Chuyện xảy ra vào thập niên 1960, ở miền
Tây sông nước.
Ngoài chợ có một gia đình chưa phải gọi giàu có lắm nhưng cũng khá giả, đang
lúc muốn lấy vợ cho con trai thì nghe trong vườn có cô gái xinh đẹp đến tuổi
cập kê, con nhà gia giáo, ruộng đất cũng nhiều, kêu bằng môn đăng hộ đối, nên
nhờ mai mối xin cho đem trầu cau hỏi cưới.
Mai mối thời ấy làm ăn chuyên nghiệp nên chuyện
chóng thành, mặc dù đôi nam nữ thường là chưa quen biết gặp mặt nhau.
Thông qua bà mai, hai bên đà hẹn ngày để đàng trai mang lễ vật qua, mà phải
đúng giờ hoàng đạo, để đôi trẻ được thuận hòa, mau sinh quý tử.
Đúng ngày đã định, từ bến chợ, phía đàng
trai xuống ba ghe lớn, khăn đóng áo dài, lễ vật đầy ghe phủ khăn điều vải gấm,
rình rang đi hỏi vợ cho con, phố chợ ra coi vui như ngày hội.
Đàng trai vô đến bến đàng gái trong vườn
hơi sớm, chưa đến giờ hoàng đạo, nên ghé dừng trên kinh, để vị đại diện đàng
trai lên bến trước xin lễ nhập gia. Vị chủ hôn đàng gái kiên quyết không cho
phía đàng trai đặt chân lên bến, nếu chưa đến giờ hoàng đạo.
Đàng trai lúc này lâm vô cảnh khó, không
lên bến được, nên cả bầu đoàn thê tử ba chiếc ghe lớn nổi trôi ngoài kinh nước
chảy.
Có một ông nông dân nhà ở bến nước dưới đó
một chút, thấy cảnh khó coi vậy, bèn bảo đoàn đàng trai tấp ghe vô bến mình,
chờ đến giờ hoàng đạo hẵng qua nhà gái, chứ trôi nổi trên kinh thì kỳ lắm.Thế
là cả họ đàng trai may mắn có chỗ dừng chân, tuy chỉ là một bến nước đơn sơ,
nhà tranh vách lá nhưng cũng còn hơn cứ lềnh bềnh trên dòng kinh.
Chủ bến là người nông dân nghèo nhưng thiệt
tình, hào hiệp, đón khách lên bến rồi kêu đứa con gái út ra bày bàn ghế, trà
nước cho khách ngồi trú chân. Và chú rể có dịp nhiều lần liếc trộm cô con
gái ông chủ nhà, tuy quê mùa nhưng cũng khá xinh đẹp, đằm thắm.
Đến giờ hoàng đạo, lại gặp lúc không may,
trùng vô giờ con nước ròng. Ai ở miền Tây cũng biết, con nước giựt ròng sát đáy
kinh, ghe xuồng không di chuyển được. Lúc này họ đàng trai đành cột áo, xắn
quần lên đi đường bộ, tay bưng lễ vật băng vườn để qua nhà đàng gái. Băng qua
vườn ai thì phải hỏi xin phép, vì dân nhà quê có người tin dị đoan
kỵ̣ ma chai cưới hỏi. Lục đục mất hơn canh giờ mới đến nơi, lại bị quá giờ
hoàng đạo, đàng gái cấm cửa không cho vào nữa. Đã quá giờ hoàng đạo, không cưới
xin gì ráo trọi.
Đàng trai đứng như trời trồng, không lẽ bỏ
về. Lúc này, chàng chú rể mới ghé
tai cha mình nói nhỏ câu gì ….Thế là cả họ đàng trai quay lại bến nước tá túc
neo ghe lúc nãy. Vị chủ hôn đứng ra thưa chuyện với người nông dân nghèo, xin
hỏi cưới cô út cho chàng chú rể hụt. Bỗng dưng nhận lời cầu hôn hơi bất ngờ,
người nông dân phát hoảng, cũng may cô con gái út sau mấy bận nhận ánh mắt liếc
trộm của chàng chú rể, khẽ mỉm cười gật đầu. Đám cưới được tổ chức không lâu sau đó mấy ngày, nghe nói hết
mấy trăm lít rượu đế, không cần vô giờ hoàng đạo, cứ canh con nước lớn là đãi
tiệc.
Chú rể bỏ phố chợ vô làm vườn với tía vợ,
cất được cái nhà riêng, hai vợ chồng lo làm ăn, sống hạnh phúc mãn nhãn, sanh
liền chục đứa con, trai gái có đủ.
Tác giả TKT.
Từ trang QGHCUC
No comments:
Post a Comment