Tết
Trâu
Ông nội nói, hồi xưa nhà nghèo, trường xa,
thầy ít nên lên khi lên sáu thay gì đến lớp học chữ, thì nội ra đồng học...
chăn trâu. Thời đó, người dân quê nghĩ rằng, đầu tư học nghề chăn trâu là thu
hồi vốn luyến ngay. Còn học chữ thì mịt mờ không biết đâu là bời lời và lỗ. Vậy
nên đời ông nội có “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết ... trâu
(thay vì là Tết thầy)”.
Trong trí nhớ tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in
những buổi chiều ba mươi Tết. Nội cho đôi trâu xuống đìa, tắm táp kỳ cọ sạch sẽ
hơn ngày thường. Chuồng được dọn sạch, máng cỏ được chuẩn bị đầy những món
khoái khẩu của trâu: bắp cây, cỏ voi...
Sáng sớm mồng ba, ông nội với áo bà ba đẹp
nhất trong năm, chấp tay khấn nguyện trước chuồng trâu một cách thành kính vô
ngần. Tóc nội trắng như mây, những cọng khói nhang bay vô định như vẽ nên muôn
hình vạn trạng những hình hài ký ức của suốt mấy chục năm trời, theo nghiệp len
trâu. Tôi nhớ nhiều nhất về cái bàn con trước chuồng, bày những món bánh phồng,
bánh tét, cặp gà chéo cánh, ly rượu ly trà... Cứ sau mỗi lần cúng xong, nội sẽ
tự tay xé gà và đút từng chút vật phẩm ấy cho những con trâu của nhà. Sau tôi
mới hiểu, mỗi năm trâu sẽ được ăn uống no và cả “say” một lần “mát trời ông
địa”.
Nhưng nội nói, đời trâu có bao ngày được sung
sướng vậy đâu. Tôi ngó ra sau hè, những con trâu đưa vai ra gánh lấy chiếc ách
không một kháng cự nào, hứng chịu những đòn roi, mưa nắng, quanh năm... Tôi
biết khi nội nói điều ấy, là lúc nội nhớ về con Pháo. Đó là con trâu già nhất
trong hàng trăm con trâu nội nuôi của đời mình.
Nội kể, mùa nước lên, nước ngập trắng đồng,
ruộng bắt đầu màu ngơi nghỉ. gửi trâu cho nhóm người theo nghề “len trâu”, đưa
chúng đi tìm nơi có đồi núi, đất cao rộng để kiếm ăn và ngơi nghỉ sau một mùa
lao động cực nhọc. Năm đó trong bầy có con trâu mẹ đẻ rơi, nghé con yếu quá
không theo mẹ về nhà sau mùa nước dựt nên ông nội đành gửi lại người quen ở
núi. Ông chủ trâu thấy vậy, đành cho luôn ông nội nghé, coi như bù cho công lao
“len trâu” mấy tháng qua.
Năm sau nội len trâu về núi, nghé đã trở thành
con trâu cao lớn, không biết vì sau mà nó nhớ đến nội, đang ăn trên đồng thì nó
chạy ra nhập bầy, hít hít chân người như mừng vui sum họp. Vậy là nội đặt trâu
tên Pháo, đem về nuôi. Pháo theo nội suốt hơn hai mươi năm, đi theo nội khắp
Nam kỳ lục tỉnh kéo lúa kéo rơm... Chục năm cuối đời, Pháo không còn kéo lúa
nhiều nổi nữa. Nhưng với vẻ già nua nó toát ra một thần thái có thể quản được
một bầy trâu len. Nó trở thành con trâu đầu đàn, theo nội suốt những mùa len từ
đồng về nơi nó sinh ra.
Năm đó nửa đêm, giặc đánh biên giới bất ngờ,
trâu len hoảng loạn chạy tứ tán, con Pháo chạy tới chạy lui lùa những con trâu
hoảng trở về. Nhưng không may trúng pháo, con Pháo chết ngay ngày nó tròn tuổi
hai mươi hai. Nội chỉ lấy được một mảnh da và mấy đốt xương không nguyên vẹn
của Pháo đem về hỏa tán. Rồi Pháo lại kè kè bên cạnh nội đi suốt những mùa len
sau đó, cho đến lúc nội không còn đi len trâu nữa.
Nội mất, mộ nội và mộ con Pháo kề nhau, như
những người bạn tri ân, đến phút cuối cũng trở về bên nhau mãi mãi.
Mùa Tết về, cứ ra mộ dọn cỏ là cha lại đắp
thêm nấm mộ cho Pháo cao hơn. Không lâu cỏ lại mọc cao, ngôi mộ thấp lè tè lặng
lẽ bên người chủ. Ít ai biết rằng kề bên ngôi mộ xi măng ấy, vẫn luôn có con
vật thiết thân gắn bó hết đời mình bên cạnh.
Nội không còn nữa, nhưng cứ mỗi lần Tết về,
dọn cúng mồng ba, cha lại sắm sửa vật phẩm cúng Tết trâu, như hồi sinh tiền nội
vẫn cúng. Điều ấy làm đám cháu con chúng tôi nhắc nhớ nhau, ngôi nhà này, mảnh
vườn này cũng từ con trâu mà ra. Ông cố ông xơ năm xưa suốt một đời dầm mưa dãi
nắm bên những con trâu mà đời đời chở đầy ân nghĩa.
Dẫu rồi máy cày máy kéo ra đời, dẫu rằng tiếng
nghé ọ đã lùi xa thay cho tiếng máy nổ trên đồng ruộng, dẫu cả làng tôi chỉ mỗi
nhà mình cúng cái Tết trâu nhưng lời tiếng đồng dao vẫn không sao mất được
trong lòng những đứa cháu, vì cứ mỗi năm lại nhớ một điều, Tết trâu.
Con trâu có một hàm răng,
Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao...
Cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi”
Lê Quang Trạng
(thị trấn Mỹ Luông,
huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)
304Đen – llttm - HNTN
No comments:
Post a Comment