Friday, June 10, 2022

Nhớ Thương Bếp Lửa Cà Ràng - Lê Đại Anh Kiệt

 

NHỚ THƯƠNG LỬA BẾP CÀ RÀNG

 

Trong ca từ bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, ngập tràn hình ảnh quê hương, cố nghệ sĩ Bắc Sơn đã nhắc nhở bóng hình quen thuộc “Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau”. Cái góc nhỏ ấy đôi khi là nơi hò hẹn, tự tình của những đôi trai gái. Lời yêu thương ấm áp hơn nhờ ánh lửa bập bùng trong cái bếp Cà Ràng.

Lê Đại Anh Kiệt

 


 

Ráp 2 ông đất thành hình Cà Ràng số 8.

Ấy vậy nên ca dao có câu hóm hỉnh dẫn lời nhắn nhe của ông anh rể tương lai với đứa em vợ tương lai:

“Bếp cà ràng cào than nhúm lửa.
Nhắn chị Hai mày hé cửa anh chun”

 

Có thể anh trai đã mượn cái công dụng tất yếu, quen thuộc cào than nhúm lửa để dẩn dụ đứa em đồng lõa với mình làm công việc lệch chuẩn là “hé cửa anh chun”. Nhưng cũng có thể thằng em và cái Cà Ràng cùng là chứng nhân của câu chuyện hẹn hò giữa hai người được trưng dẫn ra để tăng thêm niềm tin cho đứa em. Vậy đó, cái Cà Ràng gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân như một thành viên không thể thiếu trong gia đình.

Dời nhà cũng phải mang theo

Ở An Giang, một trong những xứ sở khơi nguồn và sản xuất Cà Ràng, nó còn đi và thơ ca như hình ảnh, sinh hoạt đặc trưng của đời sống gia đình những người dân miền sông nước hay khách thương hồ.

“Con nước lớn cha chống xuồng
Con nước ròng, mẹ nhóm bếp cà ràng đợi gió
Con nước rong chảy tràn mùa nước nổi
Vàng bông điên điển Châu Giang”

Cà Ràng là gì mà quan trọng dzữ dzậy? Với người trẻ lứa 8x, 9x trở đi không chỉ ở Mỹ mà ngay tại Việt Nam vốn quen bếp ga, bếp điện, bếp từ thì bếp Cà Ràng là vật lạ. Nhưng với những thế vào một thời không xa, bếp cà ràng là vật dụng quen thuộc, thiết yếu của mọi gia đình ở Nam Bộ

Bác Tư – Bà mẹ Cà Mau, được con trai là nhà thơ Nguyễn Trọng Tin rước lên Sài Gòn định cư đã ra điều kiện duy nhất “Sống ở đâu cũng được nhưng phải có miếng đất trống, có cái bếp Cà Ràng cho má nấu cơm. Nấu cơm bếp điện, bếp gas gạo nở không đều, không có cơm cháy ăn không được!”

Về hình dáng, học giả Vương Hồng Sển miêu tả: “Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi”. Nói đơn giản, Cà Ràng chỉ là cái bếp làm bằng đất nung dùng để đun nấu bằng nguyên liệu củi.

Củi ở miền Nam thì phong phú, từ củi tràm, củi súc, củi đước hàng hóa chất thành thước khối bán đầy ở các bến sông. Củi tạp từ cây lá vườn nhà thậm chí là rơm rạ cũng có thể nấu trong bếp Cà Ràng.

Cà Ràng có đáy bằng đất chắc chắn lại gọn nhẹ nên có thể đặt trên nền đất, trên khuôn bếp, trên nhà sàn gỗ, trên mặt đất sình, trên các xuồng ghe, thậm chí có người còn phóng đại cho rằng Cà Ràng có thể đặt ngay trên mặt nước.

Bếp Cà Ràng có vách đất bao quanh nên tàn tro không bị vắng rớt ra ngoài không lo hỏa hoạn,

Do sự phù hợp và tiện dụng nên nó phổ biến khắp vùng Nam bộ từ đất đồng, đất rẫy, sông nước, bãi bồi đến ngay cả thành thị trước khi bếp gas phát triển vẫn dùng bếp Cà Ràng phổ biến đến tận thập kỷ 1980.

Tên Cà Ràng làm ra tên chợ Cái Răng

Thế nhưng Cà Ràng từ đâu mà có, có tự bao giờ? Các dân tộc Miền Núi hay Đồng Bằng Bắc Bộ và cả Miền Trung, Tây Nguyên thường chỉ đun nấu bếp theo hình thức ba đầu ông táo rời nhau hoặc một khung sắt hình tròn. Cà Ràng là “đặc sản” của Nam Kỳ.

Có nhà văn hóa quốc doanh ở Miền Nam giải thích rằng Cà Ràng có từ bên Xiêm (Thái Lan) thương lái đem bán ở Phnompênh và người Khmer đem về bán tại chợ Cái Răng (chợ nổi còn có tên là chợ Phụng Hiệp nằm cách Cần Thơ hơn 10km về hướng Hậu Giang, nay là chợ nổi du lịch hấp dẫn du khách). Dần dần người Khmer và người Việt ở Miền Tây ăn cắp kiểu làm theo để bán dần dần, chợ Cái Răng trở thành chợ đầu mối bán Cà Ràng và tên chợ Cái Răng đã chuyển sang tên cái bếp nói trại ra thành cái Cà Ràng.

Cố học giả Vương Hồng Sển người mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer lý giải hoàn toàn ngược lại. Trong di cảo Chuyện cũ ở Sốc Trăng mới được in sau khi ông qua đời đã ghi nhận rằng “cái cà ràng người miền Tây lâu nay vẫn hiểu là cái bếp củi, nó vốn mang tên Khmer là châng-kran – là cái lò lửa dời đi được”.

Trong quyển “Tự vị tiếng Việt miền Nam” học giả Vương dẫn giải: “Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.

Như vậy theo Vương Hồng Sển không phải tên chợ Cái Răng làm ra tên Cà Ràng mà ngược lại chính cái tên Kran đã làm ra tên chợ. Mặt khác, Cà Ràng cũng không phải xuất phát từ Xiêm La mà đã có tại vùng Thủy Chân Lạp này từ thời Vương Quốc Phù Nam hơn 1500 năm trước. Theo kết quả khảo cổ di chỉ Óc Eo ở một số địa phương như: Gò Tháp (Đồng Tháp), Ba Thê (An Giang) người ta đã tìm được những mảnh vỡ của cà ràng. Bảo tàng Cần Thơ hiện đang trưng bày tiêu bản Cà Ràng thời Phù Nam hình dạng tương tự như của người Khmer hiện nay.

Hàng trăm năm qua, giao thoa văn hóa Việt, Khmer hình dạng Cà Ràng có biến đổi nhất định theo nhu cầu sử dụng. Cà Ràng nguyên thủy của người Khmer miệng xòe rộng nên có công dụng độc đáo là vừa nấu vừa có thể cời than ra phần miệng để nướng, ủ nóng đặc biệt vách, đáy làm bằng loại đất núi đặc biệt nên nhẹ, bền chắc đến mức được phóng đại là có thể đặt nấu trên mặt nước. Nhược điểm của Cà Ràng là vách thấp quá thoáng nên hao củi và dễ bị gió lùa khi nấu ở nơi nhiều gió hoặc trên sông nước.

Người Việt đã giữ nguyên cấu trúc nhưng cải sửa hình dạng Cà Ràng với thành bếp cao, miệng bếp ngắn lại nên kín gió nhưng khi vừa nấu vừa nướng bất tiện hơn. Những cái bếp người Việt thường tự làm tại gia đình với đất sét trộn trấu và chỉ phơi khô chứ không nung. Nên bếp Việt chỉ đặt cố định một nơi chứ không di chuyển được.

Nguyên liệu đặc biệt là đất núi

Chính những ưu điểm nhẹ, chắc, tiện dụng ấy, hàng trăm năm qua, bếp Cà Ràng Khmer vẫn có mặt trên khắp chợ quê chợ tỉnh trên khắp Nam Kỳ và vẫn chỉ những làng Khmer ở vùng Bảy Núi An Giang và Ba Hòn Kiên Giang mới có nguyên liệu đất núi và những người thợ làm Cà Ràng.

Chúng tôi về làng nghề Bếp Cà Ràng Thị trấn Hòn Đất, Kiên Giang. Ngôi làng phồn thịnh với hàng trăm hộ theo nghề với hàng trăm nhà xưởng rải rác dọc bờ con rạch. Hai bên bờ rạch trải đầy những Bếp Cà Ràng mới đắp hoặc đã nung như bức tranh đầy màu sắc.

Các làng nghề Cà Ràng đã cải tiến, không chỉ giữ hình dáng nguyên thủy mà còn làm theo hình dáng giống như người Việt hoặc loại bếp cải tiến có cả ống thoát khói. Đặc biệt họ vẫn giữ nguyên liệu là đất sét và quy trình nung ủ nên Cà Ràng vẫn nhẹ nhàng, tiện lợi.

Về công nghệ, có hai cách sản xuất Cà Ràng là làm đổ đất ép cả cái Cà ràng theo khuôn và cách ráp tay từng bộ phận theo dây chuyền. Trước tiên, đất được nhào và xoay nén thành chậu tròn. Tiếp đó, người thợ cả bào ven chậu đất thật bằng mịn và loe miệng rộng ra và đưa lên giá phơi ráo. Người thợ ráp kê hai chậu đất để tiếp giáp với nhau, cắt hai phần chậu giao tiếp nhau, nối kết hai chậu thành hình khung bếp. Công đoạn cuối cùng là gắn ba núm lên đầu thành hình Cà Ràng hoàn chỉnh.

Cà Ràng đươc phơi dưới ánh mặt trời từ hai đến ba nắng sau đó đưa vào lò nung. Cà Ràng được chất thành nhiều lớp đổ trấu phủ lên bếp và un trong khoảng 8 đến 12 tiếng là thành lò thành phẩm.

Ánh lửa đêm Noël

Những chiếc Cà Ràng mới ra lò được chuyển ra bờ sông và theo ghe hàng đi tản mác khắp bốn phương về làm bạn với các gia đình theo dòng đời hàng chục thậm chí hàng trăm năm trừ phi có sự cố va quẹt nào đó chứ hiếm khi nào tự dưng đổ vỡ.

Có những chiếc Cà Ràng lưu truyền từ đời này qua đời khác là chứng nhân không chỉ một câu chuyện lứa đôi mà nhiều thế hệ lứa đôi nên thấm đậm nghĩa tình. Không riêng bà má nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mà cả má tôi cũng vậy. Dù tôi đã sắm đủ bếp gas, nồi cơm điện, lò viba sóng, lò nướng điện nhưng má tôi vẫn nhất định giữ lại cái chái bếp và mấy cái Cà Ràng.

Thỉnh thoảng bà lại kiếm cớ nào đó rất ư là vô lý như “thèm ăn cơm cháy từ nồi đất”, “món chân giò này phải hầm than riu riu mới mềm” để tự tay nhóm lửa Cà Ràng nấu nướng. Những lúc ấy chừng như tôi thấy trong mắt bà lấp láy ánh sáng reo vui phản chiếu từ bếp lửa Cà Ràng. Mới đây, đêm Noël, đám nhỏ gom về quê chơi bà lão mua bắp tươi về luộc đãi bầy cháu. Lấy cớ phải nấu bằng nồi to, bà lại nổi lửa Cà Ràng.

Bất ngờ, đám nhỏ bị hút theo bếp lửa, líu ríu bám chân bà. Ánh lửa hồng trong đêm hắt lên gương mặt mấy bà cháu thật rạng ngời, ấm áp. Tôi bất giác lấy máy bấm hình và không ngờ đó là lần cuối cùng bà nhóm lửa bếp Cà Ràng.

Lê Đại Anh Kiệt

nguồn: Nhớ thương lửa bếp Cà Ràng – Nam Kỳ Lục Tỉnh (namkyluctinh.org)

304Đen – Llttm - sgtc

No comments: