Tuesday, February 9, 2021

Me Sài Gòn - Xuân Phương

 

Me Sài Gòn




 

Sanh ra – Lớn lên, rồi phải xa Sài Gòn. Hỏi lòng dạ nào mà không nhớ, không thương? Thương từ đầu con hẻm thương đi, thương tuốt qua cuối dãy phố, thương chạy băng ngang con đường; thương từ cơn mưa, thương đến cái nắng; Thương tới giọng nói, thương cả nụ cười, thương trầm, thương lắng con người Sài Gòn, nhất là thương luôn con gái Saigon! Nhớ từng ly nước mía, nhớ đâu cuốn bò bía, nhớ gì một trái me ngâm cam thảo… Thương thương, nhớ nhớ – Vấn vấn, vương vương – Thả hồn lan man à Bất chợt tâm tôi bỗng nổi “sân si“ với những bài thơ, văn ca tụng “những con đường Hà Nội với cây sấu, cây bàng à“, hay “Huế với những cây xà cừ, long não à“. Trời ơi! Saigon cũng có những con đường me với lá bay bay là đà xao xuyến hồn người góp phần, chớ bộ thua kém gì sao?

Sài Gòn nơi đó tôi đã lớn
Bỏ lại mảnh tình dưới hàng me – HMP

Những chiếc lá me li ti bay lất phất, nhẹ vướng tóc người yêu ngày nào – Thơ mộng não nùng – Không vậy mà nữ văn sĩ Hoàng Lan Chi trong bài tùy bút “Đường không em anh đếm bước nhiều hơn“ đã có câu: “Những con đường đẹp bao giờ cũng phải có cây cao, bóng mát, nhất là có hai hàng me xanh chụm đầu vào nhau thì thật là tuyệt và… đừng có nhiều xe“.

Theo chị, ngoài đường Bà Huyện Thanh Quan của thời trung học (vì chị là dân Gia Long), thì đường Cộng Hòa, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, là con đường đẹp nhất nhì của các trường đại học, đâu phải chỉ có một mình con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) “cây dài, bóng mát“ hay được xưng tụng mà thôi:

Chiều nghiêng trên lối Cộng Hòa
Lá me tơi tả rơi vào tóc ai
Có người nhìn theo gót hài
Cổng trường Petrus nối dài hàng me – HMP

Đường Cộng Hòa mà chị cho là đẹp chạy từ khúc bùng binh ngã bảy Nguyễn Hoàng( Trần Phú), Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thiện Thuật, Hồng Thập Tự (Nguyền Thị Minh Khai), Phạm Viết Chánh đến khoảng đường Thành Thái (An Dương Vương), chạy dọc ba trường: trung học Trương Vĩnh Ký (trường chuyên cấp ba Lê Hồng Phong), đại học Khoa Học (Tổng Hợp) và đại học Sư Phạm Saigon. Gần đó có trường trung học Bác Ái (Cao Đẳng Sư Phạm) và Trung Thu. Con đường này thuở đó vắng vẻ và rất rộng, ngoài đường chính lớn có hai chiều xe chạy, còn có hai con đường nhỏ hai bên giành cho xe đạp, nên vỉa hè tha hồ cho bà con lê la tán dóc, ăn hàng ngoài đường. Khúc đường này lại rợp bóng mát của những hàng me tây gốc to, tàn rộng xòe ra để “nắng che, mưa đậy“ cho khách bộ hành, nhất là các đấng học sinh, sinh viên mọi thời. Chị Hoàng Lan Chi cũng có một kỷ niệm nhỏ gắn liền với khúc đường này qua bốn câu thơ:

Em vẫn biết đường đến trường nhiều ngã
Đường không em anh đếm bước nhiều hơn
Gốc me tây anh vẫn thường đứng đợi
Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn

Hữu cảnh – Hữu tình. Trường Trương Vĩnh Ký ngày đó, bên cạnh những hàng me tây chạy dọc trước trường, ngay cổng trường còn có hai cây phượng, mỗi lúc hè sang nở hoa rực rỡ cả một góc trời. Hỏi sao mà các đấng húi cua không “tức cảnh sinh tình“ như PKý HMP trong đoạn văn dưới đây, trích trong truyện ngắn Phượng Hồng của anh:

“Tiễn Thu ra khỏi trường, ngoài kia đường phố vẫn đông người qua lại, họ thờ ơ trước nỗi buồn của hai người học trò chia tay. Minh dừng lại trước cổng trường, nhìn theo dáng Thu bước nhẹ về cuối đường, hai hàng me rung nhẹ theo gió, lá me bay lả tả, tà áo trắng phất phơ trong gió, mái tóc thề cuốn về một bên. Hàng me dần khép theo từng bước xa dần. Bâng khuâng chàng ngước mặt nhìn ngôi trường lần cuối, nắng nhẹ lên cao, xác phượng rơi lả tả khắp sân, rưng rưng hè đã về và phượng đã hồng“.

Cũng có rất nhiều Petrus Ký thẫn thờ, thờ thẫn ra thơ, chẳng hạn anh PQT:

Khi không nhớ một trời đầy
Lá me xao xác cả trời bâng quơ
Cả trời mây đến lưa thưa
Cả trời trong mắt em vừa chớm … say

Dân kẹp tóc Gia Long thì ngu ngơ, vu vơ, thở nhẹ ra thơ như chị Vàng Anh:

Nhớ ơi nhớ tuổi thơ xưa
Hàng me lá nhỏ đan thưa nắng vàng
Đơn sơ tóc thả dịu dàng
Con đường trắng mượt thênh thang lụa chiều

Hay con đường lá me của Gia Long Trần Thị Tâm:

Con đường nào học trò
Tan học về qua ngang
Thả hồn bay lang thang
Trên những lá me vàng

Trường Gia Long (Minh Khai) được bao bọc bằng bốn con đường: cổng chính Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan. Chỉ có đường Bà Huyện Thanh Quan khúc gần Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng mới có nhiều hàng me, còn ba đường kia có rất nhiều cây sao, cây dầu và cây nhạc ngựa. Trong khi con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần trường Trưng Vương mới thực đầy bóng lá me, mà mỗi buổi trưa tan trường, có biết bao nhiêu anh chàng “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ “:

Me xanh lá đứng thuở giờ
Điểm trang vạt áo tiểu thơ trắng ngần
Trưng Vương từ đó rất gần
Trái tim đem bỏ mấy lần … còn không ?- TTSH

Trường nam trung học Võ Trường Toản nằm sát bên trường nữ trung học Trưng Vương: ”có sẵn địa lợi“ đã đành. Trường nam Chu Văn An thường được ghép đôi với trường nữ Trưng Vương: yếu tố “thiên thời“, cùng là hai trường trung học lớn nhất Hà Nội vào Saigon. Các nam sinh Pê Ký chỉ còn nhờ vào vấn đề “nhân hòa“ mà thôi, nhưng ngày ấy phe ta cũng nhất định không bỏ cuộc, bởi vì “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều“ như PKý Việt Hải:

Trưng Vương khung cửa rủ hè
Đường về hai dãy hàng me thì thầm
Gió lùa kỷ niệm xa xăm
Gió đưa tà áo về thăm lại trường

Ngoài đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn còn có rất nhiều con đường lá me đẹp khôn cùng với ắp đầy kỷ niệm như Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), Sương Nguyệt Anh à…

Ta vẫn nhớ em về qua lối đó
Hàng me bên đường mở ngỏ em đi – HMP

Hay “đường cũ” Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai):

Con đường Trần Quý Cáp
Con đường Hồng Thập Tự
Anh còn nhớ không
Một thời yêu đương cũ
Hàng me già ướt đẫm trong mưa – Trần Mộng Tú

Và “Sài Gòn trên đường Nguyễn Du“ như trong thơ thi si Nguyễn Tất Nhiên

Và lá me rớt trên nụ cười
Đường Nguyễn Du còn thơ
Dù có đau ngẩn ngơ

Những con đường tình ta đi của Sài Gòn với những hàng me xao xác, xào xạc lá, đã từng “trầm ngâm nghiêng mình“ chứng kiến bao nhiêu là chuyện tình của thời mới lớn, đã im lặng “đứng làm nhân chứng“ cho những bước chân nhẹ nhàng, những giọng nói thì thầm, những lời nói khe khẽ bên môi “Nói cho vừa mình anh nghe thôi” – NĐQ

Anh sẽ nhớ Sài Gòn ngày mới lớn
Thuở áo dài em trắng cả đường đi
Lối xưa nào chẳng có lá me bay
Em lồng lộng mà em gần gũi vậy – TTSH

Những cành lá me mơn mởn, biên biếc tàn xanh đan chồng với nhau như tay người trong tay ta – Trên cao líu lo chim hót trong nắng – Rợp bóng mát những buổi trưa hè – “Hàng me cao lá hát như ru.” Cái màu lá me xanh tươi “thật thà” của ngày cắp sách đến trường. Không biết những cây me già, thuộc loại cổ thụ này của Sài Gòn đã được trồng tự bao giờ? Chắc phải cả trăm năm về trước.

Hàng me xanh ngắt
Có tự bao giờ
Mà nay đứng đó
Cho em làm thơ
Con đường ta qua
Đến nay bao tuổi
Em qua trăm buổi
Em lại nghìn lần
Mà sao bối rối
Khi cầm tay nhau – Nguyễn Nhật Ánh

Sài Gòn không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng đi đi, về về, nên Sài Gòn chỉ có mùa lá rụng. Khi đó, những lá me mỏng manh vàng bay bay giữa trời, ngập ngừng một thoáng trong gió,rồi nhẹ rơi la đà trên bãi cỏ, bên vỉa hè hay dọc theo những con đường.

Sài Gòn chẳng có mùa thu
Chỉ có những mùa lá rụng
… Từng chiếc lá rơi xao mặt đường
Cành me già thoảng chút hơi sương – Phạm Thành An

Mặc dù không có mùa thu, nhưng Sài Gòn cũng có chút heo may se lạnh, tươi mát những buổi sớm mai cuối năm làm bâng khuâng lòng phố, lòng người như trong thơ thi si Trương Nam Hương:

Sài Gòn cũng có heo may
Không tin em thử giơ tay hứng thầm
Phố thêm một chút duyên ngầm
Kìa em, cành lá me nằm rất ngoan

Trong thi ca, khi nói đến những con đường me, người ta nói đến hàng me, cây me, tàn me, gốc me … rồi đến cành me, nhánh me, nhưng được nhắc nhở nhiều nhất vẫn là lá me. Những chiếc lá me xôn xao mộng tình đầu:

Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh – Nam Lộc

Lá me là loại lá kép chẵn, không có lông, lá me mỏng manh nhỏ, hẹp và dài. Đọc thử bài “Thơ Tình Trên Lá” viết với lá me của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên:

Lá me đứng như dấu sắc
Nằm im như một dấu huyền
Lại cũng giống như dấu nặng
Trên mặt đường làm duyên
Lá me rơi đầy trên tóc
Buông dài như dấu chấm than
Có người đi qua muốn nhặt
Lá cong như dấu hỏi vàng
Lá đi theo em xuống phố
Bỏ thời mực tím sau lưng
Vẩn vơ lá như dấu ngã
Trước những bước chân ngập ngừng
… Những bài thơ tình trên lá
Từng mùa xanh biếc trên tay
Những dấu sắc huyền hỏi ngã
Viết làm sao hết tình đầy ?

Kiếp người như “mưa gió bay buồn lá me” trong thơ thi si Trần Vấn Lệ:

Đời người bao mất mát
Theo lá trôi.. về đâu
Ờ thì tôi đứng lại
Bạn cũng dừng bước chưa?
Ở lề đường nào xưa
Lá me Saigon rụng

Bông me cũng nhỏ, lấm tấm màu vàng, dính nhau thành chóp và rụng sớm; Lá đài trắng, cánh hoa vàng có gân đỏ hồng.

Dưới tán me già hoa điểm vàng phai
Bông me vàng
tháng tư
lanh canh bóng nắng
… Bướm lẫn vào bông me
Bông me hòa trong nắng – Nguyễn Lập Em

Cây me thuộc loại thân đại mộc,cao chừng 20m. Vì “bần giòn, ổi dẻo, me dai“ nên gỗ me dùng làm thớt rất tốt vì trơn tru, không tỳ vết, ít bị mối mọt. Nhưng phần thực dụng nhất của cây me vẫn là trái me, bởi vậy ca dao miền Nam có câu:

Tiếc công vun bón cây me
Me không có trái, chim mè đậu lên
Tiếc công rày xuống, mai lên
Mòn đàng, đứt cỏ không nên tại trời

Những hàng me với vô số chùm trái chín đong đưa trên cao, như đang chọc thèm, như đang mời gọi, như đang dụ dỗ bầy con nít:

Lâu lâu ngồi nhớ ngày xưa
Buổi trưa thường hái trộm me
Thằng trèo, thằng đứng làm thang
… Cây cao mấy cũng trèo lên
Chỉ vì cô bé mắt tròn xoe… mắt tròn xoe – NQH

Nếu không có người trèo lên hái hay dùng những cây sào có gắn móc sắt để khoèo, thì chỉ có nước đợi cho gió mạnh làm rớt chùm me chín xuống mà thôi! Chùm me chín mà các bà, các cô Saigon mong đợi là me thường, không phải là me tây hay me keo. (Me tây: trái dẹp,dài chừng gang tay, giống như trái điệp vàng, khi chín màu đen, ươm đầy mật, rất ngọt, nhưng ăn dễ bị gắt, khé cổ. Me keo: trái quăn, xoắn như lò xo, nạc me keo chín xôm xốp, màu ửng hồng, hơi ngọt, ăn dễ bị bón).

Trái me còn xanh thì cứng, vỏ dính chắc vào cơm me, ăn rất chua. Dần dà trái lớn lên thì cơm dày lên, hạt to ra, rồi thành me giốt: me vừa chín tới, vỏ xốp đi, cơm me hơi bột, ăn chua chua, ngọt ngọt. Khi trái me chín hẳn thì cơm me ngả màu nâu đậm, nạc me chắc hay nhão, ngọt ít hay nhiều còn tùy theo loại me như me ván, me đũa, me ươn, me mật à Người Saigon dùng trái me để ăn từ sống tới chín bằng nhiều kiểu. Hồi xưa, hồi “Bảo Đại còn ở truồng“, người ta có câu dzỡn: “Saigonnais ăn me… ẻ chảy “!!!

Me sống hột còn non (ăn nhằm hột non rất chát), được cạo vỏ nấu canh chua hay ăn sống: chấm muối ớt, mắm ruốc hay nước mắm đường kẹo như xoài tượng, cắn một cái giòn hết biết! Me chưa chín hẳn, hột còn xanh, được dùng làm me dầm cam thảo, me ngâm nước đường, mứt me. Me giốt thì ăn sống, có một ngôi vị vững vàng trong lòng dạ các bà, các cô Saigon, hiếm thấy ai chê! Cơm trái me chín dùng nấu canh chua; Làm me ngào đường; Làm kẹo me; Làm ô mai me; Làm sauce đặc biệt ăn với thịt heo quay, vịt quay cho bớt ngán, vì vị chua làm giảm bớt cái béo ngậy của món quay; Làm nước mắm me để chấm các loại cá chiên, các loại khô cá hay trộn gỏi; Làm tôm, cua rang me; Làm nước đá me à

Chiều nay nhớ người theo từng món
Quà vặt bên đường dưới bóng me
Trái chua ngày ấy sao ngọt lịm
Đong đầy lưu luyến tuổi mộng mơ – SLH

Me chín có mùa nên người ta phải muối me để dùng quanh năm. Trái me bỏ vỏ,cho muối vào phần cơm nạc me còn để luôn hột, để phòng ngừa hư mốc. Me muối được vô bịch, khằn lại, bán khắp nơi: từ Nam ra Bắc, xuất cảng ra nước ngoài. Bây giờ, vận dụng kỹ thuật tân tiến, điều kiện vệ sinh cao hơn, người ta sản xuất ra những gói me bột sấy khô, những viên gia vị me cô đặc rất tiện lợi, dễ dàng cho người tiêu thụ, nhưng người ta vẫn còn ưa chuộng me muối để nấu ăn như thường.

ME NGÂM, ME DẦM:

Me là loại trái khó tách vỏ nhất. Người ta phải ngâm me trong nước muối đặc qua nửa ngày. Vớt me ra, làm từng trái. Dùng dao mỏng, bén, mũi nhọn cạo vỏ cuống me, rồi tách , gỡ vỏ me ra sao cho còn nguyên phần gân vỏ bao quanh mỗi trái me và cuống mới khéo. Mổ dọc thân trái me, moi bỏ hột và phần vỏ hột còn bám bên trong ruột me, nếu còn sót vỏ hột sẽ bị đắng. Làm đến đâu ngâm me vào nước lạnh đến đó. Vớt me ra để ráo. Nấu nước, đường và một ít cam thảo bắc cho sôi, để nguội hoàn toàn, rồi bỏ me vào ngâm.

Có hai loại cam thảo: bắc và nam. Cam thảo bắc – Licorice, được bán ở các tiệm thuốc bắc dưới hình thức những lát mỏng phơi khô, màu vàng đậm, thơm, vỏ sần sùi, vị ngọt thanh. Cam thảo nam sắc vàng lợt, gần như trắng, vỏ trơn, không thơm.

Me ngâm trong nước đường cam thảo chừng nửa này là có thể nhấm nháp được rồi, ăn rất giòn, nhưng không để lâu được. Còn ngâm me lâu hơn, từ 3-10 ngày tùy theo ý thích thì me giữ được lâu hơn, nhưng không giòn vì teo bớt. Sau khi ăn hết me, nước ngâm me này được dùng như một loại syrup giải khát, nhất là nước ngâm me khoảng 10 ngày, sẽ có mùi rượu nhẹ vì lên men.

MỨT ME

Làm mứt me rất công phu, đòi hỏi sự khéo léo, tay nghề cao: từ chọn lựa me, tách vỏ… đến sên me. Trước hết phải chọn trái me không những dài, thẳng thớm để dễ làm, mà còn phải to ngang, tròn đều để nạc dày. Người ta có thể tách vỏ me bằng cách thủ công là ngâm nước muối đặc như làm me dầm, me ngâm, nhưng nếu muốn sản xuất số nhiều thì có cách khác: Pha nước muối đặc, cho me sống vào nấu sôi, nhỏ lửa khoảng 30 phút hay hơn, sau đó để me ngâm trong nước nóng cho đến khi nguội hẳn mới lấy ra. Tách vỏ sẽ dễ dàng hơn, nhưng me không được cứng và giòn, cho nên sau đó, người ta phải ngâm me vào nước vôi hay vài hóa chất nào đó cho me săn lại.

Sau khi tách vỏ xong, me được ngâm vào nước muối một lần nữa để me trắng đều, nhả bớt chất chua. Rồi lấy hột xăm lỗ me và xả lại nước nhiều lần cho me hết mặn. Để ráo. Sên đường: giai đoạn quan trọng nhất. Đến khi đường đã được sên chặt, đem me ra hong cho ráo bớt. Thắng nước đường thật kẹo, nhúng trái me sên rồi vào vài lần, cho đường ngấm vào me không nhả được. Đem me ra phơi nắng, rồi thoa một lớp nước đường mỏng lên cho trái me có màu vàng tươi trong, bóng mượt thì bọc lại bằng giấy bóng kiếng. Mứt me là một trong những loại mứt quý, mắc tiền của ngày lễ Tết. Nghe nói bây giờ người ta còn chế thêm món mứt me mới gọi là mứt me cay.

Ô MAI ME

Sài Gòn không có trái mơ, trái sấu như ngoài Hà Nội, nên người ta “sáng kiến“ dùng trái me làm ô mai me chua chua, ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm, rỉ rả cả ngày cũng thông cổ lắm. Nạc me chín lấy hột, bỏ chút nước sôi, trộn chung với đường; Gừng (lột vỏ, luộc sơ cho bớt cay rồi xay nhuyễn); Trần bì (Vỏ quít khô bán ở tiệm thuốc bắc. Dùng vỏ quít tươi phơi khô lấy ở nhà thì thơm, ngon hơn); Cam thảo bột; Chuối khô xay nhỏ; Chút ớt bột nếu muốn cay cay. Sên tất cả các thứ trên lửa nhỏ cho đến khi đặc lại. Phơi nắng cho khô hẳn rồi gói lại bằng giấy bóng kiếng trong.

CANH CHUA ME

Canh chua là món đặc biệt của người miền Nam. Nói về canh chua thì “tràng giang, đại hải“, cứ như là “khen phò mã tốt áo“, bởi vì: Tùy theo địa phương – Có gì nấu đó – Thể hiện sự trù phú về động, thực vật của sông nước miệt vườn và tánh tình thực tiễn, linh hoạt, không câu nệ của con người miền Nam. Bài sưu tầm này chỉ xin nói về canh chua nấu bằng me mà thôi.

Người ta dùng lá me non, trái me sống và nạc me chín để nấu canh chua. Lá me non, trái me sống cho vị chua thanh. Còn me chín thì chua đậm đà hơn để đi với cái ngọt của đường giậm vô canh chua. Lá me non được bóp nhẹ, để tuốt cành và làm hơi dập lá, rồi bỏ thẳng vào nấu như trái me sống. Còn me chín thì phải dầm lấy nước cốt nấu, để đừng làm đục nước canh chua.

Me thường được nấu canh chua với nhiều loại cá như: cá hú, cá linh, cá mè vảnh, cá ngát, cá ngạnh, cá tra (cá basa), cá úc, cá vồ … nhưng xuất sắc vẫn là cá lóc hay cá bông lau. Phần ngon nhất để nấu canh chua là đầu cá. Dân “điệu nghệ miệt vườn“, ngoài cơm ra, còn ăn canh chua với bún tươi., rồi từ đó chế thêm món lẩu canh chua. Lẩu canh chua cũng có: bạc hà, đậu bắp, giá, cà chua… nhưng được dọn riêng để ăn đến đâu, nhúng tới đó chứ không bỏ luôn vào nồi nấu sẵn như canh chua. Người ta bỏ lên mặt ngò om, ngò gai xắt nhỏ rí hay tỏi phi, để hơi nóng bốc lên tỏa mùi thơm điếc mũi. Canh chua me thường được dọn chung với chén nước mắm ngon nguyên chất, dầm ớt thiệt cay. Ngoài cá ra, me còn dùng để nấu canh chua với tôm, lươn .

Cũng “dài dòng văn tự“ để nói thêm canh chua me không phải là canh me, chỉ khác có chữ chua mà “hai phương trời cách biệt“ (như trường hợp canh gà Thọ Xương hay được kể lại như một mẩu chuyện tiếu lâm mà có thật).

Khoảng năm 50, 60 của thế kỷ trước (thế kỷ 20), tại Sài Gòn có thịnh hành một hình thức cờ bạc gọi là “đánh me“ hay “hốt me“.Thay vì sử dụng hột súc sắc (xí ngầu), người ta dùng hột me để chơi. Người làm chủ sòng, còn gọi là nhà cái lấy đại một số hột me bằng cách úp chén lại, hay dùng thanh cây gạt ngang, rồi đếm coi số hột me bất kỳ đó chẵn hay lẻ. Người chơi/ nhà con đặt tiền theo hai cửa chẵn hay lẻ. Các con bạc ít tiền, hoặc tính kỹ, đâu có dám đặt tiền liên tục, thường có thói quen đoán hoặc canh chừng, thí dụ sau năm ,ba lần chẵn thì đặt lẻ “chẳng lẽ chẵn hoài mà chẳng lẻ“ hay là canh chừng coi ai đang vận đỏ, thường trúng liên tiếp thì đặt theo, cả hai kiểu canh chừng, theo dõi này đều được gọi chung là CANH ME. Danh từ canh me này đầu tiên phát xuất từ trong giới cờ bạc, truyền khẩu trong dân gian, và dần dà được dùng “rộng rãi“ hơn để ám chỉ những hành động “thừa nước đục thả câu“ thành ra: dân canh me, canh me vượt biên, canh me chôm chỉa v.và (Càng không phải là canh chừng me chín rụng để lượm ăn đâu nghe hì, hì)

Dân cờ bạc dùng hột me để chơi trò đánh me ăn tiền, sát phạt nhau, chứ bản thân hột me nào có tội tình gì. Hột me chín màu nâu đen, dẹp, nhẵn bóng, cỡ bằng móng tay còn được dùng để nấu chè, làm nước đá me là một thứ giải khát hấp dẫn của miền Tây.

NƯỚC ĐÁ ME

Hột me chín được lảy vỏ lấy nhân đem rang chín vàng, rồi hầm thật kỹ khoảng 6, 7 tiếng cho mềm, nhưng không để bị nát. Cơm me chín dầm nước, lọc xác, nấu nhỏ lửa , bỏ nhân hạt me rang vào sên, đảo luôn tay cho nước me chua sánh lại như kẹo, bọc quanh nhân hột me, gọi là hột me sên. Khi uống , người ta bỏ hột me sên vào với nước đá bào hay đập nhỏ, nước đường trắng và đậu phọng rang giã giập.

Hồi trước, muốn có me chín để ăn, dân Saigon phải đợi đến đúng mùa me rộ: “mùa nào, thức ấy“. Bây giờ, có một giống me nguồn gốc từ Thái Lan rất ngọt, có hầu như quanh năm. Giống me này được du nhập vào Việt Nam cũng khá lâu, từ vài thập niên trước, nhưng người ta biết đến nhiều trong thời gian gần đây thôi. Trái me Thái Lan này ngắn, vỏ khô, ruột không đầy đặn như me thường, các ngấn me rất sâu, làm các đốt me nổi tròn vung lên như vỏ hột đậu phọng, nên được gọi bằng một cái tên khác rất tượng hình là me đậu phọng. Các siêu thị Việt Nam ở California cũng thường bày bán, gọi là me ngọt.

Ngọt thì phải công nhận loại me này ngọt thiệt tình, nhưng mà (lại nhưng mà!) tánh tôi thuộc kiểu hoài cổ, khuôn sáo à cho nên vẫn cứ ưng bụng là trái me dù chín ngọt cũng phải có chút chua chua, mới phải là me. Nè nghe! Me là tên Việt Nam mình, còn người Tàu gọi là Toan đậu (Toan là chua rồi còn gì nữa). Các nhà thực vật học thì gọi tên khoa học của me là Tamarind Indica L, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Tên tiếng Anh là Tamarind. Tên tiếng Pháp là Tamarinier – Me cứ mãi mãi, hoài hoài còn chua để trái me xanh ai chia cho một nửa ngày xưa không bị chìm vào quên lãng thời gian, mà thấm sâu trong ký ức tiếng hít hà ê răng như bốn câu thơ của thi si Mường Mán:

Về ngang qua trường cũ
Không dưng thèm vu vơ
Trái me ai chia nửa
Đến bao giờ thôi chua?

Về ngang qua trường cũ – Về trên con đường xưa – Về thăm lại Saigon – Saigon ngày em về:

Saigon ngày em về
Chẳng biết buồn hay vui
Lòng bàn chân đo phố
Gần xa- Bao ngậm ngùi
Saigon ngày em về
Mùa xuân còn để dấu
Trên vai người sớm khuya
Chiếc lá me buồn nẫu – TTSH

Về nối lại những vòng tay của bè bạn ngày nao – Về tìm lại những tình thân lạc dấu:

Em tội nghiệp như cành me trụi lá
Hạt sương khuya nuôi ngọn cỏ sân trường
Đêm tháng sáu, mưa có làm em nhớ
Đêm mưa nào, tôi bỏ trốn quê hương – Trần Trung Đạo

Người có về thì giờ tóc đã hoa râm, ngậm ngùi nhìn lại bàn ghế nơi quán nhỏ, băng đá nơi công viên ngày xưa; Để nhớ lại những lần hẹn hò, những tiếng khóc nụ cười; Để tìm lại những khuôn mặt giờ đã ngút ngàn, đã chập chùng hư ảo nơi góc biển chân trời nào đó, xa xăm. Nhạc sỹ Trần Chí Phúc trong bài hát “Saigon một thoáng 30 năm“ có đoạn:

Tôi ngồi đây, cà phê quán cóc
ngắm lá me rơi ngập đường
Nguyễn Du tên cũ mơ áo em bay chiều nao
Chuyện đâu quá khứ như giấc chiêm bao

Còn “người đi xa qua biển sông ngàn phương“ vẫn ôm nỗi nhớ mong cũng như nỗi lòng của thi si Trần Vấn Lệ:

Chiều hôm nay, nghe lạnh, biết là thu
Anh nhớ quá lá me vàng hồi đó …
Hồi đó em còn là cô bé nhỏ
Tóc thề buông che kín nửa bờ vai
Em tan trường về giữa lá me bay
… Anh chỉ nhớ đã hôn em ở mắt
Mắt em chao như thể lá me bay
… 
Sài Gòn bây giờ, em không nhớ đến ai
Lá me bay, mùa thu, hẳn buồn- Em đã lớn
Lá me xanh khi đã nhuốm sắc vàng
Rồi sẽ rụng, trải lên đường quá khứ
Là 
Sài Gòn bây giờ, nếu anh về làm khách lữ
Em làm gì, có nhoẻn nụ cười duyên ?
… Lá me vàng, mùa thu nào vẫn sáng
Chắc vẫn còn gài trên tóc em thôi
Là 
Sài Gòn bây giờ ra sao?
Anh hỏi mỏi, hỏi mòn
Lá me rụng trong hồn bay tứ tán
Bạn bè anh còn mãi tuổi xuân xanh
Như em vậy… Làm cho anh thương nhớ!
Saigon ơi, tại sao thương không ở
Nhớ mà đi, đi được, trời ơi!

Sài Gòn ƠI, TẠI SAO THƯƠNG KHÔNG Ở? NHỚ MÀ ĐI, ĐI ĐƯỢC , TRỜI ƠI!!!

Một tiếng than gởi đến ông trời có làm vơi bớt nỗi niềm? Tiếng kêu, tiếng rên, tiếng la xuất phát từ bên trong con người bật ra để giảm bớt áp lực, xung đột của nội tâm. Cả hai câu thơ là một tiếng kêu như rên, gói trọn một tâm sự, chứa đựng một âm vang dằng dặc, lắng đọng lại nơi đó chờ sự đồng cảm, đồng điệu của người đồng cảnh ngộ

Mỗi cảnh ngộ một tâm trạng. Không phải chỉ có người ra đi mới vẫn mãi mãi còn yêu, còn lưu luyến nhớ nhung Saigon như một khối tình:

Đêm nay ta nhớ về Saigon
Để thấy ai đó, còn ai mất ai
Để thấy trong gió chút me bay
Để thấy còn gì lúc tàn phai – HMP

Cho dù năm tàn, tháng lụn cứ trôi qua, kẻ ở lại cũng yêu thương Sài Gòn, nhớ nhung Sài Gòn với một nỗi niềm riêng, một u tình canh cánh bên lòng – thấy cái đã mất mà sợ cái đang còn rồi cũng mất khi Saigon đã biến đổi,và sẽ biến đổi nhiều hơn:

Đi dưới hàng me – Đời lận đận
Phút giây chìm lắng bước khoan thai
Ta xưa chong mắt tình thơ dại
Ngát bóng me cao ngả rất dài à – TTSH

Dù là kẻ ở hay người đi, ta vẫn hằng ấp ủ trong tim ta một mối tình từ ngàn xưa còn tiếp tới ngàn sau với Sài Gòn. Sài Gòn của ta – Có còn không tiếng lá me hát như reo vui trong gió – Có còn không tiếng chim ríu rít trên cành cao chào nắng sớm – Có còn không những vòng xe đạp quay êm ả trên đường – Có còn không những dấu chân mà bước ai đi còn in lại:

Từ những cây me lá mướt xanh
Thong dong cho gió rúc thơm cành
Chẳng hay gió nói hay me nhắc
Em chớ vô tình đạp quá nhanh – Lê Hân

Chỉ còn là kỷ niệm – Những hình ảnh đã mù khơi diệu vợi, nhưng trở về trong những giấc chiêm bao, lại vẹn nguyên trong ký ức – Đâu cần phải bước chân đi mới là chia lìa, người ta có thể đánh mất nhau ngay trong cả những phút giây gần gũi, kề cận nhau đó mà quên lãng, xa xôi – Sài Gòn trong tâm vẫn long lanh, vẫn sáng ngời, vẫn đong đầy và chất chứa:

Sài Gòn
vừa nắng đã mưa
Me chưa thu
đã ngu ngơ
rơi đầy
Chưa lơi lỏng
nửa vòng tay
Đã nghe
văng vẳng
những ngày xa nhau
Sài Gòn
tươi rói cơn đau
Bóng ai
hẫng
một chiều sâu lạ thường – TTSH

Sài Gòn của tôi với những hàng me thủy chung, dù đã phải trải qua bao thăng trầm thay đổi, bao dâu bể đoạn trường của năm tháng, dù đã khép kín tâm sự, dù đã u uất chán chường. Đã có bao nhiêu con đường me bay giờ đang u sầu, thảm thương với những mé cây bị cụt nhánh, những đầu cây bị đốn mất, những rễ con, rễ cành bị chặt đứt từng mảnh ra khỏi rễ cái, những thân cây còn sống bị lột da, bóc vỏ. Làm sao mà cây không khô héo đi ? Làm sao mà cây không chết cho được ? Làm sao cây còn cơ hội sống còn ? Những cây me nói riêng, những cây xanh nói chung, những bộ máy hô hấp thiên nhiên của Sài Gòn đang dần dần “ bỏ phố… về trời “.

Nhưng anh vẫn cần nói cùng em về hoa cỏ
Về những vòm me không ai có thể đốn mất của mình
Về những chuồng bồ câu màu hồng trên mái ngói
Về tím đỏ ráng chiều
Về vạt nắng bình minh
… Dẫu bóng mát vòm me chưa che tròn lưng
những đứa trẻ con lượm rác bên đường
Dẫu đã xuất hiện quá nhiều kẻ vác súng săn
tìm bầy chim thành phố
Và có người lạnh nhạt nhìn nhau
nhân danh cơm áo – Đỗ Trung Quân

Người ta nói Sài Gòn bây giờ đang “ thay da, đổi thịt “để cho kịp“ vươn lên tầm cỡ quốc tế “ với những tòa nhà, những cao ốc “hiện đại, đa văn hóa “ đủ cỡ cấu trúc cũng như đủ kiểu kiến trúc. Có người kể Sài Gòn bây giờ khác ngày trước nhiều lắm, Sài Gòn bây giờ là mảnh đất của những sự khác biệt đối chọi nhau chan chát, thậm chí triệt tiêu nhau không thương tiếc mà … vẫn cùng nhau tồn tại. Có người than Sài Gòn bây giờ đầy bụi bặm, khói xe:ô nhiễm không thua bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới!!!

Cuồn cuộn đường trong biển người
Cà phê giọt đắng ngậm ngùi cố hương
Em ơi! Em có còn thương
Hàng me xanh mát con đường em đi – HMP

Vẫn luôn nghĩ mình là người Sài Gòn – Vẫn luôn coi mình là người Sài Gòn dù không còn “trú mưa, che nắng“ dưới một mái nhà xây trên đất Sài Gòn, không còn sống ở Sài Gòn, không còn hít thở không khí Sài Gòn – Lòng người Sài Gòn xa Sài Gòn này không khỏi khắc khoải, ưu tư : “Sài Gòn bây giờ có còn là một Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi à như trong nhạc phẩm của nhạc sỹ Y Vân cách đây vài thập niên trước nữa hay là không rồi? “.

Sài Gòn cơn mưa bất chợt
Hàng me ngày đó phai nhợt lung lay
Chốn cũ giờ em có hay
Hàng me tơi tả ngày nay đổi dời – HMP

Tôi đang ở cái tuổi lưng chừng nửa đời “trời còn xa, đất chưa gần“, gọi nôm na là sồn sồn – Chưa đủ kinh nghiệm, từng trải để là một bậc cao niên mang trong lòng những hình ảnh “Sài Gòn năm xưa“ của thời tác giả Vương Hồng Sển, hay lâu hơn nữa của thời “đất thanh bình hàng trăm năm trước“ – Cũng đã quá xa cái tuổi nhỏ chỉ thu trong tầm mắt một Sài Gòn hiện tại – Sài Gòn của tôi ở trong ký ức mỗi ngày mỗi phai một chút của chính tôi, cộng thêm những hình ảnh, những văn chương thi phú tôi thu thập qua sách vở, báo chí. Cho nên cỡ gì thì tôi nhìn Sài Gòn cũng theo kiểu chủ quan của mình cho mà coi. Bởi vì vậy:

Anh phải nói với Sài Gòn mưa nắng
Những tàn me óng ánh cả hoàng hôn
… Anh phải nói với 
Sài Gòn ngai ngái
Những hương nồng nấn ná chẳng tan đi
Anh sẽ nói với lời anh ảo thệ
Em hay người hồ dễ khó quên nhau
à Anh phải nhắc với 
Sài Gòn vời vợi
Bởi yêu em nhớ mãi tháng Giêng hồng – TTSH

THÁNG GIÊNG – MÙA XUÂN – HY VỌNG.

Tháng Giêng là tháng dần, gọi là “Tam Dương khai thái “ với quan niệm tam dương đồng hành, sẽ mở ra sự tươi đẹp của vũ trụ và đời sống con người: vì dương khí tràn đầy, vạn vật hồi sinh. Mùa xuân ứng với quẻ Chấn (sấm) trong dịch lý, có ý nghĩa rung chuyển, rạo rực; Mùa xuân mang hình ảnh của cỏ cây xanh biếc, hoa lá mơn mởn: thiên nhiên tươi tốt; Mùa xuân là thời điểm âm dương giao hòa và khai mở niềm vui, tình yêu thương. Mầm hy vọng nảy chồi. Niềm lạc quan dâng đầy – Sài Gòn không lạc mất tên – Tên Sài Gòn vẫn tồn tại, vẫn luôn được nhắc nhở trên môi, trong lòng, trong hồn của nhiều, rất nhiều người .

“Địa danh là một cái tên được thành hình không chỉ trong một giờ, một phút, một giây… nào đó, khi có một ông ngồi cao ngất ngưởng đặt bút ký tên vào một tờ văn bản, là xong. Địa danh, nó phải được truyền lưu bằng miệng từ người này sang người khác, từ thời này sang thời khác – Nó là lịch sử, không thể khác – Một con người dù vĩ đại cỡ nào, dù công trạng có vá trời lấp bể, vẫn không nên, không phải khi trở thành một địa danh. Một con đường, một dòng kinh, một tòa tháp, một lăng tẩm à đã là quá đủ – Một thành phố, vượt lên rất nhiều, ngoài công sức của con người, nó còn là một tập hợp nhiều lẽ cao hơn, rộng hơn trong cả một quá trình hình thành. Một cái tên người, dứt khoát không đủ rộng, không đủ sâu để dung chứa nó. Từng cá nhân,không là gì cả, trước sự vĩ đại của nhân loại kéo dài theo lịch sử. Bất cứ gượng ép nào rồi cũng tàn phai, mai một, đó là điều chắc chắn “ – BC

Đi dưới hàng me – hồn hạnh ngộ
Thăm thẳm xanh vào nửa tỉnh, mê – TTSH

Sài Gòn dù rất đỗi nắng mưa: chợt mưa, chợt nắng, nhưng Sài Gòn lại đặc biệt chính nhờ Saigon rất bền chặt, thủy chung với hai mùa mưa nắng đó. Dẫu là nắng hay là mưa, người Sài Gòn “lỡ trót đều ưa“, đã buồn vui theo Saigon mưa nắng. Nếu ta còn luôn luôn nhớ nhung, luôn luôn thương yêu, luôn luôn tin tưởng và không bao giờ ngưng hy vọng thì một ngày không xa, trong tương lai gần: Sài Gòn sẽ dựng xây trở lại hình ảnh “Hòn Ngọc Viễn Đông“ – Để ta còn được đi dưới những hàng “mưa me” của Saigon chân tình của nắng trong mưa.


Xuân Phương

304Đen – Llttm-tvvn

 

No comments: