Thursday, June 30, 2022

Thói Kêu Ngạo Và Bảo Thủ - Thái Hạo

 

THÓI KIÊU NGẠO VÀ BẢO THỦ

    Thế giới vận hành tất yếu theo bản chất và quy luật khách quan. Phương Tây hiểu được điều ấy, vì thế họ mới ban bố và bảo vệ Quyền con người. Trong các quyền ấy, có quyền tư hữu mà Hồ Chí Minh dẫn lại trong Tuyên ngôn độc lập, gọi là “quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trước đây, vì duy ý chí, kiểu như “tư bản mới lạm phát, CNXH không bao giờ lạm phát”, nên mới hùng hổ rằng “không có tiền thì in ra, in ra”; cũng vì duy ý chí mà người ta lùa tất cả vào hợp tác xã, sống theo cơ chế bao cấp. Suýt chết sạch, nếu năm 1986 không kịp sửa.

Từ chỗ đang tư hữu (nửa vời), cải cách ruộng đất đã chuyển hẳn sang công hữu. Tất cả mất sạch ruộng đất, trở thành những người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Ngạo nghễ được 30 năm, đến nửa sau thập niên 80 mọi thứ mục nát hết. Thế là người ta vội vàng sửa lại cho gần với quy luật hơn. Nhưng lại là vẫn sửa nửa vời. Đến bây giờ đất đai vẫn là “sở hữu toàn dân”. Tức người dân không có quyền tư hữu.

Cái sự chống lại quy luật này đã không chỉ gây đau khổ cho hàng triệu con người suốt mấy chục năm trước Đổi mới, mà còn tiếp tục kéo dài đến bây giờ với bao nhiêu ngang trái, bất hạnh, bất công. Không những thế, chống lại quy luật tư hữu còn kéo ghì nền kinh tế xuống, khiến đất nước không ngóc đầu lên được.

Cái việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở ta thật kỳ khôi. Đầu tiên là đánh địa chủ, đánh tư bản cho tan hoang nát nhừ, sau đó thì từng bước cho “tư nhân làm giàu”, bây giờ thì vinh danh doanh nhân! Người ta không nhận ra rằng mình đã sai để mà “rộp” một cái thay đổi luôn toàn bộ, mà cứ từng bước, từng bước… trở lại cái ban đầu. Mà mỗi cái “từng bước” ấy phải mất hàng chục năm. Không vội. Cứ nghèo, cứ khổ, cứ đau thương cái đã. Đau thương mãi cho đến nay thì mới có ngày “Doanh nhân Việt Nam”, ghê chưa!

Đất đai và nông dân thì không có được cái may mắn ấy, đến bây giờ vẫn là “quyền sử dụng, không phải quyền sở hữu”.


Đã biết, đã thấy việc chống lại quy luật là chết, thế mà vẫn cứ rù rì, ê a mãi. Phải nói thẳng ra rằng, tư hữu về đất đai là tất yếu, không thể cưỡng lại được; vậy thì thay vì đến năm 2050 hay 2090 mới làm việc ấy để kéo dài thêm 30 năm – 70 năm oan trái, nghèo khổ, tang thương, thì tại sao không làm luôn bây giờ?

Những bài học còn đó, nó phơi trắng ra rồi. Nhưng cái gì làm những người cộng sản không chịu thay đổi? Tôi nghĩ không phải chỉ là vấn đề lợi ích nhóm, nó còn thuộc về thói ngạo nghễ. Không chịu thừa nhận, và làm lại, dù có tự thấy đã sai đến mười mươi.

Trong đại dịch, bao nhiêu tiếng nói đã cất lên, thống thiết, rằng không thể lùa dân cách ly kiểu ấy; không thể ngoáy mũi đại trà; không thể phong tỏa đến tê liệt…; nhưng không, họ vẫn cứ làm. Đến khi người chết, kinh tế kiệt quệ, không thể nào duy ý chí được nữa thì họ mới buộc phải thả ra. Hình như họ không biết học hỏi, không biết lắng nghe; chỉ có mấp mé bờ vực của cái chết, bó tay rồi họ mới chịu nhượng bộ. Y như thời 86, không khác.

Việc chống tham nhũng cũng thế. Rõ ràng, càng chống mạnh càng sinh ra nhiều, càng chống càng nở rộ, nhưng họ không chịu nhìn vào cái gốc của vấn đề, là cơ chế. Mà vẫn vừa trồng cây (củi), vừa đốt lò, rồi tự hào ca ngợi chính mình.

Giáo dục cũng thế, đáng ra cứ như các nước tiên tiến mà làm; nhưng không, vẫn một mình một ngựa, cục cựa, hí hoáy, mãi rồi be bét hết cả. Nhưng giáo dục là thứ mơ hồ, nó không làm chết người hay đói bụng tức thì như y tế và kinh tế, nên họ vẫn kiên trì, kiên gan, kiên quyết “đổi mới”. Đổi mới mãi, sau mấy chục năm thì thành một cái nồi lẩu thập cẩm, bền bệt, ghê ghê.

Thói bảo thủ, kiêu ngạo và không bao giờ nhận sai của họ do đâu sinh ra? Thật khó trả lời, chỉ biết rằng những thứ ấy không bao giờ có trong những đầu óc sáng láng trí tuệ. Dốt mới sinh tàn tệ.

 

Thái Hạo

NguồnBáo Tiếng Dân

304Đen – Llttm -BCT

No comments: