Chuyện Tuồng Đời Một Người
Mượn một phần chuyện có thật. Bối cảnh,
tình tiết được tự dưng và thêm thắt.
Tôi quen Thạnh từ những ngày lớp năm trường làng, từ cái thuở tắm mưa giữa
chợ giữa đồng, cái thuở đá dế đá cá lia thia, xách lon múc nước mương đổ hang bắt
dế cơm con một con hai, chờ giông lớn lượm xoài rụng, trèo bẻ ổi hoang cuối chợ,
đá banh ngoài đồng cuối mùa lúa, khô cằn trơ gốc rạ và nhiều thứ lẩm ca lẩm cẩm
của tuổi con nít. Nhà Thạnh xóm dưới cuối ấp chợ, căn nhà mái tôn, vách ván, giữa
cái sân loang lở cỏ, hoa lá lưa thưa, cách khu phố ngã ba chợ xã, trên con đường
rẻ đi xuống bờ nhánh sông nhỏ dẩn ra sông lớn Vàm, nhà tôi cái tiệm cà phê ngay
ngã ba, chỗ có bến xe lam xe đò miệt xa chạy ngang bỏ khách, đón người, nằm một
bên chợ, ngó qua trường tiểu học và trụ sở xã, cái đồn lính, rào kẽm gai chằng
chịt, bên cạnh quốc lộ trải nhựa đen, đi xuôi về ngược chiều sáng sáng chiều.
Nhà Thạnh tạm đủ ăn đủ mặc, ba má anh không còn trẻ, ông bị tật ở chân
trái, đi đứng có vẻ khó khăn, làm thư ký gì đó trong văn phòng xã, chú thiếm hiền
lắm, nói năng nhỏ nhẹ, vui vẻ, ai nhờ chuyện gì cũng được, chưa thấy ai phiền
hà gì. Thạnh lại học giỏi, anh ta chỉ tôi nhiều thứ, tôi thì có tài hay là ưa hỏi,
sáng nào đến trường, từ nhà lội bộ tới, băng qua đường, tôi đã chờ trước nhà,
má tôi thương anh ta lắm, gần như sáng nào cũng vậy, bà cũng đưa cho hai đứa
hai cái bánh tiêu nóng ăn rồi đi học, mấy ngày đầu thấy lạ, e sợ không dám lấy,
má tôi vui vẻ xoa đầu anh ta, dỗ một dỗ hai bảo ăn, riết rồi cũng quen, chiều
tan trường đôi khi ở lại chơi chút rồi mới về. Ba má tôi cũng quen ba Thạnh,
ông cũng thường tới tiệm uống cà phê sáng trước khi đi làm, ba tôi thường tới
ngồi bên ông, hai người nói chuyện gì với nhau, xem ra hợp rơ lắm.
*
Hai đứa đậu vào trường trung học tỉnh, Thạnh học giỏi, đậu thì chắc rồi,
không cần phải nói, còn tôi có lẽ nhờ may “trời thương”sao đó nhưng vậy cũng đủ
vui rồi, đường xá xa xôi, chốn lạ có nhau còn gì hơn. Lên tỉnh, Thạnh ở chung với
tôi tại nhà người chị, con ông bà con chú bác với ba tôi vài ba năm đầu, chị có
chồng là lính truyền tin trong tiểu khu, chị làm thợ may tại nhà, căn nhà mái
tôn vách ván nằm nép sau hàng dừa già, chạy dọc theo đường lộ, cách trường
không xa, anh chị không có con, tính tình hiền hậu, ân cần nên thương hai đứa
như con như cháu. Con nít mà, phố xa, đèn đường, xe cộ, tỉnh thành cái gì cũng
lạ, nên “bất cần đời”, mê chơi hơn là để tâm những chuyện khác, anh chị nhắc chằng
chằng đủ thứ từ tắm rửa ăn cơm đến học hành bài vở.
Thạnh vẫn vậy, cứ học giỏi như xưa, tôi cố lắm thì cũng chỉ tới được hai
phần ba của anh ta, tôi cũng chẳng hiểu, vì đâu hay tại sao mà Thạnh lại giỏi môn
Pháp văn từ năm Đệ Thất cho tới mấy năm lớp trên, không nghe anh nói nhiều
nhưng đọc, làm bài, đặt câu thì khỏi chê, thầy dạy môn này khoái anh hết sức
nói. Học bạ mấy năm Đệ Nhất cấp của Thạnh, điểm và lời thầy cô phê thì, ôi thôi
từ giỏi tới giỏi, đặc cứng cả trang, nhưng Thạnh hết mực khiêm nhượng, không
bao giờ tỏ vẻ ta đây, nhờ là bạn chí thân nên cũng được thơm lây, dù sao tôi
cũng được đâu đó năm ba chữ giỏi trong học bạ, cũng đở buồn đở tủi, anh chị tôi
khen hai thằng hết nhưng khi khen thì ưa nhìn Thạnh hơn, dường như muốn nhắc
tôi gì đó, năm nào, hể cứ đầu năm học thì chị không quên may cho hai đứa hai bộ
đồng phục quần xanh dương áo trắng, theo khổ người một năm mỗi lớn.
*
Gần giữa năm Đệ Ngủ, Thạnh thường hay nhìn trời nhìn đất, mơ mơ mộng mộng
trong những ngày nghỉ học, nếu không về nhà, qua Tết từ quê trở lên, thấy Thạnh
thường viết vội viết vàng gì đó nhưng viết rồi bỏ, bỏ rồi viết, hỏi ra thì “thằng
bạn nối khố nhà quê” của tôi đã biết nhớ ai rồi. Thường thì hai đứa chiều tan
trường, nhà gần nên đi một mạch về, bỏ cặp bỏ túi, ra ngồi gốc cây dừa già nằm
vắt mé sân, ngó đám con gái, một trời áo trắng bay, đạp xe đạp từng đôi từng
ba, về ngang, hồn nhiên thả tóc dài, cài dăm ba cái hoa nắng muộn đong đưa bay theo
gió chiều từ hướng sông lên, nói cười khúc khích.
Gần nghỉ hè, Thạnh nhờ thằng bạn cùng lớp, cũng chơi một đám với nhau,
con nhà giàu ngoài chợ tỉnh, từng nhờ Thạnh bài này bài nọ, không biết lấy tin ở
đâu, tôi cũng xúi ra xúi vô, qua cô chị học chung với “người mơ” của Thạnh, biết
được tên NT, nhờ chị cột cái thư tình đầu đời của tuổi mới biết thương mà Thạnh
đã viết đi viết lại mấy lần, vào ghi – đông xe đạp của cô nàng, thế là xong việc,
cả ba đứa thở dài khoái chí. Rồi thì chờ thư hồi âm, Thạnh thấp tha thấp thỏm,
chờ từng ngày, chờ tới hè, bải trường vẫn “thư đi không có thư về”, cả ba đứa
ngẩn ngơ, lắc đầu chia tay, tạm biệt cái cửa sổ lớp học mà Thạnh thường ngồi
nhìn dãy lầu bên kia, dù nắng sáng hay mưa chiều. Tựu trường vào học sau hè, thấy
lạ nhưng tôi không dám hỏi, sợ nhắc lại làm bạn buồn nhưng Thạnh không hề nhắc
tới chuyện cái thư cột trên ghi- đông xe đạp hôm nào, chừng như không có gì xãy
ra, vui và học như đã từng như vậy, quên cái thương đầu đời dứt khoát nhưng có
quên hay không, tôi khó lòng hiểu được.
*
Năm Đệ Tam, có đứa cháu của người chồng, mới đậu Đệ Thất lên tỉnh học,
nhà có thêm một đứa nữa cũng vui nhưng chừng vài tuần sau, được thầy dạy Pháp
văn giới thiệu sao đó, Thạnh từ giã, cám ơn anh chị tôi rồi dọn tới, nói dọn
cho có vẻ oai chứ cũng như tôi, anh ta cũng chẳng có gì ngoài hai túi xách, đựng
áo quần, sách vở và ba thứ lặt vặt lỉnh ca lỉnh kỉnh, đến ở nhà hai bác Liên,
bác trai là công chức về hưu, có tiệm cơm đông khách, trong khu xóm đạo, hai
bác có đạo, bác trai giữ việc “ông Bỏ” nhà thờ, giống như ông “Từ”ở chùa. Nhà
không còn ai, bác có hai người con gái, đều lập gia đình và ở miệt nào dưới Cần
Thơ, Long Xuyên gì đó, ngày Tết, ngày giỗ mới về, thì ra, tiệm cơm này là chỗ
công chức, quân nhân từ xa đổi về tới ăn, trong đó có thầy dạy Pháp văn và hai
ba cô thầy khác.
Trong số người tới tiệm cơm có cô
con gái tuổi cở Thạnh, khá xinh, ba bốn bữa một tuần, chiều năm sáu giờ thường
đi bộ tới mua đồ ăn, trong lúc Thạnh phụ bán, dọn dẹp chén dĩa trên bàn, vài
hôm đầu nhìn nhìn ngài ngại nhưng rồi dần quen, biết tên biết tuổi KL , cô gái
hồn nhiên nói cười, dễ bắt chuyện, Thạnh phải lòng sau đó, có bận mấy, chờ cô
ta ra về rồi anh phải cố ra đứng trước tiệm nhìn theo, cô gái cũng vừa lúc tới
đầu ngã ba đường về hướng khu phố, có cái trường trung học tư thục nhỏ, nhìn
theo mà ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Vậy mà rồi cũng mến nhau, nhớ nhau, học dưới lớp một
năm ở cái trường tư thục đó, cô nàng nhà tận Bình Dương, theo bà chị có chồng
đang làm gì đó trong ty Cảnh sát tỉnh, đổi về đây hơn ba bốn năm qua.
Tôi không còn ở chung nên không biết anh ta có cần phải viết thư tình
hay không nhưng, đôi ba lần gặp cô nàng ở quán sinh tố đầu cư xá khi hai người
hò hẹn mà tôi là nhân chứng bất đắc dỉ, thì nghiệm ra chắc Thạnh chẳng cần chi
chữ nghĩa nữa. Ngày tháng thơ mộng của họ cứ như thế ngây dại đi qua, cuối năm
đó, năm Đệ Tam, cô nàng rời tỉnh, theo vợ chồng bà chị đổi về tỉnh khác, đi mà
không một lời, sau mấy hôm vắng không tới mua đồ ăn như những ngày trước, hè
năm đó Thạnh về quê, không vội vàng trở lên, buồn như cái buồn của lá mùa Thu rụng,
man mác buồn tương tư suốt một mùa hè.
*
Trên chuyến xe sớm về tỉnh, một trưa gần cuối năm Đệ Nhị, ngấp nghé mùa
thi Tú Tài Một đâu đó, Thạnh quen một cô giáo nhà cũng trên tỉnh, đang dạy tại
một trường tiểu học ở Hốc Môn, khi chiếc xe phải ngừng lại tại khu chợ xã quen,
chờ mấy anh lơ xe thay bánh. Cô HT lớn hơn anh ba bốn tuổi gì đó, tốt nghiệp Sư
phạm Sài Gòn, khá đẹp, tóc dài đen huyền, bên ven đường, cũng như đám hành
khách đi tới đi lui, đứng đứng nhìn nhìn, hai người vui cười hỏi nói, không biết
là đã nói những gì, xem ra cô nàng có vẻ ưng ý, cũng nên biết thêm, Thạnh, anh
bạn tôi này, có biệt tài ăn nói, ai nghe rồi cứ nhớ, khó mà quên được. Sau lần
đó, dường như với anh ta, như một nhạc sĩ nào đó viết, “con tim đã vui trở lại”,
một lần nữa trong đời, Thạnh có thêm một mối tình.
Gần không quá nửa năm sau Đệ Nhất,
thỉnh thoảng, người ta thấy trên đường phố quen, có hai người bên nhau trên đường
hay một góc quán nhỏ nào đó những chiều cuối tuần. Dạo đó tôi cũng ít khi gặp
Thạnh thường, ngoài ở trường lớp, đôi khi cũng có ngồi quán nhắc chuyện cũ chuyện
xưa cho vui, còn chuyện ngày mai, cận nhất là nhớ lo mùa thi cuối, anh ta chỉ
cười mĩm trả lời hai tiếng “biết rổi”. Một chiều giữa hè, mùa thi vừa xong, chờ
ngày có kết quả, lần đầu đến nhà sau mấy tuần hẹn thương hò mến, chiều đó Thạnh
ra về sớm hơn dự tính, không hẹn, ngỡ ngàng, lòng đau một nổi đau khó tả khó tưởng,
lang thang trên đường sắp tàn nắng chiều tỉnh nhỏ, cứ lang thang mà không biết
nên cười hay khóc. Sáng hôm sau Thạnh đón chuyến xe đò thật sớm, lặng lẽ bỏ về
quê giữa màn sương đục màu lành lạnh. Thì ra, không ai ngờ, cô HT là chị của
NT, cũng đang học cùng lớp, “người mơ” mà Thạnh đã viết lá thư tình đầu, gài
trên cái ghi -đông xe đạp cô nàng của năm mới tập biết yêu Đệ Ngủ.
Thạnh và tôi đậu Tú Tài Hai năm đó, Thạnh vào Hóa học Phú Thọ, tôi qua
Dược, hai đứa lại gặp nhau ở Sài Gòn, tôi ở với người bà con bên Thị Nghè, mấy
ngày đầu năm học Thạnh trọ ở nhà ai đó trên Bảy Hiền nhưng không lâu Thạnh dọn
về khu chung cư, gần chợ Nguyễn Trị Phương, rồi hai đứa cũng cà phê bên lề,
cũng ngồi quán nhìn ngựa xe son phấn phố phường, phồn hoa đô hội, không nghe
anh ta nhắc chút gì về chuyện cũ, tôi cũng chẳng màn hỏi tới hỏi lui, vui với
những gì mình đang có. Thạnh tìm được chỗ dạy kèm khá “sộp” ở cư xá sĩ quan Bắc
Hải, tiền bạc xem ra rủng rỉnh trong túi. Mùa thi cuối năm xong, trong một vài lần về lại
tỉnh thăm bạn bè, mới biết, cô giáo HT đã lập gia đình với một anh bác sĩ Quân
Y và cô em NT học Luật.
*
Thạnh tình cờ quen chị NTH hôm đứng chờ chyến xe lam giữa sáng, từ Bảy
Hiền xuống trường, chị khá đẹp, có dắt theo thằng bé trai độ ba bốn tuổi, bến
không đông người, thấy thằng nhỏ dễ thương, Thạnh làm quen, hỏi thăm qua lại, rồi
chia tay. Vài hôm sau Thạnh dọn tới ở trọ nhà chị, một căn tầng trệt tại chung
cư Nguyễn Kim, chỉ có hai mẹ con ở. Chị NTH lớn hơn Thạnh ba bốn tuổi, có cửa
hàng bán quần áo trong chợ An Đông, chồng là một sĩ quan tử trận hơn hai năm
qua, lúc thằng bé vừa tròn hai tuổi, giờ có chú Thạnh, thằng nhỏ “chú chú con
con” luôn miệng suốt ngày cũng vui. Cứ vậy, rồi ngày qua ngày lại, hai người mặc
nhiên, không ai nói tiếng thương tiếng yêu gì, họ sống bên nhau xem ra khá hạnh
phúc, Thạnh có một khoảng thời gian thư thái khá lâu và từ đó Thạnh biết và làm
quen dần với “thú vui xác thịt”. Không chung trường, mấy năm sau, ngổn ngang với
thi cử sách vở, không còn thường gặp nhau như năm đầu, tôi cũng đã may có cô bạn
gái, rồi là người yêu bên Văn khoa, nhưng thỉnh thoảng hai đứa cũng còn ngồi cà
phê cà pháo, gặp nhau chuyện trò, Thạnh nói gì tôi nghe nấy, không bàn ra tán
vào, vậy thôi, có gì vui thì mừng cho bạn.
Đầu năm cuối Phú Thọ vài tuần, một chiều chưa tắt nắng hẳn, Thạnh đến
trường Dược tìm, thấy lạ, không biết chuyện gì đây, vì chưa xảy ra, hai đứa kéo
nhau ra ngoài bến Bạch Đằng, cà phê bên lề, nhìn chiều rụng hoa nắng muộn trên
sông. Thạnh trông không thấy vui như trước, có vẻ sầu tư, hình như có gì lấn cấn,
tôi biết tánh bạn, im lặng chờ mà không hỏi, Thạnh cho biết đã dọn tới ở chỗ mới,
trên con đường lớn hơn hẻm, sau lưng hồ tắm Nguyễn Văn Thoại, chạy băng ngang tới
ngã ba Ông Tạ, căn nhà dư trống của một gia đình mà anh đang dạy kèm thi cho
con họ.
Nhìn nắng lịm đổi màu trên sông, Thạnh nói tôi lặng thinh chờ nghe. Một
hôm từ trường về sớm, vừa tới cái quán cà phê đầu đường ngã ba, cách nhà không
mấy xa, Thạnh đứng khựng lại, chị đang cùng một người đàn ông cười nói đi ra
chiếc xe hơi Peugeot 404 đậu trước cửa, về tới nhà có phần hơi khó chịu chính
mình nhưng cũng nguôi ngoai sau đó không lâu. Có hôm cũng chiếc xe hơi đó tới,
chị vội vã đi, cũng vui vẻ dặn dò anh chuyện cơm nước như thường lệ. Thi xong
năm này, từ quê nhà trở xuống xem lại kết quả, nhà vắng, phòng ngoài, chị để miếng
giấy trên bàn cho biết, thằng bé đã đem gởi nhà ngoại bên cư xá Lê Đại Hành, chị
có việc phải đi xa chừng năm sáu ngày. Cũng không phải đến bây giờ mới nghĩ tới,
mà anh đã thấy “vậy cũng quá đủ cho mình rồi” từ buổi sáng có chiếc xe hơi đậu
trước nhà, chắc không có gì phải tiếc nuối, không có gì để người khác phải nợ nần
ân tình gì anh. Thạnh vui lòng quyết định, hôm sau Thạnh dọn mớ tui xách, vài
thứ lặt vặt, dọn sạch mọi thứ của mình trong phòng, đâu đó rồi theo chiếc xich
lô chờ trước cửa, Thạnh lặng lẽ bỏ đi sau cái quay lại nhìn lần cuối.
*
Tốt nghiệp, ra trường, chờ ngày đi làm cho hảng bột giặt Viso trên khu kỹ
nghệ Biên Hòa, ông bà chủ có cô con gái mà Thạnh dạy kèm đã thi đậu kỳ Tú Tài Một,
vui mừng để Thạnh tiếp tục ở căn nhà trên Nguyễn Văn Thoại, Thạnh nài nĩ xin trả
chút tiền gọi là mướn nhà nhưng ông bà nhất định không chịu, coi như chỗ ở để đi
làm cũng tạm ổn. Một chiều thứ bảy, lang thang trên khu chợ trời Hàm Nghi, đang
cầm mấy hộp thịt ba khoanh của Mỹ, tại sạp bán đồ thịt đóng hộp quen, nói qua
nói lại với chị chủ sạp thì hai chị em gái cũng vừa tới hỏi mua thứ này, thứ mà
Thạnh đã lấy hết, đang cầm trên tay, hai chị em nhìn tay anh ta, không nói gì
nhìn nhau tiếc rẻ, biết ý, anh cười lên tiếng nhường cho, chị chủ sạp cũng nói
thêm, cô chị rụt rè, e thẹn rồi cũng nhận, rồi thì hai bên làm quen, QC, cô chị
đang làm cho ngân hàng Pháp Á, cô em MH vừa lên Đệ Tam. Tự dưng và bất chợt Thạnh
thấy đường phố Sài Gòn chiều nay đẹp hơn ngày thường, dù có cơn mưa chiều nhẹ
len nắng ngang qua, phơn phớt thoáng chút hơi lạnh. Thạnh chia tay hai chị em,
sau khi rời tiệm kem Mai Hương ra về, cả hai bên không quên và hứa hẹn sẽ gặp lại.
Thạnh đi làm trên khu kỹ nghệ Biên Hòa chưa được bao lâu, chuyện tình của
anh ta và cô QC cũng chưa đủ chín tới lắm nhưng đang trên con đường tình ta đi êm
ái, đùng một cái miền Nam thua cuộc, ba mươi tháng tư Sài Gòn đổi tên, Thạnh bị
đuổi việc. Cứ tưởng là còn chút hạnh phúc, Thạnh đến nhà QC như thường lệ, mới
biết gia đình cô có người bà con làm cán bộ lớn của chế độ mới từ Hà Nội vào, đang
tiếp thu một bộ nào đó cũ của VNCH, cả nhà rộn rịp đón mừng. Thạnh ra về, QC đứng
trước cửa nhìn theo, vẫy tay chào, cô chắc không ngờ đó lá cái vẫy tay lần cuối.
Thạnh về tỉnh thăm nhà, vài hôm, mọi cái trong nhà đều như cũ, chỉ khác
là lúc này ba mẹ anh thường thở dài khi đứng nhìn mấy lá cờ đỏ phất phơ trên cột
cờ văn phòng xã, tiệm cà phê của gia đình tôi vắng đi dần những người khách lam
lũ quen của xã nhà năm cũ. Thạnh trở xuống Sài Gòn, không trở lại nhà cô QC,
loanh quanh phố xá xưa chừng hơn sáu bảy tháng, ông bà chủ căn nhà mà anh đang ở
đã rời khỏi Sài Gòn từ lâu lắm rồi. Một sáng mưa giông, Thạnh theo chuyến xe đò
đi Hàm Tân, với túi xách nhỏ và tờ giấy đi đường do công an phường cấp, Thạnh
âm thầm theo đám người lạ, xuống chiếc ghe đánh cá ra khơi tối hôm đó, cũng như
buổi sáng, một buổi tối đầy trời giông to gió hú, cuối cùng Thạnh bỏ Sài Gòn đi,
hành trang ngoài cái túi xách cũ còn có thêm những cuộc tình lỡ.
*
Kết
cuộc, màn hạ xuống, Thạnh chấm dứt vai mình trong vở tuồng đời, cho tới bây giờ
không ai, không một ai, bạn bè chứ anh không có người thân nào, người thương người
ghét biết anh ở đâu, còn trên đời này hay đã thiên thu về với đất, nói vậy chứ
có lẽ cũng không ai bận tâm làm gì, chuyện của anh chỉ là một câu chuyện nhàm chán,
nói cho vui trong lúc trà dư tửu hậu. Tuy vây những người đóng vai phụ, trong
đó có tôi, cũng cám ơn anh, đã cùng chia sẻ ngọi bùi, vinh nhục với nhau, trong
suốt hơn một phần ba đời người.
Thuyên Huy
Viết thay cho một người.
Xin cám ơn những người mà tôi đã mượn
làm nhân vật phụ cho câu chuyện.
No comments:
Post a Comment