Thì Thôi Thà Đừng Nói
Đám ve
bỏ đi từ những ngày đầu Thu, một lần nữa kéo nhau về mở hội mừng Hè đến trên
hàng cây sao cuối đồi. Những gốc Phượng già nua quanh sân trường và dọc theo
hai bên đường lên ký túc xá một mùa nữa rộn ràng, đua nhau nở hoa. Phượng tím
đỏ ngập sân trường và đỏ tím cả một trời bên phố chợ. Tiếng ve kêu, len vào
từng khung cửa lớp học. Học trò lớn nhìn nhau buồn buồn, tiếng thầy cô giảng
bài như những khúc kinh chiều buông lỏng, thiếu hồi chuông thánh đổ. Không bao
lâu nữa, ngày thi cũng tới, lớp học sân trường thêm một lần hờ hững tiễn người
đi, có người đi rồi về và cũng có người đi biền biệt. Cỏ bắt đầu úa vàng từng
cụm trong sân, bóng nắng xuyên thấu mỗi một dấu chân chờ nhau trên lối rẽ. Xác
Phượng chưa kịp rụng, đám học trò nhỏ đã vội ùa nhau rủ ngắt khỏi cành, ép vào
tập vở. Ký túc xá mùa này đèn phòng học vẫn còn sáng quá nửa khuya, tiếng sách
lật sang trang có đêm át cả tiếng bọn lớp nhỏ ngái trong nhà ngủ.
Sáng thứ bảy, vừa phụ cô quản lý tính toán phần
tiền ăn ở cuối năm, để kịp trả lại cho học trò trước khi ký túc xá đóng cửa,
thì Tường lái xe Honda vào tìm tôi. Hai thằng ngồi trên bực thềm của hành lang,
trước phòng tiếp khách, nắng chưa lên hẳn ngoài sân. Vài ngày nữa là cuối năm
học, bọn tôi sẽ tấp tểnh khăn gói xuống Sài Gòn thi, lần thi định mạng cho tuổi
đời mười tám. Tường hỏi tôi nhiều về Chiêu hơn ngày thường và xem ra có vẻ muốn
nói cái gì đó. Bọn tôi chơi thân với nhau, vui buồn lẩn lộn nhưng chuyện riêng
tư của tôi và Chiêu chỉ có Thảo Ly, hai cô Thu và Quyên biết. Tường tuy là bạn
khá thân nhưng tôi chưa hề nói gì về chuyện tình yêu này cả. Chiếc xe lôi máy
đến đón cô quản lý ra chợ, để máy nổ chờ ngoài cổng rào. Cô quản lý đi rồi, tôi
và Tường thả bộ ra cái quán nước đầu cổng trường, giàn hoa giấy đỏ mong manh
rụng ven đường vẫn còn ướt ẩm sương đêm. Tiếng nhạc pha lẩn mùi ca phê tan tác
loang theo chiều gió sớm về từ phía bên kia sông, ở một góc đường dăm ba cành
cây khô gãy nằm trơ trụi lá.
Đứa con gái con bác chủ quán, học trò cô Quyên,
bưng hai ly cà phê ra bàn, thấy tôi gật đầu chào, hỏi hôm nay sao uống cà phê
sớm vậy rồi bỏ đi ngay, không đợi câu trả lời. Tường cầm lấy ly, hơi nóng tỏa
lên như khói thuốc, đưa lên nhấp chút xíu rồi nhìn tôi:
-Chừng nào mầy về dưới, đi Sài Gòn luôn hay ghé Bến
Cầu trước?
Tôi vẫn để ly cà phê nằm yên trên bàn, nhìn mông
lung ra đường, trả lời:
-Tao cũng chưa biết nhưng chắc phải ghé nhà rồi mới
đi.
-Có lẽ tao xuống Sài Gòn trước, tao chờ mầy ở dưới.
Qua lại vài câu rồi hai thằng lặng thinh, không nói
gì thêm nữa. Ngoài kia, nắng lên vàng hực theo màu cỏ úa, quanh sân trường, lưa
thưa đôi tiếng ve sầu buồn gọi bạn. Tường sửa lại thế ngồi, trông hắn có vẻ
muốn nói cái gì đó, không giống ngày thường. Thấy vậy, không chờ hắn lên tiếng,
tôi hỏi ngay:
-Mầy có chuyện gì hả?
Tường ngài ngài gật đầu thay vì trả lời, tôi nói
tiếp:
-Nếu mầy thấy tao có thể nghe thì nói, xem tao giúp
được gì không, còn nếu không thì thôi.
Tường một lần nữa, cầm ly cà phê lên nhưng không
uống, nhìn tôi một hồi lâu, để cái ly xuống bàn lại, chầm chậm nói:
-Tao không biết nói sao đây, tao không ngờ là tao
yêu Chiêu mày ạ!
Tôi chết đứng trong lòng, không phải Tường không
ngờ mà chính tôi cũng không ngờ. Câu nói của Tường quay vòng trong đầu, tôi cầm
ly cà phê lên, uống một hơi quên mất cái đắng thắm đầu môi, cố làm ra vẻ bình
tỉnh và cảm thông nhưng tim mình đang đau nhói.
-Chiêu biết mày thương cô ta không? Tôi nhẹ giọng
hỏi Tường
-Có thể nhưng chắc tao phải nói, chớ không nói thì
làm sao Chiêu biết được.
-Không còn bao nhiêu ngày gặp nhau, chừng nào mầy
mới nói ra. Tôi hối hả hỏi.
Tường bổng dưng ngừng ngang đó, nhìn ra
cổng trường, mấy cánh cửa sổ lớp học Chiêu hờ hửng khép, rồi đứng dậy trả tiền.
Tôi bỏ ra chờ trước quán, hai thằng lặng thinh đi bộ dọc trên lề trở lại ký túc
xá. Bất chợt, cái nắng giữa ngày trong hồn tôi mưa từng giọt đổ buồn thiu buồn
thít. Tường đẩy xe Honda ra, ngồi lên yên chưa nổ máy nhìn tôi:
-Thôi để thi xong rồi tính.
Tôi gật đầu chào hắn:
-Mầy tính vậy cũng xong, không gấp gáp lắm đâu.
Tường thấy vui ra mặt, vừa nổ máy xe vừa sửa lại
thế ngồi. Tường bỏ đi rồi, tôi ngồi đại xuống bực thềm trước phòng tiếp khách,
hồi chuông cúng ngọ của chùa Thiền Lâm vọng về từ hướng chợ Cũ theo chiều gió
ngược, tiếng mất tiếng còn. Mùi cơm nóng tỏa ra từ phía nhà ăn, tôi thấy mình
không đói.
Ngày học cuối, xác Phượng phủ kín một màu đỏ thẩm
trên những lối đi quanh sân trường. Lớp học không có phấn trắng, không sổ điểm
danh. Học trò, thầy cô, ai nấy buồn hiu theo tiếng ve tiễn biệt. Học trò lớn
nhỏ, tụm năm tụm ba, đầu sân cuối lớp, chuyền tay nhau viết vội mấy hàng trên
cuốn lưu bút mới. Rồi cũng cảnh kẻ ở người đi, cũng cảnh ngậm ngùi nhung nhung
nhớ nhớ như năm nào. Bọn tôi, đứa đứng đứa ngồi quanh hàng cây trứng cá, dọc
theo hàng lang phòng khánh tiết của trường, không ai nói gì nhiều. Trường tan
học giữa trưa, học trò từng cặp lặng lẽ ra cổng, tiếng chuông reo, kéo dài như
muốn khóc. Một lần nữa, cái cổng trường lạnh lùng khép sớm hơn thường lệ. Như
đã bàn trước, bọn tôi cùng cô Thu cô Quyên, thả bộ ra chợ Cũ ăn trưa. Đường vẫn
còn đông nghẹt
học trò, nắng trưa chang chang đổ. Ăn xong, Tường có chuyện phải ra chợ mới,
tôi hẹn lát nữa gặp lại Chiêu rồi trở lại ký túc xá lấy túi xách, đến tạm ở nhà
mấy cô một đêm, để mai đón chuyến xe đò sớm về Bến Cầu.
Chờ cô quản lý khóa cổng, tôi nói vài câu cám ơn và
giã từ, cô cũng không quên chúc tôi nhiều may mắn. Tôi quàng túi xách lên vai,
lửng thửng đi xuống đường. Cô thong thả đi về hướng xóm nhà trong. Từ dưới
đường nhìn lên ký túc xá, hoa Phượng nở đỏ rực hai bên, ở đó vắng tanh như
chiều Ba Mươi Tết. Nắng ở lại một mình, chia nửa cái sân hoang bên sáng bên
tối. Tôi đứng đợi xe lôi máy một hồi lâu vẫn chưa có tiếng ve sầu kêu như mọi
ngày.
Tôi ngồi tán dóc với cô Quyên trước hiên nhà, bông
sứ trong căn biệt thự cũ, đầu ngã ba trường cứ tơi tả rụng, tưởng như trời đã
cuối Thu mặc dù bây giờ chỉ mới bắt đầu vào Hạ. Chiêu đến đúng như đã hẹn, đưa
tôi qua nhà cô tư Hòa rồi trở lại chỗ cô Quyên chờ tôi ở đó ăn cơm chiều. Thằng
Phúc đứng chơi đá cầu trong sân nhà bên cạnh, thấy tôi bỏ mặc cho đám bạn la
hét vì thiếu người, chạy vụt vô nhà không kịp cho tôi hỏi han một tiếng nào. Cô
tư từ trong bước ra cùng lúc tôi cũng vừa tới cửa. Cô vò đầu tôi cười, con Hạ
với vài đứa bạn gái lấp ló bên trong xầm xì to nhỏ. Thằng Phúc lăng xăng sắp
xếp ghế mặc dù phòng khách không có bao nhiêu chỗ ngồi. Tôi ngồi xuống cái ghế
đặt cạnh bàn học làm bằng gỗ thông sát bên cô tư. Con Hạ rót cho tôi ly nước xá
xị rồi chị em cùng rủ nhau ra sân, trong nhà giờ này không còn ai. Trời ngoài
kia, nắng lưng chừng chiều cứ nghiêng nghiêng đổ. Thằng Phúc chạy trở qua nhà
bên, tiếp tục trận đá cầu mà nó đã bỏ dở.
Còn lại hai cô cháu trong nhà, cô tư hỏi qua loa
chuyện học hành, chuyện nhà cửa dưới Bến Cầu, chuyện ăn uống ở Sài Gòn sẽ ra
sao, tôi trả lời một cách cặn kẽ như thường lệ. Cô trầm ngâm một lúc, rồi nói
cho tôi nghe chuyện của hơn mười mấy năm trước đây. Tôi ngồi chết trân nghe,
tưởng chừng như quanh đây trời đất chợt dưng bão nổi. Trong cái ánh sáng lờ mờ
xuyên qua khung cửa cổ của nắng chiều đang xuống, mặt cô tư tràn nước mắt.
Chiêu đến đưa tôi ra bến thật sớm, đón chuyến xe đò
Tây Ninh –Sài Gòn đầu ngày về Bến Cầu. Chợ tỉnh lưa thưa dăm ba người lặng lẽ
dọn hàng dưới mấy ngọn đèn dầu leo lét. Ngọn đèn điện trước trụ sở xã vàng vỏ,
mù mờ trong màn sương chưa kịp tan, người lính gát đêm đứng tựa vào cánh cổng
sắt nhìn đám hành khách thong thả chờ lên xe, ngáp dài mệt mỏi. Xe qua khỏi cầu
Quan, Chiêu vẫn còn chạy Honda theo sau, tới ngã rẽ lên dốc cư xá sĩ quan vẫy
tay vài lần rồi mới chịu bỏ đi. Phía bên kia sông trời đã có chút nắng sáng về,
đường phố bắt đầu thức giấc theo tiếng chuông của nhà thờ làm lễ sáng. Xe chầm
chậm qua ngang cuối ngã ba, từ trong nhìn ra, sân trường vắng tanh một màu
loang cỏ úa, lớp học lặng im nhốt mình bên trong dãy khung cửa sổ khép kín từ
lâu, dăm ba cánh Phượng tím bầm, lẻ loi rụng, nằm vắt ngang đâu đó trên bực
thềm cổng hờ rong rêu phủ.
Gió mang chút hơi lạnh đuổi theo xe,
khẻ rùng mình, tôi kéo cổ áo lên cao che, bất chợt những gì của
Tường nói và nước mắt trên mặt cô tư Hòa khi chấm dứt câu chuyện của mười mấy
năm trước chiều hôm qua, tôi thấy lòng mình buồn ray rứt, buồn trong cái buồn
của nổi đau thì thôi thà đứng nói.
Thuyên
Huy
(Trích từ truyện Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ -
Thuyên Huy”
No comments:
Post a Comment