Quê mình, Quê người
Nhớ những sáng đẹp trời đi uống cà phê vỉa hè Sài Gòn. Cô bé cà phê đon đã, “Hôm nay anh đẹp trai ghê”. Chà, hơn năm mươi rồi mà được gọi bằng anh, dù hơi ngượng nhưng cũng nghe lòng vui vui.
- Hôm nay cháu cũng đẹp ghê.
- Cám ơn anh Hai. Mai em thưởng
một ly miễn phí nhé.
Trời đất! mình khen nó, con bé hàng
xóm trọ học bán cà phê quán cóc ở đầu hẻm, được nó ban cho tiếng “anh”. Về,
sướng mấy đêm ngày liền. Vậy là sáng ra, mình ghiền cà phê.
Một thời gian không thấy nó bán nữa.
Và mình nhớ quay quắt hương cà phê đầu hẻm. Bây giờ em ở nơi nao, Hàn Quốc hay
Đài Loan…
Vừa rồi gặp nó chạy xe Dylan, mặc áo
vest văn phòng, hỏi ra mới biết nó đang làm kế toán cho một công ty lớn. “Em”
vẫn cười rất tươi, “Anh khỏe hôn”. Trời đất, thế mà tưởng…Mình tự xin lỗi về
những điều mình đã nghĩ về “EM”.
Ngày xưa có mấy nghệ sĩ ngoài Bắc,
Trung vào Nam làm thơ làm nhạc hay ra phết. Thi sĩ Nguyễn Bính trong Hành
Phương Nam, có câu Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc. À, thế
ra Nguyễn Bính chưa mê nỗi miền Nam, còn nhớ miền Bắc với những tâm giao,
kẻ ở ngoài đó. Hay là thời đó chưa có cà phê cóc, chưa có những cô bé mười
tám đôi mươi gọi thi sĩ bằng anh. Cho nên trong thơ tình Nguyễn Bính ở miền Nam
không thấy những hình ảnh như Hai người sống giữa cô đơn, hình như nàng có
nỗi buồn giống tôi. Đoàn Chuẩn thì khác, nhạc sĩ có hẵn một bản nhạc
cho một mối tình thật lãng mạn: Gửi người em gái Miền Nam, một bản
nhạc hay hiếm hoi của những chàng phương Bắc nhớ về phương Nam. Nỗi nhớ đến
cháy lòng:
Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ, miền xưa qua hương lan
Đường phố lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!
Năm ngoái về quê, đi uống cà phê.
Trong lúc chờ người bạn, ngồi một mình nhâm nhi. Buồn. Có cô hàng cà phê trạc
ba mươi tuổi, hỏi chú chờ ai rứa. Mình không trả lời mà khen: “Em nói giọng
Quảng Trị hay ghê”, kiểu như đã từng khen ở Saigòn. Cô nàng quắc mắt lên, môi
vễu ra xí một tiếng rồi quay ngoắt vào trong, cùng các bạn nhỏ to chi đó. Chắc
là có câu: “Cha già mất nết”.
Có lần ra Đông Hà đi dạo với đứa cháu
gái học sinh lớp mười một. Có đám con trai, chắc cũng cỡ hai mấy tuổi ngồi bên
đường khen: “Em đẹp quá em ơi”. Cô cháu mình quay lại đanh đá: “Đẹp cái ông nội
mi chơ đẹp”. Trời đất! Người ta khen mình phải vui chứ cháu, ai lại rứa. Con bé
giải thích, phải vậy cho chúng nó chừa cái thói chọc gái ngoài đường.
Có lần hai vợ chồng mình đi ăn cháo
bột. Quán đông, nghe mùi ném đã ứa nước miếng. Vợ chồng mình chọn bàn trong góc
để ngồi cho dễ…quan sát. Ngồi chờ gần mười phút chẳng có ai hỏi ăn chi.
Mình thấy người ta tự động lấy tô xuống bếp đưa cho chị ngồi vừa xắt bột vừa
múc cháo. Thấy vậy mình làm theo. Được hai tô. Cháo ngon quá, hai vợ chồng
quyết định “mần” thêm “chuyến nữa”. Vậy là mình lại lấy 2 tô mới khác xuống cho
chị bán cháo múc thêm, để 2 tô đã ăn xong lại cho người ta biết mà tính tiền.
Mình đang hý hửng bảo với cô bán cháo, một chị cũng gần 40, múp míp, da trắng,
ngực phì nhiêu, rằng: “Em ơi cháo bột em ngon nhất Việt Nam đó. Mấy mươi năm
rồi tụi anh mới ăn được ngon thế này, mà cô bán cháo lại đẹp nữa”. Cô ả quắc
mắt nhìn lên phán: “Vô duyên!". Rồi chăm chăm nhìn hai cái tô trong tay
mình phán tiếp: “Ăn uống kiểu ni ông nội ai rửa đọi cho nỗi”. Mình chợt hiểu ra
rằng phải lấy hai tô cũ xuống cho chị ta múc lại, đỡ phải rửa nhiều lần, mất
công mà cũng vệ sinh. Người đông thế mà không có ai tính tiền. Ai ăn xong cứ tự
nguyện xuống bếp trả tiền, tự kiếm nước uống và…về.
Tôi có người bạn ở nước ngoài
lâu ngày về Việt Nam cùng đi Hà Nội chơi cho biết. Phong cảnh và con người
Hà Nội thật lịch thiệp, bạn tôi thích lắm. Ngày xưa đọc Tự Lực Văn đoàn chúng
tôi thường mơ một lần đến Hà Nội, Hải Phòng để gặp Cô Mai trong Nửa Chừng
Xuân, Cô Loan trong Đoạn Tuyệt.
Anh bạn mê ngồi cà phê vĩa hè để ngắm
người Hà Nội. Vừa ngồi xuống tôi đã gọi hai ly đen đá. Bạn tôi lại đứng lên bảo
qua bên kia đường ngồi hay hơn. Tôi và bạn đứng lên xin lỗi chủ quán. Cô chủ
quán điềm nhiên, “Hai anh cho tiền hai ly đen đá”. Tôi cãi: “Cô chưa pha mà”.
Giọng cô đanh hẵn ra: “Gọi là phải tính tiền”. Tôi móc tiền trả. Lòng nao buồn.
Bạn tôi bảo, “kệ, trả tiền đi, bao nhiêu đâu”. Không phải là bao nhiêu,
đấy là cái tình giữa người mua kẻ bán.
Trở về Sài Gòn lại đi cà phê vỉa hè.
Cũng lại cảnh cũ diễn ra nhưng sự thể khác hơn. Khi cô hàng cà phê đang pha bốn
ly cho cả nhóm thì bạn tôi lại trở chứng. Lại bảo bên kia đường hay hơn. Tôi
lại đứng lên móc túi và xin lỗi. Cô nàng đon đã cười rất tươi, bảo: “Các anh
chưa uống mà. Lần này không vui lần sau sẽ vui vì các anh vui quá. Mời các anh
hôm nào có dịp ghé quán em nhé”. Vậy là bạn tôi ngồi xuống tán chuyện cùng cô
cà phê đến 24 giờ mới chịu rời quán. Hôm sau lại đến quán Cô - nàng – Zui Zẽ.
Có người hay phê phán mà không chịu
tìm hiểu ngọn ngành. Người Sài Gòn mua bán giỏi là tất nhiên. Từ thời Nam Kỳ
thuộc Pháp họ đã sống với “kinh tế thị trường”. Làm ra cái gì, bán cho ai,
bán thế nào để giữ khách là bài học thuộc lòng của họ. Còn miền Trung của tôi,
cuộc sống tự cung tự cấp, lấy gia đình làm nền tảng nên ít giao thiệp, mua bán
một cách bài bản. Trồng được giàn bầu giàn bí chỉ hái nấu canh, thừa thì mang
biếu hàng xóm. Tôi còn nhớ mạ tôi có khi cắt nửa trái bầu nấu canh, nửa còn lại
treo trên giàn, ruột ứa nước như khóc. Ngày hôm sau màu trắng ruột bầu ngà đi,
teo lại tội nghiệp. Trong lúc người Nam bộ họ trồng bầu cả mẫu, bán hàng chục
xe tải cho một vụ mùa. Họ còn bán chục mười hai mười bốn để lấy lòng khách. Còn
miền Bắc thì qua mấy thế hệ có biết mua bán đâu, chỉ đến cửa hàng thương nghiệp
mua theo tem phiếu. Khi vào kinh tế thị trường thì “phở quát”, “bia chờ’ phải
tồn tại một thời gian nhất định thôi. Nhanh hay chậm còn tùy vào sự hòa nhập
của từng con người, ngành nghề nữa.
Năm 1972 tôi vào Sài Gòn có quen một
em nữ sinh Gia Long. Mỗi thứ bảy chúng tôi thường hẹn nhau. Thứ bảy lần đó nhằm
ngày tết Đoan Ngọ. Tôi đứng chờ em trước cổng trường. Em dắt xe ra, bảo: “Hôm
nay chợ đắt lắm, em phải về chợ Đa Kao phụ má bán hàng. Hay là anh đi theo
em về chợ. Xong tụi mình đi chơi, nghen”. Tôi hơi bực mình nhưng thấy em
cười hớn hở cũng nguôi. Em lại bảo “Anh chưa thấy em bán hàng phải không, có
duyên lắm đó”. Em cho tôi địa chỉ cửa hàng thịt trong chợ Đa Kao rồi lên xe
biến mất. Tôi ngoắc một chiếc Ta xi chạy theo. Tôi lòng vòng một chặp thì đúng
là em đang mang tạp dề (tablier) đứng chặt thịt thoăn thoắt, vừa nói cười với
khách vừa làm việc. Thấy tôi em lại cười reo lên, “mời anh mua thịt”. Trên
khuôn mặt lấm tấm mồ hôi không hề lộ chút lúng túng, rất hồn nhiên. Em xem việc
bán thịt cũng như đi học. Áo dài trắng với phù hiệu nữ sinh Gia Long có thêu
lớp 12C trên đó và cái tạp dề phía dưới trông đáng yêu làm sao. Lại nhớ
những bạn “tiểu thư đài các” ngoài mình, sao mà ai cũng “sĩ” thế.
Nguyễn Đặng Mừng
304Đen – llttm -MT
No comments:
Post a Comment