Thiên Đàng Treo Đứt Dây – Cù Lao Rồng
Tặng TMHT
Một người đồng hương tìm đến thăm tôi bất ngờ và kể cho tôi nhiều chuyện
bất ngờ về quê tôi bây giờ: Mỹ Tho.
Mỹ Tho của Thủ Khoa Huân ngâm thơ lúc lên đoạn đầu đài. Mỹ Tho, vùng đất
nghiêng hứng phù sa của những nhánh sông Cửu Long bát ngát. Mỹ Tho có hòn đảo
dài nằm phơi nắng giữa sông như con rồng nằm bất động chờ sấm sét sẽ vùng lên
bay về trời.
Thị xã Mỹ Tho, một thị xã phồn thịnh lạ lùng, nằm bên ven sông ngày đêm mơ màng
trong tiếng còi tàu đến từ Lục Tỉnh. Những cánh buồm trắng no căn, những chuyến
bắc khổng lồ chở đầy ấp xe hơi lẫn khách lại qua như mắc cửi. Thị xã lắng nghe
tiếng chuông chùa Vĩnh Tràng ngân nga. Thị xã với những xe cà rem lắc chuông
vui hơn bất cứ nhạc Tây nhạc Tàu nào. Thị xã với những xe lăn bánh mì pâtê
tuyệt vời, ăn ngàn năm còn nhớ. Thị xã với mái trường trang nghiêm, với những
ông thầy bản xứ khó tính đáng sợ, và những giáo sư người Pháp thân ái dễ thương
hơn.
Tôi rời Mỹ Tho vào một ngày nào không
nhớ nữa, nhưng ngày đó là ngày tôi xa vĩnh viễn ghế nhà trường. Chiếc Bắc khổng
lồ bị quân Nhật sung công sau khi đã chiếm thị xã không tốn một phát súng từ
tay quân Pháp. Tôi được bố tôi rước về trên chuyến thuyền chèo. Và đó là lần
đầu tiên tôi biết thế nào là nhảy sóng. Khi thuyền qua đầu cù lao tôi trông
thấy chiến hạm Amiral Charner bị máy bay Nhật đánh chìm hôm trước nằm nhóc mỏm
khỏi mặt nước như một chú cá voi khổng lồ trong bài học Cách Trí ở nhà trường.
Chốc đây mà đã 44 năm… Ngày tháng đi
nhanh, tàn nhẫn. Bây giờ cậu học trò Mỹ Tho sau mấy chục năm trôi nổi, đã biến
thành dân tị nạn xa nước 15 năm, cho nên lấy làm hạnh phúc khi được nghe một
người đồng hương vượt biển kể cho nghe những nơi xưa chính mình đã sống và rất
đổi ngạc nhiên khi nghe những chuyện ở quê nhà ngày nay mà tưởng chiêm bao:
“Buồn lắm anh ạ! Bắc Rạch Miễu đã dời
xa bến cũ. Nhà nước giải thích rằng làm như thế sẽ tạo ra công ăn việc làm cho
dân. Đúng vậy, bây giờ ở bến Bắc có rất nhiều xe ôm. Trước kia, Honda ôm, bây
giờ xe đạp ôm. Trước kia đàn ông chạy, bây giờ đàn bà cũng chạy xe ôm. Anh cứ
tưởng tượng đàn bà chở khách đàn ông! Nhiều công ăn việc làm cho cả xe đạp! Bây
giờ xe đạp có thể chở thuê sáu cái mái đầm loại lớn ngày xưa mình dùng đựng
nước mưa trong nhà. Qua bên này không có lu mái, anh có còn nhớ cái mái bên
mình không? Anh có tưởng tượng được là sáu cái mái được kiềng vào xe đạp và chở
đi từ Mỹ Tho qua bắc Vàm Cống rồi về tận Cần Thơ không? Nhưng chưa lạ đâu! Để
tôi kể cho anh nghe về một cái kỳ quan khác. Anh nhớ hồi trước loại bao bố chỉ
xanh của chệt phá bao các vựa lúa nhà giàu? Mỗi bao đựng hai giạ rưỡi lúa. Họ
kết hai cái làm một để chở cho nhiều. Mỗi người chở bốn bì than, tức là bằng
sức chứa của tám chiếc bao chỉ xanh. Chính tôi cũng không tưởng tượng được
nhưng đó là sự thực. Nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng chưa ghê gớm. Trên đường đi,
một chiếc xe bị bể bánh. Để tương trợ, một người gồng luôn bốn bì than của bạn
đồng hành. Nhưng vẫn chưa đáng sợ! Anh ta còn kênh luôn chiếc xe bể bánh lên
tám bao than. Tức là ngang với sức chứa của 16 bao chỉ xanh cộng thêm một chiếc
xe đạp cơi trên ngọn. Nhưng lại cũng chưa hết mức. Anh ta để cho ông bạn đồng
hành ngồi chồm hỗm trên ngọn đống bì than kia vịn chiếc xe đạp. Và cứ như thế
mà đạp boong boong trên đường như một trò xiếc. Đồng bào hai bên đường tha hồ
xem khỏi mua vé! Gần mười năm giải phóng miền Nam, người Bắc đã biểu diễn toàn
bộ cái ưu việt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa anh ạ! Có nhiều nghề kinh hãi vô
cùng. Một trong những nghề đó là nghề móc bao! Anh biết không, những bao
ni-lông xài hồi thời Việt Nam Cộng Hòa vứt ra đống rác cũng chung số phận của
người “dân Ngụy”, tức là chúng không được sống yên để hóa thành phân. Người dân
ngụy bị hành tội đủ bề đủ cách, cũng như những bao ni-lông được những chiếc cù
móc lôi ra, đem giặt sạch để dùng lại. Đó là một nghề hèn mọn, nhưng đói thì
đầu gối phải bò. Đàn bà còn chạy xe ôm nữa là! Nhưng dù nghề mọn mà lắm khi gặp
may. Có người móc gặp xác chết đâu thời Mậu Thân có đeo nhẫn vàng. Thế là người
ta ùn ùn thi đua làm nghề “móc bao”. Tội nghiệp, có nhà sư trước kia xây ngôi
chùa nhỏ trên một cái nền mà tiền kiếp là một bãi rác. Dân làm nghề móc bao
ngày nay cứ đến móc. Móc sạch hết bãi rác họ móc vào nền chùa. Họ tìm được
những thứ quý giá hơn bao ni-lông cũ như chai lọ, thùng thiếc, sắt vụn, bù
loong. Thế là họ cứ móc, móc ngắn không tới họ dùng móc dài. Nền chùa mất chân
đứng. Một vài trận mưa đến. Ngôi chùa đổ! Tôn giáo điêu linh vì chánh quyền,
chùa sập vì nghề móc bao!”
… Anh bạn kể rất nhiều chuyện. Càng
nghe tôi càng kinh ngạc. Đồng bào tôi bây giờ đã biến thành những người gì rồi?
Nhưng, tất cả những kỳ quan ở trên
không làm tôi sững sốt bằng câu chuyện sau đây. Chính những cán bộ cộng sản kỳ cựu ngày nay cũng đã ên ẫm với cái chủ
nghĩa tuyệt vời, những lãnh tụ thần thánh của họ rồi. Dân không thể húp mãi mắm
kho độc lập, tự do, hạnh phúc, chế tạo từ cái bếp Ba Đình, ngày nay cứ vài năm
được hăm lại và được vứt thêm vài mẩu xương da thừa, từ bữa ăn của Bộ Chánh
Trị, để đấm mõm thằng dân, càng đói càng bất mãn.
Và chính những cán bộ giải phóng kỳ
cựu là những người sốt ruột nhất muốn giải phóng miền Nam lần nữa. Và lần này
bằng BÀN TAY NGỤY MIỀN NAM.
* * *
– Dạ ở đây là đất Nam, người Nam xưa
nay có ai hiểu lầm chiếc “ghe” ra chiếc… gì?
– Anh phải đổi ra nà “Hợp tác xã đóng
thuyền” cho đúng với công tác.
– Dạ nếu chúng tôi để hợp tác xã đóng thuyền thì lại bị nghi ngờ là tổ
chức vượt biên.
– Anh cứ nghe nời tôi, ai nói gì thì có tôi chịu! – Lần này hắn bỏ đi không
nhậm nhầy bới chuyện nữa.
Ông phó chủ nhiệm hợp tác xã đóng ghe
chào hắn rồi trở vào bào gỗ mà tưởng chừng bào ruột gan mình. Đau xót cho dân
tộc mình quá đổi truân chuyên. Bốn mươi năm máu lửa. Hòa bình rồi vẫn chẳng
được yên thân. Vì cái đám ngợm này.
Những chuyện trái cựa trở thành
chuyện bình thường. Những chuyện đấm đá giữa Bắc Nam trở thành tượng trưng cho
sự nhất trí trong ngoài đảng. Chuyện giết nhau rồi đọc diễn văn kể công đức dài
nhằng được coi là thời trang xã nghĩa.
Cái hợp tác xã này tiếng rằng hợp tác
xã nhưng chỉ có hai nhân công thường trực: Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm. Hai
người khác chính kiến bỗng thấy gần nhau trong việc đóng ghe cho dân đi chở
lúa, đi câu, đi chài lưới. Hai thằng Nam Kỳ dễ cảm thông trên mảnh đất quê nhà.
Họ không nói chánh sách, cũng không gợi chuyện đã qua, họ chỉ lo sả cây, bào
gỗ, đóng đinh… ghép những mảnh ván vào nhau.
Chập sau thì ông chủ nhiệm lọc cọc chõi gậy về tới. Ông đi mua gỗ của
một ngôi nhà giàu xưa bị giật sập từ năm 1945 khi Việt Minh cướp chánh quyền,
như một bộ xương khủng long nằm chình ình đó mạnh dân xóm dân xóm rút, mạnh du
kích du kích lấy.
“Thằng Nanh tới, anh Năm!” Ông phó nói ngay khi ông chánh vừa vào.
Ông chủ nhiệm dựng nạng hỏi ngay:
“Nanh nào? Già hay trẻ? Lâu nay tôi
chưa chạm trán đám này lần nào!”
“Nanh trẻ.”
“Nó moi móc kiếm chác cái gì hả?”
“Nó bảo sai căn bản cái tên Lam Sơn.”
“Nó nói sao?”
“Nó bảo Lam Sơn là phong kiến, xổ
toẹc luôn!”
“Hơi nào mà nói với dòi.”
Chủ nhiệm Năm Thôn là cán bộ tập kết
về Nam, gốc gác tại đây. Theo Việt Minh hồi 19, 20 tuổi. Trở về đầu đã bạc
trắng không vợ con gì ráo. Cha mẹ đã qua đời từ lâu, anh chị em thì tứ tán. Mấy
thằng em trai ngụy quân thứ dữ đi cải tạo chưa về. Ông nhờ bà con tìm cho một
cô gái lỡ thời hay một người đàn bà góa, ngụy cũng được. Ông phó chủ nhiệm
thương tình đi tìm dùm nhưng Năm Thôn đã có tuổi lại thương binh nên coi mòi
rất khó. Năm Thôn đưa tay cào mớ tóc muối tiêu và nói:
“Chính cuộc cách mạng này mới hỏng từ
gốc chú ạ!”
Năm Thôn gọi ông phó bằng chú như em.
Năm Thôn ỷ có gốc vững chắc nên nói năng không cẩn thận như người khác. Năm
Thôn tiếp:
“Tưởng giải phóng xong mọi cái đều
khá, ai dè còn tồi tệ hơn hồi trước. Cái tụi Bắc Kỳ này còn khó chịu hơn đám
hội tề của Tây. Tôi có sống với tụi nó tôi biết. Tôi không nói gian đâu. Chú
biết tại sao nó bảo mình sửa tên không? Là vì chúng nó thấy mình vừa bán được
mấy cái ghe mới, mà sao không đấm mõm chúng nó, nên thằng Nanh già gởi thằng
Nanh trẻ xuống khơi mào đó. Được rồi, để tao đấm cho!”
Nanh già là trưởng Ban Thuế Vụ. Hắn
có cái răng chó khểnh lòi bên mép. Hắn lại có tánh đảng phú là ăn bẩn nên đồng
bào gọi thẳng hắn là thằng Nanh. Vì dưới trướng hắn có thằng nhãi kia nên đồng
bào gọi hắn là Nanh già cho khỏi lầm. Trong vùng này còn có câu hò để tặng đám
rắn “trun ươn” thối này.
Công An, Thuế Vụ, Kiểm Lâm
Ba thằng giặc ấy nên đâm thằng nào
Đồng bào ơi hỡi đồng bào
Ba thằng giặc ấy thằng nào cũng đâm.
Ông phó thấy ông chánh nổi nóng thì
năn nỉ:
“Thôi anh Năm à! Một câu nhịn chín
câu lành. Quyền sanh sát trong tay người ta. Nhỡ có bề gì, bể nồi gạo, nguy
lắm!”
“Tụi này tui rành quá chú ơi! Tôi ở
ngoài đó gần hai mươi năm mà. Mềm nắn rắn buông. Mình sụt cà lui nó tiến tới.
Bữa nay con gà, bữa mai đùi heo đấy! Tôi không có ngán tụi nó đâu!”
Ông phó vẫn nhỏ nhẹ:
“Anh không ngán chớ tui sợ anh Năm à!
Tui là chim bị đạn mà anh. Người ta ném truyền đơn phục quốc vô xưởng là tôi
trở lại trại mút mùa.”
“Có tôi chú đừng sợ. Chế độ này là
chế độ dân chủ, không phải chế độ…” Năm Thôn muốn chọn chữ cho đúng nhưng anh
lập bập rồi ngưng luôn.
Đúng ngày hẹn, thằng Nanh trẻ lại
đến. Hắn nổi cáu ngay khi thấy tấm bảng còn y nguyên như khiêu khích nhà nước.
Hắn đi vào xưởng định gặp ông phó mà hắn cho là dễ bóp. Nhưng lại đụng một ông
già đang ngồi bào gỗ, hắn chắc là người làm công.
“Ê, phó chủ nhiệm có nhà không?”
“Tôi là nhân công, tôi không biết gì
hết.”
“Thế còn ông chủ nhiệm đâu, lâu nay
không thấy lên sở thuế.”
“Tôi cũng không biết! Nhưng hai ông
ấy có ủy quyền cho tôi hôm nay giải quyết mọi việc của hợp tác xã. Hai ổng đi
mua cây tối mới về.”
Ông già vừa bào gỗ vừa đối đáp, không
coi ông cán bộ thuế quan trọng. Thằng Nanh bước lại tự kéo ghế ngồi và hất hàm:
“Họ có nói cho ông về vụ tấm bảng tên
hợp tác xã không?”
“Dạ có chớ. Hai ổng dặn tôi là bữa
nay cán bộ tới.”
“Sao họ chưa đổi tên như tôi đã bảo.”
Ông già chẫm rãi đáp:
“Cái sự đổi là nhất định phải đổi
rồi, nhưng muốn cho hợp với ý của ở trên chúng tôi muốn chọn cái tên nào thật
có ý nghĩa, chúng tôi thích mà ở trên cũng hài lòng, một lần chữa một lần tốn
tiền, nên chỉ chữa một lần thôi. Vì thế hai ông chánh phó hợp tác có đưa cho
tôi mấy cái tên để tôi trình bày với cán bộ xem cán bộ ưng cái nào thì kẻ cái
ấy lên bảng.”
Thằng Nanh móc sổ tay rút bút máy ra
chuẩn bị ghi. Ông già nói:
“Tên thứ nhất là NAM SƠN thay vì LAM
SƠN. Chúng tôi chỉ thay có một chữ, chữ L đổi ra chữ N. Như vậy ít tốn tiền mà
vẫn có ý nghĩa.”
Thằng Nanh không ghi mà trợn mắt, xua
tay lia lịa:
“Không được! Không đượ… ợc! Cái tên
này nghe có mùi phục quốc.”
“Sao có mùi phục quốc ạ?”
“Hiện giờ chúng nó đang chui rúc
trong các vùng rừng núi như Thất Sơn, Bà Đen, để chiêu binh mãi mã theo kiểu Nê
Nợi chờ ngày khởi nghĩa. Nam Sơn với Lam Sơn thì có khác gì nhau. Vả nại đây là
vùng đồng bằng nàm gì có lúi. Đỉnh lúi nhô nên như chọc vào mặt mũi chế độ tức
nà chống đối.”
“Nam Sơn không được thì Phi Long.
Được không?” Ông già cười nói.
Thằng Nanh nheo nheo một chút rồi
lắc:
“Tên này cũng không ổn đâu, nghe nó
chương chướng thế lào ấy!”
“Chướng thế nào ạ?”
“Nong là rồng. Rồng nà tượng trưng
cho phong kiến!”
“Hà Nội xưa kia gọi là Thủ đô Thăng
Long lừng lẫy thì sao?”
“Hồi xưa kia! Bây giờ đâu có ai gọi
nữa. Cũng như Sàigòn vậy. Bây giờ có ai kêu nà Sàigòn đâu. Sàigòn đế quốc đặt
cho. Bây giờ cách mạng thành công, đất nước thống nhất rồi nhân dân gọi nó bằng
tên bác kính yêu.”
“Vậy sao tôi nghe dân chúng nói “đi
Sàigòn” chớ không có ai nói tôi đi “thành phố Hồ Chí Minh” cả vậy?”
“Đó là dân nạc hậu. Nại nữa…” Hắn trở
lại “Cái chữ Nong đi cặp với chữ Phi lại càng nguy hiểm cho mấy ông. Phi là
bay. Đất nước được độc lập rồi còn bay, bay đi đâu? Vượt biên à? Các ông treo
cái bảng đó buổi sáng thì buổi trưa công an tới hỏi thăm. Không được đâu! Chọn
tên khác ngay đi! Đừng ngoan cố nữa!”
Ông già nói:
“Tụi tui ít chữ nghĩa nên không biết
thế nào cho trúng cái bụng của nhà nước, nên ông chủ nhiệm trước khi ra đi có
dặn, nếu cán bộ không chịu mấy tên ấy thì lấy tên “Thủ Khoa Huân” là tên nhà
cách mạng ái quốc được dùng cho tỉnh nhà như các tỉnh bạn lấy tên Đồ Chiểu,
Nguyễn Trung Trực đặt cho tên tỉnh họ hồi 45.”
“Thủ Khoa Huân lên đoạn đầu đài còn
ngâm thơ, ông ấy anh hùng thật nhưng so với Nguyễn Văn Trỗi thì thua xa. Ông
biết tại sao không? Nà vì Thủ Khoa nhà ta không có hô Hồ Chí Minh muôn năm như
Nguyễn Văn Trỗi. Nấy tên đó thì được nhưng sợ nhân dân không mua thuyền của các
ông nữa…”
“Vì sao?”
“Vì họ sợ xui, mua thuyền của hợp tác
xã mang tên một người chết.”
“Vậy thành phố Sàigòn mang tên người
sống?”
Thằng Nanh vốn lém lỉnh (bố mẹ hắn
biết vậy nên đặt tên nó là Lanh) nên chỉ trong hai ba cái nháy mắt, hắn đã tìm
được câu trả lời:
“Ông ấy chỉ nà phiến noạn đâu phải
nhà cách mạng như Bác. Nếu các ông chưa nghĩ ra, tôi sẽ chọn cho một cái tên
tuyệt đẹp vừa hợp với trào xã nghĩa vừa có tính cách nghệ thuật hấp dẫn khách
hàng.”
“Dạ cảm ơn, tôi còn có một tên cuối
cùng ạ, để cán bộ coi có hạp không. Nó vừa nghệ thuật lại vừa hợp với nồi niêu
xã nghĩa mình lắm.”
“Trào niêu không phải nà lồi liêu!
Ông lói bậy bạ quá! Tên gì?”
“Cù Lao Rồng! Ha!… á!” Ông già phá
lên cười.
Thằng Nanh bất ngờ không biết đối phó ra sao cũng không hiểu lý do gì mà
ông này lại nêu ra một cái tên kỳ quái vậy? Cù Lao Rồng, hắn có nghe nói, hắn
nhìn thấy nó hầu như hằng ngày nằm giữa sông “Kiểu Nong” kia nhưng hắn không
hiểu gì về nó cả.
“Ní nịch cái cù nao ra sao?”
“Ní nịch hả?” Ông già cười đắc chí
“Kể thì rất dài, nhưng tóm tắt thì thế này. Đó là một cù lao lớn nằm giữa sông
Tiền Giang, giống hình con Rồng, cho nên có tên gọi là Cù Lao Rồng, ngày xưa
thực dân Pháp đem những người cùi nhốt cách ly ở đó. Nhưng dần dần những người
cùi đều chết hết, cù lao trở lại cuộc sống bình thường. Nhờ phù sa bồi đắp cho
nên cây vườn xanh tốt bạt ngàn… Nhưng sau 75 thì bọn cùi sống lại.”
“Tại sao thế?” Cán Nanh ngạc nhiên
hỏi.
“Cùi ngoài Bắc tràn vô.”
“Ở ngoài đó chánh phủ nhốt chung một
trại nàm thao chúng vô đây được?”
“Ồ được chứ! Chúng vô hàng đàn, hàng
lũ, lớp luồn trong đường kín, lớp đi bằng xe môlôtôva, lớp thì leo tàu hỏa lớp
lại đi xe hơi…”
“Trại cùi miền Bắc đã vỡ ra mà sao ta
không biết? Nạ thế?
“Biết làm sao được mà biết!” Ông già
hứng thú nói thao thao bất tuyệt trước cặp mắt mở tròn xoe của tên cán ngáo
“Chúng nó khôn lắm, chúng nó đâu có nói với người khác rằng chúng nó bị cùi!
Chúng nó mặc áo, chúng nó đội mũ, chúng nó mang giầy như mọi người. Hơn thế nữa
chúng nó mặc áo cán bộ Mao Trạch Đông, chúng nó mặc áo quân đội chánh quy,
nhiều tên lại đeo lon đeo gáo.”
“Nếu tôi biết, thì tôi cho nhà lước
hay để chận nại ngay!”
“Không tài nào! Không tài nào!” Ông
già ngưng tay bào nhìn hắn, cười khảy.
Thằng Nanh lém lỉnh vặt nhưng lại chậm hiểu. Nghe ông già kể chuyện kỳ lạ, hắn
cho đây là một cơ hội ngàn năm có một lập công dâng đảng, hắn hỏi phăng xem đám
cùi đó là ai.
“Ông biết bọn cùi đó đang trốn ở đâu
bây giờ không?”
“Để làm gì chớ?”
“Để bắt gom về Cù Nao Rồng như trước!
Ông không biết bệnh cùi nguy hiểm nhất thế giới, chưa thuốc nào trị nổi à?”
“Tôi biết chớ sao không biết, nhưng
mà bây giờ chúng đã lẫn lộn trong dân cả rồi, thằng thì làm chủ tịch thành phố,
thằng phó bí thư tỉnh ủy, thằng thì trưởng phòng thuế vụ, trưởng ty, giám đốc
sở, nhưng cũng có thằng chuyên môn moi móc trong quần… chúng kiếm ăn.”
“Những thằng lào tồi bại vậy?”
“Chính mày, chính chúng mày!” Ông già
trỏ mặt thằng Nanh. “Chính bọn cùi chúng mày kéo vào đây cả bầy dẫm nát quê
hương tao.”
Thằng Nanh hốt hoảng lật bật bị vướng cái ghế té ngửa chổng cẳng lên
trời, loay hoay mãi mới lồm cồm ngồi dậy được. Hắn vừa thụt lùi, vừa trỏ mặt
lão già, quát:
“Tên lày niên hệ phục quốc! Tên lày nàm noạn! Thằng chủ nhiệm của mày sẽ niên
nụy với những phát ngôn phản động của mày.”
Ông già vỗ ngực:
“Tao là chủ nhiệm đây! Mày muốn gì?”
“Mày niên nạc với tên ngụy phó chủ
nhiệm để chống chế độ!”
Ông già cười xòa:
“Chính mày mới là thằng chống chế độ.
Thằng công an nào sáng suốt phải còng đầu mày. Chính mày, dòng họ mày, là những
tên cùi xổng ra khỏi cái trại cùi vĩ đại của miền Bắc mang bịnh cùi vào lây ra
hại khắp miền Nam tao. Chính lũ mày phá nát cách mạng, chính chúng mày là những
tên phải được bắt bỏ vào Cù Lao Rồng sớm ngày nào tốt ngày ấy, chẳng sớm thì
muộn nước Việt Nam sẽ trở thành một Cù Lao Rồng.”
Tên Nanh run từng thớ thịt. Từ ngày
mang “mác” cán bộ thuế vụ tới nay, hắn hoạnh họe từ cô gái quê bán tép đến bà
cụ bán vỏ dừa khô, muốn gì được nấy, ai cãi lại hắn là “chống chế độ”, cho nên
thằng Nanh trẻ lẫn thằng Nanh già trở thành Thần Nanh đỏ mỏ. Hôm nay là lần thứ
nhứt có một ông già chửi hắn là thằng cùi. Lão chống chế độ ác liệt!
Hắn quát để tự trấn tỉnh:
“Tao sẽ kêu công an còng đầu mày!”
“Hề hề!” Lão già đứng dậy tụt quần,
nẩy ngửa “Lại đây còng cái này nè!”
Thằng Nanh đứng sững sốt. Lão già vẫn giữ nguyên vị trí cũ và chậm rãi nói:
“Tao làm cách mạng hồi ông nội mày chưa đẻ tía mày. Cờ búa liềm đầu tiên ở chợ
này tao treo đó, nói cho mày hay. Đồ con nít biết gì! May muốn đi dự tiệc chiêu
đãi kỷ niệm Nam Kỳ Khởi Nghĩa không? Để tao gọi tỉnh ủy đem xe tới rước, rồi
mày đi với tao nghe!”
Lão chủ nhiệm kéo quần lên quơ lấy
cặp nạng gỗ chống đi ra khỏi cái bàn bào, đứng một chân vung nạng lên, chỉa vào
mặt thằng Nanh, quát tiếp:
“Cút! Cút! Tao không muốn thấy cái
mặt của chúng mày ở xứ tao!”
Ông phó chủ nhiệm được lệnh ông chủ
nhiệm lánh mặt ra sau xưởng. Khi thấy cuộc “đối thoại” về cái tên hợp tác xã đã
trở thành cuộc xung đột thì ông chạy ra can. Ông vốn quen chịu đựng những
chuyện trái cựa quái quắc trong trại, nên ông có tính uyển chuyển hơn ông
chánh. Ông vừa can ông chánh, vừa năn nỉ, và xin lỗi “dùm” ông chánh. Nhờ thế
ông đại cán gáo có đường rút lui trong danh dự. Ông phó đi theo ra tận ngoài
đường, tìm cách vuốt giận ông trung ương. Giả dại qua ải chẳng nhục gì.
Ông phó nói:
“Sớm muộn gì tôi cũng đổi tên hợp tác
xã ông ạ.”
“Ừ, ông lên niệu mà thay sớm đi,
không, không xong với cách mạng đâu!”
“Tên gì xin ông cho chúng tôi một
cái!”
“Quyết Tiến, Quyết Thắng, Cờ Hồng,
Sao Vàng… thiếu gì danh từ cách mạng. Ở miền Bắc các hợp tác xã công nghiệp,
nông nghiệp nhờ đeo các tên đó mà xây dựng xã hội chủ nghĩa nổi đình, nổi đám
đó chớ!”
“Vâng. Tôi xin bỏ cái hiệu Lam Sơn,
Nam Sơn lẫn Phi Long và Cù Lao Rồng ạ!”
Thằng Nanh tiu nghỉu ra về không thuật chuyện mình bị bỉ mặt, chỉ phóng đại
việc hợp tác xã đổi tên cho Nanh già nghe. Chúng coi đó là một chiến thắng mới
của cách mạng trong hòa bình, hơn nữa chúng đã tiêu diệt được một ổ phục quốc
nguy hiểm nhất: cán bộ tập kết hồi hương móc ngoặc với ngụy quân.
Buổi chiều, sau khi đóng cửa xưởng,
hai người bắc ghế ra sân nhậu suông.
Chưa bao giờ ông Năm Thôn buồn như hôm nay. Gần 60 tuổi đầu, với danh hiệu
chiến sĩ Nam Kỳ Khởi Nghĩa 40, đảng viên, kháng chiến chống Pháp, vượt Trường
Sơn, chống Mỹ kỳ cùng, bây giờ 6 ký gạo mua theo phiếu hàng tháng, kèm vài lạng
đường cát khi có khi không, còn vợ con thì hoàn toàn không có.
“Pháp cai trị, chống Pháp; Mỹ vô
chống Mỹ, hòa bình rồi, chống nạng! Đúng là tôi theo sát khẩu hiệu “ba chống”
của nhà nước!”
Rồi ông cười nhạt, cặp mắt rưng lệ:
“Tôi không đòi hỏi cách mạng đền bù
sự hy sinh của tôi. Cách mạng nào mà không cần sự hy sinh của nhân dân, cán bộ,
phải không chú? Nhưng tôi đòi hỏi người ta trả lời cho những hy sinh ấy. Để làm
gì? Để Làm gì? Phải chăng để bọn cùi hủi này gieo mầm bệnh khắp đất nước? Chú
thấy đó, thằng Nanh nhằm bóp cái hợp tác xã tèng xí này đâu phải vì chúng muốn
thay đổi bảng hiệu cho hợp với cách mạng cách mùng gì. Mà vấn đề khác. Một bữa
tiệc xoàng thôi sẽ xoay hẳn lập trường cách mạng của đám cách mạng lọc cạch lửa
này. Chú hiểu mà chú em!” Với nỗi đau thấu tâm can vị cựu chiến sĩ Nam Kỳ Khởi
Nghĩa nói tiếp “Cách mạng xưa là thần thánh vô biên, qua 40 năm, nay trở thành
cùi hủi gớm ghiếc. Cách mạng đã mất hết nhân tâm cả với bọn tôi nữa! Còn cái
tên này tên nọ đổi hay không đổi chẳng quan trọng gì! Vấn đề là người ta có gọi
nó hay không? Tên nó xuất phát từ lòng người. Nó tên Mít, tên Xoài mà tôi yêu
nó, tôi gọi nó. Nó tên Hoàng Quốc nọ, Hoàng Văn kia mà tôi không ưa thì có vẽ
nó to bằng con voi trên tường, tôi vẫn không thèm ngó! Sự thực sờ sờ ra đó, chú
rõ mà!” Ông chủ nhiệm quệt ngang nước mắt. Hồi lâu, ông thở dài “Tôi không ngờ
đất nước đã giải phóng mà lại thế này chú ạ! Tôi thú thực với chú là mỗi lần
tôi thấy chú cầm cái bìa phiếu đi cắt hai lạng rưỡi thịt heo, xách toòng teng
trên tay, tôi rất hổ thầm. Xứ mình hồi Tây cũng đâu kỳ cục vậy!” Ông Năm Thôn
muốn nói gì thêm nhưng bỗng ông ngưng ngang.
Hai người cùng ngó mặt ra sông. Cù
Lao Rồng hiện ra xanh đen như con giao long từ đáy sông trồi lên chực bay lên
lướt gió tung mây.
Xuân Vũ
304Đen – llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment