Thành Cát Tư Hãn trong kịch và rất ngưỡng mộ tác giả, nhưng phải đến năm 1973 khi học môn Lịch Sử Kịch Nghệ Việt Nam ở Đại học Văn Khoa Saigon Hoài mới được gặp tác giả vở kịch và cũng là thầy dạy môn học này, giáo sư Vũ Khắc Khoan. Còn mấy cuốn “cao siêu “ với tuổi Hoài thuở ấy như “Hố Thẳm Tư Tưởng” của Phạm Công Thiện thì Hoài chưa dám với tới. Hoài không biết nó là triết hay văn chương hay trộn lẫn cả hai. Ông anh của một đứa bạn Hoài là sinh viên trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc ở Saigon – hồi đó là trường đại học nhưng gọi là cao đẳng – về quê đi ra đường cứ kè kè kẹp nách quyển sách thời thượng này, ra dáng trí-thức đọc sách “cỡ” ấy. Một ông anh khác của một đứa bạn khác thì mở miệng ra là thơ Bùi Giáng với Thanh Tâm Tuyền! (Nhưng thật lòng mà nói, tâm hồn đơn sơ của Hoài “cảm” thơ Nguyên Sa và Hoài Khanh hơn).

Tủ sách của Hoài tuyệt nhiên không có tiểu thuyết diễm tình sướt mướt. Nhờ đâu? Nhờ đọc những lời giới thiệu và quảng cáo trên mấy tạp chí “đứng đắn” thuở còn nhỏ là “Tuổi Hoa”, lớn một chút là “Tuổi Ngọc”, và “Văn” và “Bách Khoa” và “Khởi Hành” v.v..  Song song với sách là báo, là các tạp chí văn chương. Hoài có một con nhỏ bạn thân mê đọc như Hoài. “Tuổi Hoa” và “Tuổi Ngọc” thì mỗi đứa tự mua tự đọc. Nhỏ bạn của Hoài còn mua cả tuần báo “Thiếu Nhi” và thỉnh thoảng Hoài cũng đọc “ké”. Nhưng “Văn” và “Bách Khoa” thì thường xuyên trao đổi lẫn nhau, Hoài mua bán nguyệt san “Văn” và con nhỏ bạn mua “Bách Khoa”. Hoài bắt đầu đọc “Văn” từ năm mười lăm tuổi, từ khi một anh bạn học trên hai lớp gởi tặng Hoài một quyển “Văn” kèm với mấy bài thơ anh sáng tác (viết trên giấy học trò có dấu vết cháy vàng chung quanh viền trang và những vết tròn của đầu thuốc lá đang cháy dí vào!). Hoài không nhớ rõ số mấy, chỉ nhớ loáng thoáng đó là tuyển tập thơ văn với nhiều truyện ngắn rất hay của các tác giả trẻ thời ấy. Và Hoài đã đọc “Văn” liên tục không bỏ sót số nào cho đến ngày xảy ra biến cố tháng Tư 1975.

Với “Khởi Hành” cũng vậy, Hoài đã có tờ tuần báo này từ số đầu cho đến số cuối là khi chuẩn bị thi Tú Tài II vào tháng 7 năm 1972. Từ “Văn”, “Bách Khoa” và “Khởi Hành”, Hoài thấy nhiều bài thơ và truyện ngắn rất hay của những nhà văn nhà thơ trẻ (thời đó) và lòng cứ tự hỏi, biết có khi nào mình viết được như vậy không. Có lẽ vì là người-nhà-quê, vì sống trong chiến tranh thường trực nên Hoài “cảm” được tác phẩm của họ chăng? Hoài rất thích giọng văn của Cung Tích Biền. Rồi nào là Nguyễn Xuân Hoàng, Ngụy Ngữ, Y Uyên, Mường Mán, Trần Hoài Thư, Mang Viên Long, Nguyễn Lệ Uyên, Lê Văn Thiện, Hoàng Ngọc Tuấn, v.v.. Cũng trên các tờ tạp chí ấy, Hoài đã “gặp” thơ của Luân Hoán, Hoàng Lộc, Cao Thoại Châu, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Bắc Sơn, Huy Tưởng, Lâm Chương, Phạm Cao Hoàng, Từ Kế Tường…  

Ngày từ giã quê nhà đến Saigon học đại học, Hoài đã xếp gọn tập vở và sách báo cũ vào các thùng giấy carton, để một góc trên căn gác gỗ nhỏ, là một cái kho chứa đồ đạc cũ của gia đình. “Văn” một thùng, “Khởi Hành” một thùng, “Tuổi Hoa” và “Tuổi Ngọc” mấy thùng. Nhiều năm tháng trôi qua, Hoài sống ở Saigon với biết bao biến cố trong đời mình, mệt bở hơi tai vì cơm áo gạo tiền. Nhiều lần về lại quê nhà và vài lần leo lên cái kho trên căn gác cũ, Hoài vẫn thấy mấy cái thùng nằm yên đó cùng bụi phủ mờ theo năm tháng. Quê nhà Hoài quá nhỏ, nên các chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy của chế độ mới đã không vươn tới cái kho bụi bặm này của gia đình Hoài. Hoài chưa từng mở mấy cái thùng ấy ra, dù biết gián chuột và mối mọt cũng chưa hề đụng đến nhờ không khí rất khô và nóng quanh năm suốt tháng trên căn gác. Hoài chưa từng mở mấy cái thùng ấy ra không phải vì không có thời giờ, mà vì quá ngậm ngùi buồn. Hoài yếu đuối, sợ mình đau đớn, sợ lòng tan nát khi mở ra những thùng carton chất chứa nhiều kỷ niệm của đời Hoài một thuở thanh xuân. Trong các thùng ấy còn có cả những tập thơ văn quay ronéo của bạn bè từ các bút nhóm gởi tặng, những giai phẩm xuân của ngôi trường thân yêu bảy năm trung học của Hoài, và một số sách cần cất giữ kín đáo được gói ghém thêm mang lên gác sau năm 1975. Cho đến một ngày tất cả tiêu tan thất lạc khi căn nhà xưa được các em còn ở lại quê nhà xây mới. Hoài ở xa, khi về thì đã không còn gì… Biết trách ai? Chính Hoài đã không tích cực dặn dò các em gìn giữ. Chính Hoài đã không lường trước được. Có ai lường trước được điều gì xảy ra cho đời mình, huống chi đây chỉ là những vật kỷ niệm của một sở thích rất riêng tư!

 

Hoài có phải là một người đọc tiêu biểu của miền Nam trong hai mươi năm ấy – nghĩa là có nhiều người đọc thuở ấy có hoàn cảnh tương tự như Hoài? Hoài thực lòng không biết; có thể là vậy mà cũng có thể không phải là vậy. Dù sao, cũng xin cảm tạ những người thầy, người anh đã “dẫn dắt” Hoài biết phải đọc gì từ thời mới lớn, để tâm hồn Hoài được phong phú an vui, một “tài sản” tinh thần quý giá còn mãi đến ngày nay qua bao cuộc “thương hải biến vi tang điền”.    

Ngọc Bút (Saigon 2015)

(*) Mưa Đêm Nay, thơ Trường Anh, nxb Đăng Trình, Saigon 1964. 

304Đen – Llttm –Sài Gòn thập cẩm

 

No comments: