Trước Khi Thất Trận
Mỗi đứa bé lớn lên đều khám phá xã hội vây quanh cùng thế giới
bao la qua nhiều cách: tiếp xúc với thực tế, lắng nghe người lớn nói chuyện và
học hỏi ở trường lớp. Sau nữa là đọc sách. Cách sau cùng cho tôi nhiều hiểu
biết hơn những cách kia.
Lúc nhỏ trong nhà gọi đùa tôi là mọt sách. Tôi trở nên mọt sách
trước tiên qua truyện tranh. Những năm tiểu học tôi say mê TinTin, Astérix
& Obélix, Lucky Luke, Fantasio & Spirou với chú vượn marsupilami… Đi
học về là tôi chúi mũi vào 12 Thành Công Lực của cậu bé tí hon Benoît, Liều Thuốc
Hóa Chó với Lữ Hân & Phi Lục, Chú Tí Làm Phù Thủy trong làng Schtroumpf,
Điếu Xì Gà Pharaon, Đền Thờ Mặt Trời với Tintin và thuyền trưởng Haddock, hoặc
Anh em nhà Dalton hay Gaston LaGaffe… Lớn thêm chút, tôi mê mẩn truyện tranh
Bob Morane, Django Blueberry nhưng mê nhất vẫn là Tanguy & Laverdure, rồi
Buck Danny với các trận không chiến và những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Blake
& Mortimer.
Cuối thập niên 60 sách dịch phồn thịnh, truyện tranh dịch nhiều
sang tiếng Việt. Mỗi trưa thứ tư sau tan trường Lasan Taberd, cha tôi giắt qua
nhà sách Liên Châu bên hông nhà thờ Đức Bà cho tôi mua truyện tranh của các nhà
Dupuis, Dargaud, Casterman… Nhưng vì là tiếng Pháp nên tôi không hiểu chi hết.
Về đến nhà là tôi chạy bay ra hiệu sách Tân Định mua ấn bản Việt ngữ của Nhà
Sách Vàng hay Nxb Phong Phú dịch Tanguy & Laverdure là Trần Vũ & Lê
Dũng, Fantasio & Spirou là Phan Tân & Sĩ Phú, con vượn marsupilami là
chú vượn đốm; Johan & Pirlouit là Lữ Hân & Phi Lục, Luky Luke là Lục
Kỳ, Schtroumpf là “Xì-Trum”… Tôi xem hình màu trong bản Pháp văn rồi đọc đối
thoại trên ấn bản đen trắng tiếng Việt. Tôi đọc lén thêm sách hình bị bố mẹ
cấm, cho là nhảm nhí, là Con Quỷ Truyền Kiếp với Con Quỷ Một Giò… Kỷ niệm ấu
thơ là mặt nệm la liệt sách.
Truyện dài đầu tiên tôi đọc trong đời, năm lên 7 tuổi, là cuốn
Thằng Vũ của Duyên Anh do anh cả tôi mua làm quà sinh nhật cho em út. Tôi rất
ngạc nhiên vì tựa sách mang tên mình nên tò mò mở ra xem và bị cuốn hút vào câu
chuyện của thằng Vũ với con Thúy, thằng Vọng… Tôi say sưa với cảnh thằng Vũ tu
luyện phi tiêu phóng nát cánh cửa cầu tiêu, kinh hoảng khi thằng Vọng chết đói
và ngạc nhiên không hiểu vì sao con Thúy sai khiến thằng Vũ dễ dàng… Tôi đọc
tiếp Bồn Lừa, Chương Còm, Hưng Mập, Dzũng ĐaKao, Mơ Thành Người Quang Trung rồi
Duyên Anh dẫn tôi vào Ngựa Chứng Trong Sân Trường lúc nào không hay. Đến câu
chuyện tình học sinh giữa Chu Chỉ Nhược kẹp tóc với húi cua Đoàn Dự trong Cám
Ơn Em Đã Yêu Anh cũng của Duyên Anh, thì tôi đã lên trung học.
Giống “mọi” con nít, những năm tiểu học tôi đọc hàng tuần các
tạp chí Thằng Bờm của Nguyễn Vỹ, Thiếu Nhi của Nhật Tiến, sau đó lên trung học
đọc tiếp Ngàn Thông, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc rồi Tủ sách Trăng Mười Sáu của Nhã Ca.
Nhưng phải nói là những truyện Thỏ Đế, Chiếc Xe Thổ Mộ, Mưa Nguồn của Bích
Thủy, Chiếc Lá Thuộc Bài, Cánh Hoa Tầm Gởi, Xóm Nhỏ của Nguyễn Thái Hải, Vượt
Đêm Dài, Ngục Thất Giữa Rừng Già của Minh Quân hơi chán đối với tôi. Tiếng
Chuông Dưới Đáy Biển của Nguyễn Trường Sơn, Pho Tượng Rồng Vàng, Mật Lệnh U Đỏ
của Hoàng Đẳng Cấp trinh thám hơn chút nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, luôn kết có
hậu.
Lui xa hơn, Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng, Ông Đồ Bể của Khái Hưng
mang không khí rất xưa. Cô Giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, Lê Phong Phóng Viên
của Thế Lữ cũng xưa. Bước Khẽ Đến Người Thương, Cổng Trường Vôi Tím của Nhã Ca
thì dành cho nữ sinh. Trong Mưa Trên Cây Sầu Đông của Nhã Ca, cô bé Đông Nghi
khóc sướt mướt từ trang đầu đến trang cuối vì bị ông Bồ Đào “để ý”, trang tiểu
thuyết ướt nhèm nhẹp nước mắt! Tất nhiên là tôi cũng đọc Ví Dụ Ta Yêu Nhau của
Nguyễn Thanh Trịnh, Anh Chi Yêu Dấu của Từ Kế Tường, Chủ Nhật Uyên Ương của
Đinh Tiến Luyện, Cô Hippy Lạc Loài của Nhã Ca… nhưng tôi thấy phải kiếm một thứ
khác, hấp dẫn hơn.
Tôi bắt đầu mê loạt sách 15 Truyện Phiêu Lưu, 15 Truyện Đường
Rừng, 15 Truyện Đường Biển, 15 Truyện Mùa Hè… chúng mở rộng chân trời. Chúng là
những sách dịch đầu tiên tôi đọc. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của hai bố con sinh
sống trong một điền trang bị “mọi” da đỏ tấn công, cô bé nạp đạn liên tay cho
bố dùng súng trường Winchester bắn nhau với bộ lạc Apaches, rồi trang trại bị
bên da đỏ phóng hỏa bằng tên lửa, hai bố con phải leo lên nóc bám vào những
tàng cây cổ thụ tụt xuống đất trốn vào rừng giữa khói lửa mù mịt… đọc hồi hộp
kinh khủng. Tim thắt lại khi hai cha con ngộp khói phải lấy khăn nhúng nước
buộc quanh mặt, rồi cha trúng tên vào cánh tay, cô bé hốt hoảng cầm lấy súng
lục bắn vào đầu một tên da đỏ vừa chồm qua cửa để cứu cha… rất giống trong phim
The Unforgiven có Audrey Hepburn đóng với Burt Lancaster.
Tôi khám phá hiệu ứng của vũ khí, súng ống và action trong
truyện.
Hết năm 1972 tôi lên trung học. Lúc này là thời kỳ của Hạ Lào
1971, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tống Lê Chân 1973, chiến sự ác liệt, ngưng bắn da beo
nhưng vẫn đánh nhau ở Cửa Việt, lữ đoàn thủy quân lục chiến của trung úy Cao
Xuân Huy đang giành giật từng thước đất. Anh Cao Xuân Huy sẽ in cho tôi tập
truyện ngắn đầu tay Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu 17 năm sau… Nhưng khi ấy tôi
chưa biết, còn đang ngụp lặn trong phim Lý Tiểu Long đấm liên tu vào mặt Chuck
Norris, khoái chí khi Trần Tinh, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long với La Liệt
huơ đao chém loạn xà ngầu… Khi ấy, phim Tây cũng bắt đầu nhiều tình dục.
Richard Burton thủ vai quỷ râu xanh trong Barbe Bleue với Nathalie Delon khỏa
thân trắng muốt, Jane Fonda cởi hết áo quần trong phim Barbarella, Jill Ireland
bốc lửa đóng cặp với Charles Bronson trong Người Tình Của Tên Sát Nhân… Cũng là
những năm các rạp Rex, Eden, Mini Rex, Casino, Lê Lợi, Nguyễn Văn Hảo, Đại Nam,
Văn Hoa chiếu Dr. Jivago, Love Story, Romeo et Juliette, La Guerre de Murphy,
Mourrir d’Aimer, Thập Tứ Nữ Anh Hào, Bố Già, Độc Thủ Đại Hiệp, Hiệp Sĩ Mù… Thời
đại đổi khác. Nhạc kích động dồn dập. Phim ảnh mạnh bạo nên những truyện Người
Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Chuyện Bé Phượng, Thềm Hoang của Nhật Tiến, Bầy
Phượng Vỹ Khác Thường của Nhã Ca, Khung Rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ trở nên lạt
đối với thế hệ lớn lên dưới Đệ Nhị Cộng Hòa.
Chúng tôi khoái Kinh Nước Đen của Nguyễn Thụy Long, Vòng Tay Học
Trò của Nguyễn Thị Hoàng hơn Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thị Vinh, Doãn Quốc Sỹ.
Chúng tôi chưa biết đến Bạch Hóa của Cung Tích Biền. Chưa biết cái hay trong
Tàu Ngựa Cũ của Linh Bảo. Chưa thấm Buồn Vàng của Dương Nghiễm Mậu. Chưa biết
Mặc Đỗ. Kho tàng đã mở nắp nhưng lũ thiếu niên chưa kịp vươn tay vì cánh tay
còn ngắn.
Truyện dài nào ghi dấu ấn lên tuổi hoa niên nhiều nhất?
Về Miền Đất Hứa của Léon Uris. Bản dịch Thế Uyên. Exodus giúp
tôi nhận thức có một cuộc chiến khổng lồ với trại tập trung, với ghetto
Varsovie và không chỉ có một cuộc chiến mà nhiều cuộc chiến. Tôi bước từ Người
Anh Cả của Lê Văn Trương, từ bàn đèn thuốc phiện sang Ba Lan, Palestine với
những chi tiết khủng khiếp. Dov Landau, con chuột của ghetto, chui dưới ống
cống về nhà nhìn thấy xác anh chị mình cháy đen vì bị Waffen-SS phun lửa. Karen Hansen, cô bé tóc vàng
ném cho cha con búp bê trên sân ga khi tàu chuyển bánh, vì vụt ý thức cha cần
ôm con búp bê thay thế mình vào lòng. Sẽ vĩnh viễn chia cách. Nhận
thức của mỗi đứa bé khi trí não bị giáng đập bằng búa tạ luôn là những thảm
kịch. Bên cạnh, Để Tưởng Nhớ Mùi Hương của Mai Thảo là một sàn nhảy tỉnh lẻ ở
Mỹ Tho ít bi kịch. Rồi Jordana Ben Canaan, tuổi trẻ Yom Kippur, rực rỡ hân hoan
và sống động. Jordana yêu say đắm cuồng nhiệt David Ben Ami, bị Ả-rập hãm hiếp
cắt vú tưới xăng lên mặt đốt. Một xử giảo ngay trên Đất Hứa. David Ben Ami
vướng rào kẽm gai, ruột đổ lòng thòng, cố gắng cho nổ hai trái lựu đạn cuối
cùng… Tôi chưa đoán ra là mình sẽ lên một chuyến tàu chứa đầy tỵ nạn cũng đi
tìm đất hứa ít lâu sau. Đất Hứa? Lính Phi cầm gậy đánh đập thuyền nhân không ra
chào cờ Phi trong trại Palawan, Vietnamese Refugees Camp. Tôi vẫn bất an mỗi
khi nghe lại bản nhạc Exodus làm nền cho Mậu Thân 68. Chừng như hai thứ ấy đã
nhập một.
oOo
Thành tựu lớn nhất của Văn học Miền Nam với riêng cá nhân tôi,
là ở bộ môn dịch thuật. Các dịch giả trong Nam am tường Anh-Pháp-Hoa, cẩn trọng
và tài hoa, đã đem đến cho tuổi trẻ miền Nam cả một vũ trụ Tây phương và Á
đông, với biết bao kiến thức và hoài bão. Ba năm 73, 74, 75 là ba năm tôi đọc
ngốn ngấu sách dịch. Lứa tuổi 11, 12, 13 là lứa tuổi của khám phá. Sách dịch
đem đến những gì không có, không trông thấy ở Sàigòn và giúp trí tưởng thăng
hoa cao vút. Tôi nuốt hết Kiều Giang, Cuốn Theo Chiều Gió, Trong Gia Đình, Vô
Gia Đình, Chùm Nho Phẫn Nộ, Đường Về Trùng Khánh, Gió Đông Gió Tây, Trong Một
Tháng Trong Một Năm, Đỉnh Gió Hú, Chuông Gọi Hồn Ai, Quần Đảo Ngục Tù, Giã Từ
Vũ Khí, Tầng Đầu Địa Ngục, Đất Tiền Đất Bạc, Anna Kha Lệ Ninh, Một Thời Để Yêu…
giống uống sinh tố. Riêng Hoàng Tử Bé, Bay Đêm, Cõi Người Ta của Saint Exupéry
phẳng lặng rì rầm như liều thuốc ngủ. Nhá vài trang là thiếp vào cõi mộng mị
thần tiên.
Một thể loại kỳ vĩ khác ập đến khi ấy là sách chiến tranh.
Đến giờ tôi vẫn không biết Lê Thị Duyên là ai nhưng bà khai sáng
trí óc tôi qua Tủ sách Adolf Hitler của Nhà Sông Kiên. Bà ập vào tôi như cuồng
phong. Bên cạnh Otto Skorzeny và Những Sứ Mạng Bí Mật, Hitler và Những Tướng
Lĩnh Đức Quốc Xã, Hitler và Những Tên Ác Quỷ Y Khoa, Hitler và Trận Đánh
Normandie, Mười Ngày Cuối Cùng của Hitler, Hitler và Cuộc Mưu Sát các Lãnh Tụ
Đồng Minh, Hitler và Lò Thiêu Sống Dân Do Thái, Bộ Mặt Thật của Nhà Độc Tài
Phát-Xít Mussolini… Lê Thị Duyên dịch Sấm Sét Thái Bình Dương của Albert
Vulliez, 41 chương, dầy 800 trang, mê hoặc từ đầu chí cuối. Trận đổ bộ lên Betio,
Tarawa, Lê Thị Duyên dịch hết sức mạnh của ngôn ngữ.
Tủ sách Khoa học Nhân văn của Nxb Lê Thanh Hoàng Dân với dịch
giả Nguyễn Nhược Nghiễm cũng cống hiến những bản dịch phi thường mà đến hôm nay
đọc lại, so sánh với bản Pháp văn, tôi vẫn thấy bản tiếng Việt vượt trội ở sức
gây mê, trên giọng văn và ở cảm xúc. Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thống tướng
Douglas McArthur, danh tướng Patton, Thần Phong Kamikaze, Tiềm Thủy Đĩnh Tự
Sát, Mật Vụ Gestapo, Cánh Hoa Rực Lửa, Yamamoto và Những Trận Đánh Lịch Sử
nhưng thành công nhất vẫn là Samourai của Saburo Sakai. Hằng đêm tôi thiếp ngủ
với sách gối đầu giường rơi vung vãi trên đất. Trên sàn nhà là Con Cáo Già Sa
Mạc Rommel của Desmond Young qua bản dịch Lê Thị Duyên, Hitler và Mặt Trận Miền
Đông của Paul Carell bản dịch Mai Trường. Mê sách chiến tranh nên tôi thoát
khỏi tay Bà Tùng Long, cũng thoát khỏi ánh mắt Quỳnh Dao vì bố mẹ cho là ủy mị.
Một thể loại khác, gia đình cũng cấm, nhưng tôi đọc lén. Có lẽ
với hầu hết nam sinh miền Nam, khám phá tình dục trên trang sách bắt đầu với
Kim Dung hoặc Người Thứ Tám. Với tôi là Z-28. Đám nam sinh tuy mỗi sáng thứ hai
cất tiếng hát
Lòng ta nhất quyết nên người
theo gương sáng bao bậc đàn anh
trường Lasan chỉ lối soi đường
chết điếng với Đoàn Vũ Khỏa Thân, Mèo Xiêm Cọp Thái, Nữ Thần Ám
Sát, Vệ Nữ Đa Tình, Người Đẹp Qui-tô, Bí Mật Hồng Kông, Mây Mưa Thụy Sĩ… Chúng
tôi run rẩy trước cảnh Tống Văn Bình khuỳnh chân xuống tấn, dồn khí công xuống
đan điền, thét tiếng thét “Kiai” kinh hồn của võ sĩ nhu đạo và chém atémi vô
yết hầu đối phương… Lâm ly không thể tả! Cũng lâm ly như làn da mịn mát ngực
trần của các nữ phản gián vòng eo nhỏ bằng chét tay, vòng ngực 90, vòng mông
90, nói chuyện ngọt ngào và khỏa thân dưới áo lông thú như Z-33 Trên Công
Trường Đỏ. OSS 117 hay James Bond 007 của Ian Fleming thua Người Thứ Tám xa,
trên cả hai mặt võ thuật và khêu gợi.
Ngay cả khi đám nam sinh Lasan chưa ước lượng được vòng ngực 90
với vòng mông 90 là như thế nào và dùng làm gì, thì vẫn thấy OSS 117 với 007
không bằng.
oOo
“– Ông bán cho em quyển “Một thời để yêu và một thời để chết”.
Tôi ngước nhìn cô bé đứng trước quầy. Em mặc chiếc áo mưa mầu xanh
nhạt và tay cầm chiếc mũ sũng nước. Mặt em cũng đẫm nước, những sợi tóc ướt
dính sát vào trán và hình như đôi mắt em cũng có những giọt mưa long lanh. Tôi
đứng dậy, mở tủ kính lấy quyển truyện đưa cho em và hỏi:
– Chị em sai em đi mua truyện hả?
– Ông nghĩ em không biết đọc à?
– Quyển truyện này viết về “một thời để yêu”. Tôi nghĩ em chưa đến
thời kỳ đó.
– Em rất yêu thương con Miu Miu của em, vậy em đọc được chưa? Còn
ông mới tập sự bán sách phải không?”
Nguyễn Thanh Trịnh mở đầu ví dụ thứ 5 trong tập Ví Dụ Ta Yêu
nhau bằng mẩu đối thoại dễ thương. Cùng lúc ghi lại cảnh những sạp báo giăng
bạt ny-lông che mưa ở đầu ngõ dưới ánh điện néon hay dưới một cây đèn
măng-xông… Sạp báo, quán sách, quầy sách, kiosque sách, cửa hàng cho thuê sách
là đời sống tinh thần khi ấy ở trong Nam. Chưa khi nào nhiều sách báo như vậy
và chưa khi nào đông đúc độc giả học sinh cho bằng. Tôi trong số những cô bé
cậu bé sắp choai choai đội mưa đi mua sách thời ấy. Vòi vĩnh xin tiền ít khi bị
từ chối nhưng xin mua sách là phải nộp cho cha mẹ duyệt. Giờ Thứ 25 của
Gheorghiu bản dịch Mặc Đỗ và Papillon Giang Hồ Tung Cánh của Henri Charrière
bản dịch Đinh Bá Kha được cho phép nhưng đến Henry Miller là bị cấm. Bố mẹ tôi
xem Miller, tác giả của Ác Quỷ Trên Thiên Đàng, là hiện thân của tục tĩu. Những
sách ba-xu hoặc in ít đạo đức phải đem trả.
Bị “kiểm duyệt” nhiều lần giúp khôn lên. Tôi hiểu ra thước đo
sách vở của người lớn. Sách cho phép là sách chán phèo với những Ý Cao Tình Đẹp
của Nguyễn Hiến Lê, hoặc vươn tới thuật trí dũng như Tâm Hồn Cao Thượng của Hà
Mai Anh dịch thuật. Tôi đã không hiểu vì sao một đơn vị bộ binh tác chiến lại
phải nhờ một cậu bé leo lên cây quan sát kẻ thù để rồi cậu bé bị bắn chết, rồi
xem là chết cao thượng? Vì sao không bung rộng các toán viễn thám ra xa, án ngữ
trên những giao lộ rồi chọn những mô đất cao thiết lập vọng kính loại dùng
trong giao thông hào có chân nâng lên cao hai thước? Cái chết của cậu bé phải
xem là điều đáng khiển trách viên sĩ quan thay vì ca ngợi gương hy sinh vô ích.
Không thể lấy quyết định chiến thuật nguyên ngày chỉ trông cậy vào chút quan
sát tức thời của một đứa trẻ. Cậu Bé Thành Lombardi là câu chuyện tuyên truyền
về lòng ái quốc. Lê Văn Tám là “phiên bản hỏa hoạn” tiếp theo.
Sách cấm, ngược lại, chứa những gì bị che dấu.
Thập niên 70 đoàn Dạ Lý Hương về hát ở rạp Kinh Thành. Đông vui
và sầm uất. Tôi “âm mưu” với u già xin phép bố mẹ giắt tôi đi ăn bò viên trước
cửa rạp. San sát trên lề đường là những xe mì hủ tiếu, bánh cay, chuối nướng
bọc nếp trong lá chuối chan nước dừa quạt than… Tôi “thông đồng” với u già đi
thuê truyện ở quán sách cạnh hiệu kem Mai Lan gần tiệm đóng giày Gia. Rồi u
giấu sách vào cạp quần u khi về nhà. Tới tối lúc khuấy sữa đem cho tôi uống cho
có thêm calcium, u mới lôi sách ra dúi vào tay.
Sách thuê cho độc giả thiếu niên muôn vàn cơ hội. Chấm dứt Khổng
Mạnh! Tha hồ Z-28! Tha hồ cho Tiểu Long Nữ thoát y đâu lưng với Dương Quá luyện
công! Tha hồ cho Doãn Chí Bình hiếp dâm Tiểu Long Nữ không ai cấm.
Sách thuê không chỉ có vậy. Nhật ký Tùy Viên Của Một Tổng Thống
Bị Giết của đại úy Đỗ Thọ là tập ký đầu tiên làm tôi choáng váng. Vì sao dưới
chính thể Cộng Hòa người ta lại ám sát Tổng thống của Cộng Hòa Nam Việt? Các sư
huynh vẫn dạy trong giờ Công Dân Giáo Dục là phải tuân thủ pháp luật và kính
trọng tổng thống. Tại sao? Sách của người lớn đầy rắm rối.
Xong Đỗ Thọ, tôi ngã sấp vào Phan Nhật Nam. Cho đến khi đó tôi
không thật biết chiến tranh ra làm sao. Đọc báo Sóng Thần biết có đánh nhau
nhưng không biết cuộc chiến trên quê hương mình diễn ra như thế nào. Các chú
bác về nhà trong quân phục với cây M-16 gác dựa tường là đời sống thường nhật.
Thế hệ tôi khi chào đời, đường phố đã đầy lính tráng. Chúng tôi không biết phân
biệt hòa bình với chiến tranh. Việc phố phường ngập quân xa với binh lính là
điều bình thường. Vì chưa từng khác. Sàigòn đầy những “party”, “bal”,
“boum”…không một dấu hiệu chết chóc. Phải đến Phan Nhật Nam tôi mới hốt hoảng
nhận ra chiến tranh đã đến cửa thủ đô. Khốc liệt và tàn bạo. Tôi khám phá trung
tá Nguyễn Đình Bảo chết trên đồi Charlie trong một quán sách cho thuê truyện.
Nhìn lui, có thể trách tôi ham mê đánh nhau nhưng chính tủ sách
chiến tranh trong Nam đã cho tuổi trẻ miền Nam nhiều cách nhìn về thế chiến mà
không duy nhất một version chính thức của Hồng quân Nga hay Trung Cộng mà tuổi
trẻ miền Bắc phải chấp nhận. Chính tủ sách chiến tranh đó, là tự do.
Những năm chưa đầu
hàng là một hạnh phúc êm ấm. Mỗi sáng thứ bảy cha mẹ đưa đến hiệu sách Khai Trí
mua sách tiếng Việt và mỗi trưa thứ tư vào hiệu sách Liên Châu mua sách Pháp
văn. Hình màu trên trang tiếng Pháp, đối thoại tiếng mẹ trên ấn bản đen trắng
tiếng Việt. Đời sống như có hai mặt, những sắc cầu vồng và ám tối. Dân thủ đô
không một chút hoài nghi thất trận đã kề cận.
Trần
Vũ
Nguồn: https://www.tvvn.org/truoc-khi-that-tran-tran-vu/
304Đen
– llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment