Văn nghệ đứng đường
Một nhà làm báo tuyên bố : “Tôi không
dám dùng lối diễn tả bằng văn nghệ nữa, vì văn nghệ là một thứ đại xa xí phẩm
rất khó tìm khách”.
Ông ấy nói đúng theo tình trạng ở… nước khác.
Người Việt ta, không hiểu vì nghiệp chướng nào mà bận bịu mãi với văn
nghệ, từ anh trạo phu đến bác xích lô ai cũng ngâm thơ.
Có phải chăng là nhờ những người hoạt động trong ngành văn nghệ đã tìm mọi cách
để phổ-thông-hóa thứ đại xa xí phẩm ấy ?
Mà thật đó các bạn à ! Có một thứ văn
nghệ mà nhiều bạn của ký-giả gọi là “văn nghệ đứng đường” vì nó bị phơi nắng từ
sáng đến chiều ở các ngã ba đường cái. Nhưng bạn đừng tưởng ký-giả muốn ám chỉ
đến những hàng sách lộ thiên bày trên vỉa hè trước các rạp chiếu bóng. Không,
những hàng sách ấy chỉ bán những sách trinh thám nhập cảng vì mục đích chuyển
ngân lậu, và những sách xuất bản theo quan niệm làm tiền kinh khủng mà nhiều
báo đã tố cáo.
Ở đó người mua kì kèo bớt một thêm hai như mua cá, vì sách ghi giá ba mươi đồng
mà mặc cả một hồi rốt cuộc chị phải trả có năm đồng thôi. Văn nghệ đứng đường
chỉ trình diễn ở vùng Ông Lãnh, Xóm Củi, nơi tập trung các ghe thương hồ, và ở
những xóm lao động thôi. Nếu những hàng sách loại trên làm cho kẻ thức giả công
phẫn thì những hàng sách loại dưới, vì gương mặt mộc mạc của bìa sách, hay mời
bạn cúi xuống để mua. Đó là những quyển sách mỏng dị thường, ghi giá bao nhiêu
bán bấy nhiêu, nhưng không quyển nào để giá trên ba đồng cả. Bìa sách vẫn xanh
xanh đỏ đỏ nhưng đó là những màu xanh đỏ của dân tộc, chớ không phải “bảy màu
offset” của loại sách “đại giảm giá”, lai căng và trơ trẽn như me tây. Màu sắc
cổ sơ và nét vẽ vụng dại của bìa sách sao mà hòa hợp với đất nước như thế ! Một
ông chủ hiệu chạp phô kia đã gởi gắm rằng những ống tiền chế tạo theo hình thức
con heo đất đo đỏ vàng vàng bán chạy gấp trăm lần những loại ống tiền khác,
hình tủ sắt, hình đờn dương cầm, vân…vân…
Chi tiết thương mãi trên đây chứng tỏ rằng dân tộc chỉ thích hình dáng và màu
sắc dân tộc thôi. Nhà trình bày sách hành động vì mục đích thương mãi đã đành,
nhưng đã gián tiếp phụng sự văn nghệ, đưa nó một cách quyến rủ tới tay bình
dân. Cúi xuống xem qua, bạn ngạc nhiên biết bao mà nghe từ dưới ấy thở lên
những làn hơi lành mạnh nó như đưa bạn về những làng xa yên tĩnh, hay về những
thời xưa bình dị nào. Đây là những nhan sách lỏm bỏm nhớ được: Quả dưa hấu, Hòn
vọng phu, Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỵ Châu, Sự tích trầu cau, Thiếu phụ
Nam Xương, Nguyễn Biểu, Huyền Trân Công Chúa v…v… Thật là khác xa những nhan
giựt gân hoặc những nhan ẻo lả của sách “đại giảm giá” : Xác chết chạy đâu, Đầu
lâu đẫm máu, Liễu rũ bên hồ, Thôi còn đâu nữa mà mong v.v… Hầu hết những truyện
cổ tích Việt Nam, những nhơn vật lịch sử của ta đều được viết thành sách in bán
với giá thách đố cả mọi cạnh tranh, rẻ như một tờ báo hằng ngày. – Nhưng sách
ấy có văn nghệ hay không chớ ?
Các bạn cứ lật xem thì khắc biết :
Truyện rằng ngày xưa,
Hùng Vương mười bảy làm vua nước nhà.
Thái bình thạnh trị âu ca,
Dưới trên trăm họ thuận hòa yên vui.
Bữa kia bỗng có một người.
Lá khoai anh ngỡ lá sen,
Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu,
Thương người thục nữ bao nhiêu,
Khiến lòng quân tử chín chiều tương tư.
Vẳng nghe như ai “nói thơ” trong thôn xóm, hoặc trên một chiếc thuyền thương hồ
xuôi ngược nào, ở một thời mà Vọng cổ và Tân nhạc chưa ngự trị trên môi người
dân. Nên biết rằng thi phẩm Lục Vân Tiên ngày xưa cũng ở trong chợ văn nghệ
đứng đường ấy mà ra, thì biết đâu ngày kia các nhà phê bình lại không khám phá
được vài danh tác trong mớ sách ba đồng nói trên. Dầu sao, hiện giờ công dụng
của loại sách đó cũng đáng kể lắm rồi : ông Trần Bình Trọng đã lấn ông Tiết
Nhơn Quý và ông Trương Phi đã nhường chỗ cho ông vua Quang Trung.
Có một người thóc mách kề tai tôi mà nói nhỏ rằng những tên lạ hoắc ký ở bìa
sách đều là ẩn hiệu của thi sĩ Linh Lan tức là nhà văn Triệu Triệu. Gặp Linh
Lang tôi hỏi :
– Sao anh lại giấu tên ?
– Tôi viết vội quá, không biết nó có thành thơ hay không.
– Cứ nhận lì đi. Có cần gì những vần ấy thành thơ tuyệt tác đâu. Nếu có thành
thơ được thì quí còn rủi nó là vè đi nữa thì nội cái việc làm ra nó cũng đáng
mến phục lắm rồi. Tại sao anh không sáng tác những chuyện tình éo le, những câu
chuyện cướp rùng rợn lại nghiêng mình xuống kho tàng phủ bụi của dân tộc ? Mà
lại dùng lối thơ đặc Việt là thơ lục bát ? Có phải chăng là phụng sự…
– Lớn lối quá, tôi không dám mong.
Khách thưởng thức món văn nghệ đứng đường nầy là ai ? Cố nhiên là những người
bình dân. Nhưng có một hạng khách bất ngờ lắm, đó là học viên của các lớp phá mù
chữ. Học chữ xong, không sách đọc, mấy ông cụ, bà cụ ấy sau một thời gian ngắn,
quên tuốt cả i tờ. Vớ được một quyển Hòn vọng phu họ nghê nga cả ngày, đọc thơ
như đọc văn xuôi. Nhưng khi đọc chữ chạy rót, họ bỗng thấy như trước mặt họ một
chân trời mới lạ mở ra. Họ khóc gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, họ cười
ông Cống Quỳnh kỳ khôi, họ ngán cái ghen bóng ghen gió của chồng người thiếu
phụ Nam Xương. Tâm hồn và trí não của họ bỗng trở nên phong phú lạ kỳ. Một ông
cụ bùi ngùi than:
– Trời ơi, đến bạc đầu tôi mới biết được thứ nầy.
Bình Nguyên Lộc (NHÂN
LOẠI, 1957)
No comments:
Post a Comment