Tuesday, February 9, 2021

Êm Đềm - Không đề tên tác giả

 Êm đềm




Hồi tưởng nhiều mai, dưới ánh dương,

Em vừa tỉnh giấc, dậy bên giường,

Mẹ em đôi mắt đầy âu yếm,

Vây bọc chim khua, rộn giấc hường.

*

Vạn buổi êm trời, dịu mát hương

Chưa bằng đôi mắt chứa yêu đương!

Mẹ hiền tựa cửa, khi chờ ngóng,

Em thấy lòng vui, lướt dặm đường.

*

Cũng có nhiều đêm, gió rít vang,

Mẹ em ốm nặng thức trong màn,

Em ngồi mơ sách người xưa ước,

Nếu có thì em cũng ước tràn.

*

Nếu có thì em: “ước mẹ lành,

Cha cho nhiều bánh với nhiều tranh,

Cây me cao quá, bên vườn bác,

Nghiêng xuống cho em bẻ một cành”.

*

Có lắm hoàng hôn, mải cợt đùa,

Quên rằng bãi bể sóng chiều khua.

Và nhà cơm đợi, chờ em vắng,

Em sắp hàng năm, để chạy đua.

*

Rồi đến trăng nhô mới vội về,

Cha cười, song cũng chỉ roi đe:

“Mai còn chơi chậm thì con liệu

Sắm sửa vài mo để đón che”.

*

Ai có như em, một ấu thời?

Đi tìm bướm bắt để nuôi chơi,

Búp bê đem tắm hơ cho ấm,

Lửa bén vèo! Thôi, cháy mất rồi!

*

Rõ là em cũng quá lôi thôi,

Ai chả còn ghi quãng ấu thời,

Đằng đẵng đường trường cơn gió bụi,

Duy còn ôn lại những ngày vui
 

Tôn Nữ Thu Hồng, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1922 tại Tourane (Đà Nẵng), nhưng quê quán gốc là làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Bà thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, trước học ở Tourane, sau vào học trường Đồng Khánh.

Năm 18 tuổi (1940), bà cho xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng là duy nhất): Sóng thơ. Tập thơ in đẹp (chưa rõ tên nhà xuất bản), có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa.

Giới thiệu Thu Hồng, quyển Thi nhân Việt Nam có đoạn viết:

“… người có cái ý rất đáng quý là diễn đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có thể vì thế mà giọng nói của người có vẻ ngọng nghịu rất ít có trong thơ ta....

Thực ra, Thu Hồng cũng chỉ là trẻ con ở cái giọng, khi người ta muốn sống hoài trong thời thơ ấu…(vì) người thiếu nữ ấy đã biết tình yêu là "mầm chán nản" và người ước ao:

Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,

Chớ len vào sớm quá, tội em mà!

Em nghe như thời ấy vẫn còn xa,

Em chầm chậm để mong còn xa mãi,

Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,

Hòa nồng hương mà trái lắm khi chua.

Thật là ngây thơ trong trắng :

Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động,

Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời.

Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời,

Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt!

Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,

Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.

Tơ lòng với đẹp đêm nay

Rộn ràng thổn thức vì say nhiệm màu.

(Sóng thơ - Tơ lòng với đẹp)

Lúc ấy chỉ ngoài 20 tuổi, nữ sĩ đã bắt đầu nhận thức được cái kiếp ngắn ngủi và buồn tẻ của con người, diễn tả qua bài thơ "Lịch".

Lịch

Lịch trên tường mỗi ban mai tay xé,

Xé dần, đem vứt xuống giỏ mây đan.

Phải đây là xác chết của thời gian?

Mỗi tờ xuống, một ngày đi biệt tích?

 

Tay ngần ngại cũng thôi đành vô ích,

Lúc bình minh trong sương sớm chưa phai

Là giấy biết thân mình không thể gắng

Người đâu khác dẫu trăm ngàn cay đắng,

Vói tay dài mong níu lại ngày đi

Ý điên rồ người đeo đuổi làm chi,

Tờ mỏng quá, khác đâu ngày qua chóng!

Tình lưu luyến khiến âu sầu phấp phỏng

Lịch cùng ta nào có khác chi nhau?

*

Lịch hàng năm đem thay đổi một màu

Người một tuổi chớ mơ mòng lui lại

Lịch còn mãi, đời đâu dài được mãi?

Tờ rã tan ra tro bụi chôn vùi...

 

Một giọng thơ tinh tế sâu đằm. Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942). Năm 1968, bà lại được Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), xuất bản tại Sài Gòn. Và theo sách này, thì nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng đã chết trong một trường hợp bi đát.

Thu Hồng là trí thức nói tiếng Pháp thành thạo, nhà cô thường tụ tập các thanh niên trí thức. Cô bị nghi ngờ làm gián điệp cho Tây, bị công an Việt Minh bắt, giam giữ và tra khảo mấy tháng trời, không lấy được cung. Cuối cùng, giết nhầm còn hơn bỏ sót, cô bị thủ tiêu giữa rừng Thừa Thiên. Nàng thơ ra đi ở tuổi 26. Năm đó là tháng chạp năm 1948.

Trên đây là phần thứ nhất trong một tài liệu rất dài về các nhà văn học bị sát hại trong thời kháng chiến như Nhượng Tống, Khái Hưng v.v...Nội dung và dàn bài không khác với mục Thu Hồng của Wikipedia.

Không đề tên tác giả

304Đen – Llttm - Mt68

No comments: